"Ăn pháo thủ, ngủ pháo hai, lài nhài xe trưởng, vất vưởng lái xe" - Đó là câu thành ngữ vui vui mô tả về một kíp xe tăng trong hành quân chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ.
Cho đến giờ vẫn không biết ai là tác giả song nó cũng phần nào phản ánh được những nét rất đặc trưng của từng thành viên chứ không phải chỉ là "thuận miệng" cho vần.
Biên chế kíp chiến đấu của xe tăng có từ 3 đến 5 người. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đó là sự phân công công việc để thực hiện 4 chức năng chính là: chỉ huy, điều khiển xe, ngắm bắn, nạp đạn cho pháo và súng máy.
Đối với loại xe chủ yếu của bộ đội xe tăng Việt Nam thời đó là T-54, T-59 thì 4 chức năng này phân công cho 4 thành viên: chỉ huy là của trưởng xe, điều khiển xe tất nhiên là do lái xe đảm nhiệm, ngắm bắn là việc của pháo thủ và nạp đạn là chức trách của pháo thủ số hai (pháo hai).
Đối với xe PT-76 kíp xe chỉ có 3 người thì trưởng xe phải đảm nhiệm cả 2 công việc là chỉ huy và ngắm bắn. Còn kíp xe T-34 có 5 người thì nhiệm vụ điều khiển xe sẽ do 2 người lái chính và lái phụ chia nhau.
Mỗi vị trí có chức trách nhiệm vụ khác nhau, nội dung công việc khác nhau nên dẫn đến thói quen sinh hoạt, tác phong tính cách... cũng có những điểm khác nhau. Và những đặc điểm đó đã được một tác giả khuyết danh nào đó tổng kết trong cái thành ngữ vui trên.
Tại sao lại là "Ăn pháo thủ"?
Thực ra, mới nghe thì câu này hơi vô lý bởi trong quân đội, tiêu chuẩn ăn của các thành viên xe tăng là như nhau. Muốn ăn nhiều hơn cũng chẳng được vì "lính tráng có suất".
Riêng pháo thủ trong tiêu chuẩn đi chiến đấu thường được nhiều hơn các thành viên khác mấy lọ dầu cá để cho tinh mắt hơn mà ngắm bắn thật đấy nhưng như thế cũng chưa phải là nhất về ăn.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về công việc, sinh hoạt của bộ đội xe tăng trong trường hợp hành quân chiến đấu thì lại thấy hoàn toàn hợp lý.
Số là, trong hành quân chiến đấu thì nhiệm vụ của pháo thủ thường là nhẹ nhàng nhất.
Nếu như trưởng xe phải thức chỉ huy xe, lại phải tham gia họp hành, hội ý sau mỗi chặng hành quân; lái xe thì vất vả nhất rồi, ngoài việc điều khiển xe còn phải chăm lo công tác kỹ thuật; pháo hai ngoài việc trực bắn 12,7 ly thì xe dừng nghỉ phải lo công tác hậu cần, ăn uống cho kíp xe thì pháo thủ có vẻ như nhàn hạ nhất, ít mệt mỏi nhất.
Đơn giả là vì nếu không có sự cố gì cần huy động thì chàng ta chỉ có ngủ mà thôi. Vì vậy, nếu các anh chàng kia có quá mệt mỏi, kém ăn đi một chút thì còn lại bao nhiêu pháo thủ ta sẽ "gánh" tất.
Chính vì vậy, theo kinh nghiệm của anh em chiến sĩ xe tăng thì sau mỗi đợt hành quân, trong khi các thành viên khác rạc cả người đi thì pháo thủ thường là lại lên cân. Thế thì chả là "Ăn pháo thủ" thì còn là gì nữa!
Vì sao mà "Ngủ pháo hai"?
Có lẽ câu này xuất phát từ đặc điểm pháo hai có chỗ ngủ rộng rãi nhất, thoải mái nhất trong xe!
Như chúng ta đều biết, để thu hẹp diện tích mục tiêu, các xe tăng thường tận dụng đến mức tối đa không gian trong xe. Vì vậy, vị trí nào cũng hẹp vanh vanh, đụng đâu cũng là thép.
Trong khi đó, riêng không gian hoạt động của pháo hai thì lại rộng rãi nhất vì đó là vị trí của nạp đạn. Khi chiến đấu, pháo hai phải lấy đạn từ các giá ra rồi đưa lên nạp vào buồng đạn. Với xe T-54, T-59 thì mỗi quả đạn có khối lượng 30-32 kg nên cần phải có một không gian đủ rộng mới thực hiện được các thao tác đó.
Chính vì vậy, buồng pháo hai khá rộng và mỗi khi dừng nghỉ thì vị trí đó trở thành một chỗ ngủ lý tưởng, có thể nằm duỗi chân duỗi tay thoải mái, dưới lưng là tấm đệm cao su dày rất êm.
Trong thực tế, khi hành quân xe tăng thường có thêm các thành phần khác đi cùng như: thành viên dự bị hoặc y tá, thợ sửa chữa đi cùng. Vị trí pháo hai lúc đó có thể ngủ được 3 người: 2 người nằm dưới sàn và 1 người mắc võng lơ lửng ở trên.
Trong khi đó, lái xe thì còn ngả lưng ghế ra mà nằm chứ trưởng xe với pháo thủ chỉ có ngủ ngồi mà thôi. Có lẽ vì đặc điểm đó mà tác giả đã tổng kết "ngủ pháo hai" chăng?
"Lài nhài xe trưởng" là nghĩa làm sao?
Chức trách chủ yếu của trưởng xe là chỉ huy xe. Vì vậy, theo quy định khi hành quân đêm các thành phần khác - tất nhiên là trừ lái xe - được đi ngủ, còn trưởng xe phải thức cùng lái xe để chỉ huy xe.
Đứng trên vị trí cao nhất ở cửa trưởng xe, có điều kiện quan sát tốt cả dưới mặt đất lẫn trên không cũng như các ký tín hiệu chỉ huy... trưởng xe có trách nhiệm chỉ huy lái xe điều khiển xe đi đúng đường và bảo đảm an toàn cao nhất.
Vì vậy, anh ta thường xuyên phải nhắc nhở lái xe: sang phải, sang trái, tăng tốc độ, giảm tốc độ... Thực tình, có lái xe bị nhắc nhở nhiều quá đâm chán tai nên đã lén rút "phích" cắm mũ công tác khỏi "công tắc ngực".
Thấy lái xe không theo lệnh của mình các đồng chí trưởng xe càng "lài nhài" nhiều. Thế là được định danh luôn! Nhẽ ra phải là "lải nhải" nhưng để cho nó vần, cánh lính xe tăng thích cái từ "lài nhài", nghe êm hơn!
Không chỉ thế! Để giữ bí mật ý định cũng như hành động của quân ta thì trong chiến đấu khi liên lạc qua vô tuyến điện không được nói rõ mà phải dùng "mật ngữ chỉ huy" và "chữ đúc nghiệp vụ". Bảng mật ngữ chỉ huy có cả trăm nhóm số mật, còn bảng chữ đúc nghiệp vụ cũng khá nhiều.
Để đảm bảo tốc độ liên lạc các trưởng xe phải thuộc như cháo chảy 2 cái bảng này. Vì thế, cứ rỗi rãi một chút là các đồng chí trưởng xe lại lẩm nhẩm học thuộc lòng. Nghe đồn rằng có đồng chí lúc ngủ nằm mơ vẫn lài nhài: "01 triển khai, 02 cửa mở, 03 xung phong...".
Vậy thì đích thị "Lài nhài xe trưởng" rồi chứ còn gì nữa!
Thế còn "Vất vưởng lái xe"?
Có lẽ trong các tổng kết trên thì câu này là đúng nhất, chính xác nhất về mọi khía cạnh. Trong trường hợp hành quân chiến đấu thì lái xe là người vất vả nhất, bận bịu nhất, bẩn thỉu nhất và mệt mỏi nhất đến mức... vất vưởng!
Để đối phó với không quân Mỹ thời đó bộ đội ta thường phải hành quân đêm.
Trong khi pháo thủ, pháo hai được ngủ, trưởng xe thì tiếng là phải thức song cũng có quyền gà gật thì lái xe phải căng mắt ra quan sát đường dưới ánh sáng của đèn "hạn chế ánh sáng", hai tay thì liên tục giật cần lái với lực kéo 35- 40kg, chân phải thì phải giữ ga, chân trái thì phụ trách bàn đạp ly hợp mỗi khi sang số.
Vị trí ngồi thì thấp nhất, lá chắn bùn thường thường sau vài chặng hành quân đường rừng núi đều rách te tua hoặc bay mất nên bao nhiêu bụi đất từ băng xích cứ hắt cả lên mặt như mưa rào.
Mỗi khi nghỉ giải lao lại phải tranh thủ kiểm tra kỹ thuật, điều chỉnh đai hãm, bổ sung dầu mỡ nước v.v... cho đúng tiêu chuẩn mới có thể tiếp tục hành quân được.
Cuộc hành xác cứ thế kéo dài có khi hết đêm. Ấy thế mà ban ngày lại phải lo chuẩn bị kỹ thuật cho chặng hành quân trong đêm tiếp theo. Xe mới thì còn đỡ chứ xe đã cũ nát thì hỏng vặt xảy ra như cơm bữa.
Thế là hì hà, hì hục suốt mấy tiếng đồng hồ ngoài buồng truyền động. Mặt mũi, quần áo, chân tay... lúc nào cũng đen sì, cáu bẩn dầu mỡ và bụi bậm. Mà cái giống dầu mỡ xe tăng nó bắt bụi kinh khủng lắm.
Bộ quần áo công tác cùng phát một đợt như nhau nhưng chỉ qua vài ngày hành quân nhìn của lái xe ai cũng nhận ra ngay bởi nó đã thành một bộ "giáp trụ" dày bịch, nặng trịch và hôi mù.
Các thành viên khác trong xe thường cũng rất thương, rất qúy lái xe, song họ cũng chỉ giúp được những công việc đơn giản như điều xích, bổ sung dầu mỡ nước... chứ đụng đến kiểm tra kỹ thuật hoặc sửa chữa họ có muốn giúp cũng chịu.
Quá tải như vậy cho nên lúc nào cánh lái xe cũng vật và, vật vờ. Hở ra một cái là bạ đâu cũng lăn ra ngủ được. Và có lẽ không còn từ nào khái quát hơn khi nói về cánh lái xe tăng trong hành quân chiến đấu ngoài hai từ: "Vất vưởng"!
Nhắc lại câu chuyện vui vui ngõ hầu các thế hệ sau này hiểu hơn về một thời gian khổ hy sinh nhưng lãng mạn, trong sáng và hết mình vì lý tưởng. Và cũng hy vọng rằng truyền thống đó sẽ được tiếp nối, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hôm nay.
Nguồn: http://soha.vn/linh-xe-tang-viet-nam-ai-suong-ai-kho-nhat-20161006152732382.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét