Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

NHỮNG QUẢ BOM BA CÀNG VÀ LỜI THỀ CẢM TỬ

Bom ba càng có cấu tạo như thế nào?
Bom ba càng là loại vũ khí diệt xe tăng thế hệ đầu tiên. Nó ra đời vào đầu Thế chiến thứ II, khi các loại súng phóng lựu chống tăng chưa được phổ biến. Trong các quân đội tham gia Thế chiến II, quân đội Nhật được biết đến là quân đội sử dụng bom ba càng phổ biến nhất.
Sức công phá của bom ba càng dựa trên nguyên lý "năng lượng lõm"- nguyên lý được vận dụng trong hầu hết các loại đầu đạn hoặc tên lửa chống tăng sau này.
Cấu tạo của bom ba càng gồm có: phễu thuốc nổ hình nón, miệng phễu có đường kính khoảng hơn 20 cm, bên trong nhồi từ 7- 10 kg thuốc nổ mạnh. Trên mặt phễu có vành gang gắn 3 càng sắt- thực chất là kíp nổ (do trình độ chế tạo kíp nổ lúc đó còn thô sơ nên người ta lắp hẳn 3 cái cho đảm bảo).
Vũ khí Nhật trong tay Việt Nam khiến Pháp khiếp sợ - Ảnh 1.
Sức công phá của bom ba càng dựa trên nguyên lý "năng lượng lõm".
Dưới đáy phễu là bộ phận gây nổ, gồm: hạt nổ, kim hỏa và chốt hãm an toàn. Bom được lắp vào một cây gậy gỗ dài 1,2m. Với hình dạng như vậy, người ta gọi nó là "bom ba càng".
Khi muốn tiêu diệt xe tăng đối phương, người lính sử dụng bom một tay nắm (nâng) nơi tiếp giáp đuôi bom và gậy, tay còn lại nắm chắc 2/3 của gậy, mặt bom chếch 45 độ về phía trước, cách mục tiêu 2 - 3m hạ bom ngang tầm vai hai tay lao bom vào vị trí đã chọn.
Vị trí tối ưu khi đánh bom phải bảo đảm ba càng bom cùng lúc chạm trên mặt phẳng của mục tiêu. Cụ thể, xe tăng, xe bọc thép bánh hơi chọn nơi thành bên hông xe, dưới tháp pháo; xe half-truck nơi thành xe phía giáp cửa lên xuống, sát buồng lái trên nơi gắn thùng nhiên liệu để bộ phận gây nổ kích nổ chuẩn xác.
Vũ khí Nhật trong tay Việt Nam khiến Pháp khiếp sợ - Ảnh 2.
Chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng chặn đánh xe tăng địch. Ảnh: TTXVN.
Khi bom bị kích nổ, do nguyên lý nổ lõm, năng lượng nổ của khối thuốc nổ tập trung hình thành một "luồng xuyên" với vận tốc, áp suất và nhiệt độ rất cao xuyên phá lớp giáp của xe tăng, gây áp lực cháy nổ rất lớn làm nhiên liệu và đạn trên xe cùng bị kích nổ.
Tuy nhiên, khi bom nổ một phần năng lượng dội về phía sau gây ra sức ép lên người chiến sĩ đánh bom, nó thường hất người đánh bom ngã ngửa về phía sau, nhẹ thì bị thương, còn nặng thì có thể hy sinh.
Chính vì vậy, những chiến sĩ sử dụng bom ba càng diệt tăng địch thường là những chiến sĩ cảm tử bởi họ biết rằng cơ hội sống sót của mình gần như bằng không. Điều đó rất phù hợp với tinh thần của các võ sĩ sa- mu- rai Nhật Bản nên việc sử dụng bom ba càng trong quân đội Nhật là phổ biến nhất.
Cuộc chiến đấu của những chiến sĩ cảm tử trên đường phố Hà Nội
Trước những âm mưu và hành động trắng trợn của Pháp, ngày 18, 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng tại một ngôi nhà ở làng Vạn Phúc – Hà Đông và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến vào 20 giờ ngày 19/12/1946.Cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và Pháp diễn ra rất quyết liệt ngay từ những ngày đầu, bộ đội Việt Minh với vũ khí thô sơ vàít ỏi chống lại đội quân thiện chiến của Pháp với vũ khí hiện đại đã diễn ra ác liệt.Tại Hà Nội, công sự, chiến lũy được dựng lên khắp mọi nơi, tất cả mọi lực lượng, với mọi loại vũ khí trong tay tích cực tham gia kháng chiến. Thanh niên nam nữ của 36 phố phường đã cùng Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, Tự vệ chiến đấu... đứng lên đánh Pháp theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vũ khí Nhật trong tay Việt Nam khiến Pháp khiếp sợ - Ảnh 4.
Bom ba càng đã trở thành huyền thoại, từng khiến kẻ thù khiếp sợ.
Lúc đó, toàn mặt trận Hà Nội, tính cả tự vệ thì Việt Minh có khoảng hơn 2.000 cây súng với rất ít đạn. Mỗi tiểu đoàn Việt Minh chỉ có 2 đến 3 khẩu trung liên, từ 2 đến 3 khẩu tiểu liên và carbin, còn lại toàn là súng trường mà cũng không đủ, đạn thì thiếu, lựu đạn cũng ít...
Để đối phó với xe tăng, xe thiết giáp của Pháp, các lực lượng Việt Minh chủ yếu sử dụng bom ba càng. Đây là số bom ba càng thu được khi Việt Minh giải giáp quân Nhật. Có gần 100 quả bom ba càng đã được trang bị cho khoảng 10 "đội cảm tử" được thành lập trên mặt trận Hà Nội.
Sở dĩ phải thành lập các "đội cảm tử" bởi những người lính dùng bom ba càng diệt xe tăng địch phải là những chiến sĩ mưu trí, quả cảm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Trong trận Hà Nội 1946, chừng 10 tổ cảm tử quân được thành lập, với tổng cộng khoảng 100 đội viên.
Họ được gọi là quyết tử quân, khác với đa số chiến sĩ tham gia chỉ được gọi là Vệ quốc quân hoặc tự vệ Hà Nội. Họ thường mặc áo trấn thủ, đeo khăn đỏ, cầm bom ba càng, có khi được tổ chức truy điệu sống trước khi xung trận.
Được chọn vào đội cảm tử quân là niềm vinh dự với họ khi đó, và họ cũng là sự động viên tinh thần lớn cho quân dân trước sức mạnh quân sự của Pháp.
Ngoài tinh thần quyết tử, để diệt được xe tăng địch người chiến sĩ sử dụng bom ba càng cũng cần hết sức mưu trí, sáng tạo và phải giữ được yếu tố bí mật bất ngờ.
Khi xuất kích, tiếp cận mục tiêu chiến sĩ phải được sự yểm trợ tối đa của hỏa lực, khống chế, vô hiệu hóa hỏa lực trên xe tăng và áp đảo tiêu diệt lực lượng bộ binh đi cùng.
Ðánh bom động tác phải dứt khoát, chuẩn xác, phải có tổ cứu hộ sẵn sàng ở phía sau. Khi chiến sĩ đánh bom bị sức ép của bom hất ngã ra sau sẽ ngay lập tức xông ra dìu chiến sĩ đánh bom vào nơi an toàn.
Thông thường người chiến sĩ sẽ hy sinh sau khi bom nổ vì bị sức ép và hơi nóng táp vào người, nhưng cũng có trường hợp cá biệt đánh được nhiều lần. Trong một số tổng kết có nói đến một số chiến sĩ đánh cháy vài xe tăng bằng bom ba càng mà vẫn còn sống.
Các phóng viên ngày đó đã ghi lại được một bức ảnh "cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng địch trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, 12/1946". Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh (tức Nguyễn Văn Lang, anh ruột chiến sĩ cầm bom ba càng) kể lại:
"Người chiến sỹ trong ảnh là anh Nguyễn Văn Thiềng, bí danh Trần Thành Thiềng, sinh năm 1927, tại số nhà 44 Hàng Vôi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh là đoàn viên thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, đã tốt nghiệp Trường Quân chính Bắc Sơn được biên chế về Tiểu đoàn 212, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tổng tham mưu.
Ngay chiều hôm đó, địch lại cho xe tăng và bộ binh mở cuộc tiến công lớn vào trận địa của ta nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực.Ngày 23/12/1946, Pháp cho xe tăng theo đường Bà Triệu tiến đánh trụ sở Bộ Tổng tham mưu của ta, anh Nguyễn Văn Thiềng đã dùng bom ba càng đánh hỏng một xe tăng địch ở ngã tư Bà Triệu – Trần Quốc Toản.
Anh Thiềng tiếp tục đánh bom ba càng nhưng bom không nổ, lính Pháp trên xe tăng bắn liên tiếp về phía anh, anh đã hy sinh ngay trong trận đánh. Thi hài của anh được chôn cất cẩn thận ngay tại sân sau Bộ Tổng tham mưu".
Hình ảnh người chiến sĩ cảm tử ôm bom ba càng chặn đánh xe tăng địch cùng lời thề "cảm tử cho Tổ Quốc quyết sinh" sẽ còn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

ALFRED NOBEL- BÁC HỌC THIÊN TÀI HAY "KẺ BUÔN BÁN TỬ THẦN"

Alfred Nobel là thiên tài hay "Kẻ buôn bán tử thần"?

Nobel là giải thưởng danh giá bậc nhất TG và tiền thưởng lên tới trên dưới 1 triệu USD. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sự ra đời của giải thưởng này có xuất phát điểm từ bi kịch của một thiên tài.
Alfred Nobel - thiên tài về kỹ thuật và thương mại
Alfred Nobel sinh ngày 21.10.1833 ở Stockholm, Thụy Điển, trong một gia đình toàn kỹ sư. Ông là một nhà hóa học, kỹ sư, nhà phát minh đồng thời là một thương gia giỏi. Ông từng có tới 355 bằng sáng chế; phát minh ra nhiều vật liệu hoá học khác nhau như cao su và da tổng hợp, tơ nhân tạo, một số loại thuốc nổ...
Nhiều người lầm tưởng ông là nhà phát minh ra thuốc nổ và nhờ ông nhân loại mới biết đến thuốc nổ song không phải vậy! Thực ra, nhân loại đã biết đến thuốc nổ từ lâu, thậm chí người Trung Quốc còn phát minh ra thuốc nổ đen từ hàng nghìn năm trước.
Giá trị các phát minh của Nobel là tìm ra các chất phụ gia thích hợp và công thức pha chế phù hợp để chế tạo các loại thuốc nổ an toàn sử dụng trong phá đá, đào kênh, khai thác hầm mỏ cũng như sản xuất đạn dược, bom mìn... trên quy mô công nghiệp.
Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 1.
Khánh thành tượng Nobel tại Trường đại học Alfred Nobel.
Năm 20 tuổi, Nobel bắt đầu nghiên cứu về thuốc nổ Nitroglycerin - loại thuốc nổ vốn được phát minh từ năm 1846 nhưng vì chưa thể khống chế và sử dụng nó một cách an toàn nên chưa có ứng dụng thực tế. Sau 3 năm nghiên cứu, ông đã tìm ra cách khống chế nó và cho ra đời loại thuốc nổ an toàn có tên là Dynamite.
Nobel cũng phát minh ra các loại thuốc nổ như Blasting gelatin, ballistite... Sáng chế này là tiền thân của nhiều vật liệu nổ không khói dùng trong quân đội, đặc biệt là bột chất nổ không khói của người Anh.
Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 2.
Sau đó, Nobel thành lập một công ty thuốc nổ. Các sản phẩm của ông phục vụ hữu ích cho đời sống (phá núi, đào kênh, khai mỏ…). Khi xảy ra chiến tranh, nhu cầu về thuốc nổ tăng vọt, công ty của Nobel phất lên như diều gặp gió.
Là một người có đầu óc kinh doanh ông đã mở xưởng tại nhiều nước, phát triển thị trường thuốc nổ và vũ khí rộng rãi. Nhờ vậy, Nobel đã trở thành một trong những triệu phú giàu có nhất thế giới thời bấy giờ.
Những bi kịch của một thiên tài và sự ra đời của một giải thưởng
Là một thiên tài nổi tiếng và giàu có song cuộc đời Nobel cũng gặp phải nhiều bi kịch.
Bi kịch đầu tiên đến với ông ngày 3.9.1864, nhà máy của Nobel phát nổ, làm 5 người thiệt mạng, trong đó có cả Emil, em trai ông. Sau lần tai nạn đó, thuốc nổ hầu như bị mọi người bác bỏ, nhưng Nobel quyết không từ bỏ ý định chế tạo thuốc nổ và quyết tâm làm cho nó an toàn hơn.
Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 3.
Alfred Nobel.
Nhưng bi kịch lớn nhất đến với ông là khi người anh Ludvig của ông qua đời năm 1888. Rất nhiều tờ báo do nhầm lẫn đã đăng cáo phó của ông với tựa đề "Nhà buôn cái chết đã chết".
Nặng nề hơn báo chí còn viết: "Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh ra cách thức giết con người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua."
Tin tức lan rộng nhanh chóng và Alfred Nobel đã nổi tiếng càng nổi tiếng hơn với danh hiệu không hay ho gì: "kẻ buôn bán tử thần". Có lẽ điều này đã khiến Nobel bất ngờ và làm ông lo ngại về việc ông sẽ được ghi nhớ ra sao sau khi ông chết.
Thực ra, những phát minh sáng chế của ông trước hết đều nhằm phục vụ cho con người như khai thác hầm mỏ, phá núi, đào kênh... Song khi chiến tranh nổ ra, nó cũng được con người sử dụng vào mục đích giết người ngoài ý muốn của ông.
Và có lẽ chính vì điều đó mà ông quyết định giành phần lớn tài sản của mình (94% tổng tài sản- khoảng 186 triệu USD hay 150 triệu € tính theo thời giá 2008) để tạo ra một loạt các giải thưởng cho những người trao "lợi ích lớn nhất cho nhân loại".
Sau khi ông mất (ngày 10.12.1896), Viện Hàn lâm Thụy Điển và Uỷ ban Giải thưởng của Quốc hội Na Uy đã lập ra giải thưởng Nobel theo di chúc của ông.
Alfred Nobel là thiên tài hay Kẻ buôn bán tử thần? - Ảnh 4.
3 trong số các nhà khoa học được trao giải Nobel 2018.
Giải thưởng Nôben được trao tặng vào ngày 10.12 hằng năm, bắt đầu từ 1901, cho những người có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, chính trị xã hội, văn học. Lúc đầu, theo di chúc của Nobel, chỉ có 5 giải thưởng về vật lí, hoá học, sinh học và y học, văn học, hoà bình. Năm 1968, bổ sung thêm một giải về khoa học kinh tế.
Tuy nhiên cho đến nay, không hề có bằng chứng nào ủng hộ điều này. Âu đó cũng là một bi kịch của ông?Nhiều người thắc mắc tại sao không có giải thưởng về toán học. Có tin đồn sở dĩ Nobel không đặt ra giải thưởng này là bởi người phụ nữ ông yêu đã từ bỏ ông để đi theo nhà toán học nổi tiếng Gosta Mittag Leffler.
Từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, đã có khoảng 750 người được nhận giải thưởng này. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 huy chương Nobel và một khoản tiền - theo thời giá hiện nay là trên 1 triệu USD. Giải thưởng không những là một vinh dự cho cá nhân được giải mà còn mang lại vinh quang cho Tổ quốc của người đó.
Không chỉ vậy, Nobel - nhà khoa học, nhà kinh doanh tài ba đã để lại cho nhân loại ngày nay một thông điệp về mục đích chân chính của khoa học: "phải phục vụ lợi ích con người".

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

ĐỒNG NGŨ

47 năm về trước
Cũng một sáng mùa đông
Tái tê cơn gió bấc
Tái tê những cõi lòng

43 chàng trai trẻ
Của miền đất Chí Linh
Sẽ lên đường nhập ngũ
Vào làm lính xe tăng

Huấn luyện có 3 tháng
Đã lên đường đi B
Quảng Trị miền đất lửa
5 thằng mãi không về

Giờ cứ ngày nhập ngũ
Lại tìm về với nhau
Nhớ về thằng đã mất
Thương nhau bạc cả đầu

Mỗi năm một thêm vắng
Bởi quy luật cuộc đời
Nhưng chỉ cần còn sống
Vẫn gặp, vẫn vui cười.

08.12.2018
Trong hình ảnh có thể có: 17 người, bao gồm Thanh Minh Le, Phuc Nguyen, Hiep Pham, Hoan Khuất, Quý Lăng Nguyễn, Dương Thành, Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Khắc Nguyệt, Hoe Quang và Khanh Hoangkhanh, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 16 người, bao gồm Hoan Khuất và Nguyễn Khắc Nguyệt, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và bộ vét

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang ngồi và bộ vét

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang đứng và bộ vét

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

BỘ ĐỘI- GIÁO VIÊN- NHỮNG CẶP ĐÔI HOÀN HẢO

Đến tận bây giờ, cặp đôi Bộ đội - Giáo viên được coi như một "cặp đôi hoàn hảo". Quan niệm đó hoàn toàn toàn không phải ngẫu hứng của một ai mà có cơ sở của nó.


Cô giáo - Anh bộ đội: Từ sự đối nghịch 180 độ
Đó là sự đối nghịch về môi trường làm việc mặc dù họ đều là viên chức của Nhà nước!
Trong khi các cô giáo thường xuyên được làm việc ở một địa điểm ổn định (tất nhiên là tương đối) thì những người lính thường không tự quyết định được đơn vị, địa điểm công tác của mình. Có thể hôm nay họ đang ở thành phố lớn song ngày mai rất có thể họ dã có mặt nơi biên giới, hải đảo xa xôi theo yêu cầu nhiệm vụ.
Trong khi hầu hết các cô giáo thường xuyên được làm việc trong lớp học, "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" thì môi trường làm việc thường xuyên của những người lính là thao trường, bãi tập bất chấp nắng mưa.
Trong khi các cô giáo được vui vẻ chưng diện (dù có thể rất khiêm tốn) những bộ quần áo đẹp, thời trang khi lên lớp thì những người lính bốn mùa chỉ có chung thân bộ quân phục sẫm màu hoặc trang phục dã ngoại lấm lem bùn đất, khét mù mùi dầu mỡ, mồ hôi...
Trong khi đối tượng làm việc của các cô giáo là lớp măng non của đất nước để chuẩn bị cho tương lai thì đối tượng quản lý trực tiếp của những người lính lại là những người đồng đội cấp dưới của mình. Và đối tượng mà người lính phải quan tâm, nghiên cứu và sẵn sàng đối phó chính là kẻ thù (có thể) của Tổ quốc.
Trong khi các cô giáo dù vất vả đến đâu cũng chắc chắn rằng mình sẽ có mấy tháng nghỉ Hè, nghỉ Tết thì người lính tuy cũng có "phép năm" nhưng hơn chục ngày phép đó sẵn sàng bị cắt bất cứ lúc nào theo yêu cầu nhiệm vụ. Và tất nhiên, ngày nghỉ cuối tuần đưa bạn gái đi chơi thường vẫn chỉ là mơ ước của những anh lính xa nhà.
Giáo viên - Bộ đội: Những cặp đôi hoàn hảo - Ảnh 1.
Vợ chồng bộ đội trước lúc chia tay. Ảnh minh họa: Báo Quảng Bình.
Đến "cặp đôi hoàn hảo" và những căn nguyên của nó
Còn, còn rất nhiều sự đối nghịch nữa nếu đi vào chi tiết. Nhưng bên cạnh sự đối nghịch đó, giữa họ lại có rất nhiều sự đồng nhất và cảm thông vô cùng lớn.
Trước hết, đó là chất lý tưởng trong công việc, trong nhiệm vụ của mỗi người.
Trong khi các cô giáo tự hào bởi: "tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ như chim bay về khắp miền em lên đường tung bay xây nhiều thế hệ cháu Bác Hồ. Tự hào như em người chiến sĩ văn hóa lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam".
Giáo viên - Bộ đội: Những cặp đôi hoàn hảo - Ảnh 2.
Thì những người lính cũng có niềm tự hào bởi cuộc đời họ từ khi khoác lên mình bộ quân phục màu xanh là tự nguyện "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh...". Họ sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc, sự bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Thứ nữa, họ đều là những đối tượng có thu nhập thấp- hay nói khác đi là người nghèo trong xã hội.
Trong khi các doanh nhân, các cán bộ có chức có quyền, các cô mậu dịch viên thời bao cấp, các diễn viên, người mẫu và những người làm ở những nghề "hái ra tiền"... là những hot boy, hot girl của thời đại thì họ chỉ là những người chỉ biết trông vào số tiền lương "ba cọc, ba đồng". Có lẽ cũng vì vậy mà họ có sự thông cảm sâu sắc với nhau hơn.
Song tuy nghèo nhưng họ lại là những con người có tâm hồn thật sự lãng mạn và bay bổng.
Nếu như các cô giáo vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn song vẫn vui vẻ "Tiếng em nói nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng, tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước, em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời..."
Thì những người lính, trên đường hành quân gian khổ hay giữa chiến trường khốc liệt vẫn có những khoảng bình yên, lắng đọng: "Bạn tôi cho hay, sau này xong chiến đấu; Sẽ lên nông trường, sớm hôm trên đồng lái máy cày; Còn tôi mong sao, bao ngày tôi đang sống; Sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau".
Bởi chưng cuộc sống đậm đặc chất lý tưởng và lãng mạn như vậy, cô giáo và người lính cũng là những người luôn giữ được lòng tin tưởng về nhau dù cách xa ngàn trùng:
"Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ,Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu. Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ, Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ. Cái chết cúi gục đầu, Cuộc đời xanh tươi trẻ ngày đêm ta bên nhau..."
Ngoài ra, những người lính xa nhà biền biệt luôn mong mỏi có một người thay mặt mình dạy dỗ những đứa con. Và nhân vật "lý tưởng" cho mong mỏi đó không ai hơn chính là các cô giáo- những người có môi trường làm việc tương đối ổn định, lại có nghề sư phạm trong tay.
Tất nhiên, còn nhiều lý do nữa song thế cũng tạm đủ cho một "cặp đôi hoàn hảo" giữa các cô giáo và người lính.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, xin kính chúc các cặp đôi hoàn hảo "Giáo viên- Bộ đội" hạnh phúc và thành công.
(Bài viết có sử dụng lời các ca khúc: Bài ca người giáo viên nhân dân của NS Hoàng Vân; Vì nhân dân quên mình của NS Doãn Quang Khải; Đồng đội của NS Hoàng Hiệp; Hành Khúc Ngày Và Đêm của NS Phan Huỳnh Điểu).