Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

MỘT THOÁNG CỔ LOA

Sơ đồ khu di tích Cổ Loa

Cổng chính đền thờ ADV






Ban thờ và bài vị thờ An Dương Vương



Tượng công chúa Mỵ Châu

Vài đoạn thành còn sót lại




Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 13


Sẩm tối hôm đó thì đoàn công tác của Kiệm cũng vào đến sở chỉ huy của đoàn thiết giáp miền Đông H6. Niềm vui gặp gỡ như được nhân đôi vì tin chiến thắng từ Phước Long cũng vừa được báo về. Ôm chặt lấy Kiệm, đoàn phó Hà nghẹn ngào:
- Đã quá anh ạ! Thấy trận đánh cù nhày cả tuần, cứ ngỡ lại xuất hiện một cái An Lộc mới. Bây giờ thì ngon rồi. Tối nay, mời các anh ở lại đây liên hoan luôn.
Kiệm thì tiếc hùi hụi:
- Giá như tôi không nán lại ở B3 mấy ngày thì đã kịp vào đây cùng các anh tham gia trận này- Nhẫm nghĩ một lát anh giật tay Hà- Này, hay ngày mai anh bố trí cho bọn tôi xuống dưới đó tham quan một buổi. Chắc chắn có nhiều bài học rút ra từ trận đánh này.
Hà cười giả lả:
- Cứ từ từ rồi đâu có đó! Còn bây giờ mời anh đi tắm rửa rồi còn liên hoan.
Trong lúc đó thì Hữu đã xuống Phòng chính trị. Sau phút hàn huyên anh hỏi thăm ngay về Cân. Chủ nhiệm chính trị cười:
- Thằng chả còn trẻ mà làm việc chắc chắn lắm. Đại đội của nó đang đánh nhau dưới Phước Long, chắc vài bữa nữa mới về.
Hữu cũng hơi tiếc nhưng anh tự nhủ thời gian công tác ở đây còn dài, thế nào rồi anh cũng gặp được Cân.
Cuộc gặp gỡ ấy đã diễn ra sớm hơn dự kiến. Sau khi làm việc với ban chỉ huy đoàn, thống nhất kế hoạch công tác và giao nhiệm vụ cho các bộ phận, Kiệm quyết định lên đường đi Phước Long cùng hai trợ lý tham mưu. Vì công việc cũng chưa có gì gấp gáp lắm nên Hữu xin phép được đi cùng. Kiệm ngần ngừ giây lát rồi  gật đầu cười khà khà:
- Cậu đi cũng được, có khi lại ra được một bài thơ hay ấy chứ!
Mất hơn hai tiếng như đánh vật trên con đường quân sự làm gấp, tầm quá trưa thì thày trò Kiệm đến được sở cao su Phước Bình là vị trí tập kết sau chiến đấu của xe tăng. Đón các anh ở ngay bìa rừng là đoàn phó Hồng và tham mưu phó Nghi. Lại những cái bắt tay, ôm hôn thắm thiết và những lời hỏi thăm chí tình, chí nghĩa như những người anh em ruột thịt đã xa cách lâu ngày. Những câu chuyện cứ nổ như ngô rang. Mãi một lúc sau đoàn phó Hồng mới chợt nhớ ra:
- Vui chuyện quá, quên mất là đã quá bữa rồi. Chắc các anh đều đã đói cả rồi phải không?
Kiệm dễ dãi thú nhận:
- Thực tình là tớ đói gần chết rồi đây này.
Tham mưu phó Nghi cũng giật mình:
- Chết thật! Báo cáo phó tư lệnh, nghe trên đoàn điện báo xuống anh em chúng tôi đã chuẩn bị cơm nước xong cả rồi. Thế nhưng gặp thủ trưởng và anh em ở đây thành ra quên mất.
Cả đoàn đi sâu vào rừng cao su chừng vài trăm mét thì đến chỗ trú quân của tiểu đoàn xe tăng. Nhìn những chiếc xe tăng sứt sẹo còn đỏ bụi đất miền đông cùng những gương mặt trẻ đang chìm trong giấc ngủ mê mệt trên những cánh võng toòng teng bên cạnh, Kiệm hiểu bộ đội mình đã phải trải qua những ngày ác liệt, gian khổ đến mức nào. Nghi định gọi anh em dạy chào phó tư lệnh binh chủng nhưng Kiệm ra hiệu để yên cho anh em ngủ.
 Bữa cơm trưa được dọn ra trên một tấm bạt ngay cạnh lán chỉ huy. Liếc qua mâm cơm Kiệm thấy khá là thịnh soạn, có cả thịt tươi, thịt hộp và giò hộp, chắc là chiến lợi phẩm mới thu được. Bên cạnh đó là mấy cái hộp hình trụ bằng cổ tay, sơn màu xanh đỏ sặc sỡ. Vốn háu đói, Kiệm sà ngay xuống mâm nhón một miếng giò nhai ngấu nghiến. Anh gật gù:
- Ngon ra phết, các cậu ạ- Cầm cái hộp nhôm màu xanh lên tay, Kiệm tò mò- Thế còn cái này là cái gì? Trông cứ y như quả lựu đạn khói ấy.
Mấy anh em cùng ngồi xuống, Nghi tươi cười giải thích:
- Bia lon với nước ngọt chiến lợi phẩm đấy, thủ trưởng ạ. Mấy lon màu xanh là bia, còn những lon màu đỏ này là nước ngọt- Nói rồi anh giật nắp một lon bia đưa cho Kiệm- Thủ trưởng uống thử xem có ngon bằng bia Hà Nội không?
Hơi ngần ngừ một lát nhưng rồi Kiệm cũng ngửa cổ làm một ngụm, lát sau anh gật:
- Ngon lắm các cậu ạ! Mà bây giờ thì cái gì chả ngon.
Đúng vậy thật. Suốt từ sáng đến giờ chưa có cái gì vào bụng, được bữa ăn thịnh soạn như thế này thì còn gì bằng. Vì vậy, chỉ một loáng sau nồi cơm to đùng và toàn bộ thức ăn, bia bọt đã được thanh toán xong. Mọi người nhẩn nha ngồi nhấm nháp nước ngọt. Cái vị ngòn ngọt rất lạ, lại tê tê đầu lưỡi làm cho ai cũng thấy thú vị. Cầm lon nước ngọt trên tay, cố đọc những hàng chữ bằng tiếng Anh, Hữu nhủ thầm: “Đi đánh nhau mà chơi sang thế này thì tiền của đâu chịu nổi”.
Có vẻ như đã thỏa mãn cái dạ dày nên Kiệm đi ngay vào công việc:
- Lần này chúng tôi vào đây có nhiệm vụ tổ chức tập huấn cho các đơn vị trong này một số vấn đề mới về chiến thuật và sửa chữa xe pháo. Trong các nội dung tập huấn có cả nội dung xe tăng tiến công thành phố, thị xã. Thật may lại gặp dịp xe tăng chúng ta vừa tham gia giải phóng Phước Long này. Vì vậy, chúng tôi muốn xuống tận nơi tham quan và gặp gỡ các anh em trực tiếp chiến đấu. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm để bổ sung vào bài giảng và phổ biến rộng rãi trong lực lượng thiết giáp toàn quân. Ngay sau đây, đề nghị các anh triệu tập mấy đồng chí cán bộ đại đội đã trực tiếp chiến đấu trong những ngày qua lên đây cùng đi với đoàn.
Nghi gọi một chiến sĩ liên lạc lại truyền đạt chỉ thị. Chỉ một loáng sau đã thấy đại đội trưởng đại đội 3, đại đội trưởng đại đội 10 và Cân, chính trị viên đại đội 1 có mặt. Thấy báo cáo là chính trị viên, Kiệm có vẻ hơi không bằng lòng. Đoàn phó Hồng vội giải thích:
- Báo cáo anh, đại đội 1 là đại đội chủ công, tham gia đánh địch trên hướng chủ yếu của chiến dịch. Ngay từ trận đánh chi khu Phước Bình, đại đội trưởng đã bị thương, hiện đang bị sốt cao. Vì vậy, các trận đánh vào Phước Long đều do đồng chí Cân, chính trị viên chỉ huy- Anh cười hóm hỉnh- Nếu tính số trận tham gia thì cậu này tham gia nhiều nhất đấy ạ.
Nét mặt Kiệm giãn ra:
- Thế thì tốt! Đồng chí Nghi và ba đồng chí lên đi xe với tôi- Anh chỉ mấy trợ lý- Còn các cậu xuống đi với xe anh Hồng.
Hữu và Cân cũng đã nhận ra nhau nhưng chỉ kịp nắm tay nhau thật chặt. Chưa nói với nhau được câu nào nhưng Hữu cảm nhận một cách rõ ràng người chiến sĩ yêu thơ năm nào đã có sự trưởng thành vượt bậc.

*

Hai chiếc xe bám sát nhau chạy về hướng thị xã. Trên đường, lác đác từng toán bà con tản cư nay trở về nhà. Người nào cũng lếch thếch tay xách nách mang nhưng gương mặt thì tươi roi rói. Có lẽ những người dân này đã quá chán ngán cái chính thể mà họ đã sống dưới đó mấy chục năm trời và hy vọng vào một thể chế mới đã được thiết lập trên quê hương họ từ ngày hôm qua.
Theo sự chỉ dẫn của Cân, hai chiếc xe lần lượt đi qua chi khu Phước Bình, cầu  Đắc Gion, bãi để xe cơ giới, trại Lê Lợi, trung tâm hành quân, dinh tỉnh trưởng và đích cuối cùng là tòa thị chính. Đến từng điểm, Kiệm đều bắt xe dừng lại và yêu cầu các cán bộ đi cùng mô tả lại trận đánh tại đó. Ngoài việc nghe kỹ về diễn biến anh còn yêu cầu các cán bộ đại đội đưa ra nhận xét về tình hình chỉ huy, hiệp đồng và những ưu khuyết điểm mà họ nhận thấy.
Cuối buổi chiều cả đoàn mới đến tòa thị chính. Ở đó có một đại đội bộ binh chốt giữ và là nơi làm việc của ủy ban quân quản vừa mới được thành lập. Ngước nhìn ngôi nhà hai tầng bề thế còn khá nguyên vẹn, lại có một cái tháp cao như tháp chuông nhà thờ ngay chính giữa mặt tiền, Kiệm ngạc nhiên:
- Lạ nhỉ? Tại sao nó lại làm cái lầu cao ngay chính giữa mặt tiền thế kia? Trông cứ ngang phè phè ấy!
Mấy cán bộ xe tăng cũng chẳng biết gì nên chỉ xì xào trao đổi. Một cán bộ quân quản, dáng chừng là lực lượng địa phương hoạt động lâu năm ở đây xen vào giải thích:
- Thưa các anh! Ở trong này ngụy quyền Sài Gòn áp dụng chính sách chính quyền quân sự. Mỗi tỉnh là một tiểu khu, tỉnh trưởng là sĩ quan. Như ở Phước Long này tỉnh trưởng là đại tá Nguyễn Thống Thành. Còn tòa hành chính, gọi là thế nhưng thực ra nó cũng như nơi làm việc của cơ quan chỉ huy tiểu khu. Vì vậy, cái lầu cao kia có thể coi như một đài quan sát. Đứng trên đó các anh có thể nhìn thấy toàn bộ thị xã và các vùng ven nội.
Kiệm gật gù:
- Hay thật! Xin cảm ơn đồng chí đã có lời giải thích rất thấu đáo- Kiệm bắt tay người cán bộ quân quản thật chặt, anh cười làm thân- Vậy, xin phép anh chúng tôi lên đó một lát có được không?
Người cán bộ quân quản tươi cười:
- Vâng! Xin mời các anh!
Quả thật, đứng trên cái lầu cao trước tòa thị chính các anh có thể nhìn thấy rõ toàn cảnh thị xã. Không chỉ thế. Về phía bắc và phía đông các anh có thể nhìn thấy những rừng cao su xanh rì bên kia sông Bé. Về phía tây có thể nhìn rõ dẫy đồi thấp um tùm cây cối bên kia suối Đắc Gion, thấp thoáng đây đó là những đoạn đường đất mà các anh mới đi từ Bù Đốp về. Về phía nam có thể nhìn thấy chi khu Phước Bình với những dãy nhà dài và rõ nhất là cái đường băng sân bay đang sáng lên nhờ nhờ trong nắng chiều. Ngắm nghía một lúc, Kiệm gật gù:
- Đúng đây là một đài quan sát quân sự thật. Từ đây có thể thấy được những hoạt động trên cả một vùng rộng lớn.
Cân xuýt xoa:
- Thảo nào mà nó chỉ điểm cho pháo binh và máy bay đánh trúng thế. Hôm mồng Hai, chúng tôi cứ chạy đến đâu là pháo nện đến đó. Cả máy bay nữa, kể cả lúc mình đã tìm chỗ ẩn nấp rồi, cứ tưởng kín mà nó vẫn đánh sát sạt. Thành ra, đại đội tôi đã vào tận đến chợ trung tâm kia kìa- Anh chỉ khu chợ lúp xúp cách đó chừng dăm trăm mét- Chỉ còn vài bước chân nữa là đến đây mà rồi lại phải quay ra vì không thấy bóng một chiến sĩ bộ binh nào đi cùng. Lúc ấy trời lại sắp tối nữa.
Kiệm nhíu mày:
- Lại vẫn trục trặc chuyện hiệp đồng giữa xe tăng và bộ binh à?
Mấy cán bộ đoàn H6 cùng gật đầu. Có vẻ chưa hết bức xúc, Cân nói luôn một mạch:
- Báo cáo thủ trưởng, còn chưa bằng trận thứ hai cơ. Hôm ấy, sau khi xung phong đánh qua trại Lê Lợi, khi phát triển đến ngã ba sân bay tôi quay lại nhìn. Đã chẳng thấy bóng đồng chí bộ binh nào, lại còn phát hiện mấy thằng ngụy trèo lên phía sau xe định thả lựu đạn nữa. Tôi mà không nhanh trí dùng chế độ chỉ mục tiêu gạt bọn chúng xuống thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì.
Kiệm quay sang Hồng và Nghi gặng:
- Tình hình như thế các anh có nắm được không?
Nghi gật đầu:
- Báo cáo thủ trưởng, sau khi rút ra anh em đều có phản ánh với chúng tôi. Chúng tôi cũng báo cáo lại với bộ tư lệnh chiến dịch và trao đổi với chỉ huy các trung đoàn bộ binh. Thực tình là ai cũng biết cả. Tuy nhiên, thủ trưởng cũng phải thông cảm cho họ. Các đơn vị này đã tác chiến liên tục từ đầu chiến dịch, cơ động liên tục, lại không được bổ sung quân số nên mỗi đại đội chỉ còn mười lăm, hai mươi tay súng. Trong khi đó máy bay và pháo binh địch bắn chặn quá dày. Cứ chỗ nào xe tăng xuất hiện là chúng bắn vào đấy. Vì vậy anh em người ta không thể theo sát xe tăng được.
Kiệm gật gù đăm chiêu:
- Đúng thế thật! Người ta mà chạy theo mình thì cũng bị thương vong hết- Anh lại nhìn quanh cái lầu- Công nhận cái lầu này cũng lợi hại thật đấy, các cậu chạy đến đâu là nó phát hiện được ngay. Mà sao các cậu không tương cho nó một quả nhỉ?
Mấy anh em H6 cùng cúi mặt. Đúng là họ không nhận thấy vị trí quan sát này có ý nghĩa như thế nào? Đại đội trưởng đại đội 3 rụt dè:
- Báo cáo thủ trưởng, đúng là chúng tôi cũng không thật tinh. Nhưng thực tình trước khi đánh vào đây chúng tôi có biết tý gì về địa hình địa vật và các mục tiêu nó nằm ở đâu đâu. Đi trinh sát thì đứng mãi ở cái điểm cao bên kia sông mà nhìn vào thôi. Bản đồ cũng không có. Đến lúc đánh nhau thì khói lửa mù mịt, bên đại đội tôi còn có xe đi lạc sang bên hướng của đại đội 1 cơ. May mà thị xã này cũng nhỏ chứ nếu nó to hơn một tý thì chẳng biết đằng nào mà lần.
Đoàn phó Hồng bổ sung:
- Báo cáo anh, ý định giải phóng Phước Long thực ra chỉ xuất hiện khi đợt Một của chiến dịch này phát triển thuận lợi. Chính vì vậy việc chuẩn bị bản đồ quân đoàn không tiến hành kịp. Ngay cả bộ chỉ huy chiến dịch cũng chỉ có bản sơ đồ do các đồng chí hoạt động bí mật ở đây cung cấp để chỉ huy thôi ạ.
Kiệm gật đầu:
- Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong tác chiến ở các đô thị sắp tới. Mà sao nó bé tý hin thế này mà các ông ấy phải cù nhày mất cả tuần nhỉ?
Đến lượt đại đội trưởng đại đội 10 lên tiếng:
- Báo cáo phó tư lệnh, để tình hình kéo dài thế này theo tôi có nguyên nhân về sử dụng lực lượng. Đại đội tôi được sử dụng làm dự bị của chiến dịch, đến ngày hôm kia mới được tung vào chiến đấu. Nhưng lúc nhận lệnh tôi mới ngớ ra là trên chỉ đưa một trung đội 3 xe vào. Kết quả là vẫn không giải quyết xong. Đến hôm qua, trên mới quyết đưa cả đại đội vào, cộng với các xe còn lại của “xê” 1, “xê” 3 tập trung lại đánh nên dứt điểm được ngay. Theo tôi, nếu sử dụng lực lượng tập trung hơn chắc chắn sẽ không kéo dài như thế này.
Kiệm ngước nhìn Hồng, đoàn phó H6 nhỏ nhẹ:
- Báo cáo anh, chúng tôi cũng đã có ý kiến với bộ chỉ huy chiến dịch nhưng các anh ấy cũng có lý do để sử dụng như vậy. Như tôi đã nói hồi nãy, sức chiến đấu của các đơn vị bộ binh tham chiến trận này đã suy giảm quá nhiều vì chiến đấu liên tục dài ngày mà không được bổ sung, nghỉ ngơi. Vì vậy, với một thị xã được phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp như thế này, xe tăng lại chỉ tiến công theo được một hướng thì sử dụng như ban đầu là hợp lý. Riêng việc chỉ tung một trung đội của đại đội 10 vào đánh trận hôm mồng Năm thì chính tôi cũng bất ngờ. Hôm đó tôi đang xuống rút kinh nghiệm với hướng chủ yếu bên đại đội 1. Ngay sau đó tôi có ý kiến và hôm qua các anh ấy đã quyết định tung cả đại đội vào.
Kiệm gật gù ra chiều đã hiểu, anh hất cằm:
- Vậy tổng kết lại, trận này tổn thất của xe tăng thế nào?
Nét mặt đoàn phó Hồng và tham mưu phó Nghi tươi hẳn lên. Nghi hồ hởi:
- Báo cáo phó tư lệnh, lần này xe tăng ta thiệt hại không đáng kể ạ. Chỉ có ba xe bị mìn, một xe bị bom và hai xe trúng đạn chống tăng nhưng không cháy, chỉ bị hỏng đường điện tháp pháo. Tất cả xe hỏng đã được kéo về khu tập kết và đang khắc phục. Về người chỉ có một đồng chí hy sinh và mấy đồng chí bị thương nhưng cũng không nặng lắm. Có thể nói đây là một thành tích đáng kể đấy ạ!
Kiệm mừng rỡ:
- Thế hả? Thế thì tốt quá. Thật tình, hôm ở B3 nghe tin các cậu đánh Phước Long, tớ cứ nơm nớp sợ lại xảy ra một cái An Lộc nữa thì chẳng còn mặt mũi nào- Anh nghiêng đầu- Các cậu có bí quyết gì không? Nói đi xem nào!
Hồng khiêm tốn:
- Thì cũng nhờ rút kinh nghiệm từ trận An Lộc thôi, thủ trưởng ạ. Trước hết, về mặt đội hình chúng tôi quyết định tổ chức thành hai thê đội, hình thành hai tuyến cách nhau chừng hai trăm mét để hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau được. Thứ hai là trước khi qua các ngã ba, ngã tư phải thăm dò, đảm bảo diệt hết địch mới được qua. Thứ ba là phải tăng cường quan sát các nhà cao tầng, các ngõ hẻm không được để địch lợi dụng, bất ngờ bắn vào sườn. Và một biện pháp quan trọng nữa là không được tách rời với bộ binh. Nếu không thấy bộ binh phải kiên quyết dừng lại. Chính vì thực hiện tốt những biện pháp đó mà chúng tôi đã giảm được tổn thất xuống đến mức này đấy ạ.
Kiệm gật đầu:
- Tốt lắm! Đó đúng là những bài học xương máu- Anh chỉ tay vào hai trợ lý tham mưu- Các cậu nhớ bổ sung ngay những kinh nghiệm này vào tài liệu tiến công thành phố, thị xã nhé! Còn bây giờ ta về thăm anh em một chút. Ngay đêm nay chúng tôi sẽ về đoàn bộ, các anh ạ.
Nói rồi Kiệm xăm xăm bước lại phía cầu thang. Tuy nhiên, anh lại đột ngột dừng lại nhìn về phía cái chợ. Mọi người thấy vậy cũng đứng lại chờ. Chừng một phút sau Kiệm mới thốt ra:
- Này, giá như ta tổ chức một mũi thọc sâu, cho bộ binh lên sau tháp pháo xe tăng rồi cơ động với tốc độ cao lao thẳng vào đây thì có khi trận đánh sẽ kết thúc sớm hơn nhiều đấy, các cậu nhỉ!
Hồng, Nghi và mấy cán bộ cùng đi đều trầm ngâm suy nghĩ. Lát sau  Hồng gật đầu công nhận:
- Đúng vậy! Có lẽ từ nay về sau khi đánh chiếm thành phố thị xã nên tổ chức một mũi thọc sâu, đánh  vào mục tiêu chủ yếu, vào cơ quan đầu não chỉ huy của bọn chúng thì mới kết thúc nhanh trận đánh được.
 Cả đoàn xuống lầu. Hữu và Cân còn nán lại một chút, hai anh em hẹn nhau sẽ nói chuyện nhiều sau khi Cân về. Hoàng hôn đang xuống dần. Lác đác đã thấy le lói ánh đèn, nhà nào đó còn máy phát điện. Tiếng gọi nhau và cười đùa í ới. Thị xã giải phóng mới có một ngày mà sao thanh bình quá.


T54 VIỆT NAM ĐỐI ĐẦU M48 MỸ- CHƯA BIẾT MÈO NÀO CẮN MỈU NÀO!

Đừng cười "châu chấu đá xe": Tăng T-54 Việt Nam đối đầu M48 Mỹ - Mèo nào cắn mỉu nào?
T-54 - “Xương sống” lực lượng xe tăng Việt Nam.

Là 2 loại xe tăng chủ lực trên chiến trường miền Nam VN, T-54 và M48 Patton đã có nhiều dịp đọ sức với nhau. Tuy nhiên, đối đầu trực tiếp với nhau thì chỉ có một lần duy nhất.

Chuyện đó xảy ra tại Ngã tư Bảy Hiền sáng 30.4.1975.
Thử so sánh M48 Patton với T54
Ra đời từ đầu những năm 50 thế kỷ XX, xe tăng M48 trở thành xe tăng phổ biến nhất của Mỹ trong mấy thập niên sau đó. Chúng cũng đã được cải tiến nhiều lần và có nhiều phiên bản khác nhau.
Ngày 9.3.1965, chiếc xe tăng M48A3 của Thuỷ quân lục chiến Mĩ, Tiểu đoàn tăng số 3 cập cảng Đà Nẵng. Đây là chiếc M48 đầu tiên có mặt tại chiến trường Việt Nam. Tiếp đó, một số lượng khá lớn M48 được đưa đến Việt Nam.
Từ năm 1971, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Thiết đoàn chiến xa đầu tiên trang bị M48 của Quân lực Việt Nam cộng hòa (QLVNCH) được thành lập mang phiên hiệu Thiết đoàn 20 thuộc biên chế của Lữ đoàn 1 Thiết kỵ.
Năm 1973, hai thiết đoàn chiến xa nữa được thành lập mang các phiên hiệu 21, 22 trực thuộc các Lữ đoàn Thiết kỵ 2 và 3. Cho đến cuối chiến tranh QLVNCH có 3 Thiết đoàn chiến xa trang bị M48 với tổng số 162 xe. Tất cả M48 ở Việt Nam đều là M48A3- mẫu xe hiện đại nhất thập kỷ 60.
Nhìn chung, về tính năng kỹ thuật của M48 thuộc loại tương đối hiện đại và tiện dụng. Vì vậy, nó thuộc loại xe tăng phổ biến nhất do Mỹ chế tạo. Đã có gần 12.000 xe tăng M48 được sản xuất và sử dụng trong quân đội của 11 quốc gia.
Còn T54 cũng là loại xe tăng phổ biến nhất do Liên Xô chế tạo trong các thập kỷ 50-60 thế kỷ XX. T-54 du nhập về Việt Nam đầu những năm 60 song thực tế đầu năm 1971 mới tham gia trận đánh đầu tiên trong chiến dịch phản công Đường Chín - Nam Lào.
Đừng cười châu chấu đá xe: Tăng T-54 Việt Nam đối đầu M48 Mỹ - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 2.
Mô hình xe tăng T-54 và M48.
Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972, T-54 và M48A3 đã có dịp đọ sức với nhau trên chiến trường Quảng Trị. Tuy nhiên, phần thắng không nghiêng hẳn về bên nào. Ngày 09.4.1972, với chiến thuật "Trâu Rừng" M48 đã bắn hạ khá nhiều T-54.
Song đến 27.4.1972, đến lượt hàng chục M48 bị T-54 bắn hạ, trong đó riêng Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thái đã diệt được 5 chiếc ở Tây Đông Hà.
Thử so sánh một số tính năng kỹ, chiến thuật giữa M48A3 với T-54:
Đừng cười châu chấu đá xe: Tăng T-54 Việt Nam đối đầu M48 Mỹ - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 3.
So sánh thông số kỹ thuật giữa xe tăng M-48A3 và xe tăng T-54
Nhìn chung, cả về trọng lượng, kích thước, công suất động cơ và công suất riêng... thì M48A3 hơn hẳn so với T-54. T-54 chỉ có một điểm trội hơn là cỡ pháo lớn hơn (100 mm so với 90 mm). Nói một cách hình tượng, khi xếp T-54 bên cạnh M48 thì nhìn cứ như một chú thiếu niên đứng cạnh một người trưởng thành, chỉ được mỗi cái nòng pháo to và dài hơn thôi!
Tuy nhiên, khi đối đầu trực tiếp với nhau thì không phải cứ to hơn, nặng hơn mà thắng!
Đừng cười "châu chấu đá xe..."
Dân gian có câu: "Đừng cười châu chấu đá xe; Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng" để nói về trường hợp đối đầu không cân sức. Thực ra, trong những trường hợp đó thắng bại không chỉ nghiêng về phía bên nào có thế lực mạnh hơn.
Sáng sớm 30.4.1975, Đại đội XT 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn xe tăng 273 cùng với bộ binh thực hành tiến công từ khu vực Ngã ba Bà Quẹo vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu. Trung đội XT 1 gồm 4 xe tăng T54 do đại đội trưởng Nguyễn Văn Tư trực tiếp chỉ huy dẫn đầu đội hình.
Bộ 
Đừng cười châu chấu đá xe: Tăng T-54 Việt Nam đối đầu M48 Mỹ - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 4.
Bộ đội xe tăng huấn luyện chiến đấu.
Đường phố vắng lặng một cách bí ẩn. Với những kinh nghiệm chiến đấu phong phú thu lượm được từ trận đánh Buôn Mê Thuột ngày 10.3 về đến đây, đại đội trưởng Tư cho các xe đi theo đội hình zic- zắc, xe cách xe chừng 50 mét thận trọng tiến lên.
Lúc 6h30, đội hình chiến đấu đã đến Ngã tư Bảy Hiền. Quan sát không thấy có dấu hiệu gì nguy hiểm, đại đội trưởng Tư cho xe rẽ trái về hướng Lăng Cha Cả. Đột nhiên, từ ngách phố bên kia 2 chiếc M48 bất ngờ xuất hiện và bắn vào sườn xe của anh. Sau khi bắn xong chúng lại lui về mất dạng.
Như vậy, lợi dụng địa hình và các khối nhà ở xung quanh ngã tư làm vật che khuất, phía Việt Nam cộng hòa đã sử dụng xe tăng phục kích ở đây và tất cả những phương tiện qua lại ngã tư sẽ trở thành miếng mồi ngon cho chúng.
Tình thế bây giờ thật nguy hiểm! Nếu không diệt được 2 chiếc M48 này thì khó mà vượt qua được ngã tư. Tuy nhiên, có cái khó là chúng nấp kín trong các ngõ ngách bên kia ngã tư nên các xe tăng của Quân giải phóng không quan sát được.
Quan sát đánh giá tình hình, Mai Văn Hoạt - Trưởng xe 985 xác định xe địch phục kích ở hướng bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất). Vì vậy, anh lên đài vô tuyến điện đề nghị 2 xe sau yểm hộ, còn anh sẽ lợi dụng khối nhà bên phải làm vậtche khuất, đến ngã tư sẽ bất ngờ rẽ phải để diệt địch.
Đừng cười châu chấu đá xe: Tăng T-54 Việt Nam đối đầu M48 Mỹ - Mèo nào cắn mỉu nào? - Ảnh 5.
Xe 985 lập công xuất sắc và được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh Nguyễn Xuân Thắng.
Theo lệnh của trưởng xe, lái xe Phùng Văn Tính cho xe bám sát khối nhà bên phải thận trọng tiến về ngã tư. Vừa chớm đến ngã tư, Tính kéo cần lái sang phải. Đúng lúc đó, một phát đạn đã bắn trúng đầu xe 985 làm hỏng pháo. Một chiếc M48 nữa nhô ra như muốn nuốt sống chiếc T-54 nhỏ bé này.
Vẫn không thấy pháo xe mình bắn (sau này mới biết pháo đã bị hỏng), trưởng xe Hoạt hét lên trong bộ đàm: "Tăng tốc độ, lao thẳng vào nó!". Ngay lập tức, lái xe Phùng Văn Tính kéo lên số và tăng chân dầu. Xe 985 vọt lên nhằm thẳng đầu chiếc M48 lao tới.
Có lẽ không thể ngờ được tình huống này, chiếc M48 giật mình lùi lại. Cả khối thép đồ sộ của nó lùi vào mặt tiền một ngôi nhà. Căn nhà đổ ụp xuống, cả đống gạch vữa trùm lên xe. Mấy tên lính trong xe chui qua cửa an toàn chạy mất.
Chiếc thứ hai thấy vậy cũng quay đầu tăng tốc độ chạy về hướng nội thành. Các xe phía sau ào lên chiếm được ngã tư, mở đường cho đại quân tiến về sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu VNCH.
Sau trận đối đầu này, có người hỏi Tính: "Tại sao lúc ấy anh lại làm như thế?". Tính chỉ cười hiền lành: "Pháo đã hỏng rồi. Mình mà không húc nó thì nó bắn mình thôi!".
Cùng với những chiến công từ trận đánh Ban Mê Thuột, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh xe 985 được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Trong những trận đánh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, xe 985 lại lập công xuất sắc và được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Phùng Văn Tính và các thành viên kíp xe dũng cảm đó cũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng các loại.
Thế mới biết, trong những cuộc đối đầu như vậy- dẫu có to khỏe nhưng chưa chắc đã giành phần thắng!
Nguồn: http://soha.vn/dung-cuoi-chau-chau-da-xe-tang-t-54-viet-nam-doi-dau-m48-my-meo-nao-can-miu-nao-20170529205524921.htm

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 12


Về tới đoàn Kiệm không nói cho ai biết chuyện ở B2 đã vào chiến dịch, anh chỉ nhắc ngắn gọn các lái xe thay nhau lái, anh em tranh thủ ngủ để đến B2 càng nhanh càng tốt rồi đưa đồ đoàn lên xe. Chỉ ít phút sau đoàn xe đã quay ra tới đường tuyến tiếp tục cuộc hành trình về phía nam.  
Những cánh rừng khộp Tây Nguyên đã lùi dần lại phía sau nhưng những đám bụi đỏ thì còn theo mãi đoàn xe. Cả đoàn, người nào người nấy cuốn chặt cái khăn mặt dạ dày bò vào miệng chống bụi nên câu chuyện không còn sôi nổi như trước nữa. Hay chuyện như Kiệm mà đến lúc này cũng chịu, chỉ thỉnh thoảng pha trò vài câu nhưng cũng chẳng có ai hưởng ứng. Riêng đối với Nguyễn Hữu thì anh lại thấy thích thú sự im lặng này hơn bởi có nhiều thời gian để quan sát và suy ngẫm hơn. Nói cho công bằng, chuyến đi này đối với Hữu thật sự bổ ích và thú vị. Đây là lần đầu tiên Hữu đi xa đến như thế vào chiến trường. Anh đã vượt hàng nghìn cây số trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Anh đã được đi qua bao địa danh nổi tiếng một thời. Và điều quan trọng hơn là anh đã gặp nhiều người, rất nhiều người- từ anh lính binh nhì vừa mới chân ướt, chân ráo vào chiến trường cho đến những vị tư lệnh tiếng tăm lừng lẫy. Mỗi con người có một hoàn cảnh riêng, một suy nghĩ riêng nhưng đều lung linh một vẻ đẹp tâm hồn và đều có chung một niềm tin về ngày chiến thắng đang tới rất gần. Những miền đất đã đi qua, những con người đã được gặp cho anh một cái nhìn đày đủ hơn về tầm vóc cuộc kháng chiến này và cũng giúp anh lý giải cái câu hỏi vẫn đau đáu trong lòng về cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Những cảm xúc, những tứ thơ bất chợt nảy ra trong đầu được anh ghi kín hàng chục trang sổ tay. Một ý định lúc đầu còn mơ hồ nhưng dần dần rõ nét hơn trong đầu Hữu. Nhất định, sau chuyến đi này anh sẽ phải viết hẳn một trường ca về những người đồng đội của mình. Đúng là chỉ có thể loại này mới chuyển tải hết những gì mà anh và đồng đội anh đã trải qua để đến được ngày chiến thắng.
Còn một lẽ nữa làm Hữu thấy vô cùng hạnh phúc trong chuyến đi này. Đó là bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” của anh sau khi được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Đi đến đơn vị nào cũng thấy anh em hát. Trước giờ sinh hoạt, hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Giải lao giữa giờ, lại “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Giao lưu văn nghệ với địa phương “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” cũng là bài tủ. Còn hội diễn văn nghệ cấp trung đoàn, như ở H73 vừa rồi cả 3 tiểu đoàn đều có tiết mục này. Tất nhiên ở mỗi đơn vị nó được dàn dựng, biểu diễn theo một phong cách khác nhau. Nói cho công bằng, Hữu rất cảm ơn người nhạc sĩ đã chắp cánh cho lời thơ của anh bay xa và lan rộng đến thế. Cũng vẫn những lời thơ mộc mạc, giản dị như tâm hồn người chiến sĩ giờ đây trở thành những ca từ mượt mà với giai điệu vừa tha thiết, vừa hùng dũng. Ngay bản thân anh là tác giả bài thơ mà còn cảm thấy như nó đã được lột xác. Và điều quan trọng nhất là bài hát được anh em bộ đội rất thích. Không phải chỉ lính xe tăng mà anh còn thấy anh em ở các đơn vị khác cũng hát. Phải chăng sự đồng cảm giữa anh và người nhạc sĩ đã tạo nên một sự thăng hoa để bài hát đi được vào lòng người. Chính vì vậy trong đoàn công tác mọi người cứ đùa “Cậu bây giờ là người nổi tiếng nhất Bộ tư lệnh đấy”. Thực sự thì điều đó không sai.
Hữu bồi hồi nhớ lại hôm anh xuống sinh hoạt cùng tiểu đoàn 1 của Nhã. Trước khi bước vào nội dung chính cả tiểu đoàn đồng ca bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Bài hát vừa dứt thì chính trị viên Cự đứng lên dõng dạc: “Có đồng chí nào biết tác giả bài hát chúng ta vừa hát là ai không?”. Hàng chục cánh tay giơ lên. Cự chỉ định một chiến sĩ trả lời. Cậu ta đứng dạy rành giọt: “Báo cáo, bài hát này do nhạc sĩ Doãn Nho phổ thơ Nguyễn Hữu”. Cự hỏi tiếp: “Thế đồng chí có biết Nguyễn Hữu là ai không?”. Cậu ta lúng túng: “Dạ, chỉ nghe nói đó là một cán bộ của binh chủng ta thôi ạ!”. Hữu chưa biết Cự định làm gì gì anh ta đã tới kéo anh đứng dậy và trịnh trọng: “Vậy thì xin giới thiệu với các đồng chí, người đứng trước mặt các đồng chí đây chính là đồng chí Nguyễn Hữu, trợ lý tuyên huấn của binh chủng ta, tác giả phần lời bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” mà chúng ta vừa hát”. Cự chưa dứt lời thì tiếng vỗ tay đã đồng loạt nổi lên như sấm, có cả tiếng hò reo nữa. Hữu đứng như trời trồng, rồi anh cũng vỗ tay theo như một phản xạ tự nhiên. Có lẽ đó là tràng pháo tay dài nhất mà Hữu đã được chứng kiến.
Ngay khi buổi sinh hoạt kết thúc rất nhiều anh em đã đến gặp anh. Chẳng để làm gì cả, chỉ để hỏi han vài câu hoặc bắt tay anh một cái. Nhưng cũng có người muốn hỏi anh về kinh nghiệm làm thơ. Có chàng còn dúi cho anh mấy bài thơ để xin ý kiến. Xúc động trước những dòng thơ chân chất của những người lính mới quen, Hữu đã đề nghị với đoàn trưởng Kiệm cho anh tranh thủ thời gian mở một lớp bồi dưỡng viết văn tại trung đoàn vào các buổi tối. Và thế là trong gần một tuần liền, những kiến thức anh tiếp thu được hồi ở trường viết văn Nguyễn Du, những kinh nghiệm tự anh chăt lọc được trong quá trình sáng tác đã được dốc ra đến cạn. Nhìn những ánh mắt đầy tin yêu, ngưỡng mộ trong cái lớp học tự phát ấy anh tin rằng những đồng đội của anh nếu không làm ra được những tác phẩm lớn thì ít nhất cũng ghi lại được những cảm xúc chân thực nhất trong cuộc đời mình. Phát huy thắng lợi, vào đến 273 một lớp học tương tự cũng được tổ chức và thu được kết quả ngoài mong đợi. Tiếp xúc với những người lính trẻ tràn đầy sức sống, yêu đời, yêu đất nước, sẵn sàng hiến mình cho Tổ quốc Hữu càng thấy tự hào về đồng đội của mình, về binh chủng của mình. Những ngày đó Hữu lại nhớ nhiều đến Cân, cậu chiến sĩ trẻ của đại đội 9 năm nào. Tập thơ viết tay của Cân gửi anh mang ra Bắc hồi chiến dịch Đường Chín- Nam Lào anh đã chọn được một số bài gửi đăng các báo trung ương và tờ tin của binh chủng. Cuốn sổ đó hiện anh đang giữ và mang theo định bụng sẽ trả lại cho tác giả của nó trong đợt này. Qua Nhã anh được biết hiện Cân đã trở thành chính trị viên một đại đội ở B2. Hữu quyết định trong chuyến vào B2 lần này anh sẽ tìm gặp bằng được người chính trị viên trẻ tuổi đó.
Trời đã sang chiều. Đã thấp thoáng thấy những rừng cao su dăng hàng thẳng tắp của miền Đông. Anh em công binh trực ở một trạm ba- ri- e cho biết chỉ còn chừng 2 tiếng nữa sẽ đến Bù Đốp, hậu cứ của đoàn thiết giáp miền. Nghe được tin này, Hữu như mở cờ trong bụng. Thế là anh sắp được đặt chân đến mảnh đất “miền Đông gian lao và anh dũng”, anh quyết định tối nay sẽ tìm gặp bằng được Cân. Chắc chắn người cán bộ trẻ yêu văn thơ ấy sẽ giúp anh hiểu sâu sắc hơn về những chiến sĩ xe tăng ở chiến trường này.

*

Hữu không ngờ rằng vào lúc đó Cân đang dán mắt vào kính trưởng xe để chỉ huy cho pháo thủ bắn diệt từng hỏa điểm trong trung tâm hành quân, mục tiêu cuối cùng của tiểu khu Phước Long còn đang ngoan cố chống cự. Lưng áo anh ướt đẫm mồ hôi, còn bụng thì đói cồn cào vì từ sáng tới giờ chỉ mới được lót dạ mấy thanh lương khô bé tẹo. Chiếc xe 475 của anh đang nép sát vào một ngôi nhà hai tầng bên phải đường Trần Hưng Đạo, chốc chốc từ họng khẩu pháo 100 ly của nó lại khạc ra một bụm lửa sáng lòa. Phía sau xe 475 chừng ba chục mét là xe 482, nó cũng đang liên tục bắn vào khu vực mục tiêu để chi viện cho bộ binh mở cửa. Từ phía đó, súng các loại của địch vẫn bắn ra như vãi trấu. Đây đã là trận thứ tư đại đội anh tiến công vào cái thị xã này. Sáng hôm nay, các anh đã chi viện đắc lực cho bộ binh lần lượt đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, toà hành chính, trận địa pháo của địch. Bọn tàn quân dồn hết về trung tâm hành quân này và điên cuồng chống cự. Có lẽ chúng đã ở thế “chó cùng dứt giậu” rồi nên ngoan cố đến cùng. Chỉ cần tiêu diệt nốt mục tiêu này nữa là ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Nhưng nếu không dứt điểm nhanh, để trời tối sập xuống thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Là tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long, cách Sài Gòn chỉ có chưa đầy 100 ki- lô- mét theo đường chim bay nên Phước Long có một tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống phòng thủ vòng ngoài của ngụy quân Sài Gòn. Diện tích thị xã tuy không lớn nhưng địa thế của nó lại khá đặc biệt. Phía bắc và phía đông của nó được dòng sông Bé với hai bờ gần như dựng đứng bao bọc. Chả biết ai là người đầu tiên đã gọi nó là sông Bé nhưng nó chẳng hề nhỏ chút nào, chỗ hẹp nhất cũng đến non trăm mét. Phía tây thì con suối Đắc Gion tuy không rộng nhưng lại rất sâu, hai bên bờ là sình lầy, lau lách rậm như rừng. Thành ra, để tiến công thị xã bằng xe tăng thiết giáp thì chỉ có theo đường liên tỉnh lộ số Hai từ hướng nam và đường 311 từ hướng đông nam lên mà thôi.
Có lẽ địch cũng biết vậy nên chúng đã thiết lập ở đây những vị trí tiền tiêu nhằm bảo vệ an toàn cho thị xã. Án ngữ con đường số Hai là chi khu Phước Bình do một tiểu đoàn bảo an trấn giữ kết hợp với lực lượng dân vệ ấp, xã chốt giữ vòng ngoài. Xác định đây là vị trí tiền tiêu nên hệ thống vật cản, công sự ở chi khu Phước Bình được xây dựng tương đối kiên cố. Ngay trong chi khu có một sân bay với đường băng đủ dài cho các loại máy bay vận tải quân sự hạ cánh. Án ngữ đường 311 bên hướng đông nam là núi Bà Rá cao 736 mét. Giữa một vùng đồi thấp núi Bà Rá cao vọt lên như một đài quan sát thiên nhiên nên có tầm khống chế rất rộng. Trên đỉnh núi có trạm truyền tin và do một đại đội bảo an đóng giữ. Thị xã Phước Long rộng chừng hai ki- lô- mét vuông với khoảng hơn ba vạn dân. Công sở, nhà dân đa số là nhà trệt và một trệt, một lầu xây bằng gạch và xi măng vững chắc. Tiểu khu Phước Long được tổ chức phòng ngự nhiều tầng, có trọng điểm. Vòng ngoài là hệ thống đồn, bốt của bảo an, dân vệ. Bên trong có nhiều cứ điểm quân sự và cơ quan hành chính bố trí xen kẽ nhau. Những mục tiêu quan trọng được bố phòng chu đáo, cẩn mật là trung tâm hành quân, khu hành chính, dinh tỉnh trưởng, sân bay, trận địa pháo, trạm tiếp liệu và trại cảnh sát. Tại cầu Đắc Gion, ngã ba Tư Hiền và các ngã tư đường phố đều bố trí các lô- cốt, công sự chiến đấu. Trên đường liên tỉnh lộ số Hai địch bố trí nhiều vật cản như dây thép gai bùng nhùng hoặc thùng phuy đổ đất xếp ngang đường. Lực lượng địch phòng ngự tại thị xã Phước Long có một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 7, sư đoàn 5, bốn tiểu đoàn bảo an, hai đại đội trinh sát và khoảng sáu mươi trung đội dân vệ. Đặc biệt, sau khi ta mở chiến dịch đường 14 tiêu diệt một số chi khu, cứ điểm như Đồng Xoài, Bù Đốp… thì bọn tàn quân dồn cả về đây. Tiểu khu Phước Long, chi khu Phước Bình và cứ điểm Bà Rá tạo thành “thế chân vạc” yểm hộ, hỗ trợ cho nhau rất đắc lực và tạo thành một hệ thống phòng thủ tương đối vững chắc. Tuy nhiên, sau đợt một của chiến dịch Phước Long đã bị cô lập gần như hoàn toàn nên tâm lý bọn ngụy quân, ngụy quyền ở đây cũng hết sức hoang mang, lo sợ.
Rạng sáng 31 tháng Mười Hai chiến dịch bắt đầu nổ súng tiến công chi khu Phước Bình. Địch phản kích quyết liệt đồng thời đưa một tiểu đoàn từ tiểu khu Phước Long tới đánh vào sườn quân ta nên sau gần một ngày chiến đấu nhưng bộ binh không giải quyết dứt điểm được. Đến 13 giờ, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đưa xe tăng vào chiến đấu.  Đại đội Tăng 1 của Cân lúc đó đang nằm ở sở cao su Phước Bình. Nhận được lệnh, đại đội trưởng Sáu Thanh chỉ huy thê đội Một lập tức xuất phát. Chưa ra khỏi rừng cao su, một xe đã bị hỏng cơ cấu hướng vì nòng pháo vướng vào cây. Sáu Thanh chửi bới ỏm tỏi lên nhưng rồi cũng đành để xe này lại vì không thể quay pháo được. Vừa qua ngã ba chi khu, chiếc xe đi đầu đội hình dính ngay một quả mìn, băng xích bên trái đứt tung, bánh dẫn xích cũng bay mất. Thanh lệnh cho xe này tại chỗ dùng pháo bắn vào chi khu chi viện cho phía trước, đồng thời anh chỉ huy hai xe còn lại vượt lên chạy dọc theo đường sân bay, vừa chạy vừa bắn vào chi khu và đội hình tăng viện của địch. Thấy xe tăng xuất hiện, bọn địch vô cùng hoảng loạn và nhanh chóng vỡ đội hình, chúng hò nhau tháo chạy về phía cầu Đắc Gion. Bộ binh và xe tăng ta thừa thắng truy kích địch đến đầu sân bay thì xe Thanh hết đạn. Anh vừa chỉ huy xe chạy ra đường lớn định quay về lấy đạn thì lại dính luôn một quả mìn, xích cũng bay mất gần chục mảnh. Thanh bỏ xe đấy lên chiếc xe còn lại tiếp tục cùng bộ binh truy kích. Đến gần cầu Đắc Gion, một quả đạn chống tăng bắn trúng tháp pháo, pháo thủ bị thương nặng, Thanh cũng bị thương nhưng không nặng lắm. Nhưng gay cấn nhất là đường điện trên tháp pháo bị hỏng hoàn toàn. Chẳng còn cách nào hơn anh đành đưa xe lui lại khu vực sân bay. Đến 16 giờ ta làm chủ hoàn toàn chi khu nhưng cũng bị thiệt hại không nhỏ. Riêng đại đội xe tăng cả bốn chiếc đều bị thương vong, nhưng thật may là không ai hy sinh cả. Ngay trong đêm hôm đó và ngày hôm sau Cân đã chỉ huy các xe còn lại ra cứu kéo và khắc phục được mấy xe bị mìn. Cho đến chiều ngày mồng Một tháng Giêng thì các anh đã khôi phục được sức chiến đấu của đơn vị. Cũng trong ngày hôm đó, một đơn vị đặc công của ta đã đột nhập cứ điểm địch trên núi Bà Rá và tiêu diệt gọn đại đội bảo an địch đóng giữ tại đây. Mất Phước Bình, Bà Rá, thế chân vạc của địch bị lung lay dữ dội. Bọn chỉ huy tiểu khu Phước Long một mặt đề nghị Sài Gòn tăng viện gấp, một mặt chúng tăng cường hệ thống công sự, vật cản và huy động mọi lực lượng tham gia phòng thủ thị xã.
Trận tiến công đầu tiên vào thị xã diễn ra chiều mồng Hai tháng Giêng. Đại đội của Cân có nhiệm vụ phối thuộc cho trung đoàn bộ binh 12 tiến công trên hướng chủ yếu theo đường số Hai lên. Đại đội 3 thì chi viện cho trung đoàn bộ binh 271 tiến công trên hướng thứ yếu. Còn đại đội 10 được sử dụng làm dự bị của chiến dịch. Rút kinh nghiệm từ trận đánh  An Lộc, Cân bàn với Sáu Thanh tổ chức đại đội thành hai thê đội, hình thành hai tuyến trước, sau để chi viện và hỗ trợ lẫn nhau. 16 giờ, Cân chỉ huy thê đội Một xuất kích từ Phước Bình. Sau khi đánh tan chốt địch ở cầu Đắc Gion và chờ anh em công binh gỡ mìn dưới ngầm xong thì vượt qua cầu và bắt liên lạc với bộ binh ở ngã ba Tư Hiền. Tại đây, Cân chỉ huy cho các xe dùng hỏa lực bắn mạnh vào trận địa pháo ở phía tây đường và chi viện cho bộ binh mở cửa, khắc phục vật cản. Cửa mở xong, Cân cho thê đội mình tăng tốc độ xung phong. Phía sau là thê đội Hai do Sáu Thanh chỉ huy cũng đang bắn mạnh vào các hỏa điểm của địch để chi viện cho thê đội Một. Có lẽ do quá hoảng sợ nên bọn địch chạy dạt hết cả vào các ngõ ngách và gọi máy bay đến đánh. Hỏa lực pháo binh từ trận địa phía bắc thị xã bắn về cộng với bom đạn từ mấy chiếc A37 dội xuống đã tạo nên một bức tường lửa cắt rời sự liên kết giữa bộ binh với xe tăng. Chạy dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng đến gần một ki- lô- mét vào tới chợ trung tâm thì Cân phát hiện ra xung quanh mình không có bóng dáng một chiến sĩ bộ binh nào, chỉ trơ trọi độc có ba chiếc xe tăng giữa một thị xã trống vắng và xa lại. Trời thì lại sắp tối. Sợ rơi vào bẫy của địch, anh điện về sở chỉ huy xin chỉ thị. Chắc cũng chẳng thấy có cách nào hơn, sở chỉ huy đồng ý cho anh rút ra ngã ba Tư Hiền. Thế là bài toán hiệp đồng giữa bộ binh và xe tăng vẫn chưa có lời giải. Về đến ngã ba Tư Hiền, hai bên xe tăng và bộ binh gặp nhau để hiệp đồng lại. Sáu Thanh thì bực lắm nhưng Cân thì hiểu, bom đạn bời bời như thế, mình còn có cái vỏ thép che chắn chứ anh em bộ binh thì có cái gì? Vì vậy phải thông cảm với người ta. Ngay trong đêm hôm ấy, đại đội của anh đã dùng pháo chi viện cho bộ binh đánh chiếm được trận địa pháo ở tây nam thị xã và bãi để xe cơ giới cạnh đó.
Sau một ngày nghỉ ngơi và tiến hành công tác chuẩn bị, trận tiến công thứ hai vào thị xã bắt đầu lúc tang tảng sáng ngày mồng Bốn. Dường như về phía địch cũng đã có những sự điều chỉnh lực lượng nhất định. Cái trại Lê Lợi nằm ngay cửa ngõ thị xã hôm trước các anh chạy qua cấm có thấy nó hó hé một phát súng nào, cứ tưởng địch đã bị bỏ chạy cả thì hôm nay đã trở thành một vị trí phòng ngự tiền tiêu khá vững chắc. Vì vết thương của Sáu Thanh sơ cứu không tốt, bị nhiễm trùng nên Cân vẫn phải chỉ huy thê đội Một hiệp đồng với bộ binh đánh vào trại Lê Lợi. Vừa mới xuất kích qua khỏi ngã ba Tư Hiền được một đoạn thì hai chiếc A37 xuất hiện và ném bom ngăn chặn đội hình. Mặc dù đã dùng 12 ly 7 đánh trả nhưng rồi một xe vẫn bị trúng bom phải nằm lại. Cân chỉ huy hai xe còn lại dùng pháo chi viện cho bộ binh mở cửa. Thế mà cũng mất hơn một tiếng mới mở xong cửa. Đúng lúc ấy xe 477 báo cáo “hết đạn pháo, súng máy kẹt. Xin phép quay ra tiếp đạn!”. Thời cơ xung phong đã đến, không thể bỏ qua nên dẫu chỉ còn một xe mình Cân vẫn quyết định xung phong. Đồng thời anh lên đài đề nghị thê đội Hai nhanh chóng lên tiếp viện. Thấy xe tăng xông vào, bọn địch trong trại Lê Lợi bỏ chạy tán loạn về phía sau. Thừa thắng, Cân lệnh cho lái xe tăng tốc độ truy kích. Thấy nguy cơ mất trại Lê Lợi, địch tăng cường pháo binh và máy bay đánh phá ngay vào trong trại bất chấp lính của chúng còn trong đó. Phát triển đến ngã ba sân bay, Cân quay cửa trưởng xe lại sau định nhìn xem bộ binh thế nào, anh toát mồ hôi hột khi thấy bốn, năm bóng áo rằn ri đang bám thành xe trèo lên. Phải công nhận bọn này cũng liều, chắc là chúng đã ở thế cùng đường rồi nên liều chết đây. Không nói không rằng anh ấn nút chỉ mục tiêu, tay kia thì ấn vào cò súng máy. Khẩu pháo 100 ly quay vèo về phía sau với tốc độ cao nhất gạt luôn hai thằng bay xuống đất, những thằng còn lại thì bị quật ngã ngay bởi loạt đạn đại liên căng như sợi chỉ. Pháo thủ Quang sau một thoáng ngẩn người ra khi thấy mình không điều khiển được pháo nữa thì cũng hiểu ra vấn đề khi quan sát thấy tình hình, cậu gạt tay Cân ra và tự mình giữ cò súng máy. Đúng lúc ấy thê đội Hai lên đến nơi. Cân lệnh cho cả đại đội tiếp tục cơ động lên đánh chiếm tòa hành chính. Tuy nhiên, lại vẫn là chuyện bộ binh không theo kịp xe tăng nên 12 giờ trưa thì trên lệnh cho đại đội anh quay lại ngã ba Tư Hiền. Về đến vị trí tập kết Sáu Thanh lại sôi sùng sục lên về chuyện hiệp đồng giữa xe tăng và bộ binh, Cân phải can mãi anh mới thôi. Tuy nhiên, anh cũng nhận thấy nếu cứ nhùng nhằng thế này thì không biết đến bao giờ mới dứt điểm được.  
Mà đúng thế thật. Ngay chiều hôm ấy, vượt qua lưới lửa phòng không của ta, hơn chục chiếc trực thăng đã kịp đổ xuống hai đại đội biệt kích dù để tăng viện cho bọn ngụy ở đây.
Ngày hôm sau, bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tung một trung đội của đại đội 10 đang làm dự bị vào chiến đấu. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có gì chuyển biến. Gặp tham mưu phó Nghi xuống nắm tình hình đơn vị, Cân và Thanh bộc bạch hết mọi suy nghĩ của mình. Nghi thừa nhận những vấn đề đó là có thật. Anh đồng ý với hai anh em họ là sẽ đề nghị Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng lực lượng tập trung để đánh một trận quyết định.
Ngày mồng Sáu, toàn bộ ba đại đội tăng được sử dụng tăng cường cho trung đoàn bộ binh 2 tiến công các mục tiêu cuối cùng trong thị xã. Nói là ba đại đội nhưng thực ra sau mấy ngày chiến đấu cũng chỉ còn hơn chục xe. Bộ binh đang sung sức, xe tăng thì tập trung nên có hiệu quả tức thì. Đến 9 giờ 50 phút ta đã chiếm được tòa hành chính và dinh tỉnh trưởng. Gần như toàn bộ quân địch đã bị tiêu diệt và ra hàng, số còn lại rút vào cố thủ ở trung tâm hành quân. Đây chính là sở chỉ huy của tiểu khu nên có hệ thống công sự và vật cản vào loại kiên cố nhất. Và lúc này đây, Cân đang cùng anh em chi viện cho bộ binh áp sát hàng rào để mở cửa mở.
Rút kinh nghiệm mấy trận đánh trước anh em ta bắn mạnh tay quá nên chóng hết đạn, Cân bóp công tắc ngực về phát, anh rành giọt từng tiếng:
- 75 gọi 01! Chú ý tiết kiệm đạn!- Quay về nội bộ anh nhắc Quang- Quan sát kỹ vào rồi hãy bắn, chỉ còn chục viên nữa thôi đấy.
Cựu sinh viên tổng hợp toán nhỏ nhẹ:
- Anh quê cứ yên tâm! Quang này đã bắn phát nào là chắc phát đó.
Mà đúng thế thật, từ hôm tham chiến đến nay chưa hôm nào xe Cân rơi vào tình trạng hết đạn phải quay ra tiếp.
Gần 5 giờ chiều thì các vật cản trước cổng tiểu khu đã được dọn tương đối sạch. Nhận được tín hiệu cửa mở đã thông Cân lập tức bóp công tắc phát:
- 75 gọi 01! Nhanh chóng xung phong qua cửa mở! 47!

Chẳng đợi anh giục, lái xe Đoàn tăng ga lao vọt lên. Ngay sau xe Cân là hai xe nữa. Quang rê nhẹ tay hướng và giữ chặt cò súng máy. Những loạt đạn đại liên thẳng căng tạo thành một cánh quạt lửa trước mũi xe. Ba chiếc xe tăng như ba con mãnh hổ tung hoành trong trung tâm hành quân địch như trong chỗ không người. Có lẽ không còn chút ý thức kháng cự nào nữa nên từ trong các tòa nhà, các công sự những lá cờ trắng bằng đủ các loại khăn, áo lót mọc lên như nấm. Cân cho xe dừng lại trước tòa nhà trung tâm. Bộ binh tỏa ra lùng sục bắt tù binh. Qua khai thác nhanh các anh biết còn bọn chỉ huy đang trú trong hầm ngầm. Các chiến sĩ bộ binh chất ngay mấy cân bộc phá vào cửa hầm. Sau một tiếng nổ lộng óc, cửa hầm mở toang. Vài phút sau, mấy bóng người vật vờ trong làn khói xuất hiện, hai tay giơ cao trên đầu. Thằng nào thằng ấy trông cứ như chuột phải khói. Cho đến giờ phút đó, thị xã Phước Long đã hoàn toàn nằm trong tay ta.

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

XE TĂNG BỊ MẤT TRỘM VÀ CÁI KẾT BẤT NGỜ

Lữ đoàn 202: Xe tăng bị "mất trộm" và cái kết bất ngờ!
Ảnh minh họa.

Trong thực tế có những chuyện "khó tin mà thật". Chẳng hạn, sau một đêm 8 chiếc xe tăng tự nhiên biến mất. Tưởng bị mất trộm, nhưng rồi không phải vậy!

Tháng 4 năm 1974, Tiểu đoàn xe tăng 3 của Lữ đoàn xe tăng 202 cơ động từ Hòa Bình vào Tĩnh Gia, Thanh Hóa để hợp quân cùng lữ đoàn. Đại đội 3 do Đại đội trưởng Đào Văn Mến chỉ huy gồm 9 xe tăng T-59 được chỉ định đóng quân tại xã Văn Sơn. Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách của đơn vị là xây dựng doanh trại và lán xe.
Đại đội trưởng Đào Văn Mến chọn vị trí trú quân là một quả đồi thấp, triền đồi thoai thoải phủ dày cỏ và lơ thơ những đám cây thanh hao (một loại cây có lá nhỏ, mùi thơm hắc, thường dùng làm chổi quét sân), chỉ có một góc là có cây cối.
Vì chưa có doanh trại nên đại đội trưởng Đào Văn Mến cho bộ đội dựng 4 chiếc nhà bạt cho bộ đội ở trong góc có cây cối. Còn xe tăng anh bố trí rải rác ở sườn đồi cỏ và cho trùm bạt kín. Sau khi tạm thời ổn định bộ đội bắt tay ngay vào đi rừng chặt tre, gỗ, cắt tranh và tìm kiếm các vật liệu khác để dựng lán trại.
Mọi công việc của đơn vị dần đi vào nề nếp.
Lữ đoàn 202: Xe tăng bị mất trộm và cái kết bất ngờ! - Ảnh 1.
Các học viên tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành kỹ thuật tăng-thiết giáp (TTG) toàn quân năm 2013 tham quan, học tập mô hình điểm khu kỹ thuật Lữ đoàn xe tăng 202 (Quân đoàn 1). Ảnh: QĐND.
8 chiếc xe tăng đột ngột biến mất!
Đêm hôm thứ tư tính từ khi đơn vị đến chỗ ở mới thì một trận mưa to kéo đến. Chỉ là cơn mưa đầu mùa song thật dữ dội và dai dẳng. Lúc tầm tã, lúc rí rách... trận mưa kéo dài suốt đêm. Tuy nhiên, do nhà bạt đã được gia cố thêm sạp nằm nên bộ đội vẫn ngủ ngon sau một ngày lao động mệt nhọc.
Bỗng nhiên, những tràng còi gay gắt rúc lên liên hồi như muốn đánh thức cả quả đồi vốn yên ả, vắng lặng. Không phải còi báo thức mà là còi báo động chiến đấu. Toàn đại đội không kịp mặc quần áo ngoài, nhanh chóng vơ lấy vũ khí lao ra ngoài.
Trời đã tờ mờ sáng và vẫn lắc rắc mưa. Đại đội trưởng Mến vẫn quần đùi áo lót đứng giữa mấy chiếc nhà bạt cùng một chiến sĩ khoác khẩu AK. Không chờ bộ đội tập hợp như mọi khi, anh hét lớn: "Tất cả ra bãi xe mau! Xe bị mất hết rồi".
Đến lúc này mọi người mới hướng mắt ra bãi xe. Quả nhiên, ngoài chiếc xe đỗ sát lùm cây vẫn nguyên đó, còn 8 chiếc khác đã "biến mất" để lại nguyên cái sườn đồi trống vắng, hoang hoải. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra?
Xe tăng bị mất trộm ư? Thằng trộm nào lại to gan đến vậy? Mà chúng lấy xe tăng về để làm gì cơ chứ?... Vậy thì chỉ có cấp trên thử thách đơn vị thôi! Nhưng nếu có như vậy thì cũng phải có tiếng nổ máy chứ.
Mà đại đội có cắt gác cơ mà... Thôi thì cứ chạy ra xem đã. Các kíp xe túa ra chạy thẳng về chỗ xe mình đỗ, còn đại đội trưởng chỉ huy mấy chiến sĩ "C bộ" chạy xuống chân đồi xem có thấy vết xích không?
Lữ đoàn 202: Xe tăng bị mất trộm và cái kết bất ngờ! - Ảnh 2.
Xe tăng Lữ đoàn 202 thực hành huấn luyện. Ảnh: Văn nghệ Quân đội.
May quá: Không mất!
Thế rồi đây đó có tiếng reo mừng rỡ: "Xe tăng không mất!" vang lên. Đại đội trưởng Mến vọt ngược trở lại, miệng liên hồi: "Đâu? Xe đâu?". Người chiến sĩ chỉ vào cái chóp tháp pháo vẫn còn nhô lên trên mặt cỏ như một nấm đất.
Mấy chiến sĩ xông vào đào bới và đỉnh tháp pháo trùm bạt bắt đầu lộ ra. Các vị trí khác cũng hăng hái bới và đã phát hiện được xe mình.
Ngay lập tức cuốc xẻng được đem tới và công việc đào bới cứu xe được tiến hành. Cái đồi cát ngày thường có vẻ chắc chắn ra trò nay trở thành một thứ chất gần như bùn lỏng. Sau một hồi đào bới các xe tăng đã lộ ra.
Đại đội trưởng Mến quyết định cho bới cát phía trước rồi dùng chiếc xe còn lại kéo từng xe lên sau khi đã nối vài sợi cáp lại với nhau. Ấy thế mà cũng phải hết ngày hôm sau 8 chiếc xe mới được lôi lên mặt đất. Rất may, do đã được trùm bạt kín nên cát và nước không vào được động cơ cũng như các bộ phận khác.
Lữ đoàn 202: Xe tăng bị mất trộm và cái kết bất ngờ! - Ảnh 3.
Bộ đội xe tăng thực hành huấn luyện. Ảnh: QĐND.
Và cũng thật lạ là chỉ sau khi ngớt mưa vài tiếng, cái sườn đồi ấy lại trở nên vững chắc như thường. Tuy nhiên, thủ phạm "trộm xe" cũng đã hiện nguyên hình.
Đó chính là đồi "cát non" khi bão hòa nước do mưa lớn sẽ "hóa lỏng", các hạt cát gần như không còn liên kết với nhau nữa nên không chịu lực được và vật nặng trên đó - ở đây là những chiếc xe tăng nặng hàng chục tấn sẽ từ từ bị chìm xuống.
Khi xe chìm xuống cát lại điền vào những chỗ trống và liền lại như cũ. Thật may là trận mưa không kéo dài thêm. Nếu nó kéo dài thêm vài tiếng nữa thì 8 chiếc xe tăng sẽ hoàn toàn không còn tí dấu vết nào trên mặt đất nữa.
Ngay sau đó đơn vị đã cho người vào gặp bà con quanh đó tìm hiểu. Bà con ở đây cho biết chuyện người với gia súc bị sa lầy trên đồi cát khi trời mưa cũng là chuyện bình thường nhưng chưa bao giờ bị lún sâu như thế.
Bà con cũng khuyên nếu muốn không bị lầy lún thì nên vào ở những chỗ có cây cối càng to càng tốt. Đúng là một bài học nhớ đời cho cán bộ chiến sĩ Đại đội xe tăng 3 nói riêng và anh em lính xe tăng nói chung.
(Ghi theo lời kể của Đại tá Vũ Công Chiến - nguyên chiến sĩ Đại đội xe tăng 3)
Nguồn: http://soha.vn/lu-doan-202-xe-tang-bi-mat-trom-va-cai-ket-bat-ngo-20161021161714272.htm