Trước
khi đi bộ đội Nhã đã có vài lần được ra Hà Nội nhưng chưa khi nào đến khu vực
Vân Hồ nên đi được vài chục mét đến một cái ngã tư anh bắt đầu thấy bối rối
không biết đi đường nào. Trời còn quá sớm lại đang có chiến tranh phá hoại nên
đường phố vắng ngắt không một bóng người. Đang bần thần chưa biết quyết định ra
sao thì một chiếc xích lô chạy đến. Người đạp xích lô tấp sát vào chỗ anh đứng
rồi hỏi:
- Anh bộ đội về đâu tôi chở!
Nhìn ông già đạp xích lô có dễ đã gần
sáu mươi tuổi Nhã ngại ngần:
- Bác chỉ giúp cháu đường về Bến Nứa
để cháu đi bộ thôi ạ!
Ông già đạp xích lô tò mò nhìn Nhã từ
đầu đến chân rồi tỏ ra thông cảm:
- Mới ở chiến trường ra hả? Không có
tiền chứ gì?
Nhã bối rối, thực ra anh vẫn còn tiền.
Trước khi ra ngoài này đơn vị đã thanh toán cho hết các khoản phụ cấp nên trong
túi anh bây giờ cũng còn hơn trăm đồng bạc. Nhưng nhìn người đạp xích lô có
tuổi gần bằng bố mình anh không nỡ ngồi lên. Vả lại bộ đội trẻ khỏe như thế này
ngồi xích lô cứ thấy thế nào ấy. Vì vậy Nhã tươi cười:
- Dạ! Cháu có tiền nhưng đi bộ quen
rồi. Bác làm ơn chỉ hộ đường cháu cuốc chỉ một loáng là tới.
Ông già xích lô cười dễ dãi:
- Xấu hổ hả? Ngại hả? Bộ đội các anh
anh nào cũng thế, mấy chục năm đạp xích lô ở cái đất này mà tôi chưa chở được
ai- Ông hạ giọng khẩn khoản- Bây giờ trời còn sớm, không ai nhìn thấy đâu mà
sợ. Cứ ngồi lên đi, tôi đạp ù một cái anh còn kịp đi chuyến xe sớm. Bây giờ cứ
sáng ra là không còn xe nào đâu.
Nhìn trước nhìn sau không thấy ai Nhã
bấm bụng ngồi lên. Ông già đạp xích lô tuy vậy còn khỏe lắm, ông chỉ nhổm người
nhấn bàn đạp mấy cái chiếc xe đã bon bon trên đường. Khi xe đã có đà ông cứ
nhẩn nha vừa đạp vừa nói chuyện, đến lúc ấy Nhã mới biết ông cũng có con trai
đang ở chiến trường. Cũng may cho anh gặp ông nên đến bến xe sớm và đi được
chuyến xe duy nhất trong ngày về quê. Lúc xuống xe Nhã trả tiền ông không nhận,
chỉ cười:
- Tôi chở anh cũng như chở con tôi mà.
Nói mãi không được Nhã đành moi trong
ba lô ra một hộp thịt biếu ông. Đến lúc này ông mới vui vẻ nhận và chúc anh về
nhà nghỉ phép vui vẻ.
Chiếc xe ca chật ních người khởi hành
lúc mờ sáng. Vừa mới lên cầu Long Biên Nhã đã thấy choáng váng trước những dấu
tích của bom đạn để lại trên thân cầu. Lần cuối cùng anh qua đây là hôm được về
phép trước khi đi chiến đấu. Hồi đó cây cầu trông duyên dáng, vững chãi bao
nhiêu thì hôm nay trông tang thương, yếu ớt bấy nhiêu. Cả một đoạn cầu bị đánh
sập phải lắp cầu tạm cứ oằn mình xuống khi mỗi chiếc xe lăn qua, những thanh
giằng thép đứt nham nhở vẫn treo lơ lửng như muốn rơi xuống bất cứ lúc nào.
Nhưng trên những chỗ cao nhất của cầu vẫn thấy thấp thoáng những nòng cao xạ và
bóng những chiếc mũ sắt. Qua Gia Lâm đến Đức Giang rồi Cầu Đuống, chốc chốc lại
thấy một, vài hố bom và những khung nhà cháy. Nhã hiểu rằng không chỉ các anh ở
chiến trường mới ác liệt, gian khổ. Nhân dân ngoài Bắc cũng gian khổ, ác liệt
không kém.
Nhã về đến nhà thì mặt trời đã đứng
bóng, mẹ anh và Hiền vẫn đang ngồi ăn cơm trưa. Mẹ Nhã dang đưa bát cơm lên
miệng thì nhìn thấy anh lừng lững đi vào sân, bà cụ cứ bưng bát cơm thế mà ú ớ
không thốt lên lời. Hiền ngồi phía bên kia nhìn mẹ không hiểu điều gì đang xảy
ra. Chỉ đến lúc cô nhìn theo ánh mắt mẹ ra sân cô mới nhìn thấy Nhã. Cô bỏ vội
bát cơm xuống mâm đỡ lấy bát cơm của mẹ đặt xuống thì Nhã đã vào đến cửa. Đến
lúc này mẹ Nhã mới òa khóc:
- Con tôi! Ôi! Con về đấy hở Nhã?
Nhã sà vội xuống mâm cơm đỡ lấy đôi
bàn tay gày guộc đang đưa ra phía trước của mẹ, khó khăn lắm anh mới thốt lên:
- Mẹ! Vâng, con đã về đây mẹ ạ!- Anh
quay sang Hiền- Em!
Hai gò má Hiền thoáng ửng lên, cô cúi
đầu bẽn lẽn:
- Anh về sao không báo trước gì cả.
Mẹ Nhã vẫn cuống quýt sờ đầu, sờ vai
anh như muốn kiểm tra xem đây có thật là con mình hay không. Nhã liếc nhìn mâm
cơm, một đĩa rau muống luộc, mấy quả cà, một bát cá vụn kho chắc là Hiền tranh
thủ tát vét lúc đi làm đồng. “Đạm bạc quá”- anh nghĩ, trong lòng dấy lên một
nỗi cảm thương vô hạn với mẹ và vợ. Thấy ánh mắt của chồng Hiền vội bê mâm cơm
xuống nhà dưới rồi đứng yên ở đó một lúc cho tĩnh tâm trở lại. Lúc cô quay lên
Nhã đã đỡ mẹ lên giường, anh đang trả lời những câu hỏi tưởng như không bao giờ
hết của mẹ. Hiền đến sau lưng chồng nhẹ nhàng gỡ cái ba lô xuống, cô bảo mẹ:
- Mẹ ơi! Nhà con về thật rồi. Bây giờ
mẹ để anh ấy đi rửa mặt mũi chân tay rồi còn ăn cơm. Chắc nhà con cũng đói rồi.
Mẹ Nhã như chợt nhớ ra:
- Phải rồi! Con xuống ổ gà lấy mấy quả
trứng mà tráng cho nhanh.
Hiền chưa kịp đi Nhã đã bảo:
- Không cần đâu em ạ! Anh cũng không
đói lắm, mà trong ba lô có thức ăn rồi.
Bữa cơm sum họp đầu tiên sau gần bốn
năm xa nhà chưa kịp xong đã thấy tiếng người léo xéo ngoài ngõ, Hiền bảo:
- Chắc bà con thấy anh về sang hỏi
thăm tin tức người nhà đấy mà.
Nhã và vội bát cơm rồi bảo Hiền:
- Thôi, anh đủ rồi. Em cất mâm đi, đun
cho anh siêu nước để tiếp khách.
Suốt buổi chiều Nhã phải ngồi tiếp hét
đợt khách này đến đợt khách khác. Anh phải trả lời đủ loại câu hỏi nhưng nhiều
nhất vẫn là: “có gặp cháu nhà tôi trong ấy không?”. Chiến trường thì mênh mông,
mỗi người một đơn vị nhưng với những người ở nhà thì đều là đi “B”, ai cũng hy
vọng Nhã gặp được con em mình trong đó. Mãi đến khuya hai vợ chồng mới được ở
bên nhau. Khép cánh cửa buồng lại Nhã ôm chầm lấy vợ. Hai tay anh như hai gọng
kìm thép ép chặt tấm thân nóng hổi của vợ vào ngực mình rồi cúi đầu xuống hít
lấy hít để cái mùi da thịt nồng nồng, ngầy ngậy tỏa ra từ cổ, từ ngực vợ. Hiền
cũng vậy. Cô lặng im áp mặt mình vào khuôn ngực rộng của chồng, hai hàng nước
mắt bất giác lã chã rơi. Khi mảng áo trước ngực đã ướt đầm Nhã mới dìu Hiền
ngồi ghé vào mép giường. Bế vợ hẳn lên lòng anh chăm chú nhìn vào gương mặt
mình hằng yêu dấu. Từ lúc về đến giờ có lúc nào anh được ngắm vợ mình đâu! Dưới
ánh đèn dầu đùng đục trông Hiền vẫn chẳng khác ngày xưa là mấy, vẫn khuôn mặt
trái xoan bầu bĩnh ửng hồng, vẫn ánh mắt đằm thắm đến nao lòng. Nhã nâng khuôn
mặt Hiền lên hỏi nhỏ:
- Sao em lại khóc?
Hiền ngúng nguẩy:
- Ghét anh ghê! Đi biền biệt từng ấy
năm trời mà thư từ thì chẳng chịu viết.
- Thế mà đã gần bốn năm rồi, em nhỉ?- Nhã
bần thần nói.
- Một nghìn ngày đêm rồi đấy, ông
tướng ạ!- Hiền gật đầu.
- Một nghìn ngày đêm? Em đếm từng ngày
à?- Nhã ngạc nhiên.
- Chứ không à?- Tay cô vuốt ve mặt, cổ
rồi luồn vào trong ngực áo chồng xoa xoa tấm ngực rộng- Anh có biết không,
những ngày anh đi vắng mẹ toàn vào ngủ với em. May mà có mẹ chứ mình em khéo
chết mất vì buồn.
- Nhưng làm sao em đếm được từng
ngày?- Nhã vẫn băn khoăn không hiểu vợ mình làm sao mà theo dõi được chính xác
đến vậy.
Hiền dụi đầu vào ngực chồng e ấp:
- Anh không cần biết làm gì.
Nhã lật vợ vào trong, anh hổn hển:
- Vậy thì đêm nay sẽ là đêm thứ một
nghìn lẻ một nhé!
Hiền với tay vặn nhỏ ngọn đèn, giọng
cô chợt khàn đi:
- Lần này về là phải có... mới đi nhá!
Mẹ mong cháu lắm rồi đấy!
Mãi sáng hôm sau Nhã mới nhìn thấy
trên bức vách đầu giường có ghim một tờ giấy đã ố vàng chi chít những vạch dấu
bút mực, bút chì như kiểu người ta ghi điểm bóng chuyền, thỉnh thoảng lại điểm
một con số hàng trăm. Anh lại cúi xuống ôm ghì lấy vợ. Còn Hiền thì tươi như
hoa, đôi mắt rạng ngời đầy vẻ mãn nguyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét