Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

ANH MUỐN

          Trăng treo trên sườn Núi
          Toả sáng đến muôn nơi
Ơi ánh Trăng kỳ diệu
          Của muôn ngàn lứa đôi.

          Khi đã yêu nhau rồi
          Em ơi em có hiểu
          ánh Trăng xanh kỳ diệu
          Là của riêng đội ta

          Những ngày em đi xa
          Anh muốn làm Trăng sáng
          Qua không gian thầm lặng
          Anh sẽ đến bên em



          Trăng lấp ló đầu hiên
          Cho em nhìn đỡ nhớ
          Trăng vào qua khung cửa
          Soi cho em làm thơ

          Trăng sẽ làm giấc mơ
          Len vào khi em ngủ
          Cánh tay Trăng rộng mở
          Trăng ôm em vào lòng
         
          Trăng nhẹ nhàng cúi hôn
          Đôi môi em chúm chím
          Trăng nhìn em say đắm
          Khi em mỉm nụ cười

          Trăng cùng em sánh vai
          Đến chân trời kỳ diệu
          Em ơi! Em có hiểu
          Anh muốn làm ánh Trăng!

                          RTMN- 1976


Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

ĐÔI BỜ SOI BÓNG MỘT DÒNG SÔNG

Quê em lúa mượt đồng dào dạt
Quê anh ngô bãi phủ kín bờ
Chung một dòng sông, chung bến nước
Đôi quê thầm nhắc những hẹn hò

Những tháng năm dài đi đánh giặc
Anh vẫn nhớ về một dòng sông
Ở đó trời xanh in đáy nước
Ở đó quê mình trải mênh mông

Ở đó rặng tre xanh bát ngát
Bám đất làng hát mãi niềm vui
Ở đó đăm đăm bao đôi mắt
Nhìn theo, xao xuyến bước chân người

Nghìn dặm xa xôi anh thầm ước
Ngày trở về gặp lại quê hương
Những đêm vào trận anh thao thức
Biết đến bao giờ có người thương?

Ngày tháng chiến trường trôi đi mãi
Mùa nắng, mùa mưa cứ nối nhau
Đông qua Xuân đén bao lần nhỉ
Biết nói cùng ai- chỉ một câu?

Anh vẫn nghĩ rằng đi cứu nước
Làm sao chẳng có những gian nan
Nhưng sẽ tràn trề niềm hạnh phúc
Nếu có người yêu ở trong tim

                   
Sông Kinh Thày
                   











Ngày anh về lại bến sông xưa
Mấy năm vẫn những chuyến đò đưa
Vẫn mượt đồng xanh tươi ngô lúa
Bờ thương vẫn vẳng tiếng ai hò

Anh đứng bâng khuâng và tự nhủ
Đôi bờ soi bóng một dòng sông
Mà anh vẫn cứ như bên lở
Chẳng chút phù sa- chưa ai thương?

Hỡi người con gái bao xa lạ
Em như người đẹp ở trong tranh
Bỗng bừng tỉnh dậy và hôm ấy
Em bước vào đời- vào tim anh.

                   x
                
Anh chưa kịp hiểu- điều gì đến?
Chỉ thấy bồi hồi nhớ bóng ai
Chưa gặp một lần lòng đã ước
Cùng em sánh bước tới tương lai

Cứ mỗi chiều về anh muốn gọi
Ơi người con gái của quê hương
Phải chăng đôi mắt đăm đăm ấy
Đã hướng về anh đầy yêu thương.

                   x

Anh đến bên em một chiều Xuân
Rồi bờ bên ấy thành quê anh
Hai quê vẫn một dòng một bến
Ngô lúa trải dài bát ngát xanh

Chỉ có khác là từ hôm ấy
Anh đi trong ánh mắt của em
Dù xa vạn dặm em thương nhỉ
Vẫn thấy đăm đăm đôi mắt huyền.

                        RTMN- 1976

TẶNG EM

Em qua trăm núi nghìn đèo
Như lời Mẹ dặn thuở nào trong nôi:
          "Đi cho biết đó, biết đây
ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn?"



Tổ quốc mênh mông, nên thơ, xinh đẹp
Như con chim trời em chấp chới bay
Em sẽ đi- dọc chiều dài đất nước
Chặng đường xa em vững bước- từ đây.

Gian khổ, khó khăn em xin chấp nhận
Kiêu hãnh ngẩng đầu hướng tới trời xanh
Từ xa- Anh dõi theo em bước

Có thấy bên mình-  bóng hình anh?.

                            RTMN- 4.76

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

HỎA THẦN TOS-1 Ở SYRIA

Chuyên gia VN: "Hỏa thần" TOS-1A Nga ở Syria đánh như nào mà khiến IS kinh hồn bạt vía?
Uy lực của pháo phản lực nhiệt áp TOS-1. Ảnh minh họa.

Với đặc điểm của vũ khí nhiệt áp, TOS-1A có thể sát thương được sinh lực địch kể cả khi chúng ẩn nấp trong hầm ngầm, trong những công trình kiến trúc kiên cố hoặc trong hang động.


Cuối năm 2015, trong một nỗ lực nhằm đấy nhanh tốc độ đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Nga đã tung thêm một con bài chủ lực nữa vào chiến trường Syria. Đó là Hệ thống pháo phản lực bắn loạt TOS-1A có biệt danh "Buratino".
Việc Nga triển khai các hệ thống hỏa lực bắn loạt TOS-1A "Buratino" tại Syria có thể làm thay đổi cục diện chiến trường Syria và các "quy tắc trò chơi" vốn đã được thiết lập sẵn tại Trung Đông.
Các đặc tính của hệ thống TOS-1A có thể buộc các bên tham chiến tại Syria phải xem xét lại các hướng tiếp cận chiến dịch quân sự tại quốc gia Trung Đông này bởi một loạt bắn của TOS-1 có thể "thổi bay" một vài khu dân cư. Các chuyên gia Mỹ cho rằng trong kho vũ khí tương tự của các nước phương Tây không có loại vũ khí nào có thể so với TOS-1A.
Vậy TOS-1A là gì mà lại được phía Mỹ quan tâm và đánh giá cao như vậy?
Chuyên gia VN: Hỏa thần TOS-1A Nga ở Syria đánh như nào mà khiến IS kinh hồn bạt vía? - Ảnh 1.
Tổ hợp pháo phản lực nhiệt áp TOS-1
TOS-1, sự tích hợp của những ưu việt
TOS-1 theo nguyên bản tiếng Nga là: "тяжёлая огнемётная система", có nghĩa là "hệ thống phun lửa hạng nặng" là một pháo phản lực nhiều nòng (tổng cộng 30 nòng) bắn đạn nhiệt áp của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, đặt trên khung gầm của xe tăng T-72.
Nó có biệt danh là "Buratino" do có cái "mũi dài" của hệ thống ống phóng. Thậm chí một số tạp chí quân sự phương Tây còn phong cho nó danh hiệu "Hỏa thần".
Thực ra, hệ thống pháo phản lực nhiều nòng không có gì là mới mẻ. Nó đã từng được sử dụng từ trong chiến tranh thế giới thứ 2 mà đại điện tiêu biểu của nó là hệ thống "Kachiusa" nổi tiếng.
Tuy nhiên, sở dĩ TOS-1A được quan tâm và đánh giá cao là bởi những thay đổi mang tính đột phá của nó. Có thể nói, tổ hợp này là tích hợp của rất nhiều tính năng ưu việt của vũ khí Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.
Trước hết, nó được lắp đặt trên khung gầm của xe tăng T-72. Nhờ vậy, đã tăng đáng kể khả năng cơ động cũng như sức phòng hộ tự thân của nó so với các hệ thống pháo phản lực khác.
Thứ hai, với hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến bao gồm máy đo xa, máy ngắm và máy tính đạn đạo, cho phép TOS-1 ngắm bắn chính xác vào các mục tiêu ở cự ly từ 400 đến 6.000 mét.
Và quan trọng hơn cả, loại đạn mà TOS-1 sử dụng không phải là đạn thông thường mà là đạn ứng dụng công nghệ vũ khí nhiệt áp.
Vũ khí nhiệt áp là loại vũ khí mà khi nổ nó có thể tạo ra hàng loạt sóng xung kích, nhiều, lâu và lớn hơn các loại vũ khí nổ sử dụng các loại thuốc nổ đặc thông thường khác. Đồng thời tạo ra nhiệt độ cao và chân không xung quanh khu vực nổ để sát thương quân địch.
Nó rất hữu dụng trong quân sự vì khả năng gây sát thương cao kể cả khi sinh lực đối phương ở trong công sự, hầm ngầm hay hang động.
Nguyên lý làm việc của loại đạn này như sau: trước khi nổ sẽ tung nhiên liệu của mình ra xung quanh tạo thành một đám mây rất dễ bắt cháy, thường có hình dạng một chiếc dù để sóng chấn động khi tạo ra sẽ tập trung hướng vào mục tiêu cần công phá. Đám mây nhiên liệu này khi bị kích nổ sẽ tạo thành một đám cháy với áp suất và nhiệt độ rất cao.
Chuyên gia VN: Hỏa thần TOS-1A Nga ở Syria đánh như nào mà khiến IS kinh hồn bạt vía? - Ảnh 2.
Quân đội Iraq dùng pháo phản lực TOS-1A để tấn công thành trì Mosul của phiến quân IS.
Cụ thể, áp suất trong vụ nổ có thể đạt tới 430 lbf/in² (3 MPa, 30 bar) và nhiệt độ có thể đạt từ 4.500 đến 5.400 °F (2.500 đến 3.000 °C). Sóng xung kích bên ngoài vụ nổ có thể di chuyển với vận tốc 3 km/giây.
Sau giai đoạn nổ ban đầu tạo ra sóng chấn động, nhiệt và áp lực cao gây sát thương sẽ là tình trạng rút không khí vào trong ngọn lửa khiến môi trường xung quanh vụ nổ gần như là chân không khiến cho mọi sinh vật xung quanh nó bị ngộp thở và mất cân bằng áp lực đột ngột.
Chính việc rút không khí này mà ngọn lửa sẽ rút các hạt nhiên liệu chưa bắt cháy của đám mây nhiên liệu trở lại ngọn lửa nơi mà chúng sẽ bắt cháy sau đó khi có thêm dưỡng khí duy trì ngọn lửa của vụ nổ và tỏa nhiệt lâu.
Hiện tượng ngạt thở và tổn thương vẫn có thể xảy ra cho mọi sinh vật ở xa vụ nổ chính, đặc biệt là khi nó xảy ra trong các môi trường hẹp như đường hầm hay hang động nơi mà vụ nổ có thể rút gần như toàn bộ không khí trong không gian kín và sức nóng cũng như áp lực của nó truyền đi rất xa trong môi trường này.
Với sức công phá và sát thương lớn như vậy, nó được so sánh giống như vũ khí nguyên tử chiến thuật nhưng không phát ra phóng xạ và đã được ứng dụng để chế tạo các loại bom đạn từ lâu. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ mà người ta chế tạo ra bom hay đạn nhiệt áp.
Một trong những loại bom nhiệt áp đã được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là "Daisy Cutter" BLU- 82.
Còn trên TOS-1, với 30 ống phóng đạn cỡ 220 mm nó có thể tạo ra một phạm vi sát thương lên đến 2 km2 và "có thể thổi bay cả một khu dân cư".
TOS-1 đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong chiến tranh Afghanistan, sau đó nó cũng đã chứng tỏ sức mạnh của mình trong chiến tranh Chechnya lần thứ 2. Và lần này người Nga đưa nó đến Syria với kỳ vọng sẽ tạo ra một sự chuyển biến lớn trên chiến trường, đẩy nhanh tốc độ tiêu diệt phiến quân IS.
TOS- 1 đã thể hiện như thế nào trên chiến trường Syria?
Mặc dù có mặt tại Syria từ cuối năm 2015 nhưng TOS-1A chỉ thực sự tham chiến trong những chiến dịch, trận đánh lớn của Quân đội Syria. Người ta đã ghi nhận được những hình ảnh TOS-1 đang làm mưa làm gió tại các khu vực biên giới hai nước Irắc-Syria, tỉnh Latakia và mới đây là tại trận đánh hủy diệt Mayadin - thủ đô mới của IS ở tỉnh Deir Ezzor.
Trong các trận đánh này, phần thắng đều thuộc về phía quân đội chính phủ và chắc chắn sức mạnh, khả năng sát thương của chúng đã góp một phần không nhỏ vào thắng lợi đó.
Chuyên gia VN: Hỏa thần TOS-1A Nga ở Syria đánh như nào mà khiến IS kinh hồn bạt vía? - Ảnh 4.
Sở dĩ nói như vậy bởi TOS-1A đã phát huy được những khả năng đặc biệt của mình và có vẻ như các nhà quân sự Nga đã đúng khi đưa nó sang Syria tham chiến.
Qua các tài liệu, hình ảnh từ Syria đưa về, ta có thể thấy một đặc điểm trên chiến trường này là phiến quân IS thường dựa vào các thành phố, các khu dân cư để thiết lập hệ thống phòng thủ của mình. Trường hợp phải rời xa thành phố thì lại lợi dụng hang động và địa hình hiểm trở ở các vùng đồi núi để cố thủ.
Vì vậy, nếu dùng vũ khí thông thường để tiêu diệt chúng rất khó khăn. Muốn diệt được chúng phải tốn rất nhiều bom đạn để phá hủy các công trình đó. Và ngay cả khi đó cũng chưa chắc đã diệt được chúng.
Trong khi đó, với đặc điểm của vũ khí nhiệt áp, TOS-1A có thể sát thương được sinh lực địch kể cả khi chúng ẩn nấp trong hầm ngầm, trong những công trình kiến trúc kiên cố hoặc trong hang động... bằng sức ép hoặc gây ngạt thở nên đã đạt hiệu quả rất cao.
Vì vậy, bước đầu có thể kết luận: trên chiến trường Syria, TOS-1A đã thêm một lần nữa chứng tỏ sức mạnh của mình và cơ bản đáp ứng được kỳ vọng mà người ta đặt lên vai nó.
Hy vọng, TOS-1A sẽ cùng với các loại vũ khí hiện đại khác sẽ giúp cho Quân đội Syria nhanh chóng giành được chiến thắng, đập tan tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và sớm đem lại bình yên cho đất nước đã chịu quá nhiều đau khổ này.
Nguồn: http://soha.vn/chuyen-gia-vn-hoa-than-tos-1a-nga-o-syria-danh-nhu-nao-ma-khien-is-kinh-hon-bat-via-20171026113739754.htm

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

THIÊN THẦN HỘ MỆNH CHE CHẮN TỬ HUYỆT XE TĂNG ĐÃ XUẤT HIỆN?

Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - "Thiên thần" đã xuất hiện?

Xe tăng có ưu thế của mình về hỏa lực, sức cơ động và khả năng phòng vệ nên thường được coi là lực lượng đột kích quan trọng của lực quân nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Đối với Liên Xô trước đây, nước Nga hiện tại và một số nước khác thì vai trò của xe tăng còn được đánh giá cao hơn. Ở các quốc gia này, xe tăng được coi là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân.
Tuy nhiên, chiếc huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Xe tăng cũng vậy, ngoài những ưu thế mà ai cũng thấy thì ở nó cũng tồn tại những khuyết nhược điểm mà không phải ai cũng biết.
Những "tử huyệt" chết người của xe tăng
Mặc dù liên tục được nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa, song các xe tăng hiện đại cũng vẫn tồn tại một số khuyết nhược điểm mang tính cố hữu. Đó là:
Khả năng quan sát của các thành viên hết sức hạn chế. Để đảm bảo khả năng phòng hộ, mỗi thành viên kíp xe trên xe tăng chỉ được bố trí một số lượng tối thiểu các khí tài quan sát. Bản thân các khí tài đó (thường là tiềm vọng) lại bị hạn chế về góc nhìn cả về hướng và về cao - thấp.
Vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng quan sát, phát hiện mục tiêu - đặc biệt là các mục tiêu ở hai bên cạnh và ở trên cao.
Chẳng hạn, các thành viên kíp xe đỗ trước cửa nhà nếu chỉ dùng khí tài quan sát sẽ không thể nhìn thấy trên ban công tầng hai của căn nhà đó có gì!
"Khoảng chết" của vũ khí trên xe tăng nhìn chung khá lớn. Do kết cấu, lắp ghép của pháo súng với tháp pháo và thân xe nên góc tầm của pháo xe tăng thường chỉ dao động trong khoảng -5 tới 6 độ đến +18 tới 20 độ. Vì vậy, nó không thể tiêu diệt được những mục tiêu ở quá gần, quá thấp hoặc quá cao.
Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 1.
Xe tăng T-90 do Nga chế tạo chiến đấu ở Syria.
Khoảng cách tính từ tâm xe đến mục tiêu gần nhất mà pháo, súng chính trên xe không thể bắn được gọi là "khoảng chết". Đối với các dòng xe tăng của Liên Xô cũ và của Nga khoảng chết này vào khoảng 70 mét. Còn các loại xe tăng của phương Tây thường ngắn hơn chút ít.
Như vậy, nếu đối phương đã lọt vào "khoảng chết" này thì các vũ khí chính của xe tăng sẽ bất lực. Muốn diệt được nó, thành viên kíp xe phải mở cửa chui ra ngoài và dùng vũ khí cá nhân (súng tiểu liên, súng ngắn, lựu đạn...) để tiêu diệt. Tuy nhiên, việc đó rất nguy hiểm mà hiệu suất không phải lúc nào cũng cao.
Do xác định là lực lượng đột kích với đối phương chủ yếu ở phía trước nên thông thường xe tăng chỉ tăng cường phòng hộ cho phía trước là chính.
Cụ thể: vỏ giáp ở đầu xe cũng như phần trước tháp pháo thường được chế tạo dày hơn, còn hai bên sườn xe và nóc xe thường mỏng hơn. Khi có giáp phản ứng nổ thì thường cũng ưu tiên cho khu vực đầu xe trước tiên. Vì vậy, khi bị tấn công vào sườn và nóc xe khả năng bị tiêu diệt là rất lớn.
Ngoài ra, trọng lượng lớn, khả năng xoay trở chậm, dễ bị sa lầy nơi đất yếu cũng là một nhược điểm cố hữu của xe tăng.
Những khuyết nhược điểm này là cố hữu, gây ra rất nhiều khó khăn cho tác chiến xe tăng nên được gọi là những "tử huyệt" của xe tăng. Chúng càng trở nên đặc biệt càng nặng nề khi xe tăng tác chiến trong đô thị. Với đặc điểm có nhiều khối kiến trúc cao tầng, lại có nhiều ngõ ngách... là vị trí thuận tiện bố trí các tổ diệt tăng cơ động.
Từ các vị trí này, các tổ diệt tăng dễ dàng tiến công vào sườn, vào nóc xe tăng. Kết quả chiến đấu cùng tổn thất trang bị nặng nề tại các trận đánh Bình Long (1972), Grozny trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (1996) là những minh chứng cụ thể cho những điểm yếu này.
Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 2.
Xe tăng Nga trong cuộc chiến ở Chechnya năm 1996.
Những giải pháp che chắn "tử huyệt" của xe tăng
Những "tử huyệt" của xe tăng không phải đến gần đây người ta mới nhận thấy và người ta cũng đã có nhiều giải pháp nhằm che chắn chúng.
Giải pháp đầu tiên là duy trì chặt chẽ quan hệ hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh với xe tăng. Xe tăng dẫn dắt bộ binh xung phong, còn bộ binh thì tháp tùng, bảo vệ xe tăng, đặc biệt là tiêu diệt, loại trừ các tổ diệt tăng ẩn nấp ở những vị trí mà thành viên xe tăng không quan sát, phát hiện được.
Tuy nhiên, giải pháp này thực sự không mấy thành công. Trong điều kiện bom pháo dày đặc, mật độ cao... các chiến sĩ bộ binh tháp tùng xe tăng không được che chắn, bảo vệ nên thường bị thương vong rất lớn và không thể hoàn thành nhiệm vụ tùng thiết xe tăng. Trận Bình Long (1972) là một ví dụ cụ thể cho tình huống này.
Khắc phục tình trạng này, nhằm che chắn cho bộ binh người ta đã cho ra đời các loại xe chiến đấu bộ binh (BMP trong tiếng Nga hay IFV trong tiếng Anh).
Với vỏ giáp của xe, bộ binh đã được bảo vệ tốt hơn, tỷ lệ thương vong giảm xuống song giải pháp này cũng có những hạn chế nhất định bởi đôi khi chính các xe chiến đấu bộ binh lại trở thành miếng mồi ngon cho các tổ diệt tăng cơ động trong các ngõ ngách của thành phố.
Và trận chiến Grozny trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất là một ví dụ.
Thực tế đó đòi hỏi phải có một giải pháp khác mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, bảo vệ lực lượng xe tăng. Và đó là cơ sở của sự ra đời của xe chiến đấu hỗ trợ tăng - BMPT "Kẻ hủy diệt - Terminator".
Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 3.
Kẻ hủy diệt - Terminator ở Syria.
"Kẻ hủy diệt- Terminator" phải chăng đã là giải pháp hữu hiệu che chắn tử huyệt xe tăng?
Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh yếu của xe tăng và thực tế chiến đấu của xe tăng trên chiến trường người ta đã nghĩ đến một loại phương tiện chiến đấu mới với các yêu cầu:
- Có khả năng phòng hộ tiên tiến tương đương với các xe tăng cùng thời;
- Trang bị vũ khí đa dạng có thể diệt được nhiều loại mục tiêu cùng một lúc - trong đó có cả những mục tiêu ở sau vật che khuất, khả năng quan sát rộng hơn, vũ khí linh hoạt hơn và gần như không còn "khoảng chết".
Loại phương tiện đó sẽ tham gia tác chiến trong đội hình xe tăng, có nhiệm vụ bảo vệ xe tăng trước các mối đe dọa từ gần đến xa, đồng thời hỗ trợ xe tăng hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu của trận đánh.
Loại phương tiện này được đặt tên là BMPT (viết tắt từ nguyên bản tiếng Nga: Боевая машина поддержки танков), dịch ra tiếng Việt là "Xe chiến đấu hỗ trợ tăng". Mẫu BMPT đầu tiên do Uralvagonzavod phát triển đã ra đời và được đặt tên là: "Terminato - Kẻ hủy diệt".
"Kẻ hủy diệt" được phát triển trên khung gầm xe tăng T-72 cùng hệ thống phòng hộ tiên tiến thậm chí còn hơn hẳn các loại xe tăng chiến đấu chủ lực. Vũ khí chính trên xe bao gồm: pháo nòng đôi 30mm 2A42, cơ số đạn 850 viên với nhiều loại đạn khác nhau, 4 ống phóng tên lửa 9M120 Ataka-T có thể diệt tăng và máy bay trực thăng ở khoảng cách đến 6.000 mét.
Bên cạnh đó xe còn được trang bị: một súng máy 7,62mm PKTM với 2000 viên đạn, 2 súng phóng lựu 30mm AG-17D với 600 viên đạn cho phép bắn cầu vồng vào những mục tiêu ở sau vật che khuất.
Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 4.
Khi tác chiến trong đô thị, BMPT sẽ được sử dụng theo tỷ lệ 2 trên 1, tức là cứ 2 chiếc BMPT sẽ hỗ trợ và bảo vệ 1 chiếc xe tăng chủ lực. Còn khi tác chiến ở khu vực ngoài đô thị thì cứ 1 chiếc BMPT bảo vệ 2 chiếc xe tăng.
Với sự hỗ trợ như vậy, xe tăng sẽ giảm được các nguy cơ bị tiêu diệt và có thể tập trung cao độ hơn vào các mục tiêu chủ yếu và xe tăng đối phương. Xe được bảo vệ nhờ giáp chủ động và thụ động.
Với kỳ vọng như vậy, những chiếc BMPT đầu tiên đã được sản xuất năm 2002 và đưa vào trang bị cho lục quân Nga từ năm 2005.
Tuy nhiên, từ khi đưa vào trang bị đến nay, "Kẻ hủy diệt" vẫn chưa có cơ hội thật sự để kiểm nghiệm trong thực tế chiến đấu và do vậy chưa đủ cơ sở để kết luận nó có đáp ứng được những kỳ vọng mà người ta đã đặt vào nó hay không.
Trong điều kiện đó, chiến trường Syria là địa điểm lý tưởng để "Terminator - Kẻ hủy diệt" thể hiện chính mình. Và đó chính là lý do mà Nga đưa nó đến Syria.
Video tạm dừng
Sức mạnh vượt trội của "Kẻ hủy diệt" BMPT
Cho đến nay, chưa có nhiều thông tin chi tiết về kết quả tham chiến của "Kẻ hủy diệt" nhưng với những gì nó đã trải nghiệm cũng sẽ giúp người Nga từng bước hoàn thiện loại phương tiện chiến đấu mới này như tuyên bố của ông Andrey Terlikov - Tổng Giám đốc kiêm nhà thiết kế chính của Uralvagonzavod - nơi sinh ra nó:
"BMPT đã được thử thách trong điều kiện chiến sự ở Syria, và chúng tôi đã ghi nhận được những kết quả quan trọng. Điều này rất hữu ích để giúp chúng tôi hoàn thiện khả năng chiến đấu của BMPT Terminator cũng như các phương tiện chiến đấu khác trong tương lai".
Trang bị vũ khí gồm: 1 pháo nòng kép 2A42 cỡ 30 mm với cơ số đạn 850 viên; 2 súng phóng lựu AG-17D 30 mm với cơ số đạn 600 viên; 4 ống phóng tên lửa chống tăng 9M120-1 Ataka-T; 1 súng máy đồng trục 7,62mm PKTM với cơ số đạn 2.000 viên; 2x5 ống phóng lựu khói 81mm. Ngoài ra còn có các vũ khí phụ bổ sung khác.
Nguồn: http://soha.vn/chuyen-gia-vn-nhung-tu-huyet-chet-nguoi-cua-xe-tang-thien-than-da-xuat-hien-20171024152946457.htm

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

NHỚ VỀ EM

                         Em đi Kẻ Gỗ

          Giờ này em ở đâu
          Hỡi người anh yêu quý?

          Anh muốn làm ngọn gió
          Bay nhanh về bên em
          Anh muốn làm ngọn đèn
          Nhìn em ngon giấc ngủ

          Em bước vào đội ngũ
          Của những người đi xa
         Ừ! Rất nhiều gian khổ
          Nhưng đời vang câu ca

          Cũng một chiếc ba lô
          Em lên đường vững chãi
          Với niềm tin sáng chói
          Một ngày mai không xa.


          Mỗi chặng đường em qua
          Thêm một niềm vui mới
          Thành Vinh rồi Cửa Hội
          Nghe vừa lạ vừa quen

          Anh vẫn ở bên em
          Vẫn cùng em sánh bước
          Vẫn cùng em thao thức
          Có thấy anh bên mình?


                             RTMN- 4.1976

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY

Yêu nhau rồi anh vẫn phải xa em
Hai đứa hai nơi- Em có mong
nhịp cầu Ô Thước
Anh chàng Ngưu- Em là ả Chức
Nhưng em ơi ! Anh chẳng muốn
mưa Ngâu

Anh muốn Sông Ngân
mãi mãi một nhịp cầu
Mỗi khi gặp anh- Em cười âu yếm.
Còn khi xa nhau nhớ thương xao xuyến
Vượt không gian anh sẽ đến cùng em

Anh dắt em đi dưới rạng rỡ ánh đèn
Có phải xa nhau mà không hạnh phúc ?
Không ! Chính xa nhau ta hiểu thêm sâu sắc
Những niềm thương nỗi nhớ gửi về nhau

Có phải em ơi- Từ thuở ban đầu
Anh đến bên em với bao bịn rịn.
Em đã nhìn anh đầy yêu thương trìu mến
Chưa nói một lới ta đã hiểu lòng nhau ?



Ơi nhịp cầu thương có nhớ đêm nao
Anh sánh vai em đón mùa Xuân tới
Cầu có biết chăng mùa Xuân anh đợi
Từ rất lâu rồi- Từ những chiến trường xa

Em gieo vào anh màu xanh bao la
Niềm hy vọng của tình yêu đôi lứa
Anh sẽ sưởi cho em bằng ngọn lửa
Lửa tình yêu từ giữa trái tim mình

Chưa bao giờ em mặc áo màu xanh
Chưa bao giờ em bạn cùng khẩu súng
Chưa bao giờ em nhìn đồng đội mình ngã xuống
Chưa bao giờ em hiểu nỗi cách xa

Yêu anh rồi em hiểu thêm sâu xa
Những điều gì trước đây em chưa hiểu
Những điều gì trước đây ta còn thiếu
Yêu nhau rồi ta giàu có hơn lên

Chiếc áo bờ-lu trắng dưới ánh đèn
Ôi đẹp quá tâm hồn người thày thuốc
Khi còn rất xa đã vô cùng thân thuộc
Em giữ cho đời mãi mãi tươi xanh

Anh giữ quê hương mãi mãi yên lành
Đẹp nắng trời xanh em xây tổ ấm
Cuộc sống ngày mai tươi tràn ánh sáng
Bắt đầu từ hôm nay- Tình yêu.


                   RTMN- Vĩnh phú- 4.1976

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

LÒNG DÂN

(Nhân 4 năm ngày giỗ Đại tướng)

Hòa trong vô tận dòng người
Tôi đi vĩnh biệt người tôi tôn thờ
Người tôi vẫn gặp trong thơ
“Tướng quân huyền thoại”- cũng là “anh Văn”













Một đời vì nước, vì dân
Người đi, dân tự về bên tiễn Người
Chẳng cần phát động, gọi mời
Thế mà ào ạt dòng người về đây
Trẻ gìà tay nắm chặt tay
Mắt rưng rưng lệ, lòng đày đớn đau
Lòng dân là đó chứ đâu
Hỡi ai, khanh tướng công hầu mà chi
Tượng đồng bia đá làm gì
Dân mà khinh ghét cũng thì bằng không.
Ai người có biết hay chăng?

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

NHỚ

         Mưa Xuân rắc nhẹ mái đầu
Làm anh càng nhớ hôm nào bên em
          Sông Trà xuôi chảy êm đềm
Em cho anh phút thần tiên ngọt ngào
          Em cười âu yếm làm sao
     Long lanh đáy mắt, dạt dào tình thương

          Em ơi khắp nẻo chiến trường
Anh mơ được đón mùa Xuân đi cùng
          Ước ao giờ đã thoả lòng
   Nhìn em cười thấy càng thương em nhiều
          Em ơi trọn vẹn tình yêu
Xa nhau mãi- gặp bao nhiêu cho vừa


          Đêm ơi chậm lại cho ta
Gần em chút nữa mai xa mất rồi.

                                       3.1976