Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

CHUYẾN TÀU QUÊ HƯƠNG

Cà rịch.... Cà rịch
Lắc lư... Lắc lư
Thỉnh thoảng dồn toa
Lục cục.... Lục cục
Cửa kính mờ đục
Như khói, như sương
Thêm lưới sắt giăng
Như ngồi trong cũi

Trong hình ảnh có thể có: tàu hỏa và ngoài trời

Năm chục cây số
Mất hơn một giờ
Kẻ thì lơ mơ
Người thì ngủ gục
Có người bức xúc
Sao chậm thế này?
Có người xua tay
Chậm nhưng mà chắc!
Có người thắc mắc
Hơn thế kỷ rồi
Từ khi ra đời
Hình như vẫn thế
Người ta cao tốc
Đệm khí, đệm từ
Mình cứ lừ lừ
Bao giờ cho kịp?
Cà rịch... Cà rịch!

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang ngồi


Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

NƯỚC MẮT ĐÀO RỪNG

Tôi sinh ra ở rừng sâu
Mọc cheo leo bên sườn núi đá
Chắt lọc 
Khí của trời
Hồn của đất
Nước của sương đêm
Ngày ngẩng đầu đón nắng mặt trời
Đêm lấy rêu làm chăn đắp
Mấy chục năm
Tôi lớn lên
Mỗi ngày một chút
Đến một ngày
Nhựa sống bỗng đầy lên
Những nụ bộp căng dần
Chờ ngọn gió báo Xuân sang 
Se khai hoa nở nhụy
Những cánh đào xuân
Phơn phớt hồng như má người con gái
E ấp, thẹn thùng
Chúng tôi bên nhau
Thành cả cánh rừng
Làm đẹp cho đời
Làm đẹp cho người
Làm đẹp núi rừng
Làm đẹp quê hương

Trong hình ảnh có thể có: cây, thực vật, hoa, ngoài trời và thiên nhiên

Rồi bỗng dưng
Một đám người kéo đến
Họ chặt
Họ lôi
Họ túm chúng tôi 
Thành từng bó
Chất lên xe tải
Chở về thành phố
Nơi chật ních những ngôi nhà xám ngoét bê tông
Và ngột ngạt khói xe, bụi bặm...
Họ dựng chúng tôi bên đường
Thí cho một lon nước bẩn
Mặc chúng tôi chịu trận
Họ mặc cả, bán mua
Triệu này triệu nọ
Bớt bớt, thêm thêm
Rồi rước chúng tôi về nhà
Những ngôi nhà to đẹp
Hình như sự có mặt của tôi
Làm ngôi nhà của họ thêm sang trọng
Bởi thấy nhiều người tấm tắc ngợi khen
Nhưng họ đâu biết rằng
Dưới mỗi cánh hoa
Đều nhóng nhánh
Giọt nước mắt của tôi
Giọt nước mắt của rừng!

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

CHÚC MỪNG NĂM MỚI



Nhân dịp năm mới Đinh Dậu- 2017, kính chúc tất cả bạn bè, người thân của tôi năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và mọi sự tốt lành!


Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

NHỚ TẾT XƯA

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang ngồi

Lại một Xuân về, Tết đến
Bâng khuâng chờ phút giao thừa
Nhìn nén hương thơm cháy đỏ
Bồi hồi lại nhớ Tết xưa

Nhớ dáng Ông ngồi lặng phắc
Viết đôi câu đối mừng Xuân
Nhớ Bà còng lưng quét rác
Để cho nhà sạch quanh năm

Nhớ bóng Cha ngồi mải miết
Gò lưng đạp máy tới khuya
Nhớ Mẹ cần cù thùa khuyết
Kịp giao áo trước giao thừa*

Nhớ ấm ổ rơm góc bếp
Mấy đ
a trông nồi bánh chưng
Bà bảo “bánh rền rồi đấy”
Chợt nghe tiếng pháo vang lừng

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi và ngoài trời

Nhớ cụ Muôn bên hàng xóm
Như ông Bụt hiện xông nhà
Mỗi đứa vài xu mừng tuổi
Khoe nhau mặt mũi như hoa

Thế rồi trong đêm đen kịt
Chen nhau lấy nước giếng Dinh**
Le lói bao nhiêu hy vọng
Một năm hạnh phúc, an lành

Rồi cả phố đi chúc Tết
Ai ai nhìn cũng thật tươi
Chúc nhau bình an, mạnh khỏe
Trao nhau thân ái nụ cười
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và bầu trời

Cái thời gạo ăn chả đủ
Tết về vẫn phải đi vay
Thế mà thật là ấm áp
Để bây giờ nhớ lắt lay.

·         Bố làm thợ may. Ngày Tết khách đông phải may suốt đêm

·         Phố Ngái có tục đêm 30 đi gánh nước ở Giếng Dinh lấy may.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 4


          Đã sang tháng ba ta tiết trời không còn lạnh giá nữa. Mới chưa đến sáu giờ đã thấy đằng đông hừng sáng báo hiệu một ngày ấm áp, đẹp trời. Đoàn cán bộ xe tăng gần chục người cùng một tổ trinh sát của mặt trận do một sĩ quan phụ trách thành một hàng dọc lầm lũi đi dọc theo đường Chín trong làn sương sớm vẫn còn đang phảng phất đây đó. Đang ở bên đất Lào và còn khá xa vùng chiến sự nên tốc độ hành quân khá nhanh. Mới gần trưa đoàn đã đến Lao Bảo. Các chiến sĩ trinh sát cho đoàn dạt vào bên đường dừng lại nghỉ giải lao và ăn trưa dưới một lùm cây.
          Khi thấy Phúc thông báo là đã qua biên giới vào đất Việt Nam quyền tư lệnh Đào chợt thấy một cảm giác khác lạ dấy lên trong lòng: “thế là bây giờ mình mới chính thức đặt chân lên mảnh đất chiến trường miền Nam”. Ngơ ngẩn đứng nhìn quanh quất một lát ông hỏi Phúc:
          - Thế biên giới đâu? Cột mốc đâu?
          Phúc lắc đầu:
          - Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi nghe anh em ở trong này lâu người ta bảo trước ở đây cũng có một cái cột mốc, nhưng rồi bom đạn chà xát lâu ngày nên bây giờ chẳng còn dấu tích gì. Nhưng đây đúng là biên giới rồi đấy. Chỗ bằng phẳng kia là sân bay dã chiến Lao Bảo. Còn chỗ chòm cây xanh xanh kia là nhà tù cũ, lui xuống một tý nữa là đến sông Sê Pôn.
          Nhìn theo cánh tay Phúc chỉ quyền tư lệnh Đào chỉ thấy một chòm cây xanh um. Ông tự dặn lòng khi quay về nhất định phải ghé qua nơi ngày xưa các chiến sĩ cách mạng tiền bối và những người yêu nước đã bị bọn đế quốc thực dân đày ải.
          Bữa cơm trưa đạm bạc của chiến trường vừa xong thì người phụ trách tổ trinh sát đứng dạy dõng dạc:
          - Đề nghị các thủ trưởng chú ý! Từ đây trở đi là vùng chiến sự nên chúng ta phải hết sức cảnh giác. Tổ chúng tôi sẽ đi trước có trách nhiệm dò đường và dọn mìn lá. Các đồng chí sẽ thành một hàng dọc, mỗi người cách nhau 10 đến 15 mét và phải đi theo đúng vệt đường chúng tôi đã đi- Anh ta đến trao cho mỗi người trong đoàn một cái gậy sặt không biết chặt từ lúc nào và nói to- Nếu các đồng chí thấy trên đường còn sót mìn lá thì dùng gậy hất ra xa, nó sẽ không nổ đâu. Trường hợp địch đánh phá vào đội hình thì phải nhanh chóng ẩn nấp, đợi hết đợt bắn phá lại đi tiếp. Trường hợp gặp địch phục kích thì nhanh chóng chiếm địa hình có lợi để đánh trả. Nếu có dấu hiệu địch đổ bộ đường không thì nhanh chóng cơ động ra khỏi khu vực địch đổ bộ càng xa càng tốt. Các thủ trưởng còn hỏi gì không?
          Quyền tư lệnh Đào bảo Phúc:
          - Cậu hỏi xem chỗ cứ điểm Làng Vây hiện giờ do ai kiểm soát? Có lên đấy một tý được không?
          Phúc nhắc lại câu hỏi, người chỉ huy trinh sát có vẻ nắm rất vững tình hình:
          - Khu vực cứ điểm Làng Vây hiện do một tiểu đoàn bộ binh của ta chốt giữ. Nếu các thủ trưởng muốn ghé qua đấy chúng tôi sẽ đưa lên. Tuy nhiên để đảm bảo kế hoạch trinh sát thì chỉ được dừng ở đấy ít phút thôi ạ.
          Thấy quyền tư lệnh Đào gật đầu Phúc nói:
          - Nhất trí! Các đồng chí, chuẩn bị xuất phát!
          Nhìn động tác của tổ trinh sát phía trước quyền tư lệnh Đào thấy rất yên tâm. Đúng là được thực tế chiến trường rèn luyện những người lính sẽ trưởng thành rất nhanh dù tuổi đời của họ còn rất trẻ.
          Tầm ba giờ chiều thì đoàn cán bộ xe tăng đến khu vực Làng Vây. Chỉ cần vài ám hiệu nho nhỏ giữa người chỉ huy trinh sát với các chiến sĩ chốt tiền tiêu ở điểm cao 230 đoàn đã được tự do đi vào cứ điểm. Quyền tư lệnh Đào vừa đi vừa chăm chú nhìn như muốn tìm lại dấu tích trận đánh cách đây chưa đầy một tháng. Nhưng dẫu có mỏi mắt cũng chẳng thấy gì. Ngay sau khi thất thủ quân địch đã dùng không quân, pháo binh đánh phá cấp tập vào đây như muốn hủy diệt tất cả để quên đi mối hận thua trận. Những hố bom, hố đạn pháo nham nhở khắp nơi, đất đá bị cày xới vụn ra như cám. Cánh bộ binh chốt giữ ở đây phải đào hầm mới và tận dụng các súc gỗ, bao cát còn vương vãi xung quanh để xây dựng công sự chiến đấu.
          Lên đến đỉnh điểm cao 320 quyền tư lệnh Đào bảo mọi người dừng chân tại khu vực sở chỉ huy. Đồng chí tiểu đoàn trưởng bộ binh niềm nở đón tiếp đoàn cán bộ xe tăng, anh cho biết mặc dù địch đã ném rất nhiều bom đạn xuống khu vực này song căn hầm ngầm của chỉ huy địch vẫn còn gần như nguyên vẹn và vẫn được các anh sử dụng làm sở chỉ huy. Anh cho biết:
          - Báo cáo các đồng chí! Khi ta làm chủ Làng Vây, một số địch đã chui vào cố thủ trong căn hầm này. Gọi hàng chúng không ra nên ta đã dùng năm chục cân bộc phá để đánh nhưng chỉ sập một ngăn, còn ngăn chính vẫn không việc gì và hơn chục tên cả Mỹ lẫn ngụy vẫn ở trong đó. Buổi chiều, khi quân ta tạm lui ra xa tránh hỏa lực hủy diệt chúng đã trốn ra và được giải thoát.
          Quyền tư lệnh Đào khom mình chui vào cửa hầm và đi sâu vào bên trong, nhìn những bức tường bê tông dày hàng mét ông tấm tắc:
          - Đúng là mạnh vì gạo, bạo vì tiền!
          Quay lên trên đỉnh hầm chỉ huy quyền tư lệnh Đào phóng tầm mắt nhìn bốn phía, ông lớn tiếng:
          - Anh Hải đâu? Lên giới thiệu sơ qua tình hình địa hình và diễn biến trận đánh nào. Mời các anh đứng gần lại đây!
          Sau khi sơ lược giới thiệu các điểm cao và địa hình liên quan xung quanh cứ điểm Hải dõng dạc:
          - Báo cáo thủ trưởng! Theo kế hoạch chiến đấu được mặt trận thông qua thì đại đội 9 tiến công từ hướng nam, đại đội tôi từ hướng tây. Hướng đánh của đại đội tôi thì các thủ trưởng đã vừa đi qua. Sau khi đánh chiếm đầu cầu tôi cho một trung đội đánh xuống phía nam để diệt đại đội 102, tôi dẫn các xe còn lại đánh tràn qua đại đội 103 để vào đây. Còn đại đội 9 thì tạm dừng ở bãi cát Làng Troài- Hải đưa tay chỉ xuống đám cây chuối và lau sậy xanh um phía nam cứ điểm- Sau đó xung phong theo con đường kia. Vì vậy chỉ sau khi qua cửa mở một chút các anh ấy đã tiếp cận được sở chỉ huy địch. Khi chúng tôi còn cách đây chừng hơn trăm mét đã thấy xe đại đội trưởng đại đội 9 lao thẳng vào sở chỉ huy. Lúc đó là khoảng ba giờ sáng ngày bảy tháng Hai.
          Quyền tư lệnh Đào quay sang người tiểu đoàn trưởng bộ binh:
          - Đồng chí có biết anh em xe tăng để lại một xe hỏng ở chỗ nào không?
          Tiểu đoàn trưởng bộ binh chỉ tay về phía nam:
          - Báo cáo thủ trưởng, ở chỗ kia ạ! Cái xe hỏng được các anh ấy vùi xuống một hố bom và lấp đất lên nhưng khi bọn địch ném bom lại hở ra.
          Quyền tư lệnh Đào hạ giọng nhưng rất cương quyết:
          - Ta xuống chỗ đó đi!
          Cả đoàn cán bộ lặng lẽ theo chân người tiểu đoàn trưởng bộ binh lần xuống chân đồi. Còn cách vài chục mét đã thấy hiện lên hình hài một cái tháp pháo, trông như một nấm mộ lẻ loi giữa sườn đồi nham nhở những hố bom, hố pháo. Mặc dù nòng pháo đã bị cụt vì bộc phá, màu sơn tháp pháo cũng đã bị cháy đen nhưng ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ bên sườn tháp pháo vẫn hiện lên đầy thách thức. Đến trước cái tháp pháo im lìm nhô lên giữa lòng đất cả đoàn dừng lại cúi đầu như mặc niệm. Quyền tư lệnh Đào cũng đứng lặng im, mắt ông thấy cay cay. Có thể nói đây là chiếc xe tăng Việt Nam đầu tiên hy sinh tại chiến trường. Cùng với nó chắc là còn có một vài người đồng đội của ông nữa. Vẫn biết chiến tranh là có tổn thất nhưng mất mát nào mà chẳng đau lòng. Trách nhiệm của ông và những người lãnh đạo, chỉ huy là phải làm sao cho những tổn thất là ít nhất. Im lặng cúi đầu chừng một phút quyền tư lệnh Đào trở lại vẻ lạnh lùng, kiên quyết thường ngày:
          - Thôi! Bây giờ ta tiếp tục lên đường- Đưa tay bắt tay người tiểu đoàn trưởng bộ binh ông nói- Cảm ơn đồng chí! Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ.
         
           ***

          Sau gần một tuần hôm thì đi ngày, lúc lại đi đêm, khi quan sát từ xa, có lúc đến sát hàng rào cứ điểm đoàn cán bộ xe tăng đã nắm tương đối vững tình hình địa hình cũng như quân địch trong toàn bộ khu vực Khe Sanh. Đặc biệt ở Tà Cơn đoàn đã dành hẳn ba ngày đêm để trinh sát cụm cứ điểm này. Họ đã trèo lên đỉnh Ché Riêng quan sát Tà Cơn từ hướng tây nam. Ở đây cả đoàn đều thống nhất nhận định: “nếu đưa được xe tăng lên đó làm trận địa bắn trực tiếp thì chắc như đánh đáo, bắn phát nào trúng phát đó”. Họ cũng vòng lên phía bắc để nghiên cứu khả năng lợi dụng sông Rào Quán tiếp cận địch như sông Sê Pôn hay không nhưng rồi thấy rằng rất khó thực hiện. Tuy nhiên có một con đường từ biên giới Lào Việt hướng về đây nên có thể đưa xe tăng theo đó hình thành một mũi tiến công từ hướng bắc. Cũng chính ở ngoài hàng rào cứ điểm Tà Cơn họ đã thoát chết trong gang tấc vì bom B52 dội xuống sát sau lưng.
          Sau khi đã thực hiện hết các nội dung trong kế hoạch trinh sát quyền tư lệnh Đào quyết định quay về. Sau gần một tuần đi bộ vã trèo đèo, lội suối, với thức ăn chủ yếu là lương khô, nước lã ai cũng thấm mệt chỉ mong nhanh về đến căn cứ để tắm giặt và ngủ bù một giấc.
          Tuy nhiên chuyến trở về của đoàn không được suôn sẻ như dự tính. Khi đoàn về ngang qua cứ điểm Làng Vây thì một trận pháo kích dữ dội bất ngờ dội xuống một ngọn đồi khá bằng phẳng phía đông bắc cứ điểm, cách cứ điểm khoảng hai ki- lô- mét. Người chỉ huy nhóm trinh sát vội đưa cả đoàn dạt vào ẩn nấp trong dãy công sự chiến đấu của tiểu đoàn bộ binh đang chốt giữ tại đây. Nhổm hẳn người lên quan sát quyền tư lệnh Đào hỏi người phụ trách nhóm trinh sát:
          - Tại sao nó lại pháo kích vào đấy? Lúc ta đi qua có thấy quân mình ở đấy đâu?
          Người chỉ huy trinh sát nhíu mày:
          - Có khả năng chúng chuẩn bị đổ bộ đường không. Thông thường trước khi đổ bộ chúng vẫn bắn pháo hoặc ném bom thế để dọn bãi.
          Quyền tư lệnh Đào gặng:
          - Nhưng chúng đổ xuống đó làm gì?
          Người chỉ huy trinh sát bối rối:
          - Thực tình tôi cũng không biết- Ngẫm nghĩ một lát anh mới tiếp- Theo tôi có lẽ chúng đổ xuống đấy để chiếm lại Làng Vây.
          Quyền tư lệnh Đào gọi đoàn trưởng Lãm lại gần, ông hối hả:
          - Nhắc anh em kiểm tra vũ khí, chuẩn bị chiến đấu cùng bộ binh.
          Người chỉ huy trinh sát góp ý:
          - Báo cáo thủ trưởng, theo tôi có lẽ ta nên nhanh chóng rời khỏi chỗ này. Thực ra chúng muốn chiếm lại đây cũng không phải dễ, chắc chắn chúng phải chiếm lại khu Làng Vây cũ làm bàn đạp rồi mới đánh sang đây được. Mà ở Làng Vây cũ ta cũng có lực lượng chốt giữ ở đấy.
          Trong thâm tâm của quyền tư lệnh Đào ông cũng thấy đề nghị của người chỉ huy trinh sát khá là hợp lý. Tuy nhiên ông lại muốn nhân dịp này quan sát tận mắt một thủ đoạn chiến thuật rất mới đang được bọn Mỹ sử dụng. Mấy hôm nay qua theo dõi các đài nước ngoài ông biết Mỹ đang chuẩn bị đưa sư đoàn không vận số 1, đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Mỹ, được mệnh danh là sư đoàn “kỵ binh bay” ra tác chiến ở khu vực Làng Vây. Rất có thể đây là bọn chúng và không loại trừ việc các đơn vị của ông sẽ phải chạm trán với bọn này nên ông quyết định:
          - Đồng chí Lãm cứ nhắc anh em sẵn sàng! Còn ta sẽ dừng lại đây ít phút đợi xem hành động của bọn chúng thế nào. Các anh chú ý quan sát nhé!
          Đúng như dự đoán của người chỉ huy trinh sát. Sau khoảng mười lăm phút cấp tập thì pháo binh chuyển làn về phía Làng Vây cũ. Khi khói bụi của đạn pháo trên ngọn đồi vẫn còn đang bốc lên cuồn cuộn thì hàng đoàn máy bay trực thăng đã hùng hổ lao tới. Mấy chiếc trực thăng vũ trang bay lượn vòng ngoài xả đại liên và phóng hỏa tiễn xuống khu vực Làng Vây cũ, còn từng tốp ba chiếc một sà xuống đỉnh đồi. Khi chúng chưa đáp hẳn xuống mặt đất thì từ trong máy bay bọn lính dù đã ào xuống, chúng nhanh chóng tản ra và máy bay lại bốc lên ngay rồi lao về hướng đông. Một tốp khác lại đáp xuống, mỗi đợt chỉ mất khoảng một phút. Quyền tư lệnh Đào thầm nghĩ: “mỗi máy bay chở một tiểu đội, mỗi đợt đổ xuống được một trung đội, ba đợt là một đại đội, chín đợt là một tiểu đoàn. Như vậy chỉ cần chừng mười phút chúng đã đổ xuống được một tiểu đoàn. Quả là lợi hại!”. Người chỉ huy trinh sát đứng phía sau nói nhỏ:
          - Báo cáo thủ trưởng! Có lẽ đây gần Tà Cơn nên chúng không chở theo pháo. Chứ tôi đã có lần thấy khi đổ bộ chúng còn cho cả bọn Si- núc chở theo mấy khẩu đội pháo đến nữa cơ.
          Ông Đào không nói gì mà đưa ống nhòm lên chăm chú quan sát hành động của bọn địch. Sau khi đã đủ đổ quân mấy chiếc trực thăng vũ trang vẫn tiếp tục bay vòng vòng trên cao trợ chiến, còn bọn lính dù đang lúp xúp tiến về phía trại Làng Vây cũ. Chúng vừa đi vừa bắn như đổ đạn vào những căn nhà còn sót lại ở bìa làng.  Đã nghe thấy tiếng súng AK của quân ta nổ từng nhịp ngắn đĩnh đạc, bọn lính dù vội nằm dán mình xuống sau những mô đất. Một lát sau pháo lại trùm lên cả khu trại. Ông Đào thầm nghĩ: “lại vẫn chiến thuật lấy thịt đè người đây mà” rồi quay người lại hỏi người chỉ huy trinh sát:
          - Thế nào! Bây giờ ta có thể đi được không?
          Người chỉ huy trinh sát vội trả lời:
          - Dạ, đi được ạ! Bọn nó đang tập trung vào Làng Vây cũ nên không để ý gì đến đây đâu.
          Quyền tư lệnh Đào đứng thẳng lên quả quyết:
          - Vậy thì ta tranh thủ đi đi!
          Trên đường về mọi suy nghĩ của quyền tư lệnh Đào chỉ tập trung vào mỗi vấn đề có thể dùng xe tăng đánh địch đổ bộ đường không hay không. Với khả năng cơ động cao, sức phòng hộ tốt và hỏa lực tự thân rất mạnh ông tin rằng hoàn toàn có thể làm được điều đó. Nếu phán đoán được khu vực địch có khả năng đổ bộ đường không sẽ bố trí sẵn xe tăng ở khoảng cách thích hợp. Khi địch dọn bãi sẽ cho xe tăng xuất kích đến gần. Khi địch bắt đầu đổ bộ xe tăng sẽ xung phong, hỏa lực pháo 76 và cao xạ 12 ly 7 hoàn toàn có thể tiêu diệt được bọn trực thăng đang sà xuống đổ quân. Còn bọn địch vừa mới được đổ xuống chưa có công sự, vật cản sẽ là mồi ngon cho hỏa lực súng máy và xung lực của xích sắt. Lý tưởng nhất là đánh được lúc chúng đang đổ quân. Còn trường hợp địch đã đổ quân xong thì có lẽ cũng giống như tiến công địch phòng ngự lâm thời mà thôi. Vấn đề đặt ra là phải phán đoán chính xác được vị trí đổ quân của chúng mà thôi. Ngoài ra vấn đề giữ bí mật khi cơ động lực lượng vào vị trí tạm dừng cũng phải hết sức chú ý. Tuy nhiên cũng không được chủ quan với trực thăng vũ trang, không loại trừ chúng có trang bị tên lửa chống tăng. Nếu đúng như vậy thì cần phải có hỏa lực phòng không bảo vệ vòng ngoài.
          Miên man với những ý nghĩ ấy trong đầu quyền tư lệnh Đào cứ cắm cúi đi chẳng để ý gì đến xung quanh. Mãi đến khi người chỉ huy trinh sát đề nghị mọi người dừng lại nghỉ ông mới biết đã về đến Lao Bảo. Hạ chiếc ba lô trên lưng xuống quyền tư lệnh Đào phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh. Ngay trước mắt ông là sân bay Lao Bảo đã bỏ hoang lâu ngày chỉ thấy bạt ngàn cỏ tranh. Ông thầm nghĩ: “nếu bọn địch muốn mở rộng vùng kiểm soát và đẩy quân ta về bên Lào thì sau khi đánh Làng Vây thế nào chúng cũng sẽ phải chiếm khu vực này và đây sẽ là điểm đổ quân lý tưởng của chúng. Biết đâu đây chính là địa điểm để ông thử nghiệm cái ý tưởng vừa mới manh nha trong đầu”. Ông gọi đoàn trưởng Lãm, trưởng phòng Phúc và người chỉ huy trinh sát lại gần:
          - Các anh mở bản đồ ra tôi xem nào!
          Đoàn trưởng Lãm trải rộng tấm bản đồ địa hình xuống trước mặt quyền tư lệnh Đào. Ông chăm chú nhìn một hồi lâu rồi hỏi:
          - Có con đường nào đi vào khu nhà lao mà không phải qua sân bay không?
          Người chỉ huy trinh sát nhanh nhảu:
          - Báo cáo thủ trưởng! Từ chỗ cột mốc mà hôm trước ta ngồi nghỉ có một con đường dọc bờ sông Sê Pôn đi vào khu nhà lao cũ ạ.
          Quyền tư lệnh Đào gật gật đầu, miệng lẩm bẩm:
          - Tốt! Thế thì tốt!
          Cả ba anh em đều ngạc nhiên vì không hiểu quyền tư lệnh bảo cái gì tốt nhưng không dám hỏi.

          Nghỉ ngơi một lúc nữa cả đoàn lại lên đường. Sẩm tối thì đoàn về đến sở chỉ huy của đoàn 198. Ngày hôm sau quyền tư lệnh Đào và các cán bộ cơ quan bộ tư lệnh tiền phương trở về sở chỉ huy mặt trận.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 3


Cuộc hội ý của ba cán bộ lãnh đạo Bộ tư lệnh thiết giáp được tiến hành ngay buổi sáng thứ ba quyền tư lệnh Đào có mặt tại chiến trường. Có thể coi đây là cuộc họp của thường vụ đảng ủy binh chủng cũng được vì chỉ thiếu có mỗi ủy viên là chủ nhiệm chính trị Thu.
          Mở đầu cuộc họp tham mưu trưởng Dương tổng hợp về diễn biến của hai trận đánh Tà Mây và Làng Vây, kết quả thu được, tổn thất của phía ta, những ưu khuyết điểm và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm. Cuốn sổ mở rộng đặt trước mặt, quyền tư lệnh Đào chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng ông lại gạch đầu dòng và viết mấy chữ rất ngắn gọn vào đó. Nhờ chịu khó học hỏi, rèn luyện quyền tư lệnh Đào có khả năng tổng hợp rất nhanh. Nhiều khi nghe những báo cáo dài hàng trang ông chỉ tóm tắt lại bằng một dòng ngắn ngủi nhưng vẫn đảm bảo đó là vấn đề cốt lõi nhất.
          Chờ cho tham mưu trưởng Dương báo cáo hết các nội dung quyền tư lệnh Đào mới hỏi:
          - Vậy theo các anh ưu điểm nổi bật trong các trận đánh vừa qua của 198 là gì?- Không đợi chính ủy Ngọc lên tiếng ông nói luôn- Xin lỗi anh Ngọc, về ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ thì tốt rồi, ta không cần nhắc lại ở đây.
          Ngẫm nghĩ một lát tham mưu trưởng Dương mới từ tốn:
          - Theo tôi, ưu điểm nổi bật là chúng ta đã vận dụng tốt những nguyên tắc chiến thuật như vấn đề sử dụng lực lượng, vấn đề tạo thế bất ngờ, vấn đề bí mật tiếp cận, vấn đề hiệp đồng với bộ binh và các lực lượng khác. Về mặt kỹ thuật thì nhìn chung trình độ sử dụng trang bị, vũ khí của anh em rất thành thạo là nét nổi bật.
          Vừa nhịp nhịp mấy ngón tay trên cuốn sổ quyền tư lệnh Đào vừa gật gù:
          - Như vậy có thể nói những nguyên tắc chiến thuật và cách đánh địch phòng ngự vững chắc trên điểm cao của xe tăng do chúng ta nghiên cứu xây dựng lên là phù hợp với điều kiện chiến trường miền Nam. Các anh có thấy thế không?
          Tham mưu trưởng Dương gật đầu xác nhận:
          - Đúng vậy! Tôi nghĩ rằng về cơ bản là phù hợp. Còn có điểm này, điểm khác chưa hiệu quả thì chủ yếu là do anh em ta thực hiện chưa tốt mà thôi.
          Quyền tư lệnh Đào đột ngột chuyển hướng:
          - Thế còn nhược điểm nổi bật là vấn đề gì?
          Hơi nhíu mày một lát tham mưu trưởng Dương mới trả lời:
          - Xét trên phương diện tổn thất người và trang bị thì theo tôi nhược điểm chính là chúng ta còn máy móc khi vận dụng lý luận, đặc biệt là việc để đại đội 9 rời khỏi trận địa theo đường sông Sê Pôn. Vì phải bơi ngược dòng, một số xe lại bị thủng do mảnh đạn nên tốc độ chậm, phải giấu xe lại Làng Troài, ngày hôm sau máy bay địch lên lùng sục đánh phá làm hư hỏng thêm 1 xe và hy sinh 1 đồng chí. Ngoài ra vấn đề hiệp đồng với bộ binh cũng chưa tốt, đến giờ xung phong cả hai cửa mở trên hai hướng đều chưa thông, bộ binh thì không theo được xe tăng nên ở hướng đại đội 9 phải cho 2 xe quay ra để dẫn vào.
          Quyền tư lệnh Đào cắm cúi ghi mấy chữ vào sổ tay rồi ngẩng lên:
          - Vậy thì vai trò của người chỉ huy xe tăng khi phê chuẩn quyết tâm chiến đấu của đơn vị như thế nào?
          Tham mưu trưởng Dương hơi bối rối:
          - Vì mỗi đại đội xe tăng đi phối thuộc cho một hướng nên trách nhiệm phê chuẩn quyết tâm chiến đấu cũng như chỉ huy trong quá trình chiến đấu là thuộc về người chỉ huy binh chủng hợp thành. Tuy nhiên, để giúp cho người chỉ huy binh chủng hợp thành chỉ huy xe tăng chúng tôi đã phân công như thế này: tôi, anh Ngọc và anh Lãm ở bên cạnh sư trưởng bộ binh, trên hướng chủ yếu có anh Hồng và anh Bá, trên hướng thứ yếu là anh Tân với anh Huấn. Các anh ấy có trách nhiệm tham mưu cho người chỉ huy về sử dụng xe tăng, đồng thời giúp đỡ đơn vị xây dựng quyết tâm chiến đấu và chuẩn bị mọi mặt; trong quá trình chiến đấu thì giúp người chỉ huy binh chủng hợp thành chỉ huy xe tăng bằng vô tuyến điện. Nói cho công bằng thì khi thông qua quyết tâm chiến đấu anh em đại đội 9 cũng như các phái viên ở hướng chủ yếu chưa lường hết được tình hình nên mới đưa ra phương án ấy.
          Quyền tư lệnh Đào nhíu mày:
          - Tại sao anh em ta lại chọn đường rời khỏi trận đánh như vậy nhỉ?
          Đến đây thì chính ủy Ngọc lên tiếng:
          - Khi chúng tôi đặt câu hỏi như vậy thì anh em trả lời là: do ở Pê Sai và Ha- Sin- Ta- Sing còn một số người và trang bị nên anh em người ta muốn quay lại đấy. Chỉ đơn giản thế thôi chứ chẳng có lý do nào cả.
          Tham mưu trưởng Dương gật đầu xác nhận và thêm:
          - Về phía chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm là chưa thật sâu sát và quá tin tưởng vào cấp dưới nên không kiểm tra thật kỹ. Nhưng xét cho cùng cũng là vì anh em ta không lường hết được tình huống xe bị thủng nhiều thế mà thôi. Nếu xe không bị thủng thì có chậm cũng chỉ độ hơn tiếng đồng hồ là đã về đến Pê Sai rồi. Anh có nhớ hồi diễn tập ở Thanh Tước ta cũng cho trung đội 2 rời khỏi theo đường sông không? Đến giờ anh em người ta cũng cứ thế mà vận dụng.
          Quyền tư lệnh Đào gật đầu:
          - Như vậy căn bệnh chủ yếu ở đây là máy móc, thiếu động não suy nghĩ. Thực tiễn này một lần nữa khẳng định là giữa diến tập với chiến đấu còn một khoảng cách khá xa phải không các anh?- Không đợi hai người trả lời ông lại đột ngột chuyển hướng câu chuyện- Về các vấn đề bảo đảm các anh thấy thế nào?
          Tham mưu trưởng Dương nhăn trán:
          - Về tất cả các nội dung bảo đảm đều có vấn đề. Trước hết là bảo đảm trinh sát: vì ta không có lực lượng trinh sát riêng nên hoàn toàn phụ thuộc vào bộ binh. Như trận Làng Vây này chỉ có hướng nam do địch chủ quan nên anh em ta mới đến sát hàng rào địch được, còn hướng tây chỉ quan sát được từ xa mà thôi. Hay trận Tà Mây cũng thế, cán bộ của ta không thể tiếp cận được địch nên mọi thông tin về địch chủ yếu là dựa vào cung cấp của bộ binh mà thôi.
          Quyền tư lệnh Đào ngắt lời:
          - Vậy theo anh ta phải có lực lượng trinh sát riêng à?
          Tham mưu trưởng Dương gật mạnh đầu:
          - Đúng vậy! Không chỉ trinh sát mà cả phòng không và công binh ta cũng cần có lực lượng bảo đảm độc lập. Anh thấy đấy, phòng không của mặt trận có gì đâu. Nếu vừa rồi ta không cho lắp cao xạ 12 ly 7 lên xe thì chắc sẽ tổn thất nặng nề vì không quân địch. Còn bảo đảm cơ động cũng vậy. Trận Tà Mây thì cả đại đội sa lầy. Trận Làng Vây đại đội 3 cũng suýt nữa không đến được vị trí tạm dừng vì lầy. Hay mở cửa cũng vậy, cả hai hướng đến giờ xung phong mà cửa mở đều chưa thông.
          Quyền tư lệnh Đào lắc đầu:
          - Đúng là cũng cần nhưng không thể hoàn toàn độc lập được mà sẽ phải phân cấp ra, binh chủng hợp thành lo cái gì, ta lo cái gì, chứ nếu không mỗi trung đoàn xe tăng lại đòi có hẳn một trung đoàn công binh, một tiểu đoàn phòng không trong biên chế thì không ai chấp nhận đâu. Nhưng qua đây ta cũng phải nghiên cứu thêm về tổ chức biên chế của các trung đoàn xe tăng các anh ạ- Dừng một lát ông mới tiếp- Bây giờ ta quay lại trận Tà Mây một chút. Rõ ràng là chỉ cần có hai xe lên đánh đã thắng rồi sao mình lại phải sử dụng cả đại đội ?
          Tham mưu trưởng Dương cười bối rối:
          - Ý anh muốn nói vai trò tham mưu của chúng tôi chứ gì? Thực ra như đã nói ở trên vì không nắm được cụ thể về địch, chỉ được nghe bộ binh cho biết đây là một cụm cứ điểm mạnh, do một tiểu đoàn phòng ngự trong công sự vững chắc nên sử dụng một đại đội tăng cường cho một trung đoàn bộ binh cũng là vừa phải thôi.
          Chính ủy Ngọc bổ sung:
          - Thực ra theo tôi sở dĩ trận Tà Mây thắng lợi khá dễ dàng như vậy có một nguyên nhân quan trọng là yếu tố tâm lý. Mặc dù chỉ có hai xe lên được và chỉ có một xe vào được cứ điểm nhưng vì lần đầu tiên thấy xe tăng xuất hiện bọn địch đã bị hoảng loạn tột độ và tháo chạy nhanh như vậy.
          Quyền tư lệnh Đào gật gù:
          - Tôi đồng ý với các anh. Với tương quan lực lượng như vậy thì sử dụng một đại đội cũng không phải là nhiều. Cũng vì thấy thắng lợi dễ dàng quá nên tôi đặt câu hỏi vậy thôi.
          Tham mưu trưởng Dương chậm rãi nói thêm:
          - Ở đây cũng còn một nguyên nhân nữa là ý định của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Mà khi các anh ấy định thế nào rồi thì rất khó lay chuyển. Như trận Tà Mây chúng tôi cũng đề nghị là không cho tham gia để giữ yếu tố bất ngờ cho Làng Vây nhưng các anh ấy kiên quyết không chấp nhận nên chúng tôi buộc phải chấp hành. Hay việc đưa đại đội 9 vào Huế cũng vậy. Chúng tôi cũng đã có ý kiến là không nên đưa một đại đội độc lập đi như thế nhưng các anh ấy không nghe. Ngay cả chỉ đề nghị lui lại một thời gian để đợi đại đội 6 vào các anh ấy cũng không chấp nhận. Nói tóm lại hiểu biết của các chỉ huy binh chủng hợp thành về xe tăng còn rất hạn chế, lại có phần bảo thủ nên khi làm việc với các anh ấy phải hết sức kiên nhẫn anh ạ.
          Quyền tư lệnh Đào gật đầu:
          - Tôi cũng nghĩ vậy! Nhưng đây lại là điểm yếu của tôi phải không?
          Một cơn đau bụng dội lên làm tham mưu trưởng Dương nhăn mặt. Quyền tư lệnh Đào phát hiện thấy sự bất thường vội hỏi:
          - Anh bị làm sao thế?
          Chính ủy Ngọc đỡ lời:
          - Đã gần hai tháng nay anh Dương bị đau bụng liên tục. Đúng hôm đánh Làng Vây bị đau gần chết. Mấy hôm nay đỡ rồi đấy- Ông nhìn thẳng vào mắt ông Đào đầy vẻ quan tâm- Và cả anh nữa, vào đây rồi không chủ quan với sức khỏe được đâu. Theo tôi ở đây anh không nên tắm nước lạnh buổi sáng nữa, dù sao đây cũng là “rừng thiêng, nước độc” mà anh.
          Quyền tư lệnh Đào đặt tay lên tay tham mưu trưởng Dương:
          - Vậy thì anh phải ra ngay là đúng rồi. Có lẽ hôm nay ta tạm thời dừng ở đây. Phần tôi các anh cứ yên tâm. Còn hai anh ra ngoài đó ngoài những công việc thường xuyên tôi đề nghị anh Dương tổng hợp những bài học kinh nghiệm lại cho các đơn vị học tập, đồng thời bổ sung thêm những nội dung cần thiết vào tài liệu huấn luyện cho anh em. Ngoài ra anh dành thời gian nghiên cứu thêm về tổ chức biên chế các trung đoàn xe tăng thế nào cho phù hợp. Nhưng theo tôi cũng đừng tham quá. Thôi, mời các anh nghỉ!
          Chui ra khỏi cái hầm thùng ông vươn vai mấy cái thật mạnh. Không khí trong rừng sâu giữa mùa khô thật dễ chịu.

           ***

          Chỉ trong vòng hơn một tuần việc điều chuyển trang bị giữa hai đại đội và củng cố xe máy vũ khí đã tạm ổn. Vị trí giấu quân của đại đội 6 cũng đã ổn định, hầm xe, hầm người đã cơ bản đào xong. Chính ủy Ngọc, tham mưu trưởng Dương cùng một số cán bộ cơ quan đã lên đường ra Bắc. Quyền tư lệnh Đào quyết định tổ chức đưa các cán bộ chủ chốt của Bộ tư lệnh tiền phương, đoàn 198 và hai đại đội trưởng đi trinh sát thực địa. Ý định của ông là cán bộ phải nắm chắc địa hình toàn bộ khu vực lòng chảo Khe Sanh, sau đó tập trung vào các trọng điểm như cụm cứ điểm Tà Cơn, quận lỵ Hướng Hóa v.v... Ngoài ra còn phải chú ý đến những khu vực có ý nghĩa chiến thuật mà địch có thể đổ bộ đường không.
          Tuy nhiên kế hoạch trinh sát của đoàn cán bộ xe tăng gặp rất nhiều khó khăn. Đúng như lời tư lệnh mặt trận đã nói, bọn địch đã có những thay đổi rất lớn về mặt chiến thuật. Một mặt chúng cố thủ trong các cứ điểm được xây dựng kiên cố, đồng thời tăng cường hỏa lực không quân, pháo binh để đẩy ta ra xa. Một mặt chúng tận dụng tối đa ưu thế về không quân, tăng cường sử dụng chiến thuật trực thăng vận bất ngờ đổ quân xuống chiếm các địa hình có lợi hoặc đánh úp vào sau lưng quân ta. Trên đường Chín cũng như các con đường mòn chúng thả dày đặc mìn lá để ngăn chặn sự cơ động của ta. Cái thứ mìn mỏng như một cái lá cây rất khó phát hiện nhưng thật độc ác, ai không may giẫm phải chỉ nghe đến “bép” một cái là đã mất bàn chân. Vì vậy, đi đêm thì sợ dẫm phải mìn lá, đi ngày thì sợ máy bay, trời nắng thì phản lực, trời mù thì B52, không may rơi vào trận địa đổ bộ của chúng thì có khi còn bị bắt sống.
          Nghe những lời thì thào bàn ra tán vào của mấy cán bộ cấp dưới quyền tư lệnh Đào thấy nóng mặt, ông cho gọi đoàn trưởng Lãm và trưởng ban Phúc lại nghiêm mặt:
          - Thế nào các anh? Liệu ta có thực hiện được kế hoạch trinh sát không hả?
          Đoàn trưởng Lãm ngơ ngác:
          - Có chứ ạ! Chúng tôi đang sẵn sàng đợi lệnh, thủ trưởng bảo đi lúc nào là đi ngay đấy chứ.
          Vẫn giữ vẻ mặt lạnh tanh quyền tư lệnh Đào sẵng giọng:
          - Thế các anh có nghe anh em người ta bàn tán gì không?
          Trưởng ban tác huấn Phúc từ tốn:
          - Chúng tôi có nghe thấy anh em bàn tán về những khó khăn khi đi trinh sát, nhưng bàn thì cứ bàn mà đi cứ đi.
          Quyền tư lệnh Đào đỡ căng thẳng hơn:
          - Theo tôi về mặt tư tưởng như thế là chưa tốt, ta phải có biện pháp giải quyết trước rồi mới đi. Nếu cần thì phải điều chỉnh kế hoạch, anh nào sợ thì cho ở nhà.
          Phúc vẫn nhẹ nhàng:
          - Báo cáo thủ trưởng, những khó khăn mà anh em bàn tán là có thật. Về phía chúng tôi cũng đã có một số biện pháp khắc phục.
          Quyền tư lệnh Đào ngắt lời:
          - Biện pháp thế nào anh trình bày đi!
          Phúc trải tấm bản đồ vẫn mang theo bên mình ra trước mặt, anh khúc chiết:
          - Báo cáo thủ trưởng, biện pháp thứ nhất là ta phải đề nghị bộ tư lệnh mặt trận cho một tổ trinh sát đi cùng để giúp đỡ chúng ta. Nói gì thì nói anh em trinh sát của mặt trận người ta đã nắm rất vững địa hình, thông tỏ đường đi lối lại, lại biết rõ vị trí đứng chân của các đơn vị ta cũng như tình hình quân địch nên sẽ rất thuận lợi nếu ta được họ dẫn đường. Đến các địa điểm trinh sát ta cũng phải dựa vào các đơn vị bộ binh đang vây lấn ở đó, càng vào gần địch càng tốt vì sẽ tránh được hỏa lực không quân, pháo binh của chúng. Về phía ta tôi đề nghị trang bị cá nhân phải thật gọn nhẹ, tất cả đều phải mang AK để tăng cường khả năng tự bảo vệ. Về cơ động chủ yếu đi vào ban ngày để tránh mìn lá. Còn địa điểm trinh sát theo tôi ta chỉ nên tập trung vào một trọng điểm là Tà Cơn, những khu vực khác sẽ lên các điểm cao dọc đường Chín để quan sát là đủ.
          Gương mặt của quyền tư lệnh Đào giãn ra một chút:
          - Tôi đồng ý với các biện pháp của anh. Để tôi báo cáo tham mưu trưởng mặt trận và sẽ đề nghị các anh ấy giúp đỡ.
          Phúc mừng rỡ:
          - Như vậy thì tốt quá. Còn anh em có nói ra, nói vào vậy thôi chứ ai cũng sẵn sàng cả thủ trưởng ạ.
          Quyền tư lệnh Đào phẩy tay:
          - Nhưng tôi không thích nghe bàn tán kiểu ấy. Có gì thì đặt vấn đề chính thức đưa ra bàn bạc tìm cách khắc phục có phải hay hơn không. Thôi, các anh về chuẩn bị đi. Nếu mặt trận đồng ý thì mai ta sẽ lên đường.


Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

TẾT

Quanh đi Tết đã đến sau lưng
Dân chúng thì lo, khối kẻ mừng
Chễm chệ ngồi chơi xơi bạc tỷ
Mặc ai bạc mặt kiếm bánh chưng
Dẫu cho Chính phủ ban lệnh cấm
Việc chúng chúng lo vẫn đến mừng
Riêng tớ vẫn thói quen đạm bạc
Nên chi chỉ thấy dửng dừng dưng!



CHỚ CÓ DÈ BỈU XE TĂNG NGA

Đừng dè bỉu xe tăng Nga trúng đạn thường bay mất tháp pháo - Trao thưởng
1 chiếc xe tăng họ T văng mất tháp pháo khi bị trúng đạn.

Nhiều xe tăng của Liên Xô (Nga) văng mất tháp pháo khi bị bắn cháy, ngược lại tình trạng này rất hiếm gặp ở xe Mỹ và NATO. Tại sao vậy, phải chăng xe tăng Nga có chất lượng kém?


Khi xem những hình ảnh như vậy nhiều người thường trầm trồ về uy lực của các đầu đạn chống tăng của Mỹ và NATO, một số thì lại dè bỉu, chê bai Liên Xô (Nga) chế tạo xe tăng chất lượng kém. Cả hai luồng ý kiến đó đều không chính xác!
Kết cấu liên kết tháp pháo với thân xe giống nhau
Thực ra, kết cấu và lắp ghép giữa tháp pháo với thân xe của hầu hết các loại xe tăng trên thế giới dù theo bất cứ trường phái nào cũng cơ bản là giống nhau.
Đó là tháp pháo phải được đặt trên một vòng lăn cố định trên thân xe - thực chất đấy là một ổ bi cực lớn, có đường kính khoảng hơn 2 mét.
Nhờ vòng lăn này, tháp pháo mới có thể quay được một cách nhẹ nhàng 360 độ xung quanh trong khi thân xe vẫn đứng yên tại chỗ.
Các chi tiết cơ bản của vòng lăn này là; vành lăn trên, vành lăn dưới, vòng cách và bi cầu. Vành lăn dưới cố định vào thân xe. Vành lăn trên được cố định vào tấm thép đáy tháp pháo. Giữa 2 vành lăn đó là các viên bi được giữ ở khoảng cách đều nhau nhờ một vòng cách.

Một chiếc xe tăng T-72 của Syria bị bắn tung tháp pháo.
Một chiếc xe tăng T-72 của Syria bị bắn tung tháp pháo.
Các viên bi cầu vừa có tác dụng đỡ nặng, giảm ma sát giữa tháp pháo với thân xe vừa như một “chốt” hãm giữa 2 vành lăn theo cả 2 phương nằm ngang và thẳng thứng, chỉ cho phép chúng quay tròn trên nhau mà không để xê dịch theo phương ngang hoặc rơi ra ngoài.
Như vậy, tháp pháo yên vị ở vị trí của mình trên thân xe không chỉ vì trọng lượng - thường vào khoảng 1/3 trọng lượng của xe tăng mà còn nhờ cả vào tác dụng “khóa” của vòng lăn.
Nhìn chung, với kết cấu như vậy tháp pháo được giữ tương đối chắc chắn tại vị trí của mình. Thực tế cho thấy kể cả khi có những tác động rất lớn cũng không làm chúng bung ra ngoài được.
Ngày 07.5.1972, xe 388 của Đại đội xe tăng 4 bị một quả bom hất tung lên rồi rơi xuống nằm ngửa bụng lên trời. Khi dùng xe khác kéo cho lật lại thì tháp pháo vẫn nằm nguyên mà không hề bị rơi ra.
Nhiều trường hợp rơi xuống vực lăn nhiều vòng song tháp pháo vẫn không bị bung ra. Tuy nhiên, khi có một tác động cực lớn “thắng” được cả trọng lượng của tháp pháo lẫn tác dụng khóa của vòng lăn thì sẽ làm tháp pháo bị văng ra.
Cái gì đã hất tung tháp pháo xe tăng ra ngoài?
Trước hết, phải khẳng định đó không phải là do tác dụng trực tiếp của đầu đạn chống tăng như nhiều người lầm tưởng.
Với vài trăm gam đến vài kg thuốc nổ chứa trong một đầu đạn pháo, súng phóng lựu hay tên lửa chống tăng... lại được thiết kế theo dạng “lõm” để tăng khả năng xuyên thì uy lực nổ của nó không thể đủ sức mạnh hất tung một tháp pháo nặng hàng chục tấn ra ngoài được.
Tháp pháo xe tăng chỉ có thể bị hất tung ra ngoài khi có một vụ nổ rất lớn ở phía trong, thường là vụ nổ đồng loạt của các đầu đạn (trái phá) trong xe.
Diễn biến của vụ nổ này thường là: xe tăng bị trúng đạn chống tăng và bốc cháy, nhiệt độ trong xe tăng lên nung nóng các đầu đạn trong xe đến một nhiệt độ nhất định thì kích nổ đồng loạt các đầu đạn này.
Trong mỗi đầu đạn nổ phá của pháo trên xe đều chứa vài kg thuốc nổ mạnh tùy theo cỡ pháo (VD: nếu là pháo 100 mm thì chứa khoảng 6 kg TNT). Lúc này có 2 tình huống có thể xảy ra:
Nếu số lượng đầu đạn còn lại trong xe còn ít thì vụ nổ này cũng không ảnh hưởng gì đến liên kết tháp pháo - thân xe.

Một chiếc xe tăng được cho là loại T-80 của Quân đội Nga bị bắn tung tháp pháo ở Grozny (Chechnya).
Một chiếc xe tăng được cho là loại T-80 của Quân đội Nga bị bắn tung tháp pháo ở Grozny (Chechnya).
Chẳng hạn xe 377 trong trận Đak To 2 hoặc một số xe nữa trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã bị cháy nhưng tháp pháo còn nguyên trên thân xe vì quá trình chiến đấu đã sử dụng hết hoặc gần hết cơ số đạn mang theo.
Nếu số lượng đạn nổ phá trong xe còn nhiều (một cơ số có từ 20- 30 viên) thì có thể coi đây là vụ nổ của hàng trăm kg thuốc nổ mạnh và uy lực của vụ nổ đủ sức chiến thắng cả trọng lượng của tháp pháo lẫn tác dụng chốt khóa của vòng lăn để hất tung tháp pháo ra ngoài.
Thậm chí còn làm tháp pháo bị bắn tung ra hàng chục mét như đã thấy trong một số hình ảnh.
Ngoài ra, khi xe tăng bị trúng trực tiếp bom cỡ lớn cũng có thể làm văng tháp pháo ra ngoài. Trong quá trình hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường đã có một số trường hợp như vậy.
Nhưng tại sao chỉ có xe Nga - Xô bị mà không phải là xe Mỹ và NATO?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do 2 trường phái xe tăng này có sự khác biệt nhau về mặt kết cấu.
Các xe tăng theo trường phái Nga- Xô thường thiết kế giá đạn ngay trong buồng chiến đấu của mình. Kể cả các loại xe có cơ cấu nạp đạn tự động thì băng tải chứa đạn cũng nằm trong buồng chiến đấu.
Vì vậy, đó chính là điều kiện cần để tạo nên vụ nổ tập trung khi cháy xe.
Còn các xe tăng của Mỹ và NATO theo trường phái phương Tây thường chứa rất ít đạn trong buồng chiến đấu, số lượng đạn chủ yếu thường được để ở ngăn chứa đạn phía sau tháp pháo (bộ đội ta thường gọi đó là “bu gà”).
Vì vậy, khi xe bị cháy, nếu có xảy ra vụ nổ tập trung các đầu đạn thì cũng chỉ xảy ra ở phía ngoài và không đủ uy lực làm văng được tháp pháo ra./.

Xe tăng của phương Tây (trong ảnh là 1 chiếc M1A2 của Mỹ) rất hiếm khi bị văng tháp pháo.
Xe tăng của phương Tây (trong ảnh là 1 chiếc M1A2 của Mỹ) rất hiếm khi bị văng tháp pháo.