Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

BÃO THÉP 2- ÁP THẤP ĐƯỜNG SỐ CHÍN- Kỳ 24


            Từ hôm quân địch bắt đầu mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 gần như không lúc nào phó tư lệnh Đào rời chiếc ra- đi ô, ngay cả khi đi ngủ ông cũng đặt nó ở đầu giường để bất cứ lúc nào cũng có thể theo dõi được tin tức của cuộc hành quân và kết quả chiến dịch phản công của quân ta. Ông hiểu rằng kết quả của chiến dịch này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cục diện chung của cuộc chiến tranh. Không chỉ thế, chiến dịch này cũng sẽ một lần nữa khẳng định vị thế của xe tăng trên chiến trường nếu các đồng đội của ông chiến thắng giòn giã. Tuy nhiên, ngày này qua ngày khác những bức điện từ tiền phương báo về chỉ ngắn gọn là “các đơn vị đang sẵn sàng nhận nhiệm vụ” khiến ông hết sức nóng ruột và cũng hơi có vẻ buồn, không hiểu vì lý do gì mà xe tăng chậm được đưa vào sử dụng như vậy. Chỉ từ ngày hôm kia ông mới hơi vui lên một chút khi tiền phương báo về: “đại đội 9 của 198 đã nhận lệnh phối thuộc cho bộ binh tiến công điểm cao 543”. Tuy nhiên sau đó lại chẳng thấy tin tức gì về kết quả trận đánh lại càng khiến ông nóng ruột hơn.
          Tối hôm nay cũng vậy, sau bữa cơm chiều về ông ngồi vào bàn đọc nốt tập tài liệu huấn luyện chiến thuật “phân đội tăng đánh địch đổ bộ đường không” mà phòng tham mưu mới đưa sang lúc chiều. Bên cạnh ông chiêc ra- đi- ô vẫn đang rỉ rả hết chương trình này sang chương trình khác nhưng ông không để ý gì cho lắm. Chỉ đến khi nhạc hiệu của chương trình bản tin tối cất lên ông mới vặn to đài lên rồi chăm chú lắng nghe. Khi vừa nghe đài nhắc đến “trận tiến công hiệp đồng binh chủng vào điểm cao 543” ông vội đặt tập tài liệu xuống rồi cầm hẳn cái đài lên hai tay như muốn nhìn cho rõ hơn người đang nói. Trái tim chai sạn của ông tưởng như loạn nhịp khi nghe tiếng người phát thanh viên đang dõng dạc: “xe tăng số hiệu 555 đã trèo lên nóc hầm chỉ huy, các chiến sĩ trên xe đã dùng xích sắt dầy xéo trên nóc hầm buộc bộ chỉ huy lữ đoàn dù số 3 của ngụy quân Sài Gòn phải đầu hàng và giơ tay chịu trói. Trong số tù binh bị quân ta bắt được có cả đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng lữ dù 3, đây là sĩ quan cao cấp nhất của quân ngụy bị bắt làm tù binh tính đến thời điểm này”.
          Chiếc dài trên tay phó tư lệnh Đào vẫn ra rả nói nhưng hình như ông không nghe thấy gì. Một niềm vui âm ỉ đang dâng lên trong lòng ông. Thế là trận đầu xe tăng ra quân trong chiến dịch này đã thắng. Không! Không chỉ thắng mà còn là đại thắng nữa bởi đã góp phần lập nên một kỳ tích. Ông cố hình dung bộ dạng tên đại tá lữ trưởng dù như thế nào khi phải đầu hàng các chiến sĩ của ông nhưng không được. Nhưng chắc chắn là thảm hại lắm! Quân dù cơ mà, binh chủng kiêu hùng nhất của quân lực Việt Nam cộng hòa cơ mà! Chẳng thế mà được vinh danh là các “thiên thần mũ đỏ”! Thế mà hôm nay lại phải giơ tay chịu trói trước các chiến sĩ của ông. Nhìn quanh ngôi nhà trống vắng chẳng biết chia sẻ niềm vui với ai ông lại thấy tiếc vì mình không có ai là bạn tâm giao để có thể cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui của cuộc đời.

            ***

          Trong lúc đó một không khí hết sức phấn khởi cũng đang tràn ngập Bộ tư lệnh tiền phương. Tư lệnh Lân hể hả:
          - Đã quá! Bắt sống hẳn đại tá lữ trưởng dù. Này, nếu tôi không nhầm thì đây là sĩ quan cao cấp nhất của địch mà ta bắt được cho đến thời điểm này phải không các anh?
          Tham mưu phó Kiệm cười hề hề:
          - Đúng thế! Nếu không kể Đờ Cát ở Điện Biên.
          Tư lệnh Lân chống chế:
          - Là tôi nói trong cuộc kháng chiến chống Mỹ này ấy.
          Chủ nhiệm chính trị Thu cất giọng đầy hứng khởi:
          - Lại là cái 555 các anh ạ! “Thằng” này trong trận Tà Mây cũng một mình nó tung hoành trong cứ điểm đấy.
          Tư lệnh Lân ngạc nhiên:
          - Thế à! Thế thì phải đề nghị khen thưởng nó cho xứng đáng.
          Chủ nhiệm chính trị Thu đề xuất:
          - Cúng may cậu Hữu dang ở dưới ấy. Tôi sẽ giao cho cậu ta viết một bài tuyên truyền về chiến thắng này và biểu dương thành tích của kíp xe 555 để phổ biến trong các đơn vị của ta.
          Không biết có phải do “thần giao cách cảm” hay không nhưng đúng lúc đó Hữu đang ngồi trầm ngâm bên ngọn đèn dầu trong hầm xe 567. Thật may, ngay từ hôm được cử xuống đi thực tế với tiểu đoàn 198 anh đã đòi về đại đội 9 bằng được. Một phần vì ở đó có Cân, người chiến sĩ trẻ yêu văn thơ mà anh rất có cảm tình. Một phần vì anh biết chính đại đội này là đơn vị đã trải qua những năm tháng khốc liệt nhất ở chiến trường Thừa Thiên. Về đó anh tin rằng sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những người lính dày dạn vốn sống chiến trường để làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Những ngày chờ đợi trước khi vào trận đánh này anh cứ la cà hết xe này đến xe khác, với cái tài của người nhiều năm làm công tác tuyên huấn anh đã khai thác ở họ được khá nhiều chuyện hay để tối về lại căm cụi ghi vào sổ tay. Chuỗi ngày thâm nhập thực tế đó thật là bổ ích, anh đã hiểu ra được rất nhiều điều và càng thêm yêu quý những người đồng đội trong binh chủng “thép” của mình. Tuy mỗi con người như một bầu trời riêng với những hoàn cảnh chẳng ai giống ai nhưng họ đều có một điểm chung là ý chí quyết đánh và quyết thắng, còn một xe, còn một người cũng đánh. Và còn một điều nữa cũng rất dễ nhận ra đó là họ rất gắn bó với nhau và cũng vô cùng gắn bó với binh chủng. Họ kể với anh nhiều chuyện nhưng hầu như chẳng ai nói về mình mà chỉ nói nhiều về đồng đội, nhất là những người đã hy sinh. Ngay cả chiều nay khi phỏng vấn kíp xe 555 cũng vậy. Thành viên này lại kể về hành động của thành viên kia, rồi ca ngợi tinh thần dũng cảm của anh em chiến sĩ bộ binh, rồi sự chỉ huy và chi viện kịp thời của cấp trên. Đến cả chính trị viên Cổn đi cùng xe cũng vậy, chỉ thấy anh khen ngợi hết lời các thành viên trong xe... còn về phần mình hình như chẳng có đóng góp gì đáng kể. Nhưng rồi Hữu chợt ngộ ra rằng có lẽ cái chất keo gắn họ với nhau có điểm xuất phát từ đặc điểm chiến đấu của binh chủng mình: mỗi chiếc xe tăng khi ra trận phải như một cơ thể sống mà mỗi thành viên trong đó là một bộ phận không thể tách rời. Và có lẽ anh đã đúng khi viết “năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay...”. Nghĩ đến đây Hữu quyết định sẽ viết một bài tường thuật thật chi tiết và trung thực về trận đánh. Anh muốn rằng bài viết không chỉ ngợi ca chiến thắng mà còn phải lột tả thật chân thực con đường đầy mồ hôi, xương máu mà những người lính ấy phải vượt qua để đi đến chiến thắng này.
          Ngọn đèn dầu mấy lần lụi rồi lại sáng. Cho đến sáng bảnh ra, khi Hữu vừa đặt dấu chấm hết cho bài viết cũng là lúc anh nhận được chỉ thị của chủ nhiệm chính trị Thu. Hữu quyết định sẽ về ngay Bộ tư lệnh tiền phương để báo cáo và gửi bài luôn.

           ***

          Trên đường về Bộ tư lệnh Hữu quyết định ghé qua 297 xem Lê Trí “làm ăn” thế nào. So với anh thì Trí chỉ là một anh lính mới tò te của binh chủng nhưng lại có một lợi thế khác vô cùng quan trọng: Trí được đào tạo rất cơ bản. Nếu như anh chỉ vì có chút khiếu văn thơ và nói năng nghe khá trôi chảy rồi được bồi dưỡng để trở thành trợ lý tuyên huấn thì Trí đã học gần xong Đại học Mỹ thuật, lại là con “nhà nòi”. Vừa mới được động viên vào bộ đội năm ngoái nhưng Trí đã phát huy được tài năng của mình trong quân ngũ và đã có một số sáng tác được ghi nhận. Đặc biệt từ ngày có Trí mảng tranh cổ động, áp phích ở cơ quan Bộ tư lệnh cũng như phần mỹ thuật trên tờ tin của binh chủng đã sinh động hẳn lên. Vốn đã từng đi thực tập vào tuyến lửa Vĩnh Linh ngày đang học năm thứ ba nên Trí cũng không ngại gì bom đạn và khi biết tin Bộ tư lệnh có ý định cử các văn nghệ sĩ đi chiến dịch này anh đã xung phong đi ngay.
          Lúc Hữu đến thì Trí đang ngồi vắt vẻo trên tháp pháo chiếc xe mang số hiệu 328 xem lại và sửa sang bộ sưu tập những ký họa của mình. Vừa thấy bóng Hữu anh đã reo lên mừng rỡ:
          - Hữu đấy à? Lên đây! Lên mà xem này! Nhiều cái thú vị lắm.
          Trí rời chỗ ngồi ra đầu xe nắm tay Hữu kéo lên tháp pháo. Đợi cho Hữu yên vị anh mở cuốn sổ tay ký họa của mình ra khoe:
          - Ngồi mấy tháng ở cơ quan Bộ tư lệnh có vẽ được cái gì ra hồn đâu. Thế mà chỉ vào đây có mấy ngày tôi đã thu hoạch được khối rồi đây này.
          Lật giở từng trang cuốn sổ tay Hữu chăm chú xem từng bức ký họa, anh thầm khen: “đúng là con nhà nòi, nhìn đâu cũng thấy những hình tượng đáng ghi nhận của cuộc sống chiến trường”. Thôi thì đủ cả: từ đào hầm xe tăng đến cứu kéo nhau, từ bảo dưỡng kỹ thuật xe pháo đến lớp học xạ kích trong rừng v.v... và v.v... Một tờ giấy khổ lớn gấp tư từ cuốn sổ rơi ra, Hữu nhặt lên và mở ra. Trí hớn hở:
          - Số lượng thì nhiều nhưng chất lượng nhất có lẽ là bức này đấy!
          Hữu chăm chú nhìn vào bức ký họa. Mặc dù mới chỉ là những nét chì than nguệch ngoạc nhưng anh đã cảm nhận thấy một khung cảnh hết sức hùng tráng hiện ra trước mắt mình: một sườn núi chênh vênh đang mịt mù khói lửa, những thân cây cổ thụ ngổn ngang nằm chênh vênh trên miệng vực đang ngun ngún khói, đất đá vung vãi khắp mặt con đường hằn những vết xích xe tăng. Từ phía sau khúc cua một chiếc xe tăng đột ngột xốc tới, một bên xích như chờm hẳn ra ngoài mép vực, lá ngụy trang phất phơ bay, nòng pháo vươn cao ngạo nghễ. Phía trước một cô thanh niên xung phong mảnh mai, mái tóc dài chấm ngang lưng, súng quàng vai đang hiên ngang như thách thức tất cả đứng chỉ đường... Trí hào hứng:
          - Ghi tại chỗ hôm đại đội 7 hành quân vượt “Cổng Trời” đấy. Nó vừa ném bom xong, lửa vẫn cháy rừng rực đỏ cả đất trời. Sau này tôi nhất định phải làm một bức sơn mài, chỉ có nó mới thể hiện hết được khung cảnh hùng tráng ấy. Còn ông, có thu hoạch được nhiều không?
          Hữu mỉm cười khiêm tốn:
          - Cũng làng nhàng thôi, vài cái tin, mấy bài ký- Anh móc từ trong cái túi mặt nạ vẫn đeo kè kè bên người ra cuốn sổ tay đưa cho Trí-  À! Có bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” này cũng tạm được. Ông đọc thử xem!
          Trí mở sổ lẩm nhẩm đọc, mấy câu cuối anh đọc to thành tiếng:
          - Một con đường đất đỏ như son, một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng, một ý chí bay ra đầu ngọn súng, một niềm tin nghiến nát mọi quân thù. Được! Được lắm!- Gương mặt Trí trở nên trầm tư, anh hạ giọng như tâm sự- Hội họa và ngôn từ mỗi thứ có một thế mạnh riêng ông ạ! Tôi có thể chớp lấy một khoảnh khắc nhưng ông lại có thể diễn đạt thành lời những cái không thể vẽ ra được- Như chợt nhớ ra điều gì đó Trí ngẩng lên- À! Ông có bài nào về trận 543 chưa? Nghe anh em nói ta thắng lớn lắm hả?
          Hữu gật đầu:
          - Có đấy! Nhưng tôi viết đi viết lại đoạn chiếc xe tăng 555 trèo lên nóc hầm chỉ huy cứ điểm làm cho bộ tư lệnh lữ dù 3 hoảng sợ phải chui ra hàng mà vẫn chưa thấy ưng ý. Giá có ông ở đấy có khi chỉ vài nét phác họa là đã lột tả được rồi.
          Trí hăng hái:
          - Thế thì tôi phải sang đấy mới được. Bây giờ ông định đi đâu?
          Hữu gập cuốn sổ tay cho vào túi rồi chậm rãi:
          - Chủ nhiệm Thu gọi tôi về Bộ tư lệnh. Tôi định qua đây rủ ông cùng về.
          Trí lắc đầu cương quyết:
          - Không! Ông cứ về trước đi! Tôi nhất định phải sang đại đội 9 mới được. Phải có một bức ký họa về cái 555 này.

          ***

          Việc tiêu diệt được lực lượng địch án ngữ ở điểm cao 543 đã tạo cho quân ta một lợi thế rất lớn: con đường 16 A đã thông sẽ cho phép cơ động lực lượng áp sát Bản Đông. Cơ hội để tiêu diệt gọn chiến đoàn đặc nhiệm số 1 của ngụy đang đóng giữ ở đây đã đến rất gần. Vì vậy ngay sau khi nhận được tin ta đã tiêu diệt được quân địch ở 543 tiểu đoàn trưởng Hải đã gọi ngay ba đại đội trưởng lên để phổ biến kế hoạch trinh sát đường cơ động về Bản Đông.
          Sau trận Làng Vây đại đội trưởng Phan Văn Hải đã được trên điều ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, cho đến tháng Tám vừa rồi thì anh được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng 297 để tiếp tục quay lại chiến trường đường Chín. Đây là tiểu đoàn được trang bị hơn ba chục chiếc T54, đến thời điểm hiện tại là loại trang bị hiện đại nhất của binh chủng mới được Liên Xô viện trợ. Quả thật T54 so với T34 mà anh em chiến sĩ vẫn gọi đùa là “bà già K2” và mấy chiếc PT76 mỏng dính thì đúng là “một trời, một vực”. Với một khẩu pháo 100 ly, hai khẩu đại liên 7 ly 62, một khẩu trọng liên 12 ly 7 chiếc T54 như một pháo đài di động có thể tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên chiến trường ở khoảng cách đến 2500 mét. Thân hình thấp, vỏ thép lại dày, có chỗ đến cả gang tay với độ vát hợp lý làm tăng đáng kể sức phòng hộ của xe. Hệ thống điều khiển xe cũng như điều khiển hỏa lực có những cải tiến rất lớn làm tăng khả năng cơ động và độ chính xác khi bắn, kể cả khi vừa chạy vừa bắn. Với những tính năng vượt trội như vậy Bộ tư lệnh đặt nhiều kỳ vọng vào 297 trong chiến dịch này.
          Chính vì được kỳ vọng nhiều như vậy nên Hải đâm lo: “làm ăn mà không ra gì thì mất mặt”. Trong đó điều làm anh lo lắng nhất là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn còn rất trẻ, lại lần đầu đi chiến trường. Là người đi trước nên trong các buổi huấn luyện hoặc đợt diễn tập vừa rồi anh đã cố gắng truyền thụ lại những kinh nghiệm bản thân mình tích lũy được nhưng hiệu quả cũng còn hết sức hạn chế. Anh biết rằng chỉ có thực tế mới rèn luyện cho họ trưởng thành nhanh nhất. Sau cuộc hành quân vào diễn tập ở nam quân khu Bốn rồi vượt Trường Sơn sang đây trình độ kỹ thuật cũng như kinh nghiệm của bộ đội đã được nâng lên nhiều nên Hải cũng đỡ lo. Hôm nay, khi các đại đội trưởng vừa có mặt tại ban chỉ huy tiểu đoàn anh đã vào đề ngay:
          - Báo cáo các đồng chí! Như các đồng chí đã biết tiểu đoàn ta được sư đoàn giao nhiệm vụ sẵn sàng diệt địch đang co cụm ở Bản Đông. Tuy nhiên do địch chốt giữ ở điểm cao 543 nên ta chưa nắm được tình hình đường sá thế nào. Rất may cho chúng ta là hôm qua quân ta đã tiêu diệt lữ đoàn dù số 3 của địch và làm chủ điểm cao 543. Đường về Bản Đông như vậy cơ bản đã thông, thời cơ diệt địch ở đó đã sắp đến. Vì vậy tôi dự kiến ngày mai ta sẽ tổ chức đi trinh sát đường cơ động cũng như địa hình khu vực Bản Đông để khi được giao nhiệm vụ chiến đấu ta sẽ chủ động hơn- Nhìn quanh một lượt Hải tiếp tục rành rẽ- Tôi dự kiến thành phần đi trinh sát thế này: trên tiểu đoàn có tôi và anh Vỹ tiểu đoàn phó, mỗi đại đội cử bốn đến năm đồng chí. Ngoài đại đội trưởng cần có đại đội phó kỹ thuật hoặc kỹ thuật viên, một trung đội trưởng và ít nhất một đồng chí lái xe. Thời gian đi dự kiến là hai ngày. Nhiệm vụ chủ yếu là trinh sát dường cơ động, xác định những chỗ cần khắc phục báo cáo cấp trên bảo đảm. Ngoài ra ta cũng sơ bộ xác định vị trí tập kết, vị trí tạm dừng cho từng đại đội. Các đồng chí thấy thế có được không?
          Mấy cái đầu cùng gật gù ra vẻ đồng tình. Cái gì chứ đi trinh sát để nắm chắc tình hình đường sá thì ai chẳng thấy cần thiết. Cuối cùng đại đội trưởng đại đội 7 lên tiếng:
          - Chúng tôi nhất trí! Tôi chỉ có một đề nghị là có thể cho thêm lái xe đi cùng, anh em mình mà trực tiếp nhìn thấy đường sá thế nào chắc chắn khi lái sẽ vững tay hơn.
          Đến lượt đoàn phó Vỹ có ý kiến:
          - Tôi có ý kiến! Đúng là nếu anh em lái xe mà được đi trinh sát trước thì khi lái xe sẽ tốt hơn. Tuy nhiên lần này ta đi trinh sát với quy mô tiểu đoàn nên nếu tăng thêm thành phần đoàn sẽ nhiều người quá. Như vậy nếu xảy ra chuyện gì sẽ rất không có lợi. Vì vậy theo tôi chỉ nên cử đúng thành phần như đồng chí Hải đã quy định thôi, sau đó khi quay về đồng chí đại đội phó hoặc kỹ thuật viên sẽ trao đổi lại thật kỹ với anh em cũng được.
          Hải nhìn quanh một lượt, có vẻ như không ai có ý kiến gì nữa nên anh kết luận:
          - Thôi! Không bàn luận gì nữa. Tôi đồng ý với anh Vỹ, ta chỉ đi đúng thành phần đã quy định. Bây giờ các đồng chí về chuẩn bị, 5 giờ sáng mai các đồng chí có mặt tại đây. Đề nghị các đồng chí trang bị thật gọn nhẹ, tất cả mang theo súng AK. Các đồng chí đại đội trưởng mang theo ống nhòm và la bàn.
          Mọi người lục tục ra về, ai cũng phấn khởi vì tất cả có vẻ diễn ra theo đúng kế hoạch.

          Tuy nhiên kế hoạch đó đã không thực hiện được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét