Thụy Điển có dòng xe tăng không tháp pháo Stridsvagn 103 (hay còn gọi là S-Tank). Xung quanh chiếc xe này có nhiều điều thú vị đến phì cười mà không phải ai cũng biết.
Không tháp pháo thì ngắm bắn thế nào?
Xe tăng S có vũ khí chính là một khẩu pháo L7 cỡ nòng 105 mm song không có tháp pháo. Toàn bộ khẩu pháo được lắp cố định với thân xe.
Nhờ vậy nó tiết kiệm được khoảng không gian của buồng chiến đấu đồng thời rất thuận lợi cho việc thiết kế bộ phận nạp đạn tự động, vừa giảm được thành viên nạp đạn vừa tăng được tốc độ bắn.
Tuy nhiên, khi bị lắp cố định với thân xe thì ngắm bắn cho chính xác là cả một vấn đề. Để giải quyết vấn đề này các nhà chế tạo đã đưa ra những giải pháp sau:
- Ngắm bắn về hướng bằng cách quay cả thân xe về hướng mục tiêu.
- Ngắm bắn về tầm bằng cách điều khiển cơ cấu treo xe để đầu xe ngóc lên hoặc chúc xuống. Cơ cấu treo của xe tăng S có cấu tạo phức tạp hơn so với các xe tăng thông thường.
Hệ thống treo thủy lực - hơi cho phép thay đổi độ nghiêng của thân xe nhờ 4 cặp bánh đỡ nặng. Cặp bánh thứ nhất và thứ ba được gắn vào các cần chủ động, còn cặp bánh thứ hai và thứ tư gắn vào cần kéo theo.
Mỗi cần đều được nối vào pittông của một xilanh thủy lực và xilanh này lại được tiếp tục nối với một xilanh thứ hai chứa một pittông di chuyển ngăn cách chất lỏng thủy lực với chất đàn hồi trung gian, mà trong trường hợp này là khí nitơ.
Bộ phận xilanh của 2 cặp bánh chịu tải nằm chính giữa xe độc lập với nhau và với phần còn lại của hệ thống. Nhưng cặp bánh phía trước và sau được nối chéo trục với nhau.
Cụ thể là bộ phận bánh chịu tải bên phải phía trước được nối với bộ phận bên trái phía sau và mỗi điểm nối thủy lực đều có một bơm có khả năng chuyển chất lỏng từ bộ phận phía trước về phía sau hoặc ngược lại.
Điều này làm thay đổi độ nghiêng của thân xe bằng cách thay đổi sự sắp xếp các cần bánh xe và nhờ vậy có thể nâng khẩu pháo lên tối đa một góc 12 độ và hạ thấp khẩu pháo một góc 10 độ.
Người ta điều khiển quá trình này thông qua một hộp điều khiển khá đơn giản như một cái ghi - đông.
Nếu vặn ghi - đông sang phải hoặc sang trái một góc nhỏ hơn hoặc bằng 23 độ thì hệ thống lái thủy tĩnh làm việc cho phép xe chuyển hướng với bán kính khá lớn phù hợp với cơ động xe.
Nếu vặn ở góc lớn hơn xe sẽ chuyển sang chế độ chuyển hướng hãm, xe sẽ quay tại chỗ để quay pháo được nhanh hơn.
Còn khi vặn tay nắm thì sẽ làm cho xe ngóc lên hoặc chúc xuống. Trên hộp điều khiển còn có các nút chọn đạn và nút cò bắn pháo, bắn súng máy. Với cách ngắm bắn như trên, nhìn chung xe tăng S chỉ có thể bắn chính xác khi dừng tại chỗ.
Tất nhiên, so với các xe tăng hiện đại có máy ổn định vũ khí thì quá trình tác xạ của xe tăng S khó khăn và kém linh hoạt hơn.
Biên chế 3 người nhưng 1 người cũng sử dụng tốt.
Trong biên chế chiến đấu của xe tăng S có 3 thành viên. Ngoài trưởng xe và lái xe kiêm pháo thủ còn một thành viên thứ ba có nhiệm vụ sử dụng điện đài và quan sát phía sau.
Trên xe có 2 bộ điều khiển tương tự nhau đặt trước vị trí của trưởng xe và lái xe kiêm pháo thủ, đảm bảo cho 2 thành viên này có thể riêng rẽ điều khiển được xe và vũ khí.
