Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

MỸ DÙNG CHIẾN THUẬT "TRÂU RỪNG" VÀ CHUYỆN "GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG"

Mỹ dùng chiến thuật "trâu rừng" tại VN - Gậy ông lại đập lưng ông
Chiến thuật "Trâu rừng" của tướng Abram hoàn toàn bị phá sản. Ảnh: UPI

Tại Quảng Trị, sau mấy ngày thuận lợi thì đến ngày 09.4.1972, các mũi tiến công của ta bị “chùn lại” trước chiến thuật "Trâu rừng” của Tướng Abram - Tư lệnh QĐ Mỹ tại VN khi đó.


Chiến thuật “Trâu rừng” là gì?
Với những thuộc tính ưu việt của mình, xe tăng thường được sử dụng trong chiến đấu tiến công nhằm đột phá phá vỡ trận địa phòng ngự của đối phương. Còn trong chiến đấu phòng ngự, xe tăng thường được sử dụng làm “lực lượng phòng ngự cơ động”.
Nghĩa là chúng được bố trí ở một vị trí nằm ở trung tâm tuyến phòng thủ. Khi một mắt xích, một điểm yếu... nào đó của hệ thống phòng thủ bị đối phương chọc thủng xe tăng sẽ được điều động đến để bịt cửa mở, phản kích,... khôi phục lại trận địa.
Tuy nhiên, đó không phải là một định đề bất biến. Tại Quảng Trị, chỉ sau 2 ngày nổ súng ta đã tiêu diệt được nhiều cứ điểm, phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự vững chắc của địch, cơ bản giải phóng 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ.
Song ngày 09.4, khi quân ta tiếp tục tiến công Thị xã Đông Hà đã bất ngờ vấp phải một tuyến phòng ngự hết sức vững chắc.
Các xe tăng địch được đặt dưới công sự ngay tiền duyên phòng ngự chỉ nhô mỗi tháp pháo lên đã bắn hạ nhiều xe tăng của ta và gây ra cho các lực lượng của ta khá nhiều tổn thất.
Việc bố trí xe tăng cũng rất linh hoạt, có thể bất ngờ thay đổi vị trí khiến cho quân ta bị bất ngờ.
Đưa xe tăng ra tạo thành lớp vỏ cứng của hệ thống phòng thủ chính là nội dung cốt lõi của chiến thuật "Trâu rừng” mà tác giả là tướng  Abram - đương kim Tư lệnh quân đội Mỹ tại VN.
Nghe nói, ông ta đã phát minh ra chiến thuật này khi quan sát đàn trâu rừng đối phó với sư tử. Khi gặp sư tử, đàn trâu rừng lập tức hình thành một vòng tròn. Các con trâu cái, nghé con và những con trâu yếu sức đứng vào giữa vòng tròn.
Còn những con trâu đực khỏe khoắn, thiện chiến thì đứng ở rìa vòng tròn giương những bộ sừng nhọn hoắt lên sẵn sàng nghênh chiến và nhiều khi chính lũ sư tử phải rút lui trước vòng tròn bất khả xâm phạm đó.
Quả thật, chiến thuật đó đã phát huy tác dụng vào trung tuần tháng 4.1972 tại Quảng Trị.

Phút thư giãn của những người lính anh dũng, kiên cường tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Phút thư giãn của những người lính anh dũng, kiên cường tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Gậy ông lại đập lưng ông
Nếu so sánh một cách thuần túy về hỏa lực thì T54 chiếm phần ưu thế so với M48. Pháo của T54 là 100mm, còn pháo của M48 chỉ là 90mm.
Về tầm bắn hiệu quả của pháo T54 cũng lớn hơn. Tuy nhiên, khi M48 nằm tại chỗ trong hầm, còn T54 xồng xộc chạy trên mặt đất thì tương quan về hỏa lực lại đảo ngược 180 độ.
Ngoài ra, khi chỉ nhô mỗi tháp pháo lên thì diện tích mục tiêu rất nhỏ, lại khó bị phát hiện ra... nên khả năng bị tiêu diệt sẽ rất thấp. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tổn thất khá nặng nề của xe tăng ta ngày 09.4.1972.
Sau khi tiến hành rút kinh nghiệm mổ xẻ nguyên nhân thành công và thất bại của các trận đánh ngày 09.4, nhận diện đày đủ về chiến thuật mới áp dụng của địch BCH Trung đoàn 203 với sự chỉ đạo của tiền phương Bộ Tư lệnh đi đến kết luận:
“Chỉ có bí mật đào công sự cho xe tăng xuống hình thành các trận địa bắn trực tiếp ở khoảng cách gần mới có thể bóc đi lớp vỏ cứng này”.
Tất nhiên, đây không phải là một công việc dễ dàng vì nếu để địch phát hiện ra thì thậm chí có thể sẽ tổn thất nặng nề hơn.
Ngày 27.4.1972 ta quyết định tiến công Đông Hà lần thứ hai.

Xe tăng địch bị tiêu diệt trên chiến trường Quảng Trị 1972. Ảnh: AP.
Xe tăng địch bị tiêu diệt trên chiến trường Quảng Trị 1972. Ảnh: AP.
Trong đêm 26.4.1972, lợi dụng lúc pháo địch bắn Đại đội công binh của trung đoàn 203 đã dùng bộc phá kết hợp công cụ cầm tay đào một số công sự bắn cho xe tăng tại chân các điểm cao 32, 37 (phía tây nam Thị xã Đông Hà).
Đồng thời xe tăng cũng chiếm lĩnh trận địa bắn ngay trong đêm.
Đến giờ nổ súng, các xe tăng ta bất ngờ phát hỏa và nhanh chóng tiêu diệt được một số xe tăng tại tiền duyên phòng ngự của địch trên các điểm cao 32, 37 tạo điều kiện cho xe tăng và bộ binh xung phong diệt địch.
Khi địch từ điểm cao 35 ra phản kích, các xe tăng trong trận địa bắn lại tiếp tục tiêu diệt một số xe tăng nữa buộc địch rút chạy. Thừa thắng xông lên, xe tăng rời công sự bắn lao lên truy kích địch.
Các hướng, mũi khác cũng áp dụng linh hoạt cách đánh này nên hệ thống phòng thủ xung quanh Thị xã Đông Hà bị phá vỡ từng mảng. Chiều 27.4, quân ta đã cơ bản làm chủ Thị xã Đông Hà.
Chỉ riêng trận này, một mình xe 901 của đồng chí Nguyễn Văn Thái - Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 512 đã bắn cháy 5 xe tăng địch.
Thật đúng là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” và “gậy ông lại đập lưng ông”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét