Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 12


         Mọi nỗi đau rồi sẽ được thời gian làm cho nguôi ngoai, toàn binh chủng lao vào học tập, công tác với một khí thế mạnh mẽ chưa từng có. Mọi người sẵn sàng làm việc ngoài giờ, làm việc ban đêm, làm việc cả chủ nhật để hoàn thành phần việc của mình có chất lượng nhất, nhanh nhất. Ở các đơn vị thời gian làm việc chủ yếu dành cho huấn luyện, việc bảo quản trang bị được thực hiện vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Còn ở các cơ quan Bộ Tư lệnh ngoài việc bám sát chỉ đạo đơn vị thì một  công việc rất quan trọng trong chỉ tiêu thi đua là tập trung biên soạn, hoàn chỉnh các loại tài liệu như trong Hội nghị tổng kết mười năm xây dựng binh chủng đã đề ra. Trong đó cơ quan tham mưu và cơ quan kỹ thuật là nặng việc nhất, các sĩ quan của hai cơ quan này nhiều đêm xoay trần ra viết lách, tranh luận đến khuya. Những tập bản thảo cứ dầy lên hàng ngày, tiếng máy chữ rào rào mải miết.
          Gần đến ngày tổng kết đợt thi đua Bộ Tư lệnh tổ chức họp Hội đồng khoa học để thông qua tài liệu do các cơ quan biên soạn. Đến sớm trước giờ họp, nhìn xấp tài liệu mỏng dính của Phòng tham mưu chủ nhiệm hậu cần- kỹ thuật Nhật châm chọc:
          - Gớm! Thấy các ông cũng tích cực ra phết cứ tưởng sẽ thu hoạch được nhiều. Thế mà mấy tháng trời chỉ được có ngần này thôi ư?
          Quả thật so với đống bản thảo của bên kỹ thuật thì mấy tập tài liệu mỏng teo của tham mưu quá là lép vế. Lật giở mấy tập bản thảo của kỹ thuật lên xem xét, ngắm nghía một lúc tham mưu phó Ba trả đũa:
          - Cái gì đây? “Sổ tay kỹ thuật xe tăng” này! “Sửa chữa xe tăng PT76 này”! Thế này mà gọi là biên soạn à? Chỉ có ngồi mà dịch như thế thì chúng tôi có cả đống- Đặt mấy tập bản thảo của kỹ thuật xuống, giơ mấy tập bản thảo của mình lên Ba tiếp- Phải như thế này mới gọi là đề tài khoa học được chứ. Đó là kết tinh của biết bao trí tuệ, mồ hôi và cả máu nữa đấy các anh ạ!
          Chủ nhiệm Nhật có vẻ bí, dù sao thì tham mưu phó Ba cũng có lý, anh vội chống chế:
          - Thế các ông tưởng chúng tôi chỉ có dịch không à? Cũng phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam đấy chứ- Giở một tập tài liệu ra Nhật chỉ vào mấy trang cuối- Đây nhé! “Bảo quản trang bị kỹ thuật trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa” này, “sửa chữa trong điều kiện dã ngoại” này. Những cái này trong bản gốc làm gì có.
          Chính ủy Ngọc vừa cùng quyền tư lệnh Đào vào đến cửa. Thấy hai bên có vẻ “căng” ông dàn hòa:
          - Thôi được rồi! Cái cơ bản là chất lượng chứ số lượng nhiều hay ít, dày hay mỏng chưa nói lên điều gì cả. Mời các anh ổn định trật tự ta chuẩn bị làm việc.
          Hội đồng khoa học của Binh chủng họp hai ngày liền. Tất cả các tài liệu do các cơ quan biên soạn đều được thông qua. Kỹ tính như quyền tư lệnh Đào mà suốt hai ngày làm việc cũng chỉ tham gia một vài ý nhỏ về câu chữ. Khi đã xong xuôi ông mới thốt lên:
          - Tốt lắm! Các đồng chí cần tiếp tục phát huy để hệ thống tài liệu của binh chủng ngày càng hoàn chỉnh. Đó là cái gốc để xây dựng chính quy, thống nhất trong huấn luyện cũng như bảo quản trang bị đấy. Tôi đề nghị Binh chủng tặng bằng khen cho cả hai cơ quan về thành tích này. Nhân đây cũng đề nghị Phòng tham mưu khẩn trương nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng và hoàn chỉnh biểu biên chế của trung đoàn xe tăng để chuẩn bị báo cáo với Bộ. Tôi nghĩ rằng sự yên ắng này sẽ không còn lâu nữa đâu.
          Phán đoán của quyền tư lệnh Đào là chính xác nhưng lại xuất phát từ một hướng khác: từ Lào. Lợi dụng mùa mưa quân phản động Lào mà nòng cốt là lực lượng đặc biệt của Vàng Pao và lính đánh thuê Thái Lan đã lấn chiếm Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng, uy hiếp trực tiếp đến vùng giải phóng. Để tăng cường lực lượng chiếm lại những vùng đã bị địch chiếm và mở rộng vùng giải phóng mặt trận Pa- thét Lào đề nghị ta giúp đỡ, trong đó có lực lượng xe tăng.
          Trung đoàn trưởng H02 Lê Xuân Kiệm mới được bổ nhiệm làm tham mưu phó đề xuất:
          - Theo tôi nhiệm vụ này nên giao cho H02 vì sau đợt công tác vừa qua anh em dưới đó cũng đã quen với địa bàn và cách đánh ở bên ấy.
          Quyết định nhanh chóng được thông qua: H02 sẽ tổ chức đưa một tiểu đoàn xe tăng sang tham gia chiến dịch. Đoàn vẫn lấy phiên hiệu là 195 và sẽ do chính ủy Hà Ngọc Võ cùng trung đoàn phó Lê Quang Sỹ chỉ huy. Quyền tư lệnh Đào thì nói chắc như đinh đóng cột:
          - Tôi sẽ đi cùng 195!
         
          ***

          Cứ tưởng quyền tư lệnh Đào chỉ nói vậy thôi không ngờ ông đi thật. Cái ý tưởng được trực tiếp chỉ huy một phân đội xe tăng tham gia chiến đấu, được tận mắt chứng kiến cấp dưới của mình cùng những con voi thép xông pha trận mạc vẫn âm ỉ trong lòng ông từ ngày ở Đường Chín- Khe Sanh ra nay lại có dịp bùng lên. Vì vậy khi được Bộ Tổng Tham mưu đồng ý ông lập tức lên đường.
          Khi đoàn 195 đang dừng chân ở Mường Xén để chuẩn bị theo đường 7 sang Lào thì quyền tư lệnh Đào vượt lên trước. Ông chỉ trao đổi ngắn gọn với chính ủy Võ và trung đoàn phó Sỹ:
          - Tôi sẽ đến Bộ Tư lệnh quân tình nguyện trước rồi sẽ xuống sở chỉ huy mặt trận làm đại diện xe tăng. Các anh đưa bộ đội sang đến vị trí tập kết quy định thì báo cáo ngay với tôi và cho bộ đội khẩn trương chuẩn bị để sẵn sàng tham gia chiến đấu ngay.
          Nhìn theo chiếc xe con đang lao vào màn đêm đen kịt chính ủy Võ lắc đầu:
          - Đúng là con người của công việc.
          Nhận xét đó của chính ủy Võ thật không sai. Đến Bộ tư lệnh quân tình nguyện nửa đêm hôm trước thì ngay sáng hôm sau ông đã đến gặp Tư lệnh để nắm tình hình và đề nghị được đi trinh sát thực địa, nghiên cứu chiến trường ngay. Vốn cũng là chỗ quen biết cũ nên khi thấy ông Đào nêu nguyện vọng Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ôn tồn:
          - Việc đâu có đó! Anh mới sang cứ nghỉ ngơi một hai ngày cho đỡ mệt.
          Quyền tư lệnh Đào lắc đầu:
          - Báo cáo anh! Hiện tại anh em chúng tôi đã tập kết ở Mường Xén rồi, chỉ hai ba ngày nữa họ sẽ đến đây. Mục đích của tôi sang trước để nắm tình hình chung và xác định kế hoạch sử dụng xe tăng. Vì vậy đề nghị anh cho biết tình hình chung và ý định sử dụng xe tăng của mặt trận thế nào.
          Đã biết tính nhau rồi nên Tư lệnh quân tình nguyện vào vấn đề ngay:
          - Thôi, được rồi! Anh vẫn cứ như ngày xưa, lúc nào cũng chỉ muốn được việc ngay- Lại gần tấm bản đồ treo trên vách hang ông cầm lấy cái que chỉ khoa một vòng- Bây giờ tôi sẽ cung cấp cho anh về tình hình chung mặt trận. Như các anh đã biết, tháng Tám vừa rồi quân phản động Lào dưới sự chỉ đạo của Mỹ đã mở cuộc hành binh “Cù Kiệt”, dịch ra tiếng Việt ta là “Rửa Hận”. Mục đích của chúng là lấn chiếm Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng, một địa bàn chiến lược có tầm quan trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế của nước bạn. Về lực lượng chúng sử dụng 44 tiểu đoàn, trong đó lấy lực lượng đặc biệt của Vàng Pao và lính đánh thuê Thái Lan làm nòng cốt với sự chi viện không hạn chế của không quân Mỹ. Vì đang là mùa mưa nên ta gặp nhiều khó khăn và bước đầu chúng đã lấn chiếm được một phần Cánh Đồng Chum. Hiện tại chúng đã xây dựng vùng này thành một hệ thống phòng thủ khá vững chắc làm bàn đạp chuẩn bị tiến sâu vào vùng giải phóng, uy hiếp căn cứ cách mạng tại Sầm Nưa. Anh có hình dung ra ý định và thế trận của địch không?
          Quyền tư lệnh Đào gật đầu:
          - Có ạ! Anh cứ nói đi, chỗ nào không rõ tôi sẽ hỏi lại.
          Tư lệnh quân tình nguyện tiếp tục:
          - Để giành lại khu vực bị lấn chiếm đồng thời mở rộng vùng giải phóng ta và bạn quyết định mở chiến dịch 139 từ cuối tháng 10 vừa qua. Dự kiến chiến dịch sẽ chia làm ba đợt. Đợt Một sẽ tiêu diệt một số cứ điểm tiền tiêu của địch và mở thông Đường Bảy. Đợt Hai sẽ sử dụng lực lượng mạnh tập trung giải phóng toàn bộ Cánh Đồng Chum. Đợt Ba sẽ tổ chức thọc sâu vào Sảm Thông- Long Chẹng, căn cứ của bọn phỉ Vàng Pao. Hiện nay đã sắp kết thúc đợt Một, ta đã tiêu diệt được một số cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ vòng ngoài của bọn chúng như Phu Nốc Cốc, Cô Luông, Phu Hoi, Bản Son và quan trọng nhất là đã mở thông đường số Bảy để đưa lực lượng vào.
          Quyền tư lệnh Đào gật gù, như vậy là đoàn 195 của ông sẽ cơ động theo đường Bảy sang Lào và chắc là sẽ được sử dụng vào đợt Hai của chiến dịch. Ông ngẩng đầu lên rời mắt khỏi cuốn sổ:
          - Vậy ý định sử dụng xe tăng của mặt trận thế nào?
          Tư lệnh quân tình nguyện mỉm cười:
          - Cứ bình tĩnh đã nào! Nhất định là phải dùng đến xe tăng của các anh rồi. Bọn tôi định thế này: trong đợt Hai chiến dịch sẽ sử dụng xe tăng các anh làm lực lượng thọc sâu. Xe tăng cùng với bộ binh và tạo điều kiện cho bộ binh nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã quân địch để chiếm lại toàn bộ Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng. Nhiệm vụ trước mắt là tiêu diệt Noọng Pẹt- Ông dí đầu que chỉ vào một điểm nằm ở rìa hệ thống phòng thủ của địch- để mở đường đưa lực lượng của ta vào theo đường số Bốn. Nhiệm vụ tiếp theo là phát triển theo đường số Bảy và đường số Bốn tạo thành hai gọng kìm đánh vào trung tâm Cánh Đồng Chum, sau đó sẽ phát triển tiếp về Mường Phần, Mường Sủi.
          Quyền tư lệnh Đào hỏi lại:
          - Như vậy là chiến dịch sẽ được tiến công trên hai hướng: hướng đường Bảy và hướng đường Bốn.
          Tư lệnh quân tình nguyện gật đầu xác nhận:
          - Đúng vậy! Trong đó hướng đường Bảy là hướng chủ yếu, còn hướng đường Bốn sẽ là hướng thứ yếu. Nói chung cả hai hướng địch đều phòng ngự khá vững chắc, vì vậy đều rất cần đến sức đột kích của xe tăng.
          Quyền tư lệnh Đào mhìn đăm đăm vào tấm bản đồ suy nghĩ một lát rồi quay về phía tư lệnh quân tình nguyện:
          - Báo cáo anh! Chúng tôi hiện chỉ có một đại đội xe tăng và một đại đội thiết giáp bánh hơi, mỗi thứ có ưu điểm và nhược điểm riêng. Tuy nhiên qua rút kinh nghiệm từ trận Tà Mây- Làng Vây chúng tôi đã đúc rút ra một nguyên tắc trong sử dụng xe tăng là phải sử dụng tập trung trên hướng chủ yếu và mục tiêu chủ yếu. Có như vậy mới phát huy cao nhất được những ưu điểm và tăng khả năng đột phá của xe tăng. Vì vậy đề nghị anh nghiên cứu lại, có lẽ ta nên sử dụng tập trung cho hướng chủ yếu thôi.
          Tư lệnh quân tình nguyện lắc đầu:
          - Không được! Như tôi đã nói ở trên, cả hai hướng chúng đều tổ chức phòng ngự khá vững chắc nên tôi mới cần đến sự đột phá của các anh chứ.
          Quyền tư lệnh Đào cố bảo vệ ý kiến của mình:
          - Tất nhiên có xe tăng đi cùng thì khả năng đột phá sẽ cao hơn nhưng theo tôi nếu ta sử dụng tập trung trên hướng đường Bảy tốc độ tiến công sẽ cao hơn cũng sẽ hỗ trợ được cho hướng kia.
          Tư lệnh quân tình nguyện dứt khoát:
          - Không dài dòng nữa! Anh muốn làm thế nào thì làm nhưng trên cả hai hướng chiến dịch đều phải có xe tăng. Đó là mệnh lệnh đấy!
          Biết là không thể tranh luận được với người chỉ huy cao nhất ở chiến trường này nên sau một lát tính toán quyền tư lệnh Đào đành chấp nhận:
          - Vậy thì tôi sẽ cho biên chế lại hai đại đội trên thành hai đại đội hỗn hợp để sử dụng trên hai hướng.  Như vậy mỗi đại đội sẽ gồm một trung đội xe tăng và một trung đội xe thiết giáp. Tuy nhiên tôi sẽ ưu tiên hơn cho hướng chủ yếu. Anh thấy thế có được không?
          Tư lệnh quân tình nguyện tươi cười:
          - Như thế mới được chứ! Anh cứ thế mà làm, anh em ở các đơn vị rất mong có xe tăng đấy!
          Quyền tư lệnh Đào đứng dạy:
          - Nếu anh đã đồng ý vậy thì tôi sẽ truyền đạt ngay xuống đơn vị để anh em tổ chức lại đội hình. Còn tôi thì xin phép anh đêm nay tôi sẽ đến sở chỉ huy chiến dịch để nắm tình hình cụ thể.
          Tư lệnh quân tình nguyện gật đầu:
          - Tôi đồng ý! Anh Hữu tư lệnh chiến dịch đang ở trên đó. Anh lên đấy và bàn bạc cụ thể với anh ấy về cách sử dụng sao cho hiệu quả nhất.
          Bắt chặt tay người chỉ huy quân tình nguyện quyền tư lệnh Đào quày quả trở về chỗ của mình. Mặc dù không thật thoải mái lắm với quyết định đó nhưng ngay lập tức ông viết điện thông báo ý định của chiến dịch cho đoàn 195, yêu cầu 195 tổ chức lại đội hình và nhờ thông tin của mặt trận gửi đi trong phiên liên lạc sớm nhất.



KHÔNG THỂ QUÊN EM

                    Nhân ngày 27.02

Em đứng lặng im bên bàn mổ
Gương mặt dịu dàng thoáng chút đăm chiêu
Người chiến sĩ nuốt từng hơi thở nhỏ
Đôi mắt nhìn chan chứa tin yêu.

Giặc muốn cướp của anh sự sống
Em giữ cho đời một nhành hoa
Giặc muốn máu của anh đổ xuống
Bàn tay em vá lành lại thịt da.

Anh đã được trở về đội ngũ
Ôm súng vào lòng xốc tới tiền phương
Mọi thứ qua đi nhưng anh không thể
Quên em-
               Người thày thuốc-
                                          Tình thương.

Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật và thiên nhiên

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

ĐƯA BÀN MỔ LÊN XE THIẾT GIÁP, MỘT SÁNG KIẾN ĐỘC ĐÁO

Thực tế đã chứng minh, trạm phẫu đặt trên xe thiết giáp cơ động lên sát mặt trận để cấp cứu thương binh sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ thương vong trong chiến đấu.

Xe thiết giáp BTR-50PK. Ảnh minh họa.
Xe thiết giáp BTR-50PK. Ảnh minh họa.

Ý tưởng đó đã được thực hiện ở Trung đoàn Bộ binh cơ giới (BBCG) 202 tại mặt trận Quảng Trị 1972, khi đưa các đội phẫu lên xe thiết giáp BTR-50PK.
BTR-50PK là xe gì?
Đó là xe thiết giáp chở bộ binh bơi nước được chế tạo dựa trên nguyên mẫu xe tăng bơi PT-76.
Ta hãy hình dung chiếc xe tăng bơi PT-76 cắt bỏ tháp pháo, vị trí của trưởng xe và xạ thủ được đẩy lên phía trước song song với lái xe, còn toàn bộ khoang chiến đấu của xe trở thành khoang chở bộ binh.
Với diện tích như vậy, xe BTR-50PK có thể chở 1 tiểu đội bộ binh 12 người cùng trang bị (trong thực tế xe có thể chở tối đa đến 20 chiến sĩ). Vũ khí trong biên chế của xe chỉ có 01 khẩu trung lên RPD-M.
Khi hoạt động dưới nước, xe có khả năng bơi với tốc độ tối đa 11 km/h.
 Trung đoàn BBCG202 được trang bị hỗn hợp BTR-50PK và xe tăng lội nước PT-76 trước giờ xuất trận.
Trung đoàn BBCG202 được trang bị hỗn hợp BTR-50PK và xe tăng lội nước PT-76 trước giờ xuất trận.
Xe được trang bị cho các đơn vị bộ binh cơ giới của Liên Xô và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Hàng nghìn chiếc BTR-50 đã được Liên Xô chế tạo trong giai đoạn 1954-1970.
Nhìn chung, xe đáp ứng được nhiệm vụ chở và bảo vệ bộ binh trước sự sát thương của vũ khí bắn thẳng và mảnh bom pháo trên mọi loại địa hình. Tuy nhiên, có nhược điểm là BB khi ra vào xe phải qua cửa nóc xe nên khá nguy hiểm.
Năm 1971, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam loạt xe BTR-50PK đầu tiên và chủ yếu được biên chế vào Trung đoàn BBCG 202. Đây là trung đoàn BBCG đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng trên cơ sở Trung đoàn xe tăng 202.
Với đặc điểm biên chế, trang bị hỗn hợp cả xe tăng lẫn xe bọc thép chở bộ binh, người ta kỳ vọng trung đoàn có thể độc lập chiến đấu trong thời gian dài trên mọi loại địa hình, đặc biệt có thể thực hiện các trận thọc sâu chiến dịch với chiều sâu vài chục km.
Trong điều kiện như vậy, việc sơ cấp cứu thương binh sẽ rất khó khăn, nhất là khi ta chưa được trang bị xe cứu thương bọc thép chuyên dụng.
Để giải quyết vấn đề này, 2 chiếc BTR-50PK đã được cải tiến trở thành 2 xe phẫu lưu động để có thể bám sát đội hình chiến đấu.
 Xe bọc thép BTR-50PK. Ảnh minh họa.
Xe bọc thép BTR-50PK. Ảnh minh họa.
Xe phẫu được cải tiến thế nào?
Để trở thành xe phẫu thuật lưu động, xe bọc thép BTR-50PK có một số cải tiến nhỏ sau:
Bổ sung 1 tấm nóc phụ có kích thước tương đương với 2 tấm cửa nguyên thủy. Tấm nóc này có bản lề và khớp nối để lắp với 2 tấm cửa kia.
Khi lắp chúng với nhau 2 tấm cửa nguyên thủy sẽ nâng lên khoảng 45 độ, đảm bảo đủ chiều cao cho kíp phẫu thuật đứng làm việc bởi chiều cao nguyên thủy không cho phép người có chiều cao trung bình đứng thẳng.
Phía dưới tấm nóc phụ được gắn 01 đèn mổ sử dụng nguồn điện xe tăng (24V). Ngoài ra còn có nguồn cấp điện từ 1 đi-na-mô đạp chân. Các hàng ghế ngồi bộ binh trong xe được dỡ bỏ. Thay vào đó lắp các tủ đựng quần áo vô trùng, bông băng, thuốc và dụng cụ.
Về trang bị chuyên môn của xe phẫu gồm có: 01 bàn mổ dã ngoại, mặt nhôm, có thể gấp lại được khi cần thiết. 01 bộ đồ “trung phẫu”.
Về biên chế trên xe gồm có: Thành viên kíp xe 2 người với Trưởng xe (kiêm xạ thủ RPD-M) và lái xe. Kíp mổ gồm: 1 bác sĩ (phẫu thuật viên chính), 2 y sĩ, 2 y tá, 01 hộ lý.
Ngoài ra, trên xe còn trang bị vũ khí cá nhân cho các thành viên kíp mổ.
Với trang bị và biên chế như vậy, xe phẫu có thể bám sát đội hình chiến đấu của lực lượng Tăng-Thiết giáp và kịp thời cấp cứu thương binh trong thời gian nhanh nhất. Sau đó số thương binh này sẽ được bàn giao cho bộ phận tải thương chuyển về phía sau.
Trong đợt 1 và đợt 2 của chiến dịch Quảng Trị năm 1972, 2 xe phẫu của Trung đoàn BBCG 202 đã được đưa vào sử dụng và đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 1972, khi ta chuyển sang phòng thủ thì nhiệm vụ cấp cứu thương binh lưu động không cấp thiết nữa, mặt khác do trang bị chiến đấu bị thiếu hụt nhiều… 2 xe này lại được “trả lại tên” và đưa về các đơn vị chiến đấu.
Thời gian phục vụ của 2 xe phẫu lưu động tương đối ngắn, song cũng cho phép rút ra những  bài học kinh nghiệm cần thiết đối với công tác bảo đảm quân y cho bộ đội Tăng – Thiết giáp sau này.
(Theo Trí Thức Trẻ)

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

TẠ LỖI VỚI "TRI ÂN"

Hôm nay, bà con xóm “TRI ÂN CUỘC ĐỜI” khu vực Chí Linh mở hội xóm, mình vinh dự được là khách mời song thật không may “ngọc thể bất an”. Vừa thiệt, vừa thấy mình có lỗi... nên xin có mấy lời tạ lỗi:

Cuối Giêng trời đất đậm màu Xuân
Xóm Chí Linh mình hội Tri Ân
Điểm lại thành công năm tháng cũ
Giao lưu thơ nhạc đón tân nhân
Giấy mời còn đó, mà đành chịu
Thân ốm không về, chẳng có phần
Đành hẹn gặp nhau vào dịp khác
Bởi Tri Ân đó- bốn mùa Xuân!

Nếu bà con thấy chưa thỏa đáng thì xin thêm một vế đối nữa:


Lỗi hẹn “Tri Ân”, không được nói, chẳng được ăn, thiệt kép thiệt đơn, la oai oái.  

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 11


         Chỉ ít ngày sau Bộ Tổng Tham mưu đã có Chỉ thị về việc giúp đỡ Quân giải phóng nhân dân Lào và làm tham mưu cho Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam về sử dụng xe tăng gửi xuống binh chủng. Do đã có chuẩn bị trước nên việc triển khai thực hiện của binh chủng rất nhanh chóng. Một đoàn hơn ba mươi cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn H02 do đích thân trung đoàn trưởng Lê Xuân Kiệm dẫn đầu đã lên đường sang nước bạn. Đoàn xuất phát vào đúng dịp sinh nhật Bác Hồ nên lấy phiên hiệu là đoàn 195.
          Mặc dù bị không quân địch ngăn chặn nhưng chỉ sau ba ngày, ba đêm đoàn đã có mặt tại sở chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Người ra đón đoàn chẳng phải ai xa lạ mà chính là Đỗ Văn Hảo, một cán bộ của binh chủng được cử sang Lào làm chuyên gia về tăng thiết giáp. Người cùng trung đoàn cũ nên gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hàn huyên một lúc thì Kiệm bảo Hảo:
          - Bây giờ cậu cho tớ biết tình hình bên này đi! Anh em vừa mới sang còn lạ lẫm lắm, mà hình như tình hình bên này khá phức tạp phải không?
          Hảo tươi cười:
          - Báo cáo anh! Thực ra tôi ở đây đón các anh cũng là muốn cung cấp tình hình cho các anh rõ ngay khi mới sang, căn cứ vào đó để các anh lập kế hoạch công tác cho phù hợp.
          Kiệm sốt ruột:
          - Biết rồi! Cậu báo cáo ngay đi!
          Hảo vẫn điềm tĩnh:
          - Trước hết xin báo cáo với anh về tình hình chung bên này. Nói chung chính trường bên này khá phức tạp, rất nhiều lực lượng tham gia. Về phía ta, cứ tạm gọi như thế thì có lực lượng của Mặt trận Pa- thét Lào và lực lượng trung lập. Còn phía bên kia có quân đội Hoàng gia, quân đội đánh thuê Thái Lan và lực lượng đặc biệt của Vàng Pao nhưng đều do Mỹ nuôi dưỡng và chỉ huy. Đáng chú ý trong số này có lực lượng đặc biệt Vàng Pao, bọn chúng hoạt động theo kiểu thổ phỉ và rất hung hãn. Hiện nay chúng đang tổ chức các cuộc tiến công nhằm mở rộng vùng kiểm soát. Thực hiện âm mưu đó chúng đã đánh chiếm được Mường Sủi và các khu vực xung quanh làm bàn đạp tiến công Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng.
          Kiệm cắt ngang:
          - Thôi! Bây giờ cậu cho tớ biết ngay về tình hình xe tăng bên này xem nào!
          Đã biết Kiệm là người nóng tính, hay sốt ruột nên Hảo pha trò:
          - Gớm! Anh vẫn cứ như ngày xưa, lúc nào cũng cứ sốt sồn sột cả lên! Về lực lượng tăng thiết giáp của bạn nhìn chung là còn rất mỏng, xe thì chủ yếu là PT76 do Liên Xô viện trợ trước đây. Tuy nhiên trình độ kỹ thuật cũng như tính kỷ luật của bộ đội thì nói thực ra là rất yếu kém. Công tác bảo đảm cũng manh mún, không chính quy nên xe cộ xuống cấp, hư hỏng nhiều.
          Kiệm gật đầu:
          - Thôi, được rồi! Ngày mai anh dẫn chúng tôi đi khảo sát cụ thể rồi mới lên kế hoạch sửa chữa được.
          Dẫu có giầu trí tưởng tượng đến đâu Kiệm cũng không thể hình dung ra được xe pháo của bạn lại “nát” đến như vậy. Sờ đến xe hỏng đằng xe, sờ đến vũ khí, điện đài hỏng đằng vũ khí, điện đài. Tất cả pháo trên xe từ ngày nhận về chưa một lần kiểm tra, bổ sung hay thay dầu hãm lùi, đẩy lên. Thế này mà đem bắn thì chỉ có chết cả nút. Nhưng khi hỏi đến khí tài, vật tư thì chỉ nhận được những cái lắc đầu: “không có, không biết ở đâu”. Không còn cách nào hơn Kiệm ngán ngẩm bảo cậu trợ lý kỹ thuật:
          - Thôi thì cứ kiểm tra, ghi chép lại tình trạng kỹ thuật của từng xe, hỏng hóc những bộ phận nào rồi thống kê xem nhu cầu từng loại vật tư cần bao nhiêu. Sau đó sẽ đi tìm, nếu cần thì điện về nhà chở sang.
          Thực ra thì vật tư của bạn không thiếu, chỉ có điều công tác thống kê, quản lý thiếu chặt chẽ và khoa học nên không biết đâu mà lần. Chỉ qua gần một tuần lùng sục ở mấy cái kho quanh đó quân của Kiệm đã tập hợp đầy đủ, có phần còn dư dật các loại vật tư, khí tài cần thiết. Thêm hai tuần làm việc cật lực nữa đoàn của Kiệm đã khôi phục hoàn chỉnh gần chục xe tăng PT76 cho bạn. Kiệm bảo Hảo:
          - Cậu ở bên này cần chú ý giúp cho bạn về công tác quản lý. Phải xây dựng và duy trì thực hiện đầy đủ chế độ bảo quản, bảo dưỡng nữa chứ cứ như thế này thì chẳng mấy chốc lại trở thành đống sắt vụn.
          Hảo gật đầu:
          - Tôi xin tiếp thụ ý kiến của anh. Thực ra việc này tôi đã làm nhưng anh em trình độ văn hóa thấp, tiếp thu rất khó khăn. Ngoài ra như đã nói với anh ý thức tổ chức kỷ luật của họ cũng yếu, thích thì làm chết thôi, còn không thích thì mặc kệ.
          Hai anh em đang trao đổi công việc thì một người tầm thước bước vào, Hảo vội đứng dạy đứng nghiêm chào và giới thiệu với Kiệm:
          - Xin giới thiệu với anh đây là đồng chí Tổng Tư lệnh Quân đội giải phóng nhân dân Lào. Còn xin giới thiệu với đống chí đây là đồng chí Lê Xuân Kiệm, đoàn trưởng đoàn cán bộ, nhân viên kỹ thuật của binh chủng Thiết giáp Việt Nam cử sang giúp ta khôi phục số xe tăng bị hư hỏng.
          Người đứng đầu quân đội cách mạng Lào thân mật bắt tay Kiệm, ông hỏi anh bằng thứ tiếng Việt rất chuẩn:
          - Đồng chí có khỏe không? Sang đây ăn uống có hợp khẩu vị không?
          Kiệm hơi ngỡ ngàng trước dáng vẻ, phong thái cũng như khả năng nói tiếng Việt của người chỉ huy quân đội bạn. Anh thấy có cái gì đó thật gần gũi như khi anh được tiếp xúc với người anh Cả của quân đội Việt Nam. Kiệm đứng dậy lễ phép:
          - Báo cáo đống chí! Chúng tôi sang đây cũng như đang ở Việt Nam thôi ạ. Anh em đều khỏe, ăn uống đầy đủ và ngon miệng- Điều này thì anh nói thật vì anh vốn là người dễ tính, ăn uống thế nào cũng được và ăn rất khỏe.
          Chuyên gia Hảo xen vào:
          - Báo cáo đồng chí! Sau gần hai mươi ngày làm việc tích cực đoàn của anh Kiệm đã giúp “ta” khôi phục được 9 xe PT76 hoàn chỉnh, có thể bước vào chiến đấu được ngay.
          Người chỉ huy quân đội cách mạng Lào lại đưa tay bắt tay Kiệm:
          - Xin cảm ơn đồng chí và toàn thể anh em trong đoàn- Ông hơi trầm giọng xuống- Đồng chí thông cảm, anh em chiến sĩ của chúng tôi còn nhiều hạn chế nên đã để xảy ra tình trạng này. Đồng chí Hảo ở bên này đã cố vấn cho chúng tôi nhiều nội dung nhưng chuyển biến còn rất chậm. Tôi mong rằng lần này ngoài việc giúp chúng tôi khôi phục xe cộ các đồng chí nên dành thời gian huấn luyện thêm cho anh em. Và nếu có điều kiện thì giúp anh em đánh một vài trận cho vững vàng rồi hãy về. Còn trưa nay mời các đồng chí trong đoàn ăn với tôi một bữa cơm “xa- ma- khi”. Thế nhé! Hẹn trưa gặp lại.
          Ông nói và bắt tay hai người rồi đi ra. Còn lại hai anh em ngồi lặng phắc, một lúc sau Hảo mới lên tiếng:
          - Ý kiến của đồng chí ấy như thế anh thấy thế nào?
          Kiệm hơi gắt:
          - Còn thế nào nữa? Đồng chí ấy nói thì cũng như Bộ trưởng của ta nói, đó là mệnh lệnh. Chiều nay tôi với cậu sẽ lên gặp các anh ở Bộ tư lệnh quân tình nguyện để tìm hiểu kỹ hơn về địch. Trên cơ sở đó ta sẽ lựa chọn mục tiêu và sẽ tổ chức cho anh em người ta đánh một vài trận.
          Hảo mừng rỡ:
          - Thế thì tốt rồi! Bây giờ ta sang ăn cơm đi không các đồng chí ấy chờ.
          Bữa cơm của Tổng tư lệnh quân giải phóng nhân dân Lào chiêu đãi đoàn cán bộ, chiến sĩ xe tăng có đủ các món ăn Lào- Việt và diễn ra thật vui. Riêng với Kiệm chưa khi nào anh thấy ngon miệng đến thế.
          Ngay chiều hôm ấy Kiệm và Hảo tới sở chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Khi được biết ý định của Kiệm sẽ cho đại đội xe tăng của Quân giải phóng nhân dân Lào tham gia đánh một số trận Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam rất phấn khởi, ông nói ngay:
          - Mục tiêu thì nhiều nhưng hiện nay có một mục tiêu mà chúng tôi cần giải quyết ngay là căn cứ pháo binh Nậm Soong. Ở đó nó có hơn chục khẩu pháo từ 105 đến 155 mi- li- mét của quân Thái Lan. Bọn này nó tác oai tác quái lắm, hứng lên lúc nâò là nó giã vào đầu mình lúc đó. Nó lại được bảo vệ nghiêm ngặt. Nói chung nó là một căn cứ hỏa lực khá mạnh. Nếu các anh đồng ý thì tôi sẽ điều thêm một đại đội quân tình nguyện cùng tham gia chiến đấu.
          Được lời như cởi tấm lòng, Kiệm và Hảo trở về tiến hành công tác chuẩn bị. Tuy nhiên khi bước vào chuẩn bị mới thấy phát sinh nhiều khó khăn: 9 xe mới khắc phục được thì có 6 xe của quân giải phóng Lào, còn 3 xe của lực lượng trung lập. Ngay trong 6 xe của quân giải phóng thì trình độ cán bộ, chiến sĩ cũng không đồng đều. Kiệm quyết định sẽ chỉ sử dụng 6 xe của quân giải phóng hình thành một đại đội, trong đó cài vào hai kíp xe của ta. Việc chỉ huy đại đội vẫn để bạn làm, còn chỉ huy xe tăng tại sở chỉ huy anh sẽ trực tiếp đảm nhiệm. Rất may là cán bộ đại đội của bạn đều biết tiếng Việt nhưng Kiệm yêu cầu hai kíp xe của ta phải cấp tốc học tiếng Lào để liên lạc được với bạn qua đài vô tuyến. Còn lại anh bố trí cán bộ xuống huấn luyện thêm cho bạn về chiến thuật.
          Ấy thế mà cái đại đội liên quân có vẻ như vá víu ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngay lần xuất quân đầu tiên họ đã tiêu diệt căn cứ pháo binh Nậm Soong. Thừa thắng xông lên Kiệm đề nghị cho sử dụng xe tăng tiến công Bản Khai. Đây là một cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ Mường Sủi. Kết quả thật mỹ mãn. Xe tăng của đại đội đã dũng mãnh thọc sâu, dẫn dắt bộ binh và các lực lượng khác làm chủ Bản Khai sau gần một giờ nổ súng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Mường Sủi. Hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, cuối tháng Tám đoàn 195 về nước.

            ***

          Tháng Chín năm 1969. Một tin sét đánh đến với mọi người dân Việt Nam: Bác Hồ đã mất. Không biết có phải Đất Trời cũng tỏ lòng tiếc thương người con vĩ đại của dân tộc mà đổ mưa tầm tã suốt mấy ngày. Cái xóm nhỏ ven chân Tam Đảo cũng ngập trong tang tóc, đau thương, những tàu lá cọ cứ rũ xuống trong màn mưa như những ngọn quốc kỳ treo rủ.
          Từ lúc được chủ nhiệm chính trị Thu báo tin này quyền tư lệnh Đào vẫn ngồi thu lu trên ghế để mặc hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má. Từ khi vào quân ngũ đây là lần thứ hai ông khóc trước mặt người khác. Nhưng hình như chủ nhiệm chính trị Thu cũng chẳng để ý gì đến điều đó vì chính ông cũng đang sụt sùi, hai mắt mọng đỏ.
          Đối với quyền tư lệnh Đào, Bác Hồ không phải là một con người bình thường mà là một vị Thánh. Có chút chứ nghĩa trước khi tham gia cách mạng ông thấu hiểu những khó khăn mà phong trào cách mạng đang phải đối mặt. Thế mà như có phép tiên, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng mà đứng đầu là Bác toàn dân ta đã giành lại độc lập cho dân tộc từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp để lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thế rồi  nhà nước non trẻ đó lại như “trứng để đầu đẳng” trước cuộc xâm lăng lần thứ hai của giặc Pháp. Nhưng rồi một lần nữa đất nước ta lại vượt qua tất cả khó khăn để làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, bắt một đế quốc hùng mạnh như Pháp phải chấp nhận thất bại. Để lãnh đạo một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu lập nên những kỳ tích đó theo ông dứt khoát không phải người phàm mà phải là một vị Thánh.
          Chính vì vậy dù được tận mắt nhìn thấy Bác đến úy lạo và nói chuyện với bộ đội sau chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng niềm tin của ông vẫn không thay đổi. Lúc đó Đào đang là trung đoàn phó một trung đoàn bộ binh chủ lực nên đứng ngay hàng đầu. Khi Bác và Đại tướng Tổng Tư lệnh đi dọc theo hàng quân chào các đơn vị để ra về, trung đoàn phó Đào bất giác có một quyết định hết sức bất ngờ: “phải sờ bằng được vào người Bác xem có đúng Bác là người không hay là thần thánh”. Nghĩ là làm, lúc Bác đi ngang qua trước mặt Đào vươn người ra phía trước để chạm tay vào Người. Nhưng bộ phận bảo vệ đã không cho anh thực hiện ý định, ngay lập tức Đào bị bắt giam và xét hỏi. Người ta nghi cho anh là Việt gian, có ý định ám sát lãnh tụ.
          Thật may cho Đào, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện. Ông không tin một trung đoàn phó đã tham gia cách mạng từ khi còn trứng nước lại có thể làm chuyện ấy nên đã để tâm tìm hiểu kỹ. Khi biết ý định thực của người cán bộ trẻ tuổi đó Tổng Tư lệnh đã ra lệnh thả Đào ra. Và còn hơn thế nữa: sau khi được ra khỏi trại giam một cán bộ đến bảo Đào đi theo anh ta. Đến trước một căn lán nhỏ đơn sơ giữa rừng anh ta bảo anh đứng chờ rồi vào báo cáo. Một lát sau anh ta ra hiệu cho Đào vào. Đào đã không tin vào mắt mình nữa: bên bộ bàn ghế tre kê giữa nhà là Tổng Tư lệnh và... Bác Hồ. Xúc động không nói lên lời Đào đứng ngây ra như tượng. Tổng Tư lệnh nhỏ nhẹ nói:
          - Đồng chí vào đây!- Rón rén từng bước Đào tiến vào trong lán đến sát bộ bàn ghế thì đứng lại, Đại tướng quay sang phía Bác tiếp tục- Thưa Bác, đồng chí đó đây ạ!
          Bác mỉm cười độ lượng, đôi mắt hiền từ nhưng như đọc được hết tâm can người đối diện. Người khẽ hỏi:
          - Có phải chú định sờ vào người Bác phải không? Thế chú định sờ vào làm gì?
          Lấy lại bình tĩnh Đào ngập ngừng nói:
          - Thưa Bác! Cháu muốn sờ vào người Bác để xem Bác là Người hay là thánh thần ạ!
          Bác cười, chòm râu dài rung rung như cũng cười rồi Người đưa tay ra:
          - Nào, bây giờ thì chú sờ đi!
          Đào xúc động gần như khuỵu gối xuống, anh đưa tay ra chạm vào tay Bác, bàn tay Người nắm lại như bắt tay anh. Rồi tiếng Người hồn hậu vang lên:
          - Chú có thấy Bác đúng là người không?
          Đào đứng thẳng dậy bẽn lẽn:
          - Dạ! Đúng ạ!
          Bác lại cười:
          - Vậy sao chú nghĩ Bác là thánh thần?
          Ngẩn ra một lát Đào mới cất được lời:
          - Thưa Bác! Cháu nghĩ người thường thì không thể lãnh đạo được dân tộc ta vượt qua bao khó khăn để giành thắng lợi như ngày nay được ạ!
          Bác hơi nghiêm mặt lại:
          - Chú thấy rồi đấy! Bác cũng là người bằng xương, bằng thịt, cũng máu đỏ, da vàng như chú Văn, như chú và mọi đồng bào, chiến sĩ cả nước- Giọng Người hơi trầm xuống, nhấn mạnh từng tiếng- Còn để làm được như thế thì phải học. Chú biết không? Phải học! Nhất là các chú, còn trẻ như vậy lại càng cần phải học nhiều hơn. Chú nhớ chưa?
          Đã bình tâm hơn Đào nói nhanh:
          - Thưa Bác! Cháu nhớ rồi ạ! Thực ra cháu cũng biết vậy nhưng chúng cháu đang phải chỉ huy đơn vị, không có thời gian để đi học ạ.
          Lần này thì Bác nói nhỏ nhưng rất rành rẽ:
          - Chú chưa hiểu ý Bác rồi. Có phải cứ cắp sách đến trường mới là học đâu! Người ta không chỉ học trong trường lớp mà còn phải học trong sách vở, học ở thực tế, học lẫn nhau và nhất là học ở dân. Chính nhân dân là kho tàng tri thức vô tận mà nếu biết khai thác chúng ta sẽ trở thành vô địch- Giọng Bác trở lại hiền từ- Bây giờ thì chú thỏa mãn rồi chứ? Thế thì chú về đi! Cố gắng học hỏi nhiều để lãnh đạo đơn vị cho tốt.
          Mấy phút ngắn ngủi được ở bên Bác trở thành một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ông Đào. Mặc dù biết chắc chắn Bác là người chứ không phải thánh thần nhưng ông vẫn nhất quyết cho rằng đó là một Con Người phi thường. Và những lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của ông. Ông lao vào học hỏi không biết mệt và cái vốn tri thức mà ông có được hôm nay chính là kết quả cả quá trình ấy.
          Thế mà hôm nay Bác đã đi xa! Tổn thất này là quá lớn lao đối với dân tộc cũng như đối với bản thân ông Đào. Ông tự hứa với mình từ nay sẽ phải làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn nữa sức lực và trí tuệ cho Đảng, cho dân.
          Chiều hôm đó nhà ăn cơ quan vắng tanh. Nhiều người đã bỏ cơm, trong đó có cả quyền tư lệnh Đào, chính ủy Ngọc. Còn mưa cứ tầm tã suốt đêm.
          Ngày hôm sau Bộ Tư lệnh bàn việc chuẩn bị tổ chức Lễ truy điệu Người Cha Già dân tộc một cách thật trọng thể. Chính ủy Ngọc mời quyền tư lệnh Đào và chủ nhiệm chính trị Thu đến trao đổi. Ông nói trong nước mắt:
          - Đau thương thì cũng đau thương rồi, mất mát cũng mất mát rồi. Bây giờ ta phải làm thế nào để lấy lại khí thế cho đơn vị các anh ạ?
          Chủ nhiệm chính trị Thu gật đầu đồng tình:
          - Tôi đồng ý với anh Ngọc. Khí thế các đơn vị trầm quá mà sắp đến kỷ niệm mười năm thành lập Binh chủng rồi.
          Chính ủy Ngọc đưa ra ý kiến:
          - Theo tôi, nhân dịp lễ truy điệu Bác ta phát động một đợt thi đua đột kích chào mừng kỷ niệm mười năm thành lập Binh chủng với những chỉ tiêu thật cụ thể. Chủ đề của đợt thi đua có thể là: “Biến đau thương thành hành động cách mạng, thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, bảo quản trang bị tốt, sẵn sàng chiến đấu cao”- Thấy quyền tư lệnh Đào vẫn lạnh tanh chính ủy Ngọc hỏi lại- Ý kiến anh Đào thế nào? Chúng tôi định làm thế anh thấy có được không?
          Quyền tư lệnh Đào mặt vẫn lạnh băng nói một cách dứt khoát:
          - Các anh muốn làm thế nào thì làm! Còn tôi nhất định phải về Hà Nội viếng Bác.

            ***

          Tin Bác mất đến với đại đội 9 khi họ vừa chuyển đến một vị trí mới. Lợi dụng mùa mưa bọn Mỹ lại tổ chức một cuộc hành quân lên A Sầu- A Lưới nhằm đánh bật lực lượng của ta ra và giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Suốt gần một tuần dùng B52 rải thảm chúng đã biến cái thung lũng xanh tươi đó thành một đống hổ lốn đất đá, cành cây, mảnh kim loại bên những hố bom nham nhở. Sau đó là hàng đàn máy bay trực thăng đổ quân xuống những vị trí trọng yếu. Những trận kịch chiến đã xảy ra giữa hai bên mà trong đó nổi tiếng là trận đánh trên đồi Thịt Băm (đồi Hăm- bơ- gơ theo cách gọi của lính Mỹ). Một tiểu đoàn của ta chốt giữ ở đó đã chiến đấu anh dũng với một tiểu đoàn kỵ binh có sự yểm trợ hùng hậu của trực thăng vũ trang và pháo binh tầm xa. Kết thúc trận đánh hai bên cùng tổn thất khá nhiều, bọn Mỹ phải bốc quân rời khỏi để lại chiến trường những xác chết ngổn ngang. Nhưng rồi một trận bom B52 lại xóa sạch dấu vết.
          Chấp hành chỉ thị của mặt trận, đại đội tăng 9 tiếp tục lùi sâu vào phía nam để bảo toàn lực lượng. Từ đầu mùa mưa tới nay tiêu chuẩn ăn đã rút xuống còn bốn lạng gạo một ngày, cộng với sốt rét hoành hành làm quân số khỏe của đại đội giảm đi trông thấy. Ở xe 567 chỉ có Hòa là chưa bị sốt, có vẻ như nước da đen bóng của cậu làm sun vòi mọi loại a- nô- phen nên ký sinh trúng không thể xâm nhập được. Còn cả Nhã, Cân, Thắng đều khật khừ. Cái cậu Thắng tồ trông to khỏe vậy nhưng khi sốt rét quật thì lại bị nặng nhất, cậu ta đã nằm bệt trong xe từ hơn tuần nay mà chưa ngóc đầu dậy được. Lúc nhận lệnh cơ động Cân đã cố gắng cầm cần lái nhưng mói đi được vài trăm mét thì gục xuống. Cũng may trong quá trình huấn luyện trước đây Hòa cũng đã được tập lái vài ki- lô- mét, rồi những đợt hành quân chỗ đường dễ đi cậu cũng được cho cầm lái vài lần nên Nhã quyết định để Hòa lái xe, còn Cân làm cố vấn. Lúc đầu còn chuyệch choạc nhưng sau cũng quen dần và cuối cùng rồi cũng đến được vị trí quy định.
          Chố trú quân mới của họ là một khe suối tít trong chân dãy núi cao nằm ngoài vùng đánh phá của B52 nên còn khá rậm rạp và xanh tốt. Mặc dù quân số thiếu hụt nhưng đại đội vẫn quy định phải nhanh chóng đào hầm xe, hầm người. Những xe nào ốm nhiều quá sẽ cho công binh đến hỗ trợ.
          Vừa mới tạm ổn định chỗ trú quân mới thì tin dữ đến. Lúc đó Tân và ban chỉ huy đại đội vừa hội ý xong. Chính trị viên Giỏ bật công tắc cái đài Li Do và vặn núm dò tần số, sau một hồi “rột rột, rẹt rẹt” tiếng nói rõ dần. Mấy anh em cùng ngạc nhiên vì giọng của người phát thanh viên khi thông báo “mời đồng bào, chiến sĩ cả nước nghe thông báo đặc biệt của Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” có vẻ không bình thường. Đại đội trưởng Nghi lẩm bẩm:
          - Không biết có chuyện gì xảy ra mà lại ra thông cáo đặc biệt thế này nhỉ?
          Giỏ vặn núm âm lượng, tiếng nói to dần. Mọi người im lặng lắng nghe. Khi vừa nghe hết câu “... Người đã qua đời vào lúc 9 giờ 47 phút ngày mồng 3 tháng Chín” thì Giỏ không kìm được nữa, anh òa khóc:
          - Bác... ơi! Bác Hồ... ơi!
          Tiếng khóc như có sức lây lan, cả Tân, cả ban chỉ huy đại đội và mấy anh em trong kíp xe 565 đều òa khóc. Một cậu còn vọt ra ngoài mưa chạy dọc theo ven suối, vừa chạy vừa gào:
          - Các đồng chí ơi! Bác Hồ mất rồi.
          Chẳng mấy chốc tin Bác mất đã lan khắp đại đội. Ở xe 567 Hòa là người biết tin này đầu tiên khi cậu lên “xê bộ” xin thuốc cho Thắng. Bỏ cả nắm thuốc lại đấy Hòa chạy như lao về phía xe mình, vừa chạy vừa khóc ròng. Chui vào hầm xe Hòa mới khóc rống lên:
          - Các cậu ơi! Bác Hồ mất rồi!
          Cả Nhã và Cân đều như không tin vào tai mình. Nhã giật giọng:
          - Cậu nói gì? Ai mất?
          Hòa khóc to hơn, giọng nói như chìm đi trong nước mắt:
          - Bác Hồ chứ còn ai!
          Nghe rõ rồi thì Nhã và Cân cũng òa lên khóc. Tiếng khóc làm Thắng đang nằm thiêm thiếp tỉnh lại. Cậu nằm yên lắng nghe một lúc thì giật người lên rồi lịm đi. Nhã thất thanh:
          - Hòa! Chạy đi gọi y sĩ mau- Hòa vọt ra giữa màn mưa dày đặc, Nhã hô Cân- Lại đây! Hô hấp nhân tạo cho nó đi!
          Lúc y sĩ Úy và Hòa về Thắng vẫn nằm thiêm thiếp. Sau một mũi trợ tim hơi thở cậu đã đều hơn. Úy đưa cho Nhã một vốc thuốc:
          - Chốc nữa cậu ấy tỉnh lại thì cho uống hết số thuốc này. Mà các cậu nữa, phải uống thuốc phòng cho đều đấy.
          Mưa vẫn rơi xối xả như đồng cảm cùng nỗi đau của con người. Tân nói với các cán bộ đại đội:
          - Các cậu bình tĩnh lại đi! Giờ không phải lúc khóc lóc. Gì thì gì cũng phải duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đừng tưởng đã vào đến đây là an toàn rồi. Còn đợi hôm nào ngớt mưa ta sẽ tổ chức lễ truy điệu Bác sau. Bây giờ tản ra mà đi kiểm tra các trung đội xem sao.

          Mọi người cố nín khóc đội mưa đi ra nhưng nước mắt vẫn chảy dài. Ở xe 567 Cân lại gỡ tấm ảnh Bác trong cuốn sổ tay ra, cậu vừa sụt sùi vừa lấy cuộn băng dính cách điện viền xung quanh ảnh Bác thành một cái khung đen rồi đặt lên phía cuối hầm bên cạnh ngọn đèn dầu lúc nào cũng đỏ lửa.

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 10


          Mặc dù buổi trưa đã uống khá nhiều rượu nhưng đầu giờ làm việc buổi chiều Bùi Tâm vẫn có mặt tại nhà quyền tư lệnh Đào trước kẻng làm việc. Vừa nhác thấy bóng anh ngoài cửa quyền tư lệnh Đào đã rót một cốc đầy nước chè xanh và lên tiếng:
          - Vào đi! Uống nước chè xanh này cho tỉnh.
          Bùi Tâm đưa cả hai tay đón lấy cốc nước và cười ngượng ngập:
          - Xin lỗi thủ trưởng! Năm, sáu năm mới lại được gặp anh em nên vui quá.          
          Quyền tư lệnh Đào tỏ ra dễ dãi:
          - Nếu đồng chí mệt thì tôi sẽ hoãn buổi làm việc chiều nay vào lúc khác cũng được.
          Bùi Tâm vội vàng đặt cốc nước xuống:
          - Dạ! Tôi không sao ạ! Tôi cứ hét to cho khí thế chứ có dám uống nhiều đâu.
          Quyền tư lệnh Đào ôn tồn:
          - Vậy thì uống nước đi! Đợi anh Dương đến ta sẽ cùng làm việc.
          Bùi Tâm vừa nâng cốc nước lên miệng thì tham mưu trưởng Dương xuất hiện. Kẻng báo giờ làm việc cũng vừa vang lên. Quyền tư lệnh Đào chỉ chiếc bàn lớn:
          - Mời các đồng chí lại đây! Ta bắt đầu làm việc- Đợi hai người ngồi xuống quanh chiếc bàn, ông nhìn thẳng vào mặt Bùi Tâm- Bây giờ đồng chí báo cáo cụ thể cho chúng tôi nắm được tình hình thực hiện nhiệm vụ binh chủng giao cho các đồng chí mấy năm vừa qua thế nào?
          Bùi Tâm mở xắc cốt lấy ra cuốn sổ tay đã sờn hết cả gáy, anh trịnh trọng:
          - Báo cáo các thủ trưởng! Khi chúng tôi đi binh chủng đã giao vào trong đó thực hiện hai nhiệm vụ chính, đó là nghiên cứu chuẩn bị chiến trường để đưa tăng thiết giáp vào chiến đấu và thứ hai là nếu có điều kiện thì lấy xe địch đánh địch. Tôi sẽ lần lượt báo cáo các thủ trưởng về từng nhiệm vụ- Anh tiến lại gần tấm bản đồ địa hình đã treo sẵn ở bức tường hồi, tay cầm cái que chỉ đã dựng sẵn ở đó và tiếp tục- Về nhiệm vụ thứ nhất trong mấy năm qua chúng tôi đã tổ chức đi nghiên cứu thực địa hầu hết các khu vực thuộc Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng: các tỉnh miền Đông Nam Bộ nhìn chung có địa hình đồi núi thấp, ít bị chia cắt, nền đất chủ yếu là đất đỏ ba dan nên khá cứng chắc rất thuận lợi cho sử dụng tăng thiết giáp, kể cả xe tăng hạng nặng. Các tỉnh cực nam Trung Bộ thì có phần khó khăn hơn một chút vì ở đây đồi núi có độ dốc cao hơn. Duy chỉ có miền Tây Nam Bộ thì địa hình phổ biến là đồng nước nên chỉ có thể sử dụng được các loại xe tăng, thiết giáp bơi nước.
          Quyền tư lệnh Đào ngắt lời:
          - Vậy thì yêu cầu về tăng thiết giáp của B2 là bao nhiêu?
          Bùi Tâm nhìn thẳng vào quyền tư lệnh Đào:
          - Báo các các thủ trưởng! Trước khi ra đây chúng tôi đã hội ý Đoàn và xin ý kiến của Bộ tư lệnh Miền. Các ý kiến đều thống nhất xin Bộ và Binh chủng chi viện cho từ năm đến sáu tiểu đoàn, trong đó có một đến hai tiểu đoàn hỗn hợp tăng thiết giáp bơi nước cho miền Tây.
          Quyền tư lệnh Đào hỏi lại ngay:
          - Thế còn đường cơ động thì sao? Đã thông đến đâu rồi?
          Bùi Tâm tươi tỉnh:
          - Báo cáo, chuyến đi này của tôi cũng có nhiệm vụ kiểm tra nắm tình hình đường cơ động nên tôi đã xin đi theo ô tô từ trong ấy ra đấy chứ. Thực tế là đường ô tô đã thông đến vùng ba biên giới, tôi tin rằng chỉ một thời gian ngắn nữa là sẽ đến tận căn cứ của Bộ tư lệnh Miền. Tuy nhiên chất lượng các loại cầu cống cũng còn yếu, nếu xe tăng đi chắc chủ yếu phải đi ngầm.
          Quyền tư lệnh Đào ôn tồn:
          - Vấn đề thứ nhất tạm thế đã. Bây giờ đồng chí báo cáo về nhiệm vụ thứ hai đi.
          Bùi Tâm quay trở lại bàn làm việc, giọng hơi trầm xuống:
          - Báo cáo các thủ trưởng! Lúc mới vào chúng tôi nghĩ cũng đơn giản, cho rằng đây không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn. Tuy nhiên, thực tế mấy năm qua cho thấy đây là một nhiệm vụ hết sức phức tạp. Ngay sau khi các đoàn cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng chi viện vào Bộ Tư lệnh Miền đã ra quyết định thành lập Đoàn cơ giới miền, lấy phiên hiệu là J16, có nhiệm vụ tổ chức các trận đánh để đoạt xe địch. Trận đánh đầu tiên của J16 là trận tập kích căn cứ của thiết đoàn 1 của ngụy tại Gò Đậu, Bình Dương ngày 23 tháng 3 năm 1966. Với sự giúp đỡ của một số nội ứng trận đánh đã thắng lợi giòn giã, ta đã thu được mười xe tăng, thiết giáp của địch. Nhưng do chưa quen sử dụng xe địch, lại bị không quân địch chặn đánh quyết liệt nên cuối cùng chỉ đưa được một xe M41 về chiến khu Long Nghĩa. Chúng tôi đã sử dụng chiếc xe này để huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ của ta về kỹ thuật sử dụng xe địch; đồng thời huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị khác để anh em người ta hiểu hơn về tăng thiết giáp, biết chỗ mạnh chỗ yếu của nó và từ đó tìm cách khắc chế nó. Sang năm 1967 Bộ tư lệnh Miền quyết định sáp nhập J16 với đoàn đặc công B18 thành Đoàn đặc công cơ giới Miền nhưng vẫn lấy phiên hiệu là J16. Từ đó chúng tôi tham gia chiến đấu theo kiểu đặc công nhưng nhiệm vụ chủ yếu vẫn là tiêu diệt, phá hủy các phương tiện cơ giới của địch. Từ bấy đến nay J16 đã tổ chức năm trận tập kích, hai trận chống càn, bắn rơi hai máy bay lên thẳng và phá hủy ba mươi tăng thiết giáp của địch. Có một điều thuận lợi là cho đến nay hơn hai trăm cán bộ, chiến sĩ tăng thiết giáp đã được tập trung về một đầu mối, đó sẽ là cơ sở ban đầu để thành lập các đơn vị tăng thiết giáp Miền khi ngoài này chi viện phương tiện vào.
          Quyền tư lệnh Đào gật đầu:
          - Tốt lắm! Chắc chắn khi thông đường sẽ có trang bị vào cho các đồng chí.
          Tham mưu trưởng Dương từ nãy vẫn ngồi im cắm cúi ghi chép nay mới nhỏ nhẹ xen ngang:
          - Cậu cho hỏi tình hình anh em trong ấy thế nào, anh Mai, anh Hà, anh Lâm có khỏe không?
          Bùi Tâm vui vẻ:
          - Báo cáo thủ trưởng! Các anh ấy đều khỏe cả. Thực ra vào trong đó thì ai cũng dính sốt rét nhưng nhờ được rèn luyện kỹ ở ngoài này nên cũng chóng hồi phục- Giọng anh bỗng nhỏ lại- Tuy nhiên, cho đến nay cũng đã có khoảng gần chục anh em hy sinh hoặc mất tích trong các trận đánh đặc công và chống càn.
          Quyền tư lệnh Đào thấy hơi ngượng: từ lúc gặp nhau ông chỉ biết công việc mà chẳng có một lời hỏi han đến những người đồng đội đang ở chiến trường. Ông đứng dạy bắt tay Tâm và ôn tồn:
          - Cảm ơn đồng chí đã cho chúng tôi biết những thông tin rất quan trọng. Sau đợt này đồng chí vào cho chúng tôi gửi lời thăm anh em trong ấy, khi đủ điều kiện nhất định chúng tôi sẽ chi viện cho B2 ngay. Còn bây giờ đồng chí về nghỉ, sau đó làm việc thêm với các cơ quan.
          Tham mưu trưởng Dương và Bùi Tâm đi khỏi, còn lại một mình quyền tư lệnh Đào, ông ngồi bất động trên ghế trầm ngâm suy nghĩ. Mặc dù hội nghị đã xong, các vị đại biểu cấp trên và đông đảo anh em đều đánh giá hội nghị đã thành công tốt đẹp, đã tổng kết một cách toàn diện quá trình mười năm xây dựng và phát triển của bộ đội Thiết giáp Việt Nam, đồng thời xác định được những giải pháp cho giai đoạn mới. Tuy nhiên trong thâm tâm ông Đào thấy vẫn chưa thật hài lòng. Ông cảm thấy có cái gì đó thật tròn trịa, trơn chu trong bản báo cáo và trong những tham luận. Việc phân tích đi tìm những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những thiếu sót cũng còn hời hợt, chưa thật sâu sắc thậm chí còn né tránh. Rõ ràng là việc chậm đưa xe tăng vào chiến trường có phần rất lớn từ những sai lầm chủ quan của một số lãnh đạo cấp chiến lược nhưng lại được lý giải là chưa đến thời cơ. Hoặc việc điều động sử dụng xe tăng của người chỉ huy cấp chiến dịch còn quá yếu kém lại chỉ được gọi là nhận thức về tăng thiết giáp của một bộ phận cán bộ binh chủng hợp thành còn hạn chế. Chính ông hồi năm ngoái đã phải có ý kiến với Bộ về ý định sử dụng tiểu đoàn 198 của đoàn 559 khi nhận được điện của anh em từ trong ấy báo về: “chỉ huy binh trạm đang có ý định dùng xe tăng đi chở gạo (!)”. Thế rồi việc điều động đại đội 9 vào A Sầu- A Lưới hay đại đội 16 của M77 đi Tây Nguyên hồi đầu năm nay cũng vậy. Thật đáng tiếc có nhiều đồng chí nghĩ xe tăng cứ như khẩu cối 60, đặt vào đâu cũng được. Ông chợt chạnh lòng khi nghĩ đến đại đội 16: vừa vào đến nơi đã được lệnh đi chiến đấu, xuất có 4 xe thì người chỉ huy đem chia đều cho 4 mũi và thế là thiệt hại nặng nề. Còn đại đội 9 suốt hơn một năm nay bị bọn “kỵ binh bay” nó săn cho mấy đợt, may mà vẫn bảo toàn được lực lượng. Ngay cả những nguyên nhân chủ quan về phía binh chủng cũng vậy, cũng chưa được gọi đúng tên của nó. Rõ ràng trong những sai lầm kể trên cũng có trách nhiệm của binh chủng hoặc đại diện của binh chủng đã không làm tròn nhiệm vụ tham mưu cho cấp trên hoặc người chỉ huy binh chủng hợp thành, rồi tình trạng bộ binh và xe tăng thiếu liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chiến đấu nữa thì đều được đánh giá ngắn gọn là quan hệ hiệp đồng chưa thật chặt chẽ. Trình độ sử dụng trang bị của một số cán bộ còn yếu kém thì lại viện ra vì đây là loại xe trưởng xe kiêm pháo thủ, anh em phải cùng một lúc thực hiện rất nhiều thao tác. Có thể đó cũng là một lý do nhưng không hoàn toàn như thế, tại sao nhiều đồng chí trưởng xe người ta vẫn hoàn thành tốt chức trách của mình. Khi hoàn thành nhiệm vụ rời khỏi trận địa theo đường sông rõ ràng là chủ quan, máy móc, thiếu động não thì được gọi rất mềm mại là chưa lường hết được các tình huống... Ông cũng tự biết rằng những nhận định của mình là quá nghiêm khắc, quá khắt khe nhưng nếu không phân tích, mổ xẻ như vậy làm sao có thể nhận thấy nguyên nhân đích thực của những yếu kém để tìm ra biện pháp khắc phục.
          Chiều xuống dần. Mặt trời đã khuất sau ngọn đồi sau nhà. Những ngọn gió mát ruổi dài qua cánh đồng trũng trước mặt thốc vào nhà xua đi cái oi nồng đầu hè. Bình tâm trở lại ông thấy chính ủy Ngọc và tham mưu trưởng Dương cũng có lý. Hiện tại khí thế các đơn vị đang ngùn ngụt như lửa cháy, những nhận xét quá khắt khe có khi lại là những thùng nước lạnh dội vào đó. Rồi việc quan hệ với cấp trên và các chỉ huy chiến trường cũng vậy, đó cũng là một mối quan hệ rất tế nhị và cũng cần phải có thời gian mới giải quyết được. Thực ra đằng sau việc điều động, sử dụng một số đơn vị vừa rồi đã nói lên một điều là các đồng chí đó đã có niềm tin vào xe tăng, thậm chí lại còn kỳ vọng nữa nên mới đi đến những quyết định như vậy.
          Ông cứ ngồi miên man suy nghĩ như vậy cho đến khi công vụ Lưu vào mời đi ăn cơm mới bừng tỉnh.

            ***

          Dư âm của hội nghị tổng kết vẫn còn phảng phất trong cơ quan thì một tin vui nữa lại đến: Đại tướng Tổng Tư lệnh đến thăm binh chủng. Điện báo vừa đến một lát đã thấy chiếc xe con màu đen xuất hiện đầu con đường đất dẫn vào cơ quan dưới chân đồi. Tham mưu trưởng Dương và chủ nhiệm chính trị Thu vội rảo bước xuống chân đồi đón. Từ trong xe bước ra, Đại tướng Tổng Tư lệnh bắt tay hai người rồi mỉm cười hiền hậu:
          - Các cậu chọn được chỗ sơ tán khéo quá! Tớ còn phải tìm mãi mới đến thì đố thằng Mỹ nào tìm ra được.
          Chủ nhiệm chính trị Thu vốn đã được gặp Tổng Tư lệnh nhiều lần nên mạnh dạn:
          - Thưa anh! Anh em bên tác huấn họ nói chỗ này tuy hẻo lánh nhưng vừa gần cơ quan cũ lại vừa gần các đơn vị.
          Tham mưu trưởng Dương thì thanh minh:
          - Tại xe của thủ trưởng gầm thấp không lên được chứ xe chúng tôi vẫn chạy thẳng vào cơ quan đấy ạ.
          Đại tướng cười:
          - Tớ nói đùa vậy thôi. Ngày xưa Chính phủ còn phải sơ tán lên tận Việt Bắc cơ mà. Ta phải bảo toàn lực lượng thế mới trường kỳ kháng chiến được phải không các cậu? Nhất là với bọn Mỹ này thì cảnh giác, giữ bí mật không lúc nào thừa.
          Con đường dẫn lên đồi khá dốc, lại đang nắng to, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Đại tướng, ông mở cúc áo ngoài khoác vào một bên tay. Chủ nhiệm chính trị Thu vội đỡ lấy:
          - Thủ trưởng để em cầm ạ!
          Đại tướng trao chiếc áo cho ông Thu nhưng đi được vài bước ông dừng lại quay ra phía sau bảo đồng chí bí thư:
          - Đồng chí cầm áo cho đồng chí Thu đi! Ai lại để cho chủ nhiệm chính trị binh chủng phải “nâng khăn, sửa túi” như vậy.
          Quyền tư lệnh Đào và chính ủy Ngọc đã xuống đến lưng chừng đồi, Đại tướng dừng lại bắt tay hai người. Ông cười cởi mở:
          - Vẫn khỏe chứ? Còn sốt rét không?
          Cả hai cảm động không nói lên lời, thì ra người chỉ huy cao nhất của quân đội đã biết hai anh em đi chiến trường và đều bị sốt rét. Chính ủy Ngọc trả lời giọng nghèn nghẹn:
          - Thưa thủ trưởng! Từ ngày ra bắc được điều trị tích cực nên cũng đã cắt cơn rồi ạ.
          Vừa vào đến phòng họp Đại tướng đã nói luôn:
          - Hôm nay Bộ Chính trị họp ở Tam Đảo nên tớ tranh thủ rẽ vào đây thăm các cậu và trao đổi một số việc. Vừa qua các cậu tổng kết mười năm xây dựng binh chủng phải không? Kết quả hội nghị tốt chứ?
          Quyền tư lệnh Đào đứng dạy:
          - Thưa Đại tướng! Hội nghị đã thành công tốt đẹp, đã đánh giá đầy đủ những thành quả cũng như những mặt còn thiếu sót trong mười năm qua; đồng thời cũng đã xác định được những biện pháp cấp bách để xây dựng binh chủng ngày càng vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
          Đại tướng cười hiền hậu:
          - Thế thì tốt! Tớ nghe anh em cơ quan đi dự về báo cáo hội nghị có tính chiến đấu rất cao, thảo luận rất sôi nổi và thẳng thắn- Ông hơi trầm giọng xuống- Còn về những đề nghị của các cậu về việc đưa xe tăng đi chiến trường thì tớ xin nhắc lại một lần nữa: cần phải hết sức kiên nhẫn chờ đợi, chuẩn bị cho tốt khi nào thời cơ đến trên phát lệnh là lên đường được ngay. Còn một thực tế nữa là hệ thống đường bộ và đường ống của ta chưa vươn tới được Nam Bộ nên nếu đưa xe tăng vào sớm sẽ gặp nhiều khó khăn. Cứ yên chí lớn đi, một hai năm nữa lại sợ các cậu không có xe mà đưa vào thôi!
          Chính ủy Ngọc rót một cốc nước chè xanh đưa tận tay Đại tướng:
          - Mời thủ trưởng xơi nước!
          Đón lấy cốc nước vàng óng ả Đại tướng tươi tỉnh:
          - Chè xanh hả? Thứ này uống tốt lắm! Ở trên Tam Đảo mấy ngày tớ cũng toàn uống thứ này- Nhìn một lượt bốn anh em ông hạ giọng- Này, vừa rồi Mặt trận Pa- thét Lào có sang đề nghị với chúng ta giúp họ khôi phục số xe tăng, thiết giáp của họ và giúp họ huấn luyện để có thể sử dụng xe tăng vào chiến đấu. Các cậu có đảm nhiệm được không?
          Quyền tư lệnh Đào vội trả lời:
          - Thưa Đại tướng! Chúng tôi làm được ạ!
          Đại tướng gật đầu:
          - Vậy thì các cậu chuẩn bị trước đi, ít hôm nữa cơ quan sẽ có văn bản cụ thể gửi xuống binh chủng- Ông nhấp một ngụm nước chè rồi chậm rãi- Vừa rồi Bộ chính trị đã họp và nhận thấy tình hình có nhiều biến chuyển quan trọng. Như các cậu đã biết, sau những thất bại nặng nề năm 1968 vừa qua chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Chính quyền Ních- xơn đã buộc phải ngồi lại với chúng ta tại hội nghị Pa- ri, dư luận Mỹ cho rằng đó là một bước xuống thang của chính phủ. Tuy nhiên đằng sau sự xuống thang đó là những toan tính rất lắt léo mà nếu chúng ta không nắm bắt được thì sẽ rơi vào thế bị động. Theo những thông tin mà ta nắm được thì Mỹ sẽ có những thay đổi rất cơ bản về chiến lược. Cụ thể là sắp tới chúng sẽ thực thi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Hội nghị của Bộ Chinh trị vừa rồi là xác định các biện pháp chủ yếu để đối phó với chiến lược đó.
          Cả bốn anh em ngơ ngác nhìn nhau, cái thuật ngữ “Việt Nam hóa chiến tranh” có vẻ hơi mới lạ với họ, chính ủy Ngọc mạnh dạn:
          - Thưa thủ trưởng! “Việt Nam hóa chiến tranh” là gì ạ?
          Đại tướng ngả người ra lưng ghế, vẻ mặt trầm ngâm:
          - “Việt Nam hóa chiến tranh” là bước phát triển của “phi Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam” mà chắc các cậu đã nghe nói tới. Thực chất của chiến lược này là từng bước chuyển gánh nặng chiến tranh cho quân đội Sài Gòn để quân đội Mỹ rút về nước do chính quyền Ních- xơn đề xướng. Kế hoạch này của chúng được triển khai theo ba bước. Bước một: xây dựng quân đội Sài Gòn thành một quân đội chính quy, hiện đại đủ sức thay thế lực lượng chiến đấu trên bộ để rút dần quân Mỹ về nước. Bước hai: chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu trên không cho quân đội Sài Gòn và tiếp tục củng cố nâng cao sức mạnh quân sự cho chúng. Bước ba: hoàn thành việc rút quân Mỹ về nước khi chính quyền Sài Gòn đã đứng vững, dự kiến trong vòng hai đến ba năm tới. Nhưng hóa gì thì hóa, đây rõ ràng là một thất bại của Mỹ, chúng đã không chịu đựng nổi những tổn thất nặng nề mà ta đã gây ra cho chúng và phải chuyển gánh nặng này cho quân đội Sài Gòn. Đây là điều mà Đảng ta đã lường trước được. Thằng thầy mà đã cút thì thằng tớ chẳng mấy mà chết theo- Ông nheo mắt hóm hỉnh- Trong chuyện này xe tăng các cậu cũng dự phần vào đấy!
          Quyền tư lệnh Đào giọng nghiêm trang:
          - Thưa Đại tướng! Chủ trương của ta đối phó với chiến lược này thế nào ạ?
          Đại tướng cười độ lượng:
          - Cái cậu này lại muốn khai thác tớ đấy hả! Nhưng cũng không có gì bí mật cả. Đánh thì cứ đánh mà đàm thì cứ đàm. Phải đánh sao cho chúng không thực hiện nổi ý định ấy chứ. Vì vậy các cậu cứ yên trí, trong vòng một vài năm tới sẽ có đánh lớn, đánh rất lớn và lúc đó không thể không có xe tăng.
          Nhìn ra ngoài trời đã gần đứng bóng chính ủy Ngọc vội đứng dạy:
          - Anh em chúng tôi xin cảm ơn thủ trưởng đã quan tâm ghé thăm. Giờ cũng đã muộn rồi, xin kính mời thủ trưởng dùng bữa cơm rau mắm với anh em chúng tôi.
          Đại tướng cười dễ dãi:
          - Rau mắm hả? Tốt thôi! Hàng ngày tớ cũng chủ yếu là rau mắm thôi mà.

          Ít phút sau bữa cơm trưa đơn giản Đại tướng Tổng Tư lệnh lên đường về Tam Đảo ngay. Sau khi tiễn người chỉ huy cao nhất của quân đội ra xe bốn anh em quay lại nhà của chính ủy Ngọc và rì rầm trò chuyện đến hết buổi trưa. Ai cũng hiểu sẽ còn nhiều thử thách mới chờ đợi họ và binh chủng họ trong những ngày sắp tới.