Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 17


Những ngày áp Tết trôi qua thật nhanh. Quanh đi, quẩn lại nhoáng cái đã Ba mươi Tết. Sau bữa cơm tất niên chiều ba mươi, ông Đào xung phong nhận trông nồi bánh chưng. Năm nay, phấn khởi vì ông được về ăn Tết, con trai lại sắp đi bộ đội nên bà quyết định gói những hai chục cái bánh chưng. Cái nồi đồng “năm mươi” mượn của ông anh họ to như thế mà xếp hai chục cái bánh vào cứ đầy phè lên, bà phải bện thêm một cái nùn rơm lót lên miệng nồi. Bên trên bà đặt một cái chậu nhôm to đựng gần đầy nước. Nồi bánh đã được đặt lên cái bếp chất bằng mấy gộc tre to đùng để dành từ mấy tháng trước và nổi lửa từ lúc nấu cơm xong nên sau khi ăn xong đã bắt đầu sôi. Tiếng nước sôi lục bà, lục bục. Thỉnh thoảng hơi nước lại phụt ra qua kẽ hở giữa đáy chậu và cái nùn rơm nghe đến “phì” một cái. Thấy ông tỏ ý như vậy, Bà Hạnh sợ ông mệt nhưng ông cười bảo: “Đối với tôi, chuyện thức trắng đêm như cơm bữa rồi” nên bà cũng đành chấp thuận. Tuy nhiên, biết ông vụng những khoản này nên bà phải dặn rất kỹ: “Chậu nước trên này lúc nào cũng phải gần đầy. Khi nào ông thấy nước trong nồi bánh không còn phập phì nữa là nó đã cạn, phải lấy nước nóng ở chậu để chế vào. Chế nước xong lại phải đổ nước vào cho nó nóng. Để cạn quá hay chế bằng nước lạnh, bánh nó “hấy” là đen cả năm đấy”. Đã thấm bài học về quy trình gói bánh nên ông nghe rất chăm chú và còn yêu cầu bà làm mẫu cho một lần. Quả thật, đây là lần đầu tiên trong đời ông được thức trông nồi bánh chưng Tết.
Rải một chiếc chiếu ngay trên nền bếp ông Đào ngồi tư lự nhìn bếp lửa đang hồng rực. Những cảm giác lẫn lộn ùa về trong lòng ông. Ông vừa cảm thấy hạnh phúc khi được hưởng cái hạnh phúc đón Tết trong không khí ấm cúng gia đình lại vừa cảm thấy như mình có lỗi khi không ở lại sát cánh cùng những người đồng đội của mình trong thời khắc quan trọng của đất trời này. Tự cười mình lẩn thẩn, ông với tay lấy chiếc đài bán dẫn nhỏ dò sóng đài Tiếng nói Việt Nam. Sau một hồi sột soạt, tiếng hát bắt đầu vang lên. Đã là chương trình văn nghệ đón Xuân rồi. Ông vặn nhỏ đài rồi lại trầm ngâm suy nghĩ. Hôm qua, ông đã tranh thủ nói chuyện với Hưng. Có lẽ đó là cuộc nói chuyện dài nhất từ trước đến nay giữa hai bố con. Thực tình, từ khi biết tin đứa con nuôi của mình tình nguyện nhập ngũ thì một nỗi lo lắng mơ hồ đã dấy lên trong lòng ông. Tiếng là con ông nhưng nó đích thực là giọt máu còn sót lại của hai liệt sỹ đã bỏ mình vì nước. Lỡ ra, nó có mệnh hệ nào thì ông biết nói sao khi gặp lại họ ở thế giới bên kia. Vì vậy, trong thâm tâm ông muốn Hưng chọn một con đường an toàn hơn. Với vị trí của mình, ông hoàn toàn đủ khả năng can thiệp để nó được hoãn nhập ngũ hay ở lại một đơn vị nào đó ngoài này mà không phải vào trong kia. Tuy nhiên, sợ động đến lòng tự trọng của con nên ông cũng muốn nói chuyện với nó để tìm hiểu xem nó nghĩ thế nào. Quả thật là cuộc nói chuyện đã cho ông hiểu thêm rất nhiều về đứa con vừa gần mà lại vừa rất xa của mình. Khi ông hỏi: “Sao không ở nhà tiếp tục học lên đại học mà lại tình nguyện đi bộ đội?” thì nó trả lời tỉnh khô: “Con cũng nghĩ kỹ rồi. Chưa có hòa bình thống nhất thì học cũng chẳng để làm gì. Đến lúc hòa bình, thống nhất rồi thì đi học cũng chưa muộn”. Bảo nó: “Thì có người đi đánh giặc nhưng cũng phải có người đi học để sau này xây dựng đất nước chứ” thì nó nói: “Bố biết anh Lê Mã Lương chứ. Anh ấy có câu nói rất hay mà bọn con đứa nào cũng thích. Vì vậy, cả bọn chúng con cùng viết đơn tình nguyện đi đợt này”. Câu nói này thì ông biết, ông cũng phải công nhận người thanh niên đó đã phát biểu thay tất cả những thế hệ thanh niên Việt Nam trong suốt mấy chục năm nay. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt của tấm huy chương, phải ra chiến trường rồi mới hiểu được mặt kia của nó như thế nào. Nhưng chẳng lẽ lại đem đổ nước lạnh vào bầu nhiệt huyết của con (?). Cố vớt vát ông hỏi nó: “Có thích về đơn vị nào thì để bố xin về cho?” thì nó tỏ ra bình thản: “Bố cứ mặc con. Đợt này trường con đi gần trăm đứa. Con thích được đi cùng với bọn nó”. Đến thế là cùng rồi còn gì mà nói nữa. Thôi thì đành phải phó mặc cho số phận vậy. Tuy nhiên, ông cũng hơi yên tâm vì ông biết cuộc chiến này không thể kéo dài nữa. Thế và lực của địch đã yếu đi nhiều. Trong khi bộ đội ta đã có những trưởng thành vượt bậc.
Đây đó đã thấy tiếng pháo nổ đì đẹt. Ông Đào ngoái cổ nhìn ra ngoài. Bầu trời đêm ba mươi đen kịt. Theo như các cụ truyền lại thì đêm ba mươi mà tối đen thế này sang năm mới sẽ mưa thuận, gió hòa, mọi việc hanh thông. Nếu được như vậy thì may quá. Chủ trương của Bộ thống soái tối cao là quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà trong vòng hai năm tới liệu có thành hiện thực hay không? Đầu óc ông lại quay trở lại với câu hỏi của Tổng tham mưu trưởng hôm nào: “so sánh lực lượng giữa tăng thiết giáp của ta và địch hiện nay là quá chênh lệch, vậy thì phải làm thế nào để thắng chúng”. Hôm ấy, ông đã trả lời một cách rất tự tin để cấp trên yên tâm. Tuy nhiên, trong sâu thẳm trong lòng không phải ông không lo lắng. Về mặt số lượng, rõ ràng tỷ lệ 1 trên 6 là chênh lệch quá nhiều. Mà “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Chúa sơn lâm dẫu có mạnh đến đâu mà bị một lũ cáo đông đảo tiến công cũng có khi không địch nổi. Trong tình thế ấy, không có gì hơn là phải biết dùng mưu kế. Phải đánh vào chỗ địch bất ngờ nhất, mỏng yếu nhất. Khi đã xác định được mục tiêu chủ yếu rồi phải biết tập trung lực lượng đủ mạnh để dứt điểm nhanh, không để chúng có cơ hội cơ động lực lượng ra phản kích. Bức điện của phó tư lệnh Kiệm gửi về báo cáo sơ lược những ưu khuyết điểm của trận Phước Long tuy rất ngắn gọn nhưng cũng để ông nhận thấy sử dụng lực lượng xe tăng trong trận này là có vấn đề. Sở dĩ trận đánh kéo dài là do ta sử dụng còn phân tán, chưa biết tập trung lực lượng vào mục tiêu chủ yếu và thời cơ quyết định. Vì vậy, ngay sau đó ông đã chỉ thị cho cơ quan chủ nhiệm tăng thiết giáp các mặt trận phải nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm này tới các đơn vị. Riêng với B3 ông cũng đã điện trực tiếp cho Trần Doãn tham mưu cho Bộ tư lệnh mặt trận sử dụng toàn bộ trung đoàn H73 cho trận đánh mở màn chiến dịch. Đầu óc ông lại liên tưởng đến trận Đống Đa- Ngọc Hồi mùa Xuân Kỷ Dậu gần hai trăm năm trước của người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ. So sánh lực lượng hai bên lúc ấy cũng chênh lệch chẳng khác cái tỷ lệ đang làm đau đầu ông bây giờ bao nhiêu. Trong khi quân Thanh có đến hai mươi chín vạn thì Quang Trung chỉ có trong tay mười vạn binh vừa mới huy động từ Nghệ An. Ấy vậy mà chỉ trong 5 ngày trời, cái đạo quân đông nghịt của Thiên triều ấy đã vỡ ra từng mảng trước sức tấn công vũ bão và thần tốc của quân ta. Đúng là “quân cốt tinh, không cốt nhiều”. Và điều quan trọng nhất là tài dùng binh, khiển tướng. Hai năm vừa qua, cán bộ chiến sĩ xe tăng của ông cũng đã có thời gian để chuẩn bị, để tự nâng mình lên ngang tầm với nhiệm vụ. Vì vậy, không lẽ gì mà phải quá lo lắng. Cao hứng, ông lẩm nhẩm lại lời hịch hào hùng trước lễ xuất quân của Quang Trung năm nào: “Đánh cho để dài tóc, Đánh cho để đen răng, Đánh cho nó chích luân bất phản, Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, Đánh cho sử tri Nam Quốc sơn hà chi hữu chủ”. Đang say sưa, ông chợt giật bắn mình vì tiếng của bà:
- Chết thôi! Ông nhận trông nồi bánh chưng mà để thế này à? “Hấy” hết bánh của tôi rồi.
Vừa nói bà vừa đôn đáo nhấc cái chậu nhôm lên chế nước vào miệng cái nồi năm mươi đang nghi ngút khói. Đổ hết chậu nước vẫn chưa đủ, bà vớ luôn phích nước sôi cạnh đấy dội vào. Vẻ hối lỗi, ông phân bua:
- Thì tôi vẫn thấy nó “phập phà, phập phì” đấy mà.
Bà cười dễ dãi:
- Vẫn còn may là tôi xuống kịp. Thôi, để đấy tôi trông cho. Ông lên sửa soạn quần áo rồi ra cũng giao thừa. Tôi đã sắp lễ xong rồi đấy.
Ông bước ra ngoài. Tiếng pháo nổ đã dày hơn. Thời khắc giao thừa thiêng liêng sắp đến. Ngước lên bầu trời đen kịt đêm ba mươi ông thầm khấn trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì cho đất nước sớm yên bình, phù hộ cho mọi gia đình được bình an, mạnh khỏe và đủ ăn, đủ mặc.

*

Cách đó hơn một nghìn cây số, trong một cánh rừng săng lẻ bên bờ con sông Sê- Rê- Pốc hung dữ và bí hiểm Thắng cũng đang ngồi một mình ngước lên bầu trời đêm ba mươi đen thẫm. Tối nay, anh đã nhận ở lại trông cái xe dắt và cho tổ thợ của mình sang đón giao thừa cùng với anh em đại đội 9. Trong cái giờ phút thiêng liêng này, anh muốn để anh em bớt thấy cô đơn. Dù sao, so với mấy tay thợ thì anh cũng là người già dặn nhất và ít nhất cũng có đến sáu cái Tết ở chiến trường rồi. Cũng may, bây giờ đã có cái đài bán dẫn Na- ti- o- nan chính hiệu thay cho cái đài tự lắp Ô- ri- ông- chế làm bạn. Vừa lắng nghe tiếng hát của chương trình ca nhạc đón giao thừa Thắng vừa bồi hồi nhớ lại đêm giao thừa Tết Mậu Thân. Năm đó, cũng bên bờ một dòng sông anh cùng đồng đội đã đón giao thừa khi chỉ cách địch có vỏn vẹn 6 ki- lô- mét. Còn năm nay, các anh lại cũng đón giao thừa bên cạnh một dòng sông, cũng trong tình trạng phải tuyệt đối bí mật vì cách địch chẳng bao xa. Năm đó, các anh chuẩn bị đánh trận đầu tiên của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam, mở ra truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của binh chủng. Còn năm nay, các anh cũng đang chuẩn bị đánh trận mở đầu cho trận đánh lớn giải phóng miền Nam, trận đánh mà hơn ba mươi triệu người dân Việt Nam hằng mơ ước bao năm. Hai cái giao thừa thật giống nhau mà cũng thật khác nhau. Năm 68, các anh ra quân với lực lượng vẻn vẹn hai đại đội. Còn năm nay, cả trung đoàn H73 của anh đã ém quân tại đây. Mà không chỉ có thế, cùng hành quân vào đây với các anh còn có rất nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật nữa.
Cách đây vừa tròn một tuần thì trung đoàn nhận lệnh cơ động lực lượng vào vị trí tập kết chiến dịch. Do đã có dự báo nhiệm vụ từ trước nên ngay lập tức ban chỉ huy trung đoàn tổ chức cho anh em ăn Tết trước vào ngày Ông Táo lên trời. Mọi thứ đã được cố định sẵn sàng nên ăn Tết xong chỉ còn chờ trời tối là lên đường. Để đảm bảo kỹ thuật cho hành quân, đại đội sửa chữa được chia thành từng tổ đi theo các đại đội. Riêng Thắng không đi theo xe ô tô của ban kỹ thuật mà xin đi theo chiếc xe dắt cùng tổ thợ đầu đàn đi cuối đội hình. Thành ra, từ hôm đó đến nay anh và tổ thợ gần như nằm trong đội hình của đại đội 9.  Gần một tuần liền đêm đi, ngày nghỉ vượt hơn ba trăm ki- lô- mét đường mới mở, xuyên qua những cánh rừng khộp trơ trụi lá cho đến hôm qua toàn trung đoàn đã có mặt bên bờ con sông hoang vắng này. Mà cũng may có con sông nên còn có một dải rừng xanh tốt này để trú quân chứ mùa khô Tây Nguyên này tìm cho ra chỗ giấu cả một trung đoàn xe tăng đâu có dễ. Gần một tuần phải tiết kiệm từng hạt nước, lại bị tắm trong cả một biển bụi nên vừa đến nơi, giấu xe xong là lính tráng kéo cả ra sông tắm giặt. Con sông Sê- Rê- Pốc hung dữ nhưng đang là mùa khô nước cứ trong văn vắt. Lính ta thỏa sức vẫy vùng, tên nào tên ấy kỳ ra cả ki- lô ghét.
Thấy đã ba mươi Tết mà mấy con gà tăng gia mang theo xe đã vào nồi tất, Thắng bảo tổ thợ của mình với anh em “xê Chín” đang tắm dưới sông đi tát cá để kiếm tý chất tươi ăn Tết. Cả bọn xách cuốc, xẻng và mấy cái thùng 10 lít chặn một khúc con suối nhỏ gần chỗ nó đổ ra sông rồi hỳ hục tát. Mất gần nửa tiếng thì đoạn suối cạn nhưng chẳng thấy con cá nào. Cả bọn đang thất vọng định về thì thấy Độ còi nhảy cẫng lên và hét thất thanh. Thì ra, cái tảng đá mà cậu ta đứng trên đó đang nhúc nhích. Định thần lại cả bọn mới phát hiện ra đó là một con ba ba. Nó đang tìm đường chạy ra sông. Thế là cả đám xúm vào túm nó nhưng không được vì con ba ba quá to, mai nó lại trơn. Thắng vớ ngay cái cuốc chim và hét bảo mọi người lui ra. Anh nhằm chỗ đầu con vật bổ một nhát trời giáng. Con ba ba không chết nhưng rụt cổ vào. Lính ta lật ngửa nó lên rồi khiêng về. Không có cân nhưng ước lượng chắc không dưới hai mươi ki- lô. Con ba ba khổng lồ đã làm cho bữa cơm tất niên chiều ba mươi thêm phần rôm rả. Tiếc cái thiếu gia vị nên chỉ làm được hai món: ba ba nấu với củ chuối và ba ba rang muối.
Từ chiếc đài bán dẫn, tiếng pháo đã rộn lên. Thắng biết giờ phút giao thừa sắp tới. Lòng anh bỗng trào lên nỗi nhớ nhà da diết. Giờ này, chắc ông bà, bố mẹ và các em anh đang quây quần bên mâm cỗ cúng giao thừa và chờ người đến xông nhà. Ấy là do ông anh kỹ tính. Năm nào cụ cũng có nhời trước với một người bà con khỏe mạnh, tốt tính lại hợp tuổi đến xông nhà sau lúc giao thừa. Sau thủ tục ấy anh em anh mới đi đâu thì đi. Riêng Thắng thường được cử đi gánh gánh nước đầu năm ở cái giếng cổ để lấy may. Cái giếng làng anh có từ bao giờ chẳng biết nhưng không bao giờ cạn, nước vừa trong vừa ngọt. Cứ sau giao thừa thì bờ giếng như có hội vì cả làng cùng ra gánh nước.
Tiếng pháo đột ngột chấm dứt. Từ trong chiếc đài vẳng ra lời chúc Tết của Bác Hồ. Đã mấy năm nay, giao thừa năm nào Đài tiếng nói Việt Nam cũng phát lại lời chúc Tết của vị Cha Già dân tộc mặc dù Người đã đi xa. Thắng bỗng cảm thấy ấm lòng. Thưa Bác, ngày chiến thắng chắc chắn sẽ không còn xa nữa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét