Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

BÃO THÉP 4- TRẬN CUỒNG PHONG- Kỳ 25


Đòn điểm huyệt Buôn- Mê- Thuột đã làm không chỉ Bộ Tư lệnh quân đoàn Hai mà cả Sài Gòn choáng váng. Tướng Phạm Văn Phú loay hoay tìm cách giải cứu nhưng đụng vào đâu cũng thấy vướng. Tất cả các con đường bộ nối đến Buôn- Mê- Thuột đều đã bị cắt. Sân bay Phụng Dực cũng đã bị khống chế. Chỉ còn một con đường duy nhất là dùng trực thăng đổ quân xuống. Trong khi đó, với chiến thuật nhanh chóng đánh vào mục tiêu chủ yếu ở trung tâm thị xã, sau đó kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi và quân ứng cứu mà quân ta áp dụng đã cho thấy hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.
Chiều 11 tháng Ba, ta diệt một đoàn xe ở Chư Cúc ngăn không cho địch giải tỏa đường 21.
Ngày 12 tháng Ba ta tiêu diệt các cứ điểm Thọ Thạnh, Buôn Hồ, Chư Bao, Đạt Lý. Đồng thời một trung đoàn bộ binh được tăng cường xe tăng tiến công căn cứ 45 để đón lõng tiêu diệt trung đoàn 45 địch nếu chúng đổ quân xuống đây.
Trong các ngày 12 và 13 tháng Ba, một cuộc trực thăng vận lớn nhất từ sau Hiệp định Pa- ri với sự tham gia của hàng trăm máy bay lên thẳng, hàng chục lần chiếc A37 hiểm hộ đã được Bộ Tư lệnh quân đoàn Hai tiến hành để đổ quân xuống giải tỏa Buôn- Mê- Thuột nhưng quân đổ xuống đâu bị đánh đến đấy.
Ngày 16 tháng 3 ta tiêu diệt trung đoàn 45 ngụy, làm chủ Nông Trại, Phước An. Cũng trong đêm đó, căn cứ 53 sau ba ngày chống cự quyết liệt bị quân ta tiêu diệt. Sư đoàn 23 ngụy coi như bị xóa sổ.
Trong khi đó, các đơn vị ở phía Bắc cũng đẩy mạnh hoạt động áp sát Pley- cu, Kon Tum, tiếp tục cắt đường 19.
Bất lực trước tình hình, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút quân chính quy khỏi Cao Nguyên, hy vọng bảo toàn lực lượng để giữ vùng ven biển.
Ngày 15 tháng Ba, tướng Phú rút sở chỉ huy quân đoàn về Nha Trang. Toàn bộ cuộc rút lui theo đường số 7 giao cho chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy.
Ngày 16 tháng Ba, địch rút khỏi Kon Tum.
Ngày 17 tháng Ba, lực lượng ở Pley- cu bắt đầu rút. 
Tuy nhiên, ý định bảo toàn lực lượng khi rút lui khỏi Cao Nguyên đã hoàn toàn phá sản. Trong tâm thế cực kỳ hoang mang, cuộc rút lui chiến lược “có tổ chức, có chỉ huy và tuyệt đối bí mật” như chỉ thị của đích thân tổng thống Thiệu đã trở thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn của một đoàn quân thất trận và ô hợp. Chúng bị đánh đằng trước, đánh đằng sau, đánh từ hai bên để rồi cuối cùng co cụm lại tại thị xã Cheo Reo và hứng chịu đòn quyết định. Sư đoàn B20 cùng với một trung đoàn pháo binh, một trung đoàn cao xạ và một tiểu đoàn xe tăng đã chờ chúng tại đó. Sau hơn một ngày tiến công mãnh liệt, hơn mười ba ngìn tên địch lớp bị diệt, lớp bị bắt, lớp ra hàng. Hàng chục nghìn phương tiện chiến tranh, trong đó gần như toàn bộ số xe tăng, thiết giáp của lữ đoàn thiết kỵ số 2 bị tiêu diệt và thu giữ. Con đường số 7 đã trở thành con đường chết của quân đoàn Hai Sài Gòn. 
Phối hợp nhịp nhàng với Tây Nguyên, quân ta tiến công địch rộng khắp chiến trường miền Nam.
Tại quân khu Năm, ngày 10 tháng Ba ta đánh chiếm quận lỵ Tiên Phước, Phước Lâm, uy hiếp địch ở Tam Kỳ. Tiếp đó đánh bại các cuộc phản kích của sư đoàn 2 ngụy.
Tại Thừa Thiên, ngày 10 tháng Ba ta đã tiến công căn cứ 303 và nhiều căn cứ khác trên đường 14 phía tây Động Truồi. Trước sức ép của ta, cộng với tin dữ từ Tây Nguyên bay về, ngày 19 tháng 3 quân địch ở Quảng Trị hốt hoảng rút về Nam Mỹ Chánh. Một cửa mở mới được mở ra trên địa bàn quân Một.
Ở Nam Bộ, ta đánh mạnh ở Bình Long, Tây Ninh, tiêu diệt chi khu Dầu Tiếng, cách Sài Gòn chỉ vài chục ki- lô- mét.
Như một phản ứng dây chuyền, toàn miền Nam rung động. Bộ Thống soái tối cao họp quyết định chớp lấy thời cơ, giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Quyết tâm chiến lược này nhanh chóng được phổ biến xuống cấp dưới. Một khí thế cực kỳ sôi động dấy lên trên toàn quốc.

Chương 19


Vừa từ trên Bộ về, tư lệnh Đào không về nhà mà vào ngay phòng chính ủy Sính trao đổi mấy câu rồi triệu tập ngay cuộc họp các cơ quan Bộ Tư lệnh để triển khai nhiệm vụ. Nhìn vẻ mặt nghiêm trọng của người đồng cấp, chính ủy Sính hiểu rằng có rất nhiều cái mới đang chờ đợi nên đồng ý ngay tắp lự. Các thành phần vừa có mặt đủ, tư lệnh Đào vào việc ngay. Sau khi tóm tắt những diễn biến chính của chiến trường miền Nam, ông nhấn mạnh:
- Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã họp và ra nghị quyết quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong năm 1975. Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ thị cho toàn quân tập trung binh khí kỹ thuật và vật chất, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Trước mắt, phải nhanh chóng chớp thời cơ địch đang rút lui chiến lược, làm tan rã quân đoàn Một và quân đoàn Hai ngụy, không cho chúng co cụm về xung quanh Sài Gòn. Bộ cũng đã quyết định mở chiến dịch Huế- Đà Nẵng trên địa bàn quân khu Một của địch. Thời gian bây giờ chính là lực lượng. Trách nhiệm của chúng ta là dồn toàn lực phục vụ cho mục tiêu này. Qua trao đổi với đồng chí chính ủy, chúng tôi xác định trong thời điểm này binh chủng ta cần khẩn trương làm ngay một số việc sau- Ông liếc nhìn những gương mặt chăm chú và mừng rỡ của những người trong phòng họp rồi dằn giọng- Trước hết, phải nhanh chóng đưa ba tiểu đoàn của H15 và H06 bổ sung cho B2. Việc này ta đã có kế hoạch từ trước nên ngay sau cuộc họp này bên tham mưu điện ngay cho anh Võ cho bộ đội xuất phát, hành quân với tốc độ cao nhất, đảm bảo trung tuần tháng Tư phải có mặt tại B2. Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị còn lại của H15 và H01 tăng cường huấn luyện bổ sung, sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Thứ ba, tiếp tục xây dựng thêm một số tiểu đoàn mới để sẵn sàng bổ sung cho chiến trường khi cần thiết. Thứ tư là phải tăng cường cán bộ cho các mặt trận để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu về sử dụng tăng thiết giáp trong các chiến dịch sắp tới. Thứ năm, tăng cường bổ sung cơ sở vật chất cho các đơn vị, đặc biệt là đạn pháo. Đồng thời, tổ chức tốt việc thu giữ, bảo quản trang bị tăng thiết giáp của địch bỏ lại, cái nào đưa được vào chiến đấu ngay thì đưa, còn lại phải thu hồi và bảo quản cho tốt. Đó là những nhiệm vụ chính mà chúng ta cần thực hiện ngay. Đề nghị các đồng chí bổ sung thêm.
Chính ủy Sính thì điềm đạm:
- Báo cáo các đồng chí! Đây là thời cơ ngàn năm có một của dân tộc ta, đất nước ta. Chúng ta mà không chớp lấy là có tội với lịch sử. Những nhiệm vụ chính như đồng chí tư lệnh đã phổ biến theo tôi là đầy đủ rồi. Bây giờ đề nghị chúng ta thảo luận các biện pháp để thực hiện cho tốt mà thôi. Xin mời các đồng chí!
Một cánh tay giơ lên, đó là trưởng ban quân lực:
- Báo cáo các thủ trưởng, việc đưa ba tiểu đoàn của H15 và H06 đi B2 thì không có vấn đề gì vì lực lượng, trang bị đã đày đủ. Bây giờ ta chỉ việc điện vào là anh em lên đường. Tuy nhiên, việc thành lập thêm một số tiểu đoàn mới thì tôi thấy rất khó thực hiện bởi vì, thời gian thì quá gấp, số chiến sĩ mới tuyển đầu năm nay vẫn đang huấn luyện tân binh, nếu có chuyển sang đào tạo thành viên kíp xe ngay cũng không kịp ạ. Mà xe pháo cũng cạn cả rồi…
Tư lệnh Đào gườm gườm con mắt lành sau cặp kính:
- Thế thì tôi mới cần đến tham mưu của các anh chứ.
Tham mưu phó Đỗ đột ngột đứng dạy:
- Báo cáo các đồng chí! Theo tôi, nếu để đáp ứng yêu cầu về thời gian mà vẫn có lực lượng sẵn sàng bổ sung cho chiến trường ta có thể làm thế này- Thấy mọi cặp mắt hướng về mình, anh hạ giọng- Trong tay ta hiện có hai đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo là Trường sĩ quan Thiết giáp và trung đoàn 207. Cán bộ, giáo viên và trợ giáo của hai đơn vị này đều là những đồng chí có chuyên môn tốt. Vì vậy, theo tôi có thể rút từ đây ra đủ một số tiểu đoàn. Thành viên kíp xe ta lấy từ trợ giáo, cán bộ ta lấy từ cán bộ khung và giáo viên. Ít nhất mỗi đơn vị cũng được một tiểu đoàn. Còn xe thì ngay lập tức củng cố, nâng cấp một số xe huấn luyện để đưa đi chiến đấu cũng được.
Những tiếng ồn ào hưởng ứng nổi lên. Tư lệnh Đào gật gù, có vẻ như ông hài lòng với phương án này. Phó chính ủy Thu có ý kiến:
- Tôi đồng ý với giải pháp của đồng chí Đỗ. Riêng về việc tăng cường cán bộ cho các mặt trận thì theo tôi có lẽ chỉ cần tăng cường cho binh đoàn Quyết Chiến và binh đoàn Sông Hương vì ta đã có đồng chí Kiệm ở hướng Tây Nguyên, đồng chí Võ vào B2. Ngoài ra, trên hai hướng đó còn có đoàn công tác của ta vẫn đang ở trong ấy. Hết ý kiến!
Đại diện cơ quan kỹ thuật có ý kiến:
- Báo cáo các đồng chí! Việc bổ sung vật chất cho các đơn vị chúng tôi đã có kế hoạch, đề nghị tư lệnh phê duyệt chúng tôi sẽ triển khai ngay. Riêng việc tổ chức thu giữ phương tiện của địch tôi đề nghị ta nên bổ sung vào chương trình huấn luyện cấp tốc về xe Mỹ cho các nhà trường.  Ngay các tiểu đoàn thành lập từ các nhà trường cũng cần huấn luyện các nội dung này. Khi cần thiết ta chỉ cần đưa người không vào để lấy xe địch đánh địch.
Thêm một vài ý kiến nữa thì tư lệnh Đào đứng dậy:
- Như vậy mọi việc đã rõ hơn rồi. Sau đây tôi xin kết luận. Một, cơ quan tham mưu điện ngay cho anh Võ cho đoàn 275 xuất phát, chú ý bảo đảm tốc độ hành quân để đến B2 đúng thời gian quy định. Đồng thời các đồng chí soạn thảo chỉ thị sẵn sàng chiến đấu gửi H01 và H15. Hai, tổ chức thành lập hai tiểu đoàn mới từ hai nhà trường, chú trọng huấn luyện bổ sung về sử dụng xe địch. Ba, cơ quan kỹ thuật đưa ngay kế hoạch bổ sung vật chất lên cho tôi xem và chuẩn bị triển khai. Riêng về vấn đề cán bộ tôi quyết định sẽ thành lập một sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh bên cạnh sở chỉ huy của Bộ trên hướng chính diện, trước mắt là chiến dịch Huế- Đà Nẵng. Thành phần của tiền phương Bộ Tư lệnh gồm tôi, đồng chí phó chính ủy, đồng chí trưởng ban tác chiến, đại diện các cơ quan chính trị, hậu cần, kỹ thuật và các bộ phận bảo đảm, phục vụ. Cơ quan tham mưu soạn thảo ngay kế hoạch tổ chức Bộ tư lệnh tiền phương thông qua tôi để báo cáo Bộ. Mọi việc ở nhà do đồng chí chính ủy và đồng chí tham mưu phó phụ trách. Các đồng chí còn hỏi gì nữa không?- Ông nhìn quanh một lượt chỉ thấy những gương mặt sáng bừng, hăm hở nên gập sổ lại- Không ai có ý kiến gì! Vậy mời các đồng chí nghỉ. Riêng đồng chí Đỗ và đồng chí Phùng ở lại gặp tôi.
Mọi người tất bật rời phòng họp. Ai cũng thấy trước mắt mình rất nhiều việc phải làm.

*

Cũng ngày hôm đó, phó tư lệnh Kiệm đang có mặt ở Cheo Reo. Thị xã miền sơn cước vốn đã nghèo nàn nay lại vừa trải qua một cơn binh lửa nên trông càng tàn tạ. Chỉ có người là đông. Mà cũng không phải dân sở tại ở đây. Họ là gia đình của hơn một vạn sĩ quan, binh sĩ Sài Gòn theo chồng, theo con di tản khỏi cao nguyên và giờ đang kẹt lại ở đây. Nhếch nhác, mệt mỏi và tuyệt vọng là tâm trạng chung của họ. Người thân của họ kẻ bị chết, người chạy vào rừng và số đông đang ở nơi tập trung tù, hàng binh của quân giải phóng. Họ đang gắng trụ lại đây để nghe ngóng tin tức người thân và tìm đường trở lại quê hương, bản quán. Nhìn những gương mặt bơ phờ, thiểu não của những cụ già tóc đã bạc phơ, hay những thiếu phụ bụng mang dạ chửa mà Kiệm thấy chạnh lòng. Cuộc chiến này đã gây ra quá nhiều đau khổ. Với những người lính, chết chóc, gian khổ đã đành. Nhưng còn những người dân lành, họ cũng bị cuốn vào cái guồng bất hạnh ấy mà không thể nào cưỡng lại được. Anh bồi hồi nhớ lại những ngày đưa vợ con đi sơ tán cấp tốc tránh máy bay năm nào. Có khác gì họ bây giờ đâu. Không muốn sa đà vào những ý nghĩ ấy, Kiệm bảo lái xe xuôi theo đường số 7 về phía đông.
Thực ra, con đường này không xa lạ gì với Kiệm. Từ hồi kháng chiến chống Pháp anh đã hoạt động ở vùng này. Hồi đó, đây chỉ là một tỉnh lộ, tuy đã được trải nhựa nhưng mặt đường khá hẹp. Khi tướng Lơ Clec đưa quân từ Nam Bộ đánh ra Đắc Lắc anh và đồng đội đã theo đường này rút về Củng Sơn rồi xuống Tuy Hòa. Vì vậy, hôm thảo luận ở Bộ Tư lệnh B75 về khả năng địch rút quân theo đường nào, Kiệm đã cùng số ít cán bộ đưa ra ý kiến địch rút lui theo đường số 7. Mặc dù trinh sát quân khu Năm báo cáo về là đường 7 đã bị bỏ từ lâu, không thể cơ động được nhưng anh vẫn bảo lưu ý kiến. Cái lý của Kiệm là đường 14, đường 19 và đường 21 đều đã bị ta cắt. Nếu địch muốn rút theo những con đường ấy thì sẽ phải dùng một lực lượng lớn để giải tỏa và chắc chắn là sẽ không đảm bảo được ý định rút quân nhanh và bảo toàn lực lượng. Nghe Kiệm phân tích, Tổng Tham mưu trưởng thấy có lý và đã kịp thời chỉ đạo B3 điều quân chờ sẵn. Cuối cùng, đúng như anh dự đoán, tướng Phú đã chọn đường số 7 và con đường này đã trở thành con đường chết của quân đoàn Hai ngụy.
Không như trinh sát của quân khu Năm báo cáo, đường số 7 đã được mở rộng nhiều so với trí nhớ của Kiệm, nhiều chỗ rộng đến hàng chục mét. Tuy nhiên, một số cầu cống còn yếu và đó chính là khó khăn khi phải cơ động các phương tiện có tải trọng lớn trên con đường này. Và cái chính là đội quân ô hợp này khi bị ta chặn đánh đã trở nên hoảng loạn đến tột cùng. Mạnh tên nào tên ấy chạy. Giày xéo lên nhau để chạy. Xe tải đè xe con. Đến lượt xe tăng đè xe tải. Sự hỗn loạn ấy còn hiển hiện với hàng trăm xe tăng, thiết giáp, xe ô tô, xe kéo pháo ngổn ngang suốt mấy cây số liền. Cái bị cháy, cái đổ nghiêng, cái bẹp dúm… chen chúc với nhau. Tuy nhiên, trong số đó còn khá nhiều cái nguyên vẹn. Gần đến cầu Sông Ba, quang cảnh càng hỗn loạn hơn, hàng chục chiếc tăng cả M48, M41 dúi dụi vào nhau. Kiệm bảo lái xe dừng lại, anh trèo lên một chiếc M48 rồi ngẩn ra nhìn. Xe còn mới, đạn pháo, đạn đại liên còn đầy ắp. Không nói không rằng, Kiệm bảo lái xe quay ngay về sở chỉ huy của trung đoàn H73 đang đóng ở Đức Đạt. Vừa may, trưởng phòng tăng mặt trận B3 Trần Doãn cùng đang ở đó. Vừa đến nơi anh đã kéo ngay Doãn, Ngộ vào phòng họp. Chẳng đợi nước nôi, Kiệm nói ngay:
- Này, các cậu! Tớ vừa đi Cheo Reo về. Quân nó bỏ lại nhiều xe tăng, thiết giáp lắm. Cái nào cái nấy đạn dược vẫn còn nguyên. Theo tớ, ta phải tổ chức thu hồi ngay, cái nào còn dùng được thì có thể đưa vào sử dụng. Cái nào không dùng được thì cũng phải bảo quản chứ để đó xót ruột lắm.
Cả Doãn và Ngộ đều vui mừng, Ngộ nhanh nhảu:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi cũng đã nghe anh em báo cáo về chuyện đó. Tôi với anh Doãn cũng đã bàn về phương án thu giữ xe địch, đang định xin ý kiến thủ trưởng.
Kiệm gật đầu:
- Thế hả? Phương án của các cậu thế nào, nói tôi nghe!
Đến lượt Doãn:
- Báo cáo phó tư lệnh, ý định của chúng tôi là trước hết tập trung thu giữ các loại tăng thiết giáp về một địa điểm. Sau đó chọn lấy khoảng một đại đội đưa vào tham gia chiến đấu, số còn lại thì tổ chức bảo quản, sửa chữa để sau nếu cần dùng được ngay.
Kiệm trợn mắt:
- Sao lại chỉ một đại đội?
Ngộ trả lời ngay:
- Báo cáo, trong chiến dịch vừa rồi, thiệt hại của trung đoàn là không lớn, chỉ có 2 xe tăng là phải hủy, số hỏng hóc đã được anh em kéo về và khắc phục. Vì vậy, căn cứ vào số thành viên dôi ra, chúng tôi thấy chỉ thành lập thêm một đại đội là vừa.
Kiệm gật gù ra vẻ đồng ý, Doãn bổ sung:
- Cũng xin báo cáo thủ trưởng luôn, về chủng loại xe chúng tôi chỉ định lấy một đại đội M41 thôi…
Kiệm đột ngột ngắt lời:
- Tại sao lại là M41? Tại sao không phải M48?
Doãn vẫn nhẹ nhàng:
- Báo cáo, thực ra thì M48 có hỏa lực mạnh hơn nhưng trọng lượng nặng quá. Nếu ta sử dụng nó thì phát triển theo hướng nào cũng gặp khó khăn.
Kiệm gật đầu:
- Các cậu đúng! Thế thì triển khai đi- Nhưng rồi anh lại gióng một- Nhưng mà lính của các cậu thế nào? Có sử dụng được không?
Ngộ gãi gãi tai:
- Báo cáo, chúng tôi có cậu Thắng trợ lý kỹ thuật nắm rất vững kỹ thuật xe địch. Cậu ấy đã từng tham gia đưa xe địch từ đường Chín ra Bắc triển lãm năm bảy mốt mà. Chỉ cần cậu ấy hướng dẫn một buổi là anh em lái được ngay. Riêng về phần pháo súng thì hơi bí. Tuy nhiên, cho anh em nghiên cứu vài buổi chắc sẽ sử dụng được vì nguyên lý của chúng cũng giống nhau.
Kiệm đột ngột bật lên:
- Tù binh- Anh bật cười vì vẻ mặt ngơ ngác của hai cán bộ cấp dưới- Ý tớ nói là trưng dụng tù binh bọn chúng hướng dẫn cho anh em mình ấy. Lúc nãy tớ đi qua chỗ tạm giữ tù binh ở Cheo Reo, thấy ở đó có đến mấy nghìn tên. Thảo nào trong đó chả có lính thiết kỵ. Mình trưng dụng họ rồi ghi công cho họ chả tốt à?
Doãn và Ngộ nhìn nhau, mãi sau Doãn mới ngần ngừ:
- Làm thế có được không ạ?
Kiệm dứt khoát:
- Được chứ! Các cậu đừng ngại. Từ hồi chống Pháp ta đã có nhiều lần sử dụng tù binh địch mà có việc gì đâu, chỉ cần giám sát cho chặt chẽ vào là được. Tớ sẽ báo cáo mặt trận cho.

Cả Doãn và Ngộ cùng trút một hơi thở dài. Thế là họ đã có giải pháp cho vấn đề mà cả hai đang bí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét