Gần sáng, trời se lạnh như đã mùa đông. Rồi một cơn mưa bất
chợt ào đến. Mưa không to mà lắc rắc đều đều. Chả lẽ đã “mưa rươi”?
Ở quê tôi cũng như cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng,
sông Thái Bình có lẽ người lớn nào cũng biết câu “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười
mồng 5”. Ấy là câu ca nói về mùa rươi mà các cụ đã tổng kết từ xưa và truyền đời
này qua đời khác. Và thật là kỳ diệu, cỗ máy huyền vi của tạo hóa điều hành sao
không biết nhưng cứ đúng vào dịp ấy, dù trời đất có thế nào thì rồi thế nào
cũng lắc rắc vài hạt mưa như sáng nay. Và con rươi- cái thứ động vật cấp thấp
sinh trưởng trong lòng đất cả năm lại ngoi để rồi trở thành những chả rươi,
rươi kho hay canh rươi, mắm rươi... trong những bữa ăn vốn nghèo nàn của dân
quê.
Còn bây giờ, có lẽ cái cỗ máy điều hành thời gian của Thượng
đế có gì đó trục trặc chăng nên thời tiết, khí hậu lắm lúc cứ tréo ngoe so với
trước. Vì vậy, hôm nay mới 13 song đã có mưa rươi. Và con rươi nữa, từ món thực
phẩm dân dã của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn giờ lại thành
món đặc sản trong những nhà hàng cao cấp. Nếu có xuất hiện ở chợ thì cũng phải
chừng 500K/ ký. Vậy nên nếu có thèm thì sếp của nhà tôi cũng chỉ biết lắc đầu
mà bỏ đi sau khi hỏi giá. Thôi thì đành nhấm nháp những mùa rươi xưa vậy!
Quê tôi mặc dù là vùng bán sơn địa nhưng lại được sông nước
bao quanh 2 mặt. Đó là nhánh Cầu Giơ ở mặt Nam và nhánh Cầu Gon ở mặt đông. Hai
con sông này tuy nhỏ nhưng là nhánh của sông Đông Mai nên cũng chịu ảnh hưởng của
thủy triều như “người lớn”. Hai bên bờ sông là vùng đất bãi chẳng trồng cấy gì
được mà để cho cói và năn mọc tràn lan. Tuy nhiên, đó lại chính là cái “mỏ” để
dân làng khai thác con rươi mỗi độ mùa rươi về.
Thấy một số bác kể ở quê lấy dần sàng đi vớt rươi, tôi thấy
hơi lạ. Quê nhà tôi không làm thế bao giờ mà bắt rươi bằng “săm”. Săm rươi là một
cái túi hình nón cụt may bằng vải màn (màn xô). Có 2 loại săm: nếu là săm sông
thì đường kính miệng của nó khoảng 60- 70 cm hoặc to hơn, dài chừng 2- 3 mét;
còn săm bãi thì nỏ hơn, đường kính chỉ độ 30- 40 cm, dài chừng 1,5 mét.
Chuẩn bị đến mùa rươi, người ta đắp vùng đất bãi đó thành những
ô ruộng độ vài thước một, đợi cho khi nước lên cao nhất và bắt đầu rút được một
lúc, khi đã có sự chênh lệch nhất định mực nước giữa trong bãi và ngoài sông
thì họ cuốc một góc ra và đặt cái săm vào đó. Dòng nước lao mạnh từ trong bãi
ra sông cuốn theo những đám rươi vào lòng săm. Chờ cho lượng rươi kha khá rồi họ
mới hứng cái thúng vào đó và mở nút đáy. Năm nào nhiều thì một mảnh bãi ấy có
thể được hàng thúng rươi.
Ngày nước rươi vui lắm, cả cánh đồng bãi ven hai con sông
đèn đuốc sáng như sao sa, í ới tiếng nói, tiếng cười, tiếng trêu chọc nhau và cả
tiếng kêu đày tiếc rẻ khi rươi nhiều quá không kịp tháo làm săm bị vỡ..
Gia đình nhà tôi thì không đi bắt rươi bao giờ bởi là dân
“phi nông nghiệp”. Tôi có đi chỉ là đi theo chơi mà thôi. Tuy vậy, mỗi mùa rươi
nhà tôi cũng thu hoạch được tương đối. Đơn giản vì ông cụ thân sinh ra tôi là
thợ may, nhà lại tiện đường ra đồng... nên bà con trong làng hay ra đó may săm.
May xong, cụ không lấy tiền công mà khoát tay một cách hào phóng: “Khỏi! Cứ đem
về đi. Nếu đánh được thì cho tôi một bát là xong!”. Thế là gần sáng mai, hết
nhà này đến nhà khác đi qua gọi trả công. Thế thôi mà có đêm được hàng chục bát
rươi. Và không ai khác, chính cụ sẽ vào bếp để trổ tài chế biến thành chả rươi,
thành rươi kho... thơm đến điếc cả mũi lên ấy. Có năm thu hoạch nhiều còn làm
được cả hũ mắm rươi nữa cơ.
Thế rồi, trong cái khí thế: “Mo cơm, quả cà đi lên CNXH;
Thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn” lãnh đạo quê tôi tổ chức cho bà con đắp
bờ vùng, bờ thửa. Cứ mỗi năm, những cánh bãi ven sông lại nhỏ đi một ít và cuối
cùng là hết hẳn. Và cũng từ đó, mùa rươi ở quê tôi chỉ còn lại trong ký ức của
những người đứng tuổi mà thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét