Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

LỜI XIN LỖI KHÔNG BAO GIỜ KỊP NÓI

(Giải B- Ký ức Mùa Xuân đại thắng 2005- Báo QĐND)


Ngày 29 tháng 3 năm 1975- Sau khi tiến công giải phóng Đà nẵng, đại đội 4 xe tăng chúng tôi được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh khu vực Thương cảng Bạch đằng và Bảo tàng cổ vật Chăm để bảo vệ trung tâm thành phố. Ba ngày sau, tình hình đã ổn định chúng tôi bàn giao lại nhiệm vụ cho Ban quân quản và tập trung về căn cứ sư đoàn 3 QLVNCH tại Khánh sơn để làm công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân thần tốc vào phía Nam tham gia chiến đấu giải phóng các tỉnh còn lại. Vừa về đến Khánh sơn pháo hai Vũ Xuân Trực của xe tôi được điều đi làm pháo thủ xe khác, chúng tôi được thông báo là sẽ được bổ sung một pháo hai mới trong một vài ngày tới.
Sáng hôm sau, khi tôi đang chúi đầu vào buồng truyền động kiểm tra các thông số kỹ thuật của động cơ và các cụm máy thì trung đội trưởng Mai Hồng Trị gọi trưởng xe tôi ra nhận pháo hai mới. Tôi thò đầu ra tò mò tự đánh giá về thành viên mới của xe mình và thầm đoán xem liệu hắn ta có thể hoà nhập vào cái tập thể nhỏ bé 380* đã từng gắn bó mấy năm nay của chúng tôi không?. Đối với lính xe tăng bọn tôi điều đó là cực kỳ quan trọng bởi mỗi thành viên tuy có chức trách nhiệm vụ khác nhau nhưng đều là một bộ phận không thể tách rời của kíp xe, chả thế có một nhà thơ đã từng viết “năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay”. Thực tình lúc đó tôi hơi thất vọng vì trước mắt tôi là một thân hình khá lẻo khoẻo, một khuôn mặt trắng trẻo hiền lành và đôi bàn tay mỏng mảnh rất thư sinh, sau lưng là một chiếc ba-lô lép kẹp và trên vai lại vác theo một cây đàn ghi ta đã cũ; nếu so với những tiêu chuẩn thông thường thì Nguyễn Kim Duyệt- pháo hai mới của xe tôi không đạt cho lắm. Nhìn chung, đã là lính xe tăng đều phải khoẻ vì thao tác cũng như điều kiện làm việc của ai cũng hết sức nặng nhọc, song riêng với pháo hai tiêu chuẩn sức khoẻ là cần thiết nhất. Các bạn hãy hình dung- trong một không gian chật hẹp đụng đâu cũng là thép của buồng chiến đấu xe tăng- anh bạn pháo hai của chúng ta cần phải có sức khoẻ như thế nào mới xoay trở được để tống những viên đạn nặng trên ba chục cân vào buồng đạn với tốc độ bắn trung bình 3 đến 4 phát mỗi phút, lại còn phải nạp đạn đại liên, phải đội cửa lên bắn 12ly7, bắn AK, ném lựu đạn ... mỗi khi cần thiết. Thực tế ở đại đội tôi hồi đánh cứ điểm Tà Lương pháo hai Bùi Văn Đạt nạp đến quả đạn thứ 16 thì ngất xỉu. Thế mà Duyệt lại thư sinh quá, trắng trẻo quá và có vẻ gì đó hơi nữ tính trên khuôn mặt cũng như trong giọng nói nhỏ nhẹ của mình.
Nhưng ngay sau đó Duyệt đã làm cho chúng tôi tạm yên lòng bằng những thao tác gọn gàng chính xác khi lau chùi, bảo dưỡng khẩu đại liên và sắp xếp lại các trang bị trong buồng chiến đấu. Trước những con mắt còn đầy vẻ dò xét của chúng tôi Duyệt lẳng lặng làm những công việc thuộc phạm vi chức trách của mình với một sự thành thạo và cẩn trọng rất tự tin. Và một điều bất ngờ nữa đến- chiều hôm đó - vẫn với những thứ thực phẩm mà chúng tôi đã ngán đến tận cổ, chỉ thêm một nắm rau tập tàng Duyệt đã cho chúng tôi được ăn một bữa cơm ngon lành như khi còn ở nhà vậy.
Buổi tối hôm đó, trên tháp pháo chúng tôi ngồi tâm sự và nghe Duyệt đàn . Đến lúc ấy chúng tôi mới được biết thêm: Duyệt vốn là dân Hà nội, đang học Đại học năm thứ hai thì nhập ngũ và cũng đã tham gia chiến đấu trên cương vị pháo hai ở Quảng Trị hơn một năm rồi, vì vậy tôi tự nhủ “Tay này cũng được đây.”
Ngày 14 tháng 4 năm 1975 đại đội tôi bắt đầu cuộc hành quân “Thần tốc” về phương nam. Trong hành quân chiến đấu của xe tăng thì vất vả nhất là lái xe, còn các thành viên khác thì cũng đỡ căng thẳng hơn. Đối với pháo hai công việc chủ yếu là chăm lo việc hậu cần, cơm nước cho cả xe Duyệt đã hoàn thành một cách xuất sắc. Với đôi tay khéo léo và năng khiếu về nội trợ cộng thêm bản tính cần cù, chăm chỉ chúng tôi thường xuyên được ăn ngon, ăn nóng. Bản thân tôi là lái xe vất vả nhất nên cũng được Duyệt chăm sóc một cách đặc biệt hơn. Các chặng nghỉ dài khi nấu cơm Duyệt đun thêm một bi-đông nước sôi và treo vào buồng động lực, vì vậy mỗi khi nghỉ ngắn, xe mới chỉ dừng vài phút sau là tôi đã có một ca sữa nóng ngon lành để lại sức. Và dù chỉ mới ít ngày cùng sống với nhau Duyệt đã chiếm được cảm tình rất sâu sắc của Luông, Thọ và tôi.
Vì đã là sinh viên “hụt” nên tôi và Duyệt dễ gần gũi với nhau hơn, ở những chỗ nghỉ dài hay chờ khắc phục cầu, đường chúng tôi hay mắc võng cạnh nhau nằm tâm sự. Tính Duyệt hiền lành, ít nói, cứ thủ thỉ như con gái nhưng nhiều khi cũng dí dỏm ra phết. Là con thứ tư trong một gia đình khá giả, Duyệt được tiếp thu một nền giáo dục khá toàn diện theo nề nếp một gia đình Hà Nội gốc. Nhà có bốn anh em thì Duyệt và người anh thứ hai đã tham gia quân ngũ. Những ngày chiến đấu trên chiến trường miền Nam, Duyệt không có một ước mơ nào hơn là sau chiến tranh được quay về trường tiếp tục học tập để thực hiện những hoài bão của mình.
Sau hơn chục ngày hành quân chúng tôi đã đến vị trí tập kết ở Long khánh, từ đây vào Sài gòn chỉ còn khoảng gần 100 km và chúng tôi biết rằng mình sắp được tham gia trận đánh cuối cùng. Tối 26.4.1975- sau khi đi nhận nhiệm vụ về, Trưởng xe Nguyễn Đình Luông gọi cả 4 chúng tôi lại và với một vẻ mặt quan trọng anh thì thầm: “Chiến dịch giải phóng Sài gòn đã chính thức được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh và sẽ bắt đầu trong một vài ngày tới, cả đại đội mình sẽ nằm trong đội hình thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập”. Giở cái bản đồ du lịch to bằng tờ giấy học sinh anh chỉ: “Cứ đi qua cầu Sài gòn, đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái là đến Dinh. Nhiệm vụ của từng người thế nào thì đã rõ cả rồi, bây giờ phải chuẩn bị cho thật tốt để không xảy ra bất cứ điều gì đáng tiếc trong chiến đấu.”. Anh còn bảo chúng tôi chỉ cắm lá cờ cũ, còn lá cờ mới cất trong tháp pháo để dành cắm trên nóc Dinh Độc lập.
Ngay sau đó chúng tôi bắt tay vào công tác chuẩn bị. Biết rằng trận chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng ác liệt, kẻ thù sẽ chống trả điên cuồng bằng tất cả sức mạnh còn lại nên ngoài cơ số đạn theo xe chúng tôi còn nhận thêm mười viên đạn xuyên nưã. Buồng chiến đấu vốn đã chật hẹp nên để xếp thêm số đạn đó chúng tôi phải bỏ hết tư trang và tất cả những gì không cần thiết ra ngoài. Ba cái ba-lô của Luông, Thọ và tôi đã được buộc gọn gàng sau tháp pháo, còn Duyệt vẫn lúi húi tìm cách nhét cái ba-lô của mình vào một góc buồng chiến đấu. Trưởng xe Luông lẩm bẩm: “Mày làm cái gì mà cứ loay hoay mãi thế, nhanh lên còn làm việc khác”. Vốn thẳng ruột ngựa pháo thủ Trương Đức Thọ quát tướng lên: “Đời lính có cái quái gì mà cứ giấu giấu giếm giếm như giấu vàng ấy. Đem buộc ra ngoài tháp pháo như bọn tao ấy”. Nó còn lẩm bẩm nói với tôi: “Chẳng biết nó nhặt nhạnh được nhữg gì mà cất kỹ thế?”. Quả thật, nếu có máu tham hoặc không sợ kỷ luật chiến trường thì trong các chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng chúng tôi cũng "nhặt" được khối thứ có giá trị. Những vì đã hiểu hơn về Duyệt tôi gàn: “Thôi! Mặc kệ nó. Miễn là không ảnh hưởng đến thao tác là được”. Còn Duyệt vẫn như mọi ngày, nó lẳng lặng tháo hẳn mấy viên đạn ra, nhét cái ba-lô của mình sâu vào sát vành tháp pháo rồi cố định đạn lại như cũ. Bọn Thọ, Luông có vẻ vẫn không thoải mái cho lắm nhưng thấy không ảnh hưởng gì nên cũng thôi.
Chiều 27.4 xe tôi được lệnh lên đường làm nhiệm vụ tăng cường cho đại đội 5 và sáng 28.4 bắt đầu tham chiến ở căn cứ Nước Trong. Có thể nói đây là chốt chặn cuối cùng trên cánh cửa phía Đông tiến vào Sài gòn nên địch chống trả rất quyết liệt. Xe tăng chúng tôi cùng bộ binh phải giành giật với chúng từng khoảnh rừng cao su một và thương vong của ta ở đây cũng khá nhiều. Đúng như tôi linh cảm từ ngày đầu Duyệt về xe, Duyệt đã chứng tỏ mình là một pháo hai có hạng và đầy bản lĩnh. Với những thao tác chính xác, nhanh gọn chỉ vài giây sau khẩu lệnh của Trưởng xe Luông một viên đạn pháo đã được nạp vào buồng đạn để pháo thủ Thọ sẵn sàng nhả đạn. Được các đồng chí bộ binh chỉ mục tiêu, chúng tôi đã diệt được khá nhiều mục tiêu ở tiền duyên phòng ngự cuả địch.
Tuy nhiên, do địch còn quá mạnh, các xe của đại đội 5- đơn vị mà xe tôi đến tăng viện hoặc bị thương vong, hoặc hết đạn đã quay về phía sau để bổ sung- nên đến gần trưa chúng tôi được lệnh ở lại cùng bộ binh giữ vững trận địa, chờ lực lượng phía sau lên tiếp tục tiến công.
Thấy gần đó có một hõm đất trũng, trưởng xe Luông lệnh cho tôi đưa xe xuống để lợi dụng địa hình địa vật bảo toàn lực lượng. Tôi vừa tăng ga cho xe chạy được vài mét thì bỗng dưng thấy tất cả tối sầm lại, tôi ngất đi không biết bao lâu. Khi tỉnh lại thì thấy pháo thủ Thọ ngồi ngay phía sau lưng đang vỗ vào vai tôi hổn hển: “Xe trúng đạn rồi, Luông và Duyệt bị thương nặng lắm”.
Tôi nhoài người ra phía sau ngửa cổ nhìn lên; trên ghế trưởng xe trưởng xe Luông nằm bất động ôm lấy cái đài vô tuyến điện. Bên buồng pháo hai Duyệt ngồi tựa lưng vào vách ngăn buồng động lực, nửa người bên trái từ thái dương xuống đến đùi tơi tả, đầm đìa máu. Thọ quay thử pháo thấy bị kẹt cứng, khẩu đại liên bên pháo thì bẹp rúm ró, khẩu cao xạ 12ly7 trên cửa pháo hai bay đi đâu mất. Biết rằng không còn khả năng chiến đấu, tôi và Thọ bàn nhau quay về phía sau để cấp cứu thương binh.
Về đến bệnh xá tiền phương sư đoàn 304 chúng tôi đưa Luông và Duyệt xuống cấp cứu. Đến lúc này tôi mới biết: một quả đạn pháo cỡ lớn đã bắn trúng tháp pháo xe tôi ngay trên buồng pháo hai. Viên đạn nổ ngay trên nóc quạt thông gió làm thủng một lỗ đút lọt nắm tay, toàn bộ mảnh đạn và mảnh quạt gió chụp xuống buồng chiến đấu xe tôi và pháo hai Duyệt là người hứng chịu nhiều nhất. Sức nổ mạnh của quả đạn cũng hất tung khẩu cao xạ 12ly7 nặng gần 1tạ cố định trên cửa pháo hai và toàn bộ những gì chúng tôi cố định ở ngoài tháp pháo.
Tại nơi cấp cứu, trưởng xe Luông nằm thiêm thiếp mê man, có điều lạ quả đạn nổ chỉ cách anh chưa đầy một mét, cái đài vô tuyến điện phía trong anh thủng lỗ chỗ mà gần như không có mảnh đạn nào trúng người anh, chắc là anh chỉ bị sức ép và chấn thương do va đập vào vành tháp pháo. Còn Duyệt máu me đã được lau đi, cả một nửa người tơi tả vì mảnh đạn nhưng lại rất tỉnh, Duyệt nắm tay tôi thều thào: “ Quê** ơi, tao đau lắm. Chắc tao không sống được” . Kinh nghiệm chiến trường làm tôi thấy lo vì những ai bị thương nặng mà tỉnh táo thường khó qua khỏi, song lúc này tôi không dám nghĩ đến điều đó mà chỉ biết động viên Duyệt yên tâm điều trị để chóng về với xe. Nhớ lại cả xe từ hôm qua đến giờ chưa ăn cái gì, tôi bảo Thọ đi xin cho Duyệt cốc sữa. Vừa bón cho Duyệt từng thìa sữa nhỏ tôi vừa thủ thỉ chuyện trò, nhắc lại những câu chuyện mà hai chúng tôi đã từng nói với nhau những lúc dừng chân trên đường hành quân. Ăn gần hết cốc sữa thì Duyệt thiu thiu như ngủ. Lúc này đồng chí trợ lý chính sách của lữ đoàn cũng đã có mặt, anh truyền đạt lệnh của trên là bàn giao thương binh ở lại đây, còn chúng tôi phải trở về vị trí tập kết ngay để khôi phục xe chuẩn bị chiến đấu tiếp.
Tôi và Thọ lên xe lấy tư trang để lại cho Duyệt. Moi cái ba- lô nặng trịch từ vành tháp pháo ra Thọ lẩm bẩm: “Chẳng hiểu nó có cái gì mà nặng thế. Mà lại còn ấn vào tận vành tháp pháo nữa chứ”. Vừa nói nó vừa lật cái nắp ba-lô lên. Cả hai chúng tôi cùng lặng người đi: trong cái ba-lô cũ kỹ, mà có lúc chúng tôi đã từng nghĩ là những của quý Duyệt nhặt nhạnh từ Huế và Đà nẵng chỉ có bộ quần áo cũ, cái võng và một bó sách!
Lật qua vài quyển sách tôi thấy toàn sách học tiếng Anh, tiếng Pháp và từ điển Anh- Việt, Việt- Anh, Pháp- Việt.... Nhớ lại những lời tâm sự của Duyệt mắt tôi rơm rớm nước, còn Thọ trầm ngâm: “Thế mà có lúc mình đã nghĩ oan cho nó. Bây giờ phải xin lỗi nó mới được”.
Mang cái ba- lô vào chỗ Duyệt chúng tôi thấy Duyệt vẫn nằm thiêm thiếp như đang ngủ. Đồng chí quân y sĩ ngồi bên ra hiệu cho chúng tôi im lặng. Tôi hỏi nhỏ: “Liệu bạn tôi có qua khỏi không?”. Anh chỉ trả lời chung chung: “Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, các đồng chí cứ yên tâm”.
Thời gian không cho phép chúng tôi ở lại lâu hơn, chúng tôi bàn giao cái ba- lô của Duyệt cho đồng chí trợ lý chính sách rồi quay ra xe. Pháo thủ Thọ cứ bần thần không yên, tôi biết nó đang áy náy vì chưa kịp nói lời xin lỗi với Duyệt. Không biết làm cách nào hơn tôi động viên Thọ: “Thôi! Ta cứ về đơn vị cái đã, chắc rằng ít hôm nữa anh Luông với Duyệt sẽ khỏi và về với xe mình, lúc đó nói chuyện với nó cũng được”.
Nhưng không còn kịp nữa rồi, ngay tối hôm đó chúng tôi được tin Duyệt đã hy sinh sau khi chúng tôi đi khỏi chừng hai tiếng. Cả hai chúng tôi lặng người đi và lao vào sửa chữa xe pháo để ngày mai tiếp tục đi chiến đấu . Không nói với nhau lời nào nhưng tôi biết cả Thọ và tôi mãi mãi sẽ trĩu nặng trong lòng nỗi day dứt vì một lời xin lỗi không bao giờ kịp nói.
 LS Nguyễn Kim Duyệt


NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
(Nguyên chiến sĩ lái xe tăng 380)

Ghi chú:
* Xe 380 thuộc biên chế đại đội 4, lữ đoàn xe tăng 203. Trong trận đánh Nước Trong ngày 28.4.1975, xe 380 được bổ sung cho đại đội 5 của tiểu đoàn 2 cùng lữ đoàn. Các thành viên của xe gồm:
- Trưởng xe Nguyễn Đình Luông, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nguyên sinh viên Trường trung cấp TDTT Thanh Hóa.
- Pháo thủ Trương Đức Thọ, quê Vũ Thư, Thái Bình.
- Lái xe Nguyễn Khắc Nguyệt, quê Chí Linh, Hải Dương.
- Pháo hai Nguyễn Kim Duyệt, nhà ở số 39- Đại La, Hà Nội. Nguyên là sinh viên khoá 15 Đại học nông nghiệp 1 Hà nội; đang học năm thứ hai thì nhập ngũ. Hiện mộ phần đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành, Đồng Nai. 

U TÔI - PHẦN 5

Nhân 10 năm ngày MẸ đi xa- 20.5 AL năm 2005

Những năm 80, cả nước rơi vào khó khăn. Nhà tôi cũng không tránh khỏi cơn lũ đó. Gay go nhất là cái sổ gạo của dân thủ công nghiệp và tiểu thương bị cắt mất. Lực lượng lao động chính thì lại xa nhà: tôi và chú hai đang ở bộ đội, chú ba thì đi học ĐH, chỉ còn chú út ở nhà đang học cấp 3. Bố tôi lúc này mắt đã kém, với lại các cửa hàng may mặc giờ mọc lên như nấm, toàn thợ trẻ chạy theo mod mới rất nhanh... nên không thể cạnh tranh được. Vậy là đôi bồ hàng xén của u tôi lại phải gánh cả gia đình. Có điều so với trước u tôi vất vả hơn nhiều. Chả là thời chiến tranh phá hoại chợ Ngái phải đi sơ tán rồi sau đó chia thành 2 chợ: Sao Đỏ và Đại Tân; phố Ngái cũng mất đi vị trí trung tâm của huyện nên tiêu điều dần. Vì vậy, u tôi không còn được đi chợ nhà nữa mà phải đi chợ xa. Và vì vẫn chưa đi được xe đạp nên người càng vất vả hơn. Hồi đó tôi cũng mới lập gia đình và ra ở riêng tại TT Sao Đỏ cách nhà chừng 3 km. Nhớ cháu, sau buổi chợ sáng u tôi vẫn lội bộ lên chơi với cháu vài ba lần mỗi tuần. Cứ tưởng tượng ra cái dáng tất tả của u những buổi chợ trưa tôi lại liên tưởng tới hình tượng bà vợ cụ Tú Xương: “Quanh năm lặn lội ở mom sông...” . Trước tình hình đó, đã có lúc tôi định xin ra quân về giúp đỡ bố mẹ nhưng cả bố, cả u tôi đều không cho.
Cũng may, tình hình dần dần ổn định trở lại. Chú hai nhà tôi ra quân về nhà. Chú ba cũng ra trường. Chú út thì thi vào SQPB. Mấy anh em lần lượt lập gia đình và kinh tế cũng không đến nỗi nào. Từ lúc đó đại gia đình tôi mới được dễ thở hơn. Đúng lúc đó bố tôi ngã bệnh và ra đi năm 1988. Đó là một cú sốc lớn đối với anh em tôi song tôi tin rằng ông cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối bởi anh em tôi đã trưởng thành, đã nên người và cũng đã thực hiện được nhiều nguyện ước của ông. Vượt qua cú sốc đó, chúng tôi đã đứng lên và dường như mạnh mẽ hơn lên. Cả u tôi cũng vậy. Trở thành chỗ dựa của chúng tôi, bà tỏ ra rất quyết đoán và chúng tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh mọi quyết định của bà. Càng về sau, kinh tế các gia đình càng ổn định hơn và u tôi đã có những năm tháng khá nhàn nhã cuối đời. Đặc biệt bà vô cùng quý các cháu- lúc này bà đã có 8 cháu- 5 gái và 3 trai. Các cháu cũng quý bà lắm. Nhìn cảnh bà cháu quây quần với nhau tôi biết bà mãn nguyện lắm. Bà có mấy chỉ vàng giắt túi và công khai tuyên bố: “Sau này sẽ cho mấy đứa cháu gái làm của hồi môn”. Tất nhiên là mấy đứa cháu trai chẳng đứa nào ghen tỵ cả.
Tuy nhiên, có một chuyện không mấy vui đã ám ảnh những năm tuổi già của u tôi. Ấy là chuyện chú hai. Đang học dở lớp 8/10 đã đi bộ đội. Ra quân rồi lại không chịu đi học thêm, ở nhà hết làm mộc lại làm hàn, làm lốp song tay nghề thì không cao, lại không chí thú lắm nên gặp nhiều khó khăn. Tự ti, mặc cảm sinh buồn chán rồi nghiện rượu và mắc tiểu đường lúc nào không biết. Lúc phát hiện ra đã khá nặng, phải tiêm in- su- lin hàng ngày song cũng chỉ kéo dài đến cuối năm 2004 thì mất. Có thể nói đây là một đòn nặng giáng xuống đầu u tôi- một bà già đã gần 80 tuổi. Những ngày đó, hầu như khi nào về nhà tôi cũng thấy bà kê cái ghế ở cửa ngồi như hóa đá nhìn về phía nhà chú nó. Cũng chỉ biết động viên bà: “Số chú ấy thế thôi, u ạ!”- chuyện này ông tôi cũng đã có nói đến từ lâu rồi.


Tháng 3 năm 2003
Tôi đi công tác miền Nam, vừa chân ướt chân ráo về đến cơ quan thì nghe anh em cùng phòng thông báo: “Mẹ anh ốm nặng, đang nằm viện rồi!”- hồi ấy chưa có nhiều điện thoại di động như bây giờ. Tôi vội vàng xin phép nghỉ rồi lấy xe máy chạy về nhà ngay. Dọc đường, tôi vượt tất cả các loại xe và chỉ hơn tiếng sau tôi đã về đến Sao Đỏ. Vào viện thì u tôi đã nằm ở khoa cấp cứu với chẩn đoán: “Tai biến mạch máu não”. Vì cả ông ngoại, bà ngoại tôi đều bị căn bệnh này sau khi qua tuổi 70 nên thực tình là chúng tôi cũng rất lo cho mẹ, chỉ không ngờ nó đến sớm quá. Trước hôm tôi đi công tác có ghé qua nhà, thấy u tôi rất khỏe mạnh, hồng hào… không ngờ chỉ có hơn tuần đã phát bệnh.
Với tất cả sự cố gắng của bệnh viện và gia đình u tôi đã qua khỏi song bị liệt nửa người. Chúng tôi đưa u về nhà với một hy vọng nhỏ nhoi về sự bình phục nhờ tiếp tục điều trị bằng đông tây y kết hợp luyện tập. Cũng may, thím út nhà tôi sau khi xuất ngũ tiếp quản gánh hang xén của u tôi nên không bị ràng buộc vào cơ quan nào cả. Chúng tôi thống nhất đề nghị thím nghỉ chợ ở nhà chăm sóc u tôi, còn anh em chúng tôi sẽ bù đắp một phần thu nhập cho thím nó. Vốn hiểu thảo nên chú thím út đồng ý ngay và hơn 2 năm trời ròng rã u tôi không thiếu thốn cái gì và cũng không có gì phàn nàn cả. Bà chỉ bực không thể đi lại được để đi thăm mấy bà bạn chợ. Nghe bà phàn nàn, các em tôi mua ngay một cái xe lăn về đẩy bà đi chơi. Bà vui lắm. Còn chúng tôi cứ cuối tuần là về, các con tôi, con của chú ba cũng hay về thăm bà. Bà nằm đấy nhưng hoàn toàn tỉnh táo, nói chuyện rôm rả như người bình thường- nhất là khi có mấy bà bạn già sang chơi. Nếu có chút buồn thì chỉ là các con của chú hai (đã mất) hơi ít qua lại thăm bà.
Tuy nhiên, có lẽ do số phận đã an bài. Mặc cho mọi loại thuốc men, mọi loại thày thuốc, mọi bài xoa bóp, luyện tập… u tôi cũng không thể hồi phục được. Và ngày 20.5 AL năm 2005, bà đã vĩnh viễn ra đi. Chúng tôi chính thức mồ côi từ ngày đó.

CHUYỆN VỀ KÍP XE 707

Một nén tâm nhang thắp cho các liệt sĩ xe tăng 707 và các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước!

http://soha.vn/quan-su/chuyen-la-ngu...6103355244.htm


Từ ban thờ thiên và những ngôi mộ gió....
Trung tuần tháng 5/1975, tôi được thủ trưởng đơn vị giao nhiệm vụ lái một chiếc xe tăng M-48 "tù binh - chiến lợi phẩm" do Mỹ sản xuất lên Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 lúc đó đang đóng tại cơ sở của Trường Võ bị Thủ Đức để triển lãm.
Mặc dù không có cán bộ chỉ huy đi cùng song vị trí của Trường Võ bị Thủ Đức thì tôi vẫn nhớ như in. Nó nằm ngay bên trái đường, cách xa lộ chừng vài chục mét.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975.  Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập...

Sáng 30.4 chúng tôi qua đây còn bị địch bắn vào đội hình nhưng được lệnh bỏ qua, cứ nhằm thẳng Sài Gòn mà tiến. Tuy nhiên, ngồi trong buồng lái tôi vẫn liếc thấy dọc theo hàng rào là hai khẩu hiệu rất to.
Ở đầu phía bắc là mấy chữ: “LÁ NGỌC CÀNH VÀNG”, tôi nghĩ bụng chắc trường này chỉ tuyển con em quan chức chính quyền Sài Gòn hoặc quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào học mà thôi.
Còn ở đầu phía nam là mấy chữ “CƯ AN TƯ NGUY”, tôi đoán đó là khẩu hiệu khuyếch trương vị thế của trường đại khái là “ở thì yên lành, có nguy thì đến cứu giúp”.
Đi hết chiều dài hàng rào là đến ngã ba Tăng Nhơn Phú. Tôi đoán cổng chính của nó quanh quanh chỗ cái ngã ba này. Quả nhiên, đến ngã ba Tăng Nhơn Phú tôi rẽ trái vào một đoạn thì thấy cái cổng trường to lừng lững ngay bên tay trái trông rất oai phong.
Tuy nhiên, cái thu hút sự chú ý của tôi nhiều hơn lại là xác một chiếc tăng bơi nước kiểu K63-85 cháy đen thui nằm trước cổng. Vì vậy, sau khi đưa chiếc M-48 vào vị trí, tôi xin phép ra ngay chỗ chiếc xe cháy.
Chắc chắn đây là đồng đội cùng Lữ đoàn 203 của tôi. Trong khi chúng tôi bỏ qua mục tiêu này nhằm thẳng Sài Gòn có lẽ các anh đã đánh vào đây.
Chiếc xe cháy nằm gần như đối diện với cổng chính của trường, cách cổng chừng vài chục mét, đầu xe hướng chênh chếch về phía xa lộ, một bên xích đứt rời cuộn lại thành một đống phía sau.
Ở sườn xe bên phải, ngay đoạn buồng chiến đấu là một lỗ thủng to tướng đút lọt chiếc mũ cối. Các mảnh thép xung quanh lỗ thủng nham nhở, cong queo… Tôi tự nhủ: “Có lẽ là một quả đạn nổ cỡ lớn chứ không phải đạn chống tăng.
Vết đạn chống tăng nó gọn chứ không như thế này. Đây là xe bơi nước, thành xe của nó mỏng chỉ độ hơn 10 ly thép nên đạn nổ cỡ lớn là đủ phá được rồi”.
Tôi quay lại phía cổng trường thì phát hiện ở phía bên trái (từ ngoài nhìn vào) có một khẩu “Vua chiến trường” 175 mm. Nó nằm ở chỗ hơi thấp và nòng cũng hạ thấp, gần như nằm ngang. Tôi băn khoăn tự hỏi:
“Không lẽ chính khẩu pháo kia đã bắn hạ chiếc xe này. Nếu đúng vậy, tất cả những người trong buồng chiến đấu sẽ hy sinh ngay lập tức, may ra chỉ còn lái xe là sống sót”.
Các xe tăng bơi K-63-85 đã tham gia nhiều chiến dịch, góp phần Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Đất nước.
Các xe tăng bơi K63-85 đã tham gia nhiều chiến dịch, góp phần
 Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi đi vòng sang phía bên kia chiếc xe, mắt vẫn không rời ngôi sao quân hiệu và ba chữ số vẫn còn hiện lên trắng mờ trên cái nền đen kịt. Đó là số 707. Chợt tôi sững lại, ngay cạnh chiếc xe, chỗ ngang với buồng chiến đấu là một cái ban thờ.
Vâng! Đó đúng là một cái ban thờ - kiểu ban thờ thiên mà chúng tôi vẫn gặp từ vùng Quảng Trị trở vào. Một cái chân bằng gỗ tròn to cỡ bắp đùi chôn sâu xuống đất. Trên đỉnh của nó là một mảnh gỗ vuông vắn được be lên 3 phía.
Có lẽ người làm ra nó khá vội vàng vì không thấy sơn màu gì cả mà vẫn để gỗ mộc. Trên đó là một cái bát hương làm bằng lon sữa bò dày đặc chân hương vẫn còn đỏ tươi.
Dưới chân ban thờ là mấy mô đất vun cao trông như mấy nấm mộ cũng lác đác vài cái chân hương. Nhìn tất cả còn khá mới nên tôi nghĩ: “Có lẽ cái này được lập ra là để thờ các chiến sĩ trong xe này đây. Mấy nấm đất kia chắc tượng trưng cho những ngôi mộ thì phải”.
Nhưng rồi tôi lập tức băn khoăn tự hỏi: “Vậy ai là người lập ban thờ và thắp hương cho các đồng đội tôi?”. Rồi cũng lại tôi tự trả lời: “Chắc là dân sở tại ở đây thôi chứ bộ đội ta sẽ không làm thế này”.
... tới gặp gỡ nhân chứng sống
Hỏi thăm dân chúng gần đó, tôi được biết ông già tên Viên là người đã lập cái ban thờ và thường xuyên hương khói ở đấy. Tôi tìm đến nhà ông và câu chuyện của ông già Viên ngày đó đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời:
"Từ mấy bữa trước đó thấy các ông sĩ quan, binh sĩ trong Trường Võ bị ra chơi nói chuyện chúng tôi cũng biết tình hình Việt Nam Cộng Hòa nguy đến nơi rồi.
Quân trường hổm rày đã điều hết quân lính ra Long Thành chống cự với các chú rồi nên cũng chẳng còn mấy quân lính nữa. Nhưng không ngờ các chú đánh nhanh quá. Sáng sớm hôm 30.4, nghe ngoài xa lộ xe chạy rần rần.
Tôi chạy ra ngó thấy nhiều xe tăng lắm. Rồi nghe tiếng súng từ trong quân trường bắn ra, súng ngoài xa lộ bắn vào dữ dội. Biết là các chú đánh tới nơi, tôi hối bà xã cùng mấy bà bên cạnh kéo sắp nhỏ chạy tuốt vô trong rẫy nằm để tránh tên rơi đạn lạc.
Còn mình tôi ở lại trông nhà với lại theo dõi tình hình xem sao. Một chặp sau thì thấy các ổng - ông hất cằm về phía chiếc xe cháy - xuất hiện. Các ổng vừa chạy vừa bắn vào phía cổng quân trường một hồi rồi lao tới húc tung cổng xông thẳng vào trỏng.
Tôi đứng đây ngó vào thấy các ổng vừa chạy dọc con đường chính của quân trường vừa bắn sang hai bên. Bắn dữ lắm! Đạn nối thành dây đỏ lừ. Một chặp sau thì các ổng chạy trở ra, lúc này không bắn nữa.
Tôi đoán chắc các ổng đã diệt hết quân lính ở trỏng và bây giờ muốn trở ra xa lộ. Lúc các ổng đang quay ra hướng xa lộ thì một bên sên (xích) xe buột ra. Các ổng vẫn chạy thêm một đoạn nữa rồi mới chịu dừng lại đúng ở chỗ bây giờ đó.
Có lẽ các ổng định dừng lại để sửa chữa cái dải sên đó thì phải vì tôi thấy cái nắp trên nóc đã mở ra. Đúng lúc đó thì một tiếng nổ dữ dội vang lên. Tôi chỉ thấy nhoáng một cái và ù hết cả hai tai. Khi mở mắt ra thì tôi sững cả người, các ổng đang bốc lửa đùng đùng".
Ông già dừng lại, mắt ngó đăm đăm về phía chiếc xe một lúc lâu rồi mới chậm rãi tiếp lời:
"Lửa trên xe cháy mỗi lúc một to. Khói đen mù mịt. Thỉnh thoảng lại bùng lên một cái. Tôi sợ lắm nhưng vẫn tiến lại gần. Biết đâu có ông nào bị thương mà nhảy ra thì mình còn có thể cứu giúp được. Lính bên nào thì cũng là người mình cả thôi, phải không chú?
Tôi nép sát vào hiên nhà rồi chăm chú nhìn vào chiếc xe xem liệu có ai chui ra không. Nhưng không có ai cả, chỉ thấy khói lửa mịt mù. Đúng lúc đó tôi nghe tiếng người cười nói rổn rảng ở phía đằng cổng quân trường.
Tôi quay ra nhìn thì thấy ông trung tá Lâm, sếp phó Trường Võ bị cùng mấy ông lính nữa đang chạy từ phía khẩu pháo to ở đằng kia lại. Họ vừa chạy vừa cười nói có vẻ phởn chí lắm.
Tôi đoán chừng có lẽ chính họ vừa bắn hạ được các ổng nên chạy ra xem hay định bắt tù binh nữa không chừng. Sợ các ổng nhìn thấy mình tui vội vàng nép hẳn vào trong.
Nhưng đúng vào lúc đó, đúng vào lúc ông Lâm và mấy ông lính nghênh ngang nhứt, hào hứng nhứt… thì giữa đám khói lửa mù mịt đó một ông bất ngờ đứng dạy. Người ổng cũng đang cháy bùng bùng. Tôi đoán chừng ổng sẽ nhảy xuống… Nhưng không phải!
Tay ổng cắp khẩu súng lia một loạt dài rồi đổ gục xuống tại chỗ. Tôi sợ run hết cả người, cứ chắp tay xá mãi. Đúng là từ hồi nhỏ đến giờ tôi mới chứng kiến cảnh tượng ấy.
Ổng như là “Thần Lửa” ấy. Đến lúc tôi định thần nhìn ra thì thấy ông trung tá Lâm với mấy người lính cộng hòa đã trúng đạn chết cả… Từ hôm ấy tôi vẫn hay nằm mơ thấy ông Thần Lửa hiện về đấy. Ổng không nói mà chỉ cười thôi.
Chú đã bao giờ chứng kiến cảnh ấy chưa? Chú thấy tôi gọi ổng là Thần Lửa có đúng không?"
Trước câu hỏi đột ngột của ông già tôi không dám trả lời mà chỉ gật đầu vì biết rằng nếu mở miệng ra mình sẽ òa khóc mất. Khuôn mặt quắc thước của ông già giãn ra một chút:
"Mấy hôm sau có các chú ở đơn vị quay lại tìm. Nghe kể trong xe có 5 người và đều còn rất trẻ - Giọng ông già bỗng chùng hẳn xuống - Mỗi người chỉ còn một nhúm tro.
Các ổng đã chết cho tôi được sống, vì nếu không có chiếc xe tăng chặn ở đấy thì cả dãy nhà tôi đã hứng trọn làn đạn.
Chết trẻ vậy thì thiêng lắm nên tôi đã lập cái ban thờ này để hương khói cho các ổng".
Ông già đã ngừng lời, song tôi vẫn ngồi lặng ở đó. Vậy là các anh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ cho chúng tôi thẳng tiến vào Sài Gòn.
Xe tăng bơi K63-85 thuộc lực lượng Hải quân đánh bộ (Vùng 4 Hải quân) diễn tập.
Xe tăng bơi K63-85 thuộc lực lượng Hải quân đánh bộ (Vùng 4 Hải quân) diễn tập
.
Tháng 7/1975, tôi ra Bắc rồi đi học, tiếp tục cuộc đời binh nghiệp. Cuộc sống cuốn tôi đi theo dòng chảy của nó song câu chuyện của ông già Viên vẫn bám theo tôi như một nỗi ám ảnh và tôi vẫn tự hứa với lòng mình sẽ quay lại thắp hương cho các anh khi nào có dịp.
Vì vậy, 20 năm sau - trong một chuyến công tác, tôi đã trở lại Tăng Nhơn Phú. Nhưng không còn vết tích gì của các anh cả. Nơi chiếc xe 707 nằm lại cùng với cái ban thờ và 5 ngôi mộ gió giờ đã trở thành lòng một con đường lớn.
Dãy nhà lụp xụp cạnh đó bây giờ là dãy phố khang trang. Hỏi thăm ông già Viên thì không ai biết. Hỏi về chiếc xe tăng cháy họ cho biết ngày trước, nó nằm ở quãng ấy, quãng nọ nhưng chính xác chỗ nào thì “lâu ngày quên rồi”.
Hỏi về “Thần Lửa” họ lắc đầu, cười ngượng nghịu: “thì cũng chỉ nghe loáng thoáng truyền miệng vậy thôi”... Tôi ra về mà lòng nặng trĩu nỗi buồn. Chả lẽ mọi việc đã rơi vào quên lãng?
Lục tìm trong các cuốn Lịch sử Binh chủng Tăng Thiết giáp, Lịch sử Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn xe tăng 574… phần ghi về sự kiện này hết sức ngắn gọn và vắn tắt. Đại khái là:
“Khoảng 7h30 ngày 30.4.1975, khi đội hình binh đoàn thọc sâu đến Thủ Đức thì bị địch ở Trường Võ bị bắn ra ngăn chặn gây thương vong cho một số chiến sĩ. Xe tăng 707 do Trần Quang Nhàn chỉ huy được lệnh cơ động vào trường đánh địch để bảo vệ bên sườn cho đội hình…”.
Cuốn sử của Trung đoàn 574 mới xuất bản năm 2000 thì nói rõ hơn một chút song cũng chỉ cho biết là cả xe đã hy sinh anh dũng và xe đã được truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba.
Nói chung là thông tin về kíp xe 707 trên các tài liệu chính thống chỉ vắn tắt như thế và vô cùng ít ỏi. Sau một thời gian tìm hiểu từ nhiều nguồn tôi đã tìm ra danh tính cũng như quê quán của 5 chiến sĩ trên xe 707 ngày 30.4.1975 là:
- Trưởng xe: Trần Quang Nhàn. Sinh năm 1954. Quê quán: Lực Điền, Yên Bình, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú.
- Pháo thủ: Nguyễn Văn Hữu. Sinh năm 1954. Quê quán: Hoà Xá, Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Tây.
- Lái xe: Phạm Duy Hòa. Sinh năm 1950. Quê quán: Triều Khê, Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Tây.
- Pháo hai: Ngô Văn Nghị. Sinh năm 1953. Quê: Tông Thượng, Quang Trung, Kinh Môn, Hải Dương.
- Y tá đi cùng: Trần Trọng Đông. Sinh năm 1954. Quê quán: Xóm: Đông, Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây.
Người mà ông già Viên nhìn thấy vùng dậy diệt địch khi lửa cháy bùng bùng trên thân mình có lẽ là lái xe Phạm Duy Hòa - người duy nhất có thể sống sót trước sức công phá của viên đạn 175 ly trúng vào buồng chiến đấu.
Không chỉ lập công trong trận đánh này mà xe 707 đã lập công xuất sắc trong nhiều trận đánh khi còn nằm trong đội hình Trung đoàn xe tăng 574, đặc biệt là trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Kết thúc chiến dịch này, xe đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất. Được biết Lữ đoàn 203 xe tăng đang làm thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho xe 707.
Song dù các anh có được tuyên dương hay không thì các anh vẫn mãi mãi là những người anh hùng trong lòng chúng tôi - những người lính của Lữ đoàn xe tăng 203; mãi mãi là vị “Thần Lửa” uy dũng trong lòng bà con Tăng Nhơn Phú.
                                       27-7-2015

                                       Nguyễn Khắc Nguyệt 

HỌP MẶT 20.11.2015

Vẫn như mọi năm, ngày 20.11.2015 các học sinh khóa 1968- 1971 Trường cấp 3 Chí Linh lại tổ chức gặp mặt để tri ân các thày cô giáo. Và cũng như mọi khi, đã gặp nhau là vô cùng vui vẻ. Có điều, từ hai năm nay chỉ có vợ chồng thày Thịnh và cô Tú là đến được với đám học trò, còn các thày cô khác đều xin kiếu vì lý do sức khỏe.


Ảnh lấy trên FB của Đức Bùi Văn

TRẬN ĐÁNH 1 CHỌI 10 LỊCH SỬ

m 2015


TRẬN ĐÁNH 1 CHỌI 10 LỊCH SỬ

Trong chiến tranh Việt Nam các trận đấu tăng không nhiều. Nhưng có một trận đã đi vào lịch sử. Đó là trận đấu “1 chọi 10” diễn ra ở Đắc Tô 2 ngày 24.4.1972.

Phối hợp với các chiến trường khác trên toàn miền Nam, BTL Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh từ ngày 31.3.1972, trong đó mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh để mở đường tiến đánh Kon Tum, mở rộng vùng kiểm soát của ta ở Tây Nguyên.Sông Pô Kô vẫn chảy xuôi...

Tây Nguyên - phía VNCH gọi là Cao nguyên Trung phần là một dải các cao nguyên có độ cao 500-800 mét trải dài suốt mấy trăm ki-lô-mét, lại giáp giới với Lào và Căm-pu-chia nên còn được gọi là “Mái nhà của Đông Dương”.Trong con mắt các nhà quân sự từ xưa đều đánh giá rất cao vị trí vùng đất này, họ cho rằng: “Ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được miền Nam và cả Đông Dương”.Chính vì vậy, Tây Nguyên trở thành vùng tranh chấp ác liệt giữa các bên, trong đó Đắc Tô-Tân Cảnh là điểm trọng yếu nhất bởi đó chính là căn cứ tiền tiêu của hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên bên phía VNCH.Do vị trí đặc biệt quan trọng như vậy, Tân Cảnh được xây dựng hết sức kiên cố và vững chắc theo tiêu chuẩn Mỹ.Đồn trú ở đây gồm có Trung đoàn 42 (gồm 4 tiểu đoàn) của Sư đoàn bộ binh 22, Sở chỉ huy tiền phương sư đoàn, Thiết đoàn 14 (gồm 27 xe tăng và 14 xe bọc thép), cụm pháo binh sư đoàn (10 khẩu).Cách đó 8 km về phía tây là căn cứ Đắc Tô 2 có 2 tiểu đoàn BB thuộc Trung đoàn 47, 1 chi đội thiết kỵ nhưng mức độ kiên cố thì kém hơn.Xa hơn nữa là căn cứ biên phòng Bến Hét do lực lượng biệt kích đóng giữ.
Với hệ thống công sự vật cản kiên cố, với lực lượng đồn trú hùng mạnh... bọn địch ở Tân Cảnh thường huyênh hoang: “Bao giờ sông Pô Kô chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Tân Cảnh”.
Chúng còn viết thành khẩu hiệu căng lên ở cổng chính của căn cứ.Rạng sáng ngày 24.4.1972, ta đồng loạt tiến công căn cứ Tân Cảnh và Đắc Tô 2. Lực lượng tiến công Tân Cảnh là Trung đoàn bộ binh 66 được tăng cường Đại đội xe tăng 7 và một số bộ phận khác như đặc công, phòng không, tên lửa chống tăng B72...Lực lượng tiến công Đắc Tô 2 là Trung đoàn 1 của Sư đoàn bộ binh 2. Do tạo được bất ngờ và lựa chọn hướng tiến công chính xác cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội, đến 8 giờ sáng quân ta đã cơ bản làm chủ Tân Cảnh.


Chiếc xe tăng số hiệu 377 và kỳ tích trong trận đánh Đắc Tô - Tân Cảnh ngày 24-04-1972.

Tuy nhiên, tại Đắc Tô 2 tình hình gặp nhiều khó khăn. Địch điều động 2 chi đội xe tăng (10 xe M41) từ Bến Hét theo đường 18 về phản kích đang từng bước đẩy lùi quân ta. Tình thế hết sức nguy cấp.BTL chiến dịch quyết định điều 1 trung đội xe tăng lên chi viện cho bộ binh ta đánh địch phản kích. Lúc này, Trung đội xe tăng 3 đã hoàn thành nhiệm vụ trên hướng thứ yếu và đang ở gần Đắc Tô 2 nhất nên được chỉ huy đại đội giao nhiệm vụ này.Trận “1 chọi 10 lịch sử”

Trung đội xe tăng 3 do thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy gồm 3 xe tăng: 377, 354, 369 và 1 xe cao xạ tự hành ZSU57-2 số hiệu 472. Xe 377 có 4 thành viên: Nguyễn Nhân Triển-trưởng xe; Cao Trần Vịnh-lái xe; Nguyễn Đắc Lượng-pháo thủ và Hoàng Văn Ái-nạp đạn.Ngay khi nhận nhiệm vụ Triển lập tức truyền lệnh đến toàn trung đội và lệnh cho lái xe tăng tốc độ hướng về Đắc Tô 2.Con đường 18 nối Tân Cảnh với Đắc Tô 2 bị hư hỏng nhiều nên cơ động rất khó khăn, khoảng cách giữa các xe ngày càng giãn rộng.Đến gần Đắc Tô 2, khi quan sát thấy bộ binh ta đang vừa rút lui vừa chống đỡ một cách tuyệt vọng trước đoàn xe tăng hung hãn của địch, sự sống còn của hàng trăm chiến sĩ như trứng để đầu đẳng...Nguyễn Nhân Triển quyết định không chờ các xe sau đến mà chỉ huy xe lao thẳng vào đội hình địch. Như một con mãnh hổ lao vào giữa đàn sói, xe 377 nhanh chóng bắn cháy 2 xe M41 làm cho quân địch kinh hoàng.Chúng không dồn ép bộ binh ta nữa mà tổ chức lại đội hình bao vây xe 377 lại và bắn trả liên tiếp. Xe 377 lợi dụng địa hình địa vật đánh trả kiên cường.Tuy nhiên, “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Sau khi diệt thêm một số xe địch nữa thì xe 377 trúng 3 phát đạn và bốc cháy. Ngay cả khi khói đen đã bốc lên từ tháp pháo, các chiến sĩ BB vẫn thấy 1 phát pháo nữa được bắn ra thiêu cháy 1 xe tăng địch.Đúng lúc ấy 2 xe 354 và 369 cơ động đến nơi tiếp tục tiêu diệt địch nhưng sau đó bị máy bay bắn hỏng. Đợt phản kích của địch bị chặn đứng, bộ binh ta lao lên làm chủ Đắc Tô 2.Cho đến giờ, cũng không biết đích xác xe 377 đã bắn hạ bao nhiêu xe địch, chỉ biết rằng sau trận đánh địch bỏ lại 9 xác xe M41 cháy thui, trong đó xung quanh 377 là 7 chiếc, có chiếc chỉ cách 377 chưa đầy 100 mét.


Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe 377 bắn cháy tại trận Đắk Tô.

Hậu chiến

Sau khi tìm kiếm không thấy, đồng thời tham khảo ý kiến các chiến sĩ bộ binh, đơn vị đi đến kết luận: “Tất cả 4 thành viên xe 377 đã hy sinh anh dũng trong xe”, ngày 01.5.1972 một tổ công tác được giao nhiệm vụ đi thu gom hài cốt của các liệt sĩ.Sau khi loại bỏ hết những mảnh kim loại ngổn ngang họ gạt nước mắt cẩn trọng gom từng chút một tàn tro di cốt của các anh. Tất cả chỉ chưa đầy một ba lô.Họ mang về đơn vị, chia làm 4 phần và mai táng các anh tại ngọn đồi phía đông bắc Thị trấn Tân Cảnh (nay đã quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Đắc Tô).Nơi chiến địa khốc liệt ngày ấy hôm nay đã mọc lên một ngôi trường với cái tên “Trường Trung học cơ sở 24 tháng 4” - ngày diễn ra trận đấu “1 chọi 10” huyền thoại.Còn chiếc xe 377 được đưa về tượng đài chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh. Nghe nói hôm đó, mặc dù hai chiếc máy ủi công suất lớn đã xúm vào kéo đến nỗi đứt cả dây cáp mà nó vẫn trơ như đá, vững như đồng không chịu nhúc nhích một ly.Dường như nó muốn mãi mãi nằm lại nơi chiến trường đẫm máu ngày nào thì phải. Rồi có ai đó góp ý, Ban tổ chức đã biện một mâm lễ nhỏ và thành kính thắp hương khấn bái xin anh linh các liệt sỹ cho đưa chiếc xe của các anh về nơi trang trọng hơn.Chẳng biết có phải các anh đồng ý hay không nhưng vừa tàn một tuần nhang, nó đã nhẹ nhàng theo những người lai dắt về vị trí hiện nay như một chú voi Tây Nguyên đã thuần dưỡng theo người quản tượng.


Xe tăng 377 tại Di tích Lịch sử Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kontum).

Cũng trong lúc thu gom di cốt các anh, tổ công tác còn phát hiện một nắm cơm đã cháy đen nằm trên vành tháp pháo. Nắm cơm tiêu chuẩn sáng ngày hôm đó mà kíp xe vẫn chưa kịp ăn vì còn phải gấp gáp cơ động lên chi viện bộ binh.Qua mấy nghìn độ lửa, những hạt cơm đã cháy thành than, đen ngời, rắn chắc như một tảng kíp-lê. Nắm cơm đó hiện nay nằm trang trọng trong bảo tàng lực lượng Tăng Thiết Giáp Việt Nam ở đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.Nó nằm đấy, giản dị khiêm nhường song cũng đã lấy đi bao nước mắt của những người đã từng một lần tới thăm.Tuyên dương hành động anh hùng và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, ngày 09 tháng 2 năm 2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 56/QĐ-CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho kíp xe 377.Dẫu có muộn màng một chút song chắc rằng ở cõi vĩnh hằng các anh cũng sẽ ngậm cườI.

Nguồn: http://soha.vn/quan-su/tran-dau-1-choi-10-ky-tich-cua-bo-doi-xe-tang-viet-nam-20151102104226395.htm

NGẬM NGÙI

Vừa mới nắng vàng với trời xanh
Mây bông từng đụn với gió lành
Vàng thu chửa kịp vào hoa cúc
Đã thấy căm căm gió bấc hành!

SEN TÀN



Vẫn biết lá rồi sẽ úa
Vẫn biết hoa rồi sẽ tàn
Mà sao không thôi ngơ ngẩn
Chẳng đừng được một lời than!