Chương 10
Đúng như tư lệnh Lân nói, mặc dù là
cán bộ chính trị nhưng chủ nhiệm chính trị Thu đã được đào tạo rất bài bản về
xe tăng. Bốn năm học ở nước ngoài ông đã được học đầy đủ cả về kỹ thuật cũng
như chiến thuật xe tăng. Ông cũng đã thực hành lái xe, bắn pháo, súng, sử dụng
điện đài như những thành viên đích thực. Về nước ông cũng đã tham gia đầy đủ
các cuộc diễn tập của xe tăng. Tuy nhiên, công việc của một chính ủy trung đoàn
và sau này là chủ nhiệm chính trị binh chủng đã chiếm mất quá nhiều thời gian
của ông. Mặt khác những trận chiến đấu đầu tiên của xe tăng ông cũng không được
tham gia mà chỉ được nghe báo cáo lại nên trước một vấn đề lớn như thế này ông
thấy kiến thức và kinh nghiệm của mình cũng còn nhiều bất cập. Những lúc như
thế này giá như có phó tư lệnh Đào ở đây thì tốt biết bao. Tuy nhiên, không còn
cách nào khác, tự ông sẽ phải chèo lái lấy.
Suốt cả buổi chiều chủ nhiệm chính trị
Thu ngồi lỳ bên bộ bàn ghế ghép bằng tre hết viết lại xóa. Thực ra, từ trận đầu
tiên ra quân ở Tà Mây- Làng Vây đến nay xe tăng tham chiến cũng chưa nhiều, mới
chỉ có mấy chiến dịch bên Lào và mới đây là các trận đánh trong chiến dịch phản
công này. Thật may, tất cả các báo cáo,
đề xuất, kiến nghị của anh em các đơn vị về ông đều ghi chép tỷ mỷ nên bây giờ
cũng có cơ sở để chuẩn bị. Ngoài ra đây cũng là vấn đề ông đã suy nghĩ đến
nhiều lần trong những đêm khó ngủ nên cũng đã có những chủ kiến nhất định.
Điều đầu tiên ông thấy nổi lên là sự
liên kết, hiệp đồng giữa bộ binh và xe tăng của ta chưa tốt. Ngay trong trận
đầu tiên ở Tà Mây, khi xe tăng chưa lên được bộ binh đã áp sát hàng rào, tuy
nhiên khi xe tăng có mặt và xông vào cứ điểm thì bộ binh lại không xung phong
theo. May mà bọn địch hoảng loạn do xe tăng bất ngờ xuất hiện và bỏ chạy chứ
nếu không thì chưa biết hậu quả thế nào. Rồi đến trận tiến công Cánh Đồng Chum,
xe tăng lại phải đơn độc chiến đấu, cuối cùng còn lại mỗi một xe 514 của chính
trị viên Nguyễn Huy Cậy đánh vào đên tận trung tâm. Hay như trận Làng Vây, bên
hướng đại đội 9 xe tăng đã đánh chiếm được đầu cầu rồi lại phải quay ra đón bộ
binh vào. Ngay cả trận 543 mới đây, lại vẫn xe tăng một nơi bộ binh một nẻo.
Vậy đâu là nguyên nhân, cái gì đã chia cắt xe tăng với bộ binh? Chắc chắn không
phải vì xe tăng chạy với tốc độ cao làm bộ binh theo không kịp. Với địa hình
phức tạp như ở Việt Nam, lại phải vừa chạy vừa bắn nên tốc độ xung phong của xe
tăng cũng chỉ trên dưới 10 ki- lô- mét một giờ, bộ binh thừa sức theo kịp. Mường
tượng lại những trận đánh mà mình đã trải qua ông chợt hiểu: đó chính là hỏa
lực địch. Nơi nào xe tăng xuất hiện cũng thường là hướng, mũi tiến công chủ
yếu, và đó cũng là nơi hỏa lực địch tập trung ngăn chặn dày đặc nhất. Đối với
lính xe tăng đã có tấm vỏ thép bảo vệ nên vẫn có thể xông lên, còn với những
người lính bộ binh thì có gì? Chỉ cần một viên đạn thẳng hoặc một mảnh pháo nhỏ
bằng hạt ngô đã có thể khiến họ vĩnh viễn nằm xuống. Không thể trách anh em
được mà cần phải có một giải pháp nào đấy. Nhớ lại ngày đi học ở Liên Xô ông đã
hơi lạ khi gần như bạn không còn bộ binh thuần túy, tất cả các đơn vị bộ binh
đều đã được chuyển sang bộ binh cơ giới và được trang bị các loại xe thiết giáp
chở quân. Có lẽ đó sẽ là giải pháp cho tình trạng này chăng!
Tìm được câu trả lời tàm tạm chủ nhiệm
chính trị Thu đã dợm đứng dạy nhưng rồi ông lại tần ngần ngồi xuống. Có lẽ nhân
dịp này cũng phải nói thêm về những bất cập trong sử dụng xe tăng vừa qua của
người chỉ huy binh chủng hợp thành và công tác bảo đảm nữa. Bài học đau đớn
nhất cho sự chủ quan đơn giản của người chỉ huy không phải đâu xa mà vừa mới
đây thôi. Trận phản kích ở điểm cao 543 đấy! Không có thời gian trinh sát,
không có công binh bảo đảm cơ động, không có cao xạ bảo đảm phòng không một đại
đội xe tăng đã trở thành miếng mồi ngon cho lực lượng không quân vượt trội của
địch. Ông cắm cúi ghi thêm mấy dòng nữa vào cuốn sổ tay rồi đứng dạy vươn vai
mấy cái đầy khoan khoái.
Ngoài kia, trời đã sâm sẩm tối.
***
Cuộc hội thảo được tổ chức ngay tại
căn hầm họp của sở chỉ huy. Lúc chủ nhiệm chính trị Thu đến đã thấy có mặt các
tư lệnh mặt trận B5, các tư lệnh binh đoàn B70 và 559, một số sư đoàn trưởng bộ
binh, đại diện các cơ quan của 702 và mấy sĩ quan ông đã biết hồi đi học ở Liên
Xô. Có vẻ như họ cũng vẫn nhớ ông vì vừa thấy ông đến họ đã xán lại bắt tay,
chào hỏi rất thân mật. Đến lúc đó ông mới biết họ đang công tác tại Cục khoa
học quân sự.
Những câu chuyện ngoài lề xung quanh
bàn hội nghị khá rôm rả, một sư trưởng bộ binh đang kể chuyện bọn lính ngụy bám
càng trực thăng bỏ chạy như làm xiếc trên không, anh còn bắt chước điệu bộ của
bọn chúng làm mọi người cười nghiêng ngả. Một sư trưởng khác thì kể chuyện hỏi
cung đại tá Thọ, viên đại tá này mặc dù đã bị bắt làm tù binh nhưng vẫn tỏ ra
rất tự hào với những “thiên thần mũ đỏ kiêu hùng và thiện chiến” của mình. Đến
lúc bị vặn lại thiện chiến thế sao vẫn đưa tay chịu trói mới thừa nhận: “đó là
thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam cộng hòa thôi, còn so với các ngài thì
không bằng được”. Lại một trận cười rung rinh cả mái lán.
Cuộc chuyện trò đang sôi nổi thì tư
lệnh 702 xuất hiện, ông hồ hởi:
- Có gì mà vui vẻ thế các tướng?
Một sĩ quan có vẻ già dặn nhất trả
lời:
- Đâu mà tướng, toàn tá thôi thủ
trưởng ạ!
Tư lệnh 702 cười hiền hậu:
- Thì tớ cứ gọi trước đi là vừa, trước
sau thế nào chả đến.
Một tràng cười sảng khoái nổi lên như
xóa nhòa mọi khoảng cách. Tư lệnh 702 ngồi vào cái ghế còn trống ở đầu dãy bàn,
ông vào đề một cách giản dị:
- Đủ cả rồi phải không?- Ông nhìn lướt
qua một lượt các gương mặt trong phòng họp như điểm danh rồi dừng lại ở chỗ chủ
nhiệm chính trị Thu- Cậu Thu đại diện cho thiết giáp hả? Có một mình thôi à?
Chủ nhiệm chính trị Thu đứng dạy:
- Báo cáo thủ trưởng! Vì anh Lân tư lệnh
đang xuống các đơn vị nên cử tôi đi thay ạ!- Ông giấu biệt việc tư lệnh Lân
ngại dự hội thảo.
Tư lệnh 702 gật đầu:
- Thế cũng được, mà cậu đi dự có khi
còn tốt hơn đấy! Ta bắt đầu làm việc nhé! Như các đồng chí đã biết binh chủng
thiết giáp được thành lập từ năm 1959 nhưng chính thức mới xuất trận trong cuộc
tổng công kích Mậu Thân 68 và đã giành thắng lợi giòn giã ở Tà Mây- Làng Vây.
Từ đó đến chiến dịch này xe tăng cũng đã tham gia chiến đấu một số trận và đã
tỏ rõ sức mạnh đột kích của mình. Tuy nhiên trong quá trình tác chiến hiệp đồng
có sử dụng xe tăng cũng bộc lộ một số vấn đề chưa tốt làm ảnh hưởng đến hiệu
suất chiến đấu. Vì vậy Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo cho mặt trận tổ chức cuộc hội
thảo ngay tại chiến trường nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những hiện tượng
trên. Còn tại sao phải tổ chức ở đây hả- Ông thầm thì có vẻ bí mật, lại pha
chút giễu cợt- Nếu đưa về tổ chức ở Hà Nội thì lại toàn các vị mũ cao áo dài,
sách nọ vở kia thiên kinh vạn quyển tranh luận với nhau chả biết đến bao giờ
kết thúc cả. Còn bây giờ xin mời đồng chí cục trưởng cục Khoa học quân sự trình
bày báo cáo trung tâm.
Vị cục trưởng cục khoa học quân sự mái
tóc đã bạc quá nửa từ từ đứng dậy, ông giở một tập tài liệu đánh máy dày chừng
chục trang ra rồi trịnh trọng:
- Kính thưa đồng chí tư lệnh! Thưa
toàn thể các đồng chí! Về lý do tổ chức hội thảo đồng chí tư lệnh đã nếu trên
tôi chỉ xin làm rõ hơn một chút. Chúng ta đều biết sử dụng xe tăng ở Việt nam
là một vấn đề còn mới. Vì vậy trước khi chiến dịch Đường Chín- Nam Lào bắt đầu
thủ trưởng Bộ đã chỉ thị cho chúng tôi vào đây ngoài việc theo dõi nghiên cứu
chung thì có một nhiệm vụ theo dõi, tổng kết việc sử dụng xe tăng trong đội
hình binh chủng hợp thành. Mặc dù trong chiến dịch này xe tăng tham gia chiến
đấu không nhiều lắm song chúng tôi cũng đã rút ra một số vấn đề cần trao đổi
thêm. Được sự đồng ý của đồng chí Tổng tham mưu trưởng và tư lệnh chiến dịch
chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo hôm nay để xin ý kiến các đồng chí. Sau đây là
báo cáo của nhóm công tác chúng tôi- Ông đeo kính vào rồi bắt đầu đọc tập tài
liệu. Sau khi điểm qua diễn biến các trận tiến công điểm cao 543, trận đánh
địch phản kích cũng ở 543, trận tiến công bản Đông và trận tiêu diệt lữ lính
thủy đánh bộ 147 ở điểm cao 550 ông kết luận- Qua theo dõi một số trận đánh
trên chúng tôi nhận thấy một vấn đề nổi cộm là sự liên kết, hiệp đồng giữa xe
tăng với bộ binh chưa thật chặt chẽ. Nhiều trường hợp xe tăng một đường, bộ
binh một nẻo, không hỗ trợ lẫn nhau tiêu diệt địch cũng như bảo vệ cho nhau
được. Có thể nói nhược điểm này hạn chế rất nhiều đến hiệu quả tác chiến của
binh chủng hợp thành. Vì vậy mục đích của cuộc hội thảo hôm nay là xác định rõ
nguyên nhân và tìm ra những biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng trên.
Để cho việc thảo luận được khách quan chúng tôi xin phép chỉ nêu hiện tượng mà
chưa đưa ra bất cứ nhận định nào. Chúng tôi muốn được nghe ý kiến của các đồng
chí là những người trực tiếp chỉ huy, sử dụng xe tăng trong các trận đánh vừa
qua rồi sau đó mới tổng hợp lại- Quay về phía tư lệnh 702 ông hạ giọng- Báo cáo
thủ trưởng! Phần chúng tôi đã báo cáo hết, xin ý kiến thủ trưởng!
Tư lệnh 702 vẫy tay:
- Đồng chí ngồi xuống!- Ông đứng dạy
hơi có vẻ trịnh trọng- Vừa rồi các đồng chí đã nghe báo cáo trung tâm của cục
khoa học quân sự. Tôi cũng đã đồng ý là để các đồng chí đó chỉ nêu hiện trạng
mà không kết luận gì cả. Thực ra việc này chỉ nhằm cho các ý kiến thảo luận
được đa chiều hơn, dân chủ hơn mà thôi. Còn bây giờ đề nghị các đồng chí phát
biểu, cứ thẳng thắn, nói thật, nói hết: cái gì được, cái gì chưa được, lỗi tại
ai và cách khắc phục thế nào v.v... Đại biểu xe tăng có muốn nói gì không nào?-
Ông nhìn về phía chủ nhiệm chính trị Thu.
Chủ nhiệm chính trị Thu đứng dạy, lễ
phép:
- Báo cáo thủ trưởng! Tôi muốn nghe ý
kiến của các chỉ huy binh chủng hợp thành trước đã ạ!
Tư lệnh 702 gật đầu:
- Thế cũng được!- Ông khoát tay một
vòng- Nào, mời các đồng chí!
Không khí trong phòng họp ắng đi,
dường như mọi người đã hiểu tầm quan trọng của vấn đề nên đang suy nghĩ một
cách cẩn trọng hơn. Cuối cùng một sư trưởng bộ binh còn khá trẻ giơ tay phát
biểu, anh đứng dạy vào đề rất thẳng thắn:
- Kính thưa thủ trưởng và các đồng
chí! Trước hết chúng ta cần khẳng định sức mạnh đột kích của xe tăng trong các
trận tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc là rất to lớn. Bản thân
tôi đã được tham gia hiệp đồng chiến đấu với xe tăng từ trận đánh đầu tiên ở Tà
Mây và mới đây ở điểm cao 543 nên tôi rất hiểu điều đó. Trận Tà Mây quân của
tôi không ngóc đầu dậy được suốt mấy tiếng đồng hồ vì bom đạn địch mà chỉ cần
một chiếc xe tăng xuất hiện đã làm đảo ngược tình hình. Hay như trận tiến công
điểm cao 543 cũng vậy, chỉ cần một xe vào được trung tâm mỏm 5 đã làm địch rối
loạn đội hình, hoang mang tột độ. Vì vậy điều đầu tiên tôi xin được có ý kiến
là đề nghị cấp trên cho sử dụng ngày càng rộng rãi hơn xe tăng trong chiến đấu.
Ngoài sức mạnh đột kích sự có mặt của xe tăng còn là nguồn động viên tinh thần
to lớn đối với bộ đội ta và uy hiếp mạnh mẽ đối với quân địch. Về những vấn đề
chưa tốt mà báo cáo của cục Khoa học quân sự đã nêu tôi hoàn toàn nhất trí. Để
dẫn đến hiện tượng này theo tôi có thể do một số nguyên nhân sau: một là tốc độ
cơ động của hai bên khác nhau, xe tăng bao giờ chả chạy nhanh hơn bộ binh nên
bộ binh không theo kịp. Thứ hai là phương tiện liên lạc giữa xe tăng và bộ binh
không có, muốn thông báo tình hình cho nhau hoặc yêu cầu gì đó đều hết sức khó
khăn. Thông thường chúng tôi phải báo cáo về sở chỉ huy, chỉ huy trận đánh lại
phải thông qua đại diện xe tăng mới truyền đạt xuống được. Nói tóm lại là rất
nhiêu khê và mất thời gian. Ngoài ra còn do quá trình huấn luyện ở hậu phương
hầu như bộ đội ta không có mấy cơ hội được diễn tập hay hợp luyện với xe tăng
nên việc hiệp đồng chiến đấu còn rất nhiều bỡ ngỡ- Anh mỉm cười rất tươi rồi hạ
giọng- Còn biện pháp thì cứ từ nguyên nhân mà tháo gỡ thôi: trang bị phương
tiện liên lạc và tăng cường huấn luyện hiệp đồng. Còn với xe tăng đề nghị các
anh lúc xung phong chạy chậm lại một tý. Thế thôi! Xin được nhường lời cho đồng
chí khác. Hết ạ!
Một cánh tay khác giơ lên, tư lệnh 702
gật đầu. Người đứng dạy cũng là một sư trưởng bộ binh, anh cũng vào đề một cách
rất giản dị:
- Thưa các đồng chí! Ngoài những
nguyên nhân như đồng chí vừa rồi đã nêu tôi muốn bổ sung một nguyên nhân nữa:
đó là hỏa lực của địch. Như các đồng chí đều biết, khi ta đã tiến hành mở cửa ở
đâu thì hầu như toàn bộ hỏa lực của địch trút xuống vị trí đó để ngăn chặn ta
xung phong đánh chiếm đầu cầu. Nói tóm lại chỗ đó mật độ hỏa lực là rất cao.
Các đồng chí xe tăng do được bảo vệ trong vỏ thép nên có thể xung phong vượt
qua được, còn các chiến sĩ bộ binh thì có gì? Chỉ cần một viên đạn thẳng, một
quả mìn, thậm chí một mảnh pháo bằng cái móng tay là đã bị thương vong rồi. Vì
vậy theo tôi ta phải nghĩ cách làm sao để xe tăng có thể che chắn cho bộ binh
trước hỏa lực của địch mới giải quyết được vấn đề. Hết ý kiến!
Tiếp tục thêm vài người khác phát biểu
nhưng hầu như đều thống nhất quan điểm với hai ý kiến đầu tiên. Tư lệnh 702
quay về phía ông Thu:
- Các chỉ huy binh chủng hợp thành đã
có ý kiến rồi. Bây giờ đến lượt đại biểu xe tăng.
Chủ nhiệm chính trị Thu đứng dạy từ
tốn:
- Kính thưa thủ trưởng! Thưa các đồng
chí! Về cơ bản tôi nhất trí với các ý kiến các đồng chí vừa phát biểu. Xin báo
cáo tư lệnh và các đồng chí đây cũng là vấn đề chúng tôi rất quan tâm và đang
tìm cách giải quyết. Qua quá trình nghiên cứu, căn cứ vào tình hình địa hình,
tình hình địch và thực lực của ta binh chủng thiết giáp đã xây dựng lên một
cách đánh riêng có của xe tăng Việt Nam. Đó là xe tăng chiến đấu trong đội hình
binh chủng hợp thành, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh và các binh chủng bạn.
Trong quá trình chiến đấu với những ưu việt của mình xe tăng sẽ che chắn, dẫn
dắt bộ binh. Còn bộ binh yểm hộ, bảo vệ xe tăng. Có thể nói đây là điểm khác
biệt lớn nhất giữa lý luận sử dụng xe tăng ở Việt Nam với lý luận sử dụng xe tăng của các nước
bạn. Chính vì vậy khi sự hiệp đồng, gắn kết giữa xe tăng và bộ binh không được
bảo đảm đã làm gia tăng tổn thất của cả hai bên và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu
suất chiến đấu chung. Theo chúng tôi có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng
này, tuy nhiên có thể nói nguyên nhân chủ yếu đó là do hỏa lực của địch quá
mạnh đã chia cắt xe tăng và bộ binh. Đúng như các đồng chí đã phân tích: xe
tăng có vỏ thép bảo vệ nên giữa hỏa lực dày đặc vẫn có thể xung phong, còn bộ
binh không có gì che chắn tất nhiên không thể xông lên được- Quay về phía các
sư trưởng bộ binh ông hạ giọng vẻ thông cảm- Bản thân tôi đã từng là chiến sĩ
bộ binh nên tôi rất hiểu điều này. Các cán bộ, chiến sĩ xe tăng hiện tại cũng rất
biết điều đó.
Tư lệnh 702 có vẻ hơi sốt ruột:
- Thế theo các anh thì biện pháp giải
quyết như thế nào?
Chủ nhiệm chính trị Thu vẫn rất từ
tốn:
- Để khắc phục tình trạng này theo
chúng tôi có một số biện pháp sau: một là phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của
hỏa lực chuẩn bị, nếu pháo binh bắn chính xác hơn, mãnh liệt hơn sẽ hạn chế
phần nào sức mạnh hỏa lực của địch. Hai là, tổ chức hiệp đồng trước trận đánh
giữa xe tăng với bộ binh cần chặt chẽ hơn, cụ thể hơn. Phải xác định rõ xe tăng
đến vị trí nào thì bộ binh phải cơ động theo, khoảng cách giữa xe tăng và bộ
binh càng gần càng tốt vì bản thân xe tăng sẽ trở thành một vật che chắn rất
hiệu quả đối với hỏa lực trực diện của địch. Nếu hiệp đồng tốt ta hoàn toàn có
thể khắc phục được khó khăn do thiếu phương tiện liên lạc- Lại ngoảnh về phía
các chỉ huy bộ binh ông cười cười- Còn ý kiến cho rằng xe tăng phải giảm tốc độ
hơn nữa khi xung phong thì xin báo cáo các đồng chí là không thể thực hiện
được. Các đồng chí đều biết xe tăng càng cơ động nhanh thì khả năng bị tiêu
diệt càng giảm thấp. Nếu giảm tốc độ xung phong thì khác gì làm bia cho hỏa lực
chống tăng của địch, nhất là những lúc xung phong vượt qua cửa mở. Còn trong
thực tế tốc độ xe tăng khi xung phong cũng không phải là cao lắm vì anh em tôi
còn phải vừa chạy, vừa bắn, có nhanh cũng chỉ 10 đến 15 ki- lô- mét trên giờ,
anh em bộ binh hoàn toàn có thể theo sát được- Ngần ngừ một lát ông mới tiếp
tục- Tuy nhiên đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, về lâu về dài để giải
quyết tận gốc tình trạng này theo tôi phải có một hình thức tổ chức lực lượng
khác...
Những người có mặt trong phòng họp
quay hết lại phía chủ nhiệm chính trị Thu, có lẽ câu nói dở chừng của ông đã
làm họ ngạc nhiên: “chẳng lẽ lại có một hình thức tổ chức quân đội nào khác
nữa?”. Tư lệnh 702 cũng không giấu nổi vẻ sửng sốt:
- Cậu nói cái gì? Một hình thức tổ
chức lực lượng khác nghĩa là thế nào?
Chủ nhiệm chính trị Thu liếc nhìn mấy
cán bộ cục khoa học quân sự rồi cương quyết gật đầu:
- Dạ! Đúng thế ạ! Việc này theo tôi có
lẽ các đồng chí ở Cục khoa học quân sự cũng đã nghĩ đến nên có thể để các đồng
chí đó trình bày thì tốt hơn ạ!
Tư lệnh 702 lắc đầu:
- Không! Ta đã thống nhất từ đầu là cơ
quan khoa học quân sự không có áp đặt gì trước, vì vậy cậu cứ nói đi.
Như thể người bị bắt buộc nói ra những
điều mình không muốn chủ nhiệm chính trị Thu chậm rãi:
- Sở dĩ tôi nói như vừa rồi là vì tôi
biết một số đồng chí ở cục khoa học quân sự đã từng học tập tại Liên Xô cùng
thời với tôi. Theo tôi được biết để giải quyết vấn đề tốc độ cơ động giữa xe
tăng và bộ binh cũng như nâng cao khả năng tự bảo vệ cho bộ binh, từ nhiều năm
nay quân đội Xô Viết đã tiến hành cơ giới hóa hầu hết các đơn vị bộ binh truyền
thống. Nghĩa là các đơn vị bộ binh được trang bị các phương tiện cơ giới,
thường là xe bọc thép bánh xích hoặc bánh hơi. Các loại xe này cũng được trang
bị vũ khí chiến đấu như đại liên, trọng liên 12 ly 7, thậm chí cả pháo cỡ nhỏ
nữa. Trên thân xe còn có các lỗ bắn để bộ binh đang ngồi trong xe cũng có thể
phát huy hỏa lực diệt địch. Trong quá trình chiến đấu các xe bọc thép này sẽ cơ
động phía sau xe tăng, vỏ thép của xe có tác dụng bảo vệ các chiến sĩ bộ binh
trước hỏa lực của địch. Khi đến địa điểm tác chiến cần đến sự có mặt của bộ
binh như đánh địch co cụm cố thủ, làm chủ trận địa v.v... thì mới tung quân
xuống. Có thể nói đó là một hình thức tổ chức rất mới của quân đội và họ gọi
các đơn vị như vậy là “bộ binh cơ giới”. Tôi nghĩ rằng chỉ có làm như vậy mới
giải quyết được triệt để những vấn đề ta đã nêu ở trên- Quay người gần hết một
vòng ông cúi đầu xuống- Báo cáo thủ trưởng, ý kiến của tôi đến đây là hết ạ!
Có lẽ những thông tin chủ nhiệm chính
trị Thu đưa ra quá mới lạ nên không khí trong phòng họp lắng hẳn đi, dường như
mọi người đang tập trung suy nghĩ về cái gọi là một hình thức tổ chức quân đội
mới. Vị sư trưởng bộ binh trẻ tuổi là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng:
- Hay quá nhỉ! Thế mới là bộ binh thời
chiến tranh hiện đại chứ!
Tư lệnh 702 quay về phía các cán bộ
của cục khoa học quân sự:
- Thế nào? Ý kiến các nhà khoa học sao
đây?
Cục trưởng cục khoa học quân sự đứng
dạy:
- Báo cáo thủ trưởng! Đúng như đồng
chí Thu nói. Ở Liên Xô hiện nay các sư đoàn bộ binh đã được cơ giới hóa 100
phần trăm, chỉ trừ những đơn vị đồn trú tại vùng rừng núi hiểm trở. Theo quan
điểm của chúng tôi đây cũng là một kinh nghiệm hay và chúng ta có thể áp dụng
được. Tất nhiên không thể áp dụng đại trà ngay được mà có thể tổ chức thí điểm
một vài đơn vị xem hiệu quả như thế nào đã. Mặt khác để tổ chức được những đơn
vị như thế sẽ cần một khối lượng rất lớn trang bị kỹ thuật nên không thể ngày
một ngày hai mà làm được. Ngoài ra điều kiện địa hình nước ta khá phức tạp, có
lẽ chỉ có thể sử dụng loại hình đơn vị này ở một số vùng mà thôi. Vì vậy trong
khuôn khổ cuộc hội thảo này chúng tôi đề nghị thủ trưởng kết luận về các biện
pháp trước mắt để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa xe tăng và bộ binh truyền
thống. Còn việc tổ chức thí điểm bộ binh cơ giới sẽ báo cáo Bộ, có tổ chức hay
không do Bộ quyết định.
Tư lệnh 702 ngẫm nghĩ một lát rồi gật
đầu:
- Thôi được! Có lẽ hôm nay thế cũng đủ
rồi. Tôi xin kết luận như thế này, để tăng cường quan hệ hiệp đồng giữa xe tăng
với bộ binh trước mắt chúng ta cần tiến hành một số biện pháp sau: trong huấn
luyện phải giới thiệu cho hai bên hiểu về cách đánh của nhau. Có hiểu biết như
vậy thì mới hiệp đồng được phải không các đồng chí? Hai là, tôi đồng ý với đồng
chí Thu phải nâng cao hơn nữa hiệu quả hỏa lực chuẩn bị của pháo binh. Nói gì
thì nói, nếu ta làm được điều này sẽ rất thuận lợi cho cả bộ binh lẫn xe tăng
khi xung phong đánh chiếm đầu cầu. Ba là phải tổ chức hiệp đồng trước chiến đấu
thật thặt chẽ, thật cụ thể. Cần quy định rõ bộ binh chiếm lĩnh trận địa ở chỗ
nào, khi xe tăng đến vị trí nào thì bộ binh bắt đầu xung phong. Còn quá trình
xung phong bộ binh phải bám sát xe tăng, càng gần càng tốt. Nếu có điều kiện
thì xe tăng có thể chở bộ binh xung phong vào tận trong cứ điểm mới xuống để
phát triển chiến đấu. Các đồng chí thấy như vậy đã được chưa?
Một vài tiếng trả lời:
- Nhất trí ạ!
Tư lệnh 702 tiếp tục:
- Còn vấn đề tổ chức bộ binh cơ giới
ta cứ ghi nhận để báo cáo Bộ, coi như một ý kiến tham khảo. Các đồng chí còn ý
kiến gì nữa không?
Trong lúc tư lệnh 702 nói chủ nhiệm
chính trị Thu cau mày suy nghĩ rất lung. Khi thấy tư lệnh 702 hỏi có ý kiến gì
nữa không thì ông bật dạy:
- Xin phép thủ trưởng và các đồng chí
cho tôi thêm mấy phút có được không ạ?
Tư lệnh 702 thân mật:
- Được thôi! Anh muốn nói bao nhiêu
cũng được, nếu thấy cần thiết.
Chủ nhiệm chính trị Thu hạ giọng như
muốn giãi bày:
- Kính thưa thủ trưởng và các đồng
chí! Vấn đề tôi muốn trình bày với thủ trưởng và các đồng chí có thể nằm ngoài
phạm vi cuộc hội thảo nhưng cũng chỉ nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả sử
dụng xe tăng trong chiến đấu. Vấn đề này liên quan đến hiểu biết về xe tăng của
các đồng chí chỉ huy binh chủng hợp thành. Báo cáo thủ trưởng và các đồng chí, xe
tăng có những điểm ưu việt mà chúng ta đã biết nhưng bản thân nó cũng có những
hạn chế nhất định như trọng lượng lớn, yêu cầu bảo đảm mọi mặt phức tạp hơn so
với bộ binh và vì vậy muốn sử dụng nó một cách hiệu quả thì phải có những điều
kiện nhất định. Từ thực tiễn một số trận đánh mà gần đây nhất là trận đánh địch
phản kích ở điểm cao 543 vừa rồi chúng tôi thấy một số đồng chí chỉ huy binh
chủng hợp thành hiểu biết về xe tăng còn chưa thật... đầy đủ- Nhìn về phía mấy
chỉ huy bộ binh ông hạ giọng- Tôi xin nói thẳng, nói thật rất mong các đồng chí
thông cảm. Các đồng chí ra lệnh cho xe tăng bước vào chiến đấu mà không cho anh
em chúng tôi có thời gian đi trinh sát địa hình và đường cơ động, không có công
binh bảo đảm cơ động, cũng không có cao xạ bảo đảm phòng không. Xe tăng có phải
như chiến sĩ bộ binh đâu mà chỗ nào cũng có thể đi được, chỗ nào cũng có thể
ném vào được. Chính vì vậy mà đại đội 7 của chúng tôi đã không nắm được tình
hình đường sá, cả đại đội dồn cục lại dưới chân dốc. Giá như lúc đó chỉ cần có
một đại đội công binh chắc sẽ khắc phục được tình trạng này. Thế rồi khi máy
bay địch đến đánh phá thì cũng không có lực lượng phòng không bảo vệ, vài khẩu
12 ly 7 của xe tăng làm sao đánh trả lại bọn chúng. Chính vì vậy mà 6 xe bị
đánh cháy, đánh hỏng. Thú thực với các đồng chí đây là một tổn thất rất không
đáng có. Vì vậy chúng tôi rất mong các đồng chí rút kinh nghiệm cho, có vấn đề
gì chưa nắm chắc các đồng chí nên tham khảo ý kiến các đại diện xe tăng mà
chúng tôi cử đến. Có như vậy chúng ta mới tránh được tổn thất và phát huy được
hiệu quả của xe tăng. Hết đấy ạ!
Không khí trong phòng họp lặng hẳn đi,
một vài người chỉ huy bộ binh cúi đầu xuống. Cuối cùng tư lệnh 702 lên tiếng:
- Rất hoan nghênh đồng chí Thu đã nói
thẳng, nói thật- Quay xuống chỗ các sư trưởng bộ binh ông nghiêm khắc- Tôi đề
nghị các đồng chí cần rút kinh nghiệm ngay, tuyệt đối không để xảy ra tình
trạng như trận phản kích ở 543 vừa rồi nữa. Các đồng chí rõ cả chưa?
Từ phía các sư trưởng bộ binh vang lên
tiếng trả lời sắc gọn:
- Rõ rồi ạ!
Tư lệnh 702 đứng dạy:
- Vậy chúng ta kết thúc ở đây. Các
đồng chí bên cục khoa học quân sự tổng hợp thành văn bản gửi Bộ và các đơn vị.
Mời các đồng chí nghỉ!- Ông đứng dạy đến cạnh chủ nhiệm chính trị Thu, giọng vỗ
về- Cậu cũng biết rồi đấy! Anh em cán bộ mình chủ yếu trưởng thành từ chiến đấu
mà lên, có được học hành bài bản gì đâu. Thôi, mọi cái cứ phải rút kinh nghiệm
dần dần cậu ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét