Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 29


Đúng như quyết tâm của phó tư lệnh Đào. Chỉ trong một đêm tiểu đoàn 66 đã vượt qua hai con sông Bến Hải và Thạch Hãn để có mặt tại vị trí tập kết chiến đấu ở Nam Cửa Việt lúc 3 giờ sáng ngày 28 tháng Tư. Tuy nhiên cũng có khá nhiều sự cố bất thường ngoài dự kiến xảy ra. Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, đường sá, bến xuống, bến lên đều đã được trinh sát cẩn thận nhưng rốt cuộc cũng chỉ có 18 trên 25 xe đến đích.
Đưa đại đội vào vị trí trú quân, kiểm tra đâu vào đấy rồi đại đội phó Hòa mới về xe mình. Mấy thành viên kíp xe anh và tiểu đội bộ binh cơ giới đã tranh thủ chợp mắt sau một đêm vất vả. Trong ánh sáng nhợt nhạt của buổi ban mai Hòa đứng lặng nhìn những gương mặt trẻ măng đang say giấc nồng cười một mình: “cũng y như mình mấy năm về trước”. Không muốn đánh động giấc ngủ của những đồng đội trẻ Hòa nhẹ nhàng trèo lên nóc xe dựa mình vào cửa trưởng xe nhẩm lại phương án tác chiến. Nhưng rồi anh không thể tập trung vào việc đó, đầu óc anh cứ vương vấn trở lại chuyến vượt sông định mệnh ngày mồng Hai hôm nào. Giá như hôm ấy cũng tổ chức cơ động được như thế này thì đâu đến nỗi vất vả, mất người, mất xe. Mà có khi còn giải phóng được Đông Hà ngay từ hôm ấy. Nếu được như thế thì bọn ngụy không kịp trở tay đưa quân ra tiếp viện và chiến dịch chẳng phải kéo dài đến tận bây giờ. Nhưng rồi Hòa tặc lưỡi: “cứ ngồi mà nếu thế này, nếu thế khác… thì chỉ có hối tiếc suốt đời thôi. Tốt nhất bây giờ là đánh một giấc cho khỏe để sáng còn vào trận”.
Nhưng rồi vừa mới chợp mắt Hòa đã bị dựng dậy đi nhận nhiệm vụ bổ sung. Nói là cuộc hành quân trót lọt nhưng thực ra cũng bị rơi rớt lại mấy xe, ngoài ra tình hình địch cũng đã có những thay đổi nên bây giờ trung đoàn phải điều chỉnh lại kế hoạch chiến đấu. Lại nhẹ nhàng trườn xuống xe, Hòa lẳng lặng đi đến vị trí sở chỉ huy đặt ở bìa làng. Những ngọn gió từ biển thổi vào mát rượi làm anh tỉnh ngủ hẳn. Mọi mệt mỏi của một đêm thức trắng dường như cũng tiêu tan.
Nói là làng nhưng thực ra từ lâu làng này đã chẳng có dân ở. Phần thì do chiến tranh ác liệt họ phải bỏ xứ ra đi. Phần còn lại thì để bảo đảm an toàn cho cảng Cửa Việt bọn ngụy đem gom hết vào trại tập trung ở Gia Đẳng. Vì vậy cả làng gần như không còn một ngôi nhà nào cho ra hồn. Cây cối phần vì không có bàn tay người chăm sóc, phần vì bom đạn liên miên nên vàng úa, xác xơ. Không một tiếng chó sủa. Không một tiếng gà gáy. Làng đó nhưng hoang vắng như chẳng phải là làng. Lần đầu tiên đi giữa một làng quê ở vùng chiến sự lòng Hòa trĩu nặng niềm thương cảm với những người dân ở đây, không biết đến bao giờ họ mới được trở lại mảnh đất của mình để dựng nhà, để cày cấy, để sinh con đẻ cái…
Sở chỉ huy trung đoàn được đặt trong một ngôi nhà gạch hiếm hoi ở bìa làng. Không có cửa giả, cũng chẳng có bàn ghế. Những người có mặt túm tụm quanh ngọn đèn bão tù mù đặt trên cái bệ thờ xây bằng gạch giữa nhà. Cạnh đó treo bản sơ đồ kế hoạch chiến đấu có vẻ như vừa mới được vẽ xong bằng những nét bút rất sơ sài. Khi Hòa đến ở đó đã đủ mặt cả ban chỉ huy tiểu đoàn, đại diện lực lượng vũ trang địa phương. Một lát sau thì trung đoàn trưởng bộ binh cùng mấy cán bộ cũng tới. Sau khi hội ý với trung đoàn trưởng bộ binh một lát trung đoàn phó Bạ trịnh trọng:
- Báo cáo các đồng chí! Cách đây mấy ngày chúng ta đã thống nhất kế hoạch chiến đấu và đã hợp đồng cụ thể. Tuy nhiên, do có một số thay đổi về tình hình địch cũng như lực lượng của ta nên phải triệu tập các đồng chí đến để thống nhất lại một số vấn đề. Cụ thể như sau: Về phía ta do công tác đảm bảo vượt sông và cơ động chưa tốt nên  chỉ có 18 trên 25 xe tới đích. Về phía địch so với kết quả trinh sát mấy ngày trước đây cũng đã có thay đổi rất lớn. Nhìn chung bọn chúng đã lùi sâu hơn về phía nam để thiết lập vành đai bảo vệ thị xã Quảng Trị. Tuy nhiên có một khó khăn rất lớn là cho đến giờ ta cũng chưa nắm chắc được lực lượng và vị trí của chúng ở đâu! Vì vậy sau khi hội ý với bộ binh và các đồng chí địa phương tôi quyết định tổ chức tiến công trên ba hướng- Bạ gí ngọn đèn vào sát tấm sơ đồ và dùng cây bút máy chỉ theo những mũi tên vẽ vội- Hướng chủ yếu do đại đội đồng chí Hòa được tăng cường 1 xe tăng, 2 xe cao xạ 23 ly, 1 xe cối cùng hai đại đội bộ binh đảm nhiệm. Mục tiêu chủ yếu của  hướng này là cầu Ba Bến- Anh dò tìm trên sơ đồ một điểm rồi dí đầu ngọn bút vào đó- Các đồng chí có nhiệm vụ chiếm giữ cây cầu này này để tạo điều kiện cho lực lượng dự bị của cánh đông bước vào chiến đấu. Đường cơ động của các đồng chí theo đường số 8. Để đánh chiếm được mục tiêu chủ yếu các đồng chí sẽ phải vượt qua các thôn Linh An, Phường Sơn, Linh Chiểu, Ngô Xá có thể có địch. Vì vậy các đồng chí phải hết sức cảnh giác. Hướng thứ yếu đánh vào trại tập trung Gia Đẳng do đại đội thiết giáp 2 thiếu một trung đội và một trung đội bộ binh đảm nhiệm. Hướng thứ ba là hướng thọc sâu theo bãi cát phía đông đường số 8 phát triển xuống phía Hải Lăng. Lực lượng gồm trung đội 2 của đại đội 2 được tăng cường 1 xe tăng và một trung đội bộ binh. Số còn lại của đại đội 3 làm dự bị. Hiện tại bộ binh đã bố trí ở ngã ba Bồ Ban, khi xe tăng đi qua sẽ bắt liên lạc và đi cùng luôn. Các đồng chí rõ nhiệm vụ chưa?
Chăm chú nhìn vào tấm sơ đồ nguệch ngoạc treo trên tường Hòa nhẩm tính về con đường mà đại đội anh sẽ phải vượt qua để đến được mục tiêu chủ yếu là khá dài. Cái đích cuối cùng mà các anh phải đánh chiếm là cầu Ba Bến nằm ngay sát nách thị xã Quảng Trị. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất là để đến được cái đích ấy đại đội anh sẽ phải vượt qua 6 ngôi làng mà ngôi nào cũng đều có những vòng răng cưa đứt đoạn vẽ bằng mực xanh biểu thị là “nghi có địch”. Có cái may là mấy ngôi làng này đều bám vào một bên con đường số 8, còn phía bên kia là bãi cát có thể cơ động được. Vì vậy trong đầu Hòa hình thành rất nhanh phương án tác chiến của đại đội mình. Anh quyết định sẽ chia đại đội làm hai mũi. Mũi chủ yếu sẽ cơ động theo đường số 8. Mũi hỗ trợ sẽ cơ động theo bãi cát phía đông làng. Tổ chức đội hình như vậy đảm bảo phát hiện địch nhanh nhất và nếu có tình huống gì xảy ra các mũi, các bộ phận sẽ hỗ trợ được cho nhau. Tuy vậy, cái khó khăn nhất vẫn là không nắm được cụ thể về địch, không khéo lại “chui đầu vào rọ” thì gay. Như đoán được ý nghĩ của cấp dưới trung đoàn phó Bạ láy lại:
- Như tôi đã nó ở trên, khó khăn lớn nhất của chúng ta là không nắm được cụ thể tình hình địch. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí chỉ huy các hướng cần vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, vừa cơ động, vừa trinh sát nắm địch. Khi phát hiện được địch thì nhanh chóng tổ chức chiến đấu để tiêu diệt. Hết sức cảnh giác, tránh để rơi vào ổ phục kích của địch- Anh ngước lên nhìn bao quát và hơi hạ giọng- Tuy nhiên ta cũng có một thuận lợi là bọn địch ở hướng này thường không có công sự vững chắc, vì vậy chủ yếu là chúng ta sẽ đánh địch ngoài công sự.
Có tiếng ai đó lầu bầu: “nhưng có biết chúng nằm ở đâu đâu!”. Hòa giơ tay:
- Tôi có ý kiến!- Chẳng đợi trung đoàn phó cho phép anh nói luôn- Trong điều kiện ta chưa nắm được tình hình địa hình, đường sá cũng như tình hình địch như hiện nay tôi nghĩ rằng ta rất cần sự giúp đỡ của các đồng chí ở địa phương. Vì vậy đề nghị trung đoàn có ý kiến với địa phương cho người dẫn đường cho tất cả các hướng, các mũi thì sẽ thuận lợi hơn.
Bạ gật đầu:
- Tôi nhất trí! Vấn đề này chúng tôi đã thống nhất với các đồng chí địa phương rồi. Mỗi hướng tiến công sẽ có một tổ du kích dẫn đường. Ngay sau đây chỉ huy các hướng gặp các đồng chí địa phương để nhận người. Còn nếu các đồng chí không có ý kiến gì thì về tiến hành mọi công tác chuẩn bị. Đúng 5 giờ 30 phút chúng ta sẽ bắt đầu xuất kích.

           ***

Suốt dọc đường trở lại vị trí trú quân của đại đội Hòa cứ im như thóc. Anh đang lo lắng. Mà lo là phải. Đánh nhau mà chẳng biết thằng địch bố trí ở đâu, lực lượng bao nhiêu… thì có mà như chơi trò “bịt mắt, bắt dê”. Đã không bắt được nó thì thôi có khi còn bị nó húc cho “sưng đầu, mẻ trán” nữa ấy chứ. Mặc dù tuần vừa rồi đã được tập huấn về mấy hình thức tác chiến mới như “tiến công trong hành tiến” hay “tao ngộ chiến” nhưng Hòa vẫn thấy tù mù lắm. Mấy chiến sĩ du kích cũng lẳng lặng đi theo Hòa. Có vẻ như họ cũng đang “lây” cái lo lắng của anh.
Buổi sáng ở miền ven biển đến thật sớm. Mới chưa đến 5 giờ mà cả một vừng chân đời phía đông đã hồng rực báo hiệu một ngày nắng ráo. Từ bìa làng một trảng cát mênh mông trải dài tưởng như vô tận trong ánh sáng buổi ban mai. Đám lính trẻ vẫn say sưa ngủ ở mọi tư thế bất chấp những cơn gió biển se se lạnh thổi vào ràn rạt. Liếc nhìn đồng hồ Hòa gọi to:
- Nhật! Đánh thức toàn đại đội dậy! Báo cho các trung đội trưởng và trưởng xe đến nhận nhiệm vụ ngay.
Nhật lao vút đi. Chỉ một loáng toàn thể cán bộ từ trưởng xe trở lên đã có mặt cạnh xe đại đội trưởng. Hòa cầm cái que vạch vội mấy đường trên mặt đất rồi vào đề luôn:
- Báo cáo các đồng chí! Tôi vừa đi nhận nhiệm vụ về. So với kế hoạch đã được phổ biến hôm trước nhiệm vụ của chúng ta có một số thay đổi. Do điều kiện thời gian rất gấp nên không kịp đắp bàn cát cũng như vẽ sơ đồ nữa. Tuy nhiên do các đồng chí cũng đã được nghiên cứu về địa hình khu vực này rồi nên tôi phổ biến luôn tại đây cũng được. Về nhiệm vụ của đại đội ta hôm nay sẽ đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu của tiểu đoàn, tiến công tiêu diệt địch dọc theo trục đường số 8, giải phóng các thôn Long Quang, Linh An, Phường Sơn, Thượng Trạch, Linh Chiểu, Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây và cuối cùng là đánh chiếm cầu Ba Bến, trực tiếp uy hiếp phía đông thị xã Quảng Trị. Về lực lượng địch ở đây theo trên cho biết có từ 1 đến 2 tiểu đoàn chủ lực, một số trung đội dân vệ và 1 chi đoàn tăng thiết giáp. Tuy nhiên chúng đang ở đâu, phân chia lực lượng như thế nào thì hiện nay ta chưa nắm được. Đại khái chỉ biết chúng bố trí ở đâu đó trong các thôn mà chúng ta phải đi qua. Vì vậy tôi quyết định tổ chức đội hình như sau- Anh vẽ thêm mấy mũi tên trên mặt đất nữa rồi cao giọng- Đại đội ta sẽ tiến công theo hai mũi. Mũi chủ yếu gồm xe tôi và trung đội 1 cùng với các xe tăng cường. Mũi này sẽ tiến công theo trục đường số 8. Còn mũi thứ hai làm nhiệm vụ hỗ trợ. Lực lượng của mũi này là toàn bộ trung đội 2 và một trung đội bộ binh. Mũi này sẽ tiến theo bãi cát phía đông đường số 8, có nhiệm vụ hỗ trợ cho mũi chủ yếu tiêu diệt địch. Xe đồng chí Nhật sẽ đi trước đội hình của mũi chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát. Khi phát hiện được địch phải nhanh chóng đánh giá tình hình và báo cáo về cho tôi. Căn cứ tình hình địch cụ thể tôi sẽ điều động lực lượng lên để tiêu diệt. Nhiệm vụ như vậy các đồng chí đã rõ cả chưa?
Nhật gãi đầu gãi tai lúng búng:
- Nhiệm vụ thì… rõ rồi, nhưng…còn đường sá thế nào thì em không biết đâu.
Hòa gật đầu:
- Cái đó thì không lo. Chúng ta được tăng cường ba đồng chí du kích đây rồi. Một đồng chí sẽ đi xe tôi. Một đồng chí đi với trung đội 2. Còn một đồng chí sẽ đi với xe đồng chí Nhật. Thế được chưa?
Nhật cười tươi tỉnh:
- Thế thì tốt rồi ạ!
Cúi nhìn đồng hồ một lần nữa Hòa cao giọng:
- Các đồng chí chú ý! Bây giờ là 5 giờ đúng. Còn 30 phút nữa chúng ta sẽ xuất kích. Sau đây các đồng chí về xe phổ biến nhiệm vụ cho anh em và tiếp tục làm công tác chuẩn bị. Riêng đồng chí Nhật ở lại tôi trao đổi thêm một chút.
Mọi người nhanh chóng tản đi. Có vẻ ai cũng muốn tận dụng chút thời gian ít ỏi còn lại để chuẩn bị chu đáo hơn. Bên cạnh Hòa lúc này chỉ còn Nhật và 2 chiến sĩ du kích. Hòa hất cằm thân mật hỏi Nhật:
- Thế nào? Có “ngán” không?
Nhật gật đầu:
- Đánh nhau mà cứ tù mà tù mù, chẳng biết địch nó ở đâu thì kể ra cũng hơi ngán thật.
Hòa vỗ về:
- Thế mới cần các cậu đi trước để trinh sát chứ!- Anh ôm lấy vai Nhật hạ giọng dặn dò- Cứ đi từ từ thôi, bảo Toản nó giữ tốc độ khoảng 10 cây số một giờ. Thấy chỗ nào nghi ngờ thì dừng lại, “tương” vào đấy một vài loạt xem động tĩnh thế nào. Nếu có địch thì đừng có ham đánh, phải nhanh chóng tìm địa hình có lợi để ẩn nấp bảo vệ lấy mình rồi báo cáo về cho tớ. Nghe rõ chưa?
Nhật gật đầu:
- Em rõ rồi! Kiểu này cũng như bọn em đánh trận giả thôi, khi không biết bọn “địch” nấp ở đâu bọn em cũng phải làm thế. Cho một thằng “chim mồi” lấp ló chọc tức bọn chúng. Khi bọn chúng lộ chỗ trú rồi bọn em cho quân vòng đằng sau đánh úp. Bây giờ cũng như thế phải không anh?
Hòa thân mật:

- Ừ! Đại loại là như thế. Thôi về xe đi, chuẩn bị đến giờ xuất kích rồi- Nhật đã đi được mấy bước anh còn dặn với theo- Không được chủ quan, thật cẩn thận vào Nhật nhé! Đây không phải đánh trận giả đâu.

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

MÀN PHÁO HOA ĐẸP NHẤT TRONG ĐỜI

Tối 30.4.1975, trời Sài Gòn bỗng được chiếu sáng rực rỡ bởi màn pháo sáng liên tục bắn lên từ phía cảng Khánh Hội. Nhiều người ngỡ ngàng: Sao Quân giải phóng chuẩn bị nhanh thế?

Màn "pháo hoa" mừng chiến thắng độc nhất vô nhị đêm 30.4.1975 của Bộ đội xe tăng
Mới giải phóng buổi trưa mà giờ đã có pháo hoa chào mừng. Nhưng không phải vậy! Đó là một màn pháo hoa ngoài kế hoạch. Và có một bí mật không phải ai cũng biết: Tác giả màn pháo hoa ấy chính là cán bộ, chiến sĩ Đại đội xe tăng 4 của Lữ đoàn 203 – những người đã húc cổng, cắm cờ tại Dinh Độc Lập buổi trưa hôm đó.
14 giờ ngày 30 tháng Tư năm 1975, sau khi tình hình ở Dinh Độc Lập đã trở lại bình thường, Đại đội xe tăng 4 được giao nhiệm vụ chiếm giữ cảng Sài Gòn và kiểm soát tình hình đi lại trên sông. Ngay sau khi nhận lệnh, đại đội trưởng Bùi Quang Thận lập tức tập hợp đội hình, phổ biến nhiệm vụ và tổ chức cho đại đội cơ động về phía cảng.
Lúc này quảng trường trước cửa Dinh Độc Lập và các con đường xung quanh đều đông nghẹt người. Có thể nói gần như tất cả nam, phụ, lão, ấu của thành phố đã đổ về đây để chứng kiến giờ phút trọng đại của dân tộc.
Từ trong sân dinh đi ra, những chiếc xe tăng còn lấm đỏ bụi đường phải bò từng tí một vì bà con cứ xúm xít xung quanh vẫy chào, chụp ảnh, tặng hoa… Phải mất một lúc lâu chúng mới qua khỏi đám đông và nhanh chóng tăng tốc độ.
Màn pháo hoa mừng chiến thắng độc nhất vô nhị đêm 30.4.1975 của Bộ đội xe tăng - Ảnh 2.
Xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30.04.1975. Ảnh tư liệu
Chừng hai mươi phút sau, toàn đại đội đã đến con đường trước cổng cảng. Ngay sau khi vào cảng, đại đội trưởng Thận cho tất cả các xe tiến sát ra mép cầu cảng. Những khẩu pháo 100 mm hướng xuống mặt sông đầy đe dọa. Trên cầu cảng rải rác vài chiếc xe du lịch các màu đỗ ngổn ngang, cửa và nắp cốp xe vẫn mở toang hoác.
Chắc là của những người giàu hay quan chức di tản bỏ lại. Dưới sông chỉ có một tàu vận tải loại nhỏ đang neo tại cầu tàu. Các chiến sĩ yêu cầu những người còn đang ở trong cảng ra ngoài hết rồi đóng cổng lại. Chỉ mất khoảng mười phút, Đại đội xe tăng 4 đã hoàn toàn làm chủ cảng Sài Gòn.
Ít phút sau, hai chiếc tàu kiểu sà lan tự hành chạy từ phía hạ lưu lên. Các chiến sĩ cảnh giới vẫy nhẹ tay, hai chiếc tàu đã lập tức bẻ lái cặp sát vào cầu cảng. Những người chủ tàu lên bờ trình báo: “Tàu của họ là tàu dân sự nhưng bị chính quyền Sài Gòn trưng dụng đi phục vụ chuyển quân.
Tuy nhiên, trưa nay lính tráng đã bỏ chạy hết nên bây giờ họ đang trên đường về nhà”. Khi hỏi: “Tại sao trên tàu nhiều súng như vậy?” họ cho biết: “Lính Việt Nam cộng hòa khi tan rã đã bỏ lại tất cả súng ống, đạn dược và cả quần áo nữa”.
Màn pháo hoa mừng chiến thắng độc nhất vô nhị đêm 30.4.1975 của Bộ đội xe tăng - Ảnh 3.
Xe tăng Lữ đoàn 203 chiếm Dinh Độc Lập trưa 30.04.1975. Ảnh tư liệu
Sau khi kiểm tra các loại giấy tờ thấy đúng như họ nói, các chiến sĩ đồng ý sẽ cho họ về nhà nhưng yêu cầu họ phải đưa tất cả các loại vũ khí, trang bị quân sự dưới tàu lên bờ.
Đợi một lúc nữa không có tàu nào qua lại, đại đội trưởng Thận phân công các lái xe ở lại cảnh giới, còn lại đi nấu cơm và thu dọn khu vực kho. Cả một dãy mười cái kho rộng mênh mông cửa mở toang. Hàng hóa thì đủ thứ thượng vàng, hạ cám, có những kiện hàng to như cả gian nhà, nhỏ thì cái bát, đôi đũa đều có nhưng có lẽ nhiều nhất là vải vóc.
Màn pháo sáng để đời
Cơm nước xong, cả đại đội kéo nhau ra sát mép cầu cảng ngồi. Ở đó có khoảng chục súc gỗ lớn vứt ngổn ngang. Gần hai chục anh em kẻ đứng, người ngồi trên mấy súc gỗ điểm lại tên những người ngã xuống suốt chặng đường từ ngoài Bắc vào tới đây, nhắc chuyện quê hương và nhớ những người thân ở quê đang ngóng đợi. Ai cũng nghĩ chỉ ít ngày nữa là mình sẽ được về quê.
Chiều ngày hoà bình đầu tiên trên bến cảng thật bình yên. Dưới sông, những dề lục bình trôi lững lờ. Gió thổi mát rượi xua tan hết những mệt nhọc của hơn một tháng trời ròng rã chiến đấu từ Huế vào đến Sài Gòn. Những người lính ngồi hóng gió thật thảnh thơi như những nông dân sau một buổi cày. Cứ như một giấc mơ vậy- nhiều người bảo thế!
Chiều xuống dần. Mặt trời đã lặn hẳn. Hoàng hôn Sài Gòn tím thẫm trông thật lạ. Một cậu lính trẻ trông khá thư sinh, láu lỉnh bỗng đề xuất với đại đội trưởng xin bắn pháo sáng mừng chiến thắng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ngạc nhiên khi biết cậu ta đã thu gom được những 3 thùng pháo sáng. Mỗi thùng có 40 quả, vị chi là có những 120 quả.
Nhìn chung, đồ quân dụng của quân đội Mỹ đều thuộc loại rất tốt và bền, trong đó có pháo sáng. Những quả pháo sáng có vỏ là một ống nhôm gần bằng cổ chân, một đầu là hạt nổ, một đầu là nắp đậy được dán kín bởi băng keo.
Với kết cấu như vậy dù có ngâm nước cả tháng nó vẫn không hề hấn gì. Khi sử dụng chỉ việc bóc băng keo ra, lồng cái nắp vào đáy ống và dập mạnh xuống đất.
Thế là một quả pháo sáng sẽ vọt lên. Nhờ có dù nên pháo sáng sẽ lơ lửng trên không chừng vài ba phút, soi tỏ một diện tích khá rộng. Sau khi bắn xong cái vỏ có thể làm thành cái ống điếu cày rất tuyệt, không sợ dập vỡ bao giờ.
Nghe vậy, Thận thích chí cười: “Bắn đi! Mấy chục năm chiến tranh giờ mới có hòa bình. Phải chào mừng mới đúng chứ!”.
Thế là cả đại đội ngồi quây lại thành một vòng tròn. Lúc đầu họ đập đồng loạt. Khi gần hai chục cánh tay cùng dập mạnh xuống chỉ nghe thấy những tiếng “vút”, “vút” vang lên rồi gần hai chục quả pháo sáng nở bừng trên bầu trời tím thẫm.
Một góc Sài Gòn bừng sáng, mặt nước sông lung linh phản chiếu lên càng làm cho chùm ánh sáng thêm huyền ảo, kỳ bí. Cả đại đội sung sướng ngước nhìn và reo hò đến vỡ họng. Ngoài phố phía đối diện với cổng cảng cũng vang lên tiếng hò reo hưởng ứng của nhân dân và những người chứng kiến.
Tiếp đó, họ bắn theo nhóm rồi bắn lần lượt nối tiếp nhau. Trên bầu trời đêm đen kịt những quả pháo sáng lần lượt bừng nở, quả này vừa tắt đã có quả khác bắn lên. Cả một góc Sài Gòn bừng sáng, những gương mặt trẻ tươi rói cùng reo hò đến khản cổ. Đó đây một vài quả pháo sáng được bắn lên như phụ họa cùng bữa tiệc pháo sáng nơi đây.
Buổi bắn pháo sáng của Đại đội xe tăng 4 kéo dài đến gần ba mươi phút. Bầu trời khu vực cảng Sài Gòn liên tục rực sáng và ngập trong tiếng reo hò của mấy chục lồng ngực trẻ và của bà con xung quanh.

Đã hơn 40 năm trôi qua, đã được chứng kiến hàng chục cuộc bắn pháo hoa trong những dịp lễ, Tết hay kỷ niệm gì đó song với cán bộ- chiến sĩ Đại đội xe tăng 4 thì màn pháo sáng mừng hòa bình thống nhất trên cầu cảng Sài Gòn đêm 30.4.1975 vẫn là màn pháo hoa đẹp nhất trong đời.

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 28


Đợt Hai chiến dịch Quảng Trị được bắt đầu bằng một trận pháo kích dữ dội chưa từng có. Các trận địa pháo tầm xa từ Bắc Bến Hải, Tà Cơn, Miếu Bái Sơn cùng các dàn hỏa tiễn H12 bố trí ở Dốc Miếu đồng loạt lên tiếng. Những chớp lửa nháng lên từng chập dìm các cứ điểm phòng thủ vòng ngoài và trung tâm Đông Hà, Ái Tử trong khói lửa. Một lát sau pháo địch từ ngoài khơi và các trận địa pháo ở Nam Ái Tử, thị xã Quảng Trị cũng bừng tỉnh và bắt đầu phản pháo. Những lằn sáng đan chéo nhau như muốn xé rách bầu trời. Trên không trung hai chiếc máy bay xuất hiện, từ bụng chúng hai quả pháo sáng vọt ra. Trong buổi bình minh nhợt nhạt hai quả pháo sáng trông thật vô duyên. Hai chiếc máy bay quần đảo một hồi rồi lần lượt lao xuống cắt bom xuống cánh rừng ở phía tây cứ điểm.
Trong tai nghe của anh chợt vang lên giọng nói quen thuộc của chính trị viên Dư: “02 gọi 12! 100!”. Như vậy là trung đội 2 đã bắt đầu xuất kích lên chiếm “tuyến triển khai” và cho đến lúc này thì mọi việc đều được thực hiện đúng kế hoạch. Yên tâm rồi Nhã ôm chặt lấy kính trưởng xe căng mắt nhìn về phía cứ điểm Tân Vĩnh đang ngập chìm trong khói lửa. Trời mới mờ sáng, trong thị trường của kính chỉ thấy nhạt nhòa một màu trắng đục, thỉnh thoảng lại thấy lóe lên một chớp lửa đầu nòng và cùng với nó là những vệt đạn sáng từ trong cứ điểm vãi ra xung quanh như một đàn châu chấu lửa. Chưa thấy bóng dáng chiếc xe tăng nào xuất hiện.
Chợt trong ống kính của Nhã một loạt ánh chớp lóe lên liên tục sát chân điểm cao 58. Nhã hiểu rằng công binh đã tiếp cận được hàng rào và đang thực hành mở cửa. Anh nhấn công tắc ngực:
- 01 gọi 11! Tăng cường quan sát phía cửa mở! 47!
Một loạt ánh chớp nữa lóe lên. Dường như bọn địch trong cứ điểm đã phát hiện ra hướng tiến công chủ yếu của ta nên tập trung mọi hỏa lực vào đây. Những lằn sáng đan vào nhau thành một tấm lưới lửa dày đặc chụp xuống khu vực cửa mở. Trong tai nghe của Nhã vang lên tiếng tiểu đoàn trưởng Thạnh: “01 chú ý! Tập trung chi viện công binh mở cửa! 47!”. Không trả lời, Nhã vẫn dán mắt vào kính trưởng xe cố dõi tìm bóng dáng những chiếc xe tăng địch. Chợt trong cái mớ hỗn độn ấy một đốm sáng vàng đục lóe lên. Nhã mừng quýnh: “Đúng là chớp lửa đầu nòng của pháo tăng. Ông chụp được mày rồi”. Ngay lập tức anh bấm nút liên lạc nội bộ:
- Thủy! Tăng trong hầm bên phải cửa mở, một nghìn hai, tại chỗ bắn!- Ngay sau đó Nhã chuyển về phát- 11 chú ý! Tăng trong hầm, một nghìn hai bên phải cửa mở. Tiêu diệt!
Một tiếng “phập” trầm ấm dội lên, chắc Kỳ đã nạp xong viên đạn xuyên. Tuy nhiên pháo thủ Thủy vẫn chưa phát hiện ra mục tiêu, cậu ta loay hoay quay pháo hết sang phải lại sang trái. Sốt ruột, Nhã hơi gắt:
- Sao không bắn đi?
Thủy hổn hển:
- Chẳng nhìn thấy gì anh ạ!
Chẳng nói chẳng rằng Nhã gạt đầu Thủy sang một bên rồi cúi xuống ghé mắt vào kính ngắm, hai tay anh luồn xuống nắm lấy tay tầm, tay hướng. Quả thật, thị trường kính ngắm vẫn chỉ thấy trắng đục một màn sương. Cố đưa đầu ngắm vào vị trí chớp lửa đầu nòng ban nãy Nhã cũng chỉ thấy một chấm đen mờ mờ ảo ảo như cái cúc áo. Nâng độ phóng đại lên 7 lần tình hình cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Đúng lúc đó một chớp sáng lại lóe lên ở đó. Nhã nhanh tay đưa đầu ngắm lớn vào đúng nơi cái chớp lửa vừa nháng lên và bóp cò. “Ầm, Xoảng”, chiếc xe giật mạnh một cái, buồng chiến đấu mù mịt khói và thum thủm mùi thuốc phóng cháy. Nhã ngẩng lên đưa mắt vào kính trưởng xe. Anh nhìn rõ viên đạn xuyên vạch một đường đỏ rực đang lao thẳng vào cái chấm đen đen, mờ mờ ấy. Theo sau nó là hai chấm đỏ khác- chắc là hai xe kia cũng đã phát hiện mục tiêu và phát hỏa. Ba chấm đỏ gần như chụm lại cùng một chỗ. Để cho chắc ăn Nhã bảo Thủy:
- Bắn tiếp vào đó một phát nữa!
Trong lúc Thủy ngắm bắn Nhã tập trung tinh lực quan sát khu vực đầu cầu. Pháo binh đã chuyển làn vào phía trong chiều sâu cứ điểm. Những đám khói bụi bị làn gió từ phía biển thổi vào lồng lộng làm dạt bớt đi. Trời cũng đã sáng hơn nên Nhã nhìn khá rõ các công sự của địch. Từ đó những chớp lửa vẫn liên tục lóe lên và những làn đạn sáng vẫn nối đuôi nhau tuôn về phía cửa mở. Bên hướng thứ yếu cũng đã nổ súng nhưng hơi rời rạc. Vẫn chưa thấy biển báo cửa mở thông, chắc là do hỏa lực địch dày đặc quá nên công binh không thể tiếp tục được công việc. Nhã quyết định sẽ tiêu diệt mấy hỏa điểm này, anh nhấn nút báo gọi:
- Đạn nổ, hỏa điểm trước cửa mở, tại chỗ bắn!- Ngay sau đó anh nhấn công tắc về phát- 01 chú ý! Tập trung hỏa lực diệt các hỏa điểm chi viện công binh mở cửa!
Có lẽ do điều kiện quan sát đã tốt hơn nên Thủy nhanh chóng “tương” vào đó hai quả đạn. Hai xe kia cũng đã phát hỏa. Khu vực đầu cầu lại ngập trong khói lửa. Với uy lực của mình, lại ở khoảng cách gần chỉ trong chốc lát ba khẩu pháo 100 đã bắt các hỏa điểm tại khu vực đó câm họng, không còn thấy những làn đạn đỏ rực từ đó bắn ra nữa. Thấp thoáng mấy bóng người lao vào giữa đám khói bụi mịt mờ đó. Một loạt ánh chớp lại lóe lên. Ngay sau đó, một phát pháo hiệu vọt lên bầu trời trắng đục vẽ thành một hình vòng cung đỏ rực. Nhã hiểu rằng cửa mở đã thông và đã có lệnh xung phong. Tuy nhiên, điều anh quan tâm nhất bây giờ vẫn là những chiếc xe tăng địch, chúng đang ở đâu, chúng ẩn nấp ở chỗ nào? Dù cửa mở đã thông nhưng chỉ cần một chiếc xe tăng địch án ngữ ở đấy bộ binh và xe tăng của ta cũng khó mà vượt qua. Nhã lại dán mắt vào kính quan sát, anh từ từ quay kính hết từ trái sang phải rồi lại từ phải sang trái cố sục tìm không bỏ sót bất cứ động tĩnh nào. Chợt Nhã reo lên: “Thấy rồi”. Giữa đám khói bụi mịt mù Nhã đã phát hiện ra một khối đen mờ đang lừ lừ chuyển động. Nó dần hiện hiện nguyên hình một chiếc xe tăng. Theo sau nó còn hai chiếc nữa. Chúng vừa chạy vừa bắn như điên về phía cửa mở. “Rõ ràng là chúng xác định hướng tiến công chủ yếu của ta ở phía tây nên đã bố trí xe tăng ở đấy. Giờ đây khi phát hiện được hướng tiến công của ta ở bên này chúng buộc phải đưa xe tăng ra bịt cửa mở”- Nhã nghĩ bụng. Anh bật công tắc chỉ mục tiêu cho pháo quay về hướng chiếc xe tăng rồi gằn giọng:
- Đạn xuyên, xe tăng một nghìn ba, tại chỗ bắn!- Ngay sau đó anh bấm công tắc phát- 11 chú ý! Hướng cửa mở, xe tăng một nghìn ba, tiêu diệt!
Gần như ba khẩu pháo gầm lên cùng một lúc. Những viên đạn xuyên chui thun thút vào chiếc xe tăng đang cơ động. Nó khựng lại, từ đỉnh tháp pháo một luồng khói đen phun ra càng lúc càng đậm. Hai chiếc đi sau vội dạt xuống những chỗ trũng chỉ còn nhô mỗi tháp pháo lên. Chừng như chúng đã phát hiện ra “đối thủ” nên tập trung bắn trả. Những vệt đạn chống tăng đỏ rực bay về phía trận địa bắn của Nhã. Anh nhấn vội công tắc phát:
- 11 chú ý! Tập trung diệt chiếc bên trái!
Lại một lần nữa ba khẩu pháo gầm lên cùng một lúc. Nhã chưa kịp quan sát kết quả bắn thì “ầm”- một tiếng nổ kinh thiên động địa dội vào tai anh, chiếc ghế trưởng xe lắc mạnh một cái làm Nhã đập đầu vào thành cửa đau điếng, hai tai ù đặc. Định thần lại nhìn ra ngoài Nhã chỉ thấy khói bụi mù mịt. Lại một ánh chớp lóe lên ngay cạnh xe và một tiếng nổ nữa dội lên. Nhã hiểu bọn máy bay đã phát hiện ra trận địa bắn của các anh nên đang tập trung đánh phá. Như một phản xạ tự nhiên Nhã bóp phát:
- 11 chú ý! Cho người lên bắn máy bay, tiếp tục diệt nốt xe tăng trước cửa mở!- Anh ấn nút nội bộ hét- Kỳ, lên bắn máy bay! Thủy sang nạp đạn cho tôi bắn!
Thủy vừa tụt khỏi ghế pháo thủ Nhã đã cúi xuống ghé mắt vào kính ngắm. Sau làn khói bụi anh nhìn thấy chiếc tăng thứ ba đang bốc cháy ngùn ngụt. Anh quay pháo về chiếc tăng thứ tư nhưng không thấy nó đâu, chắc nó đã tụt xuống chỗ sâu hơn. Đúng lúc đó Kỳ đã mở được cửa pháo hai, vừa nhô đầu lên cậu ta đã kéo ngay một tràng 12 ly 7 đón đầu chiếc máy bay đang lao xuống. Bên hai xe kia chắc cũng có người lên bắn máy bay nên loạt bom tiếp theo đều vung vãi mãi dưới chân điểm cao. Nhã vẫn dán mắt vào kính ngắm, tay quay pháo chầm chậm để tìm chiếc xe thứ tư và anh đã phát hiện ra nó chỉ còn nhô mỗi cái tháp pháo đen sì lên ngay bên trái chiếc xe thứ hai giờ đã thành một ngọn đuốc. Không chần chừ anh điều chỉnh lại thước ngắm rồi đưa đầu ngắm lớn vào đó và siết cò. Ngay sau đó trong tai nghe của Nhã vang lên tiếng chính trị viên Dư:
- 02 gọi 10! Đề nghị 11 chi viện để 12 xung phong! 47!
Mặc dù chưa biết chắc chiếc xe thứ tư đã bị tiêu diệt hay chưa nhưng Nhã hiểu thời cơ xung phong đã đến, chính sự xung phong của thê đội 1 lúc này sẽ buộc toàn bộ hỏa lực địch, trong đó có xe tăng sẽ phải bộc lộ lực lượng. Vì vậy anh lên đài:
- 01 gọi 02! Đồng ý, cho 12 nhanh chóng xung phong! 47!
Ngay sau đó anh quay pháo dõi tìm chiếc tăng thứ tư. Có vẻ như phát đạn vừa rồi chưa trúng đích nên không thấy nó đâu. Trong khi đó có lẽ bọn địch đã điều động thêm lực lượng về hướng này nên một lưới lửa dày đặc lại trùm lên khu vực cửa mở. Tiếng tiểu đoàn trưởng Thạnh lại vang lên trong tai nghe:
- 11 chú ý! Tập trung toàn bộ hỏa lực chi viện 12 và BB xung phong! 47!
Chẳng kịp trả lời Nhã chỉnh lại pháo bắn liên tiếp vào khu vực đầu cầu ba phát đạn nổ. Những chớp lửa liên tục lóe lên chứng tỏ hai xe bên cạnh và ba xe của trung đội 2 cũng đang bắn vào đó. Trên cửa pháo hai Kỳ vẫn ghì chặt khẩu 12 ly 7, cậu bắn từng loạt ngắn một cách rất bình tĩnh, chắc chắn. Có vẻ như bọn máy bay cũng biết sợ rồi nên chỉ lượn vòng mãi tít trên cao mà không dám bổ nhào xuống thấp như trước. Yên tâm về mật độ hỏa lực Nhã quay kính trưởng xe sang phải, anh suýt reo lên khi thấy ba xe của trung đội 2 đã chuyển sang xung phong. Giữa mịt mù khói lửa của hỏa lực địch ba chiếc xe tăng thành đội hình bậc thang trái đang hăm hở nhằm hướng cửa mở lao tới. Chốc chốc từ miệng nòng pháo lại bùng lên một chớp lửa sáng lòa. Không quên nhiệm vụ của mình Nhã lại cúi xuống kính ngắm quan sát kỹ khu vực đầu cầu. Những cụm khói vẫn liên tục xuất hiện ở đó, hỏa lực của địch từ trong bắn ra đã giảm đi đáng kể. “Như thế này là thuận lợi rồi”- Nhã nghĩ bụng và quay kính quan sát vào trong chiều sâu cứ điểm. Bỗng anh giật mình vì phát hiện thấy hai chiếc xe tăng trong hầm ở gần đỉnh điểm cao 58 đang bắn mạnh vào đội hình xung phong. Có lẽ chúng đã chuẩn bị sẵn công sự ở đó và giờ mới điều động ra. Với khoảng cách ấy, lại ở trên cao chúng vẫn có thể khống chế được xe tăng và bộ binh ta trước cửa mở. Tuy nhiên khoảng cách từ trận địa của anh tới đó lại khá xa. Nhưng không còn cách nào khác, phải tập trung hỏa lực để diệt chúng ngay. Nhã quát Thủy:
- Đạn xuyên!- Một tay quay pháo, tay kia bóp công tắc phát anh nói như hét- 11 chú ý! Tập trung hỏa lực diệt tăng trong hầm gần đỉnh điểm cao! Cái bên phải trước!
Dứt lời Nhã điều chỉnh lại thước ngắm và quay pháo ngắm vào chiếc tăng bên phải. Vừa nghe tiếng “phập” của khóa nòng anh đã bóp cò. Có lẽ do khoảng cách quá xa nên viên đạn không trúng. Hai chiếc xe tăng địch vẫn bắn đều đều về phía cửa mở. Ruột nóng như lửa đốt Nhã vừa điều chỉnh thước ngắm vừa gằn giọng:
- Đạn xuyên!
Lần này viên đạn đã đi trúng đích, chiếc xe tăng bên phải bốc cháy đùng đùng. Chiếc bên trái có lẽ quá hoảng sợ nên thụt lùi mất dạng xuống sườn bên kia điểm cao. Quay kính trưởng xe về chân điểm cao Nhã thấy trung đội 2 đã vượt qua cửa mở và đang phát triển vào bên trong. Ba chiếc xe tăng tỏa ra thành ba mũi hướng lên đỉnh điểm cao, lúc chạy, lúc dừng, họng súng đại liên liên tục lóe sáng, khẩu pháo 100 thỉnh thoảng lại khạc ra một bụm lửa.  Trong khi đó bộ binh đang túa ra đánh chiếm từng công sự. Nhã hiểu rằng số phận điểm cao 58 đã được định đoạt, anh quay kính sang quan sát điểm cao 32.
Không được hỏa lực xe tăng yểm hộ trực tiếp nên cửa mở trên hướng thứ yếu đánh vào điểm cao 32 vẫn chưa thông. Bộ binh vẫn nằm tại chỗ bắn vào cứ điểm. Tuy nhiên, tình huống này đã được tính đến khi trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ  chiến đấu và tổ chức hiệp đồng. Bây giờ bên 58 coi như đã giải quyết xong Nhã quyết định sẽ dành sự quan tâm cho hướng này.  Biết khoảng cách từ trận địa bắn của mình đến 32 là quá xa, từ đây nếu bắn vào xe tăng trong hầm thì rất khó trúng. Tuy nhiên, nếu trung đội 2 mà chiếm được đỉnh 58 thì từ đó bắn sang 32 lại rất thuận lợi. Vì vậy Nhã lên đài:
- Toàn 10 chú ý! 11 chuyển di hỏa lực sang bắc điểm cao 32, 12 nhanh chóng chiếm địa hình có lợi diệt địch ở sườn tây 32, chú ý diệt xe tăng địch! 47!
Đúng như Nhã dự đoán. Khi trung đội 2 phát triển lên được đỉnh điểm cao 58 và cả đại đội tập trung hỏa lực bắn vào điểm cao 32 được vài phút thì bọn địch “vỡ trận”. Hai chiếc xe tăng và lốc nhốc theo sau là một lũ bộ binh rùng rùng kéo nhau về phía Ái Tử. Nhã lập tức lên đài:
- 01 báo cáo 97! Quân địch đang rút chạy, xin phép cho 11 truy kích! 47!
Có lẽ tiểu đoàn trưởng Thạnh phải hội ý với trung đoàn trưởng thì phải nên một lát sau mới nghe thấy tiếng anh:
- 01 chú ý! Dưới chân cao điểm có mìn chưa gỡ hết, 01 cho 10 khẩn trương cơ động về vị trí tập kết sau chiến đấu, 47!
Nhã tiếc rẻ nhìn theo đám bụi đang cuốn xa dần. Nhưng anh hiểu quyết định của cấp trên là đúng đắn. Sẽ có rất nhiều việc chờ các anh ở khu tập kết để chuẩn bị cho trận đánh quyết định vào Ái Tử sắp tới.

***

Có vẻ như chiến thuật “phòng ngự vỏ cứng” của quân ngụy đã bị thủ đoạn “bí mật đưa xe tăng xuống công sự bắn ngắm trực tiếp ở khoảng cách gần” phá vỡ. Ngay trong buổi sáng đầu tiên của đợt Hai chiến dịch, hàng loạt cứ điểm tại phía tây thị trấn Đông Hà và căn cứ Ái Tử, được phòng ngự bởi xe tăng kết hợp với bộ binh, từng được coi là “bất khả xâm phạm” đã bị tiêu diệt. Hơn 20 xe tăng đủ các loại của địch cả ở trong công sự, cả khi ra phản kích và khi đang rút chạy đã bị xe tăng ta bắn cháy. Trong đó, ở cánh bắc chỉ riêng xe của đại đội trưởng Thế đã bắn cháy 5 xe địch. Ngoài ra, cánh tên lửa B72 vừa mới đưa vào làm ăn cũng khá nên số xe tăng địch bị bắn cháy cũng khá nhiều. Vẻ mặt rạng rỡ tư lệnh mặt trận bắt tay phó tư lệnh Đào:
- Chúc mừng cậu! Thế là “vỏ quýt dày” của bọn ngụy đã bị “móng tay nhọn” của các cậu chọc thủng rồi!
Ông Đào cũng vui mừng không kém. Thế là thực tiễn đã chứng minh sự đúng đắn và sáng tạo của thày trò ông trong sử dụng xe tăng làm trận địa bắn ngắm trực tiếp. Ông lắp bắp:
- Cảm ơn thủ trưởng! Cũng nhờ thủ trưởng và các binh chủng bạn tạo điều kiện giúp đỡ.
Tư lệnh mặt trận trở lại vẻ nghiêm nghị:
- Thôi! Hai cánh này thế là được rồi. Còn cánh đông anh thấy sao. Liệu đã đưa H02 vào sử dụng được chưa?
Như được gãi trúng chỗ ngứa phó tư lệnh Đào sôi nổi hẳn lên:
- Báo cáo tư lệnh! Được chứ ạ! Anh em ở dưới đó đã rất sẵn sàng rồi.
Vẫy ông Đào lại gần tấm bản đồ chiến sự tư lệnh mặt trận khoát tay một vòng đầy hào hứng:
- Cứ đà này chỉ một, hai ngày nữa ta sẽ làm chủ được Đông Hà, Ái Tử và áp sát Quảng Trị. Tuy nhiên áp lực mới chỉ được tạo nên ở ba cánh Bắc, Tây, Nam. Còn bên cánh Đông vẫn chưa có gì. Như vậy nếu ta ép mạnh chúng vẫn có chỗ lùi. Thậm chí chúng có thể còn tăng viện từ đường biển vào được. Vì vậy mặt trận rất muốn tổ chức một mũi thọc sâu bên cánh đông để cô lập hoàn toàn bọn địch, không cho chúng rút ra biển và cũng không cho chúng tăng viện từ biển vào. Tuy nhiên lực lượng ở đó hơi mỏng, chỉ có một trung đoàn bộ binh- Ông dừng lại một chút chăm chú nhìn vào mắt phó tư lệnh Đào rồi dằn giọng- Anh nghĩ sao nếu ném H02 vào đó?
Biết rằng trước sau gì chuyện này cũng đến nên ông Đào rất bình tĩnh. Sau hội nghị rút kinh nghiệm về sử dụng tăng thiết giáp trong đợt một của chiến dịch ông đã cùng một số trợ lý xuống trực tiếp cùng với H02 tổ chức rút kinh nghiệm và tập huấn một số nội dung về chiến thuật tiến công trong hành tiến, chiến thuật tao ngộ chiến. Tuy nhiên, dù sao đó cũng mới chỉ là một mớ lý thuyết suông chưa hề được kiểm nghiệm trong thực tế. Và có lẽ đây chính là thời cơ để kiểm nghiệm. Vì vậy ông hăng hái:
- Báo cáo tư lệnh! Theo tôi đây là thời cơ thuận lợi nhất để đưa H02 vào chiến đấu đấy ạ!
Tư lệnh mặt trận chợt trở lại vẻ trầm ngâm:
- Đúng như vậy! Bọn địch vẫn không thể ngờ ta có thể sử dụng tăng thiết giáp ở vùng đồng bằng ven biển. Tận dụng yếu tố bất ngờ này, với tốc độ tiến công cao của bộ binh cơ giới ta có thể nhanh chóng làm chủ hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng để gây áp lực lên hệ thống phòng thủ của địch từ phía đông. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là H02 có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ không? Địa hình như thế, khả năng bảo đảm mọi mặt chưa có gì được cải thiện. Liệu có để xảy ra một Vinh Quang Thượng nữa hay không?
Phó tư lệnh Đào hơi thuỗn mặt ra, trầm giọng xuống:
- Báo cáo tư lệnh! Chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm rất sâu sắc trận vượt sông đêm mồng 2 tháng Tư vừa rồi. Đã phân tích, mổ xẻ mọi khía cạnh và rút ra được những bài học kinh nghiệm rất sâu sắc. Sau đó anh em cũng đã tổ chức đi trinh sát địa hình và đường cơ động rất kỹ. Vì vậy nếu được đưa vào chiến đấu trong đợt này tôi tin rằng H02 đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Trầm ngâm một lát tư lệnh mặt trận quả quyết:
- Vậy thì tôi quyết định thế này. Nội trong đêm nay hoặc ngày mai ta sẽ tổ chức đánh trận thọc sâu trên vùng duyên hải nhằm giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng để hình thành thế bao vây Đông Hà, Ái Tử và Quảng Trị từ phía đông. Tôi sẽ trực tiếp giao nhiệm vụ cho tư lệnh cánh đông. Còn anh tổ chức giao nhiệm vụ cho H02. Chậm nhất là sáng sớm ngày mai phải có mặt tại Nam Cửa Việt để bắt đầu tiến công cùng với toàn mặt trận. Như thế có được không?
Phó tư lệnh Đào giật mình thảng thốt. Tung H02 vào chiến đấu thì đúng rồi nhưng lại đưa ra yêu cầu một cách gấp gáp như thế này thì có khác gì đánh đố nhau. Một loạt con tính lướt qua đầu ông. Hôm trước chỉ phải vượt một con sông và hơn 20 ki- lô- mét đường bộ mà mất suốt đêm vẫn không thể đến đích. Còn lần này phải vượt qua những hai con sông. Trong đó con sông Thạch Hãn đoạn Cửa Việt vừa rộng, vừa có chế độ thủy triều phức tạp hơn nhiều. Quãng đường phải vượt cũng dài hơn. Thế mà thời gian chỉ có một đêm thì đúng là một bài toán khó đối với ông và đồng đội. Ngần ngừ một lát ông nhìn thẳng vào mắt tư lệnh mặt trận:
- Đề nghị thủ trưởng xem lại, cho chúng tôi xin thêm một ngày nữa có được không ạ?
Không cần suy nghĩ tư lệnh mặt trận lắc đầu:
- Không được! Thời cơ tiêu diệt gọn kẻ địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị đã đến. Nếu ta để hở cánh này bọn địch có thể rút chạy ra biển hoặc tăng viện từ biển vào thì sẽ rất khó khăn. Chậm giờ nào là nguy hiểm giờ ấy. Vì vậy- Ông nhướng mắt lên dứt khoát- Trận tiến công trên hướng đông bắt buộc phải mở hoặc là ngày mai, hoặc là không bao giờ. Thiết giáp các anh có mặt hay không sáng mai cũng phải đánh. Anh nghe rõ chưa?
Sau vài giây suy nghĩ phó tư lệnh Đào quả quyết gật đầu:
- Vậy thì chúng tôi sẽ có mặt ở Nam Cửa Việt trước 4 giờ sáng.
Tư lệnh mặt trận cười rạng rỡ, ông đưa cả hai tay nắm lấy tay phó tư lệnh Đào:

- Có thế chứ!- Nhưng rồi mặt ông nghiêm lại- Tôi không muốn chứng kiến một cái “Vinh Quang Thượng” nữa đâu nhé! 

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

SỰ KIỆN 30.4.1975- LỊCH SỬ KHÔNG CHẤP NHẬN SỰ MÙ MỜ, NGOẮT NGOÉO- Kỳ cuối

Đã đủ dữ liệu để phục dựng lại lịch sử
Với độ lùi của 40 năm, với những chứng cứ, văn bản, hình ảnh... đã thu thập được chúng ta hoàn toàn có thể phục dựng lại sự kiện trưa 30 tháng Tư năm 1975 tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh SG một cách khách quan, chính xác.
Dựa vào những chứng cứ đã có, có thể tóm tắt những sự kiện chính đã xảy ra theo trình tự như sau:
-      10 giờ 45phút: Những chiếc xe tăng đầu tiên của Đại đội 4, Lữ đoàn 203 tiếp cận dinh Độc Lập. Xe tăng 843 húc vào cổng phụ bên trái nhưng do cổng phụ hẹp, xích xe đâm vào cột trụ cổng nên dừng lại. Xe tăng 390 húc thẳng vào cổng chính, xô đổ cánh cổng lao vào trong sân. Từ xe 843, trung úy Bùi Quang Thận tháo lá cờ giải phóng cắm trên ăn- ten đài vô tuyến điện chạy bộ vào dinh. Xe 843 lùi lại và tiến vào dinh qua cổng chính sau xe 390. Phía sau, các xe tăng của Lữ đoàn 203 tiếp tục tiến về phía dinh ĐL.
Thấy đồng đội của mình là Bùi Quang Thận cầm cờ lao vào dinh, trung úy Vũ Đăng Toàn và sau anh là pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên mang theo súng AK chạy vào theo. Đây chính là những chiến sĩ mà Borries- Gallasch đã miêu tả ở đoạn trên:  “Và rồi một người lính giải phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang suýt xô ngã tôi (trung úy Bùi Quang Thận). Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm lấy vị trí bên phải và bên trái của cầu thang (trung úy Vũ Đăng Toàn và trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên). Đầu tiên không ai nhận thấy Minh “lớn” và những người khác đang chờ họ ở phía bên kia của phòng tiếp khách”. Tiếp đó, có lẽ mải chụp ảnh ông ta đã không được chứng kiến việc trung úy Vũ Đăng Toàn và hạ sĩ Ngô Sĩ Nguyên đã “dồn” nội các của Dương Văn Minh vào một phòng và canh gác ở đó.
Như vậy, có thể khẳng định 3 chiến sĩ của Đại đội xe tăng 4 là những người đầu tiên xông vào dinh ĐL, một trong số đó lên nóc dinh cắm cờ, còn hai chiến sĩ còn lại chính là những người “bắt sống” nội các Dương Văn Minh (nếu có thể nói vậy). Chỉ sau khi họ đã đưa toàn bộ nội các Dương Văn Minh vào phòng khánh tiết và đứng canh gác ở cửa thì đại úy Phạm Xuân Thệ mới đến. Vì đại úy Phạm Xuân Thệ có chức vụ, cấp bậc cao hơn nên hai chiến sĩ xe tăng đã “nhường” cho ông ta đứng ra chủ trì việc bắt giữ này. Vì vậy không thể nói người bắt sống nội các Dương Văn Minh là đại úy Phạm Xuân Thệ như Viện LSQS được.
Ngoài ra, có lẽ cũng nên bàn thêm về hai từ này. Thực tế, TT Dương Văn Minh và nội các dưới quyền ông ta đã không muốn kéo dài cuộc chiến nữa. Trước đó, vào lúc 09.30 họ đã phát đi một chỉ thị yêu cầu các đơn vị quân đội VNCH ngừng súng. Tất nhiên, chỉ thị này không thể đến được với mọi lực lượng VNCH và cuộc chiến đấu vẫn diễn ra ngoài ý muốn của họ. Về phía mình, họ không chạy trốn, cũng không chống cự mà đã ở lại trong dinh ĐL và chờ đợi Quân giải phóng vào với một thái độ khá bình thản. Như vậy, hai từ “bắt sống” nghe có vẻ hơi bị khiên cưỡng và không phù hợp cho lắm với hoàn cảnh lúc đó. Nên chăng từ nay hành động này nên gọi là “bắt giữ” hoặc “canh giữ”?
Sau khi có mặt, với kinh nghiệm của một cán bộ trung đoàn BB, đã trải qua chiến đấu nhiều nên đại úy Phạm Xuân Thệ đã nhanh chóng làm chủ tình hình và ông đã yêu cầu TT Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Về phía mình, TT Dương Văn Minh không muốn đi vì lý do sợ không an toàn. Một giải pháp được đưa ra là ghi âm lời nói của TT Dương Văn Minh tại đây song các nhân viên ở dinh đi tìm máy ghi âm cũng không được. Tình hình trong dinh có phần “hoang mang”- từ của Borrise Gallasch. Đúng lúc đó, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203- trung tá Bùi Văn Tùng xuất hiện. Với tư thế tác phong và cách xử lý của mình, ông đã làm cho mọi sự “hoang mang chấm dứt” và TT Dương văn Minh đồng ý đi sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.
Như vậy, qua lời kể của các nhân chứng như nhà báo Kỳ Nhân, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, các chiến sĩ xe tăng 390... cũng như hồi ký của bộ trưởng Thông tin Lý Quý Chung và nhà báo Borries Gallasch đều khẳng định sự có mặt của chính ủy Bùi Văn Tùng và vai trò của ông tại Dinh Độc Lập, trái ngược hẳn với lời kể của ông Phạm Xuân Thệ và kết luận của Viện LSQS. Đó là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận.
-      Gần 12 giờ: Dẫn giải TTDVM sang đài phát thanh. Về phía nội các VNCH có TT Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung. Về phía QGP có trung tá Bùi Văn Tùng, đại úy Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 203 và Trung đoàn 66. Ngoài ra còn một số nhà báo đi cùng như: nhà báo Kỳ Nhân, nhà báo Đức Borries Gallasch... Đòan đi trên 2 xe JEEP và xe riêng của nhà báo Kỳ Nhân. Xe đi trước gồm đại úy Thệ và TT Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng một số cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 66. Xe thứ hai gồm trung tá Tùng, Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung, nhà báo Borries Gallasch, luật sư Hà Huy Đỉnh và một chiến sĩ của Lữ đoàn 203.
-      12 giờ 20 đến 12 giờ 30: Do đường sá của Sài Gòn lúc đó rất đông người và mất trật tự (bộ đội ta tiếp tục tiến vào, dân chúng thấy không còn súng nổ bắt đầu đổ ra đường, tràn cả xuống lòng đường chào đón bộ đội) nên chiếc xe thứ hai đến đài phát thanh chậm hơn xe thứ nhất chừng vài phút. Lúc này đài phát thanh đã được một đơn vị của trung đoàn 66 chiếm, các nhân viên của đài đều đã tùy nghi di tản. Thay vào đó có một số sinh viên ủng hộ cách mạng có mặt như Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Ngọc Chênh v.v... đã tích cực giúp đỡ bộ đội thực hiện một số công việc cần thiết như tìm nhân viên kỹ thuật, kiếm pin...
Theo lời kể của ông Phạm Xuân Thệ và các cấp dưới của ông thì khi đến đó ông đã soạn thảo văn kiện tuyên bố đầu hàng cho TT Dương Văn Minh đọc. Mọi việc gần xong thì trung tá Bùi Văn Tùng mới đến. Tuy nhiên, theo lời kể của tất cả các nhân chứng khác thì toàn bộ việc soạn thảo văn kiện đầu hàng cũng như chỉ đạo việc thu âm và phát lên sóng phát thanh đều do ông Bùi Văn Tùng thực hiện. Còn ông Thệ như Borries Gallasch viết: “Trong lúc đấy mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài”.
Có thể hình dung là khi ông Tùng chưa đến (do xe đi sau và đến muộn ít phút), ông Phạm Xuân Thệ có thể đã có lời nói yêu cầu ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng song chưa có chỉ đạo cụ thể phải làm thế nào. Chỉ đến khi ông Bùi Văn Tùng đến thì mọi việc mới được tiến hành một cách chính xác và chặt chẽ như những gì chúng ta đã được nghe Borries Gallasch và các nhân chứng khác kể lại. Các hiện vật như văn bản và băng ghi âm lời tuyên bố cũng như lời chấp nhận đầu hàng đã nói lên điều đó.
Bản thảo Lời tuyên bố đầu hàng và Lời chấp nhận đầu hàng do CU Bùi Văn Tùng soạn.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng ôm hôn chính ủy Bùi Văn Tùng ngày 17.5.1975

Có lẽ như thế này đã đủ để chúng ta hiểu sự kiện lịch sử đó thật sự đã diễn ra như thế nào? Rất mong các cơ quan có trách nhiệm như Viện Lịch sử quân sự, Hội khoa học lịch sử VN, Viện Lịch sử thuộc Viện hàn lâm KHXH&NV Việt Nam... vào cuộc để đưa ra kết luận chính xác cho vụ việc, tránh tình trạng cứ mỗi lần đến dịp 30.4 trong dân gian lại râm ran những lời xì xào đày nghi hoặc như những năm vừa qua. Nó như một thứ hóa chất ăn mòn niềm tin của dân chúng về tính chân thực của lịch sử. Thời gian cứ trôi qua một cách lặng lẽ. Các nhân chứng không còn nhiều. Nếu không tiến hành làm rõ ngay có lẽ sẽ muộn.
 Nhân dịp này cũng xin trân trọng đề nghị ngài Chủ tịch nước xem xét tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT cho nguyên chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng bởi những thành tích của ông- đặc biệt là cách xử trí tình huống rất khẩn trương nhưng không kém phần chặt chẽ và nguyên tắc của ông trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 nhằm kết thúc một cách nhanh nhất cuộc chiến tranh, tiết kiệm xương máu cho chiến sĩ, đồng bào đồng thời nhanh chóng lập lại trật tự ở thành phố Sài Gòn tại thời điểm đó.
Để rõ thêm tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện này, xin mời các bạn xem bộ phim đã phát trên VTV1- “Cuộc bàn giao lịch sử”:
(Bài có sử dụng một số tư liệu của các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong v.v...)

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

SỰ KIỆN 30.4.1975- LỊCH SỬ KHÔNG CHẤP NHẬN SỰ MÙ MỜ, NGOẮT NGOÉO- Kỳ 3

Nhân chứng đặc biệt và những chứng cứ đáng tin cậy nhất
Trong khi các nhân chứng người Việt Nam bị chia rẽ bởi những lý do khác nhau thì có một người chúng ta có thể tin được- đó là một nhà báo nước ngoài- người châu Âu duy nhất đã có mặt tại cả 2 nơi rất quan trọng là dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30.4 đó. Đó là nhà báo Borries Gallasch- phóng viên của báo Tấm gương (CHLB Đức) tại Sài Gòn. 
Ông đã chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra tại các địa điểm trên và đã xuất bản một cuốn sách để nói về sự kiện này- cuốn “Thành phố Hồ Chí Minh- Giờ khắc sô 0”. Chúng ta có thể tin tưởng vào sự khách quan không thiên vị ai của một người nước ngoài và sự chính xác của một nhà báo chuyên nghiệp.
Hãy nghe Borries Gallasch kể: “Mặc dù sợ đến run cả hai đầu gối, nhưng sau đó tôi vẫn đi bộ đến dinh Độc Lập vào lúc 11giờ sáng hôm ấy. Tôi đứng một mình trước dinh mà giờ đây yên lặng như một viện bảo tàng và ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống, thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.
Không có một bóng người nào ở đó. Những tiếng nổ từ phía kho đạn của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn vọng lại. Tôi bước qua cánh cổng sắt mở hé. Một thiếu tá bước sát ngay bên cạnh tôi, nhưng làm như có vẻ không nhìn thấy tôi. Tôi băng ngang qua bãi cỏ và nghĩ rằng có thể bị ai đó bắn bất cứ lúc nào. Ngay bên những bậc thang dẫn đến lối vào chính có những người lính đang cãi vã. Một chiếc Limousine đen, bên trong là ông Nguyễn Văn Huyền, phó tổng thống của một chính thể không còn nữa, nói với tôi: “Chúng tôi đang chờ phái đoàn của Mặt trận Giải phóng vào dinh, anh có thể đợi nếu anh muốn”. Những người lính của đội cận vệ tổng thống thậm chí đã không thèm chào khi một nhân vật quan trọng thứ hai của quốc gia được chở ra bằng cổng sau.
Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước tiếp lên những bậc tam cấp đi vào cửa chính qua tiền sảnh rồi đi lên lầu một. Tại đây tôi gặp Hà Huy Đỉnh - một luật sư Sài Gòn người nhỏ bé và cũng là học trò của thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Hà Huy Đỉnh, người mà chỉ vừa mới đi lên từ tầng hầm đã có cùng ý nghĩ như tôi: đi đến một chỗ mà nếu có chuyện gì quan trọng xảy ra thì sẽ xảy ra ở đấy.
Một cảnh ngoạn mục
Trong khoảnh khắc ấy, khi chúng tôi còn đang đứng ở giữa sảnh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là tổng thống Minh “lớn”, thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một vài người thân cận từ dưới hầm trú ẩn đi lên. Ông Minh “lớn” (Big Minh) nói: “Thật là tốt khi anh có mặt ở đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn tôi”.
Trong lúc những nhân viên của tổng thống Dương Văn Minh đi đi lại lại đầy lo âu, thì ông vẫn đứng im lặng giữa sảnh và phóng tia mắt nhìn qua cửa sổ phía trước của dinh về hướng nhà thờ Đức Bà. Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng máy vang lên. Tôi nằm rạp xuống sàn tìm kiếm sự che chắn đằng sau cột ximăng. Phút cuối cùng của sự nổi dậy, một cuộc đánh chiếm dinh?!
Không có tấm kính nào bị vỡ, chúng tôi rời khỏi chỗ nấp. Minh “lớn” vẫn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn như một bức tượng bên cạnh ông thủ tướng thấp bé. Rồi trước mắt chúng tôi xuất hiện cảnh tượng không thể tin được: ba chiếc xe tăng treo những lá cờ của Mặt trận Giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước dinh. Súng bắn loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng, lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới. Hai chiếc tăng còn lại vòng sang hai bên và rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của dinh. Khoảng 20-30 phát súng khác được bắn lên.
Tôi chạy ra ban công chụp ảnh. Tôi và Hà Huy Đỉnh thay phiên nhau. Thật là một cảnh ngoạn mục. Và rồi một người lính giải phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang suýt xô ngã tôi. Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm lấy vị trí bên phải và bên trái của cầu thang. Đầu tiên không ai nhận thấy Minh “lớn” và những người khác đang chờ họ ở phía bên kia của phòng tiếp khách.

Một người lính đứng ngay trước mặt tôi. Anh ta hét vào tôi, hét đi hét lại điều gì đó mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh hét giải thích cho tôi là mở cửa ra ban công. Tôi mở cánh cửa kính ra vào. Anh ta lướt qua tôi, kéo cờ lên và vẫy đi vẫy lại.
Ở phía dưới nhiều chiếc xe tăng tiếp tục tiến vào và tất cả đều bắn lên không trung. Một vài nhà báo chạy vào qua bãi cỏ.
Khoảng 30 binh sĩ của chế độ Sài Gòn đứng giơ tay đầu hàng và xếp thành ba hàng trên bãi cỏ.
Là một người châu Âu duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến đại tướng Minh “lớn” - tổng thống của VN cộng hòa, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn thuộc quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga, Thệ rất phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh.
Nhưng tướng Minh không muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào máy thu ở trong dinh. Họ tranh luận việc đó. Càng lúc càng nhiều người lính giải phóng chạy vào. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu nhưng không có kết quả. Không có một cái máy ghi âm nào trong dinh cả.
Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Ngay lúc đó, một nhóm đông người tập trung lại và được đưa vào phòng tiếp khách của tầng thứ nhất.
Thảo văn kiện
Sau một vài phút, ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Văn Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng (đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này - TG). Chính ủy Bùi Văn Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh.

Ông Mẫu trông có vẻ hài lòng. Ông tỏ ra như thể chiến thắng này là chiến thắng của ông. Người thành lập và phát ngôn cho lực lượng thứ ba, mà mới tuần trước đã giải thích cho tôi tại sao nhóm trung lập của ông ấy sẽ là một nhân tố cần thiết cho bất cứ một tương lai chính trị nào ở Nam VN, nay tuyên bố rằng: “Không còn lực lượng thứ nhất nữa nên chúng ta không còn cần đến lực lượng thứ ba, hòa giải dân tộc diễn ra sớm hơn dự định. Bây giờ dù muốn hay không chúng ta cùng làm việc cho nhân dân ta”. “Không phân biệt chính kiến?”. “Đúng, chúng ta có khác nhau về quan điểm nhưng những điểm khác nhau đó chỉ hướng chúng ta đi đến một mục đích chung”.
Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào.
Trong lúc đấy mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài.
Thời khắc lịch sử
Đại tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò. Họ vây quanh ông ta trong lúc phía bên ngoài vẫn còn nghe những tiếng nổ. Những người lính giải phóng đã thể hiện sự vui mừng không kìm nén được. Cuối cùng ông Minh đã lên tiếng, hỏi một người lính: “Em trai của tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?”. Đó là số mệnh của những người dân VN: người em của tổng thống là một tướng lĩnh trong quân đội miền Bắc VN và trong 20 năm anh em ruột thịt ở hai bên chiến tuyến.
Đại úy Thệ im lặng. Tất cả mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói chuyện với tôi bằng tiếng… Nga. Họ trông thấy phù hiệu “Báo chí Đức” trên áo sơmi của tôi và tưởng tôi là nhà báo Đông Đức. Họ đã nói chuyện với tôi về Các Mác. Bạn tôi là Hà Huy Đỉnh đã giải thích cho họ rằng tôi là nhà báo Tây Đức. Mặt họ sầm xuống, tỏ ra nghi ngờ và e dè hơn.
Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”, nhưng ông ấy chỉ muốn nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...”. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn”. Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Cuối cùng đã xong. Ông Minh kết thúc âm giọng chính xác: “...miền Nam Việt Nam”.
Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông chính ủy Tùng rồi chúng tôi đi vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Tùng, ông Mẫu đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần micro hơn và không quá to. Lúc này mọi sự đều tốt đẹp. Chính ủy Bùi Văn Tùng đã nói những gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại. Tôi đã được ông cảm ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở ông về lại dinh Độc Lập trên chiếc xe jeep. Chúng tôi rời khỏi tòa nhà. Tôi ngồi sau tay lái và ông chính ủy ngồi ghế bên”.
 Bút ký này của Borries Gallasch được đăng trên báo Tấm Gương (CHLB Đức) ngay sau đó và đã được in trong cuốn “Ho- Tschi- Minh- Stadt Die Stunde Null Reportagen vom Ende eines drei ßigjährigen Krieges” xuất bản tháng 9 năm 1975 tại nhà xuất bản Rowohlt- Rororo, Hamburg (CHLB Đức). Năm năm sau ông qua đời vì bệnh ung thư. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, ngày 27.4.2010 vợ của Borries Gallasch đã được mời sang thăm Việt Nam. Trong chuyến đi này bà đã tặng cuốn sách quý này cho nhân dân Việt Nam và cá nhân chính ủy Bùi Văn Tùng. Cuốn sách đã được tạp chí “Xưa và Nay” dịch, sau đó được Nhà xuất bản Thời đại phát hành với tựa đề “Thành phố Hồ Chí Minh- Giờ khắc số 0- Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”.

Như vậy, những sự kiện xảy ra tại dinh ĐL và Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30.4.1975 đã có thêm một góc nhìn mới khách quan và chính xác hơn.

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 27


Nhưng ông cũng không phải lo lắng gì nhiều. Để chuẩn bị cho đợt Hai của chiến dịch bộ binh đã áp sát các cứ điểm địch. Các trận địa pháo đã chuẩn bị sẵn phần tử bắn. Các đơn vị của trung đoàn H03 cũng đã bí mật cơ động đến vị trí tập kết trước chiến đấu. Tất cả như đạn đã lên nòng chỉ chờ người chỉ huy phát lệnh là lập tức xông lên.
Riêng nhiệm vụ của đại đội Nhã có thay đổi một chút. Do bọn địch đã rút khỏi cứ điểm Phượng Hoàng nên các anh chuyển sang tiến công Tân Vĩnh, một cứ điểm nằm sát ngay phía tây nam Ái Tử. Nhã thầm nghĩ: “giải quyết xong cái này thì coi như Ái Tử ở trong tầm tay rồi”. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệm vụ vào giờ chót cũng làm các anh vất vả thêm khá nhiều, nào là phải tổ chức trinh sát lại, rồi tổ chức hiệp đồng, giao nhiệm vụ chiến đấu cũng phải làm lại hết. Thật may cho Nhã, địa hình cứ điểm Tân Vĩnh khá giống với Phượng Hoàng, cũng có hai mỏm là 58 và 32. Phía tây Tân Vĩnh cũng có một điểm cao có thể thiết lập trận địa bắn là đồi không tên. Vì vậy, chỉ sau một buổi đi trinh sát phương án chiến đấu của đại đội đã được trung đoàn trưởng bộ binh mà các anh đến phối thuộc thông qua ngay tại thực địa. Ngay sau đó anh về giao nhiệm vụ cho đơn vị và tổ chức cho triển khai thực hiện luôn.  
Giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội cho chính trị viên Dư, Nhã cùng trung đội công binh tất tả lên điểm cao Không Tên từ chập tối. Dưới ánh trăng vằng vặc hai điểm cao của căn cứ Tân Vĩnh hiện ra như hai con nhím khổng lồ, đen chũi nằm cạnh nhau. Từ đó thỉnh thoảng lại vụt lên một quả pháo sáng hay vài loạt đạn cầm canh. Dẫn đồng chí trung đội trưởng công binh đến từng vị trí công sự đã đánh dấu từ trước Nhã chỉ tay về phía điểm cao 58 thì thầm:
- Nhớ nhắc anh em, hướng bắn chính nhằm vào đỉnh điểm cao này nhé!
Trung đội trưởng công binh gật đầu:
- Anh cứ yên tâm!
Có vẻ vẫn chưa hết lo Nhã lại túm vai người đồng đội:
- Chú ý bảo đảm độ sâu, đất hắt ra hai bên, không được đổ về phía trước đâu đấy!
Trung đội trưởng công binh cười:
- Đã bảo anh cứ yên tâm mà!
Thực ra Nhã cũng đã được chứng kiến anh em công binh thực nghiệm đào công sự rồi. Với hai mươi lăm cân bộc phá tuy không hất được hết đất đá đi nhưng sẽ làm nó tơi vụn ra và đỡ rất nhiều công sức. Tuy nhiên, tính anh vẫn thế. Khi chưa xong việc là còn lo. Hôm nay cũng vậy thôi, anh sẽ chỉ hết lo khi xe tăng đã nằm trong công sự.
Ba tiểu đội công binh chia nhau về ba vị trí công sự đã được đánh dấu. Đã được thực nghiệm rồi nên họ triển khai công việc khá thuần thục. Mỗi tiểu đội được chia làm hai tổ, một tổ đào hố chôn bộc phá, một tổ gói buộc lượng nổ và chắp nối hỏa cụ. Chỉ sau vài câu thì thầm phân công công việc của tiểu đội trưởng đã thấy đâu vào việc đấy. Họ im lặng làm. Chỉ thấy những bóng người chập chờn đào đào, xúc xúc. Tiếng cuốc chim bổ phầm phập. Tiếng xà beng thúc lịch kịch. Tiếng xẻng xúc sàn sạt. Tiếng thở hào hển mỗi lúc một thêm gấp gáp. Sườn đồi đầy đá, mỗi nhát cuốc chim bổ xuống lửa lại tóe lên. Cách đó chừng chục mét mấy chiến sĩ khác đang gói buộc lượng nổ. Họ cẩn trọng, nhẹ nhàng trong từng động tác. Hai mươi lăm ki- lô- gam thuốc nổ TNT được bó lại thành một cây thuốc nổ dài hơn một mét, to bằng bắp đùi. Bên ngoài họ khéo léo cuốn thêm một vòng dây vỏ nhựa. Thấy Nhã ngạc nhiên một chiến sĩ giải thích:
- Đây là dây nổ. Khối bộc phá to như thế này mà chỉ có mỗi cái kíp điện thì không nổ hết được. Bọn em phải dùng dây nổ này liên kết “nó” lại “nó” mới “uỳnh” một phát được.
Mất gần một tiếng bốn người mới moi được một đoạn hào dài mét rưỡi, rộng bốn mươi phân và sâu một mét. Công việc liên kết lượng nổ cũng đã xong. Trung đội trưởng kiểm tra một lượt thấy ưng ý, anh thì thầm ra lệnh nhưng giọng rất đanh:
- Đặt lượng nổ!
Từng nhóm chiến sĩ nhẹ nhàng khiêng cây bộc phá đặt xuống đáy đoạn hào. Trung đội trưởng kiểm tra lại một lần nữa rồi phát lệnh:
- Lấp đất! Lèn cho chặt vào!
Chỉ vài phút sau đất đã được lèn chặt. Ba sợi dây điện được kéo ra sau một tảng đá lớn cách đó chừng hai chục bước chân. Trung đội trưởng khéo léo đấu dây điện vào máy điểm hỏa. Xong xuôi anh phủi hai tay vào nhau:
- Xong!
Nhã bật đèn pin xem đồng hồ. Mới có hơn một giờ sáng. Còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ pháo bắn phá hoại. Đã giao việc chỉ huy đơn vị cho Dư để ở lại đây cho đến khi xong công sự nhưng giờ Nhã lại thấy nóng ruột. Anh quyết định sẽ quay về vị trí tập kết để chỉ huy đơn vị cơ động lên chiếm lĩnh công sự và vị trí tạm dừng. Nhã bảo đồng chí trung đội trưởng:
- Còn hơn một tiếng nữa pháo binh mới bắn phá hoại. Bây giờ đồng chí cho anh em ăn uống và nghỉ một chút cho lại sức, chốc nữa là mệt đấy. Còn tôi bây giờ phải quay lại để chỉ huy xe lên. Nhớ là phải xong công sự trước 4 giờ đấy nhé!
Trung đội trưởng công binh cười, hàm răng sáng lên dưới ánh trăng:
- Đã bảo anh cứ yên tâm đi mà! Người đâu mà hay lo xa vậy!
Vừa đi vừa chạy thế mà khi Nhã mới về gần đến vị trí tập kết thì loạt bắn phá hoại đầu tiên của pháo binh mặt trận đã bắt đầu. Ngay sau đó pháo địch từ Ái Tử, từ Quảng Trị và từ ngoài khơi đồng loạt bắn trả. Cả một vùng rộng lớn xung quanh thị trấn Đông Hà và căn cứ Ái Tử sôi lên sùng sục. Nhã đứng lại dỏng tai lên nghe ngóng. Trong cái mớ âm thanh cuồng nộ của các loại đạn pháo đôi tai Nhã vẫn lọc thấy một thứ âm thanh ù ù, rền rền trầm ấm của động cơ xe tăng dù rất nhỏ. Anh biết rằng đại đội của mình đã xuất kích theo đúng kế hoạch. Anh cũng tin rằng trong cái biển âm thanh hỗn loạn như thế này thì bọn địch không thể nào phát hiện ra sự cơ động của xe tăng. Ngồi bệt xuống vệ đường Nhã thảnh thơi chờ đơn vị đến.

           ***

Trăng sáng, đường đã được đi trinh sát trước nên mới gần bốn giờ đại đội Nhã đã đến chân điểm cao Không Tên. Từ đây trung đội Một sẽ cùng anh lên trận địa bắn, còn trung đội Hai và xe chính trị viên Dư sẽ tiến lên vị trí tạm dừng. Nhã bảo Liên dừng xe rồi xuống chờ xe Dư tới. Dư vừa nhảy xuống xe Nhã đã gấp gáp căn dặn:
- Anh cho anh em lên vị trí tạm dừng. Khi pháo binh chuyển sang bắn chuẩn bị mới xuất kích lên chiếm tuyến triển khai. Nhưng nhớ nhắc anh em phải lợi dụng địa hình địa vật để che khuất mình, đợi bọn tôi diệt xong mấy cái tăng trong hầm rồi hãy xung phong. Nhớ đấy nhé!
Dư gật đầu:
- Nhớ rồi! Hôm qua hiệp đồng trên bàn cát anh em nắm được cả rồi.
Nhã cũng gật đầu:
- Thì cứ nhắc thế cho nhớ! Các ông mà cứ lồ lộ ra nó “tiu” cho bỏ mẹ. Thôi, anh đi đi! Chúc thắng lợi nhé!- Nhã bắt tay Dư rồi quay đi nhưng rồi vẫn ngoái lại- Nhớ là có lệnh trực tiếp của tôi mới xung phong đấy!
Pháo của ta vẫn lúc nhặt, lúc khoan bắn vào cứ điểm. Pháo của địch bắn trả thì rầm rầm, rộ rộ. Những chớp lửa cứ nhoáng lên liên tiếp xung quanh cứ điểm. Từ trong cứ điểm bọn địch cũng bắn ra như vãi đạn. Không gian vẫn chìm trong biển âm thanh đinh tai, nhức óc. Nhã cười thầm: “Cứ bắn đi! Chúng ông đã bắt đầu đâu! Chốc nữa còn sức mà bắn nữa không mới quan trọng chứ”.
Đồng chí trung đội trưởng công binh đã giữ đúng lời hứa. Lúc Nhã đưa trung đội Một lên đến nơi thì ba công sự bắn đã làm xong. Tuy không vuông thành, sắc cạnh nhưng chiều sâu và hướng bắn thì tuyệt hảo. Đã nắm được vị trí công sự của mình nên chỉ ít phút ba chiếc xe tăng đã nằm gọn trong công sự bắn. Xe vừa yên vị các kíp xe đã cùng anh em công binh túa ra ngụy trang xe. Nhã bật đèn xem đồng hồ. Mới có bốn giờ kém, anh gọi hai trưởng xe lại hội ý:
- Các cậu đã biết rồi đấy! Từ đây đến hàng rào ngoài cùng chỉ có 1000 mét. Tuy nhiên cho đến giờ ta vẫn chưa nắm được vị trí bố trí cụ thể của xe tăng địch ở chỗ nào. Vì vậy tôi đề nghị các cậu phải hết sức chú ý quan sát. Khi phát hiện được chúng ở đâu thì báo cho tôi ngay.
Trung đội trưởng trung đội Một có ý kiến:
- Báo cáo đại trưởng! Theo tôi để diệt bọn tăng trong hầm này ta phải tập trung hỏa lực cả ba xe bắn cùng một lúc mới được.
Nhã gật đầu:
- Đồng ý! Để dễ chỉ mục tiêu bây giờ tôi quy định lại vật chuẩn thế này. Ta lấy đỉnh điểm cao 58 làm vật chuẩn 1. Cái tháp canh ở bên phải là vật chuẩn 2. Còn vật chuẩn 3 là mỏm đồi phía bên trái vật chuẩn 1. Các cậu nhìn rõ cả chưa?- Thấy hai trưởng xe im lặng gật đầu Nhã tiếp- Không cần dài dòng gì cả, cứ ngắn gọn xe tăng bên phải vật chuẩn 1 là được, nếu đo được giãn cách thì chỉ rõ thêm là bao nhiêu ly giác. Thế được chưa?
Hai trưởng xe lại gật đầu, một cậu hỏi thêm:
- Xin đại trưởng cho biết lúc hỏa lực chuẩn bị thì ta tham gia bao nhiêu phát ạ? Tôi sợ mình mà bắn nhiều thì không đủ đạn mất.
Nhã gục gặc đầu, một lát sau anh mới quả quyết:
- Tôi quy định thế này, trong thời gian hỏa lực chuẩn bị ta chỉ bắn khi phát hiện các hỏa điểm trực tiếp uy hiếp đến lực lượng mở cửa mà thôi. Nói chung là phải tiết kiệm đạn. Thôi, về xe chuẩn bị đi!

Trận pháo kích phá hoại tạm dừng. Một lát sau các trận địa pháo địch cũng im tiếng. Những loạt đạn từ trong cứ điểm bắn ra cũng thưa dần đi. Khu vực tác chiến dần trở lại im ắng. Nhưng đó là sự im ắng trước một cơn bão lửa mới mà bọn địch không ngờ tới. Nhã biết rằng giờ này mới là lúc các phân đội bộ binh lặng lẽ lên chiếm trận địa xuất phát tiến công. Trung đội 2 của anh chắc cũng đã có mặt ở vị trí tạm dừng. Tất cả chỉ còn chờ đến giờ G. Nhã thanh thản dựa lưng vào thành ghế trưởng xe định chợp mắt một chút nhưng không hiểu sao hai mắt cứ chong chong, anh cồn cào nhớ về mẹ, về Hiền. Không biết lá thư và tấm ảnh anh chụp hôm vừa rồi đã đến tay mẹ và Hiền chưa?