Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 37


Hơn 10 giờ, ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã Phan Rang và vùng phụ cận. Mũi tiến công của đội dự bị cũng đã chiếm được quận lỵ Phú Quý và đang hành tiến tới Cà Ná. Tuyến phòng thủ vững chắc mà Sài Gòn đặt bao nhiêu kỳ vọng vào đó đã vỡ tan như bọt xà phòng.
Sở chỉ huy binh đoàn đã cơ động vào thị xã và tạm đặt tại Tòa thị chính. Xe vừa dừng ông Đào đã lên đài gọi tiểu đoàn 4:
- Tam Đảo gọi 04! Báo cáo tình hình về ngay. 47!
Một lát sau, tiếng tiểu đoàn trưởng vọng về nghe rõ mồn một:
- 04 báo cáo! Hiện các mũi của 04 vẫn đang chốt giữ tại sân bay Thành Sơn, cảng Ninh Chữ và nam cầu Đạo Long. Đang phối hợp với bộ binh truy quét tàn binh địch. Báo cáo hết!
Một chút tò mò nổi lên trong đầu ông Đào:
- Tam Đảo gọi 04! Hiện giờ anh đang ở đâu? 47!
Tiếng Bản:
- 04 báo cáo! Hiện tôi đang ở sân bay Thành Sơn.
Ông Đào vội bóp phát, chẳng mật ngữ và chữ đúc nghiệp vụ gì nữa:
- Còn nhiều máy bay địch ở đó không?
Bản trả lời ngay:
- 04 báo cáo! Chúng tôi đã sơ bộ kiểm tra, còn hơn 30 máy bay các loại, có cái đã nổ máy rồi mà vẫn không kịp cất cánh.
Ông Đào mừng rỡ. Thật là một kết quả rất bất ngờ. Điều đó chứng tỏ tốc độ tiến công trong hành tiến của ta là rất nhanh, máy bay đã nổ máy rồi mà còn không kịp cất cánh. Ông quả quyết sải những bước dài vào ngôi nhà bề thế sơn màu kem. Ở đó, Bộ tư lệnh binh đoàn Sông Hương cùng các phái viên đang hồ hởi triển khai vị trí làm việc trong những căn phòng sang trọng. Đến cạnh tư lệnh binh đoàn, ông nói nhỏ:
- Tôi lên sân bay Thành Sơn, anh nhé!
Chừng như đang mải việc nên tướng Ân gật đầu không cần suy nghĩ:
- Vâng! Anh đi đi!- Ông Đào đã quay đi được vài bước thì tư lệnh binh đoàn gọi giật lại- Anh Đào, tàn binh địch còn nhiều, anh phải cẩn thận đấy!
Vừa ra đến xe, ông Đào đã giục Năm:
- Lên sân bay Thành Sơn!
Năm nổ máy xe nhưng vẫn chần chừ. Biết là Năm không biết đường nên ông Đào nhẹ nhàng:
- Cứ đi đi! Tớ sẽ chỉ đường cho.
Cả lái xe Năm và trợ lý chính trị Hàng đều ngơ ngác vì nghĩ rằng đây là lần đầu thày trò họ đến đây mà sao thủ trưởng lại thông thuộc đường sá như vậy. Ông Đào cười thầm: “Chỉ cần biết Thành Sơn nằm ở hướng tây bắc và cạnh con đường từ Phan Rang đi Đà Lạt là tìm được đường đi ngay mà”.
Chiếc xe con lấm láp xuyên qua những đường phố lớn một cách chậm chạp vì dòng người đổ ra đường ngày một đông. Nhiều người cầm trên tay những lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, giữa có ngôi sao vàng. Gương mặt ai cũng hồ hởi, tưng bừng như đã đón chờ ngày này từ lâu lắm rồi. Ông Đào thấy lâng lâng trong ngực vì phố xá còn gần như nguyên vẹn. Âu đó cũng là một điều may mắn.
Thị xã không lớn nên chỉ một lúc sau chiếc xe đã bắt vào đường 11 và ra đến ngoại vi. Nhà cửa đã thưa thớt dần rồi hết hẳn. Chỉ thấy những vườn nho trải dài. Trong cái nóng buổi trưa, nhìn những chùm nho đã chín mọng mà muốn ứa nước miếng. Trợ lý Hàng phàn nàn:
- Đúng là nóng như rang, thủ trưởng ạ.
Chợt nhớ lại suy nghĩ của mình ban sáng, ông Đào cười đồng tình:
- Chắc vì thế mà người ta mới đặt tên nó là Phan Rang.
Câu chuyện giữa hai thày trò ngày một rôm rả. Hàng thầm phục sự hiểu biết của thủ trưởng mình. Ông nói vanh vách về đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết của vùng đất này như một người đã từng sống ở đây lâu năm. Lại còn chuyện về nền văn hóa Chăm và những ngôi tháp Chàm nữa. Lái xe Năm vừa vặn tay lái một cách điêu luyện để tránh ổ gà vừa góp chuyện. Chợt Hàng kêu lên:
- Đằng trước có người.
Ông Đào căng mắt nhìn. Phía trước, cách chừng 500 mét, một toán khoảng hơn chục người đang đi ngang đường. Theo phán đoán của ông thì chỗ đó là nơi giao nhau giữa đường sắt với đường 11. Như vậy, nhóm người kia đang đi dọc theo đường sắt về phía nam, trông họ có vẻ hơi vội vàng. Mà không chỉ có thế, phía sau toán đi đầu còn một nhóm nữa đông hơn. Tuy nhiên, không thể nhìn rõ trang phục. Ông Đào đang định phàn nàn về thị lực của mình thì Hàng thất thanh:
- Hình như quân địch, thủ trưởng ạ!
Tiếng kêu của Hàng chưa dứt thì từ phía trước mấy họng súng đã lóe lửa. Những viên đạn cày xuống mặt đường ngay trước mũi xe chiu chíu. Phản xạ của người lính lâu năm tuy đã già nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn, ông Đào cúi rạp mình xuống trước khi một viên đạn xuyên thủng tấm kính phía trước. Lái xe Năm vừa cúi mình tránh đạn vừa bẻ hết cỡ vô lăng. Chiếc xe đang chạy nhanh gần như quay 180 độ về phía sau làm tất cả mọi người nhao hết sang phải. Những loạt đạn vẫn bắn theo tới tấp. Một bánh xe bị thủng lốp, xe nghiêng hẳn về một bên. Năm nghiến răng ghì chặt tay lái, chân vẫn nhấn mạnh ga. Chiếc xe như người bị thọt vẫn cố gắng chạy cà nhắc. Trong lúc đó Hàng loay hoay gỡ khẩu AK cố định phía sau xuống nhưng lúng túng mãi vẫn chưa cởi được dây buộc. Thêm một chiếc lốp nữa bị bắn thủng. Năm vẫn nhấn mạnh chân ga. Chiếc xe vẫn lồng lên lộc cộc như xe bò. Phía trước, một toán người xuất hiện. Ông Đào căng mắt nhìn vẫn không rõ là quân ta hay quân địch. Hàng đã gỡ được khẩu AK ra, đang định bắn về phía sau thì ông Đào gấp gáp:
- Hàng, cậu nhìn xem phía trước là quân ta hay quân địch?
Hàng quay ngoắt lại, chưa đầy một giây anh đã reo lên:
- Quân ta ạ!
Chiếc xe tiếp tục lết thêm vài chục mét nữa thì đã rõ đó là một đơn vị quân ta. Họ đang lùng sục gần đó thì nghe tiếng súng nên cơ động ra đây. Xe dừng lại, ông Đào thở ra một hơi dài. Các chiến sĩ bộ binh đã vây chặt chiếc xe, một toán nữa thì chạy lên phía đường sắt truy đuổi bọn tàn quân. Ông Đào bước xuống kinh ngạc nhìn hai chiếc lốp sau đã cháy đen, khói bốc lên khét lẹt. Hàng vẫn chưa hết run. Còn cậu chiến sĩ thông tin thì tái mét mặt. Lái xe Năm vừa thở vừa hổn hển:
- May quá, thủ trưởng nhỉ. Chỉ tý nữa thì mình chết.
Ông Đào bình thản:
- Cậu xử trí tốt lắm!

*

Trận hành tiến tiến công Phan Rang của phân đội phái đi trước của binh đoàn Sông Hương đã thắng lợi rực rỡ. Đặc biệt, tốc độ tiến công đạt mức kỷ lục: 70 ki- lô- mét một ngày, từ quận lỵ Du Long đến mũi Cà Ná sạch bóng quân thù. Quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn một vạn tên địch phòng thủ tại đây, bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh tiền phương quân đoàn 3, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn 6 không quân, chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, lữ trưởng lữ dù 2 và nhiều sĩ quan, binh sỹ khác. Tuyến phòng thủ vành ngoài tại Phan Rang mà Sài Gòn đặt nhiều kỳ vọng đã vỡ tan như bong bóng xà phòng.
Thừa thắng, tư lệnh binh đoàn Sông Hương quyết định tiếp tục hành tiến tiến công thị xã Phan Thiết với chủ lực là hai tiểu đoàn xe tăng 4 và 5 . Chỉ sau 4 giờ chiến đấu, toàn bộ quân địch ở tiểu khu Bình Thuận đã bị tan rã, thị xã Phan Thiết được giải phóng gần như nguyên vẹn.
Thấy quân ta đánh lướt qua, bọn địch ở Hàm Tân đã bỏ chạy rồi lại quay lại kêu gào “tử thủ”. Tuy nhiên, chỉ cần tiểu đoàn xe tăng 5 cùng với một trung đoàn bộ binh quay lại trong đêm đã giải quyết xong.
Ngày 20 tháng Tư, khối một của binh đoàn Sông Hương đã tới vị trí tập kết tại Rừng Lá sớm hơn quy định. Tư lệnh binh đoàn chỉ thị cho các đơn vị chuẩn bị phối hợp với binh đoàn Mê- Kông tiến công Xuân Lộc. Một không khí hết sức sôi động, khẩn trương diễn ra ở tất cả các đơn vị. Lữ trưởng Tình, lữ phó Tại chạy như con thoi để đốc thúc đội hình xe tăng chủ lực của lữ đoàn cơ động có mặt tại vị trí tập kết kịp thời gian quy định.
Sau vụ “chết hụt”, ông Đào thừa nhận mình có phần hơi chủ quan. Không dấu diếm, ông đã tự phê bình rất sâu sắc trong cơ quan Bộ tư lệnh tiền phương Thiết giáp. Ông còn nhắc các cán bộ, chiến sĩ dưới quyền phải lấy đó làm bài học, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác trong bất kỳ trường hợp nào. Mà cũng chẳng phải mình ông bị như vậy, chính tướng Ân, tư lệnh binh đoàn Sông Hương cũng bị một phen “hút chết” vì đám tàn binh. Cũng phải lái chiếc xe xẹp lốp chạy dưới làn mưa đạn hàng mấy ki- lô- mét. Gặp nhau, cả hai đều cười: “Chuyện nhỏ ấy mà. Mình còn cao số lắm”. Tuy nhiên, đối với Tư lệnh cánh quân Duyên Hải thì đó không phải là chuyện nhỏ. Ông nghiêm khắc: “Tôi cấm các anh không được chủ quan như vậy nữa. Anh nào còn để xảy ra chuyện tương tự sẽ bị kỷ luật”.
Bị khiển trách đấy nhưng ông Đào vẫn thấy vui phơi phới. Theo điện báo từ “nhà” vào thì 3 tiểu đoàn xe tăng bổ sung cho B2 đã vào đến nơi với gần 100 phần trăm quân số và trang bị. Các đơn vị đi đầu của H02 cũng đã vào đến vị trí tập kết ở Bình Dương. Còn trung đoàn H73, sau khi thu quân từ đồng bằng lên giờ cũng đã có mặt ở Dầu Tiếng. Giờ chỉ còn chờ đội hình chính của H03 dồn về Rừng Lá nữa là lực lượng xe tăng tiến công Sài Gòn sẽ “hòm hòm”. Ngoài ra, binh chủng cũng đã gửi thêm ba khung tiểu đoàn nữa vào Huế, Đà Nẵng và Nha Trang để tiếp thu xe địch, khẩn trương huấn luyện và sẵn sàng bước vào chiến đấu nếu cần. Ông Đào cảm thấy rất hài lòng về hiệu quả công tác của cán bộ, chiến sĩ dưới quyền. Những lúc như thế này mới thấy tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nhiệm vụ chung của họ. Và họ cũng linh hoạt, sáng tạo biết bao. Ông lại tự trách mình nhiều khi đã quá khe khắt đối với họ.

*

Trước sức ép từ nhiều phía, tướng Lê Minh Đảo buộc phải rút quân bỏ lại một thị xã Xuân Lộc đổ nát và hoang tàn. Tư lệnh cánh quân Duyên Hải quyết định không vào trong đó mà đặt sở chỉ huy tại một ngôi chùa nhỏ ngay cạnh ga Giá Ray ở phía bắc thị xã chừng vài ki- lô- mét. Tiền phương Thiết giáp cũng đóng đô ngay trong khu vườn rộng rãi phía sau chùa. Ngôi chùa nằm dưới chân một quả núi đất trơ trụi, lác đác đây đó những lò đốt than đang âm ỉ tỏa khói. Có lẽ dân ở đây khá nghèo nên ngôi chùa cũng rất đơn sơ, không hoa hòe hoa sói như những ngôi chùa ở các thành phố lớn khác mà các ông đã đi qua. Tuy nhiên, ông Đào lại thấy nó thật gần gũi chính vì cái vẻ đơn sơ ấy. Nó gợi cho ông nhớ về ngôi chùa của cái làng nhỏ mà từ đó ông đã ra đi. Thực tình, đã lâu ông không có dịp quay về đấy nhưng hình ảnh ngôi chùa nhỏ bé, khiêm nhường nhưng cũng hết sức cổ kính, trang nghiêm vẫn in sâu trong tiềm thức của ông. Ổn định chỗ ở xong, ông Đào kéo phó chính ủy Thu ngược ra phía Rừng Lá để kiểm tra tình hình cơ động của H03.
Qua khỏi Rừng Lá chừng hai ki- lô- mét về phía bắc đã nghe trong gió tiếng gầm gào quen thuộc của những chiếc động cơ công suất lớn. Lại thấy mặt đường rung lên nhè nhẹ, ông Đào biết đội hình xe tăng chủ lực của H03 đã đến gần nên bảo Năm dạt xe vào một bên đường. Hai người ra khỏi xe rồi đứng lại bên một hòn đá lớn ngay cạnh đường. Con đường quốc lộ số 1 ngay trước mặt đang nhộn nhịp những dòng xe quân sự không ngớt tuôn chảy về phía nam.
Chiều xuống dần. Mặt trời đã khuất sau dãy núi phía tây. Gió từ biển thổi vào xua tan dần cái nắng oi nồng làm người ta thật là dễ chịu. Từ phía bắc, những tiếng gầm gào vọng lại ngày càng to, còn mặt đất thì rung lên sầm sập như có một cơn động đất. Ông Đào nói nhỏ:
- Hai tiểu đoàn chủ lực của H03 đấy. Thế là hôm nay H03 sẽ thu đủ quân về Rừng Lá rồi.
Ông Thu gật gù mái đầu điểm bạc, giọng đầy xúc cảm:
- Thật tình, nhiều lúc tôi cứ nghĩ mình nằm mơ, anh Đào ạ.
Ông Đào gật đầu rồi cười mỉm:
- Không biết anh có tin không chứ hôm ở Đà Nẵng, đang ngủ bất thần tỉnh dậy tôi cứ nghĩ mãi không biết mình đang nằm ở đâu. Buồn cười thật.
Từ khúc cua phía bắc, những chiếc xe tăng đầu tiên đã hiện ra. Trong chạng vạng hoàng hôn, ánh sáng của chiếc đèn pha hồng ngoại được tháo kính lọc ánh sáng như một lưỡi gươm phóng về phía trước. Ông Đào lẩm bẩm:
- Mấy cậu này chủ quan thật. Sao lại tháo cả kính lọc ánh sáng ra thế kia?
Ông Thu cười tinh quái:
- Đấy là sáng kiến của mấy cậu lái xe đấy, anh ạ- Thấy vẻ ngơ ngác của tư lệnh, ông vội giải thích- Thì đèn pha của mình yếu, khi đi đêm cứ bị mấy anh ô tô ngược chiều đèn sáng hơn rọi vào làm lóa mắt không chạy được. Thế là anh em họ nghĩ ra cái bài này để chế áp. Từ hôm ấy, cứ thấy cái đèn này chiếu đến đâu là cánh lái xe ngược chiều đều biết điều dạt vào cho xa để nhường đường.
Ông Đào cũng bật cười:
- Lính ta thế mà lắm trò thật.
Những chiếc xe tăng đầu tiên đã đến ngang chỗ hai người đứng. Đường tốt, đèn sáng nên mặc dù đã tối chúng vẫn chạy với tốc độ rất cao, dễ phải đến trên 40 ki- lô- mét một giờ. Lá cờ giải phóng cắm trên ngọn ăn ten cứ ngả rạp ra phía sau bay phấp phới. Đất dưới chân hai người thì rung lên bần bật. Tiếng động cơ, tiếng xích sắt nghiến trên đường át đi mọi tiếng động. Hai người lính già đứng lặng đi trong niềm xúc động, tự hào. Tranh thủ lúc cự ly giữa hai xe đi liền nhau hơi xa một chút, ông Thu ghé sát vào tai ông Đào:
- Anh có thấy đúng như một cơn bão không?
Ông Đào trầm ngâm một lát rồi mới trả lời:
- Đúng! Nhưng đó là một cơn bão thép!
Đoàn xe tăng hơn bốn chục chiếc đã đi qua, hai người vẫn đứng yên tại chỗ. Chừng như những cảm xúc trong lòng vẫn chưa kịp lắng xuống, phó chính ủy Thu hào hứng:
- Cứ thế này thì Sài Gòn làm sao mà đứng vững nổi. Anh có thấy đúng như cụ Ức Trai đã viết không?- Ông hắng giọng rồi dằn từng tiếng, tay thì vung vẩy như đang trình diễn trên sân khấu- Đánh một trận sạch không kình ngạc. Đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to quét sạch lá khô. Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ. Hay, hay thật!
Ông Đào gật gù:
- Công nhận là hay và rất hợp với tình thế bây giờ. Tuy nhiên, theo ý tôi thì các cụ nhà ta dịch mấy câu này chưa sát nghĩa cho lắm.
Vẫn biết vốn Hán học của ông Đào khá uyên thâm nhưng lần này mới thấy ông nói chuyện văn chương nên phó chính ủy Thu tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Anh nói lại xem nào. Dịch như thế là hay quá rồi, còn gì gì nữa?
Ông Đào cười nhẹ:
- Thì tôi có nói là không hay đâu. Tôi chỉ bảo là chưa sát nghĩa lắm. Nghĩa là chưa lột tả được hết cái ý của Ức Trai tiên sinh thôi- Trầm ngâm một lát ông mới chậm rãi- Câu này, trong nguyên bản Ức Trai viết là “Chấn cương phong ư cảo diệp”. “Chấn cương phong” mà dịch là “Cơn gió to” thì cũng được nhưng chưa hết ý, có vẻ hiền lành quá.
Ông Thu thích thú nhìn người bạn lâu năm:
- Thế theo anh phải dịch thế nào mới sát?
Ông Đào thủng thẳng dằn từng tiếng:
- Phải dịch là “Trận cuồng phong”.
Ngẫm nghĩ một lát ông Thu thốt lên:
- Đúng! Phải là “Trận cuồng phong” mới sát nghĩa và hợp cảnh hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét