Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

CHẢ LẼ PHÁO XE TĂNG CŨNG CÓ "ĐẦU RUỒI"?

Đại tá xe tăng VN: Đúng là pháo của siêu tăng T-14 Armata Nga có "đầu ruồi" thật?
Xe tăng T-14 Armata duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Cận cảnh nòng pháo của các loại xe tăng hiện đại như T-90, T-14 Armata (Nga), M1 Abrams (Mỹ)... ta đều thấy có một bộ phận trông giống như "đầu ruồi" trên các loại súng bộ binh.

Nhiều người đã đặt câu hỏi: "Đó có phải là đầu ruồi không? Chả lẽ pháo xe tăng cũng cần có đầu ruồi?".
Xin thưa: Đó đúng là "đầu ruồi" thật! Tuy nhiên, "đầu ruồi" này không dùng để ngắm bắn cho pháo mà có những tác dụng khác.
Nhờ có "đầu ruồi", việc hiệu chỉnh vũ khí trở nên dễ dàng thuận lợi hơn
Nhìn chung, đối với xe tăng hiện đại tiêu biểu như T-90, T-14 Armata (Nga), T-84 Oplot-M (Ukraina), Leclerc (Pháp), Merkava MK4 (Israel), Challenger 2 (Anh), M1 Abrams (Mỹ) thì việc ngắm bắn các loại vũ khí đều phải thông qua kính ngắm.
Để đảm bảo ngắm bắn chính xác, giữa kính ngắm và vũ khí phải có một sự thống nhất nhất định. Sự thống nhất này được thực hiện khi hiệu chỉnh vũ khí.
Hiệu chỉnh vũ khí thường được tiến hành trước khi bước vào chiến đấu, trước khi diễn tập hoặc bắn kiểm tra. Nguyên tắc hiệu chỉnh là: "Kính theo pháo, súng máy theo kính". Nghĩa là, trước hết phải chỉnh cho kính ngắm thống nhất với vũ khí chính là khẩu pháo, sau đó chỉnh súng máy theo kính.
Đại tá xe tăng VN: Đúng là pháo của siêu tăng T-14 Armata Nga có đầu ruồi thật? - Ảnh 1.
Xe tăng T-90MS do Nga chế tạo
Đối với xe tăng thế hệ I, II việc hiệu chỉnh kính theo pháo thường được thực hiện theo các bước sau:
- Đỗ xe nơi bằng phẳng. Chọn 1 điểm ngắm xa có khoảng cách khoảng 1.500 mét.
-Tháo kim hỏa pháo, căng chỉ thành một chữ thập ở miệng nòng pháo (theo 4 vạch dấu). Một người ngắm qua nòng điều khiển người thứ hai quay pháo sao cho chữ thập miệng nòng trùng với điểm ngắm xa.
- Ngắm qua kính ngắm, quay pháo và vặn ốc hiệu chỉnh sao cho đầu ngắm lớn trong đó trùng với điểm ngắm xa. Tiếp đó vặn ốc để "quy 0 thước ngắm".
- Sau khi hiệu chỉnh kính theo pháo xong thì hiệu chỉnh súng máy theo kính. Các bước tiến hành gần tương tự như trên song điểm ngắm xa chỉ còn khoảng 400 mét.
Ngoài cách hiệu chỉnh theo điểm ngắm xa, người ta còn có thể hiệu chỉnh theo bảng hiệu chỉnh hoặc bảng kiểm tra.
Đại tá xe tăng VN: Đúng là pháo của siêu tăng T-14 Armata Nga có đầu ruồi thật? - Ảnh 2.
Nói chung, các bước hiệu chỉnh này tương đối phức tạp, mất thời gian và nhất là phải ra ngoài xe- rất nguy hiểm trong tình huống chiến đấu ác liệt. Ngoài ra, đối với tháp pháo tự động của xe tăng T-14 Armata thì hoàn toàn không có chỗ cho người ngắm qua khóa nòng. Do vậy người ta đã tìm cách cải tiến và đó chính là lúc "đầu ruồi" của pháo ra đời.
Với các loại xe tăng hiện đại, nhờ có "đầu ruồi" ở đầu nòng pháo và chế độ "hiệu chỉnh" trong kính ngắm người ta hoàn toàn có thể ở trong xe để hiệu chỉnh kính theo pháo trong thời gian 1-2 phút.
Cụ thể: người ta chỉ cần chuyển kính ngắm về chế độ hiệu chỉnh và vặn các ốc hiệu chỉnh cho đầu ngắm lớn trong đó trùng với khe sáng trên đỉnh "đầu ruồi" là được. Thật là nhanh chóng, chính xác và an toàn!
Đại tá xe tăng VN: Đúng là pháo của siêu tăng T-14 Armata Nga có đầu ruồi thật? - Ảnh 3.
Xe tăng M1A2 Abrams do Mỹ chế tạo.
"Đầu ruồi" góp phần làm cho pháo bắn chính xác hơn
Ngoài tác dụng hiệu chỉnh pháo, "đầu ruồi" của pháo còn có nhiệm vụ đo độ cong nòng pháo để cung cấp cho máy tính đường đạn xử lý.
Như chúng ta đều biết, nòng pháo là chi tiết được chế tác rất cẩn thận và chính xác để đảm bảo độ chính xác khi bắn. Một trong những yêu cầu cơ bản đặt ra đối với nó là phải thẳng.
Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, do tác động của bức xạ nhiệt, phía trên nòng pháo thường nóng hơn và bị giãn ra theo hiệu ứng giãn nở vì nhiệt, cộng với tác động của trọng lực nòng pháo nên sẽ làm cho đầu nòng pháo cong về phía dưới dẫn đến đường đạn bắn ra cũng thay đổi.
Đại tá xe tăng VN: Đúng là pháo của siêu tăng T-14 Armata Nga có đầu ruồi thật? - Ảnh 4.
Xe tăng Lerclec do Pháp chế tạo.

Để đảm bảo loại bỏ tác động của độ cong nòng pháo đến đường đạn người ta lắp ở "đầu ruồi" nòng pháo một chi tiết gọi là "cụm phản xạ" và ở gốc nòng pháo (nơi tiếp giáp giữa nòng pháo với tháp pháo) một bộ phận khác gọi là "cụm đo".Mặc dù đối với xe tăng hiện đại, hầu hết các nòng pháo đều được người ta bọc cho một lớp bảo ôn song vẫn không khử được hoàn toàn độ cong này.
Tương tác giữa cụm đo với cụm phản xạ sẽ tính ra độ cong của nòng pháo. Dữ liệu này sẽ được số hóa và đưa vào máy tính đường đạn để xử lý tính toán phần tử bắn.
Và sẽ không hề sai khi nói: "đầu ruồi" nòng pháo góp phần làm cho pháo bắn chính xác hơn!
Nguồn: http://soha.vn/dai-ta-xe-tang-vn-he-lo-bi-an-phao-tang-t-14-armata-cung-co-dau-ruoi-nhu-sung-bo-binh-20180522113956176rf20180522113956176.htm

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

ĐỪNG CHÊ NHỮNG CHIẾC "LỒNG GÀ"!


Đại tá xe tăng VN: Đừng có chê hình thù kỳ dị như "lồng gà" của tăng T-72 Syria
Xe tăng ở chiến trường Syria.

Trong các cuộc xung đột ở Trung Đông ta thường thấy những chiếc xe tăng, thiết giáp treo lủng lẳng xung quanh những “lồng gà” bằng thép, thậm chí còn đặt vào trong đó vài bao cát.


Nhiều người tỏ ra xem thường và giễu cợt hình ảnh ấy mà không biết rằng chính những cái "lồng gà" đặt tại những vị trí hiểm yếu của xe tăng, xe thiết giáp là một giải pháp vừa đơn giản rẻ tiền vừa rất hữu hiệu nâng cao khả năng phòng hộ của chúng.
Cuộc chạy đua giữa vỏ giáp và thiết bị bảo vệ với đạn xuyên giáp
Xe tăng- với những ưu việt về hỏa lực, sức cơ động và khả năng phòng hộ- từ khi ra đời đã luôn là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân trên chiến trường. Do đó, ở phía đối diện, người ta cũng luôn phát triển các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại nhất để chống lại nó.
Để có khả năng tồn tại, hệ thống bảo vệ của xe tăng cũng phải phát triển theo với một tốc độ không kém. Và cuộc đua giữa vỏ giáp và thiết bị bảo vệ với đạn xuyên giáp đã trở thành cuộc đua "vô tiền khoáng hậu"- không biết bao giờ kết thúc.
Thoạt kỳ thủy, để chống lại uy lực của các loại đạn chống tăng sử dụng động năng để xuyên giáp người ta sử dụng nhiều giải pháp như tăng độ dày vỏ giáp, đặt cho giáp nghiêng đi, làm tháp pháo tròn như mui rùa, cải tiến chất liệu thép... Gặp giáp cứng, lại có độ nghiêng, góc chạm nhỏ đi làm đầu đạn bị trượt đi hoặc gẫy, không xuyên qua được vỏ giáp.
Đại tá xe tăng VN: Đừng có chê hình thù kỳ dị như lồng gà của tăng T-72 Syria - Ảnh 1.
Xe tăng ở chiến trường Syria.
Cuối chiến tranh thế giới thứ hai, đạn chống tăng đầu nổ lõm được phát minh. Đây là loại đạn áp dụng nguyên lý nổ lõm, có hiệu quả xuyên giáp không phụ thuộc vào tốc độ bay và góc chạm.
Đặc biệt, các hệ thống phóng của nó cũng rất gọn nhẹ nên xuất hiện ngày càng nhiều loại vũ khí chống tăng cầm tay như Bazooka (Mỹ), Panzerfaust (Đức). Tiếp đó, các loại súng phóng lựu RPG (B40, 41) rồi tên lửa chống tăng các loại ra đời ngày càng hiện đại hơn.
Đại tá xe tăng VN: Đừng có chê hình thù kỳ dị như lồng gà của tăng T-72 Syria - Ảnh 2.
Với sự xuất hiện của đạn xuyên lõm và phương tiện mang, các nhà thiết kế giáp bảo vệ xe tăng đã nhận ra rằng nếu chỉ có một lớp giáp thép dày, kể cả giáp nghiêng vẫn là chưa đủ, và họ cần phải sáng chế ra phương tiện bảo vệ khác hiệu quả hơn. Điều này khiến lịch sử thiết kế xe tăng bước sang trang tiếp theo.
Đầu tiên, người ta lắp thêm vào vỏ giáp xe tăng những tấm "giáp phản ứng nổ" (ERA) với mục đích khi đạn chống tăng chạm vào, tấm này sẽ nổ làm chệch hướng luồng xuyên hoặc phá hủy thanh xuyên.
Tiếp đó, các hệ thống bảo vệ chủ động xe tăng, thiết giáp (APS) như Arena, Afganit (Nga), Trophy (Israel)... ra đời nhằm phá hủy đầu đạn từ trước khi nó chạm vào xe.
Ở phía đối diện, chắc chắn các nhà chế tạo đạn chống tăng cũng không chịu bó tay dừng lại. Và cứ thế, cuộc đua lại tiếp diễn.
Điểm yếu chí mạng của đạn lõm và giải pháp đơn giản, rẻ tiền
Đạn lõm tưởng chừng như sát thủ của mọi loại vỏ giáp song không phải không có điểm yếu. Thứ nhất- vận tốc bay của đạn thường khá nhỏ. Thứ hai- ngòi nổ thường là ngòi chạm nổ. Và thứ ba- điểm yếu chí mạng là do nó hoạt động theo nguyên lý nổ lõm.
Thực ra, khi bắn đạn lõm thì đầu đạn không xuyên trực tiếp vào mục tiêu. Khi đạn chạm mục tiêu và phát nổ sẽ hình thành một luồng xuyên có nhiệt độ và áp suất rất cao (khoảng 1200 độ C, 3000 atmotphe trong một thời gian khoảng 1/4 s).
Chính luồng xuyên này sẽ xuyên vào mục tiêu và sát thương người, phá hủy trang bị sau vỏ giáp bằng năng lượng xuyên cùng mảnh vỡ của vỏ giáp.
Đại tá xe tăng VN: Đừng có chê hình thù kỳ dị như lồng gà của tăng T-72 Syria - Ảnh 3.
Xe tăng T-72 của Quân đội Syria.
Tuy nhiên, năng lượng của luồng xuyên không phải ở chỗ nào cũng mạnh mà nó được tập trung ở một điểm nhất định gọi là tiêu điểm. Khi tiêu điểm đúng ở mặt trước vỏ giáp, luồng xuyên dễ dàng xuyên qua vài trăm mm thép. Tuy nhiên, điểm chạm càng xa điểm đó thì năng lượng luồng xuyên càng yếu đi.
Vì vậy, trong khi chưa có giải pháp gì mới hơn thì có một giải pháp tình thế rất đơn giản, dễ làm, rẻ tiền mà lại không kém hiệu quả đã được người ta áp dụng. Đó là sử dụng giáp lồng thép tại những chỗ hiểm yếu cần che chắn.
Đối với các loại đạn chống tăng thời kỳ đầu bay với vận tốc rất chậm, lại thường dùng đầu chạm nổ nên khi gặp lồng thép thường bị giắt lại trên mắt lồng và không nổ nữa, vô hại với xe tăng, xe thiết giáp.
Đối với các loại đạn có vận tốc lớn và ngòi hiện đại hơn, khi gặp giáp lồng thì đạn sẽ nổ. Tuy vậy, do nổ sớm nên tiêu điểm của luồng xuyên còn cách vỏ giáp một khoảng nhất định, năng lượng luồng xuyên do đó yếu đi nhiều và khả năng xuyên giáp sụt giảm đáng kể.
Giáp lồng thép có giá thành rẻ, khối lượng nhẹ nên được sử dụng rất rộng rãi trong những năm 1960 - 1970, trên chiến trường Việt Nam và Trung Đông. Ngoài việc sử dụng lưới B40 người ta còn cải tiến chúng thành nhiều kiểu khác nhau nhưng đều có chung một nguyên lý là "lồng thép".Không chỉ được sử dụng để bảo vệ tăng thiết giáp, người ta còn quây lưới xung quanh các tàu chiến, các công trình quân sự để đề phòng các cuộc tập kích bằng đạn lõm. Vì vậy, có hẳn một loại lưới thép được mang tên "lưới B40"- mặc dù tác dụng chính của nó là dùng trong dân dụng.  
Ngoài ra, trong lồng thép còn có thể chất thêm bao cát cũng tăng thêm phần nào hiệu quả bảo vệ.
Khoác thêm một lớp giáp ngoài như vậy, khiến xe tăng thiết giáp trở nên cồng kềnh, không linh hoạt. Mặc dù vậy, cho đến nay giáp lồng thép vẫn tiếp tục được sử dụng để bảo vệ xe tăng thiết giáp và các loại xe quân sự khác.
Nguồn: http://soha.vn/dai-ta-xe-tang-vn-ly-giai-hinh-thu-ky-di-cua-tang-t-72-syria-deo-long-ga-va-bao-cat-20180521075105269.htm

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

'KHỔ LUYỆN LÁI TÀI, CHAI TAY BẮN GIỎI"- XE TĂNG VN VƯỢT TƯỜNG, VƯỢT HÀO NHƯ THẾ NÀO?

"Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi" - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao?
Ảnh minh họa.

Tính năng ưu việt của xe tăng là khả năng cơ động việt dã - tức là có thể tự mình vượt qua nhiều loại địa hình khác nhau, trong đó có nhiều vật chướng ngại tự nhiên hoặc nhân tạo.


Trong số các vật chướng ngại đáng kể nhất là vách đứng và hào. Với hai loại chướng ngại này, các loại xe bánh lốp đều chịu bó tay. Với ưu điểm của truyền động xích, xe tăng có thể dễ dàng vượt qua những vật chướng ngại đó- tất nhiên là trong giới hạn của tính năng.
Xe tăng vượt vách đứng (tường cứng) như thế nào?
Hầu hết các loại xe tăng chiến đấu hiện nay đều có khả năng vượt vách đứng cao từ 0,8 đến 1 mét. Điều đó có nghĩa, trên đường hành tiến, nếu gặp một tường chắn thẳng đứng có chiều cao như trên, xe tăng không cần tránh mà sẽ bình thản bò qua. Chiều cao này do độ cao trục bánh dẫn hướng và công suất động cơ quyết định.
Sở dĩ xe tăng có thể vượt qua được vách đứng như thế là nhờ xe có kết cấu truyền động xích. Do trọng lực lớn nén xuống cùng kết cấu của mặt ngoài các mắt xích sẽ tạo ra lực ma sát rất lớn giữa dải xích với mặt đường. Trong khi đó, động lực truyền từ động cơ ra kéo dải xích chuyển động song do lực ma sát rất lớn nên sẽ hình thành lực kéo đẩy xe tăng về phía trước.
Trường hợp vách đứng thấp hơn tính năng cho phép, lực kéo bám này sẽ đủ sức đẩy xe trườn lên vách đứng. Lúc đầu, đầu xe sẽ ngóc lên. Sau khi trọng tâm xe vượt qua mét vách đứng thì đầu xe sẽ hạ xuống như trạng thái bình thường.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 1.
Xe tăng T-90 được mệnh danh là "xe tăng bay".
Tuy nhiên, để xe vượt qua được vách đứng một cách thuận lợi, không dập xóc lái xe cần phải được huấn luyện tuân theo một số quy tắc bắt buộc và phải thao tác chính xác các động tác cần thiết.
Cụ thể: Trước khi vào vách đứng phải về số 1. Khi xích xe chạm vào vách đứng thì từ từ tăng chân ga. Khi trọng tâm xe đã vượt qua mép vách đứng, đầu xe bắt đầu hạ xuống thì giảm chân ga để xe hạ xuống nhẹ nhàng.
Trường hợp vách đứng cao hơn tính năng cho phép nhưng được xây dựng bằng vật liệu yếu, xốp (đất, bao cát...) thì có thể dùng xung lực cho xe lao vào để phá hủy một phần vách. Cần lưu ý là sử dụng tốc độ cao lao tới, khi sắp chạm vách đứng thì ngắt ly hợp, chỉ dùng quán tính của xe lao vào thôi.
Đây cũng là trường hợp bộ đội xe tăng ta đã gặp khá nhiều trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Để cản bước quân ta, quân địch đã dựng nhiều chướng ngại vật bằng thùng phuy đổ đầy đất và bao cát xếp ngang đường. Bằng cách cho xe tăng lao vào húc đổ một phần vật chướng ngại, chúng ta đã mở được đường cho xe tăng qua.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 3.
Ảnh minh họa.
Xe tăng vượt hào như thế nào?
Nhìn chung, xe tăng có thể vượt qua hào rộng dưới 1/3 chiều dài thân xe. Với các loại xe tăng chủ yếu hiện nay, chiều rộng hào mà xe có thể vượt thường vào khoảng 2,5- 2,8 mét.
Xe tăng sở sĩ có thể vượt được hào như thế cũng do nó sử dụng truyền động xích. Dải xích cuốn tròn sẽ như một dải băng liên kết các bánh chịu nặng riêng rẽ với nhau lại.
Khi xe tăng bắt đầu vượt hào, đầu xe sẽ hơi chúi xuống. Tuy nhiên, khi trọng tâm của xe vẫn chưa vượt qua mép hào thì nhờ trọng lực xe vẫn không chúc hẳn xuống mà chỉ ở trạng thái "chơi vơi". Khi bánh dẫn hướng và dải xích tiếp cận được mép hào bên kia, lực kéo bám sẽ đẩy cho xe sang tiếp.
Khi trọng tâm xe vượt qua mép hào thì phần xích phía trước đã bám vào mép hào bên kia, 1/3 xích phía sau vẫn ở trên đất bằng, các bánh chịu nặng ở giữa xe hơi trĩu xuống nhờ độ chùng của dải xích. Xe chuyển động bình thường.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 4.
Lái xe vượt hào. Ảnh minh họa.
Khổ luyện lái tài, chai tay bắn giỏi - Xe tăng VN luyện vượt vách đứng, vượt hào ra sao? - Ảnh 5.
Lái xe vượt vách đứng. Ảnh minh họa.
Khi trọng tâm xe vượt qua mép hào phía bên kia cũng là lúc dải xích phía sau xe rời khỏi mép hào bên này. Đuôi xe sẽ bị vít xuống một chút. Song nhờ trọng lực của phần đầu xe nên đuôi xe cũng chỉ ở trạng thái "chơi vơi" trong giây lát rồi xe tiếp tục vượt qua hào.
Trường hợp gặp hào rộng hơn tính năng mà chất liệu không quá vững chắc (đất, bao cát...) có thể dùng bộc phá hoặc đạn pháo phá phía bờ hào đối diện, sau đó cho xe trườn qua như khi vượt hố bom.
Đây là loại vật chướng ngại được sử dụng tương đối nhiều để chống lại các cuộc tiến công của xe tăng trong Thế chiến II. Còn trong chiến tranh Việt Nam, quân lực Việt Nam cộng hòa khi tổ chức phòng thủ Xuân Lộc (tháng 4.1975) cũng đào hào chống tăng trên hướng Bắc và Đông Bắc thị xã. Các hào chống tăng này đã gây rất nhiều khó khăn cho xe tăng Quân giải phóng.
Tính năng là như vậy song để lái vượt hào một cách thuần thục, nhẹ nhàng cũng không hề đơn giản. Người lái xe cần phải được huấn luyện kỹ càng và chấp hành nghiêm một số quy tắc.
Thông thường, để lái vượt hào cần căn hướng cho xe vào vuông góc với hào, giữ chân ga ổn định. Khi đầu xe đang "chơi vơi" giữa hào thì tăng chân ga. Nhờ lực kéo của động cơ tăng đột ngột đầu xe sẽ hơi ngóc lên, xích bám vào mép hào bên kia dễ hơn. Ngay sau đó lại phải giảm chân ga đột ngột để đuôi xe đỡ bị vít xuống nhiều.
Đối với những lái xe có kỹ thuật lái điêu luyện có thể lái vượt hào bằng số II, thậm chí cả số III để tăng tốc độ cơ động qua vật chướng ngại.
Nói tóm lại, tính năng kỹ thuật của trang bị vũ khí là một chuyện nhưng có phát huy được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào con người sử dụng trang bị đó đúng như câu khẩu hiệu mà bộ đội xe tăng Việt Nam đã đúc kết nên: "Khổ luyện lái tài; Chai tay bắn giỏi".

TRẬN KỊCH CHIẾN GIỮA NHỮNG XE TĂNG, THIẾT GIÁP DO MỸ CHẾ TẠO Ở CẦU BÔNG

Trận kịch chiến giữa những xe tăng Mỹ chế tạo ở cầu Bông: Đại quân thẳng tiến về Sài Gòn
Xe tăng chiến lợi phẩm do Mỹ sản xuất mà QGP thu được đã lập công lớn cho đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn.

Cầu Bông nằm trên QL22, huyết mạch nối Sài Gòn-Tây Ninh và cũng là đường mà cánh quân Tây Bắc sẽ phải vượt qua khi tiến về Sài Gòn. Vì vậy, nếu để địch đánh sập thì sẽ là tai họa.

Chính vì lẽ đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã giao cho lực lượng đặc công chiếm giữ cầu. Tuy nhiên, quân địch quá mạnh và nguy cơ cầu bị địch phá hủy đã hiện hữu.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đội xe tăng 9 của Lữ đoàn 273 nhanh chóng cơ động chiếm giữ và bảo vệ bằng được cây cầu này.
Lợi thế không nhỏ của dàn xe chiến lợi phẩm
Đại đội xe tăng 9, Lữ đoàn xe tăng 273 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 4) chỉ huy. Đây là đơn vị đã sử dụng xe chiến lợi phẩm tham gia chiến đấu giải phóng thị xã Tuy Hòa.
Sau khi lập công xuất sắc trong trận đánh Tuy Hòa, đơn vị đã có cú lật cánh ngoạn mục hơn 500 km về tập kết tại Bến Sủi, Lộc Ninh - cách Sài Gòn khoảng 100 km- để chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do cơ động gấp gáp, trình độ sử dụng và sửa chữa xe chiến lợi phẩm của bộ đội phần nào còn hạn chế nên chỉ đưa được 7 xe đến đích.
Trận kịch chiến giữa những xe tăng Mỹ chế tạo ở cầu Bông: Đại quân thẳng tiến về Sài Gòn - Ảnh 1.
Xe tăng hạng nhẹ M41 Walker Bulldog chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại vị trí tập kết chiến dịch, trong lúc cán bộ chỉ huy các cấp đi trinh sát nắm địch thì cán bộ chiến sĩ ở nhà tập trung bảo dưỡng, củng cố xe pháo, vũ khí và huấn luyện bổ sung. Với chủ trường "quân cốt tinh, không cốt nhiều", cán bộ chiến sĩ Đại đội XT 9 đã dồn dịch, lắp ghép từ 7 xe thành 4 xe có chất lượng tốt và đầy đủ cơ số đạn để tham gia chiến đấu.
Đêm 28.4.1975, khi đang chuẩn bị tiến công căn cứ Đồng Dù, Đại đội XT 9 nhận lệnh: "Bằng mọi giá phải chiếm giữ và bảo vệ bằng được Cầu Bông để tạo điều kiện cho đại quân cơ động về Sài Gòn!". Với tinh thần chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của cấp trên, đại đội nhanh chóng lên đường với tốc độ cao nhất.
Ngoài việc không có người dẫn đường, khó khăn lớn nhất đặt ra trước mắt cán bộ chiến sĩ Đại đội XT 9 là đoạn đường từ vị trí tập kết chiến dịch đến mục tiêu còn khá xa, phải vượt qua nhiều đồn bốt và khu vực còn nằm trong vòng kiểm soát của quân địch.
Tuy nhiên, trong điều kiện đó lợi thế của xe chiến lợi phẩm đã phát huy tác dụng cao độ. Trong màn đêm mông lung, mờ ảo hình dáng kềnh càng và tiếng nổ đặc trưng của động cơ các xe tăng M48, M41 dường như đã đánh lừa được các đồn bốt địch dọc đường.
Thậm chí, có một toán quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) còn ra vẫy xe: "Có về Sài Gòn cho bọn tao về với!". Và chỉ đến khi những quả đạn bi cùng những khẩu đại liên lên tiếng thì chúng mới biết mình nhầm thì đã muộn.
Nhờ vậy, 8 giờ sáng ngày 29.4.1975 Đại đội XT 9 đã có mặt tại Cầu Bông.
Trận kịch chiến giữa những xe tăng Mỹ chế tạo ở cầu Bông: Đại quân thẳng tiến về Sài Gòn - Ảnh 2.
Đoàn xe tăng Quân giải phóng đi tới đâu, người dân Sài Gòn túa ra tới đó. Ảnh tư liệu
Trận kịch chiến giữa những chiếc xe cùng do Mỹ chế tạo
Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh chiến dịch thì đã có một phân đội đặc công đánh chiếm và giữ Cầu Bông. Tuy nhiên, có lẽ do thấy lực lượng ta ít nên phía VNCH đã phản công và chiếm lại được cầu. Nếu không chiếm lại ngay rất có thể chúng sẽ phá cầu.
Nhận định tình hình như vậy nên trong khi bọn địch phòng ngự trên cầu còn đang bán tín, bán nghi không biết mấy chiếc xe tăng kia là quân bên nào thì cả 4 xe của Đại đội XT 9 đã đồng loạt nổ súng. Bị bất ngờ và quá hoảng loạn, quân địch vội bỏ chạy tháo thân.
Trận kịch chiến giữa những xe tăng Mỹ chế tạo ở cầu Bông: Đại quân thẳng tiến về Sài Gòn - Ảnh 3.
Đúng lúc đó, phía bên kia cầu một đoàn xe thiết giáp bao gồm 24 chiếc M113 xuất hiện. Đây chính là một bộ phận của Lữ đoàn thiết kỵ 4 đang cơ động về Sài Gòn. Chắc đã được số bộ binh phòng ngự trên cầu thông báo tình hình nên cả đoàn xe vừa chạy vừa bắn như vãi đạn về phía các xe của Đại đội 9.
Trước tình hình đó, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng ra lệnh chuyển sang đội hình phòng ngự gấp và trận kịch chiến giữa 24 chiếc M113 cùng 2 chiếc M48, 2 chiếc M41 bắt đầu.
Với lợi thế về sức mạnh hỏa lực của pháo 90 mm và 76 mm so với đại liên M50 và một số khẩu pháo không giật 76 mm gắn trên xe M113, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng lệnh cho xe của chính trị viên Huỳnh Rịch bắn chiếc đi cuối đội hình, 2 xe của Trương Công Đạo và Nguyễn Văn Hổ bắn vào giữa đội hình, còn xe của anh diệt chiếc đi đầu. Chỉ sau một loạt bắn, 4 chiếc M113 đã trở thành 4 bó đuốc.
Bị đánh chặn đầu, lại bị khóa đuôi và đánh cả vào khúc giữa nên đội hình quân địch rối loạn. Một số chiếc tản ra ruộng lúa hai bên đường lợi dụng địa hình để đánh trả. Tuy nhiên, ngoại trừ một phát đạn pháo không giật làm xe đại đội trưởng Hưởng bay mất khẩu 12, 7 mm trên tháp pháo, còn lại chúng hoàn toàn chịu trận trước hỏa lực mãnh liệt của các cỗ pháo xe tăng.
Sau khi 8 xe nữa bị tiêu diệt thì quân địch hoàn toàn hoảng loạn, chúng bỏ xe lại đấy và chạy tuốt về phía sau. Hưởng cho đơn vị lên chiếm cầu và thu giữ 12 xe còn lại.
Trận kịch chiến giữa những xe tăng Mỹ chế tạo ở cầu Bông: Đại quân thẳng tiến về Sài Gòn - Ảnh 4.
Trong ảnh là một chiếc xe tăng hạng nhẹ K-63-85 giữa nhân dân Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Nhiệm vụ đánh chiếm Cầu Bông đã được Đại đội XT 9 hoàn thành xuất sắc, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cánh quân hướng Tây Bắc đánh vào Sài Gòn. Thế mới biết xe gì cũng chỉ là quan trọng, còn quyết định chính là bản lĩnh của những người sử dụng chúng.Đến lúc đó các anh mới biết còn 2 chiến sĩ đặc công bị thương nặng vẫn nằm dưới gầm cầu. Các anh lập tức cấp cứu và băng bó cho đồng đội. Các chiến sĩ đặc công cho biết, do lực lượng quá chênh lệch họ không thể giữ được cầu, nếu xe tăng Đại đội 9 không tới kịp thời chắc chắn họ sẽ hy sinh hết.
Ghi chú: Bài có sử dụng một số tư liệu trong cuốn "Những tháng ngày đẹp nhất"- Hồi ký của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, NXBQĐND 2012.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

SÁT THỦ KHÔNG BIẾT SỢ CỦA NGA- TỪ SIRYA TỚI QUẢNG TRƯỜNG ĐỎ

"Sát thủ không biết sợ" đặc biệt của Nga từ chiến trường Syria đến Quảng trường Đỏ

Trong tương lai không xa, các robot chiến đấu tự hành sẽ từng bước thay thế vai trò của người lính tại những vị trí nguy hiểm nhất. Robot Uran-9 của Nga dường như đang dẫn đầu.


Với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, con người đã chế tạo ra nhiều loại robot có thể thay thế nhân lực trong những công việc nguy hiểm như các robot chữa cháy, robot thám hiểm, robot làm việc trong điều kiện phóng xạ v.v...
Không dừng lại ở đó, các nhà kỹ thuật quân sự còn có tham vọng chế tạo những robot chiến đấu thực thụ, có thể thay thế được người lính trên chiến trường. Các cường quốc trên thế giới đã nhận ra sự lợi hại của trang bị này và đang dồn tiền bạc cũng như chất xám nhằm nhanh chóng làm chủ công nghệ và đã có những thành công nhất định.
Robot chiến đấu có những thành tố nào?
Cho đến nay, đã có nhiều mẫu robot chiến đấu được chế tạo và đem ra thử nghiệm. Về cơ bản, các loại robot này đều có hai thành tố chính:
Thiết bị tự hành: Đây là loại thiết bị có thể tự mình di chuyển qua nhiều loại địa hình phức tạp theo điều khiển từ xa hay tự động theo bản đồ số, có thể sử dụng bánh hơi, bánh xích hoặc hỗn hợp. Thiết bị được bọc giáp, có khả năng tự bảo vệ trước các loại bom đạn thông thường.
Trên đó là tích hợp các loại vũ khí trang bị có hỏa lực tối ưu đối với nhiệm vụ, mục tiêu sử dụng, đặc biệt là các thiết bị quan sát, cảm biến và truyền tin.
Sát thủ không biết sợ đặc biệt của Nga từ chiến trường Syria đến Quảng trường Đỏ - Ảnh 1.
Robot chiến đấu Uran-9.
Trung tâm chỉ huy, điều khiển: Là nơi lưu trữ bản đồ, thu nhận thông tin quan sát và ra lệnh điều khiển tới thiết bị tự hành cũng như các thiết bị gắn kèm trên đó. Bên cạnh đó là hệ thống truyền tin được đảm bảo an toàn bằng thuật toán mã hóa có độ an toàn rất cao. Trung tâm chỉ huy thường đặt ở vị trí an toàn, có thể đặt trên ô tô.
Nguyên lý làm việc cơ bản của robot chiến đấu có thể hoàn toàn tự động, bán tự động hoặc hỗn hợp.
Trong trường hợp hoàn toàn tự động, robot chạy theo đường đã được lập trình sẵn trên bản đồ số. Các thiết bị quan sát, cảm biến cho phép phát hiện đánh giá mục tiêu, phân biệt địch- ta và tự động sử dụng các loại vũ khí hiện có để tiêu diệt.
Ở chế độ bán tự động, các thiết bị quan sát, cảm biến từ robot sẽ truyền các thông tin về trung tâm chỉ huy. Tại đó, các kỹ thuật viên sẽ phân tích, đánh giá tình hình, đưa ra quyết định rồi truyền đạt lại cho robot thực hiện.
Còn ở chế độ hỗn hợp, một số công đoạn sẽ do robot tự động thực hiện, một số công đoạn sẽ do trung tâm chỉ huy điều hành. Tất nhiên, dẫu có ở chế độ tự động thì trung tâm chỉ huy vẫn có thể can thiệp được khi cần thiết.
Mặc dù đã đổ rất nhiều công sức, trí tuệ và tiền của vào công việc này song mục tiêu chế tạo được những robot chiến đấu hoàn chỉnh, có thể thay thế những người lính trên chiến trường vẫn là một mục tiêu xa vời.
Sát thủ không biết sợ đặc biệt của Nga từ chiến trường Syria đến Quảng trường Đỏ - Ảnh 2.
Robot chiến đấu Uran-9.
Từ chiến trường Syria đến Quảng trường Đỏ
Trong cuộc chạy đua chế tạo robot chiến đấu, Quân đội Nga đã đạt được nhiều tiến bộ vững chắc và tỏ ra có nhiều lợi thế. Một số robot của họ đã được thử nghiệm thành công và đem ra thực nghiệm trên chiến trường. Trong số đó, robot chiến đấu Uran-9 được coi là thành công nhất.
Một số tính năng cơ bản của Uran- 9 như sau:Uran-9 là sản phẩm của Công ty cổ phần 766 UPTK, Bộ Quốc phòng Nga. Dòng robot chiến đấu này được trang bị hỏa lực đủ để bắn hạ xe tăng của đối phương. Cơ cấu điều khiển thông minh, góc nâng và hạ nòng súng rộng cho phép Uran-9 phù hợp với tác chiến bất đối xứng trong môi trường đô thị.
Kích thước: Dài 5,1 m, rộng 2,53m, cao 2,5m. Nặng 10 tấn
Vũ khí bao gồm: 1 pháo chính 2A72 cỡ 30mm, 1 súng máy song song 7,62mm và 6 ống phóng đạn nhiệt áp Shmel-M có tầm bắn đến 1700mét, sức công phá tương đương đạn pháo cỡ 152mm.
Trong các nhiệm vụ đặc biệt, Uran-9 có thể trang bị đạn tên lửa chống tăng Ataka 9M120 để tấn công các mục tiêu tăng thiết giáp của đối phương ở khoảng cách 400 mét đến 6 km.
Bên cạnh đó, trên Uran-9 còn có 2 hệ thống tên lửa phòng không 9S846 Strelets MANPADS (mỗi hệ thống lắp 3 quả tên lửa 9K33 Igla).
Sát thủ không biết sợ đặc biệt của Nga từ chiến trường Syria đến Quảng trường Đỏ - Ảnh 4.
Hệ thống vũ khí, trang bị trên robot Uran-9.
Thân xe được bọc giáp có khả năng chống vũ khí cá nhân. Xe sử dụng khung gầm bánh xích cho phép di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau. Động cơ diesel đa nhiên liệu đạt tốc độ tối đa 35 km/h. Tầm hoạt động hàng trăm km.
Uran-9 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 6 km vào ban ngày và 3 km vào ban đêm nhờ được trang bị hệ thống cảm biến tinh vi, trong đó có hệ thống báo động laser, thiết bị phát hiện, nhận dạng và bám mục tiêu.
Hệ thống cảm biến đa phổ cho phép Uran-9 tác chiến trong mọi điều kiện chiến trường kể cả trong khói bụi và sương mù. Toàn bộ hệ thống trang bị đều được mô-đun hóa để thay thế nhanh chóng phù hợp với nhiệm vụ.
Theo dự định của nhà chế tạo- tất nhiên có tham khảo ý kiến các nhà quân sự - Uran-9 được thiết kế tác chiến theo phân đội, mỗi phân đội Robot Uran-9 gồm 2 phương tiện chiến đấu (một phương tiện làm nhiệm vụ trinh sát, đơn vị còn lại trang bị hỏa lực mạnh để tấn công).
Sát thủ không biết sợ đặc biệt của Nga từ chiến trường Syria đến Quảng trường Đỏ - Ảnh 5.
Robot Uran-9
Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, Uran- 9 đã được biên chế vào quân đội Nga năm 2017 và đã được đưa sang thực nghiệm tại chiến trường Syria. Một số đoạn vdeo clip dã cho thấy hình ảnh Uran- 9 tác chiến rất uy lực trên chiến trường. Đặc biệt, vũ khí nhiệt áp Shmel-M tỏ ra rất hiệu quả khi tiến công địch trong đô thị.
Bọc thép toàn thân, được vũ trang mạnh mẽ với súng máy và tên lửa, hệ thống cảm biến có thể quan sát toàn cảnh chiến trường và đặc biệt là không biết sợ hãi, đó là những hình ảnh về robot chiến đấu Quân đội Nga đang sử dụng.
Trong khi các robot đang chiến đấu trên chiến trường, thì việc chỉ huy nó được thực hiện ở một vị trí an toàn trong sở chỉ huy. Đây có thể chính là bộ mặt của Quân đội Nga trong tương lai.
Độ chính xác của nguồn tin chưa được kiểm chứng song Uran-9 đã vinh dự có mặt trong cuộc duyệt binh mừng Chiến thắng ngày 9.5.2018 vừa qua trên Quảng trường Đỏ để giới thiệu với toàn thế giới.
Tất nhiên, nếu không đạt hiệu quả chiến đấu cao, nó sẽ không bao giờ vinh dự có mặt tại đây!
Current Time0:10
/
Duration11:07
Auto
Lễ duyệt binh Chiến thắng 9/5/2018 (Phần 2)