Đó là cái Tết Mậu Thân 1968 của cán bộ, chiến sĩ Đại đội xe tăng 9, Tiểu đoàn 198 tại đồi Pê Sai - cách căn cứ Làng Vây 6 km về phía Nam.
Xe tăng nằm trong tầm đạn cối...
Tháng 1 năm 1968, với mục đích nghi binh cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, kéo quân Mỹ ra khỏi các thành phố thị xã... Bộ Thống soái tối cao quyết định mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Trận đánh đầu tiên của chiến dịch là trận tiến công điểm cao 881 - Nam ngày 20/01/1968.
Tiếp đó, đêm 23 rạng ngày 24/01 (tức ngày 25 Tết) Quân Giải phóng (QGP) tiến công căn cứ Huội San và dự định đêm 26/01 sẽ tiến công cứ điểm Làng Vây - một cứ điểm mạnh của hệ thống phòng ngự Bắc Quảng Trị của Mỹ và Việt Nam cộng hòa (VNCH).
Để chuẩn bị cho trận đánh này, ngay trong đêm 24/01/1968, Đại đội xe tăng 9 của Tiểu đoàn 198 được lệnh cơ động vào vị trí tập kết chiến đấu ở đồi Pê Sai.
Đây là một ngọn đồi nằm cách cứ điểm Làng Vây 6 km về phía nam với nhiệm vụ chi viện cho bộ binh (BB) tiến công trên hướng chủ yếu.
Nói chung, khoảng cách này là quá gần, song vì đặc điểm hướng tiến công này sẽ phải cơ động theo sông Sê Pôn, vả lại nó hết sức bất ngờ với đối phương nên có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa hoàn thiện nên trận đánh bị hoãn lại không biết khi nào mới tiếp tục.
Trước tình huống đó, ban chỉ huy Đại đội xe tăng 9 đứng trước 2 sự lựa chọn: hoặc là nằm lại tại chỗ chờ lệnh; hoặc là cơ động rút ra hậu cứ Ha Shin - Ta Sing cách đó vài chục km. Cả hai phương án này đều có ưu điểm và nhược điểm.
Nếu nằm lại tại chỗ sẽ tiện cho việc sẵn sàng chiến đấu, song cũng rất nguy hiểm vì khoảng cách đến cứ điểm Làng Vây chỉ có 6 km.
Vị trí này nằm trong tầm đạn cối 106,7 mm; ngoài ra không loại trừ sẽ bị máy bay trinh sát hoặc thám báo của đối phương phát hiện ra vì Pê Sai chỉ là một dãy đồi cỏ tranh xơ xác với ít bụi cây lúp xúp.
Với bộ binh hoặc đặc công thì không có vấn đề gì lớn, song đây lại là một đại đội xe tăng thì vấn đề giữ bí mật không đơn giản chút nào.
Ngược lại, nếu cơ động trở ra thì khi có lệnh lại mất công quay vào và cũng không loại trừ trường hợp cơ động nhiều như vậy sẽ làm lộ ý đồ tiến công từ hướng nam lên.
Sau khi bàn bạc nội bộ, ban chỉ huy đại đội quyết định ở lại và thỉnh thị ý kiến cấp trên. Được cấp trên đồng ý, Đại đội xe tăng 9 tổ chức giấu quân ngay tại đồi Pê Sai. Đó là đêm 25 Tết Mậu Thân.
Để giữ bí mật cán bộ chiến sĩ Đại đội xe tăng 9 phải đào 2 vệt xích nhằm mục đích hạ thấp chiều cao của xe xuống, sau đó đánh các vầng cỏ tranh đặt lên thân xe và tháp pháo để ngụy trang.
Những ngày tiếp theo họ ra bờ sông Sê Pôn chặt tre đan thành những cái sọt rồi đánh cỏ tranh vào đó nhằm đảm bảo cho chúng xanh lâu hơn, đồng thời đào thêm hầm ngủ dưới bụng xe.
Các hoạt động khác như nấu ăn, tắm giặt, phơi phóng... cũng tuân thủ hết sức chặt chẽ quy định về giữ bí mật nên đối phương mặc dù ở rất gần và có những phương tiện trinh sát hiện đại song vẫn không phát hiện ra.
Trong lúc đó, ngày Tết cổ truyền của dân tộc đã đến.
... vẫn đón Tết đàng hoàng
Trong điều kiện phải giấu quân bí mật và khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, song Bộ chỉ huy mặt trận và chỉ huy các cấp vẫn chú ý đến việc đón Tết cổ truyền cho bộ đội thật trang trọng và ý nghĩa với khả năng của mình.
Các mặt hàng bảo đảm Tết được bộ phận hậu cần từ hậu cứ Ha Sin - Ta Sing cách đó 30 km chuẩn bị sẵn rồi vận chuyển đến kịp thời trước Tết. Tuy rất ít ỏi, nghèo nàn song cũng làm ấm lòng những người chiến sĩ bởi sự quan tâm của hậu phương.
Về phía cán bộ chiến sĩ trong đại đội cũng hết sức cố gắng chuẩn bị đón Tết bằng sự cố gắng cao nhất của mình.
Các hầm ngủ chật hẹp dưới bụng xe đều được anh em tự trang trí bằng ảnh Bác Hồ lấy ra từ những cuốn sổ tay, bằng các khẩu hiệu tự viết lấy và hoa rừng, hoa dại.
Thậm chí có xe còn viết cả câu đối nữa. Bờ đất trước lối vào hầm xe được lèn chặt rồi “khảm” những viên sỏi trắng lấy từ sông Sê Pôn lên thành những khẩu hiệu và hình hoa lá rất sinh động, đẹp mắt...
Ngày giáp Tết, Đại đội 9 phấn khởi bội phần vì được đón đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh TTG do đồng chí chính ủy Lê Ngọc Quang và tham mưu trưởng Dương Đằng Giang dẫn đầu cùng với lãnh đạo, chỉ huy của Sư đoàn BB 304 đến kiểm tra và chúc tết đơn vị.
Trong giờ khắc thiêng liêng chuẩn bị đón giao thừa, trừ những người phải làm nhiệm vụ còn lại tất cả anh em trong đại đội tập trung tại xe chính trị viên để nghe thư chúc Tết của Bác Hồ với quy định “tuyệt đối giữ trật tự, không vỗ tay, reo hò”.
Giữa màn đêm đen kịt lạnh giá và mù mịt sương mù từ sông Sê Pôn cuộn lên, nhưng lòng ai cũng thấy ấm áp vô cùng khi nghe giọng Bác sang sảng qua chiếc đài bán dẫn của chính trị viên:
“... Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”
Hôm sau, ngay từ sáng Mồng Một Tết toàn đơn vị lại bắt tay vào công tác chuẩn bị chiến đấu.
Với sự giúp đỡ của du kích xã Thanh, xã Thuận họ đã vận chuyển hàng trăm mắt xích, hàng trăm viên đạn pháo và hàng chục bộ bình điện từ Ha Shin - Ta Sing lên để đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt nhất cho xe.
Nhờ giữ được bí mật và chuẩn bị tốt nên đêm mồng 6 rạng ngày 07.02.1968 Đại đội xe tăng 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Đơn vị đã hiệp đồng chặt chẽ cùng bộ binh tiến công cứ điểm Làng Vây trên hướng chủ yếu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của trận đánh và dựng xây lên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng TTG Việt Nam.
Còn đối với cán bộ chiến sĩ Đại đội xe tăng 9 thì cái Tết Mậu Thân 1968 trên đồi Pê Sai đã mãi mãi trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong trái tim mỗi người.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/xe-tang-don-tet-trong-tam-dan-coi-20160213081246757.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét