Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 18


          Phán đoán được ý đồ của địch ngay từ cuối năm 1970 ta đã có sự chuẩn bị để đối phó. Quyết tâm của ta là: nắm vững thời cơ, tập trung lực lượng kiên quyết tiêu diệt thật nhiều địch, bảo vệ bằng được đường Hồ Chí Minh. Chuẩn bị sẵn sàng để đánh địch trên các hướng: đường Chín, vùng ba biên giới đồng thời có kế hoạch tác chiến bảo vệ nam quân khu Bốn.
          Để thực hiện quyết tâm này tháng Mười năm 1970 Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Binh đoàn B70 bao gồm ba sư đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng làm lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ cùng các lực lượng tại chỗ như B4, B5, 559 tiêu diệt địch. Bộ còn thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương với mật danh B702 do một Tổng Tham mưu phó làm Tư lệnh và một Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị làm chính ủy để trực tiếp chỉ huy tại mặt trận này.
          Lực lượng xe tăng tham gia chiến dịch gồm có tiểu đoàn 198 đã ém sẵn tại Đường Chín từ cuối năm 1967 và các tiểu đoàn 297, 397 vừa được điều vào tham gia diễn tập ở nam quân khu Bốn. Cho đến trước Tết Tân Hợi hai tiểu đoàn này đã tập kết ở Tây Quảng Bình và sẵn sàng chờ lệnh. Bộ tư lệnh thiết giáp đã cử chủ nhiệm chính trị Thu, tham mưu phó Kiệm cùng một số cán bộ vào làm đại diện xe tăng bên cạnh Bộ tư lệnh B702. Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương sử dụng xe tăng tham gia đánh một số trận then chốt ở hướng bắc đường Chín nhằm chặn bước tiến quân địch tại Bản Đông, từ đó đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân và hoàn thành thắng lợi toàn bộ chiến dịch.
          Để tập trung cho bộ đội chuẩn bị chiến đấu tham mưu phó Kiệm bàn với chủ nhiệm chính trị Thu:
          - Sắp Tết đến nơi rồi. Có khi ta phải cho bộ đội ăn Tết trước để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu anh ạ!
          Nhẩm tính thấy chỉ còn hơn tuần nữa là đến Tết Tân Hợi chủ nhiệm chính trị Thu gật đầu:
          - Tôi đồng ý- Ngẫm nghĩ một lát ông tiếp- Ngày kia đã là 23 tháng Chạp, ngày ông Táo lên Trời rồi. Có lẽ ta cho bộ đội ăn Tết luôn vào hôm đó cũng được.
          Tham mưu phó Kiệm cười khà khà:
          - Hôm nào cũng được nhưng theo tôi phải nhanh nhanh lên. Hôm vừa rồi tôi thấy các cụ bàn bạc căng lắm, có khi nó “chơi” mình vào ngay dịp Tết này đấy!
          Trưởng ban tác huấn Phước ngồi bên nói xen vào đầy hoài cảm:
          - Thời gian trôi nhanh thật! Ngày ông Táo lên trời năm kìa chính ủy Ngọc và bọn tôi còn ăn Tết với đại đội 3 ở Cha- ki- phìn. Thế mà vèo một cái hôm nay đã lại ở đây rồi.
          Chủ nhiệm chính trị Thu thì cười:
          - Chắc ông Táo năm nay có khối chuyện để báo cáo Ngọc Hoàng đây.
          Cuối cùng thì quyết định cũng nhanh chóng được thông qua: bộ đội sẽ ăn Tết trước vào ngày 23 tháng Chạp. Thật may đang ở gần hậu phương nên cái Tết cũng không đến nỗi quá đạm bạc. Hậu cần mặt trận cấp hàng Tết có đủ măng, miến, kẹo Hải Châu, rượu Lúa Mới, chè Ba Đình. Đặc biệt nhất là có cả thuốc lá Thăng Long bao bạc. Cầm bao thuốc vàng tươi có in hình Cột Cờ Hà Nội lên mân mê, hít hít, ngửi ngửi mãi mà không dám bóc, tham mưu phó Kiệm thì thầm:
          - Thuốc này ngoài Hà Nội phải cấp tướng mới có mà hút. Đúng là “tất cả cho tiền tuyến” thật.
          Nhưng không chỉ có vậy.

           ***

          Sáng sớm ngày ông Táo lên trời. Vừa ra khỏi căn lán làm mấy động tác thể dục buổi sáng chủ nhiệm chính trị Thu chợt ngỡ ngàng khi thấy chiếc xe chiếu phim của phòng chính trị binh chủng đang đỗ lù lù gần đó, mấy chiếc võng mắc toòng teng xung quanh vẫn im thin thít như thịt nấu đông. Không tin vào mắt mình ông lại gần nhìn cho rõ hơn. Quái lạ, không thể nhầm được, biển số thế kia, số hiệu đơn vị ghi trên cánh cửa ca- bin thế kia chắc chắn là quân mình rồi. Ông lại gần một cái võng khe khẽ lật tấm đắp phía trên ra. Người nằm trên võng không phải ai xa lạ, đó chính là trợ lý tuyên huấn Nguyễn Hữu, một cánh tay đắc lực của ông. Bình tâm lại một chút ông chợt nhớ ra: cách đây chừng một tuần Bộ tư lệnh có điện vào là sẽ có món ăn tinh thần cho bộ đội đón Tết. Thì ra món ăn tinh thần là đây.
          Chắc là đã ngủ được một giấc ngon, lại bị cái lạnh cuối đông trong rừng thấm vào nên Hữu chợt tỉnh giấc. Anh dụi mắt và thốt lên:
          - Chào thủ trưởng! Sao thủ trưởng không gọi tôi dạy.
          Chủ nhiệm chính trị Thu cười hiền từ:
          - Chắc là mệt lắm hả?
          Hữu đã tỉnh hẳn:
          - Báo cáo thủ trưởng! Cũng không mệt lắm ạ!- Anh đứng hẳn dậy, sửa lại tư thế thật nghiêm trang- Lúc vào đến đây đã quá nửa đêm nên chúng tôi không đánh thức thủ trưởng để báo cáo: Bộ tư lệnh cử chúng tôi vào đây phục vụ bộ đội và thâm nhập thực tế để sáng tác. Ngoài mấy bộ phim mới chúng tôi còn mang theo sách, báo và cả quà Tết của gia đình một số đồng chí nữa ạ.
          Chủ nhiệm chính trị Thu mừng rỡ:
          - Thế thì hay quá! Mà cũng thật may các cậu đến kịp, chúng tớ quyết định cho bộ đội ăn Tết sớm vào đúng ngày hôm nay đấy. Thế đoàn của các cậu gồm những ai?
          Hữu quay lại gọi mấy đồng đội dậy. Từ ba cái võng xung quang ba cái đầu bù xù ngỏng lên. Nhưng vẻ ngái ngủ của họ ngay lập tức biến mất, cả ba đứng bật dậy đứng nghiêm và đồng thanh:
          - Chào thủ trưởng ạ!
          Chủ nhiệm chính trị Thu tiến lại bắt tay từng người, miệng thì xuýt xoa:
          - Chà chà! Lê Trí này, Thiệu này, Toàn này! Phòng ta chuyến này xuất quân đông đảo quá nhỉ!
          Hữu đứng nghiêm báo cáo:
          - Báo cáo thủ trưởng! Theo chỉ thị của chính ủy Ngọc thì đội chiếu bóng sau khi phục vụ xong sẽ ra trước, còn tôi và họa sĩ Lê Trí sẽ ở lại để thâm nhập thực tế cho đến hết chiến dịch ạ!
          Từ trong mấy căn hầm bên cạnh các cán bộ cơ quan tiền phương cũng đã dạy, họ ùa cả ra bên cạnh chiếc xe tay bắt mặt mừng như đã xa nhau từ lâu lắm. Hữu bảo Thiệu:
          - Mở cửa xe đưa quà xuống cho các anh ấy!
          Cánh cửa hậu chiếc xe được mở ra. Mọi người ngỡ ngàng khi thấy ba sọt bắp cải to đùng nằm choán gần hết chỗ trong thùng xe. Hữu bẽn lẽn phân trần:
          - Hôm trước nhận được thư mấy anh em nói trong này chỉ thiếu rau nên đi đường tôi cho mua mấy sọt bắp cải này vào làm quà.
          Tham mưu phó Kiệm cất giọng oang oang:
          - Cậu này thế mà tâm lý! Thịt thà có đủ cả rồi, chỉ còn thiếu mỗi rau thì lại được tiếp tế thế này thì còn gì bằng.
          Hữu cười thật tươi:
          - Tôi cũng không nghĩ trong này lại thiếu rau đến thế!- Anh ghé tai tham mưu phó nói nhỏ- Thủ trưởng còn có quà riêng của chị nhà nữa đấy!
          Quả thật, ba sọt bắp cải cộng với một đống sách báo, thư từ và quà Tết đội chiếu bóng mang vào đã làm cho cái Tết của các đơn vị xe tăng ở chiến trường thêm thi vị biết bao.

           ***

          Đối với đại đội 9 thì cái Tết này đúng là “thiên đường”. Có gì lạ đâu, suốt từ khi vào chiến trường đến nay đại đội này đã có năm nào được ăn một cái Tết cho ra hồn đâu. Tết Mậu Thân thì náu mình tại Pê Sai, cách địch vẻn vẹn có 6 ki- lô- mét, đón giao thừa trong chập chờn ánh ma trơi của pháo sáng địch. Hai cái Tết vừa rồi thì nằm tít trong thung lũng A Sầu, tiêu chuẩn Tết cũng chẳng hơn ngày thường được bao nhiêu mà suốt ngày nơm nớp đề phòng bọn “kỵ binh bay” đổ bộ lên đầu. Tết này ra đây gần hậu phương lớn, tiêu chuẩn khá phong phú, có quà của Bộ tư lệnh gửi vào, lại được xem phim thì đúng là “lên tiên”. Tất nhiên bom pháo vẫn ùng oàng tứ phía nhưng với cánh lính trẻ đại đội 9 thì thế vẫn còn “xa ruột chán”, xe nào xe ấy ngầm thi đua với nhau chuẩn bị một cái Tết thật “xôm”.
          Mặc dù đã được lên chức kỹ thuật viên nhưng với lý do “ở lại kèm cặp thêm cho Thắng” nên Cân vẫn ở cùng xe 567. Còn lý do thực chẳng cần nói ra ai cũng biết là vì anh đã quá gắn bó với cái xe này, với những anh em trong kíp xe này. Cái xe 567 đã trở thành một phần cơ thể của anh; còn Nhã, Hòa, Thắng đã thành ruột thịt của anh. Vì vậy vừa mới ổn định xong chỗ ở, được trên thông báo sẽ cho ăn Tết sớm Cân đã bàn với cả xe:
          - Ba năm nay vất vả quá rồi. Tết này ta phải tổ chức một cái Tết thật ra trò nhé! Tớ với Thắng lo về trang trí, còn Hòa phải lo khoản hậu cần, ông Nhã thì tiếp khách, đối ngoại và đi đấu cờ nếu đại đội tổ chức.
          Nhã điềm đạm gật đầu:
          - Nhất trí thôi! Tuy nhiên tớ phải nhắc cậu một điều thế nào cậu cũng bị đại đội “trưng dụng” nên phải liều liệu mà hướng dẫn cho Thắng kỹ vào.
          Đúng như nhận định của Nhã. Ra ngoài này ban chỉ huy cũng muốn tổ chức một cái Tết cho ra trò nên đã đặc trách giao cho Cân phải đảm nhiệm khâu trang trí và lo chương trình đón Tết của cả đại đội. Tuy nhiên Cân đã có một kế hoạch rất tỷ mỷ để Thắng cứ thế mà làm. Cậu bảo Thắng lấy đất đỏ đắp thành hai cái gờ hai bên lối vào hầm rồi lấy búa tạ đầm chặt, sau đó xuống suối đãi lấy một bao tải sỏi trắng rửa sạch đem về. Vãn việc của đại đội về hai anh em mới găm sỏi vào bờ đất thành hai hàng chữ đối nhau: một bên là “ĐÃ RA QUÂN”, bên kia là “LÀ ĐÁNH THẮNG”. Hai đầu hàng chữ là hình hai chiếc xe tăng nhìn chính diện. Những viên sỏi trắng muốt xếp sít vào nhau trên nền đất ba- dan đỏ tươi trông như khảm trai thật nổi bật.Chính giữa cửa hầm là một cái cổng chào tết bằng lá song, trên đó là tờ giấy trắng nổi bật hàng chữ “Chúc mừng năm mới” theo kiểu “phăng- tơ- ri” bằng thuốc đỏ. Còn bàn thờ Tổ quốc vẫn đặt trong hầm như mọi năm, Thắng cứ thế mà thực hiện. Năm nay còn có một cái hơn là bộ ấm chén gò bằng ống pháo sáng cũng được đem ra sử dụng. Thắng còn kỳ công luồn rừng kiếm được ít rễ hương bài sấy khô rồi tán ra thành bột vấn vào giấy pơ- luya làm hương, “cho nó có hương vị Tết” như cậu nói.
          Khâu trang trí như thế là ổn, còn khoản hậu cần thì hơi khó khăn vì tiêu chuẩn chỉ có thế thôi, có giỏi ngoại giao đến đâu cũng không thêm được một cái kẹo hay điếu thuốc nào. Dân bản thì mới ra chưa có điều kiện tiếp xúc để dân vận. Tuy nhiên đối với Hòa đen thì thế nào cũng có cách giải quyết. Sau một đêm suy nghĩ hôm sau Hòa quyết định mở kho dự trữ xuất ra hai tấm dù pháo sáng trắng muốt và một chiếc chăn “thám báo” mới tinh. Cậu đoán chắc cánh mới vào bên 297, 397 mà nhìn thấy những thứ này thì chỉ có sướng mê tơi và chắc chắn cậu sẽ săn được mấy thứ hàng độc. Quả nhiên như vậy. Kể ra cũng hơi xót ruột nhưng cũng khuân về được nửa cân chè “móc câu” Thái Nguyên chính hiệu, một gói kẹo Hải Châu, một gói bánh bích quy Hương Thảo còn nguyên trong giấy bóng và mấy bao Điện Biên bao bạc. Hòa chắc mẩm: “thế này thì chắc chắn là nhất đại đội rồi”.
          Sáng ngày 23 tháng Chạp ban chỉ huy đại đội đi chúc Tết từng xe đồng thời cũng là kiểm tra chấm điểm việc tổ chức ăn Tết ở các trung đội. Trong mùi hương bài ngào ngạt ngồi nhấm nháp chén trà đặc quánh, thưởng thức vị ngọt kẹo Hải Châu và phì phèo điếu Điện Biên thơm lừng rồi ngắm nghía “công trình nghệ thuật” ai cũng tấm tắc kíp xe 567 là “số một”.
          Không hiểu có phải là ưu tiên đơn vị vất vả nhất hay không mà ngay chiều hôm ấy đội chiếu bóng của binh chủng đã đến phục vụ đại đội 9. Thật đúng là một ngày hội. Cả đại đội quần áo chỉnh tề chen chúc nhau trong căn hầm thùng đã được che kín bốn phía hau háu nhìn lên màn ảnh như nuốt lấy từng hình ảnh, từng lời thoại. Suốt ba tiếng đồng hồ ngồi một chỗ mà cấm thấy anh nào chạy ra ngoài lấy một phút. Nói gì thì nói, đã hơn ba năm nay họ mới lại được thế này.
          Buổi chiếu bóng kết thúc ban chỉ huy mời mấy anh em văn nghệ sĩ ở lại ăn Tết. Gặp được người bấy lâu nay mình vẫn hâm mộ Cân nì nèo bằng được Nguyễn Hữu về thăm xe mình. Khi nhận ra đây chính là tác giả bài báo tường làm “rung động lòng người” bốn năm về trước Hữu vui vẻ nhận lời và kéo cả họa sĩ Trí cùng đi. Rừng chiều cuối đông nhưng không hề ảm đạm mà rộn ràng tiếng hát lời ca và những trò tinh nghịch của cánh lính trẻ.
          Đến trước hầm xe 567 cả hai cùng sững lại nhìn. Ánh mắt hai người như bị thôi miên bởi hàng chữ bằng sỏi trắng nổi bật trên nền đất đỏ tươi như son. Đằng sau đó là chiếc xe tăng đường bệ với một ngôi sao đỏ rực trên tháp pháo. Ngay cửa vào hầm là màu xanh tươi mát của chiếc cổng chào bằng lá song. Có vẻ như những người lính của kíp xe này rất biết phối màu- Trí thầm nghĩ vậy. Theo thói quen nghề nghiệp Trí rút luôn cuốn sổ tay và mẩu bút chì bất ly thân ra phác vài nét ký họa. Còn Hữu cũng lặng thinh, trong đầu anh vừa ngân lên một cái gì đó như một tứ thơ nhưng anh còn chưa nắm bắt được. Hai người chỉ chợt bừng tỉnh khi trưởng xe Nhã lên tiếng:
          - Mời hai anh vào trong hầm uống nước!
          Trí vẫn cố gắng đưa thêm vài nét bút, anh thốt ra một lời khen tự đáy lòng:
          - Đẹp lắm! Lạc quan lắm!
          Khom người bước vào trong hầm hai anh em lại một lần nữa ngạc nhiên. Một căn hầm chật hẹp dưới bụng xe tăng nhưng thật trang trọng và ấm cúng, bốn vách hầm được quây bằng những tấm tăng, sàn hầm là tấm sạp nằm bằng tre đã lên nước bóng loáng. Đối diện với cửa ra vào là bàn thờ Tổ quốc, trên đó lá cờ đỏ sao vàng và chân dung Bác Hồ được treo ngay ngắn. Ngay bên dưới ảnh Bác là một bóng đèn 0,5 oát hắt ánh sáng ngược lên, cạnh đó một nén hương đang ngun ngún khói tỏa ra một thứ mùi thơm thật dễ chịu. Giữa sạp nằm là một bộ ấm chén bằng nhôm, một đĩa hai ngăn đầy bánh kẹo và một bao thuốc lá. Cân vui vẻ:
          - Mời hai anh ngồi lên đây thưởng thức với bọn em một chút hương vị Tết.
          Nhã cũng đã ngồi lên sạp, anh niềm nở:
          - Các anh thông cảm! Hơi chật chội một tý- Nghiêng cái ca nhôm chắt nước ra chén anh đưa tận tay từng người một- Mời các anh uống nước.
          Đón chén nước bỏng rãy từ tay Nhã theo thói quen Hữu đưa lên mũi hít hà, anh tròn mắt:
          - Chè Thái hả? Các cậu lấy đâu ra thứ này?
          Nhã cười cười:
          - Dạ! Bọn em “binh vận” của cánh mới vào đấy mà.
          Nhấp một ngụm nước nhỏ Hữu gật gù:
          - Chè ngon lắm! Ngay ở ngoài Bắc cũng khó kiếm được loại này- Anh quay sang Cân- Mấy năm nay có sáng tác được nhiều không?
          Cân bẽn lẽn:
          - Sáng tác gì anh! Toàn bị các ông tướng này bắt làm hộ báo tường thôi.
          Hữu quay sang giới thiệu với Trí:
          - Ông mới về chưa biết, đây chính là tác giả bài thơ làm “rung động lòng người” năm 66 đấy.
          Trí gật gù, là những người làm công tác văn hóa nhưng hình như cả Hữu lẫn Trí hôm nay mới nhận ra vẻ đẹp tâm hồn trong những người lính bình thường, dung dị. Anh lại móc trong túi ngực ra cuốn sổ tay và hý hoáy. Có tiếng người gọi ngoài cửa, chắc là đại đội gọi về ăn cơm. Hữu đưa tay bắt tay Nhã và Cân, anh còn cầm tay Cân mãi:
          - Hôm nào đưa cho tớ những sáng tác của cậu tớ sẽ góp ý cho. Còn bây giờ thì tạm biệt nhé. Chúc năm mới sức khỏe, thắng lợi.
         
           ***

          Chuyến phục vụ của đội chiếu bóng kéo dài suốt cả tuần cuối năm. Thuyết minh “bất đắc dĩ” Nguyễn Hữu đã khản hết cả cổ vì ngày nào cũng phải kéo cày mấy tiếng đồng hồ với tất cả “hỷ, nộ, ái, ố” trong phim nên ít nói hẳn. Đã thế hôm nay anh bạn cùng trung đội ngày xưa Lê Đức Tuấn lại ngỏ ý mời sau khi chiếu phim xong sẽ ở lại bình thơ cho đại đội nghe. Hữu lo lắm, từ chối thì không nỡ nhưng giọng này mà bình thơ thì không ổn chút nào. Trí cũng đoán được bạn đang lo lắng nên góp ý:
          - Ông cứ mở máy như mọi hôm là ông chết đấy! Theo tôi ông phải “tương kế, tựu kế” mới được.
          Hữu tò mò:
          - Có kế gì thì nói mau xem nào!
          Trí thì thào ra vẻ quan trọng:
          - Tôi để ý thấy lính nhà mình cũng hay thơ lắm. Vậy tối nay ông cứ khích bọn họ đọc thơ của họ rồi lại khích họ bình thơ của nhau, cuối cùng ông chỉ kết luận vài ý bài này hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào thôi. Như vậy đáng lẽ phải nói hai tiếng ông chỉ phải nói độ mười lăm, hai mươi phút.
          Hữu hớn hở:
          - Kế này được đấy! Tôi khản cổ gần chết rồi đây này.
          Chiếu phim xong Tuấn xin đại đội cho Hữu về liên hoan với xe mình. Gọi là liên hoan cho oai chứ thực ra bao nhiêu tiêu chuẩn Tết cũng đã tiêu thụ hết sạch. Móc từ đáy cóc ba lô ra được một hộp thịt nửa cân Tuấn bảo anh em xào với bắp cải do chính Hữu mang vào và nấu một nồi canh rau tàu bay. Chẳng biết tay nghề của cậu nào mà hơi bị kém, nồi canh nấu quá lửa rau cứ nát nhừ ra như cháo bốc mùi hăng hắc. Nhìn mâm cơm cậu lái xe của Tuấn phàn nàn:
          - Anh buồn cười thật! Mời khách về mà lại không bảo gì anh em trong xe. Cơm nước thế này thì xấu cả mặt.
          Tuấn hơi ngượng:
          - Thì chiến trường mà, có gì dùng nấy- Nhưng rồi anh vung tay- Thôi được rồi! Cậu nào còn món gì dự trữ thì đem ra đây.
          Như sau một khẩu lệnh “lên xe chiến đấu”, năm thành viên bật dậy nhảy phắt lên xe. Một lát sau anh nào anh nấy chui ra, trên tay mỗi người là một thứ gì đó: hộp thịt, hộp giò, gói chè, gói kẹo, gương mặt thì tươi như hoa. Hữu ngơ ngẩn ngồi nhìn. Dưới tán rừng xanh ngắt chiếc xe tăng thân thuộc hôm nay sao trông oai hùng quá, ngôi sao trên tháp pháo sao hôm nay đỏ quá- như một ngọn lửa vậy, còn năm chiến sĩ mỗi người một tư thế trên chiếc xe sao trông như một bàn tay đang xòe ra... Cái tứ thơ đã hình thành từ hôm đến với kíp xe 567 lại trở về lơ lửng trong đầu anh. Suốt bữa ăn Hữu cứ miên man với những hình ảnh ấy và hình như anh đã bắt được nó. Bỏ vội bát cơm Hữu lôi cuốn sổ tay ra viết vội như sợ những ý nghĩ sẽ bay khỏi đầu mình:
                   “Năm anh em trên một chiếc xe tăng
                    Như năm bông hoa xòe cùng một cội
                   Như năm ngón tay trên một bàn tay”
          Dòng nối dòng, chữ nối chữ như một mạch ngầm tuôn chảy không ngừng. Cả kíp xe của Tuấn nín lặng như sợ làm kinh động người viết. Đôi mắt Hữu như cháy rực lên nhìn ra khoảng trống xanh xao của cánh rừng chiều, anh nhấn mạnh ngọn bút viết những dòng cuối cùng:
                   “Một con đường đất đỏ như son
                   Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng
                   Một ý chí bay ra đầu ngọn súng
                   Một niềm tin nghiến nát mọi quân thù”
          Hữu buông bút, anh thở ra một hơi thật dài. Ghé mắt vào trang sổ tay lướt qua vài dòng Tuấn thốt lên:
          - Hay lắm! Cậu đọc cho anh em xe tớ nghe trước đi!
          Hữu mệt mỏi lắc đầu, dường như mọi sức lực của anh đều đã biến đi đâu hết. Anh nói nhỏ:
          - Cậu đọc cho anh em nghe đi. Tớ nói không ra hơi nữa rồi.
          Thật may, tối hôm đó Hữu không phải bình thơ nữa. Ngay sau bữa cơm chiều ba tiểu đoàn xe tăng nhận lệnh cơ động vào vị trí tập kết. Hôm đó hình như là ba mươi Tết.
          Chiếc xe chiếu bóng cũng lên đường về miền Bắc để Hữu và Trí ở lại chiến trường. Hữu được chủ nhiệm Thu phân công đi thâm nhập ở đại đội 9 của 198, còn Trí thì đi với đại đội 7 tiểu đoàn 297.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét