Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

CHÚC MỪNG NĂM MỚI



Chào năm mới Hai Không Mười Bảy
Chào mùa Xuân đang lấp ló đằng xa
Tờ lịch mới thắp lên niềm hy vọng
Hạnh phúc, yên vui tới mọi nhà!

BÃO THÉP 1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 20


Chương Bốn

          Có vẻ như phía bên kia chiến tuyến cũng đoán nhận được có một cái gì đó rất to lớn sắp xảy ra tại khu vực này nên những hoạt động của không quân và pháo binh được tăng cường gấp bội. Ban ngày hai chiếc OV10 thay nhau soi mói dọc theo đường Chín và các con đường vận tải quân sự. Thỉnh thoảng chúng lại lao xuống bắn một phát pháo hiệu và chỉ vài phút sau đã thấy bọn AD6 hoặc A37 đến ném bom. Ban đêm một chiếc AC130 to đùng bay là là dọc theo các tuyến đường và chốc chốc lại xả hàng loạt đạn dai như đỉa đói xuống đất. Những trận bom tọa độ bằng máy bay B52 cũng được tiến hành dày đặc hơn. Cả một vùng rừng núi phía bắc Đường Chín kéo dài từ Khe Sanh đến Huội San như bị cày nát bởi hàng chục trận bom rải thảm mỗi ngày. Còn pháo ở Khe Sanh, Cồn Tiên thì bắn bất kể giờ nào. Hình như tướng Oét-mo-len định dùng bom pháo nghiền nát đối phương trước khi kịp ra tay. Những toán biệt kích được tung ra xung quanh các cứ điểm nhiều hơn và đã có một số cuộc đụng độ với các toán trinh sát của bộ binh. Rất may là khu vực trú quân của đoàn 198 nằm khá xa các trọng điểm trên và vẫn an toàn. Bộ đội đang tập trung khôi phục xe cộ và củng cố hầm hào đợi lệnh.
          Có mặt tại vị trí trú quân của đoàn 198 từ hai hôm trước để chuẩn bị đi trinh sát chiến trường tham mưu trưởng Dương tỏ ra khá lo lắng. Cứ mỗi lần nghe tiếng ù ù rền rền từ trên trời vọng xuống ông lại ngước nhìn lên và thở dài. Cứ như thế này việc đi trinh sát thực địa của đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn.
          Điều lo lắng của tham mưu trưởng Dương không phải là không có căn cứ. Ngay chuyến xuất quân đi trinh sát đầu tiên của đoàn 198 cùng trung đoàn bộ binh 9 đã không thành công. Mới đến cách Làng Vây chừng 5 cây số đoàn đã bị lọt vào một ổ phục kích của bọn thám báo ngụy. Cuộc đọ súng diễn ra rất ngắn ngủi nhưng về phía ta cũng đã bị thiệt hại nặng nề. Ngay sau loạt đạn đầu tiên đồng chí trung đoàn trưởng bộ binh bị thương, đồng chí tham mưu phó trung đoàn và tiểu đoàn trưởng đặc công cùng hai chiến sĩ hy sinh. Tiểu đội đặc công đi cùng đã nhanh chóng nổ súng đánh địch nhưng chúng đã nhanh chân lủi mất bỏ lại hai tên đã chết. Nhóm cán bộ xe tăng vì không quen lội bộ cắt rừng, lúc nào cũng tụt lại sau vài chục mét nên may mắn nằm ngoài tầm súng. Mấy anh em chỉ kịp chạy lên cùng các chiến sĩ đưa thương binh, liệt sỹ về phía sau một quãng tìm nơi băng bó thì một trận pháo kích dữ dội đã trùm lên cả khu vực. Chuyến đi trinh sát buộc phải hủy bỏ một cách bất đắc dĩ.
          Quay trở về khu vực tập kết đợi mấy ngày vẫn chưa thấy tin tức gì của bộ binh tham mưu trưởng Dương bàn với các cán bộ đoàn 198:
          - Như vậy chắc là tình hình trung đoàn 9 đang rất khó khăn. Vì vậy chúng ta cần phải chủ động hơn. Theo tôi trước mắt chúng ta nên đến vị trí đứng chân của họ xem tình hình thế nào. Sau đó tùy tình hình để quyết định. Đề nghị anh Phúc cho biết hiện nay trung đoàn 9 đang ở khu vực nào.
          Mở tấm bản đồ khu vực ra trưởng ban tác huấn Phúc khoanh một vòng ở phía Nam làng Vây:
          - Hiện nay trung đoàn 9 đang đứng chân ở khu vực Pê Sai, nam Làng Vây khoảng 6 ki- lô- mét. Sư bộ B04 cũng đang ở khu vực này. Vì vậy theo tôi ta cũng nên đến cả sư bộ để nắm luôn ý định chiến đấu của họ. Ngoài ra nhân dịp này ta cũng nên nghiên cứu xem có thể mở thêm một mũi tiến công từ phía Nam lên không chứ chỉ tiến công theo hướng Tây chắc sẽ gặp nhiều khó khăn đấy.
          Tham mưu trưởng Dương gật gù:
          - Đó cũng là một ý kiến hay! Đề nghị các anh chuẩn bị, sáng mai ta sẽ đi sớm.
          Ngay đêm hôm ấy đoàn trưởng Lãm lăn ra sốt rét. Tham mưu trưởng Dương quyết định để Lãm ở nhà, còn ông và Phúc, Tân sẽ đi trinh sát. Mất gần hai ngày lặn lội đoàn của ông mới đến được Pê Sai. Ra đón đoàn là tham mưu phó sư đoàn Nguyễn Văn Hoài, thường được lính gọi là Hoài Đen vì nước da như cột nhà cháy. Gặp nhau Hoài Đen niềm nở:
          - Tôi mới được cử xuống để thay anh Phan bị thương hôm đi trinh sát với các anh. Cũng vừa mới xuống nên chưa tổ chức đi trinh sát tiếp được. Thật may là các anh đã xuống đây. Bây giờ các anh cứ nghỉ ngơi, tắm rửa đi. Tối nay ta sẽ thống nhất cụ thể kế hoạch làm viêc. Các anh cứ xuống hẳn sông Sê Pôn mà tắm cho thoải mái.
           Sông Sê Pôn đoạn này ôm sát chân đồi Pê Sai. Đây là con sông khá đặc biệt vì sau mấy chục ki- lô- mét làm đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Lào nó chuyển hướng về phía tây chứ không đổ ra biển Đông như hầu hết những con sông khác trên dãy Trường Sơn. Đang là mùa khô, nước sông trong vắt hiền hòa chảy như một dải lụa dịu dàng vắt giữa trùng điệp núi rừng. Trong buổi hoàng hôn chạng vạng cảnh sắc thật là hùng vĩ nhưng cũng nhuốm màu huyền bí, u hoài. Vốn không được khỏe tham mưu trưởng Dương chỉ loanh quanh gần bờ một lát rồi lên. Phúc và Tân thì thỏa sức vẫy vùng giữa làn nước trong xanh và mát lạnh, mọi mệt nhọc của hai ngày đi đường như tan biến.
          Cơm chiều xong Hoài Đen cho mời mấy anh em lên hầm của mình, anh trải tấm bản đồ ra và bắt đầu buổi hội ý:
          - Theo thông báo của trên và qua kết quả trinh sát những ngày vừa rồi chúng tôi nắm được tình hình cứ điểm Làng Vây như sau: đó là cứ điểm tiền đồn phía tây của hệ thống phòng thủ Đường Chín- Chiếc bút chì trong tay Hoài khoanh một vòng xung quanh khu vực có in chữ Làng Vây- Về lực lượng địch ở đây có 1 tiểu đoàn biệt kích ngụy do cố vấn Mỹ chỉ huy, quân số khoảng 600 tên. Vì là cứ điểm tiền đồn nên Làng Vây được xây dựng khá kiên cố, xung quanh cứ điểm có 6 lớp hàng rào dây thép gai kết hợp với mìn, bên trong cứ điểm phân làm bốn khu, giữa các khu cũng có hàng rào để đảm bảo có thể tác chiến độc lập đồng thời hỗ trợ lẫn nhau. Về công sự chủ yếu là gỗ đất, ở khu trung tâm có công sự bằng bê tông và một số hầm ngầm. Về địa hình cũng tương đối phức tạp. Phía bắc độ dốc rất lớn. Phía nam có con sông Sê Pôn làm thành một vật cản tự nhiên. Phía đông là trại Làng Vây cũ hiện đang trong tầm kiểm soát của địch. Chỉ có hướng tây là tương đối thuận lợi vì có đường Chín chạy sát chân cứ điểm. Nhìn chung đây là một mục tiêu khá “rắn”.
          Mấy cái đầu cùng gật gù, tham mưu trưởng Dương ngẩng lên:
          - Thế ý định của các anh thế nào?
          Hoài Đen sửa lại tấm bản đồ cho phẳng phiu rồi chậm rãi:
- Hiện nay chúng tôi chưa hoàn chỉnh quyết tâm chiến đấu nhưng sơ bộ thế này: chúng tôi định tiến công Làng Vây theo ba hướng. Một hướng từ phía tây theo đường Chín đánh vào 230, sau đó phát triển lên 320- Cây bút chì trong tay Hoài Đen được di theo từng hướng- Một hướng từ phía nam lên và hướng thứ ba từ bắc xuống. Vì địa hình phía bắc rất dốc nên khó triển khai đội hình, chúng tôi dự định đó chỉ là hướng phối hợp. Còn hai hướng tây và nam chúng tôi đang phân vân chưa biết nên chọn hướng nào là hướng chủ yếu.
          Tham mưu trưởng Dương thắc mắc:
          - Tại sao?  
          Ngừng lại như cân nhắc điều gì một lát sau Hoài mới tiếp tục:
          - Có nhiều ý kiến cho rắng nên chọn hướng chủ yếu là hướng tây vì địa hình thuận lợi, có đường Chín để đưa xe tăng vào chiến đấu. Tuy nhiên về mặt chiến thuật thì không có lợi vì đây là hướng phòng ngự chủ yếu của địch. Như các anh thấy đấy, hôm trước ta mới mò vào còn cách mấy cây đã chạm biệt kích. Vì vậy “húc” vào đây không khéo sẽ “bươu đầu, mẻ trán” đấy.
          Mấy cái đầu lại gật gù ra vẻ tán đồng, tham mưu trưởng Dương gặng:
          - Vậy hướng nam thì sao:
          Hoài Đen lắc đầu:
          - Cũng có một vài ý kiến đề xuất nên chọn hướng nam vì đây không phải hướng phòng ngự chủ yếu của địch nên chúng ít chú ý. Mặt khác từ hướng này lên sẽ rất nhanh chóng tiếp cận được trung tâm chỉ huy. Độ dốc cũng không cao lắm vì xe ô tô của bọn chúng vẫn leo lên được. Giá như các “bố” mà đưa được xe tăng xuống hướng này thì hay biết mấy!
          Cả mấy cặp mắt cùng chăm chú nhìn xoáy vào bản đồ, Phúc giật giọng:
          - Đâu? Đường ô tô ở đâu?
          Cây bút chì của Hoài Đen chỉ vào một điểm sát bờ sông:
          - Đây này! Chỗ này là Làng Troài, nó nằm sát bờ sông. Từ đây có một con đường lên điểm cao 320. Đó là con đường mà ô tô bọn chúng vẫn xuống lấy cát ở sông Sê Pôn lên để xây công sự.
          Từ nãy giờ vẫn im lặng giờ Tân mới lên tiếng:
          - Xe ô tô đã leo được thì xe tăng chắc chắn leo được. Vì vậy ta hoàn toàn có thể đưa xe tăng tiến công theo hướng này.
          Hoài Đen lắc đầu ngán ngẩm:
          - Nhưng làm thế nào mà đưa được xe tăng đến đây cơ chứ! Con sông Sê Pôn bao bọc hoàn toàn mặt nam cứ điểm, hai bên là núi đá sừng sững thế này các ông định đưa xe tăng vào theo đường nào?
          Đang chăm chú nhìn vào bản đồ tham  mưu trưởng Dương chợt ngẩng lên, hai mắt sáng lấp lánh:
          - Này! Các cậu có nhớ cuộc diễn tập ở Thanh Tước không? Hồi ấy mình đã cho một trung đội bơi theo sông Cà Lồ rồi đánh lên cứ điểm địch. Tại sao bây giờ ta không cho xe tăng bơi theo sông Sê Pôn đến Làng Troài rồi đánh lên.
          Cả Phúc và Tân đều hưởng ứng:
          - Đúng rồi!
          Hoài Đen vẫn lắc đầu:
          - Các “bố” không biết đấy thôi! Con sông này nó có như sông Cà Lồ đâu, mùa này là mùa khô, nước thì cạn, lòng sông thì đầy đá hộc bơi thế quái nào được!
          Tham mưu trưởng Dương quả quyết:
          - Cái đó có thể giải quyết được! Bây giờ tôi đề nghị thế này: ngày mai anh cứ cho chúng tôi lên quan sát chỗ Làng Troài và mặt nam cứ điểm. Nếu thấy đánh được chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ con sông Sê Pôn này để lợi dụng- Chăm chú nhìn vào tận mép dưới tấm bản đồ một lát ông tiếp- “Xê Chín” hiện đang ở dưới này, nếu đưa nó sang đây cũng không xa lắm.
          Hoài Đen tỏ ra không mấy tin tưởng:
          - Các “bố” mà đưa được xe tăng vào hướng này thì tôi “gọi bằng cụ”. Nhưng thôi, ngày mai tôi sẽ cho trinh sát dẫn đường cho các “bố”. Còn bây giờ thì về nghỉ cho khỏe!  

Mới sáng sớm tham mưu trưởng Dương đã gọi Phúc và Tân dậy. Mỗi người làm tạm hai thanh lương khô dằn bụng xong là trang bị gọn gàng rồi cùng nhau đến hầm của Hoài Đen. Ở đó một tiểu đội trinh sát bộ binh đã có mặt. Hoài Đen chỉ một chiến sĩ đang đứng gần anh nhất:
- Đây là đồng chí tiểu đội trưởng trinh sát. Tiểu đội này sẽ có nhiệm vụ dẫn đường cho các anh. Tôi hôm nay bận nên không đi với các anh được. Mà vùng này thì tôi cũng đã thuộc rồi. Có gì chiều về ta trao đổi tiếp.
Nhìn một lượt các chiến sĩ bộ binh nai nịt gọn gàng tham mưu trưởng Dương hỏi tiểu đội trưởng:
- Ta đi được chưa?
Anh chàng tiểu đội trưởng trẻ măng gật đầu:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi sẵn sàng rồi.
Tham mưu trưởng Dương gật đầu:
- Thế thì đi!
Gần hai tiếng sau toán trinh sát đã đưa ba thày trò đến mỏm bắc của dãy Cô Rốc. Từ đây nhìn sang Làng Vây như một con voi nằm phủ phục, cái đầu là điểm cao 230, còn điểm cao 320 là cái lưng. Sưốt từ bờ sông lên đến mặt nam cứ điểm lau lách và chuối rừng phủ kín. Chỉ vào một vệt mờ mờ giữa đám lau lách người tiểu đội trưởng trinh sát nói:
- Cái vệt mờ mờ kia chính là con đường ô tô đấy các thủ trưởng ạ! Bọn tôi đã sang đấy rồi, vẫn thấy dấu của lốp xe.
Hết dùng mắt thường lại dùng ống nhòm thay nhau săm soi kỹ từng chi tiết rồi đối chiếu với bản đồ tham mưu Dương bảo:
- Quả thật nếu đưa được xe tăng vào đây để tiến công theo hướng này thì lý tưởng đấy! Có thể nói đây sẽ là một bất ngờ lớn với địch. Các cậu thấy thế nào?
Trưởng ban tác huấn Phúc thận trọng:
- Tôi đề nghị ta cần phải xem xét kỹ hơn mới được!
Tham mưu trưởng Dương gật đầu rồi quay sang người tiểu đội trưởng trinh sát:
- Đồng chí đưa chúng tôi xuống dưới ấy được không?
Người chiến sĩ trinh sát gật đầu:
- Tôi có thể đưa các thủ trưởng xuống sát bờ sông bên này. Còn sang bờ bên kia thì tuyệt đối không được. Thủ trưởng Hoài đã dặn kỹ chúng tôi rồi!
Tham mưu trưởng Dương đồng ý:
- Được! Đồng chí cứ đưa chúng tôi xuống sát bờ sông cái đã.
Người tiểu đội trưởng trinh sát tỏ ra rất có kinh nghiệm, anh phân công ba chiến sĩ đi trước soi đường, còn lại thành một hàng dọc mỗi người cách nhau 3 mét, tất cả vũ khí sẵn sàng, tuyệt đối không nói chuyện, không hút thuốc và khi có tình huống xảy ra phải nghe theo sự hướng dẫn của anh ta.
Đoàn người lặng lẽ cắt rừng xuống núi. Càng xuống thấp tre mọc càng nhiều và gần đến bờ sông thì chỉ còn có tre. Những bụi tre ken khít vào nhau tuy có cái lợi là kín đáo nhưng đi lại khá khó khăn. Nhìn những người lính trinh sát cứ thoắt ẩn, thoắt hiện phía trước tham mưu trưởng Dương thấy rất khâm phục, ông nghĩ bụng: “về khoản này thì lính xe tăng còn lơ ngơ lắm, có lẽ phải chú ý hơn đến việc huấn luyện thêm về kỹ thuật chiến đấu bộ binh cho anh em”.
Mãi gần trưa cả đoàn mới tiếp cận được bờ sông. Người tiểu đội trưởng ra hiệu tiểu đội của mình tản ra cảnh giới rồi đưa ba cán bộ xe tăng đến sau một lùm tre. Anh thì thầm:
- Mặc dù mặt này bọn địch không thật chú ý đề phòng nhưng các thủ trưởng vẫn phải hết sức cảnh giác, không loại trừ các toán biệt kích, tuần tiễu của chúng bất ngờ xuất hiện. Vì vậy đề nghị các thủ trưởng tuyệt đối không được nói to và cũng không được nhô hẳn người ra.
Quả thật đây là một vị trí quan sát khá lý tưởng. Đứng ở đây có thể nhìn rõ mồn một bờ sông bên kia. Ngay sát bờ sông là một bãi cát khá phẳng phiu chắc là nơi bọn địch tập kết cát sỏi trước khi chở về cứ điểm. Lòng sông chỗ này khá rộng, mặt nước êm ả chảy chứng tỏ độ sâu cũng khá. Dọc bờ sông lau lách um tùm. Từ bãi cát trở về chân cứ điểm Làng Vây cũng chủ yếu là lau lách và chuối rừng. Con đường từ bãi cát về cứ điểm vẫn hằn những vệt bánh xe. Tham mưu trưởng Dương chỉ tay xuống mặt sông thì thầm:
- Đoạn này xe tăng bơi tốt. Còn bãi cát kia có thể chọn làm bến lên. Các cậu thấy có được không?
Cả Phúc và Tân cùng đáp khẽ:
- Tốt lắm ạ!
Tham mưu trưởng Dương ngước nhìn về phía điểm cao 320 rồi tiếp:
- Từ đây đến đỉnh 320 chắc chỉ 2 cây số. Như vậy chỉ cần vài phút sau là đã triển khai đội hình và phát huy hỏa lực được. Vì vậy ta cứ tạm xác định đây là vị trí tạm dừng. Anh Tân đánh dấu vào bản đồ đi nhé!
Tiểu đoàn trưởng Dương mở bản đồ lấy cây bút chì đỏ khoanh một vòng vào chỗ có địa danh Làng Troài. Sau đó ba thày trò còn chụm đầu thì thầm trao đổi với nhau thêm một lúc nữa. Cuối cùng tham mưu trưởng Dương kết luận:
- Chúng ta tạm thời thống nhất thế này: hoàn toàn có thể đưa xe tăng vào tham gia tiến công Làng Vây từ hướng Nam. Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để cơ động được xe tăng vào Làng Troài. Có lẽ bây giờ ta sẽ trinh sát sơ bộ lòng sông xem sao.
Cả Phúc và Tân cùng đáp:
- Nhất trí ạ!
Vẫy người tiểu đội trưởng trinh sát lại tham mưu trưởng Dương nói:
- Nội dung trinh sát ở đây thế là được rồi. Bây giờ đồng chí cho chúng tôi đi dọc bờ sông Sê Pôn để về trung đoàn nhé! Cố gắng đi sát bờ sông để chúng tôi còn quan sát mặt sông.
Người tiểu đội trưởng trinh sát tỏ ra miễn cưỡng:
- Thế cũng được ạ!
Ngay lập tức cả đoàn lên đường. Cứ tưởng theo bờ sông đường dễ đi hơn nhưng không phải. Những bụi tre dày cứ ken sát vào nhau như bức tường thành làm ba cán bộ xe tăng bở cả hơi tai mới theo kịp các chiến sĩ trinh sát. Không chỉ có vậy, cứ một quãng họ lại phải chật vật vượt qua những con suối từ dãy Cô Rốc đổ ra sông. Tuy vậy ba anh em vẫn không lơi là nhiệm vụ quan sát mặt sông. Càng về phía nam lòng sông càng cạn hơn, có khá nhiều đoạn đá ngầm nhô cả lên mặt nước như những con rùa lớn. Nguy hại nhất là hai cái ghềnh, nước từ trên cao dội xuống qua những mỏm đá lô nhô réo ào ào. Tham mưu trưởng Dương chỉ những mỏm đá nhô lên trên mặt nước lẩm bẩm:
- Những chỗ này xe tăng dễ bị đội bụng lắm đây.
Trưởng ban tác huấn Phúc tỏ ra lo lắng:
- Khó khăn đấy anh ạ! Nếu quyết tâm đưa xe tăng vào hướng này sẽ tốn nhiều công sức lắm đây.
Tiểu đoàn trưởng Tân cũng góp ý:
- Tôi thấy rằng nếu muốn đưa xe tăng vào hướng này cần trinh sát kỹ hơn và phải khắc phục triệt để các vật cản này.
Tham mưu trưởng Dương gật đầu:
- Được! Tớ sẽ đề nghị với Bộ tư lệnh mặt trận điều công binh về khắc phục. Tuy nhiên ta cũng còn phải xem xem có đường để “xê Chín” cơ động về Pê Sai không đã.
Mãi chiều tối đoàn trinh sát mới về đến Pê Sai, người nào người nấy mệt rã rời. Đón các anh trong căn hầm chỉ huy không chỉ có mình Hoài mà còn có cả sư đoàn trưởng B04. Chào hỏi nhau xong nhìn bộ dạng mấy cán bộ xe tăng Hoài Đen châm chọc:
- Chắc là chịu rồi hả?
Không trả lời câu hỏi ngay tham mưu trưởng Dương hỏi lại:
- Anh cho hỏi từ đây về Mường Noòng có con đường nào không?
Hơi ngạc nhiên một chút nhưng rồi Hoài Đen vẫn trả lời:
- Có! Nhưng chỉ là đường mòn thôi.
Ngay lập tức tiểu đoàn trưởng Tân giở tấm bản đồ ra. Hoài Đen đưa ngón tay to sù rê theo một đường đứt đoạn và nói:
- Bọn tôi vẫn đi theo đường này về Mường Noòng để nhận gạo và đạn ở A30.
          Tham mưu trưởng Dương nôn nóng:
- Anh thấy liệu xe tăng có thể cơ động theo đường ấy được không?
Hoài Đen lắc đầu:
- Đây chỉ là đường mòn của dân các bản người ta đi lại với nhau thôi. Tôi không phải lính tăng nên cũng không biết “các bố” có bò qua được không.
Ngẫm nghĩ một lát tham mưu trưởng Dương quả quyết:
- Vậy thì thế này. Ngày mai đề nghị anh cho một người dẫn đường cho anh em tôi về Mường Noòng. Nếu đường này mà xe tăng đi được thì sẽ có xe tăng cho anh dùng từ hướng nam đấy.
Hoài Đen trố mắt ngạc nhiên:
- Các “bố” chỉ hay đùa?
Tham mưu trưởng Dương cười:
- Cứ đợi đấy rồi sẽ biết!
Quay về chỗ sư trưởng B04 tham mưu trưởng Dương nhũn nhặn:
- Xin lỗi anh! Vấn đề nóng sốt quá nên phải làm ngay.
Sư trưởng B04 tươi cười:
- Không sao! Nhưng tôi nghe các anh nói chuyện mà chưa hiểu “đầu cua, tai nheo” gì cả!
Tham mưu trưởng Dương trả lời chắc nịch:
- Chúng tôi đang định cho xe tăng vào hướng nam này.
Sư trưởng B04 mừng rỡ:
- Thật thế không? Nếu đúng thế thì tốt quá! Bọn tôi đang phân vân xem nên chọn hướng nào làm hướng tiến công chủ yếu đây. Nếu các anh đưa được xe tăng vào đây thì “tuyệt cú mèo” đấy!
Tham mưu trưởng Dương quả quyết:
- Tất nhiên là rất khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng- Như chợt nhớ ra điều gì đó hệ trọng tham mưu trưởng Dương hạ giọng- Có một vấn đề chúng tôi đang định tìm anh để hỏi, thật may lại gặp anh ở đây.
Sư trưởng B04 tỏ ra quan tâm:
- Có vấn đề gì mà quan trọng thế?
Tham mưu trưởng Dương bảo Tân mở bản đồ ra, ông chỉ vào một chỗ đã khoanh bút chì xanh:
- Các anh đều biết đoàn 198 của chúng tôi đã được trên giao sơ bộ giao nhiệm vụ đánh Làng Vây. Để cơ động được đại đội 3 vào Làng Vây thì buộc phải đi theo đường Chín. Nhưng hiện nay còn vướng địch ở Huội San, chúng tôi đã trinh sát mà không tìm được đường vòng tránh. Tôi muốn biết ý định của các anh định giải quyết “cái” Huội San này như thế nào?
Sư trưởng B04 hạ giọng:
- Thực ra chúng tôi cũng mới nhận lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch mấy hôm nay thôi. Theo ý định của trên thì ta sẽ nổ súng tiến công vào một số điểm trọng yếu trên tuyến phòng thủ Đường Chín- Khe Sanh, trong đó có Huội San vào trung tuần tháng Giêng này. Hôm qua tôi đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn 24 đảm nhiệm mục tiêu này rồi. Vì vậy các anh cứ yên tâm, sẽ có đường cơ động cho xe tăng thôi.
Cả ba cán bộ xe tăng tỉnh hẳn người. Hoài Đen giục:
- Thôi! Các “bố” đi tắm rửa đi rồi còn ăn cơm. Hôm nay trung đoàn bộ săn được con hoẵng, sẽ chiêu đãi các “bố” một bữa mệt nghỉ.
Bữa cơm tối diễn ra trong không khí thật vui vẻ. Về hầm rồi ba anh em lăn ngay ra ngủ một giấc thật say. Ngay sáng hôm sau họ chia tay anh em bộ binh để về vị trí tập kết của đại đội 9 ở Mường Noòng.
Thật may! Con đường từ Pê Sai về Mường Noòng cũng không quá khó khăn, chỉ có đoạn qua Làng Thiêm độ dốc hơi cao nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được. Đã quen hơn với chuyện cắt rừng lội bộ nên mới nửa chiều đoàn của tham mưu trưởng Dương đã đến vị trí của đại đội 9.


DƯỚI MƯA BOM BÃO ĐẠN XE TĂNG VƯỢT TRƯỜNG SƠN THẾ NÀO?

Dưới mưa bom bão đạn, xe tăng vượt Trường Sơn bằng cách nào?
Bảo đảm ký thuật xe tăng. Ảnh QĐND.

Tổ chức đưa hàng trăm xe tăng vượt hàng nghìn ki-lô-mét vào các chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu có thể coi là một kỳ tích của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam.

Xe tăng là loại phương tiện chiến đấu có tự trọng lớn, tuổi thọ động cơ cũng như nhiều chi tiết trên xe thấp... nên khi phải cơ động đường dài người ta thường sử dụng các phương tiện chuyên chở thiết kế đặc biệt.
Điển hình của những phương tiện này như: xe chở tăng chuyên dụng, xe lửa, tàu thủy v.v... để đưa xe tăng đến gần khu vực tác chiến.
Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, việc đưa xe tăng vào chiến trường - kể cả những chiến trường xa nhất với khoảng cách lên đến 2000 km, chủ yếu là hành quân bằng xích.
Đây cũng là nét đặc thù riêng có trong sử dụng xe tăng, thiết giáp (TTG) ở Việt Nam.

Tháng 12/1971, xe tăng 390 hành quân từ Vĩnh Phúc, vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên khốc liệt.
Tháng 12/1971, xe tăng 390 hành quân từ Vĩnh Phúc, vượt Trường Sơn vào chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên khốc liệt.
Những thách thức dọc đường hành quân
Có nhiều phương án để đưa xe tăng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong đó phương án tối ưu là:
Chở xe tăng bằng tàu hỏa vào đến Vinh Chở xe tăng bằng tàu thủy từ Vinh vào Đồng Hới hoặc Long Đại (Quảng Bình) Từ Đồng Hới (hoặc Long Đại) xe tăng bắt đầu hành quân bằng xích.
Từ đây, xe tăng sẽ phải hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh. Để vào các chiến trường xa, sau khi vượt Trường Sơn sang đất Lào xe tăng sẽ hành quân dọc cao nguyên Nam Lào.
Nếu muốn vào chiến trường B4 sẽ theo đường B45 vượt dốc Con Mèo về A Lưới. Nếu muốn vào B3 phải hành quân đến vùng Ba biên giới rồi vượt biên giới về Bắc Kon Tum.
Nếu muốn vào B1 thì lộ trình tương tự B3, sau khi quay về đất Việt sẽ theo đường 14 cũ đi ngược trở ra Quảng Nam (vì dãy Trường Sơn ở đoạn qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai rất hiểm trở).
Còn nếu muốn vào B2 thì vượt qua Ngã ba biên giới sang hành quân trên đất Căm-pu-chia tới căn cứ địa của Miền ở khu vực Bù Đốp, Lộc Ninh.

Pháo binh và xe tăng quân Giải phóng trên đường hành quân vào giải phóng Quy Nhơn. Ảnh: TTXVN.
Pháo binh và xe tăng quân Giải phóng trên đường hành quân vào giải phóng Quy Nhơn. Ảnh: TTXVN.
Với phương án này sẽ tiết kiệm được khoảng 600 km hành quân xích.
Trường hợp xấu nhất - khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt các tuyến vận chuyển thì xe tăng sẽ phải hành quân bằng xích từ vị trí tập kết (thường là vùng Vĩnh Phú hoặc Hòa Bình) vào thẳng chiến trường.
Quãng đường hành quân đến chiến trường xa nhất (B2) lên đến gần 2000 ki- lô- mét. Trên đường hành quân, đội hình xe tăng thường phải đối mặt với những thách thức chủ yếu sau:
Chất lượng đường sá: Đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngoài những đoạn tận dụng được các quốc lộ, tỉnh lộ cũ còn lại nhìn chung đều là đường quân sự làm gấp.
Vì vậy mặt đường thường hẹp, chất lượng mặt đường xấu - thường chỉ là chất liệu đất đá tự nhiên; hệ thống cầu cống tạm bợ, trọng tải kém; nhiều sông lớn không có cầu thì chỉ có phà dã chiến với trọng tải không lớn...
Chính vì vậy, khi lựa chọn đơn vị xe tăng đầu tiên đưa vào chiến trường, Binh chủng TTG đã chọn loại xe tăng bơi PT-76 vì khả năng tự bơi vượt sông của nó. Chất lượng mặt đường ảnh hưởng nhiều nhất đến hệ thống vận hành của TTG - nhất là đối với xe tăng bơi.
Chẳng hạn như Đại đội 9, Tiểu đoàn XT198 sau khi hành quân bộ 1073 km vào nam Đường 9 đã phải thay thế 95% bánh chịu nặng và 80% mảnh xích. Mặt khác, chất lượng đường sá ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ hành quân, nhất là vào mùa mưa.
Có trường hợp đường bị sạt lở, xe tăng phải nằm chờ hàng tuần mới đi được. Thậm chí có xe bị lăn xuống vực phải hủy...
Sự ngăn trở quyết liệt của không quân Mỹ: Đây là một trở ngại không nhỏ đối với nhiệm vụ đưa xe tăng nói riêng cũng như tiếp vận hàng hóa nói chung từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Người Mỹ đã dùng tất cả những phương tiện tối tân nhất mà nền khoa học QS hùng mạnh của họ có thể làm ra để ngăn chặn QĐNDVN làm điều đó như máy bay chiến lược B-52 đến máy bay chiến thuật; từ trực thăng đến “kẻ săn đêm” AC130;
Ngoài ra là từ trinh sát không người lái đến trinh sát OV10; từ thiết bị trinh sát hồng ngoại đến “cây nhiệt đới” thu tiếng động; từ bom thông thường đến bom thông minh; từ chất “làm rụng lá cây” đến chất “gây mưa”... đã được đưa vào sử dụng với mục đích trên.
Với một động cơ công suất lớn, nguồn nhiệt tỏa ra cao, tiếng động cũng lớn... việc che mắt được không quân Mỹ đối với xe tăng không hề dễ dàng. Chỉ cần sơ suất một chút sẽ bị chúng phát hiện và tập trung ném bom hủy diệt ngay.
Tháng 5.1972, khi Đại đội xe tăng 4 vừa hành quân vào đến A Lưới đã bị B-52 đánh trúng đội hình, xe 388 bị bom đánh lật ngửa, 4 chiến sĩ hy sinh.
Trước đó, Đại đội xe tăng 8 hành quân trên đường 18 (bên đất Lào) bị phát hiện, KQ Mỹ tập trung đánh phá cháy cả đại đội...
Công tác bảo đảm kỹ thuật: Mặc dù khi tổ chức hành quân thường có bộ phận sửa chữa đi cùng song do ở dã ngoại, phương tiện, khí tài thay thế... thiếu thốn nên việc bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng của xe máy, vũ khí gặp nhiều khó khăn.
Với những đơn vị đi độc lập với quy mô cấp đại đội lại càng khó khăn hơn vì không có công trình xa đi theo.
Chính vì vậy, khi chỉ hỏng 1 bơm cao áp (heo dầu) mà Đại đội xe tăng 3 phải bỏ lại dọc đường xe tăng bơi số 700 (tất nhiên có báo cáo vị trí để cấp trên cho người vào sửa chữa).

Xe tăng ta húc đổ cổng, tiến vào chiếm Dinh Độc Lập trưa 30.04.1975.
Xe tăng ta húc đổ cổng, tiến vào chiếm Dinh Độc Lập trưa 30.04.1975.
Cứ đi khắc đến
Bất chấp những khó khăn, thử thách như đã kể trên, bộ đội TTG Việt Nam đã đưa được hàng trăm xe tăng, xe tiết giáp vượt hàng nghìn km vào tất cả các chiến trường ở miền Nam. Tỷ lệ người và xe đến đích trung bình đạt 85- 90%.
Nhiều đơn vị vừa vào đến nơi đã tham gia chiến đấu được ngay như Tiểu đoàn 171 (khi vào đến B2 đổi tên là Tiểu đoàn 20), sau khi vượt gần 2.000 km vào đến căn cứ Miền ngày 02.4.1972 thì chỉ 5 ngày sau đã tham gia đánh cứ điểm Lộc Ninh và giành thắng lợi vang dội.
Có được kết quả ấy trước hết phải nói đến quyết tâm chính trị rất cao từ Bộ thống soái tối cao đến từng người lính, từ cơ quan chỉ đạo các cấp đến đơn vị cơ sở... Một số bài học lớn rút ra từ những cuộc hành quân đường dài là:
Trước khi hành quân phải nắm chắc tình hình đường sá, tình hình địch và các bộ phận liên quan (công binh, kỹ thuật, hậu cần...).
Trên cơ sở đó kết hợp với rút kinh nghiệm từ các cuộc hành quân trước đây để xây dựng kế hoạch hành quân thật khoa học, thật hợp lý làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Đồng thời phải tổ chức huấn luyện bổ sung các nội dung cần thiết cho đội ngũ thành viên kíp xe như: lái đêm, lái qua địa hình phức tạp, sử dụng súng cao xạ 12,7 mm bắn máy bay, cách ngụy trang - giữ bí mật v.v...
Trong quá trình hành quân phải tổ chức đội hình hợp lý, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên tuyến như công binh, phòng không, hậu cần... để bảo đảm tốt mọi mặt cho đội hình hành quân.
Cố gắng bám sát kế hoạch hành quân song cũng phải linh hoạt xử lý các tình huống bất thường. Đặc biệt, phải hết sức chú trọng công tác phòng gian giữ bí mật - nhất là tại các điểm dừng chân.
Hết sức chú trọng đến công tác bảo đảm kỹ thuật, có kế hoạch mang theo tối đa những khí tài dự bị cần thiết cùng lực lượng thợ sửa chữa hợp lý để có thể khắc phục được những hư hỏng thông thường của xe máy, trang bị.
Thực tế cho thấy, tất cả các đơn vị TTG khi hành quân đều tổ chức bộ phận “tiền trạm” đi trước để nắm đường, liên hệ với công binh, chọn vị trí nghỉ các chặng....
Do đó, kế hoạch hành quân nhìn chung được thực hiện tương đối suôn sẻ, các khó khăn vướng mắc được giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, đơn vị nào thường xuyên nêu cao cảnh giác, giữ bí mật; nâng công tác ngụy trang của CB- CS lên thành “kỹ năng”, bố trí đội hình trú quân có cự ly hợp lý... thì tỷ lệ thương vong do không quân địch gây ra rất thấp.
Điển hình như Tiểu đoàn 171 kể trên đã đưa được 97% xe đến đích an toàn. Tổ chức đưa hàng trăm TTG hành quân bằng xích vào chiến trường xa hàng nghìn km trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước xứng đáng được coi là một kỳ tích của bộ đội TTG Việt Nam.
Những kinh nghiệm đúc rút ra từ các cuộc hành quân đường dài đó mãi mãi vẫn sẽ là những bài học quý báu cho lực lượng TTG hiện tại và tương lai.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

BÃO THÉP 1- CƠN LỐC ĐẦU MÙA- Kỳ 19


Nhận được bức điện báo cáo tình hình tổng kết hành quân và ý định sử dụng xe tăng của Bộ tư lệnh mặt trận từ tiền phương gửi về quyền tư lệnh Đào thấy rất bức xúc. Sau một hồi suy nghĩ ông quyết định sẽ đi gặp các thủ trưởng trên Bộ để trình bày ý kiến của mình. Mặc dù không đăng ký trước nhưng vốn đã có thời gian công tác tại cục Tác chiến nên ông tin rằng mình có thể có cách gặp được thủ trưởng Bộ. Ông bảo Lưu đi gọi xe và một mình về Hà Nội.
Đầu giờ làm việc buổi chiều hai thày trò đã có mặt ở cổng khu A. Nhưng dù cho đã trình tất cả các loại giấy tờ ông vẫn phải ngồi lại phòng chờ để vệ binh điện báo vào trực ban. Mặc dù không thoải mái cho lắm những ông vẫn phải thầm khen tác phong chính quy và thái độ dứt khoát của những chiến sĩ vệ binh ở đây.
Ngồi một mình trong phòng chờ quyền tư lệnh Đào sắp xếp lại các ý nghĩ của mình. Ông tự dặn mình phải hết sức kiềm chế, mềm mỏng khi báo cáo. Tự ông biết khả năng thuyết phục của mình còn hạn chế không phải vì nội dung mà chủ yếu là ở phương pháp. Ông vốn thẳng tính và lý trí quá. Chính vì vậy ông đã đề cử tham mưu trưởng Dương đi thuyết trình hồi tháng Bảy vừa qua.
Mất gần 10 phút chờ đợi đồng chí trực ban mới ra đón và đưa thẳng ông về phòng thường trực của văn phòng. Quyền tư lệnh Đào thấy hơi thất vọng vì người ra đón ông là một trong những người phản đối việc đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam mạnh mẽ nhất. Trong một vài lần làm việc với cấp trên và nhất là trong cuộc diễn tập gần đây giữa ông và vị sĩ quan này đã có những cuộc tranh luận khá căng thẳng về quan điểm sử dụng xe tăng ở Việt Nam. Đối với ông việc tranh luận về mặt học thuật là hết sức bình thường, có điều thái độ của vị này trong tranh luận đã làm ông không khỏi có ác cảm. Vì vậy một lần nữa ông tự dặn mình phải thật kiềm chế.
Sau tuần trà và vài lời thăm hỏi xã giao người sĩ quan trực hỏi:
- Anh lên đây có việc gì thế anh Đào?
Bỏ qua mối ác cảm trong đầu quyền tư lệnh Đào nhỏ nhẹ:
- Tôi có chút việc cần gặp thủ trưởng Bộ nên định lên đây nhờ các anh giúp đỡ. Vì thời gian rất gấp nên nếu làm công văn gửi thì sợ không kịp.
Vị sĩ quan trực cười:
- Thủ trưởng Bộ đã đồng ý với các anh, đã cho phép các anh đưa xe tăng vào miền Nam rồi. Anh còn định đề nghị gì nữa đây?
Quyền tư lệnh Đào vẫn mềm mỏng:
- Báo cáo anh, hiện tại chúng tôi đã đưa được toàn bộ trang bị tới đích. Tuy nhiên có một vài vấn đề về bố trí và sử dụng lực lượng của mặt trận chưa thật hợp lý lắm nên tôi muốn đề nghị thủ trưởng Bộ chỉ đạo vào trong ấy cho kịp thời.
Người đối thoại nhìn xoáy vào mặt ông Đào:
- Anh thấy chưa hợp lý ở chỗ nào?
Quyền tư lệnh Đào nôn nóng:
- Chắc anh đã biết: trước khi đưa xe tăng vào đồng chí cục trưởng cục Tác chiến đã xuống làm việc với chúng tôi. Hai bên đã thống nhất với nhau là chỉ đưa xe tăng vào Đường Chín và sẽ tác chiến ở xung quanh khu vực đó. Thế mà hiện nay mặt trận lại xé lẻ hai đại đội của chúng tôi ra, đưa một đại đội vào A Lưới để đánh xuống Huế. Một tiểu đoàn có hai đại đội lại phải tác chiến ở hai khu vực cách nhau mấy trăm cây số như thế chúng tôi làm sao hỗ trợ cho nhau được, mà công tác tổ chức chỉ huy cũng hết sức khó khăn.
Vị sĩ quan trực cướp lời:
- Vậy anh định đề nghị thế nào?
Quyền tư lệnh Đào trả lời ngay:
- Tôi đề nghị phải đưa đại đội kia quay trở ra khu vực Đường Chín.
Ông ta tỏ ra quan trọng:
- Theo tôi việc chúng ta ngồi ngoài này thống nhất với nhau là một chuyện. Đó mới là chỉ kế hoạch, là dự định. Còn khi vào trong kia căn cứ tình hình cụ thể mặt trận người ta có quyền thay đổi chứ. Mà các anh còn có cả một Bộ tư lệnh tiền phương đi cùng, tại sao không có ý kiến ngay lại phải để ngoài này can thiệp vào?
Biết là ông ta nói có lý nên quyền tư lệnh Đào đấu dịu:
- Trong thời gian vừa qua tiền phương của chúng tôi có nhiệm vụ chủ yếu là đi sát đơn vị để chỉ đạo hành quân nên chưa kịp làm việc với Bộ tư lệnh mặt trận. Chắc là rồi đây các anh ấy cũng sẽ có ý kiến với trong đó nhưng tôi muốn đề nghị Bộ chỉ đạo vào thì sẽ nhanh hơn.
Đến lúc này vị sĩ quan trực mới mở cuốn sổ tay ra chăm chú xem một lúc rồi ngẩng lên:
- Dạo này nhiều việc quá nên các thủ trưởng rất bận. Hôm nay không thủ trưởng nào có nhà. Có lẽ anh phải để hôm khác thôi!- Ông ta chợt hấp háy mắt đầy tinh quái- Nhưng tôi nghe nói hai đại đội của các anh vào đến đó đều mất sức chiến đấu rồi cơ mà?.
Quyền tư lệnh Đào đứng phắt dậy, hai thái dương ông giần giật, quai hàm bạnh ra, hai bàn tay bất giác nắm lại. Ông chỉ muốn đấm thật mạnh vào cái miệng vừa buông ra câu giễu cợt độc địa kia. Tuy nhiên nhớ đến lời tự dặn mình trước khi vào đây ông chỉ bình thản:
- Các thủ trưởng đi vắng thì tôi về vậy. Xin cảm ơn anh đã tiếp tôi. Chào anh!
Không đợi cho vị sĩ quan trực trả lời ông quay người bước ngay ra cửa. Có vẻ như cơn gió lạnh đầu đông làm quyền tư lệnh Đào bình tĩnh hẳn lại. Ông nhủ thầm: “hãy đợi đấy!” rồi rảo bước ra cổng. Qua chỗ trực ban ông ghé vào hỏi nhỏ:
- Này, cục trưởng Tác chiến đi công tác bao giờ về nhỉ?
Đồng chí trực ban tươi cười:
- Báo cáo thủ trưởng! Tôi cũng không biết ạ!
Quyền tư lệnh Đào ngỡ ngàng:
- Thế anh ấy đi công tác ở đâu?
Người trực ban nhìn trước ngó sau một lát rồi hạ giọng:
- Cục trưởng vào làm tham mưu phó mặt trận Đường Chín- Khe Sanh ạ!
Mắt quyền tư lệnh Đào chợt sáng lên, trong đầu ông đã vụt hiện một giải pháp. Ông vội chào đồng chí trực ban và bước nhanh ra phía cổng.

Ngay khi vừa lên gặp Bộ tư lệnh mặt trận chính ủy Ngọc và tham mưu trưởng Dương đã đề nghị ngay việc kéo đại đội 9 ra khu vực nam đường Chín. Tư lệnh mặt trận hứa sẽ nghiên cứu và giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Ông cũng đồng ý để chính ủy Ngọc và tham mưu trưởng Dương ở lại làm tham mưu cho Bộ tư lệnh mặt trận về sử dụng xe tăng.
Không biết vì ở ngoài Bộ điện vào hay do nhận thấy rõ sự bất hợp lý khi để xảy ra tình trạng này mà hai ngày sau mặt trận chính thức đồng ý với đề nghị của đại diện xe tăng về việc đưa đại đội 9 ra nam Đường Chín. Tham mưu trưởng Dương lập tức điện báo cho đoàn 198 và cho đại đội 9.
Lúc này đại đội 9 đang nằm ở cây số 54 đường B45, từ đây về biên giới Việt Lào chỉ chừng vài chục ki- lô- mét. Cũng là con đường nối hai nước Việt Lào nhưng nói về độ hiểm trở thì đường B45 so với đường Chín thật sự là “một trời, một vực”. Nếu như đường Chín vượt qua biên giới ở Lao Bảo chỉ nằm ở độ cao hơn 200 mét so với mực nước biển  thì đường B45 phải vượt qua dốc Con Mèo ở độ cao hơn thế đến năm lần. Nếu như đường Chín là một dải lụa êm đềm vắt ngang bình nguyên Nam Lào thì đường B45 lại như một con rắn len lỏi qua những đỉnh cao trập chùng mây phủ. Không chỉ có địa hình hiểm trở đường B45 cũng là con đường được không quân Mỹ “chăm sóc” vào loại chu đáo nhất. Cả con đường oằn mình chịu đựng những trận không kích suốt ngày đêm cộng với những cơn mưa chất rụng lá cây nên hai bên đường chỉ còn nham nhở những vách đá trơ trụi. Vì vậy ngay sau khi đại đội 9 đến vị trí này đại đội trưởng Nghi đã phải bỏ ra gần một ngày mới tìm được khu vực giấu quân tạm gọi là ưng ý. Đó là một thung lũng nhỏ nằm kẹp giữa hai quả đồi, ở giữa có một con suối chảy qua. Mặc dù chỉ còn sót lại ít cây cối lưa thưa mới tái sinh nhưng nơi đó vẫn là khá lý tưởng cho một đại đội xe tăng giấu quân trên con đường độc đạo vượt Trường Sơn để về đất Việt. Nhận thấy cường độ hoạt động của không quân địch rất cao nên đại đội trưởng Nghi quyết định trước hết phải hoàn chỉnh hệ thống công sự, hầm hố và tăng cường công tác ngụy trang, giữ bí mật. Phải cái đất ở đây nhiều đá quá nên công việc tiến hành rất chậm. Ngay như ở xe đại đội trưởng bốn anh em thay nhau đào đào, xúc xúc  mấy ngày mới được cái hầm xe, bây giờ đang đào hầm ngủ. Đất toàn sỏi đá, mỗi nhát cuốc chim bổ xuống lại tóe lửa lên như hoa cà hoa cải. Những bàn tay quai búa tạ đã chai sạn mà vẫn tê dại đi, bật cả máu tươi. Mấy thành viên đều thương đại đội trưởng sức yếu nhưng bảo đi nghỉ thì anh không chịu, cuối cùng đành thống nhất ưu tiên cho đại đội trưởng dùng xẻng đắp lại thành hầm. Vừa làm Nghi vừa nhẩm tính: sau khi hoàn chỉnh hệ thống hầm xe, hầm người sẽ phải bắt tay ngay vào củng cố tình trạng kỹ thuật để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Trong thâm tâm anh vẫn thấy băn khoăn về việc đại đội mình sao lại bị đưa vào đến tận đây. Căn trên bản đồ anh biết chỉ cần đi thêm vài chục ki- lô- mét nữa là các anh sẽ lại về đất Việt Nam. Tất nhiên là ở phía nam Đường Chín hàng trăm ki- lô- mét.
Đang vừa làm vừa suy nghĩ mông lung thì cậu cơ yếu hớt hải chạy đến:
- Báo cáo đại trưởng! Có điện của trên gửi đại đội ta ạ!
Nhận bức điện từ tay người chiến sĩ cơ yếu Nghi chăm chú đọc rồi thừ mặt ra. Bức điện ghi rõ đại đội anh phải quay ra nam Đường Chín gấp. Nghĩ cũng bực: “bật cả máu tay mới đào xong hầm giờ lại bỏ đấy”. Nhưng rồi Nghi lại tặc lưỡi: “nước sông, công lính mà” rồi ra lệnh cho các thành viên:
- Thôi! Không phải đào hầm nữa! Cậu nào đi gọi hộ tớ anh Tú, anh Vĩnh và các trung đội trưởng lên hội ý ngay nhé. Nhớ bảo các xe thôi không đào hầm nữa!
Nói rồi anh chui vào xe lấy tấm bản đồ ra chăm chú xem. Vị trí mà trên quy định đại đội anh phải quay ra là Mường Noòng ở phía nam đường Chín. Như vậy các anh sẽ phải quay ra hơn trăm ki- lô- mét. Quãng đường đó bình thường ra chẳng nhằm nhò gì nhưng bây giờ đối với các anh sẽ rất khó khăn bởi vì tình trạng kỹ thuật bộ phận vận hành của tất cả các xe đều đã quá cũ nát.
  Chừng mười lăm phút sau chính trị viên Tú, đại đội phó kỹ thuật Vĩnh và ba trung đội trưởng đã có mặt. Nghe đại đội trưởng Nghi phổ biến mệnh lệnh xong ai cũng phấn khởi bởi được về lại đội hình tiểu đoàn và có lẽ cũng vì không phải đánh vật với đống đất đá nơi đây. Chỉ có đại đội phó kỹ thuật Vĩnh là lầm lì hẳn đi. Đại đội trưởng Nghi lo lắng hỏi:
- Thế nào anh Vĩnh? Liệu ta có đủ khả năng hành quân ngay không?
Vĩnh vẫn lầm lì:
- Đi thì vẫn đi được nhưng sẽ vất vả đấy!
Nghi dứt khoát:
- Vất thì cũng phải đi! Bây giờ các trung đội về phổ biến nhiệm vụ cho anh em biết. Chiều nay tập trung củng cố xe pháo, ăn cơm sớm. Đúng 17 giờ phải sẵn sàng xuất phát được- Quay sang Vĩnh đại đội trưởng Nghi hỏi-  Anh có nhắc gì anh em không?
Đại đội phó Vĩnh gật đầu:
- Tôi cứ hy vọng nằm ở đây ít ngày sẽ nhận được khí tài bổ sung. Nhưng bây giờ tình hình thế này thì đề nghị các anh về cho anh em tập trung kiểm tra bộ phận hành động, những mắt xích đã rạn nứt quá thì cho thay ngay. Bánh chịu nặng cũng vậy, cái nào đã bong hết cao su thì thay. Nhớ là thay ra nhưng không được vứt đi đâu đấy, cứ xếp hết lên xe cho tôi.
Mấy trung đội trưởng phì cười:
- Đã thay ra rồi còn xếp lên xe làm gì cho nặng?
Vĩnh gắt:
- Cứ đợi đấy! Rồi có lúc bói không ra đâu.
Đại đội trưởng Nghi dàn hòa:
- Thôi, các cậu! Anh Vĩnh đã bảo thế thì cứ thế mà làm! Còn ai hỏi gì nữa không?- Thấy không ai có ý kiến gì anh tiếp- Thế thì về triển khai đi.
Mọi người lục tục về xe. Trên đầu thằng chỉ điểm OV10 đang vè vè soi rất thấp. Nghi vội dặn với theo:
- Nhớ chú ý khói lửa đấy nhé!

Quãng đường chỉ có hơn trăm ki- lô- mét mà đại đội 9 phải mất bốn đêm cật lực mới tới được vị trí quy định. Người mệt mỏi nhất là đại đội phó kỹ thuật Vĩnh. Mỗi đêm phải chỉ huy khắc phục  hàng chục ca đứt xích, trật xích đã hút hết sức lực của anh. Về đến Mường Noòng người Vĩnh teo tóp như cái dải khoai khô. Anh thủng thẳng bảo đại đội trưởng Nghi:
- Ông điện báo cho đoàn biết đi! Đại đội ta chỉ cố đến đây là kiệt sức rồi. Nếu không có khí tài bổ sung thì coi như bị liệt đấy.
Không cần Vĩnh nói thì Nghi cũng đã biết. Chính anh suốt bốn ngày đêm vừa qua đã chứng kiến sự vất vả của anh em trong toàn đại đội khi họ phải đánh vật với đường sá, xe pháo để đưa được xe về đến vị trí quy định. Gần như tất cả các mảnh xích đều bị rạn nứt, quá nửa bị gãy vú, còn bánh chịu nặng cũng đã bong tróc gần hết lớp cao su. Ngay lập tức anh viết điện gửi về thủ trưởng đoàn báo cáo tình hình.
Đang làm kế hoạch trinh sát thì tiểu đoàn trưởng Tân được đoàn trưởng Lãm gọi lên. Chìa bức điện của đại đội 9 ra trước mặt Tân Lãm bảo:
- Gay quá Tân ạ! “Xê Chín” đã ra đến Mường Noòng rồi nhưng bị liệt hoàn toàn bộ phận vận hành. Cậu bảo phải làm sao bây giờ?
Cầm bức điện từ tay đoàn trưởng Lãm, Tân nhíu mày:
- Còn làm sao được nữa? Phải tìm mọi cách bổ sung khí tài cho nó thôi!
Lãm nhăn trán:
- Nhưng lấy đâu ra khí tài bây giờ? Bộ tư lệnh thông báo đã gửi khí tài theo đường dây 559 nhưng mình chưa thấy họ thông báo gì cả nên cũng chẳng biết bây giờ hàng đang ở đâu?
Suy nghĩ một lát Tân đưa ra ý kiến:
- Có lẽ mình phải tự đi tìm thôi chứ cứ đợi 559 thì không biết đến bao giờ họ mới trả lời.
Lãm gật đầu:
- Thôi được! Tôi quyết định thế này: để Phúc ở nhà làm kế hoạch trinh sát, còn cậu chịu khó đi một chuyến. Phải tìm bằng được số khí tài đó chứ không thì gay go to đấy.
Biết là sẽ như “mò kim đáy bể” nhưng Tân cũng biết rằng không còn cách nào khác nên anh quả quyết:
- Vâng! Tôi nhất định sẽ tìm bằng được mới thôi.
Nói thì nói vậy nhưng trên đường đi về hầm của mình Tân cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Chiến trường thì mênh mông. Mạng lưới đường sá, kho tàng của đoàn 559 thì chằng chịt. Hàng hóa thì “hằng hà sa số”. Mấy chục tấn khí tài xe tăng chắc đang nằm lọt thỏm trong một cánh rừng hoặc một cái hang nào đó. Tuy nhiên anh cũng có một nhận định: “chắc chắn là số hàng đó đã được gửi vào khu vực này của chiến trường, nghĩa là sẽ nằm trong phạm vi binh trạm 12 này”. Vì vậy anh quyết định sẽ tới các kho của binh trạm 12 để tìm kiếm.
Với kinh nghiệm thu được sau chuyến đi từ đại đội 9 ra Tân dự định sẽ dựa vào cánh lái xe để tìm hiểu tình hình. Thường xuyên vận chuyển hàng hóa trên các cung đường nên cánh lái xe là những người biết nhiều chuyện nhất. Từ chuyện lớn như chiến dịch sắp mở ở đâu đến những chuyện lặt vặt như binh trạm này cô nào xinh nhất v.v... và v.v...  Vì vậy ngay đầu giờ chiều anh đã gọi một chiến sĩ thông tin đi cùng ra đường tuyến và chỉ nửa giờ sau hai thày trò đã tìm được một đoàn xe tải đang náu mình trong một cánh rừng cạnh đó. Lúc này đã quá nửa chiều nên cánh lái xe đang ngồi túm tụm tán gẫu chờ cơm chiều. Vốn bản tính bỗ bã lại là kho chuyện tiếu lâm nên chỉ nhập cuộc một lúc Tân đã được anh em lái xe coi là người cùng cánh, chuyện trò cứ nở như ngô rang. Nhưng đến khi chuyển sang thăm dò về số khí tài xe tăng thì tất cả bọn họ đều lắc đầu không biết. Cũng không phải vì anh em người ta giữ bí mật gì mà đơn giản là đơn vị này chưa bao giờ chở thứ hàng đó. Nhận thấy sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt của Tân một lái xe có vẻ từng trài nhất an ủi:
- Ông bạn cứ yên tâm! Tối nay tôi sẽ đưa ông đến tổng kho của binh trạm, ở đó họ có danh mục hàng hóa và chắc là ông sẽ tìm được thôi.
Cũng chẳng có cách nào hơn nên Tân đành đồng ý với phương án đó.

Khi vào làm việc với tổng kho của binh trạm 12 Tân thật sự ngỡ ngàng. Hoàn toàn không như tưởng tượng của anh về một tổng kho. Không nhà cửa, không tòa ngang dãy dọc, cũng chẳng có sổ sách thống kê chi tiết hàng hóa. Mà có phải chỉ có một chỗ đâu. Gọi là tổng kho nhưng lại bố trí rải ra thành năm, sáu cái phân kho để tránh thiệt hại. Ở mỗi phân kho cũng chỉ có độ một trung đội kiêm nhiệm cả bảo vệ, bốc vác và bảo quản. Nơi nào may mắn có hang thì lợi dụng, nếu không chỉ có một vài dãy lán để bảo quản hàng lưu kho, còn hàng trung chuyển thì cứ xếp đống đấy chờ xe đến lại bốc đi. Thấy sự lạ lẫm hiện lên trên gương mặt anh cán bộ xe tăng người chỉ huy kho cũng ái ngại:
- Đồng chí thông cảm! Kho tàng dã chiến nên không thể quy củ như ngoài kia được. Tiếng là tổng kho nhưng phải bố trí phân tán ra, phân kho nào chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa ở đó. Vì vậy đồng chí chịu khó đi một lượt tất cả các phân kho chắc sẽ tìm thấy. Tôi sẽ cử người dẫn đồng chí đi.
Mất gần hai ngày lội bộ khắp mấy phân kho mà số khí tài vẫn như “bóng chim, tăm cá” Tân thất vọng lắm. Chưa biết sẽ làm gì tiếp theo Tân đành quay lại chỗ tổng kho. Vừa nhìn thấy mặt Tân người chỉ huy kho đã niềm nở:
-  Thế nào anh? Tìm được hàng chưa?
Tân mệt mỏi lắc đầu:
- Không thấy tăm hơi gì cả!
Anh ta nhíu mày suy nghĩ một lát rồi vỗ trán:
- Còn một điểm nữa! Nếu đã gửi vào đây rồi thì chỉ còn ở đấy nữa thôi.
Tân như người sắp chết đuối vớ được cọc:
- Chỗ nào? Có xa đây không?
Người chỉ huy kho cười:
- Đấy là một điểm tiếp nhận những loại hàng đặc biệt được gửi thẳng từ ngoài kia vào không qua các trạm trung chuyển. Thế mà tôi không nghĩ ra!
Tân hỏi dồn:
- Có xa đây không?
- Cũng không xa lắm!- Nhìn lướt qua cái bộ dạng thiểu não của Tân anh ta tiếp-  Nếu anh còn đi được thì tôi dẫn anh đi luôn.
Mặc dù suốt hai ngày chỉ lương khô với nước suối người cứ bã cả ra Tân vẫn hăm hở:
- Được! Tôi còn đi được mà.
Gần một tiếng sau ba người đã đến trạm tiếp nhận. Vừa đến nơi mắt Tân đã sáng rực lên khi nhìn thấy một đống thù lù những bánh chịu nặng, xích xe tăng và động cơ, hộp số vứt lỏng chỏng ở một góc rừng. Người chỉ huy trạm tiếp nhận phân trần:
- Chúng tôi chỉ biết đây là hàng gửi, lúc nào có người đến nhận thì giao chứ có biết của các anh đâu mà thông báo- Nhìn vẻ mặt của Tân anh ta đoán người cán bộ xe tăng phật ý về công tác bảo quản hàng hóa nên tiếp tục- Mà hàng của các bố toàn sắt thép nặng bỏ “xừ” đi được. Nửa đêm xe nó chở vào, cứ vần đại xuống đấy thôi chứ có người đâu mà sắp xếp lại.
Tỏ ra thông cảm với những người lính kho Tân vỗ về:
- Thế là tốt rồi! Xin cảm ơn các anh!- Anh bắt tay người chỉ huy kho thật chặt- Cũng may có anh giúp đỡ, nếu không thì tôi cũng đến chịu chết không tìm được.
Người chỉ huy kho nhã nhặn:
- Đây cũng là trách nhiệm của chúng tôi mà. Thôi, xin phép anh tôi về!
Người chỉ huy kho định quay lưng đi thì Tân vội giật giọng:
- Anh phải bố trí cho tôi mấy chuyến xe chứ tôi làm sao mà cõng về được?
Người chỉ huy kho lắc đầu cười:
- Việc ấy không phải của chúng tôi. Mà tôi có muốn giúp anh cũng không được, chúng tôi làm gì có cái xe nào- Anh ta nghiêng đầu nói nhỏ- Muốn xin xe anh phải vào binh trạm bộ, cũng gần đây thôi. Thôi, tôi về nhé!

Cứ tưởng tìm được hàng rồi sẽ đâu vào đấy Tân không ngờ việc đưa hàng về lại khó khăn đến vậy. Đã hai lần anh vào binh trạm bộ đề nghị xin mấy chuyến xe nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Hôm nay các thủ trưởng binh trạm đều đi vắng chỉ duy nhất một binh trạm phó ở nhà trực. Ngay khi nghe Tân đặt vấn đề ông ta đã lắc cái đầu trơ trụi chỉ còn vài sợi tóc và nói luôn:
- Hàng của các anh là hàng gửi. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm nhận, bảo quản và giao lại cho các anh. Nay các anh đã đến nhận rồi là chúng tôi hết trách nhiệm.
Lần thứ hai trở vào mặc dù Tân đã hết sức nhũn nhặn: “tình hình rất khẩn trương, nhờ binh trạm tạo điều kiện giúp đỡ” ông ta vẫn khăng khăng:
- Đã vào đây rồi thì ai chẳng khẩn trương với gấp gáp. Nhưng hiện tại chúng tôi cũng rất bận. “Vắt chân lên cổ” rồi mà cũng không kịp với kế hoạch vận chuyển trên yêu cầu nên không thể rút ra một cái xe nào cả. Các anh không có kế hoạch trước nên chúng tôi đành chịu!
Quay trở lại trạm tiếp nhận Tân đứng thẫn thờ nhìn đống hàng quý như vàng mà không làm sao được. Anh đã tính đến nước cùng là nhờ xe về tiểu đoàn để đưa xe ra chở nhưng như thế cũng mất mất vài ngày, mà cái xe Gát của tiểu đoàn anh thì cõng mấy chuyến mới hết số hàng này.
Nhìn thấy vẻ thất vọng trên nét mặt anh cán bộ xe tăng người chỉ huy trạm tiếp nhận hỏi thăm vẻ thông cảm:
- Không xin được xe hả? Chắc anh gặp phải bố già “mồ côi vợ” rồi?
Đang bực mình nhưng nghe là lạ Tân dỏng tai lên hỏi lại:
- Thế là thế nào? Hôm nay có mỗi ông binh trạm phó ở nhà thôi. Không biết có phải là ông ấy không?
Người lính kho cười:
- Thế thì đúng rồi! Ở cái binh trạm này bố ấy nổi tiếng là người nguyên tắc, không có kế hoạch thì đừng hòng mà xin xỏ gì được- Dừng một lát anh trầm giọng xuống- Nhưng nghĩ cũng tội, hơn bốn mươi rồi mà chưa có mảnh tình vắt vai nên khó tính thế thôi chứ ông ấy cũng là người tốt bụng lắm. Anh em thiếu thốn cái gì cứ lên xin là ông ấy cho ngay.
Thấy câu chuyện hay hay Tân tỏ ra quan tâm:
- Ừ! Người ta cũng đã tổng kết ngoài “băm” mà chưa vợ thì thế nào cũng bị hâm hâm...   
Người lính kho vẫn say sưa kể về thủ trưởng của mình:
- Ông ấy vào đây từ hồi mới mở đường 559 đấy. Sốt rét rụng hết cả tóc đầu, gần đây mới mọc lại được vài cái lơ thơ. Thế mà trên cho ra Bắc an dưỡng cứ khăng khăng không chịu. Ông ấy bảo bao giờ chiến thắng thì về một thể.
Nghe người chiến sĩ nói về thủ trưởng của mình với một giọng cực kỳ trìu mến Tân nghĩ bụng: “con người này không thể dựa vào nguyên tắc, vào kế hoạch mà có lẽ phải đánh vào tình cảm mới được”. Nghĩ vậy anh hỏi người chiến sĩ:
- Thế ông ấy quê ở đâu vậy?
Anh chiến sĩ kho vẫn vô tư dốc bầu tâm sự: 
- Hà Nam Ninh anh ạ! Binh trạm này cũng có khối đồng hương nữ đấy, các thủ trưởng cũng đã có ý định làm mối cho mấy cô mà chưa đám nào thành.
Cảm ơn người chiến sĩ kho hai thày trò Tân lại lò dò vào binh trạm bộ lần thứ ba. Vừa thấy mặt anh ông binh trạm phó đã xua tay:
- Tôi đã nói rồi! Không có kế hoạch thì không thể giải quyết được! Anh về đi!
Tân tỏ ra mệt mỏi:
- Gần tối rồi mà hai anh em tôi mệt quá, mấy hôm nay toàn lương khô với nước suối định vào chỗ các anh xin bữa cơm.
Ông ta đay lại:
- Cơm thì tôi cho nhưng xe thì vẫn không có đâu.
Tân cười bỗ bã:
- Đồng hương làm gì mà chặt chẽ với nhau thế?
Ông binh trạm phó trợn mắt:
- Ai đồng hương với ông? Mà ông ở đâu lại nhận đồng hương với tôi?.
Tân vẫn cười cợt:
- Thì dân “cầu tõm” với nhau cả mà.
Binh trạm phó vẫn kiên quyết:
- Đồng hương thì cũng thế thôi! Ông cứ chịu khó về mặt trận xin kế hoạch đi! Tôi đảm bảo cứ có kế hoạch là tôi sẽ giải quyết ngay!
Biết rằng cứ cố mãi sẽ hỏng việc nên Tân hoãn binh:
- Xin phép anh tôi đi tắm rửa cái đã! Ba hôm nay cứ đi miết người bốc mùi rồi đây này.
- Được! Xuống suối mà tắm rồi chốc nữa về đây ăn cơm với tôi.
Chiều trong rừng già xuống thật nhanh, chẳng mấy bóng tối đã lan tỏa khắp khu vực binh trạm bộ. Trời se se lạnh nên Tân tắm qua loa rồi quay về ngay. Cho đến lúc ngồi xuống mâm cơm câu chuyện giữa Tân với người binh trạm phó vẫn chẳng mấy mặn mà. Chỉ đến lúc biết anh ở xe tăng ông ta mới trợn mắt lên:
- Các ông đã vào đến đây rồi à?
Tân gật đầu xác nhận:
- Vâng ạ!- Thấy người đối diện tỏ ra chăm chú anh bồi thêm- Nhưng lần đầu hành quân đường dài, vào đến đây xe hư hỏng nhiều quá. Nếu không có số khí tài này thay thế thì mất sức chiến đấu mất.
Binh trạm phó sửng sốt:
- Mới vào đến đây, chưa đánh đấm gì mà đã không chiến đấu được thì vứt.
Tân vội giải thích:
- Không! Xe pháo thì không việc gì, chỉ hỏng xích và bánh đỡ nặng thôi! Chỉ cần có ít xích với bánh đỡ nặng thay vào là chạy được ngay.
Ngẫm nghĩ một lát ông ta bảo:
- Thế mà ông không nói rõ ngay từ đầu! Thôi được! Tôi sẽ giải quyết trước cho ông một xe! Ông xem những thứ nào cần thiết nhất thì chở trước đi!
Tân và vội miếng cơm rồi đặt bát xuống:
- Rất cảm ơn anh! Nhưng có bố trí được xe tối nay ngay không?
          Binh trạm phó cười:
- Thế không mệt nữa à?
     Tân ngượng nghịu:
          - Được tắm rửa, lại được bữa cơm ngon nên không thấy mệt mỏi gì nữa!
          Binh trạm phó trở lại vẻ nghiêm túc:
          - Nếu ông đi được thì về bên trạm tiếp nhận ngay đi! Nửa tiếng nữa sẽ có xe.
          Tân rối rít cảm ơn người binh trạm phó và quày quả đi ngay về trạm tiếp nhận. Ngay trong đêm một chiếc đại xa Zin 57 lặc lè chở đầy xích và bánh chịu nặng đã về đến Mường Noòng. Đại đội 9 như được hồi sinh.