Tuy nhiên, trách nhiệm chính là của lái xe kiêm pháo thủ, trưởng xe chỉ “cướp quyền” sử dụng khi bất ngờ phát hiện ra những mục tiêu nguy hiểm mà không kịp thông báo cho lái xe.
Vì vậy, trong trường hợp xe chỉ có 1 thành viên trưởng xe hoặc lái xe kiêm pháo thủ cũng có thể phát huy đầy đủ tác dụng của xe và vũ khí trên xe.
Xe chạy lùi tốt không kém gì chạy tiến.
Với nhiệm vụ quan sát phía sau nên ghế của thành viên thứ ba quay về phía sau ngược hướng xe tiến.
Ngoài ra, thành viên này cũng được trang bị một cơ cấu lái xe đơn giản nên khi cần phải lùi thì chính thành viên này sẽ thực hành lái xe. Nhờ vậy, xe tăng S có khả năng chạy lùi tốt không kém gì chạy tiến.
Một xe nhưng lại trang bị những 2 động cơ
Nhằm đảm bảo tiết kiệm chi phí sử dụng, đồng thời hạn chế rủi ro từ động cơ mang lại nên các nhà chế tạo đã tổ hợp trên xe tăng S 2 động cơ khác nhau: một động cơ diesel kiểu xi lanh và một động cơ tuốc - bin khí.
Hai động cơ này kết nối với nhau thông qua một khớp nối thủy lực. Trong trường hợp hành quân đường dài hoặc hoạt động trong điều kiện bình thường người ta chỉ sử dụng động cơ diesel.
Chỉ khi vận hành trong trường hợp có tải lớn mới sử dụng cả hai động cơ. Hai loại động cơ này có ưu khuyết điểm khác nhau và bổ trợ khá tốt cho nhau, đồng thời nó sẽ giảm thiểu khả năng xe bị bất động do hỏng động cơ.
Khả năng sống còn trong chiến đấu tăng lên đáng kể
Do không có tháp pháo nên chiều cao của xe tăng S giảm đáng kể so với xe tăng thông thường (1,9 mét so với 2,4- 2,5 mét). Nhờ vậy diện tích mục tiêu giảm đi đáng kể.
Cộng với sự che chắn của địa hình khả năng bị trúng đạn của xe tăng S giảm khoảng 30% so với xe tăng khác. Ngoài ra, do động cơ được đặt ở phía trước và khoang chứa đạn nằm ở tận cuối xe nên nếu xe có bị trúng đạn thì khả năng sống còn của kíp xe cũng vẫn khá cao.
Không phải xe bơi nhưng vẫn có thể vượt qua sông suối
Xe tăng S có thể tự vượt qua các vật cản nước nhờ một thiết bị phụ trợ đi cùng với xe. Đó là tấm màn nổi có thể thu gọn lại hai bên xe. Tấm màn nổi đã được nước Anh phát triển trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, tăng S là chiếc xe tăng chiến trường đầu tiên được thiết kế để luôn mang theo nó được gấp gọn trong một máng chạy dọc phần phía trên xung quanh thân xe, nơi nó được bảo vệ chống đạn cá nhân và miểng pháo.
Tấm màn được tách đôi ra ở phía trước để có thể bọc quanh nòng pháo vươn dài ra trước và khi tấm màn được nâng lên, chổ tách rời được nối lại bằng kim kẹp.
Toàn bộ công đoạn tốn khoảng 15 phút cho tổ lái để nâng tấm màn lên, cho phép xe tăng S nổi và bơi với tốc độ 5,5km/h. Hiệu ứng đẩy của xích xe trong nước được cải thiện nhờ vào 1 miếng chắn nhỏ gắn vào phía trước băng xích mỗi bên thân xe.
Xe tăng S cũng có thể xuống nước và lên bờ với một độ cao lớn hơn các loại xe bơi khác bởi vì đầu xe và tấm màn có thể được nâng lên nhờ hệ thống treo.
Mặc dù có khá nhiều ưu điểm như nếu trên song do những khó khăn khi ngắm bắn và gần như không có khả năng diệt mục tiêu khi hành tiến nên xe tăng S không được đánh giá cao. Và kết quả là nó chỉ được chế tạo vẻn vẹn có 290 chiếc tại Thụy Điển.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/xe-tang-khong-thap-phao-thiet-ke-buon-cuoi-nhung-cung-thu-vi-20160301161734521.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét