Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 32


Trong lúc đó, phó tư lệnh Kiệm đã cùng sở chỉ huy B75 cơ động đến Bộ chỉ huy Miền để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng vào Sài Gòn. Vừa vào đến nơi, Kiệm đã xin phép Tổng Tham mưu trưởng cho xuống đoàn thiết giáp H6 để nắm tình hình. Ở đây, Kiệm hết sức ngạc nhiên khi gặp chủ nhiệm chính trị Võ:
- Ơ, anh đi thế nào mà lại vào đây trước cả tôi thế này?
Chủ nhiệm chính trị Võ cười rõ tươi:
- Tôi không chỉ vào trước anh mà còn đưa cả vào đây ba tiểu đoàn xe tăng nữa đây này.
Kiệm mừng ra mặt:
- Thế à? Thế này thì không lo về lực lượng nữa rồi- Anh túm tay Võ lắc lắc một hồi rồi tỏ vẻ ngạc nhiên- Tại sao binh chủng lại không cử ông quân sự nào đi dẫn đoàn mà lại xuất cả chủ nhiệm chính trị đi thế này?
Đoàn trưởng Mai đỡ lời:
- Anh đi lâu quá nên không biết rồi. Anh Võ được cử vào đây đảm nhiệm chức vụ chính ủy đoàn H6 đấy.
Kiệm vẫn lắc tay Võ:
- Chúc mừng anh! Chúc mừng anh! Như thế là đi cùng với anh còn có ba tiểu đoàn xe tăng à? Hiện nay anh em đang ở đâu?
Vẫn để tay mình trong tay Kiệm, Võ điềm đạm:
- Báo cáo anh, hiện nay tiểu đoàn đầu tiên đã đến vị trí tập kết ở Bù Đốp. Còn hai tiểu đoàn nữa cũng sắp đến. Tôi dự kiến là trong một tuần nữa sẽ thu đủ quân.
Kiệm lẩm nhẩm tính toán một hồi rồi quay sang Mai:
- Như vậy, lực lượng các anh có tất cả mấy tiểu đoàn?
Mai cười:
- Như vậy là thành sáu tiểu đoàn chiến đấu và một tiểu đoàn huấn luyện, anh ạ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong tay tôi chỉ còn trông vào ba tiểu đoàn mới vào này thôi.
Kiệm ngạc nhiên, anh nhướng mắt lên:
- Tại sao?
Mai vẫn bình thản:
- Thì ba tiểu đoàn chiến đấu của chúng tôi hiện đã chia đi phối thuộc ở ba hướng rồi. Một tiểu đoàn thì đi xuống khu Chín đánh Mỏ Vẹt, Bến Cầu, Mộc Bài để mở rộng bàn đạp phía tây nam Sài Gòn. Một tiểu đoàn tăng cường hướng đường 13, đánh Dầu Tiếng, Chơn Thành củng cố bàn đạp hướng tây. Còn một tiểu đoàn phối thuộc cho binh đoàn Mê- Kông theo đường 20 đánh lên Bảo Lộc, tạo hành lang cho quân ta tiến công từ hướng tây bắc. Ngay ban chỉ huy bây giờ chỉ còn mỗi mình tôi ở đây, may được anh Võ vào nữa. Nhưng có như thế mới tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vào sau có chỗ đứng chân mà đánh Sài Gòn, phải không anh?
Kiệm gật đầu tâm đắc:
- Đúng vậy! Cũng xin thông báo với các anh luôn, hiện nay ta đang tập kết lực lượng để mở trận tiến công cuối cùng vào Sài Gòn. Hiện tại ta đã có bốn binh đoàn chủ lực, dự kiến sẽ tiến công vào Sài Gòn trên các hướng tây, bắc, đông và đông nam. Có thể sẽ thành lập một đơn vị tương đương binh đoàn nữa để đánh từ phía nam lên. Những kết quả hoạt động của B2 thời gian vừa qua đã tạo được các bàn đạp rất thuận lợi cho các cánh quân đang vào vị trí tập kết. Tuy nhiên, rất cần các anh lưu ý ưu tiên tăng cường lực lượng cho binh đoàn Mê- Kông mở cái cánh cửa Xuân Lộc. Thông được cái cửa này thì Sài Gòn đã nằm trong tầm tay rồi.
Đoàn trưởng Mai lắc đầu:
- Còn đâu mà ưu tiên anh? Vẫn chỉ có tiểu đoàn 21 vừa mới đi đánh đường 20 quặt xuống thôi. Tôi nghe anh Hồng ở bên đó báo cáo về cả tiểu đoàn chỉ còn có 12 xe. Mà anh em phải cơ động liên tục mấy tuần nay rồi. Xe pháo thì rệu rã chưa được củng cố. Bộ đội thì mệt mỏi, không được nghỉ ngơi. Tôi cũng lo lắm nhưng chẳng làm được gì cho anh em cả.
Kiệm sốt sắng:
- Sao không điều ngay đơn vị mới vào này tăng cường cho “nó”?
Mai mệt mỏi lắc đầu:
- Điều làm sao kịp anh? Kế hoạch đánh Xuân Lộc đã thông qua rồi, chỉ nay mai là nổ súng. Các đơn vị thì cũng đã vào vị trí tập kết chiến đấu cả rồi, mà từ đây xuống đấy đâu có gần. Còn số anh em mới vào cũng phải có thời gian để củng cố chứ anh. Vượt gần nghìn cây số vào đây đâu phải chuyện chơi.
Kiệm ngồi thừ ra. Linh cảm cho anh biết trận tiến công Xuân Lộc của tiểu đoàn 21 sẽ không dễ dàng chút nào. Gương mặt của anh chỉ giãn ra khi nhìn thấy trợ lý chính trị Hữu. Không để Hữu kịp chào hỏi, Kiệm đã nhanh nhảu:
- Ơ! Sao các cậu còn ở đây?
Hữu tươi cười:
- Báo cáo phó tư lệnh! Khi thấy tình hình phát triển nhanh như vậy, anh em chúng tôi đã điện ra xin ý kiến Bộ tư lệnh được ở lại trong này. Bộ tư lệnh đồng ý nên tất cả đoàn chúng tôi vẫn đang ở lại đây.
Kiệm gật đầu. Đó là một quyết định hợp lý vì trong này đang rất thiếu cán bộ. Anh hồ hởi:
- Thế anh em đâu cả rồi.
Hữu nghiêm trang:
- Báo cáo thủ trưởng, số cán bộ nhân viên kỹ thuật thì đang tập trung ở Bù Đốp để giúp đỡ ba tiểu đoàn mới vào củng cố xe pháo. Số còn lại thì chia ra theo các tiểu đoàn đi tăng cường cho bộ binh. Còn tôi thì thủ trưởng Võ giữ lại để làm loong toong.
Chính ủy Võ cười hà hà:
- Tôi giữ cậu ấy lại để cậu ấy có thời gian hoàn thành tác phẩm để đời của mình, anh ạ. Anh chưa biết đấy, cậu ấy có tham vọng lớn lắm đấy.
Kiệm ngạc nhiên:
- Thì ra vậy! Tham vọng của cậu thế nào? Cho tớ biết được không?
Hữu cười ngượng nghịu:
- Thủ trưởng Võ nói đùa thôi ạ. Có tham vọng gì đâu! Chỉ là những ghi chép dọc đường chuyến công tác vừa qua của tôi thôi- Thấy mấy thủ trưởng vẫn chăm chú lắng nghe, Hữu đành nói rõ thêm- Chả là tôi định viết một bản trường ca, khái quát lại con đường mà nhân dân ta, bộ đội ta đã đi để đến ngày chiến thắng mà tôi dự cảm là nó đã đến rất gần. Tôi tin rằng chẳng mấy ngày nữa là chúng ta sẽ đặt chân lên thành phố Sài Gòn.
Kiệm tỏ ra quan tâm:
- Thế cậu viết đến đâu rồi? Đặt tên nó là gì?
Hữu bẽn lẽn:
- Cũng hòm hòm rồi, thủ trưởng ạ. Thực ra, không phải là tôi viết mới hoàn toàn. Có những bài thơ tôi đã làm từ trước nhưng nay thấy hợp với hoàn cảnh thì đưa vào. Có những ghi chép, nhặt nhạnh còn thô thì nay gọt rũa lại. Còn tên thì tôi định đặt cho nó là “Hành trình qua dây thép”.
Cả mấy người cùng lặng đi. Mặc dù là những người chỉ huy, lãnh đạo nhưng họ luôn trân trọng những giá trị tinh thần của người lính. Trong việc này, họ hiểu những người như Hữu quý giá như thế nào. Nhưng rồi Kiệm lắc đầu:
- Nhưng sao lại là “Hành trình qua dây thép”? Tớ không hiểu ý cậu định nói lên điều gì.
Hữu chưa kịp giải thích thì chính ủy Võ bật ra:
- Đúng vậy! Ta đang nhằm vào cái đích cuối cùng là thành phố Sài Gòn. Tại sao cậu không cho nó cái tên “Đường tới Sài Gòn” hay “Đường tới thành phố” cũng được. Ở trong này, cứ nói tới thành phố bà con hiểu ngay là Sài Gòn.
Hữu lặng đi một lát rồi đứng bật dậy:
- Cảm ơn thủ trưởng đã gợi ý. Có thế mà tôi không nghĩ ra. Đúng rồi! Đường tới Sài Gòn, đường tới thành phố.


Chương 20


Đối với cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn H03 thì những ngày đầu tháng Tư này là những ngày vô cùng bận rộn. Vừa mới hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng, bảo vệ thành phố và bán đảo Sơn Trà tập trung về đây chưa kịp nghỉ ngơi đã nhận lệnh chuẩn bị cơ động vào phía nam chiến đấu. Thế là mọi thứ cứ nháo nhào cả lên. Bận rộn nhất chắc chắn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 Phạm Ngọc Bản. Mồng 4 mới từ Sơn Trà về đến Khánh Sơn. Sáng hôm sau lữ đoàn gọi lên giao quyết định: bàn giao đại đội 4 về cho tiểu đoàn 1, đồng thời nhận bàn giao hai đại đội thiết giáp K63 về tiểu đoàn. Cái chuyện giao nhận gọn từng đơn vị cũng không có gì lớn lắm. Chuyện đánh địch mở đường thì cũng là bình thường. Lính mà, chẳng đánh nhau thì để làm gì. Nhưng khi nghe lữ trưởng Tình nhấn mạnh: “Mọi công việc chuẩn bị xong trước 17 giờ ngày mồng 6 tháng Tư để sẵn sàng xuất kích” thì Bản toát mồ hôi hột. Bây giờ đã là 8 giờ sáng mồng 5. Vậy là quỹ thời gian chuẩn bị chỉ còn chưa đầy bốn mươi tiếng đồng hồ. Tính từ ngày rời hậu cứ đến nay đã hơn hai tuần tiểu đoàn anh đã cơ động liên tục hàng mấy trăm ki- lô- mét, lại tác chiến liên tục. Xe cộ chưa được bảo dưỡng, bộ đội chưa được nghỉ ngơi. Thế mà quỹ thời gian chỉ còn chừng ấy trong khi có biết bao nhiêu việc phải làm. Nhưng biết làm thế nào được bây giờ. Chỉ còn cách trần lưng ra mà làm việc thôi. Vì vậy, ngay sau khi nhận lệnh Bản đã sải những bước dài như chạy về tiểu đoàn. Sau năm phút hội ý ban chỉ huy là bắt đầu ai vào việc nấy. Chính trị viên đi bàn giao đại đội 4 cho tiểu đoàn 1. Đích thân Bản đi nhận đại đội 8, đại đội 9 về. Tiểu đoàn phó kỹ thuật thì trực tiếp xuống đại đội 3 để tổ chức bảo dưỡng cấp hai và bổ sung đạn dược cho nó. Hai đại đội mới về cũng phải cho làm kỹ thuật ngay mới kịp.
Đối với Nhã, mặc dù cũng bận bịu nhưng có phần đỡ gấp gáp hơn. Tiểu đoàn 1 của anh trang bị xe tăng hạng trung nên buộc phải đợi công binh khắc phục cầu cống mới lên đường được. Chính vì vậy các anh sẽ xuất phát sau tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 5 vài ngày. Tuy nhiên, cũng có hàng đống công việc phải giải quyết mà cái cần thiết nhất là khôi phục xe cộ, vũ khí. Xe thì toàn xe đã sử dụng nhiều năm, lại vừa mới qua một đợt cơ động và chiến đấu dài ngày. Nhất là cái “xê” 4 vừa mới nhận về, toàn là T59 đã vào chiến trường từ hồi 71. Cái nào cái nấy cóc cáy trông cứ như một đống sắt rỉ, giờ bảo hiểm động cơ cũng gần hết cả rồi. Phía trước thì là cả một đoạn đường dài gần nghìn ki- lô- mét. Không chuẩn bị tốt thì chỉ có nước nằm đường. Lại còn phải họp tổng kết chiến dịch Huế- Đà Nẵng nữa. Việc bình xét khen thưởng đã đi một nhẽ, cái quan trọng là rút ra được những bài học kinh nghiệm cho những trận chiến đấu sắp tới mới là quan trọng nhất. Rồi thì họp chi bộ, hội đồng quân nhân để xác định quyết tâm. Rồi thì điều chỉnh biên chế, tổ chức. Rồi là làm kế hoạch hành quân. Nói là đỡ gấp gáp hơn thôi nhưng cũng cứ bấn xúc xích lên.
Suốt cả ngày vùi đầu vào công việc, chỉ có lúc đêm về ngả lưng trong căn nhà lính nóng hầm hập Nhã mới có chút thời gian nhớ về nhà. Chắc Hiền của anh bụng đã to lắm. Tám tháng rồi còn gì. Không biết em sẽ sinh con trai hay con gái đây? Với anh thì con trai hay con gái cũng được, nhưng nếu là con trai thì tốt hơn. Chả gì, nó cũng đã là niềm mong đợi của mẹ anh, của vợ chồng anh gần chục năm nay rồi sao. Chiều nay, có dịp ra ngoài cổng doanh trại Nhã như bị mê hoặc trước mấy cửa hàng tạp hóa ở đây. Sao mà nhiều thứ thế. Nhất là sữa. Những hộp sữa “Ông Thọ” in hình ông già râu dài đến rốn, tay cầm cây gậy trúc đứng giữa hai đứa trẻ đẹp như tiên đồng xếp từng chồng cao ngất làm anh không thể dứt ra được. Giá như lúc sinh nở Hiền có mấy hộp sữa này đẻ bồi dưỡng thì tốt biết bao. Hoặc giả có ít sữa thì cũng có cái cho con ăn dặm chứ không phải chắt nước cơm ra mà bón. Nhã móc luôn trong túi ra mấy đồng bạc còn để dành được định mua chục hộp sữa nhưng rồi lại ngần ngừ. Binh đoàn, rồi lữ đoàn và các anh nữa vẫn quán triệt bộ đội phải chấp hành nghiêm kỷ luật ở vùng mới giải phóng, kể cả việc mua bán. Như cậu Thuận đại đội trưởng đấy, chỉ vì mua một cái đồng hồ mà mất luôn cái huân chương. Đã bỏ đi rồi nhưng Nhã lại quay lại. Anh tự bảo: “Mình mua sữa cơ mà. Có ai hỏi thì bảo mua về để bồi dưỡng sức khỏe cho đợt hành quân đường dài sắp tới”. Nghĩ vậy, anh mua liền mười hộp sữa. Nhưng đến lúc về nhà rồi Nhã mới bật cười về sự ngớ ngẩn của mình: biết gửi ai ra bây giờ. Thôi thì cứ để đó đã.

*

Thế rồi mọi việc cũng đâu vào đấy. Đúng 9 giờ ngày 7 tháng Tư tiểu đoàn 4 sẽ lên đường. Tiểu đoàn 5 đang ở Tam Kỳ sẽ xuất phát sau khi tiểu đoàn 4 đi qua. Mặc dù là phân đội phái đi trước nhưng đích thân lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tình sẽ đi cùng và chỉ huy đội hình. Ngoài ra, đại đội trinh sát cũng cử một trung đội đi cùng, do tham mưu phó Nguyễn Đức Hiến chỉ huy. Hơn hai chục cái xe tăng, thiết giáp cắm đầy lá ngụy trang đã xếp thành hàng dọc trên con đường trục chính giữa khu doanh trại. Bộ đội đã chuẩn bị xong đang ngồi thảnh thơi trên tháp pháo chuyện như pháo ran.
Mới hơn 8 giờ nhưng cả ban chỉ huy lữ đoàn cùng với cán bộ các cơ quan và tiểu đoàn bạn đã tập hợp đông đủ để tiễn tiểu đoàn 4 lên đường. Các cụ ta có câu “đầu xuôi, đuôi lọt”. Anh bạn này có thông đồng bén giọt thì các đơn vị sau mới có cơ mà tăng tốc chứ. Chính ủy Bùi Văn thân mật nắm tay lữ trưởng Tình:
- Anh chú ý giữ gìn sức khỏe. Từ hôm bắt đầu chiến dịch đến giờ có lẽ anh phải sút đến năm, sáu ký chứ ít à?
Lữ trưởng Tình cười, pha trò:
- Thì tôi cũng đang muốn giảm cân đây mà- Nhưng rồi anh trở lại giọng nghiêm túc- Thực tình, dạo này tôi thấy khỏe lắm, mọi chứng bệnh hồi ở Quảng Trị giờ như hết sạch rồi thì phải. Mà anh, còn thời gian cũng nên tranh thủ về ở với cụ nhà mấy ngày, anh ạ.
Chính ủy Văn cảm động:
- Cảm ơn anh! Thế nào tôi cũng sẽ sắp xếp về thăm cụ trước khi đi.
Lữ phó Minh chen vào:
- Lữ trưởng nhớ nhắc bộ phận thông tin chú ý giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi nhé!
Tình gật đầu:
- Anh cứ yên tâm. Còn thời gian cố gắng chuẩn bị cho tốt. Ta phải quyết tâm đưa bằng được một trăm phần trăm xe tới đích tham gia chiến đấu, các anh ạ.
Ngay gần đó, Nhã cùng mấy cán bộ tiểu đoàn 1 và cơ quan lữ đoàn cũng đang túm tụm vừa chúc tụng, vừa trêu chọc người anh em Phạm Ngọc Bản may mắn được xuất quân trước. Bản chỉ cười hề hề:
- Bọn tôi mà đã đi qua thì các anh chẳng còn việc gì mà làm nữa đâu. Các anh cứ chuẩn bị bao tải mà đựng vỏ hộp thịt đi là vừa- Liếc qua cái đồng hồ, Bản trở lại nghiêm túc- Thôi, đến giờ tôi phải hạ mệnh lệnh hành quân rồi. Tạm biệt nhé! Hẹn gặp lại các anh tại Sài Gòn.
Trên cái sân rộng trước nhà, trực ban tiểu đoàn đã tập hợp bộ đội xong. Bản đến trước mặt lữ trưởng Tình, đứng nghiêm:
- Báo cáo lữ trưởng! Đã chuẩn bị đến giờ xuất phát. Tôi xin phép hạ mệnh lệnh hành quân.
Lữ trưởng Tình khoát tay:
- Các cậu cứ tiến hành theo kế hoạch.
Trở lại trước hàng quân, sau khi phổ biến những nội dung chính của mệnh lệnh hành quân, Bản dõng dạc:
- Thưa toàn thể các đồng chí! Tiểu đoàn ta được vinh dự làm đơn vị phái đi trước của binh đoàn, có nhiệm vụ đánh địch mở đường cho binh đoàn cơ động. Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề của đơn vị chúng ta. Tôi đề nghị tất cả chúng ta, từ cán bộ đến chiến sĩ hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Các đồng chí có quyết tâm không?
Hơn một trăm lồng ngực trẻ cùng phát ra tiếng hô như xé phổi:
- Có!
Đúng lúc đó, một chiếc xe con phóng như bay vào doanh trại kéo theo một luồng bụi đỏ rồi phanh gấp ngay trước đội hình. Từ trên xe, trưởng phòng tác chiến Phùng bước xuống, anh đi như chạy đến trước mặt lữ trưởng Tình và chính ủy Văn và đưa cho hai người tờ giấy nhỏ, hổn hển:
- Tư lệnh yêu cầu các anh phổ biến ngay nội dung bức điện này đến cán bộ, chiến sĩ toàn lữ đoàn.
Tình và Văn chụm đầu lại xem tờ giấy Phùng đưa. Hai người thầm trao đổi với nhau mấy câu không rõ chuyện gì, chỉ thấy Tình vẫy Bản:
- Đồng chí Bản, cho bộ đội đứng lại vài phút.
Lại thì thầm một lát rồi chính ủy Văn sải những bước dài đến trước hàng quân. Trang trọng nâng cao tờ giấy, anh dõng dạc:
- Thưa các đồng chí! Chúng tôi vừa nhận được bức điện này của Đại tướng Tổng Tư lệnh. Theo chỉ thị của đồng chí, tôi xin truyền đạt nguyên văn bức điện- Anh nâng tờ giấy lên ngang mặt và dõng dạc nhấn từng tiếng- Gửi Bộ tư lệnh 559 và tiền phương 559. Gửi các sư đoàn, các đoàn binh khí kỹ thuật trên đường hành quân. Các quân đoàn. Anh Tấn. Mệnh lệnh: Một, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Hai, truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ. Ký điện Văn. Các đồng chí đã nghe rõ mệnh lệnh của Đại tướng chưa?
Hàng quân nhất loạt hô:
- Rõ!
Gương mặt rạng rỡ, chính ủy Văn tiếp tục dõng dạc:
- Để thể hiện quyết tâm thực hiện bằng được mệnh lệnh của Đại tưởng Tổng tư lệnh, tôi đề nghị tất cả các xe kẻ lên tháp pháo và sườn xe hai chữ “thần tốc”. Tiểu đoàn 4 lùi thời gian xuất phát lại mười lăm phút để anh em chuẩn bị. Bắt đầu!
Hàng quân rùng rùng chuyển động như ong vỡ tổ tản về các xe. Thôi thì đủ thứ vật liệu được sưu tầm đem ra sử dụng. Phấn trắng. Đất sét. Gạch non. Lái xe Đức của đại đội 3 có sáng kiến cắt giấy để dán. Ngay lập tức, sáng kiến này được áp dụng. Đúng mười lăm phút sau, toàn tiểu đoàn nổ máy lên đường. Thấp thoáng sau những cành lá ngụy trang lấp lóa hai chữ “thần tốc”. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét