Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 15


Chương 18


Những ngày cuối năm trôi qua thật nhanh. Chẳng mấy mà cái Tết Ất Mão đã tới sau lưng. Có vẻ như năm nay kinh tế khá hơn nên các phiên chợ cuối năm hàng hóa phong phú hơn hẳn. Bất chấp cảnh mưa phùn, gió bấc người ta lũ lượt kéo nhau đi chợ sắm Tết. Mà hình như năm nay bộ đội được về phép Tết nhiều hơn thì phải. Chợ nào cũng thấy nhan nhản những bóng áo xanh của lính.
Biết tư lệnh Đào đã mấy năm không ăn Tết cùng gia đình nên chính ủy Sính gợi ý năm nay ông nên nghỉ mấy ngày phép vào dịp Tết. Trước thiện ý của người đồng cấp, ông Đào vui vẻ nhận lời. Ông dự định sẽ xin nghỉ phép trước Tết độ một tuần, đến Mồng Hai sẽ lên cơ quan trực thay cho các đồng chí khác đi nghỉ. Một phần vì đã lâu ông được ăn Tết cùng gia đình. Một phần vì thằng Hưng, cái thằng con nuôi của ông bà dạo vừa rồi bất ngờ viết thư lên thông báo với bố là ra Tết sẽ nhập ngũ. Cái thằng này ngày bé xanh xao, còi cọc lắm nhưng hai năm nay lớn phổng hẳn lên, trông cũng ra dáng đàn ông ra phết. Việc nó tự giác đi khám sức khỏe và chấp hành mọi quyết định của địa phương làm ông thấy phấn khởi. Như thế nghĩa là nó cũng biết nghĩ, biết bổn phận của mình với đất nước. Thực tình, bố con ông cũng ít khi nói chuyện với nhau nhưng ông tin rằng chính sự giáo dục bằng tấm gương của bản thân mình còn hơn vạn lần những câu giảng giải lý thuyết suông. Chuyện nó nhập ngũ ông cũng không có ý kiến gì, cũng chẳng tác động với địa phương hay xin cho nó về đơn vị mình. Ông muốn con đi lên bằng chính đôi chân của mình, không phải dựa dẫm vào ai. Và bước đầu nó đã làm được như vậy.
Bà Hạnh thì không quan tâm nhiều lắm tới những chuyện xa xôi đó. Nó lớn rồi thì nó phải đi. Nó đi bộ đội thì cũng như cha nó, như biết bao thanh niên trai tráng ở cái làng này, ở đất nước này. Chỉ biết Tết này ông ấy được nghỉ hẳn một tuần và cả nhà đoàn tụ là bà vui rồi. Ngay từ hôm biết ông về ăn Tết bà đã đăng ký với ông anh họ xin đụng hẳn một góc con lợn hơn bốn chục cân. Gạo nếp, đỗ xanh, măng miến… cũng đã chuẩn bị đủ cả. Bà muốn cái Tết này phải thật tươm tất. Mọi năm ông ấy đi vắng, chỉ có mấy mẹ con ở nhà thì đơn giản một chút cũng được. Còn năm nay dứt khoát phải đàng hoàng hơn.
Về nhà, thấy bà săm sắn chuẩn bị Tết ông cũng thấy vui vui. Cho đến lúc này ông mới thấy để chuẩn bị cho cái Tết của một gia đình không hề đơn giản một chút nào. Thời buổi chiến tranh, cái gì cũng khó kiếm, có thứ bà phải tích trữ từ mấy tháng trước rồi. Thằng Hưng thì đang bận đi thăm và chia tay bạn bè để chuẩn bị lên đường. Mấy đứa con gái thì mắt trước, mắt sau nhấp nhỉnh lên chợ thị trấn chơi. Thấy các con như vậy, ông bảo chúng cứ đi đi, năm nay đã có bố về, có việc gì bố sẽ làm cho. Nói như vậy, nhưng đến lúc vào việc thì ông cứ lúng ta, lúng túng như gà mắc tóc. Có bó giang bà bảo ông chẻ lạt gói bánh mà loay hoay mãi, được một bó lạt thì trăm cái lẹm cả chín chục. Bảo ông đi xiết đỗ thì đỗ cứ lăn lung tung, hạt vỡ vụn, hạt lại còn nguyên trông đến chán. Cuối cùng bà giao cho ông mỗi việc rửa lá dong. Ông vừa ngồi tỷ mẩn rửa lá, vừa nhìn bà tất bật đãi gạo, thổi đỗ, ướp thịt… vừa lẩm bẩm: “Thì ra, để làm được một cái bánh chưng thơm ngon, béo ngậy mà ông vẫn ăn ấy lại phức tạp đến thế. Cả một quy trình khép kín không thể bỏ qua một công đoạn nào”. Nghĩ đến đây, chợt ông nhớ lại hồi mới đi học lái xe tăng. Quy tắc lái thì học thuộc lòng rồi, bất cứ yếu lĩnh nào cũng phải thực hiện hàng loạt các động tác, thao tác theo một thứ tự nhất định. Nổ máy thì 13 thao tác. Khởi xe thì 5 thao tác v.v… Ấy thế nhưng anh em nhà ta lại hay khôn vặt, chỉ nhăm nhăm “ăn cắp động tác”. Chả là làm như thế thì vừa nhanh, đạt chỉ tiêu về thời gian vừa đỡ mệt. Trợ giáo của bạn nhắc mãi vẫn không chừa. Thế rồi, hiệu quả nhãn tiền của cái trò làm tắt ấy đã hiển hiện. Trong một lần lái xe, quy định khi sang số phải đạp “hai ly hợp” nhưng lính ta chỉ đạp một lần và kết quả là cái hộp số vỡ tung. Thế mới biết không phải ngẫu nhiên mà người ta lại đề ra cả một mớ quy trình, quy phạm rắc rối đến thế. Sau đận ấy, đoàn phải họp và ra nghị quyết kiên quyết chống làm bừa, làm ấu, chấp hành nghiêm mọi quy định trong quy tắc sử dụng trang bị. Nghĩ đến đây, ông bật cười. Thấy ông cười, bà ngẩng lên nhìn rồi nhăn nhó: “Rửa như ông thì ăn cả đất à”. Rồi bà nhặt lấy một cái lá, hướng dẫn ông từng động tác lau sao cho sạch mà không bị rách. Ông chỉ biết cười rồi lẩm bẩm: “Phức tạp đến thế kia à?”. Đúng là cả đời làm lính nên những việc thông thường nhất ông cũng không biết.

*

Tết năm nay ở nhà Nhã cũng vui lắm. Nhà chỉ có hai mẹ con song bà cụ Đảm vẫn quyết định phải ăn Tết cho đàng hoàng. Mọi năm đạm bạc thế nào chứ năm nay nhất định phải đầy đủ. Chẳng gì bà cũng sắp có cháu để bế bồng. Cái thằng bé, hay con bé không biết vẫn còn đang nằm trong bụng Hiền kia nhưng dường như nó đã hiện hữu khắp mọi nơi trong căn nhà này. Làm cái gì, mua cái gì mẹ Nhã cũng bảo hồ hởi nói với mấy bà bạn là mua cho cháu tôi cứ như nó đang bám nhằng nhẵng theo bà. Gạo nếp, đỗ xanh, măng miến, nấm hương… mỗi thứ một tý bà tích cóp dành dụm từ bao giờ không biết nhưng cũng đủ cho một cái Tết dư dật. Chỉ có mỗi vại hành nén bà đã muối từ hàng tháng trước là Hiền thích nhất. Đến bữa cô cứ lấy ra hàng bát nên vợi đi trông thấy. Bà ca cẩm con dâu: “Ăn vừa vừa tôi, không xót ruột chết” nhưng lại như mở cờ trong bụng “Ăn dở như thế chắc chắn là con trai rồi”. Giáp Tết, anh họa sĩ Trí đi công tác ở Quảng Trị ra còn mang theo một gói quà to tướng. Ngoài bánh kẹo và tấm chăn dù vừa nhẹ vừa ấm còn có một gói cá thu khô. Anh bảo đấy là quà của mẹ Thảnh gửi ra cho mẹ con Hiền. Anh còn thông báo một tin vui, cả hai anh con trai của mẹ Thảnh đã tìm về được với mẹ. Anh lớn đi tập kết, được mấy năm thì bố mất. Anh được nuôi ăn học ở một Trường học sinh miền Nam rồi đi bộ đội tên lửa, giờ đã là cán bộ trung cấp của quân đội ta. Sở dĩ giờ anh mới về quê được là vì vừa mới đi học nước ngoài. Anh thứ hai đi lính ngụy, đóng tận trong Huế nhưng đã đào ngũ trốn về. Ngày gặp nhau, cả hai mừng mừng, tủi tủi. Chỉ có mẹ là mừng. Mẹ nói trong nước mắt: “Giừ thì mẹ chết cũng được rồi”. Cầm gói quà của người mẹ miền xa gửi cho, Hiền xúc động đến trào nước mắt. những kỷ niệm về những ngày được sống trong tình thương của mẹ ở cái làng Phó Hội xa xôi đó lại hiện về dồn dập. Cô thầm hứa một ngày nào đó, khi đất nước yên hàn rồi nhất định cô sẽ dẫn con mình vào thăm mẹ.
Với Hiền, mặc dù Tết này Nhã không về nhưng cô không thấy cái cảm giác lẻ loi, buồn tủi như mấy năm trước. Dường như cái sinh linh nhỏ bé cô đang mang trong bụng đã tiếp thêm cho cô nguồn sinh lực không bao giờ cạn và những niềm vui mới. Mặc dù đang bụng mang, dạ chửa nhưng việc gì cô làm cũng băng băng. Bà cụ thì thương con dâu và sợ có chuyện gì không hay xảy ra với đứa cháu tương lai nên cấm cô không được làm việc nặng. Nhưng cứ cấm việc này thì cô lại tìm việc khác để làm. Nhà nông thì thiếu gì việc vặt. Vậy nên, nhiều khi bà cằn nhằn với con dâu nhưng thế hóa ra lại vui cửa, vui nhà.
Nhìn cảnh mẹ chồng săm sắn sắm Tết Hiền lại thấy thương Nhã nhiều hơn. Con nhà nghèo, vừa lớn lên lại đi bộ đội nên cái nết ăn uống của Nhã cũng đơn giản, dễ chiều. Hình như anh ăn gì cũng ngon vậy. Đến nỗi ông bố Hiền, vốn là người cầu kỳ trong chuyện ăn uống phải kêu lên: “Cái anh này, ăn cái gì anh cũng khen ngon thì tôi biết đãi anh món gì bây giờ”. Hiền biết bố mình có ngầm ý chê anh con rể là loại “thực bất tri kỳ vị”. Nhưng chính vì vậy cô càng thương anh hơn. Thế là cưới nhau đã bảy, tám năm mà hai vợ chồng chưa năm nào được ăn Tết cùng nhau, chưa năm nào cô được nấu cho anh ăn những món ăn cổ truyền ngày Tết mà cô đã được mẹ dạy cho từ ngày còn bé. Hồi vào thăm anh cô cũng đã trổ hết tài nấu nướng để chăm sóc, bồi bổ cho anh nhưng nào có được như ý vì cái gì cũng thiếu, đâu có được như dịp Tết ở nhà. Chắc chỉ đến khi hòa bình thì cái mong ước giản dị ấy mới thực hiện được.

*

Trái ngược hẳn với cái không khí sôi động, vui vẻ của cái Tết cổ truyền là một không khí cũng sôi động nhưng lại hết sức khẩn trương và bí mật trong các đơn vị quân đội. Ngày 25 tháng Chạp năm Giáp Dần, đại tướng Tổng tham mưu trưởng cùng đoàn cán bộ B75 bay vào chiến trường. Chuyến đi của ông chẳng mấy ai hay biết vì những gói quà và thư chúc Tết của ông đã được chuẩn bị sẵn, vẫn đến đúng các địa chỉ cần gửi vào ngày giáp Tết. Những bức điện chúc mừng ngày thành lập quân đội các nước anh em vào tháng Hai, tháng  Ba cũng được ông ký sẵn để văn phòng gửi đi. Nhưng dẫu cho ông chưa vào đến Tây Nguyên thì ở đó mọi việc đã được triển khai để chuẩn bị cho trận đánh mở màn vào đầu năm tới.
Ở đó, cán bộ chỉ huy các đơn vị đang lặn lội băng rừng, lội suối đi chuẩn bị chiến trường.
Ở đó, các đơn vị công binh đang làm việc ngày đêm để mở thêm hàng trăm ki- lô- mét đường mới về phía nam.
Ở đó, cán bộ các cơ quan đang gò mình bên những bản đồ quyết tâm, sơ đồ kế hoạch chiến đấu và những bảng biểu tính toán dày đặc những con số.
Ở đó, các đơn vị chiến đấu đang sẵn sàng chờ lệnh cơ động như một mũi tên đã lắp trên dây cung.
Dường như chẳng một ai còn nghĩ đến Tết.
Đối với Thắng thì đó là những ngày hết sức bận rộn. Theo mệnh lệnh sơ bộ thì trung đoàn của anh sẽ phải cơ động khoảng gần ba trăm ki- lô- mét xuống phía nam Tây Nguyên. Đường thì toàn đường quân sự làm gấp, hết sức khó đi, lại phải qua nhiều sông suối, trong đó có con sông Sê- Rê- Pốc nổi tiếng về hiểm trở và hung dữ. Tình trạng kỹ thuật của xe pháo sau một thời gian dài củng cố và nhất là được đoàn cán bộ kỹ thuật của binh chủng vào giúp đỡ hồi tháng trước nên tương đối tốt và có thể yên tâm. Nhiệm vụ của anh bây giờ là phải làm kế hoạch bảo đảm kỹ thuật cho cuộc hành quân và sơ bộ phác thảo kế hoạch bảo đảm kỹ thuật trong chiến đấu cho cả trung đoàn. Trưởng thành từ lái xe rồi kỹ thuật viên đại đội lên, chuyện sửa chữa hỏng hóc của xe pháo thì anh không hề ngần ngại. Tuy nhiên, bây giờ lại phải ngồi đây moi óc tính toán xem phải mang theo bao nhiêu tấn khí tài, mang những loại gì, mỗi xe mang bao nhiêu, còn lại thì cần bao nhiêu ô tô vận tải v.v… rồi tổ chức các tổ sửa chữa cơ động như thế nào, tiếp nhận xăng dầu ở đâu, phải mất bao nhiêu xe chở đạn, vị trí tiếp đạn ở chỗ nào mà lại phải thể hiện lên bản đồ nữa mới chết chứ. Đúng là rối tinh, rối mù lên.
Đang bù đầu lên về những tính toán với sơ đồ thì dưới tiểu đoàn 3 lại yêu cầu ban kỹ thuật xuống cùng nghiên cứu về cách bố trí, sắp xếp lại trong buồng chiến đấu để có thể tăng cơ số đạn mang theo. Thắng đã định không xuống nhưng nghĩ đi, nghĩ lại thấy cũng hay hay. Nếu sáng kiến đó mà thực hiện được thì rất tốt. Nhớ lại hồi trực tiếp đánh nhau ở Làng Vây, trận đánh chỉ kéo dài thêm một chút nữa thì khối xe hết đạn. Mà đúng là cái loại  T54, T59 này, mỗi xe chỉ có 34 viên đạn pháo thì ít quá thật. Ngoài chuyện đó ra, mỗi xe mang thêm được vài quả đạn thì cả trung đoàn chí ít cũng dôi ra được một, hai xe tải chở đạn. Vì vậy, gác mọi công việc lại Thắng lao ngay xuống tiểu đoàn.
Chẳng chờ ban kỹ thuật xuống, dưới tiểu đoàn 3 anh em đã bắt đầu cho làm thử ở một xe. Chính ra, chuyện này đã được khơi mào từ sau trận tiến công cụm cứ điểm Đắc Pét hồi cuối năm ngoái. Nằm giữa một thung lũng, xung quanh có sông Pô- Cô và suối Đắc Pét bao quanh, lại có hệ thống vật cản nhân tạo tương đối vững chắc nên xe tăng rất khó xung phong. Tuy nhiên, xung quanh nó lại có một số điểm cao nên ta đã lợi dụng để đưa xe tăng lên đó bắn ngắm trực tiếp vào cứ điểm. Với 5 chiếc xe tăng bố trí trên hai ngọn đồi ở khoảng cách trên dưới 2000 mét, sau 45 phút triển khai hỏa lực hầu hết các công sự trong cứ điểm địch bị phá hủy, bộ binh chỉ việc xông vào làm chủ. Tuy nhiên, cũng trong trận này có mấy xe đã bắn hết đạn pháo. Vì vậy, vấn đề làm thế nào để tăng thêm cơ số đạn pháo cho xe tăng đã được đặt ra và bây giờ, khi chuẩn bị đi chiến đấu thì trở thành vấn đề cấp bách. Thực ra, đây không phải là một việc đơn giản. Nó không chỉ đơn thuần là đưa thêm đạn vào buồng chiến đấu mà vấn đề là làm sao phải cố định thật chặt chẽ, không để va đập dẫn đến móp méo hay tự nổ trong xe. Đặc biệt là phải sắp xếp sao cho không ảnh hưởng đến thao tác của kíp chiến đấu. Chính vì vậy, mặc dù đã làm thử song ban chỉ huy tiểu đoàn vẫn phải báo cáo lên trung đoàn yêu cầu ban kỹ thuật xuống kiểm tra và cho ý kiến.
Lúc Thắng và tiểu đoàn phó kỹ thuật Thành xuống đến lán xe thì chiếc xe 983 của đại đội trưởng Hướng đã được anh em làm thử xong. Hướng dẫn hai người ra xe, Hướng hồ hởi:
- Mỗi cơ số chỉ có 34 viên đạn, bắn thòm thèm lắm. Anh em nó nghĩ thế này là hợp lý đấy. Bản thân tôi đã kiểm tra rồi, thấy tốt lắm, không ảnh hưởng gì đến thao tác của kíp xe cả- Anh bắt tay hai người- Bây giờ các anh cứ kiểm tra rồi cho ý kiến, tôi phải về hội ý ban chỉ huy một lát.
Pháo thủ Vi Văn Thể đang hì hục trong buồng chiến đấu thấy hai cán bộ cấp trên đến thì ngửa cái mặt bê bết dầu mỡ lên cười toe toét:
- Cố hết sức thì được 10 viên, anh ạ!
Thắng gật đầu, nghiêm trang:
- Biết thế đã! Các cậu lên cả đây rồi báo cáo lại xem làm thế nào?
Cả kíp xe trèo lên tháp pháo. Lái xe Khả lau vội những giọt mồ hôi trên mặt rồi rành giọt:
- Cũng không có gì lớn, anh ạ. Chỉ cần sắp xếp lại cho gọn các thứ trong buồng chiến đấu và ít dây buộc là xong thôi mà- Thấy Thắng liếc mắt về phía cái bình tăng nhiệt vứt chỏng chơ sau buồng truyền động, Khả cười lấp liếm- À, cái bình tăng nhiệt này chứ gì. Ở nước mình thì cần quái gì đến nó. Đang nóng bỏ “xừ” lên đây này.
Thắng gật đầu:
- Tháo bỏ bình tăng nhiệt thì được, nhưng còn các ống dẫn của nó thì giải quyết thế nào?
Khả đáp ngay tắp lự như đã suy nghĩ kỹ từ trước rồi:
- Có gì đâu. Tất cả các ống dẫn em cứ đút nút lại rồi vặn vòng kẹp cho thật chặt. Nổ máy lên mà không thấy rò rỉ là được chứ gì. Còn dây điện thì cuốn băng cách điện cho dầy, cũng không thấy chập chạp gì cả- Khả cười hể hả- Đấy, nguyên chỗ cái bình tăng nhiệt này là đã được 3 viên rồi, anh ạ.
Chưa thật yên tâm, Thắng gặng lại:
- Nổ máy thử lại thật chưa?
Tiểu đoàn phó Thành giờ mới lên tiếng:
- Anh yên tâm. Tôi đã chỉ đạo anh em làm rất cẩn thận. Chính mắt tôi đã theo dõi rồi mà.
Thắng nhìn kỹ cái bình tăng nhiệt. Đúng là nó thuộc cấu tạo của xe nhưng quả thật nó chỉ có tác dụng ở xứ lạnh. Còn ở mình thì tháo bỏ ra cũng chẳng ảnh hưởng gì. Anh gật đầu ra vẻ đồng ý rồi hỏi:
- Thế tổng cộng các cậu mang thêm được mấy viên.
Thể lẩm nhẩm một lát rồi kể:
- Tổng cộng được mười viên anh ạ. Chỗ bình tăng nhiệt được ba viên này. Trên vành tháp pháo được bốn viên. Thành xe bên phải dẹp mấy cái hòm đạn K53 đi chỗ khác được thêm hai viên. Dưới sàn xe, chỗ vách ngăn buồng động lực được một viên nữa.
Thắng khằn khừ:
- Liệu lúc xe chạy nó có lăn lông lốc không đấy?
Cậu Vinh pháo hai cười:
- Lăn thế nào được hả anh. Bọn em cột chặt lắm rồi. Anh Thể anh ấy kiếm được thứ dây rừng chắc lắm.
Thắng cúi người nhìn vào trong xe. Anh đưa tay lay thử mấy viên đạn ngay trên vành tháp pháo thấy không nhúc nhích. Thì ra nó được cột chặt vào cái giá của mấy viên đạn phía trong. Nhìn sâu xuống phía dưới, mấy viên đạn ở hai bên thành xe cũng được cột chặt bằng dây rừng vào những cái móc, cái gờ và những con ốc có sẵn ở đó. Chui hẳn vào trong xe, Thắng lay từng quả đạn theo tất cả các hướng nhưng thấy chúng vẫn không hề suy suyển. Anh nghĩ bụng: “Công nhận bọn này sáng ý. Cố định như thế này thì có chạy từ Bắc vào Nam cũng không bung ra được. Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu, Thắng ngẩng lên hỏi giật giọng:
- Hừ! Nhưng cột chặt thế nào lúc đánh nhau loay hoay mất hàng phút mới lấy được quả đạn ra thì tiêu đời.
Pháo hai Vinh rút trong túi áo ra một con dao nhỏ sáng loáng, miệng cười hý hửng:
- Anh không phải lo, chỉ cần xoẹt hai nhát là đã lấy được quả đạn ra rồi. Có khi lại còn nhanh hơn tháo móc khóa ấy chứ.
Liếc qua con dao Thắng nhận ra ngay đó là loại dao được làm từ các đai hãm xe tăng hỏng. Đó là loại thép cực tốt nên dao sắc lắm. Loại này mấy anh râu rậm thích lắm vì mài kỹ một tý là có thể cạo dâu. Chính anh cũng có một con anh em “xê 11” tặng. Đúng là các loại dây rừng, dây dù có chắc đến đâu thì nó cũng chỉ cần đưa nhẹ một cái là đứt tung. Tuy nhiên, với bản tính cẩn thận của con nhà kỹ thuật, Thắng vẫn lắc đầu:
- Cậu vào thao tác thử tớ xem nào.
Không chút ngần ngừ, Vinh chui vào vị trí của pháo hai, cậu ta cài con dao một cách cẩn thận vào túi ngực. Sau đó Vinh mở khóa nòng pháo rồi hạ ghế xuống ngồi đàng hoàng và nói:
- Anh hô đi rồi bấm giây xem.
Thắng gật đầu rồi hô nhỏ:
- Chuẩn bị…! Bắt đầu!
Như một cái máy, Vinh vừa quay người lại vừa rút con dao ra. Tay trái cậu ta đỡ lấy viên đạn, còn tay phải đưa dao lách vào mối dây. Chỉ thấy “xoẹt, xoẹt” viên đạn đã rời ra. Đút con dao vào túi, hai tay Vinh đỡ lấy viên đạn và tống vào buồng đạn. Một tiếng “phập” của khóa nòng vang lên trầm đục. Trong nháy mắt, tay cậu ta trượt lên ấn vào nút bảo hiểm PA, miệng hô:
- Xong!
Thắng đã ngừng nhẩm đếm, anh gật đầu:
- Tốt lắm! Mất có 7 giây. Như thế là được.
Xem xét thêm một hồi thấy không vướng víu gì đến thao tác của từng thành viên, Thắng nhoài ra tháp pháo bắt tay tiểu đoàn phó Thành:
- Tốt đấy, anh ạ. Sau đây tôi sẽ về báo cáo với ban chỉ huy trung đoàn. Nếu các đồng chí ấy đồng ý thì sẽ phổ biến để áp dụng trong tất cả các đơn vị. Lúc ấy thì nhờ các anh làm mẫu cho nhé.
Thành vui mừng gật đầu:
- Chúng tôi sẵn sàng.
Đã định đi về, chợt Thắng thần người ra. Lúc làm kế hoạch hành quân anh đã biết, quãng đường sắp tới của trung đoàn mình sẽ phải đi qua những cao nguyên đang vào cao điểm của mùa khô. Vì vậy, vấn đề dự trữ nước cũng vô cùng quan trọng. Nói dại, lúc ấy mà hệ làm mát cạn nước thì có khi phải bỏ cả xe chứ chẳng chơi. Thấy Thắng ngẩn mặt ra nghĩ ngợi, Thành và kíp xe không ai nói gì. Một lát, Thắng vồ vập:
- Này, tiện đây các cậu nghiên cứu thêm xem có cách nào cố định để dự trữ thêm vài chục lít nước được không?
Tiểu đoàn phó Thành cười hồ hởi:
- Anh không nói thì chúng tôi cũng nghĩ đến rồi. Đảm bảo với anh là chỉ với mấy cái bao nhựa dúi vào các hốc trong xe chúng tôi cũng đã có 60 lít nước rồi. Ngoài ra, phía ngoài xe thì mang bao nhiêu chả được.
Thắng thở phào nhẹ nhõm. Đúng là trí tuệ quần chúng có khác. Chào mọi người ra về, Thắng đi như chạy. Đúng là một sáng kiến hay. Tuy nó rất nhỏ nhưng lại một công đôi việc. Vừa có thêm đạn chiến đấu vừa đỡ được hai xe tải chở đạn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét