Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 27


Sau hai ngày hai đêm chạy cật lực, chiều muộn ngày 25 tháng Ba thày trò ông Đào mới có mặt ở sở chỉ huy mặt trận Quảng Đà ở Nam Đông. Đó là một địa điểm nằm ở chân dãy Bạch Mã, phía nam Huế và phía tây bắc Đà Nẵng. Nếu nối Huế, Đà Nẵng và Nam Đông ta sẽ được một tam giác cân mà đỉnh là Nam Đông. Từ đây, nếu qua Động Truồi sẽ ra đường quốc lộ Một ở La Sơn, phía dưới Huế chừng hai mươi ki- lô- mét. Còn nếu vượt qua đèo Mũi Trâu thì sẽ chọc thẳng xuống Hòa Khánh ở ngoại vi phía tây bắc Đà Nẵng.
Vừa xuống xe, chỉ kịp lau vội bụi trên mặt ông Đào đã tìm vào sở chỉ huy ngay. Trong căn hầm chỉ huy sơ sài chỉ có một mình tư lệnh chiến dịch đang đứng trầm ngâm trước tấm bản đồ. Tư lệnh mặt trận chẳng phải ai xa lạ, chính là vị Tổng tham mưu phó đã chỉ huy mặt trận B5 ở Quảng Trị ngày nào. Ông Đào ngạc nhiên:
- Sao thủ trưởng đã vào đến đây rồi?- Theo những gì ông được biết thì khi Phùng lên báo cáo kế hoạch Tổng tham mưu phó còn đang ở Hà Nội.
Tư lệnh mặt trận cười rõ tươi:
- Bí mật! Người ta nói một ngày bây giờ bằng hai mươi năm cơ mà- Nhưng rồi ông cười xòa- Thực ra tớ cũng chỉ vào trước cậu có mấy tiếng đồng hồ thôi. Gớm, xe tăng các cậu phá đường ghê quá.
Cái này thì chính ông Đào cũng vừa mới trải qua. Thì gần như cả lữ đoàn H03 đang cơ động trên con đường 14 này còn gì. Đường sá nào mà chịu được. Nhìn quanh một lượt, ông Đào thận trọng:
- Sao sở chỉ huy mà có ít người thế này thôi ạ?
Tư lệnh chiến dịch bật cười:
- Có thế thôi đấy! Bộ vừa mới quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch hôm qua. Tớ thì mới bay vào đến đây, chính ủy thì đang ở trong khu Năm. Mới chỉ gặp nhau qua điện thoại được thôi. Cơ quan cũng mới chỉ được một số bộ phận. Lát nữa mới họp thống nhất công việc - Ông chỉ cái ghế tre trước mặt- Cậu ngồi xuống đi. Tình hình phát triển nhanh quá. Cậu vừa đến chắc chưa biết hả? Huế giải phóng rồi. Khu Năm cũng đã giải quyết xong Tam Kỳ và Quảng Ngãi. Cậu bảo thế có phải một ngày bằng hai mươi năm không?
Ông Đào ngỡ ngàng:
- Thế ạ! Ta giải phóng Huế rồi cơ ạ?
Tư lệnh chiến dịch cười sảng khoái:
- Rồi! Bây giờ ta chỉ còn tập trung vào cái Đà Nẵng nữa là xóa sổ quân khu Một của nó. Năm nay, xe tăng các cậu làm ăn khá lắm. Từ Buôn- Mê- Thuột cho đến Cheo Reo, Phú Bổn chỗ nào xe tăng cũng phát huy được. Còn ở đây, cái Núi Bông ấy, bộ binh đánh suốt ba ngày không xong, cứ giành đi giật lại mãi mà chỉ cần một đại đội- Ông nghiêng đầu như cố nhớ lại một điều gì đó- Cái “thằng” trang bị xe T59 nằm ở A Lưới ấy, nó đến một cái là giải quyết xong ngay. Hôm nay, lại là nó dẫn đầu đội hình đánh Huế từ phía nam lên đấy.
Ông Đào thầm phục trí nhớ và khả năng bao quát tuyệt vời của tư lệnh chiến dịch, nhớ đến từng đại đội dưới quyền. Lòng thầm tự hào, ông nhỏ nhẹ:
- Dạ, đấy là đại đội 4 của H03 ạ!
Tư lệnh mặt trận chiến dịch gật đầu:
- Đúng rồi, đại đội 4- Ông bỗng thở dài- Cũng may là cậu Ân chủ động cho nó xuất kích sớm chứ nếu cứ theo đúng lệnh của Bộ thì bây giờ cũng đang xếp hàng ngoài đường như mấy đơn vị kia thôi.
Về chuyện này thì ông Đào biết. Cũng chẳng trách ai được. Bộ thì muốn dành tăng, pháo cho những trận đánh quyết định nên mới chủ trương như vậy. Hồi đánh Phước Long phải đích thân Tư lệnh Miền xin Bộ mới cho sử dụng xe tăng đấy chứ. Âu đó là cách sử dụng của con nhà nghèo. Ai ngờ, sau đòn điểm huyệt Buôn- Mê- Thuột tình hình lại phát triển nhanh như thế này. Ngoài cửa hầm, một số sĩ quan lục tục kéo đến. Ông Đào nhìn ra thấy có cả đại diện pháo binh, công binh và đại tá Hoàng, phó tư lệnh binh đoàn Sông Hương. Mọi người tay bắt, mặt mừng như thể lâu lắm rồi không được gặp nhau. Đợi cho những câu chuyện hàn huyên lắng xuống, tư lệnh chiến dịch vỗ tay:
- Mời các đồng chí ngồi xuống, ta bắt đầu làm việc- Sau khi thông báo tình hình chung trên toàn chiến trường miền Nam, chủ trương của Bộ Chính trị và quyết tâm của Quân ủy trung ương giải phóng miền Nam trước khi mùa mưa tới, ông dõng dạc- Trước tình hình đó Bộ quyết định mở chiến dịch tiến công Đà Nẵng. Đêm hôm qua, Bộ đã ra quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch Quảng- Đà do tôi làm tư lệnh và đồng chí Chu, tư lệnh kiêm chính ủy quân khu Năm làm chính ủy. Rất may là một số binh chủng đã chủ động tổ chức Bộ tư lệnh tiền phương và xuất phát trước nên cũng đã có mặt ở đây. Thực ra, trong chiến dịch này thì lực lượng chủ yếu tham gia là binh đoàn Sông Hương và lực lượng vũ trang khu Năm. Trước đây Bộ có ý định đưa binh đoàn Quyết Chiến vào hỗ trợ từ phía bắc nhưng đến nay xét thấy không cần thiết nữa. Việc lập ra Bộ tư lệnh chiến dịch chủ yếu là để phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị này. Sau đây, xin mời đồng chí trưởng phòng tác chiến báo cáo về tình hình địch ở Đà Nẵng.
Trưởng phòng tác chiến chiến dịch tiến lại phía tấm bản đồ treo trên vách nhà hầm, anh nhấn từng lời:
- Như các đồng chí đã biết, Đà Nẵng là một căn cứ quân sự liên hợp lớn vào bậc nhất ở miền Nam, là nơi có Bộ tư lệnh quân đoàn Một và quân khu Một của ngụy. Ở đây, quân số của chúng thường xuyên có tới 10 vạn tên. Trong thời điểm hiện nay có thể hơn vì còn có tàn quân ở Trị Thiên, Quảng Nam kéo về. Cụ thể, lực lượng của chúng ở đây gồm sư đoàn lính thủy đánh bộ, sư đoàn bộ binh 3, liên đoàn biệt động quân 11, thiết đoàn 11, tám tiểu đoàn và hai đại đội pháo, ba liên đoàn, bảy tiểu đoàn và mười một đại đội bảo an. Ngoài ra còn lực lượng bảo an, dân vệ và cảnh sát dã chiến. Riêng lực lượng không quân chúng có 326 máy bay, hải quân có hàng chục tàu chiến đang đậu ở quân cảng. Theo tin tình báo của ta thì ý định của địch là tử thủ Đà Nẵng, nếu không giữ được thì cũng trì hoãn một đến hai tháng. Lợi dụng thời gian này chúng sẽ bố trí lại thế phòng thủ, di tản hơn một triệu dân để gây sức ép về chính trị, ngoại giao với ta. Tin tình báo cũng cho biết, vừa qua Sài Gòn đã tăng cường cho Đà Nẵng hai vạn khẩu súng bộ binh. Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho biết bọn địch ở Đà Nẵng hết sức hoang mang, dao động. Nếu chúng ta đánh nhanh, đánh mạnh chắc chắn sẽ phá được ý định của chúng. Báo cáo, hết!
Sau khi chỉ định đại tá Hoàng báo cáo tình hình bố trí lực lượng của binh đoàn Sông Hương, tư lệnh chiến dịch thông báo về tình hình lực lượng vũ trang khu Năm và kết luận:
- Căn cứ vào tình hình mọi mặt, tôi quyết định sẽ tiến công Đà Nẵng trên bốn hướng: hướng tây bắc, hướng bắc, hướng tây nam và hướng nam. Trong đó, hướng tây bắc là hướng chủ yếu, hướng bắc là hướng thứ yếu. Hai hướng này do binh đoàn Sông Hương đảm nhiệm. Còn hướng tây nam và nam là hướng hỗ trợ sẽ do quân khu Năm đảm nhiệm. Binh đoàn Sông Hương điện ngay cho sư B04 từ Thượng Đức quay ra bắt liên lạc với quân khu Năm để tiến công trên hướng tây nam. Làm dự bị cho chiến dịch là một số đơn vị của binh đoàn Quyết Chiến đang trên đường cơ động vào- Ông đột ngột dằn từng tiếng- Thời gian bắt đầu nổ súng là ngày hai mươi chín tháng Ba. Tôi nhắc lại: hai mươi chín tháng Ba. Từ hôm nay các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị. Thời gian không còn nhiều, đề nghị các đồng chí hết sức khẩn trương, đặc biệt là vấn đề cơ động lực lượng, phương tiện chiến đấu. Các đồng chí còn hỏi gì nữa không?- Nhìn quanh một lượt không thấy ai có ý kiến gì, ông gật đầu- Không ai có ý kiến gì. Vậy thì cuộc họp kết thúc ở đây.
Ra khỏi phòng họp, ông Đào túm ngay lấy đại tá Hoàng:
- Anh về chỗ tôi một chút.
Hai người vừa đi vừa trao đổi xung quanh chuyện giải phóng Huế, vài phút sau đã về đến vị trí đặt sở chỉ huy tiền phương Thiết giáp. Ông Đào nhìn quanh, phải nói tiểu đội công binh mà Phùng cho đi theo rất thạo việc. Mới đến chừng hơn tiếng họ đã đào xong cái hầm thùng và dựng lên trên đó một cái nhà bạt cho ông và phó chính ủy Thu. Một cái bàn và mấy chiếc ghế gấp đã được kê ngay ngắn giữa hầm. Phó chính ủy Thu đang lúi húi ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay dày cộp. Ông Đào giới thiệu đại tá Hoàng với ông Thu và mời vị phó tư lệnh binh đoàn ngồi xuống ghế. Vừa yên vị, ông vào đề ngay:
- Thời gian không còn nhiều nên xin phép anh ta vào việc ngay. Trước hết, đề nghị anh cho biết ý định sử dụng xe tăng của các anh thế nào?
Ông Hoàng chẳng cần sổ sách mà nói vanh vách bằng thứ tiếng Nghệ An nặng trịch:
- Thế này, các anh ạ. Theo ý định của Bộ trước đây thì chúng tôi chỉ đảm nhiệm hướng tây bắc, còn hướng bắc sẽ do binh đoàn Quyết Chiến đảm nhiệm. Vì vậy, khi trước chúng tôi dự định đưa toàn bộ lữ H03 vào phía tây và tây bắc Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo kết luận của tư lệnh chiến dịch hôm nay thì chúng tôi phải đảm nhiệm cả hai hướng là tây bắc và bắc. Vì vậy, chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lại.
Sau khi bàn bạc một hồi, ông Đào đề xuất:
- Theo tôi, cả hai hướng này đều cần có xe tăng. Trên hướng bắc các anh nên sử dụng cỡ một tiểu đoàn, còn lại thì tập trung cho hướng tây bắc là hướng chủ yếu. Cụ thể thì trên hướng bắc, theo tôi các anh nên sử dụng tiểu đoàn 4. Một đại đội của nó đã có mặt ở Huế, các anh cho quặt xuống phía nam. Một đại đội nữa đang ở A Lưới cho cơ động ngay xuống đường 1. Còn đại bộ phận lực lượng của lữ đoàn thì tiếp tục cho cơ động theo đường 14 xuống tây Đà Nẵng. Còn ba ngày nữa, tôi chắc sẽ cơ động kịp thôi.
Lẩm nhẩm tính toán một hồi, đại tá Hoàng gật đầu:
- Có lẽ chúng tôi sẽ thực hiện đúng như anh nói. Ngay đêm nay tôi sẽ báo cáo với anh Ân. Còn bây giờ, xin phép anh tôi phải về ngay, còn nhiều việc lắm.
Ba người bắt tay nhau. Ông Hoàng nhanh chóng ra khỏi lán và cắm cúi đi. Trời đã sâm sẩm tối. Phía đường 14 vọng vào tiếng các loại xe ì ầm không dứt.

*

Rời hậu cứ, chỉ sau hai ngày hành quân, tiểu đoàn của Nhã đã có mặt ở thung lũng A Lưới. Nằm chờ ở đây một ngày thì nhận lệnh cơ động tiếp theo đường 14 rồi bắt sang đường 74 vào phía tây Đà Nẵng. Xem trên bản đồ quãng đường chỉ khoảng bảy mươi ki- lô- mét mà thời gian còn những ba ngày Nhã đã mừng thầm, anh tự nhủ: “Chắc chắn sẽ kịp”.
Nhưng trời chẳng chiều người. Mới đi được hơn một ngày, vừa rẽ vào con đường 74 mới mở được một đoạn thì một cơn mưa trái mùa bất thần giáng xuống. Đã từng ở vùng này năm Sáu Chín, Bảy Mươi nên Nhã thực sự ngạc nhiên. Dẫu là cái rốn mưa của cả nước đấy nhưng vào tháng Ba ít khi nơi này có mưa. Dường như ông Trời muốn thử thách con người trước những sự kiện trọng đại thì phải. Cơn mưa kéo dài mấy tiếng đồng hồ đã biến con đường quân sự làm gấp thành những cạm bẫy khôn lường với những chiếc xe tăng nặng hơn ba chục tấn. Thôi thì đủ kiểu. Sa lầy có. Đường sạt, dệ xe có. Cả một lữ đoàn công binh của binh đoàn cùng với công binh 559 rải ra suốt chiều dài con đường để bảo đảm cơ động nhưng cũng như muối bỏ bể. Khắc phục được chỗ này lại bị chỗ kia. Được xe này lên, xe sau đến lại bị. Mà đâu chỉ có xe tăng. Còn pháo, còn cao xạ, còn xe hậu cần, xăng dầu, đạn dược. Đoàn nào cũng cần, xe nào cùng gấp. Lữ trưởng Tình, lữ phó Tại cùng với các tiểu đoàn trưởng hết đi lên đầu lại xuống cuối đội hình để đôn đốc, thúc giục. Người nào người nấy lấm như trâu đằm. Tất cả những kinh nghiệm, những mẹo mực của bao nhiêu cuộc hành quân trước đây được giở ra chỉ nhằm một mục đích là có mặt tại vị trí tập kết trước giờ quy định.
Ì ạch từng ki- lô- mét một rồi tối ngày 28 tiểu đoàn 1 của Nhã cũng tới được vị trí tập kết ở chân đèo Mũi Trâu, tiểu đoàn 2 thì còn dậm chân mãi đằng sau. Nhã đã tưởng chuyến này thoát nạn thì lại tái người vì một tin không lành: đây là vùng giáp ranh nên bọn địch đã rải mìn ngăn chặn dọc đường. Sáu ki- lô- mét từ đây đến cứ điểm Đá Đen là sáu ki- lô- mét của tử thần, mật độ mìn dày đặc. Chẳng còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi công binh gỡ mìn rồi mới tiếp tục đi nếu không muốn đứt xích, bay bánh chịu nặng.

Trong khi Nhã đang vật lộn với những con đường quân sự làm gấp đèo dốc và lầy lội đến khốn khổ thì Cân lại đang vi vu trên con đường 20 trải nhựa phẳng lì, thẳng tắp. Hai bên đường là những cánh rừng cao su mơn mởn tưởng như không bao giờ hết. Cách đây gần tuần, tiểu đoàn của Cân nhận lệnh phối thuộc với một sư đoàn bộ binh của binh đoàn Mê Kông tiêu diệt địch trên đường 20 để mở rộng bàn đạp, tạo điều kiện cho các binh đoàn bạn chuẩn bị tiến công Sài Gòn. Rút kinh nghiệm từ trận Phước Long, căn cứ vào nhiệm vụ được giao là phải diệt địch trên một đoạn đường dài hơn một trăm ki- lô- mét nên sư đoàn đã quyết định áp dụng phương thức tiến công trong hành tiến. Một trung đội xe tăng được cử ra làm phân đội phái đi trước, có nhiệm vụ trinh sát nắm địch. Nếu địch yếu thì đánh địch để mở đường cho đội hình chủ lực phía sau. Nếu gặp địch mạnh thì dừng lại, nắm tình hình chờ chủ lực lên giải quyết. Bộ binh được đưa lên xe tăng và các phương tiện cơ giới để tăng tốc độ tiến công. Ngồi sau xe Cân là một đại đội trưởng bộ binh cũng bằng tầm tuổi anh. Anh cán bộ bộ binh cứ luôn mồm nắc nỏm: “Chưa bao giờ đi đánh nhau lại sướng như bây giờ”. Chính vì vậy mà ngày hôm qua, chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ các anh đã lần lượt tiêu diệt hai chi khu Ma Đa Gui và Đa Oai. Thực ra, lực lượng địch ở các chi khu này đâu có yếu, mỗi chi khu đều có một tiểu đoàn bảo an đóng giữ. Lại có hệ thống công sự, vật cản cũng khá vững chắc. Thế nhưng, khi thấy xe tăng xuất hiện chúng hoảng hồn chạy tứ tán. Có lẽ, dẫu có giàu trí tưởng tượng đến đâu chúng cũng không thể ngờ tới việc bị xe tăng cộng quân tiến công bất ngờ thế này.
Giải quyết xong hai chi khu, đội hình tiến công lại rồng rắn vượt đèo Bảo Lộc để đánh chiếm thị xã. Một đại đội địa phương quân chốt giữ trên đèo thấy xe tăng đến cũng chạy hết vào rừng. Con đèo khá dài nhưng đường trải nhựa, lại rộng nên cũng không có gì khó khăn với những tay lái đã vượt Trường Sơn. Vì vậy, sáng sớm nay đội hình sư đoàn đã đến ngoại vi thị xã Bảo Lộc. Từ trên tháp pháo, phóng tầm mắt về phía cái thị xã cao nguyên vẫn đang chìm trong sương sớm lòng Cân bồi hồi nhớ về những kỷ niệm khó quên trong trận tiến công thị xã An Lộc ba năm trước. Trận đó, mình thiệt hại nhiều quá mà cuối cùng cũng không đạt được mục đích. Nhưng từ đó đến nay thế và lực của hai bên đã thay đổi quá nhiều. Chính anh và đồng đội cũng đã trưởng thành lên biết bao nhiêu. Chắc chắn không bao giờ có một An Lộc thứ hai nữa.
Đại đội trưởng Thanh đã đi nhận nhiệm vụ về, anh đã đến bên cạnh xe từ lúc nào mà Cân vẫn không biết. Cân chỉ giật mình khi Thanh trêu:
- Này, ông nhà thơ. Còn ngồi đấy mà mơ màng chi nữa?
Cân vội tụt xuống:
- Anh đã đi nhận nhiệm vụ về rồi à?
Thanh gật đầu:
- Ừ! Ông xuống đây, ta thống nhất phương án một tý- Đợi Cân xuống đứng bên cạnh Thanh mới giở cái sơ đồ vẽ vội ra và bỗ bã- Thế này nhé, sau khi pháo ngừng bắn ông cho trung đội 2 xuất kích đánh cầu Đại Bảo. Vượt qua cầu rồi đại đội ta sẽ chia làm hai hướng. Tôi sẽ cùng trung đội 1 vòng lên phía bắc để đánh vào tiểu khu. Còn ông sẽ chỉ huy trung đội 2 thẳng đường này tiến vào khu hành chính, dinh tỉnh trưởng rồi quặt sang tiểu khu đánh từ phía nam lên. Nếu thuận lợi thì đại đội 2 sẽ phát triển lên chiếm Di Linh ngay.
Cân bật cười:
- Đã biết tiểu khu với dinh tỉnh trưởng của nó ở đâu mà đánh.
Thanh cũng cười:
- Thì làm quái gì có thời gian mà trinh sát nữa. Cứ thẳng tới đi. Chỗ nào mà có công sự, vật cản đích thị là tiểu khu. Còn chỗ nào nhà cao cửa rộng, có treo cờ ba sọc thì đúng là công sở ngụy quyền và dinh tỉnh trưởng đấy. Cứ húc mạnh vào là được- Anh vỗ mạnh vào vai Cân thay cho lời chúc thắng lợi- Thôi, tôi về đây!
Đúng như Cân nghĩ. Chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ quân ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Bảo Lộc không mấy khó khăn. Chiều hôm đó, chi khu Di Linh cũng bị đập tan. Cả một đoạn đường 20 dài hơn một trăm ki- lô- mét đã sạch bóng quân thù.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét