Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 34


Sở chỉ huy cánh quân Duyên Hải, trong đó có tiền phương Thiết giáp cơ động ngay sau khối thứ hai của Binh đoàn Sông Hương. Chiếc xe Bắc Kinh của tư lệnh Đào hôm nay có vẻ như tốt hơn hẳn vì không phải chốc chốc dừng lại bổ sung nước như dạo trước nữa. Chính ông Đào cũng nhận ra sự khác lạ này nên sau mấy chục ki- lô- mét đầu, ông bảo Năm:
- Này! Kiểm tra nước làm mát đi chứ. Nó mà cháy máy nổ là cậu bị kỷ luật đấy!
Nam liếc nhìn Phùng, thấy Phùng lắc nhẹ đầu, anh nhỏ nhẹ:
- Báo cáo tư lệnh, chắc là do đường tốt, lại ít dốc nên không hao nước như trước. Tôi vẫn thường xuyên theo dõi đồng hồ nhiệt độ đấy ạ.
Thực ra, giữa Phùng và Năm có một bí mật nho nhỏ mà họ không muốn cho thủ trưởng của mình biết. Chiếc xe của tư lệnh Đào vốn là chiếc Bắc Kinh cũ kỹ đã sử dụng nhiều năm. Cơ quan kỹ thuật định đổi xe mới cho ông nhưng ông bảo: “tớ thấy vẫn dùng tốt đấy chứ, nếu được cấp xe mới các cậu hãy ưu tiên cho đơn vị chiến đấu trước đã” nên lại thôi. Tuy nhiên, có đi công tác đường dài mới thấy hết cái sự già nua của nó. Chẳng biết két mát của nó đã đóng bao nhiêu cặn nhưng cứ độ ba chục ki- lô- mét là nước đã sôi lên sùng sục. Vì vậy lúc nào lái xe Năm cũng phải tích trữ vài chục lít nước để sẵn sàng bổ sung. Biết vậy, hôm được giao ra bán đảo Sơn Trà kiểm tra tình hình các đơn vị ngoài ấy Phùng nháy Nam lấy thêm một can xăng hai mươi lít bỏ lên xe. Xong việc rồi, hai thày trò quay về thành phố Đà Nẵng. Đến trước một cái ga- ra rất to vẫn đang đóng cửa im ỉm, Phùng bảo Năm dừng xe rồi vào gõ cửa. Người chủ ga- ra mở cửa nhìn thấy anh bộ đội giải phóng súng ngắn kè kè bên hông thì hốt hoảng ra mặt. Anh ta chỉ bình tâm trở lại khi thấy Phùng ôn tồn: “Két mát xe chúng tôi có vấn đề, nhiệt độ thường xuyên lên cao. Các anh có giúp sửa được không?”. Người chủ ga- ra hồ hởi: “Dạ! Chắc là nó bị két nhiều cặn bẩn. Chúng tôi làm được”. Phùng cẩn thận: “Nhưng chúng tôi không có tiền đâu, chỉ có…”. Không để anh nói hết lời, người chủ ga- ra đã xua tay: “Không cần đâu ạ! Chúng tôi làm giúp thôi ạ! Giúp đỡ bộ đội giải phóng là trách nhiệm của chúng tôi mà”. Anh ta gọi mấy cậu thợ trẻ ra. Họ loay hoay gần một tiếng thì xong. Không chỉ xúc rửa két mát nước, họ còn bảo dưỡng và điều chỉnh thêm một số bộ phận nữa. Chiếc xe cũ kỹ như được lột xác, tiếng máy nổ êm hơn hẳn. Xong việc, Năm xách can xăng vào để trả công. Người chủ ga- ra cứ chối bai bải. Chỉ đến khi Phùng bảo: “Đây không phải là trả công mà là có chút quà cảm ơn các anh em đã giúp đỡ” thì anh ta mới chịu nhận. Nhưng thật tình cũng phải công nhận tay nghề của họ giỏi.
Đường tốt, xe chạy êm như ru. Tư lệnh Đào ngồi im lặng không tham gia vào câu chuyện sôi nổi của cấp dưới, những người lần đầu tiên được đặt chân đến đây. Đôi mắt của ông lim dim sau cặp kính trông như đang ngủ nhưng không phải. Vùng đất này thực ra không quá xa lạ với ông. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp ông đã có mặt trong đoàn quân Nam tiến vào đến tận Nha Trang. Tuy nhiên, cảnh vật đã thay đổi quá nhiều. Đường sá tốt hơn. Nhà cửa to đẹp hơn. Phố xá sầm uất hơn. Chỉ còn đó những con người chất phác và đôn hậu là không thay đổi. Tất nhiên, cũng có những người không mong đợi các ông. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít.
Tưởng như ngủ nhưng thực ra ông Đào đang tập trung suy nghĩ về trận chiến đấu sắp tới. Mặc dù quân và dân ta đã giành được những chiến thắng vang dội, giải phóng hoàn toàn quân khu Một và phần lớn quân khu Hai của địch. Song ở thế “chó cùng dứt giậu”, chắc chắn bọn địch cẽ chống cự điên cuồng và sẽ làm mọi cách để ngăn bước chân của ông và đồng đội. Ngày 28 tháng 3 vừa qua, đích thân đại tướng Uây- en, Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ đã tới Sài Gòn. Sau khi nghe Thiệu báo cáo tình hình và thị sát một vòng, Uây- en đã cố vấn cho chính quyền Sài Gòn thiết lập một vành đai phòng thủ để cố giữ phần đất còn lại. Theo hắn, “tuyến phòng thủ Sài Gòn sẽ neo ở thị xã Phan Rang, lấy Xuân Lộc làm mũi nhọn phòng thủ chính và Tây Ninh là rìa phía tây” sẽ bảo đảm giữ được Sài Gòn chờ mùa mưa xuống sẽ phản công hoặc chờ đợi một giải pháp chính trị. Có lẽ viên đại tướng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ cuối cùng ở Đông Dương vẫn còn ôm mối hận phải cuốn cờ trong lòng nên tỏ ra hết sức hiếu chiến. Ngoài việc đốc thúc quân ngụy xây dựng tuyến phòng thủ hắn còn điện về Mỹ yêu cầu tổng thống Pho viện trợ khẩn cấp cho Sài Gòn. Những lời kêu cứu khẩn thiết của Uây- en ít nhiều vẫn được một số giới chức diều hâu trong chính quyền của tổng thống Pho ủng hộ nên một cầu hàng không từ Băng Cốc đến Sài Gòn đã được thiết lập. Một khối lượng khá lớn phương tiện chiến tranh đã được không vận khẩn cấp đến Sài Gòn. Ngoài biển Đông, tàu sân bay Hen- cốc cũng rập rình như để trấn an thêm tinh thần cho Thiệu và bè lũ tay sai. Dường như đã gượng lại được sau cơn choáng, lại được quan thầy hà hơi, tiếp sức nên chính quyền Sài Gòn đã sáp nhập hai tỉnh còn lại của quân khu Hai là Ninh Thuận và Bình Thuận vào quân khu Ba. Đồng thời thành lập Bộ tư lệnh tiền phương quân khu Ba do trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy đặt tại Phan Rang. Theo tin tình báo của ta thì chúng đã tập trung được ở đây 1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn không quân, 1 lữ đoàn dù, 1 liên đoàn biệt động quân… Tổng cộng lực lượng địch ở đây lên đến hơn chục nghìn quân, lại được hỏa lực của tàu chiến ngoài khơi yểm trợ. Còn ở Xuân Lộc, sư đoàn bộ binh 18 gần như còn nguyên vẹn cùng với liên đoàn bảo an 936, thiết đoàn 5 và 3 tiểu đoàn bảo an đã được bố trí phòng thủ tại đây. Trên đài Sài Gòn, hết tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại đến các quan chức của Bộ Tổng tham mưu ngụy thay nhau hò hét “tử thủ Phan Rang, tử thủ Xuân Lộc” để lên dây cót cho tinh thần binh sĩ. Thực ra, cái chuyện hò hét suông thì cũng chẳng cần để ý đến làm gì. Tuy nhiên, nếu không giải quyết nhanh, để địch củng cố tuyến phòng thủ trở nên vững chắc thì quân ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu lực lượng phái đi trước của binh đoàn mà không đủ sức đột phá, phải dùng đến chủ lực ở khối ba thì chưa biết đến bao giờ mới có thể vượt qua. Cái mẹo “dĩ dật đãi lao” này thì ai cũng biết. Vấn đề bây giờ là phải đánh nhanh, thắng nhanh.
Nhưng có vẻ như cái ý định đánh nhanh, thắng nhanh của ta đã không thực hiện được ở Xuân Lộc thì phải. Đã ba ngày rồi theo dõi chiến sự ở Xuân Lộc, ông Đào biết trận chiến đấu ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Hôm nay là ngày thứ tư quân ta tiến công thị xã đó. Không biết tình hình thế nào. Vì vậy, khi đoàn xe vừa dừng lại trong một cánh rừng thưa dưới chân núi Tà Lương, ông Đào đã vội lôi chiếc đài bán dẫn ra mở. Lẹt xẹt dò qua một loạt đài, tai ông bỗng dỏng lên khi nghe nhắc đến hai tiếng Xuân Lộc. Ông vội chỉnh lại tần số và vặn to nút âm lượng. Từ trong chiếc đài vọng ra giọng nói nhão nhoẹt của con mụ phát thanh viên đài Sài Gòn:
“Hôm nay là ngày thứ tư cộng quân tiến hành tiến công thị xã Xuân Lộc. Mặc dù đã được tăng phái thêm nhiều binh lực nhưng trước sự kháng cự vô cùng anh dũng của các chiến binh quân lực Việt Nam cộng hòa, cộng quân đã phải dừng bước ở ngoại vi thị xã, bỏ lại hàng trăm xác chết và nhiều quân cụ, trong đó có 4 chiến xa T54. Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư đoàn bộ binh 18 cho phóng viên bản đài biết:Tinh thần binh sĩ VNCH tại Xuân Lộc rất cao, hệ thống truyền tin rất tốt. Các đơn vị Dù và BĐQ đã đến tăng viện kịp thời. Đồng bào ở Sài Gòn hãy yên tâm vì Xuân Lộc còn thì Sài Gòn cũng còn”. Ông còn thách thức tướng Hoàng Cầm, tư lệnh quân đoàn 4 cộng quân tiếp tục tiến công”.
Vẫn biết rằng thông tin do đài Sài Gòn đưa thì không thể tin tưởng hoàn toàn song ông Đào vẫn ngồi thừ ra. Như vậy quân ta vẫn chưa đột được qua Xuân Lộc và nhiệm vụ của cánh quân Duyên Hải này chắc sẽ phức tạp hơn.

*
    
Vào lúc đó, trong một căn nhà còn khá nguyên vẹn ở rìa ấp Bảo Vinh A, mấy cán bộ tiểu đoàn tăng 21 đang ngồi chờ chiếc xe dắt đi cứu kéo xe hỏng và làm công tác thương binh, tử sỹ về. Sau ba ngày chiến đấu không đạt được kết quả, 4 xe bị mìn và 1 xe sa xuống hố bom phải bỏ lại trận địa. Đêm nay, họ quyết định sử dụng 3 xe còn lại chi viện cho chiếc xe dắt bò vào để cứu kéo xe hỏng về. Theo hiệp đồng, còn một tiếng nữa họ mới bắt đầu nổ súng.
Dưới ánh sáng leo lắt của ngọn nến nhỏ còn sót lại trên bàn, không khí trong nhà có vẻ rất nặng nề, u ám. Tiểu đoàn trưởng Khê ngồi ủ rũ bên cạnh cái bàn trông như một pho tượng gỗ. Phía bên kia bàn, chính trị viên Bào đang lúi húi ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay. Tham mưu trưởng tiểu đoàn thì đang ghé ngồi gà gật bên cạnh chiếc đài 2 oát. Cân và một cán bộ đại đội 2 thì ngồi im lặng ngay ngoài cửa, mắt dòi nhìn về phía nam, nơi ba chiếc xe tăng và chiếc xe dắt đang ém sẵn chờ giờ nổ súng. Quả thật, có quá nhiều điều làm cho họ phải bận lòng. Đây đã là ngày thứ ba tiểu đoàn 21 tham gia tiến công Xuân Lộc. Tuy nhiên, kết quả không những không chọc thủng được phòng tuyến địch mà lại còn bị thiệt hại nặng nề.
Thực ra, tiếng là một tiểu đoàn xe tăng nhưng trước khi bước vào trận đánh này toàn tiểu đoàn chỉ còn đúng 12 chiếc. Sở dĩ như vậy là vì sau các trận Phước Long, trận vận động tiến công dọc đường 20 lên tới tận Bảo Lộc, Di Linh lực lượng của tiểu đoàn phần bị tiêu hao trong chiến đấu, phần bị hư hỏng do tình trạng kỹ thuật không bảo đảm lại không được bổ sung kịp thời. Bộ đội thì cũng quá mệt mỏi sau những chặng đường dài cơ động, chiến đấu liên tục, nhiều đồng chí bị sốt rét hành hạ không nuốt nổi cơm. Thế nhưng, khi nhận nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc ai cũng hào hứng và sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì họ biết rằng nếu nhổ được cánh cửa thép này thì đường về Biên Hòa và Sài Gòn sẽ không còn xa nữa.
Ấy thế nhưng kết quả lại không được như mong muốn.
Ngay ngày đầu tiên, hai đại đội 1 và 2 được tung vào trận đánh, đại đội 3 được cử làm đội dự bị. Đại đội 1 phối thuộc cho một tiểu đoàn bộ binh tiến công ở bắc đường sắt vào khu hậu cứ chiến đoàn 52. Còn đại đội 2 cũng với bộ binh đánh vào căn cứ thiết đoàn 5 và khu thông tin ở phía nam đường sắt. Sau màn hỏa lực chuẩn bị của pháo binh, xe tăng và bộ binh đồng loạt xung phong. Tuy nhiên, cả hai hướng tiến công đều bị địch ngăn chặn quyết liệt bằng không quân và pháo binh. Trên hướng đại đội 1, bộ binh không mở được cửa mở nên xe tăng đành phải dừng ở bên ngoài phát huy hỏa lực bắn vào các mục tiêu bên trong. Kết cục cuộc đấu pháo đó xe 363 bị trúng một phát tên lửa chống tăng, kíp xe thương vong gần hết. Không xung phong được, đại đội 1 được lệnh lui về phía sau.
Bên hướng đại đội 2 cũng chẳng hơn gì. Bộ binh không mở được cửa nên khi đã áp sát hàng rào rồi, xe tăng vẫn không xung phong được. Chủ động tìm đường vượt qua hệ thống vật cản chống tăng dày đặc thì lần lượt 3 xe 943, 331 và 949 dính mìn phải nằm lại. Chỉ còn một mình xe 365 tiến sau kịp dừng lại, lợi dụng địa hình địa vật chi viện cho các xe kia khắc phục hậu quả nhưng không thành công.
Tối ấy, khi đã lui về vị trí ban đầu Cân đến gặp tiểu đoàn trưởng bộ binh. Nhìn người cán bộ cũng trạc tuổi mình trên đầu và một cánh tay băng trắng xóa, Cân không nỡ nói những lời trách móc mà anh đã nung nấu từ trước. Dường như người cán bộ bộ binh cũng đoán được điều đó nên anh ta chủ động nói trước: “Anh thông cảm! Gọi là tiểu đoàn thôi chứ anh biết chúng tôi có bao nhiêu tay súng không? Huy động cả anh nuôi, y tá mới được hơn trăm đấy. Mà lính đâu có khỏe. Vừa vận động hàng trăm ki- lô- mét từ đường 20 về một cái là lại húc vào đây. Thực tình, cũng không ngờ chúng ngoan cố đến thế. Cứ tưởng nó sụp đến nơi rồi. Ai ngờ nó vẫn chống cự như điên. Mà sao máy bay, pháo binh của chúng vẫn mạnh như thế”. Quả có thế thật. Ngay cả Cân và anh em lính tăng mình cũng tưởng trận này dễ “xơi”, cứ nghĩ sẽ thắng như chẻ tre như mấy hôm trước đánh lên Bảo Lộc. Mà có lẽ cả cấp trên cũng vậy chăng?
Ngày hôm sau, sư đoàn điện xuống tiếp tục tiến công. Tuy nhiên, cũng lại như ngày hôm trước. Vừa mới nổ súng xung phong địch đã cho máy bay, pháo binh ngăn chặn quyết liệt. Dưới làn bom đạn dày như vãi trấu, bộ binh thương vong nhiều, không còn sức chiến đấu nên lại phải lui về. Xe tăng không có bộ binh đi cùng cũng phải rút về ấp Bảo Vinh A. Lần này thì cả tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn bô binh đều bị thương nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Sang chiều, tiểu đoàn xe tăng đề nghị đưa đội dự bị vào chiến đấu để tăng cường khả năng đột phá. Cấp trên đồng ý ngay nhưng do trục trặc trong hiệp đồng chiến đấu mà phải đến sáng ngày hôm sau mới tiếp tục tiến công được. Tuy nhiên, kết quả chiến đấu ngày thứ ba này cũng chẳng có gì khả quan hơn. Có lẽ địch đã dồn hết sức ra để ngăn chặn hướng tiến công chính diện này thì phải. Vừa mới xuất kích đã thấy máy bay lên đen trời. Phản lực có. Trực thăng có. Rồi pháo, cối, tên lửa chống tăng dường như được dồn hết về đây thì phải. Và rồi, các mũi tiến công của bộ binh bị chùn lại. Xe tăng số 350 trúng mìn bốc cháy. Xe 358 sa xuống hố bom không lên được. Xe 942 trúng tên lửa chống tăng, may không cháy, chỉ có trưởng xe bị thương. Thế là lại phải lui về.
Có lẽ cấp trên cũng đã nhận ra sự không hợp lý khi quyết định tiến công trực diện vào nơi địch phòng thủ rắn nhất nên đã chuyển hướng tiến công vào phía sau quân địch. Tiểu đoàn nhận được lệnh tìm mọi cách thu hồi xe pháo và củng cố để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo. Thực ra, hy vọng kéo được xe về cũng mong manh lắm. Xe bị đứt xích bỏ lại trên đó cả ngày trời liệu bọn địch có bỏ qua không.
Một loạt pháo bỗng nổ vang cắt ngang luồn suy nghĩ của mọi người. Tất cả nhào ra phía cửa hướng về phía có tiếng súng nổ. Tham mưu trưởng tiểu đoàn cũng bừng tỉnh, anh áp sát cáp nghe vào tai và xách luôn chiếc máy ra ngoài. Từ phía trận địa vọng về tiếng súng bắn trả loạn xạ của địch, thỉnh thoảng lại được một phát pháo 100 điểm nhịp. Chợt tham mưu trưởng gọi tiểu đoàn trưởng Khê:
- Anh Khê! Anh nghe báo cáo này.
Khê giằng lấy bộ cáp nghe chụp lên đầu, anh hỏi dồn:
- Tôi Khê đây! Báo cáo đi!
Không biết phía đầu kia báo cáo những gì, chỉ thấy tiểu đoàn trưởng Khê “à”, “ừ” một lúc rồi buông thõng:
- Thôi, được rồi! Cứ thế mà làm- Nhìn nét mặt chăm chú của những cán bộ dưới quyền xung quanh, anh lắc đầu nói nhỏ- Mấy xe bị mìn bị chúng bắn cháy hết rồi. Chỉ còn mỗi cái 356 anh em đang kéo về.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét