Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 40


Thấy ông Đào đột ngột xuất hiện tại sở chỉ huy của mình, tướng Ân mừng lắm. Ông kéo ngay ông Đào vào lán của mình và hồ hởi:
- Mời anh vào đây. Tôi đang chuẩn bị họp quân chính để giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Tuy nhiên, cũng còn một số điểm rất muốn tham khảo ý kiến của anh- Thấy ông Đào săm soi tấm bản đồ quyết tâm đang trải rộng trên bàn, tướng Ân trầm giọng- Thật tình, nhiệm vụ của binh đoàn tôi khá nặng. Phải tiến công trên một chính diện rộng đến 80 ki- lô- mét, chiều sâu ngót 100 ki- lô- mét là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Cũng may, Bộ tư lệnh đã đồng ý cho nổ súng sớm một ngày nhưng cũng còn rất nhiều khó khăn.
Ông Đào tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Sao chính diện lại rộng đến như thế?
Tư lệnh binh đoàn Sông Hương chỉ tay vào bản đồ:
- Thì binh đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm cả Bà Rịa, Vũng Tàu nữa mà anh. Như thế chính diện chả lên tới 80 ki- lô- mét, có khi còn hơn nữa ấy chứ- Đắn đo một lát ông hạ giọng- Có hai vấn đề mà tôi thấy rất nan giải ở đây là tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở hướng này rất cứng. Ngoài lữ đoàn thủy quân lục chiến 468 thì một bộ phận của sư đoàn 18 đã rút từ Xuân Lộc về đây thiết lập chiến tuyến mới. Chúng lại được tăng cường các thiết đoàn 18, 22 và các đơn vị tại chỗ ở đây như Trường Thiết giáp, Trường Bộ Binh, Trường Biệt Kích hỗ trợ lập nên một tuyến phòng thủ khá vững chắc và có chiều sâu ở khu vực Nước Trong. Vì vậy, chọc thủng được chúng không dễ dàng gì. Vấn đề thứ hai là chiều sâu tiến công quá lớn, những gần 100 ki- lô- mét. Nếu không đẩy nhanh được tốc độ tiến công chắc chắn sẽ không kịp thời gian chiến dịch quy định.
Ông Đào gật gù ra chiều thông cảm rồi hỏi nhỏ:
- Thế các anh định phân chia, sử dụng lực lượng thế nào? Anh nói về sử dụng xe tăng cụ thể một chút nhé.
Tướng Ân rút cây bút ra để chỉ bản đồ rồi dằn giọng:
- Chúng tôi định tiến công trên hai hướng. Hướng thứ yếu dùng sư đoàn Sao Đỏ tiến công Bà Rịa, Vũng Tàu. Hướng chủ yếu tiến công Sài Gòn sẽ hình thành hai mũi. Mũi thứ yếu đánh qua Long Thành, Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, chiếm Cát Lái và vượt sông vào nội đô. Còn mũi đột kích chủ yếu đột phá qua Nước Trong, đường 15, Ngã ba Long Bình theo xa lộ đánh vào Sài Gòn. Để đánh chiếm và bảo vệ các cầu lớn sẽ có 1 trung đoàn đặc công. Ngoài ra, binh đoàn còn tổ chức một mũi thọc sâu gồm một trung đoàn bộ binh được tăng cường xe tăng, pháo binh, cao xạ. Về sử dụng xe tăng thì anh em đề đạt thế này. Trước hết, sử dụng tiểu đoàn 2 tăng cường cho các sư bộ binh để đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài. Tiểu đoàn 1 sẽ tham gia mũi thọc sâu. Hai tiểu đoàn 4 và 5 một mặt vì là xe bơi nước, mặt khác nó cũng chịu nhiều tổn thất khi đánh từ Phan Rang vào đến đây rồi nên để làm dự bị cho binh đoàn. Anh thấy như thế đã hợp lý chưa?
Vẻ trầm ngâm hiện rõ trên mặt ông Đào. Không trả lời ngay, ông Đào hỏi lại:
- Thế ý anh thế nào?
Lặng im một lát tướng Ân mới chậm rãi:
- Thực tình, tôi cũng thấy chưa ưng ý lắm.
Ông Đào tiếp tục dồn:
- Anh không ưng ý ở chỗ nào?
Tướng Ân trầm ngâm:
- Tôi vẫn lo về tốc độ tiến công của mũi thọc sâu. Giả sử chúng ta có đột phá được tuyến phòng thủ này trước ngày 29 theo quyết tâm của Bộ tư lệnh chiến dịch thì cũng chỉ còn hai ngày nữa phải chiếm xong Sài Gòn. Thế mà từ đó vào vẫn còn mấy chục ki- lô- mét nữa với biết bao cản trở liệu có kịp không?
Ông Đào vẫn thủng thẳng:
- Mấy chục ki- lô- mét thì cũng có gì quá lớn. Ở Phan Rang các anh còn đạt tốc độ tiến công đến 70 ki- lô- mét một ngày cơ mà.
Tướng Ân lắc đầu:
- Mỗi nơi một khác chứ. Phan Rang không thể so với đây được.
Ông Đào bình thản:
- Thì anh cứ cho tất cả lên xe chạy với tốc độ cao nhất là được chứ gì.
Tướng Ân nài nỉ:
- Thôi, anh đừng đùa nữa. Ý anh thế nào thì nói ra đi.
Ông Đào trở lại vẻ nghiêm trang:
- Nói chung, việc các anh sử dụng tiểu đoàn 2 tăng cường cho các sư đoàn bộ binh đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài tôi không có ý kiến gì. Đó là một quyết định hợp lý vì nếu ta không chọc thủng được nó sẽ chẳng thọc sâu được. Tuy nhiên, việc sử dụng tiểu đoàn 1 phối thuộc cho một trung đoàn bộ binh làm mũi thọc sâu thì tôi không nhất trí. Nếu như vậy thì vẫn là bài bản cũ, lại trung đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Mà nếu như vậy thì liệu một tuần nữa có giải quyết hết các chốt chặn từ đây về đến Sài Gòn không?- Dừng lại một chút để người đối thoại có thời gian suy nghĩ, ông cao giọng- Thế thì tại sao các anh không sử dụng cả lữ đoàn H03 làm nhiệm vụ thọc sâu? Nó có cả xe tăng, cả xe thiết giáp chở bộ binh, nếu các anh tăng cường cho nó một số bộ binh, pháo binh và cao xạ nữa tôi tin chắc tốc độ tiến công của nó sẽ đạt hàng trăm ki- lô- mét một ngày ấy chứ.
Tướng Ân tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Sử dụng cả lữ đoàn xe tăng thọc sâu. Lại còn tăng cường cho nó bộ binh và hỏa lực. Thế ai sẽ chỉ huy lực lượng thọc sâu này? Lữ đoàn trưởng xe tăng hay trung đoàn trưởng bộ binh?
Không trả lời, ông Đào lại hỏi ngược lại:
- Vậy anh cho rằng trong lực lượng này “thằng” nào là chủ yếu, “thằng” nào quyết định sức mạnh đột phá và tốc độ tiến công?- Dừng lại một lát dường như đợi cho người đối thoại ngấm vấn đề ông vung tay chém mạnh vào không khí- Cứ dựa vào đó, “thằng” nào giữ vai trò quyết định thì “thằng” ấy chỉ huy.
Ngần ngừ một lát rồi tướng Ân cũng phải thốt ra:
- Quyết định thì là xe tăng rồi. Nhưng như thế thì xe tăng chỉ huy bộ binh và các lực lượng khác à? Không… được!
Ông Đào hơi nóng mắt:
- Tại sao lại không được?
Tướng Ân trầm giọng xuống:
- Vẫn biết xe tăng là lực lượng quyết định trong mũi thọc sâu này nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ có chuyện xe tăng chỉ huy binh chủng hợp thành cả.
Ông Đào thật sự bực bội:
- Từ trước tới nay chưa có thì bây giờ có. Anh sợ gì mà không dám quyết nào? Nếu quyết định như vậy mà đảm bảo thắng nhanh thì chắc chắn chẳng ai trách anh được đâu. Có khi chính anh sẽ tạo ra một tiền lệ mới đấy. Còn tôi thì tôi tin rằng nếu báo cáo chuyện này lên tư lệnh chiến dịch chắc đồng chí ấy cũng sẽ đồng ý như vậy thôi- Ông Đào hạ giọng thân mật- Mà anh có nhớ hôm tham quan diễn tập ở Liên Xô không? Hôm ấy, chỉ huy toàn bộ cánh quân vượt sông cũng là lữ đoàn trưởng xe tăng đấy.
Tướng Ân ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu quả quyết:
- Anh có lý. Nhưng tôi cũng phải hội ý trong Thường vụ đảng ủy và Bộ tư lệnh binh đoàn đã mới quyết định được.
Thấy đã đạt được ý định, ông Đào hạ giọng:
- Anh yên tâm đi. Cán bộ của chúng tôi cũng được đào tạo rất bài bản về chỉ huy binh chủng hợp thành đấy. Mà anh phải làm đi mới tạo ra tiền lệ chứ. Cái gì mà chẳng phải có lần đầu tiên- Thấy mấy cán bộ chỉ huy binh đoàn đã đến phía bên ngoài lán, ông Đào đưa tay bắt tay tướng Ân- Thôi, các anh hội ý đi. Tôi cũng phải đi kiếm cái gì bỏ vào bụng đã.
Về lán của mình rồi nhưng ông Đào vẫn thấy sốt ruột lắm. Chỉ đến khi lữ trưởng Nguyễn Tất Tình và chính ủy Bùi Văn từ cuộc họp giao ban về báo cáo binh đoàn đã quyết định thành lập một binh đoàn thọc sâu gồm toàn bộ lữ đoàn xe tăng H03, một trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn cao xạ và một tiểu đoàn công binh đặt dưới sự chỉ huy của lữ đoàn trưởng H03 ông mới thở phảo nhẹ nhõm. Bắt chặt tay hai cán bộ cấp dưới, ông thân mật:
- Nhiệm vụ nặng nề đấy, các cậu cố gắng nhé. Tớ sẽ luôn ở ngay đằng sau các cậu. Tuy nhiên, lúc nào các cậu cũng phải tâm niệm điều này: phải phát huy cao độ sức đột phá và các ưu việt của xe tăng thiết giáp, không được ham đánh mà phải nhanh chóng thọc thẳng vào mục tiêu chủ yếu với tốc độ cao nhất có thể. Chúc các cậu thắng lợi. Còn bây giờ thì về đi. Nhớ tổ chức hiệp đồng giữa các bộ phận cho thật chặt chẽ vào.
Tiễn hai cán bộ cấp dưới về rồi, trong lòng ông Đào lại thấy phấp phỏng không yên. Hướng này như vậy đã đành. Nhưng còn các hướng khác, không biết các đại diện xe tăng có thuyết phục được người chỉ huy hay không. Nhưng rồi ông lại tự động viên mình, dù có được chỉ huy hay không thì những chiếc xe tăng chắc chắn sẽ là lực lượng đi đầu trên tất cả các cánh quân tiến vào Sài Gòn.

*

Chiến dịch Hồ Chí Minh được bắt đầu lúc 17 giờ ngày 26 tháng Tư năm 1975 bằng trận pháo kích của 20 tiểu đoàn pháo binh đủ các cỡ vào hệ thống phòng thủ vòng ngoài phía đông của quân ngụy Sài Gòn. Một loạt cứ điểm phòng ngự của địch từ Trảng Bom, Hố Nai kéo qua Trường Thiết giáp, Trường Bộ binh, chi khu Long Thành, tiểu khu Bà Rịa ngập trong khói lửa. Trận pháo kích kéo dài trong 40 phút. Sau khi pháo chuyển làn, các đơn vị bộ binh được xe tăng dẫn dắt bắt đầu xung phong.
Trên hướng binh đoàn Sông Hương, cuộc tiến công vào Trường Thiết giáp ngụy nhanh chóng kết thúc sau hai giờ giao tranh. Không chịu được sức tiến công mãnh liệt của quân ta, bọn địch đã bỏ trường chạy ra rừng cao su Nước Trong và gọi pháo bắn trùm lên trận địa. Trên các hướng tiến công vào Trường Bộ binh, chi khu Long Thành và tiểu khu Bà Rịa, quân ta gặp nhiều khó khăn, phải giành đi giật lại với địch từng tấc đất cho đến hết đêm vẫn chưa dứt điểm được. Tuy nhiên, ta cũng đã chiếm được một số bàn đạp để chuẩn bị cho trận tiến công tiếp theo.
Trên hướng binh đoàn Mê Kông, sư đoàn B41 được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng tiến công yếu khu Trảng Bom. Trận chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Phải đến sáng 27 tháng Tư quân ta mới làm chủ được Trảng Bom. Chiến đoàn 48 ngụy bị tiêu diệt. Thị trấn Trảng Bom và hàng chục ki- lô- mét đường 1 đã lọt vào tay ta.
Có vẻ như mọi sự bắt đầu đều thuận lợi. Đường về Sài Gòn đã rộng mở.
Nhưng không phải như vậy.
Trong cơn tuyệt vọng, con thú cùng đường đã giãy giụa một cách điên cuồng.  Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy đã tung lực lượng xung kích của quân đoàn với nòng cốt là Lữ đoàn kỵ binh 3 ra tăng cường cho tuyến phòng thủ mới. Trên hướng Nước Trong, Long Thành là các chiến đoàn 318, 322. Trên hướng Hố Nai, Biên Hòa là gần như toàn bộ phần còn lại của lực lượng xung kích. Các trận địa pháo binh ở khu vực Thủ Đức, Biên Hòa thi nhau dội bão lửa ngăn chặn đội hình tiến công của ta. Không quân địch cũng tăng cường hoạt động với cường độ cao, liên tục ném bom vào trận địa của ta. Nước Trong và Hố Nai trở thành hai vật cản chính trên con đường tiến về Sài Gòn của binh đoàn  Sông Hương và binh đoàn Mê Kông.
Trong khi đó, lực lượng các binh đoàn Quyết Chiến, Cao Nguyên và đoàn 232 đã vào vị trí tập kết chiến dịch. Một loạt các hoạt động cài thế đã diễn ra. Trên tất cả các hướng, bộ đội đã sẵn sàng, chỉ còn đợi lệnh là sẽ nổ súng tổng công kích vào  Sài Gòn.


TÊN LỬA CHỐNG TĂNG CÓ ĐIỀU KHIỂN- ĐỐI THỦ XỨNG TẦM CỦA XE TĂNG HIỆN ĐẠI

Đại tá Việt Nam: Bình luận về tên lửa chống tăng có điều khiển
Tên lửa chống tăng Metis-M của Nga. Ảnh: Rusarmy.com

Tên lửa chống tăng thế hệ 3 có thể tấn công từ nóc xe là nơi hiểm yếu nhất của xe tăng và có thể tiêu diệt cả các loại máy bay trực thăng bay thấp.

Với một đầu nổ lõm cỡ lớn có sức xuyên lên đến hàng nghìn milimét thép và một bộ điều khiển thông minh"- Tên lửa chống tăng có điều khiển đã trở thành đối thủ xứng tầm của xe tăng hiện đại. Và cuộc cạnh tranh của chúng vẫn tiếp diễn không ngừng.
Từ khi xe tăng ra đời và trở thành loại phương tiện chiến đấu có sức mạnh đáng sợ người ta cũng đã dày công nghiên cứu để tìm ra những loại vũ khí nhằm khắc chế tiến tới phá hủy và tiêu diệt chúng.
Rất nhiều loại vũ khí đã ra đời nhằm mục đích đó như các loại mìn chống tăng, pháo chống tăng dùng đạn động năng, súng chống tăng cá nhân và DKZ dùng nguyên lý đạn lõm v.v...
Trong những tình huống, trường hợp cụ thể nhất định những loại vũ khí trên có thể sát thương được xe tăng song về tổng thể thì hiệu quả còn hết sức hạn chế.
Chỉ từ khi nguyên lý đạn lõm được hoàn thiện kết hợp với thiết bị điều khiển công nghệ cao trên một sản phẩm là Tên lửa chống tăng có điều khiển thì xe tăng mới thật sự có đối thủ xứng tầm. Và cuộc chạy đua giữa chúng vẫn tiếp tục chưa biết bao giờ mới đến hồi kết.
Đại tá Việt Nam: Bình luận về tên lửa chống tăng có điều khiển - Ảnh 1.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Việt Nam được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển. Ảnh: QĐND.
Từ ba điểm thẳng hàng đến "phóng và quên"
Tên lửa chống tăng có điều khiển (TLCT) còn được gọi ngắn gọn là tên lửa chống tăng hay vũ khí điều khiển chống tăng... song tựu trung lại, chúng đều là một tên lửa dẫn đường được thiết kế với mục tiêu chủ yếu là bắn trúng và phá huỷ các xe tăng và các xe thiết giáp hạng nặng của đối phương.
Tên lửa chống tăng có điều khiển có thể có nhiều kích cỡ khác nhau, từ loại nhỏ cá nhân vác vai với chỉ duy nhất một người lính điều khiển, tới những loại lớn hơn được trang bị trên xe thiết giáp đòi hỏi một đội hay một toán binh sĩ vận chuyển và khai hoả, tới các hệ thống tên lửa được lắp trên xe đặc chủng hay máy bay.
Tuy nhiên, dù kích cỡ, kiểu dáng nào thì trái tim của chúng vẫn là thiết bị điều khiển. Và căn cứ vào nguyên lý, cách thức điều khiển mà người ta chia TLCT thành 3 thế hệ:
TLCT thế hệ 1 ra đời trong những năm 60 của thế kỷ XX và xuất hiện trên chiến trường vào đầu những năm 70. Đó là 9M14 Malyutka của Liên Xô (NATO gọi là AT-3 Sagger, còn bộ đội ta gọi là B72).
Loại TLCT này có mặt trên chiến trường miền Nam vào Xuân Hè 1972. Đặc điểm nổi bật của 2 TLCT này là truyền dẫn tín hiệu điều khiển bằng dây và điều khiển theo nguyên lý "Ba điểm thẳng hàng".
Để thực hiện việc điều khiển tên lửa, trắc thủ quay một "tay điều khiển nhỏ". Tùy theo hướng quay mà tín hiệu sẽ được truyền đến các cánh lái của tên lửa làm cho nó bay lên, bay xuống, sang phải, sang trái. Còn tùy theo góc độ quay mà tốc độ lên xuống, sang phải sang trái nhanh hay chậm hơn.
Còn để bắn trúng vào mục tiêu thì người trắc thủ phải luôn luôn giữ cho 3 điểm: chữ thập của kính, mục tiêu và quả đạn cùng nằm trên một đường thẳng. Đây là một kỹ năng rất khó thực hiện. Theo kinh nghiệm của Liên Xô thì cứ khoảng 1.500 quân nhân mới tuyển được 01 người đủ tiêu chuẩn làm trắc thủ.
Còn khi huấn luyện trắc thủ thì phải tập lái đạn trên xe "bộ luyện" khoảng 3.000 lần mới đạt độ thuần thục cần thiết. Khi đã ra trường về đơn vị chiến đấu thì cũng phải duy trì luyện tập 50- 60 lần phóng/tuần mới đảm bảo phong độ.
Do thao tác khó như vậy nên xác suất trúng mục tiêu của TLCT thế hệ 1 phụ thuộc rất nhiều vào trình độ trắc thủ. Tuy nhiên, ở điều kiện bình thường nó dao động trong khoảng từ 60- 90 % khi bắn vào mục tiêu cố định, khi mục tiêu di động xác suất giảm đi chút ít.
Trong thực tế chiến đấu, con số này có thể thấp hơn do trắc thủ bị hỏa lực đối phương kiềm chế nên rất khó yên tâm mà thao tác. Chẳng hạn, khi mới xuất hiện, TLCT B72 đã đạt hiệu quả khá cao trên chiến trường Quảng Trị và Tân Cảnh năm 1972 song càng về sau càng thấp.
Cũng vì điều khiển khó như vậy nên người ta đã rất tích cực nghiên cứu cải tiến nó và không lâu sau các TLCT thế hệ 2 ra đời.

TLCT thế hệ 2 được điều khiển theo nguyên lý: "Hai điểm thẳng hàng" với tín hiệu điều khiển bằng laser hoặc hồng ngoại, có thể truyền qua dây dẫn hoặc vô tuyến. Lúc này, nhiệm vụ của trắc thủ đơn giản hơn nhiều so với TLCT thế hệ 1.
Nghĩa là người trắc thủ chỉ cần duy trì "chữ thập" của kính ngắm - cũng có nghĩa là luồng laser hay hồng ngoại bám sát mục tiêu mà không phải quan tâm đến vị trí tức thời của quả đạn nữa. Các bức xạ chiếu xạ mục tiêu này cũng có thể phát ra từ một nguồn khác rồi phản hồi về quả đạn.
Căn cứ vào tín hiệu lệch so với đường ngắm hoặc luồng ánh sáng phản xạ về mà các cơ cấu thực hiện tự động điều khiển cho quả đạn bay đến mục tiêu.
So với TLCT thế hệ 1, việc điều khiển TLCT thế hệ 2 dễ dàng hơn nhiều nên xác suất trúng bình quân cũng tăng lên đáng kể, kể cả khi bắn vào mục tiêu di động.
Tuy nhiên, chỉ số này cũng bị ảnh hưởng nhiều khi điều kiện làm việc của trắc thủ không thật thuận lợi như điều kiện quan sát kém hoặc bị đe dọa bởi hỏa lực đối phương... Ngoài ra, do phải dẫn bằng laser hoặc ánh sáng khác nên cũng dễ bị đối phương ngăn cản hoặc đánh lừa nên hiệu quả diệt mục tiêu cũng bị giảm đi.
Các tên lửa chống tăng thế hệ 2 tiêu biểu là 9K111 Fagot của Liên Xô (Nga hiện nay), BGM71 TOW của Mỹ, MILAN của Tây Âu,...
Để khắc phục những bất lợi như kể trên người ta đã tiến thêm một bước nữa trong việc chế tạo TLCT. Đó là TLCT thế hệ 3 mà nguyên lý của nó là "Phóng và Quên". Nghĩa là, sau khi trắc thủ phát hiện và "khóa" được mục tiêu anh ta ấn nút "Phóng" là coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.
Quả đạn sẽ tự tìm đến mục tiêu mà không cần bất cứ sự tác động nào của con người nữa. Để thực hiện được nguyên lý này đòi hỏi đầu đạn phải có bộ phận tự dẫn. Phổ biến nhất hiện nay là đầu tự dẫn bằng hồng ngoại hoặc vô tuyến truyền hình.
Với đầu tự dẫn hồng ngoại thì nguồn hồng ngoại do động cơ xe tăng phát ra sẽ là đích mà nó tìm đến. Còn đối với các đầu tự dẫn bằng vô tuyến truyền hình thì chính hình ảnh mục tiêu đối phương vào thời điểm nó bị trắc thủ "khóa" sẽ là cái đích để quả đạn bay tới.
Các loại TLCT thế hệ này có thể tấn công từ nóc xe là nơi hiểm yếu nhất của xe tăng. Ngoài ra, do tầm bắn được tăng lên nên chúng có thể tiêu diệt cả các loại máy bay trực thăng bay thấp.
Một số TLCT thế hệ 3 tiêu biểu hiện nay là 9K115-2 Metis M của Nga, FGM-148 Javelin của Mỹ, Spike của Israel...
Đại tá Việt Nam: Bình luận về tên lửa chống tăng có điều khiển - Ảnh 2.
Tên lửa chống tăng Spike của Israel.
Với ưu điểm "phóng và quên" các loại TLCT thế hệ 3 cũng được sử dụng để phóng qua nòng pháo tăng. Một số loại điển hình như: 9M119 Svir (AT-11 Sniper) trên xe tăng T-90 của Nga, LAHAT trang bị trên xe tăng Merkava của Israen...
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm "Phóng và Quên" thì TLCT thế hệ 3 cũng còn tồn tại một số nhược điểm mà đối phương có thể lợi dụng để vô hiệu hóa chúng như sử dụng các thiết bị đánh lừa, các thiết bị tạo khói mù để che khuất "tầm nhìn" của đầu tự dẫn v.v...
Vì vậy, xu hướng cơ bản hiện nay được nhiều nước quan tâm là nghiên cứu các TLCT thế hệ 3 nhưng vẫn cho phép trắc thủ tham gia điều khiển khi cần thiết. Hướng nghiên cứu này cho phép TLCT khắc phục được tương đối hiệu quả các nhược điểm của nó.
Ngoài cách phân loại này, vì dí do thương mại nên nhiều nước đã tuyên bố chế tạo thành công TLCT thế hệ 4 như Spike của Israen hay thế hệ 5 như Missile Moyene Portee (MMP) chế tạo bởi MBDA của Pháp. Song thực ra, về bản chất chúng chỉ là TLCT thế hệ 3 mà thôi.
Từ 1 tầng đến 2 tầng, từ 400 mm đến 1.200 mm thép
Không chỉ đầu tư nghiên cứu phát triển hệ thống điều khiển, quân đội các nước còn đầu tư nghiên cứu cải tiến bộ phận chiến đấu của TLCT - tức là phần đầu đạn nhằm nâng cao hiệu quả diệt mục tiêu trước sự đối phó của xe tăng đối phương.
Nhìn chung các TLCT đều sử dụng đầu đạn theo nguyên lý nổ lõm, thuốc nổ là thuốc nổ mạnh hexogien, dùng ngòi nổ áp - điện, trong đó bộ phận sinh điện là những phần tử thạch anh gắn ở đầu tên lửa, khi quả đạn chạm mục tiêu, các phần tử thạch anh bị dồn nén, ma sát và sinh điện, điện truyền tới ngòi nổ và gây nổ quả đạn.
Với nguyên lý nổ lõm, nhiệt độ sinh ra rất cao (khoảng 1200 độ C) và áp xuất khoảng hơn 3000 atmotphe trong một thời gian cực ngắn (khoảng 1/4 s). Luồng nhiệt do quả đạn sinh ra sẽ phá vỡ mục tiêu theo một hướng nhất định, xuyên thủng và đốt cháy mục tiêu.
Sức xuyên của quả đạn phụ thuộc vào cỡ đạn, chất lượng và khối lượng thuốc nổ, hình dạng khối nổ lõm và chất liệu của nón kim loại trong khối nổ lõm...
Ngoài ra, nó không phụ thuộc vào cư ly bắn của tên lửa mà phụ thuộc vào góc chạm của quả đạn với mục tiêu, trong đó góc chạm 90 độ là tối ưu.
Với những nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm công phu, ngay từ thế hệ đầu tiên, các TLCT thế hệ 1 đã đạt được sức xuyên khoảng 400 mm thép đồng nhất ở góc chạm 90 độ, có nghĩa nó đủ sức xuyên thủng giáp của mọi loại xe tăng chủ lực lúc đó.
Đại tá Việt Nam: Bình luận về tên lửa chống tăng có điều khiển - Ảnh 3.
Xe tăng T-90 của Nga ở Syria.
Tuy nhiên, về phía ngược lại các nhà sản xuất xe tăng cũng không dừng lại.
Họ đã liên tục nghiên cứu nâng cao sức phòng hộ của xe tăng bằng cách chế tạo giáp phức hợp chất lượng cao, lắp giáp phản ứng nổ v.v... và do vậy đã làm tăng chiều dày vỏ giáp ở những vị trí quan trọng lên tương đương hàng nghìn milimét thép (quy đổi).
Điều đó bắt buộc các nhà sản xuất TLCT cũng phải tìm mọi cách để tăng sức xuyên cho đầu đạn của mình.
Ngoài việc tăng cỡ đạn, tăng khối lượng thuốc nổ- tất nhiên chỉ đến một giới hạn nhất định thì một trong những giải pháp mà các nhà sản xuất TLCT đem áp dụng là chế tạo đầu nổ 2 tầng.
Trong đó tầng thứ nhất có tác dụng phá hủy lớp giáp phản ứng nổ hoặc lớp giáp ngoài, còn đầu nổ thứ hai mới thực hiện nhiệm vụ xuyên giáp. Nhờ vậy, khả năng xuyên của TLCT đã tăng lên đáng kể.
Điển hình như TLCT với đầu đạn 2 tầng Kornet của Nga có khả năng xuyên giáp tới 1.200 mm thép đồng chất (quy đổi). Giới chuyên gia đánh giá chúng là sát thủ diệt tăng mạnh nhất thế giới hiện nay. Chúng thừa sức đánh bại những xe tăng mang lớp giáp tốt nhất.
Việc đưa vào sử dụng những TLCT nhỏ gọn, vác vai với những đầu đạn lớn hơn khiến bộ binh cũng có khả năng tiêu diệt thậm chí cả những xe tăng chiến trường hạng nặng ở những khoảng cách lớn, thường ngay ở phát bắn đầu tiên đã hạn chế phần nào sức mạnh đột phá của lực lượng xe tăng, nhiều khi làm nhanh chóng thay đổi cục diện chiến trường.
Đó là một ưu thế không thể chối cãi của TLCT có điều khiển và đó cũng là lý do nó liên tục được nghiên cứu phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn.
Nguồn: http://soha.vn/dai-ta-viet-nam-binh-luan-ve-ten-lua-chong-tang-co-dieu-khien-20161010143625176.htm

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 39


Chưa kịp đề đạt ý định đi cùng binh đoàn Sông Hương thì ông Đào đã thấy sĩ quan truyền đạt gọi lên gặp Tư lệnh. Vừa thấy mặt ông Đào, Tư lệnh cánh Đông đã nói ngay:
- Đồng chí Tư lệnh chiến dịch muốn gặp cậu để nghe báo cáo về tình hình sử dụng tăng thiết giáp trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cậu nên thu xếp đi ngay đi để đêm nay còn về giúp các đơn vị bên cánh này chuẩn bị.
Ông Đào thấy hơi đột ngột vì đã có phó tư lệnh Kiệm ở sở chỉ huy chiến dịch rồi. Tuy nhiên, ông cũng chỉ nhỏ nhẹ:
- Vâng ạ! Tôi sẽ đi ngay. Tuy nhiên, tôi cũng xin báo cáo Tư lệnh thế này. Tôi đang định cử đồng chí Phùng, trưởng phòng tác chiến sang giúp đỡ cơ quan đại diện xe tăng của binh đoàn Mê Kông. Còn tôi, xin phép tư lệnh cho xuống chỗ anh Ân. Dù sao, xuống trực tiếp dưới đó cũng sẽ giúp đỡ đơn vị được nhiều hơn.
Một thoáng suy nghĩ, Tư lệnh cánh Đông gật đầu:
- Thôi được. Cậu nghĩ thế cũng phải. Còn bây giờ phải đi đi đã. Nhớ chuẩn bị chu đáo vào đấy.
Ông Đào quày quả về ngay tiền phương Thiết giáp. Sau khi bảo đồng chí công vụ đi mời phó chính ủy Thu và trưởng phòng Phùng lên gặp, ông vội mở cuốn sổ công tác bất ly thân ra lẩm nhẩm tính toán. Về cơ bản, tình hình các đơn vị tăng thiết giáp tham gia trên các hướng ông cũng đã nắm được. Tuy nhiên, riêng số tăng thiết giáp của Miền đã được sử dụng thế nào thì chưa biết cụ thể. Ông định bụng lên đó sẽ phải gặp ngay phó tư lệnh Kiệm để nắm lại một cách chi tiết. Vừa ngoáy xong mấy dòng vào cuốn sổ thì cũng là lúc ông Thu và Phùng có mặt. Chỉ tay mời hai người ngồi xuống, ông nói ngay:
- Thế này, các anh ạ. Trên Bộ tư lệnh chiến dịch yêu cầu ta lên báo cáo tình hình sử dụng tăng thiết giáp. Vì vậy, ngay sau đây tôi và anh Thu sẽ đi gặp Bộ tư lệnh chiến dịch, sau khi về thì tiền phương của ta sẽ đi cùng sở chỉ huy binh đoàn Hương Giang để trực tiếp giúp đỡ các anh ấy. Còn cậu Phùng, tôi quyết định cử cậu sang hỗ trợ cho anh em đại diện xe tăng bên Mê Kông. Tôi có cảm giác ở bên đó anh em ta chưa hoàn thành nhiệm vụ tham mưu cho thủ trưởng binh đoàn. Cách sử dụng xe tăng trong quyết tâm chiến đấu của binh đoàn vẫn cũ lắm, chưa bám sát cách đánh mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã nêu ra trong tình thế hiện nay.
Phùng không được dự buổi báo cáo quyết tâm của hai binh đoàn nên chưa hiểu đầu cua, tai nheo ra sao cả. Anh ngơ ngác:
- Thủ trưởng nói rõ một chút đi ạ. Tôi không dự họp nên chưa hiểu gì cả.
Đang vội, ông Đào tỏ ra hơi bực nhưng rồi trấn tĩnh lại ngay và nhỏ nhẹ:
- Thì cách đánh mà Bộ chỉ huy yêu cầu thực hiện cậu nắm được rồi phải không? Chỉ sử dụng một lực lượng thích hợp để bóc vỏ vòng ngoài, còn đại bộ phận hình thành lực lượng thọc sâu vào nội đô. Thế nhưng cách tổ chức lực lượng ở bên đó thì vẫn phảng phất kiểu tiến công trận địa, có tổ chức mũi thọc sâu nhưng không sử dụng cơ giới. Cứ đánh kiểu ấy thì có mà đến Tết mới vào được Sài Gòn.
Chừng như đã hiểu, Phùng gật đầu quả quyết:
- Vâng! Tôi hiểu rồi ạ. Tôi sẽ cố gắng.
Ông Đào bắt tay người trợ thủ đắc lực của mình nhắc một lần nữa:
- Cố gắng nhé! Phải kiên quyết vào đấy. Chúng tớ đi đây!
Chiếc xe con đã nổ máy sẵn trước cửa hầm chỉ chờ hai người bước lên là phóng vụt ra phía cổng chùa. Vừa ngồi yên trên ghế, ông Thu đã lo lắng:
- Anh đã biết đường chưa? Mà có xa không đấy?
Ông Đào cười tủm tỉm:
- Mới chỉ biết trên bản đồ thôi. Chắc cũng không xa lắm đâu. Anh Phi, phái viên của Bộ tư lệnh cánh Đông chiều tối qua đi thỉnh thị trên ấy mà sáng nay đã về tới đây rồi. Tôi đo trên bản đồ thì thấy chỉ độ 200 ki- lô- mét thôi.
Chừng như đã yên tâm về đường sá, ông Thu lại hỏi:
- Thế anh đã chuẩn bị báo cáo chưa?
Ông Đào vẫn bình thản:
- Có gì mà chuẩn bị. Tổng thể thì mình nắm được rồi. Tôi định khi đến đó sẽ gặp thêm anh Kiệm một lát để nắm thêm tình hình rồi mới vào gặp Tư lệnh.

          *

Mặc dù đã trổ hết tài của một lái xe giàu kinh nghiệm song cũng phải đến gần ba giờ chiều Năm mới đưa được hai thủ trưởng của mình đến Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Đào thật sự ngỡ ngàng bởi khu vực bố trí sở chỉ huy chiến dịch không phải ở trong rừng sâu, núi thẳm như ông vẫn hình dung mà lại nằm ngay ngoài trảng trống, lại còn xen kẽ với dân nữa chứ. Những ngôi nhà lợp lá trung quân nép mình bên dưới những cây mít, cây xoài từ xa nhìn lại cũng chẳng khác gì nhà dân. Xung quanh nhà là rẫy sắn, rẫy ngô như một cái ấp trù phú vùng bán sơn địa. Có điều khác với nhà dân là hầu hết các ngôi nhà đều làm âm xuống đất và có hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu xung quanh. Ngẫm nghĩ một chút ông chợt hiểu. Đó chính là một bất ngờ đối với kẻ địch.
Vừa tới nơi, ông Đào đã tìm ngay đến chỗ phó tư lệnh Kiệm. Nhìn cấp phó của mình ông thật sự ngạc nhiên. Có vẻ như Kiệm đã giảm được gần chục ki- lô- gam thì phải, bộ quân phục may đo ngoài kia giờ trông rộng hẳn ra. Nước da cũng đen hơn. Chỉ có tiếng nói và giọng cười là vẫn thế. Vẫn ồn ào, rổn rảng và phóng khoáng. Gặp lại ông Đào và ông Thu, Kiệm vui lắm và có vẻ như muốn nói rất nhiều. Nhưng không có thời gian, ông Đào yêu cầu làm việc ngay và chỉ hai mươi phút sau hai người đã lên gặp Tư lệnh chiến dịch.
Căn nhà của Tư lệnh chiến dịch cũng là một căn nhà âm lợp lá nằm biệt lập dưới tán mấy cây xoài, bốn bề che bằng mấy tấm phên tre rất thoáng. Lúc ông Đào và ông Thu đến, trong nhà chỉ có hai người đang ngồi hai bên chiếc bàn dài, trên đó một tấm bản đồ trải rộng, chi chít những mũi tên và cờ đủ các màu. Thấy hai người đến, Tư lệnh đứng dậy niềm nở:
- Ồ! Hai chàng xe tăng đã đến. Vào đây! Ngồi xuống đi! Tớ đang dở việc với anh chàng tàu bay này một tý.
Ông Đào định thần nhìn lại. Thì ra chẳng phải ai xa lạ, đó chính là đại tá Diên, phó tư lệnh quân chủng Phòng không- Không quân. Ông Đào hơi lấy làm lạ vì không thể ngờ không quân cũng đã có mặt ở đây. Cũng là chỗ quen biết cả nên ba anh em xiết chặt tay nhau rồi cùng ngồi xuống.
Chừng như buổi làm việc đã lâu và những vấn đề chính đã được trao đổi nên Tư lệnh chiến dịch gặng lại:
- Thời gian gấp như vậy, liệu các cậu có làm được không?
Đại tá Diên quả quyết:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện bằng được ạ. Tôi đề nghị Bộ tư lệnh điện ngay mệnh lệnh này về quân chủng để các anh ấy chuyển gấp máy bay và người lái vào sân bay Thành Sơn. Còn tôi, cũng xin phép đi ra Phan Rang ngay bây giờ để làm công tác chuẩn bị.
Tư lệnh chiến dịch gật đầu hài lòng:
- Tôi đồng ý! Về phía các cậu phải chuẩn bị thật khẩn trương, chậm nhất là ngày 28 tháng Tư phải đánh được. Nếu ngày đó mà không đánh được thì không còn cơ hội nào nữa đâu. Không quân của các cậu chỉ có một ngày, một lần này để lập công thôi đấy.
Đại tá Diên đứng phắt dậy:
- Vậy xin phép thủ trưởng, tôi đi ngay ạ- Ông bắt chặt tay ông Đào, ông Thu và nói nhỏ- Cảm ơn các anh đã đánh thật nhanh làm chúng không kịp cất cánh. Giờ đây ta lại có cái để mà đánh chúng. Đúng là “gậy ông lại đập lưng ông”.
Trong lồng ngực ông Đào có một cái gì đó rung lên. Thì ra, Bộ tư lệnh chiến dịch đã quyết định sử dụng số máy bay thu được ở Đà Nẵng, Thành Sơn để đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Quả là một ý tưởng táo bạo.
Tiễn đại diện không quân đi rồi, Tư lệnh chiến dịch quay trở vào bàn, ông thân mật:
- Thế nào? Đi đường có mệt không?
Phó chính ủy Thu nhanh nhảu:
- Báo cáo tư lệnh, chúng tôi chẳng thấy mệt gì cả.
Tư lệnh chiến dịch nghiêng mái đầu bạc, nhẹ nhàng:
- Thực ra, ở đây thông qua chỗ cậu Kiệm tớ cũng đã nắm được những vấn đề chính của xe tăng thiết giáp rồi. Tuy nhiên, tình hình bên cánh đông như thế nào và số lượng xe tăng thiết giáp trên từng hướng thì chưa nắm được cụ thể. Vì vậy mới gọi các cậu lên báo cáo. Ngoài ra, tớ cũng muốn trao đổi với các cậu về cách sử dụng xe tăng thiết giáp cần phải như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất trong chiến dịch này.
Ông Đào mở cuốn sổ dày đặc chữ ra, sửa lại cặp kính và lễ độ:
- Báo cáo đồng chí  Tư lệnh! Trước hết, tôi xin báo cáo về tình hình bổ sung lực lượng tăng thiết giáp vào chiến trường thời gian qua như sau. Chấp hành chỉ thị của  thủ trưởng khi về dự hội nghị tổng kết năm ngoái, binh chủng đã tổ chức đưa 3 tiểu đoàn của lữ H15 và trung đoàn H06 vào bổ sung cho Bộ tư lệnh Miền. Các đơn vị này đã đến vị trí tập kết quy định trước ngày 15 tháng Tư và đã được đoàn H6 điều động đi phối thuộc cho các đơn vị. Tiếp đó, chúng tôi đã đưa 3 khung tiểu đoàn vào Huế,  Đà Nẵng, Nha Trang để tiếp thu xe địch, tổ chức huấn luyện và hiện nay đã đủ khả năng tham gia chiến đấu nếu cần. Thứ hai, về phân bổ lực lượng tăng thiết giáp trên từng hướng như sau- Ông dừng lại sửa cặp kính trên mũi và ngước nhìn  Tư lệnh. Thấy Tư lệnh vẫn chăm chú nghe và lăm lăm cây bút thì vội vàng cúi xuống và tiếp tục- Trên hướng binh đoàn Quyết Chiến chúng tôi có lữ đoàn H02 thiếu, đã được B2 bổ sung thêm 1 tiểu đoàn. Hiện tại, có 3 tiểu đoàn với 59 xe tăng và 24 xe thiết giáp. Trên hướng binh đoàn Cao Nguyên là toàn bộ trung đoàn  H73 gồm có 3 tiểu đoàn. Số lượng cụ thể là 59 xe tăng và 24 xe thiết giáp các loại. Ở hướng binh đoàn 232 có 3 tiểu đoàn, bao gồm 47 xe tăng, 33 xe thiết giáp cả bánh xích và bánh hơi, 1 xe dắt. Ở binh đoàn Mê Kông, hiện Bộ tư lệnh  Miền đã điều về đó 3 tiểu đoàn, gồm 61 xe tăng, 7 xe thiết giáp và 1 xe dắt. Còn trên hướng binh đoàn Sông  Hương là lữ đoàn H03 với 4 tiểu đoàn, bao gồm 46 xe tăng, 34 xe thiết giáp và 1 xe dắt. Đoàn H6 để lại làm dự bị cho chiến dịch một tiểu đoàn thiếu gồm 17 xe. Như vậy, tổng số xe tăng thiết giáp sử dụng trong chiến dịch này là 398 đầu xe các loại. Báo cáo hết ạ.
Trầm ngâm một lát, Tư lệnh chiến dịch vui vẻ:
- Vậy theo các cậu, bố trí lực lượng như vậy đã hợp lý chưa? Đã đủ sức đột phá chưa? Có khó khăn gì không?
Ông Đào nghiêm trang:
- Báo cáo Tư lệnh! Theo tôi thì việc bố trí lực lượng trên các hướng như vậy là hợp lý rồi. Hiện tại, lực lượng xe tăng thiết giáp của địch ở khu vực Sài Gòn này chỉ còn lữ đoàn thiết kỵ 3 với 6 thiết đoàn. Tuy nhiên, chúng cũng đã sứt mẻ một ít ở Xuân Lộc nên chỉ còn khoảng 200 đầu xe các loại, trong đó chủ yếu là xe thiết giáp. Vì vậy, so sánh lực lượng thì ta chiếm ưu thế hơn hẳn cả về số lượng lẫn chất lượng và hoàn toàn đủ khả năng đột phá- Ông ngừng lại một chút rồi nhìn thẳng vào mắt Tư lệnh- Còn khó khăn, thật tình chúng tôi lo nhất là vấn đề bảo đảm cơ động. Trên tất cả các hướng tiến công của ta vào Sài Gòn đều có sông lớn, đặc biệt là cánh đông. Vì vậy, nếu địch phá mất các cây cầu qua sông này thì việc cơ động của tăng, thiết giáp hết sức khó khăn. Tôi đề nghị Tư lệnh hết sức lưu ý vấn đề này.
Thoáng chút trầm ngâm, Tư lệnh chiến dịch gật đầu:
- Thật tình, đó cũng là nỗi lo của tớ. Tuy nhiên, Bộ tư lệnh chiến dịch cũng đã có phương án. Trước hết là ta phải cố giữ bằng được. Còn nếu địch phá mất thì sẽ có các phương tiện bảo đảm vượt sông khác. Tuy nhiên, nếu các cậu tiến công thật nhanh làm cho chúng không kịp trở tay thì chúng sẽ không kịp phá đâu.
Trời bỗng nhiên tối sầm lại. Một cơn mưa đổ xuống rất nhanh. Tư lệnh chiến dịch nhìn sững ra chân trời tối đen, ông tỏ ra lo lắng:
- Năm nay mùa mưa đến sớm. Nếu chúng ta không dứt điểm được mà để dây dưa sang mùa mưa thì sẽ khó khăn bội phần đấy- Liếc qua tấm bản đồ trước mặt, ông trở lại vẻ nghiêm trang- Vấn đề đặt ra đối với quân ta là phải bố trí sử dụng lực lượng như thế nào đó để đẩy nhanh được tốc độ tiến công. Quyết tâm của Bộ tư lệnh chiến dịch là sau khi đột phá được tuyến phòng thủ vòng ngoài thì trong vòng một đến hai ngày phải chiếm bằng được Sài Gòn. Các cậu có biện pháp gì để thực hiện quyết tâm nói trên?
Ông Đào dõng dạc:
- Báo cáo Tư lệnh, chúng tôi đã điện cho cơ quan chủ nhiệm và đại diện xe tăng trên tất cả các hướng trong quá trình làm tham mưu cho người chỉ huy binh chủng hợp thành phải quán triệt sâu sắc cách đánh của chiến dịch. Cụ thể là chỉ sử dụng một lực lượng vừa đủ để đột phá vòng ngoài, còn lại phải tổ chức đội hình thọc sâu mạnh bằng cơ giới để tăng tốc độ tiến công. Trong quá trình hành tiến tiến công phải thực hiện đánh lướt hoặc có thể bỏ qua những mục tiêu không quan trọng để nhanh chóng đánh vào mục tiêu chủ yếu.
Tư lệnh chiến dịch gật đầu hài lòng:
- Tốt lắm! Nếu thực hiện được đúng như vậy thì có thể hoàn thành được chỉ tiêu mà chiến dịch đề ra.
Cơn mưa rào đột ngột tạnh cũng như khi nó xuất hiện. Bầu trời lại sáng ra. Ngoài cửa lán đã thấy mấy cán bộ lấp ló chắc đang định xin vào gặp Tư lệnh. Ông Đào lễ độ:
 - Tư lệnh còn chỉ thị gì cho bộ đội xe tăng không ạ?
Tư lệnh chiến dịch lắc đầu:
- Không đâu! Nghe báo cáo của các cậu tớ thấy yên tâm hơn nhiều rồi. Cứ thế mà làm nhé!- Ông chủ động đứng dạy bắt chặt tay hai anh em, miệng cười hồn hậu- Trong chiến dịch này, vai trò của xe tăng quan trọng lắm đấy. Các cậu cố gắng lên nhé!
Hai anh em rảo bước về phía chiếc xe đang đợi sẵn ở bìa trảng. Ngay đêm hôm đó họ đã về đến sở chỉ huy binh đoàn Sông Hương.


HAI LỚP PHÒNG HỘ- XE TĂNG SẼ BẤT KHẢ XÂM PHẠM

Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ "bất khả xâm phạm"?
Xe tăng T-90 của Nga.

Xe tăng T-90 của Nga được đánh giá là có hệ thống bảo vệ tốt nhất thế giới hiện nay và thực tế chiến trường Syria thời gian qua đã chứng minh hiệu quả gần như hoàn hảo.

Đã có nhiều giải pháp mà người ta áp dụng nhằm nâng cao khả năng phòng hộ cho xe tăng. Trong đó, sự kết hợp giữa giáp phản ứng nổ với hệ thống bảo vệ chủ động được xem là khả dĩ nhất.
Trước sự phát triển như vũ bão của các loại vũ khí chống tăng, xe tăng có lúc tưởng chừng như đã hết thời. Tuy nhiên, các nhà chế tạo xe tăng cũng đã rất tích cực nghiên cứu tìm ra nhiều giải pháp nhằm khắc chế dẫn đến vô hiệu hóa những đối thủ của mình.
Trong các giải pháp đó thì công thức "Giáp phản ứng nổ + Hệ thống bảo vệ chủ động" tỏ ra hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, nó có thể trở thành tấm lá chắn "bất khả xâm phạm" cho xe tăng hay không thì còn câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Giáp phản ứng nổ- người cận vệ trung thành
Thoạt đầu, để tăng cường khả năng phòng hộ (tự bảo vệ) của xe tăng người ta chỉ còn có cách là tăng độ dày vỏ giáp hoặc nâng cao chất lượng vỏ giáp. Tuy nhiên, không thể tăng độ dày của giáp một cách vô hạn được vì nó sẽ ảnh hưởng đến kích thước, trọng lượng và khả năng cơ động của xe.
Trong khi đó, với những cải tiến sâu sắc, khả năng xuyên của các đầu đạn lõm lại tăng lên một cách đáng sợ - đến vài trăm milimét thép đồng chất. Vì vậy, người ta phải tìm giải pháp khác và giáp phản ứng nổ (ERA) đã ra đời.
Tuy nhiên, ban đầu việc sử dụng giáp này bị bỏ qua vì nó ảnh hưởng đến sinh lực bộ binh đi cùng xe tăng. Nhưng càng ngày, thực tế chiến tranh càng cho thấy sự cần thiết của ERA, và chính người Israel đã chế tạo rồi đưa ERA vào sử dụng trong chiến trận lần đầu năm 1982.
Kết quả cho thấy chúng rất hữu dụng. Từ đó, ERA được nhiều nước chấp nhận sử dụng.
Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 1.
Xe tăng Merkava MK4 của Israel.
Về cơ bản, ERA gồm nhiều phần tử nổ, ngọi là "ngói ERA". Các phần tử nổ bao gồm thuốc nổ mạnh chứa trong các khối hộp có vỏ bọc bằng thép và có nắp đậy là thép cường độ cao. Các khối này được lắp thành hình chữ V úp vào sườn tháp pháo và lắp phủ trên thành xe.
Cho đến nay, hầu hết các xe tăng hiện đại trên thế giới đều được lắp ERA. Căn cứ vào thời gian chế tạo, ứng dụng và nguyên lý làm việc của chúng người ta phân ra thành 3 thế hệ ERA:
Thế hệ thứ nhất:
Thế hệ giáp phản ứng nổ đầu tiên có Bleyzer của Israel và Kontakt-1 của Nga. Kontakt-1 sử dụng chất nổ 4S20 được đặt trong 2 ngăn, ở 2 góc độ khác nhau nhằm tạo ra góc tương tác đạt hiệu quả tối đa với đạn chống tăng chủng xuyên lõm.
Hiệu quả tác động của ERA thế hệ này chủ yếu phụ thuộc vào góc tiếp xúc giữa đầu quả đạn với luồng xuyên lõm tạo ra từ vật liệu nổ. ERA thế hệ này có tác dụng khá tốt đối với đạn xuyên lõm song kém hiệu quả đối với đạn xuyên dưới cỡ.
Thế hệ thứ hai:
Thế hệ giáp phản ứng nổ thứ hai xuất hiện vào đầu những năm 1980. Chúng có khả năng chống lại đạn xuyên động năng loại mới (APDS) với sức công phá lớn vượt quá mức độ bảo vệ của bất kể loại giáp hỗn hợp thụ động nào. Trong số giáp phản ứng nổ thế hệ 2 của Nga nổi tiếng có Kontakt-5 sử dụng vật liệu nổ cực mạnh 4S22.
Năm 1990, thử nghiệm của khối NATO chỉ ra rằng, giáp phản ứng nổ Kontakt-5 của Liên Xô trang bị trên tăng T-72 là bất khả xâm phạm. Vào thời điểm đó, đạn chống tăng của khối NATO đứng đầu là Mỹ có M-829 với lõi Uran nghèo là mạnh nhất, nhưng nó lại bị vô hiệu hóa trước Kontakt-5.
Thế hệ thứ ba:
Thế hệ giáp phản ứng nổ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới thuộc thế hệ 3, chúng được trang bị trên các dòng xe tăng hiện đại dẫn đầu thế giới như như Leclerc (Pháp), Type-90 (Nhật), K1A1 Type-88 (Hàn quốc), Merkawa Mark4 , M1A2 Abram (Mỹ) và Nga là T-90M.
Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 2.
Xe tăng M1A2 SEP V2 của Mỹ.
Giáp phản ứng nổ thế hệ 3 của Nga với tên gọi Relikt trang bị trên T-90M có nền tảng là phần tử phản ứng nổ mới 4S23 sử dụng thành phần chất nổ hoàn toàn mới, hoạt động hiệu quả chống được cả các loại đạn lõm hiện đại và tương lai, trong đó có đạn tandem (2 lượng nổ), cũng như chống được đạn xuyên giáp dưới cỡ.
Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất thì rất có thể một thế hệ mới của ERA đã ra đời. Đó là loại ERA do Nga chế tạo và được trang bị cho xe tăng T-14 Armata. Nó có nhiều cải tiến và ưu điểm vượt trội so với tất cả các loại ERA trước đây.
Theo lời người phát ngôn của cơ sở chế tạo thì: "Nó không có địch thủ tương tự trên thế giới". Tuy nhiên, tên gọi của giáp này và các tính năng của nó vẫn đang trong vòng bí mật.
Hệ thống bảo vệ chủ động - tấm khiên che chắn từ xa
Không chỉ nghiên cứu tăng cường sức phòng hộ cho xe tăng một cách thụ động như trên, các nhà sản xuất còn nghiên cứu chế tạo thêm hệ thống bảo vệ chủ động cho nó bằng cách phá hủy hoặc "lái" các đầu đạn chống tăng đi hướng khác, không cho chúng chạm đến xe tăng.
Có thể ví von hệ thống này như một chiếc khiên bao bọc lấy xe tăng, tạo ra một bán cầu an toàn xung quanh nó.
Nhìn chung, mỗi hệ thống bảo vệ chủ động thường là kết hợp của ba thành phần chủ yếu:
Một là các thiết bị cảm biến, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa, đạn pháo, lựu phóng… của đối phương đang hướng đến xe tăng và cung cấp các thông số này cho hệ thống xử lý. Ngoài ra, nó có thể giúp cho kíp xe phát hiện được vị trí ẩn nấp của đối phương.
Hai là, phải có hệ thống tự động xử lý dữ liệu nhằm xác định được quỹ đạo đường đạn, tốc độ bay và góc tiếp xúc của đầu đạn v.v... Trên cơ sở đó lựa chọn và kích hoạt các biện pháp đối phó.
Ba là, phải có các biện pháp đối phó hiệu quả nhằm phá hủy hoặc vô hiệu hóa mối đe dọa. Tùy theo biện pháp đối phó này mà người ta chia hệ thống bảo vệ chủ động thành hai kiểu: bảo vệ cứng và bảo vệ mềm.
Bảo vệ cứng là biện pháp dùng các viên bi hoặc mảnh kim loại bắn về phía tên lửa chống tăng (TLCT) hoặc đầu đạn chống tăng đang bay đến để phá hủy hoặc làm giảm động năng của chúng khi chúng cách xe tăng từ 7- 10 mét. Hệ thống này có thể ngăn chặn đối với mọi loại đạn và TLCT.
Bảo vệ mềm là loại hệ thống sử dụng các biện pháp nhằm gây nhiễu hoặc làm mù xạ thủ đối phương, làm thay đổi quỹ đạo bay của TLCT... được thiết kế để chống lại hoạt động chỉ thị mục tiêu bằng laser, dẫn đường cho TLCT dẫn bằng laser bán chủ động hoặc TLCT có đầu tự dẫn.
Các xe tăng có thể áp dụng kết hợp cả hai loại bảo vệ cứng và mềm hoặc từng loại một.
Hệ thống bảo vệ chủ động kiểu cứng đầu tiên trên thế giới được Liên Xô nghiên cứu và chế tạo những năm 70 thế kỷ trước là Dzort.
Hệ thống này được lắp cho các xe tăng T-55AD từ những năm 80 và đã được thử thách ở chiến trường Afghasintan, đã loại bỏ đên 80% các loại tên lửa và đạn phóng lựu chống tăng bắn tới.
Tuy nhiên, thiết bị này có nhược điểm là phòng thủ trên nóc yếu và chùm đạn bắn ra lớn có thể ảnh hưởng đến bộ binh đi cùng. Vì vậy, người Nga tiếp tục cải tiến và cho ra đời hệ thống phòng thủ tích cực ARENA có nhiều điểm ưu việt hơn.
Hiện nay, ARENA đã được sử dụng cho hầu hết các xe tăng và xe bọc thép hiện đại như T-80, T-90, BMP-3... Ngoài ra, có phiên bản ARENA-E dành cho xuất khẩu và Hàn Quốc là khách hàng đầu tiên của mặt hàng này.
Tiếp nối người Nga là Israel cũng rất chú trọng nghiên cứu chế tạo hệ thống phòng thủ tích cực. Xuất phát từ chiến tranh Lebanon năm 2006, hơn 40 xe tăng của Israel đã bị tiêu diệt bởi tên lửa chống tăng.
Ngoài ra, hàng năm có rất nhiều xe tăng bị tiêu diệt khi đang làm nhiệm vụ bởi các súng chống tăng cá nhân RPG được các tay súng của phiến quân Hezbollah sử dụng. Điều này đã dẫn đến nỗ lực phát triển một hệ thống bảo vệ chủ động APS (Active Protection Systems) cho các xe tăng và xe thiết giáp.
Và Rafale Trophy ASPRO-A ra đời là kết quả sự nỗ lực nghiên cứu của giới khoa học quân sự nước này. Xe tăng Merkava Mk-4 vốn đã nổi tiếng bởi hệ thống giáp bảo vệ tuyệt hảo, nay được trang bị thêm hệ thống bảo vệ chủ động APS đã biến chúng thành một trong những loại xe tăng bất khả chiến bại.
Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 3.
Xe tăng T-14 Armata mới nhất của Nga.
Người Mỹ lúc đầu có phần coi nhẹ các giải pháp này nên không quan tâm cho lắm. Khi nhận thấy tác dụng của nó họ đã đề nghị mua lại của Nga hệ thống ARENA song không được chấp nhận.
Gần đây, quân đội Mỹ cũng đã đặt hàng hãng Sander (thuộc công ty Lockheed Martin) nghiên cứu chế tạo Thiết bị phản ứng chống tên lửa AN VLQ-8A. Thiết bị này có khả năng chống lại hầu hết TLCT có điều khiển cho các loại xe tăng, xe thiết giáp.
Hơn 1.000 hệ thống đã được giao cho quân đội Mĩ. Hệ thống này thường được đặt trên nóc tháp pháo xe tăng Abrams. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về thiết bị này vẫn còn được giữ kín.
Về hệ thống bảo vệ chủ động kiểu mềm hiện nay mới chỉ có người Nga nghiên cứu và chế tạo thành công. Nó được gọi là hệ thống cảnh báo và đối kháng quang-điện tử Shtora-1 TShU-1-7, được thiết kế để phá hoại sự chỉ thị mục tiêu bằng laser và dẫn đường cho TLCT dẫn bằng laser bán chủ động.
Hệ thống Shtora-1 cũng bao gồm ba thành phần chủ yếu như trên, tuy nhiên biện pháp xử lý của thiết bị này là "mềm" - nghĩa là không phá hủy đầu đạn hoặc TLCT mà chỉ "lái" cho nó lệch đi hoặc bị "mù" trong một thời gian.
Trước hết, Shtora-1 liên tục phát ánh sáng hồng ngoại công suất lớn từ hai đèn pha nằm hai bên pháo để gây nhiễu cho các đầu tự dẫn của TLCT.
Khi các cảm biến của hệ thống phát hiện mình đã bị định vị bởi laser hoặc TLCT đang hướng tới mình thì máy tính sẽ tính toán xác định các thông số về quỹ đạo của tên lửa và sẽ phát lệnh phóng các quả đạn khói về phía đó tạo thành một màn khói cách xe khoảng 70 mét che kín xe tăng.
Khi gặp màn khói này, tín hiệu điều khiển bằng laser sẽ bị vô hiệu hóa và đầu đạn sẽ chỉ còn bay theo quỹ đạo thông thường của nó mà thôi. Trong khi đó xe tăng tiếp tục cơ động và đã di chuyển tới vị trí khác.
Ngoài ra, màn sương này cũng làm "mù" các thiết bị ngắm bắn bằng quang học. Hiện hệ thống này được lắp đặt trên xe tăng T-90 của Nga và một số T-80UK, T-80U, T-84 của Ukraine. Tuy nhiên T-90 "Bhisma" của Ấn Độ lại không được trang bị Shtora.
Tiến xa thêm một bước nữa, người Nga lại cho ra đời hệ thống bảo vệ chủ động Afganit với nhiều điểm ưu việt hơn nữa lắp trên xe tăng T-14 Armata. Người ta cho rằng thiết bị này sẽ bảo vệ được xe tăng cho dù TLCT tiến công từ bất cứ phương tiện mang nào, từ bất cứ hướng nào.
Với việc được trang bị cả ERA loại Relikt, ARENA và Shtora-1, xe tăng T-90 của Nga được đánh giá là có hệ thống bảo vệ tốt nhất thế giới hiện nay.
Chúng ta hãy hình dung để tiêu diệt được nó, đầu đạn chống tăng hoặc TLCT phải vượt qua 3 vòng bảo vệ trước khi tiếp cận được lớp giáp thật. Vòng 1 là các can nhiễu đánh lạc hướng và màn khói gây "mù" của Shtora-1.
Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ bất khả xâm phạm? - Ảnh 4.
Xe tăng T-90 của Nga.
Vượt qua được vòng 1 rồi thì nó sẽ bị các chùm nổ mảnh của ARENA bắn phá. Có thể nói hầu hết đầu nổ lõm sẽ nổ ở đây, còn các đầu đạn khác sẽ bị giảm động năng. Tiếp đó, chúng sẽ bị cản trở bởi giáp phản ứng nổ ERA.
Sóng nổ của ERA sẽ phá hủy hoặc làm thanh xuyên chệch hướng đi nên khó có thể xuyên qua được lớp giáp thật của xe. Thực tế chiến trường Syria thời gian vừa qua đã chứng tỏ hiệu quả của hệ thống bảo vệ này.
Và có lẽ cũng chính vì ưu điểm này mà một số quốc gia chọn T-90 làm nòng cốt để từng bước hiện đại hóa lực lượng xe tăng của mình trong thời gian tới.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại có thể nói sự kết hợp giữa giáp phản ứng nổ hiện đại với Hệ thống bảo vệ chủ động (cả cứng và mềm) dường như đã trở thành tấm lá chắn "bất khả xâm phạm" cho xe tăng và góp phần trả lại vị thế của nó trên chiến trường.
Tuy nhiên, "vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn". Chắc chắn những nhà chế tạo vũ khí chống tăng sẽ không chịu ngồi yên thúc thủ. Và kết quả cuộc đấu này ra sao câu trả lời sẽ chỉ có trong tương lai.
Nguồn: http://soha.vn/dai-ta-viet-nam-2-lop-phong-ho-xe-tang-se-bat-kha-xam-pham-20161018110324043.htm