Xe tăng có thể vượt qua bãi mìn...
Trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, nhiệm vụ khắc phục các bãi mìn nói riêng và vật cản nói chung thường được giao cho lực lượng công binh. Tuy nhiên, khi cần thiết tự thân xe tăng cũng có thể vượt qua được bãi mìn nếu có thêm một số công cụ bổ trợ.
Bãi mìn là khu vực địa hình được bố trí các loại mìn theo một quy cách nhất định, là một bộ phận quan trọng trong hệ thống vật cản nhằm ngăn chặn bước tiến của các lực lượng đối phương.
Thường thường, bãi mìn được bố trí trước tiền duyên, hai bên sườn hoặc trong chiều sâu trận địa phòng ngự, trong trường hợp dự đoán được hành động của đối phương thì có thể bố trí trên đường cơ động.
Có nhiều loại bãi mìn khác nhau tùy theo quy cách, kiểu loại mìn hoặc cách gây nổ mìn như: bãi mìn chống bộ binh, bãi mìn chống tăng, bãi mìn hỗn hợp, bãi mìn có điều khiển v.v...
Quy cách này được xác định căn cứ vào mục đích bố trí và lực lượng của đối phương.
Mìn chống tăng hiện nay đã tương đối phát triển và có nhiều chủng loại khác nhau từ khối lượng thuốc nổ, kết cấu khối thuốc nổ, phương thức gây nổ... Tuy nhiên, thông dụng và phổ biến nhất là loại mìn “đè nổ”, có khối lượng thuốc nổ mạnh 5- 12 kg.
Mìn thường được chôn sâu dưới đất khoảng 30 cm, khi xe tăng đè lên sẽ kích nổ. Đối với xe tăng hạng nhẹ, mìn này có thể làm thủng bụng xe và gây thương vong cho kíp xe.
Đối với xe tăng hạng trung, hạng nặng thì sẽ làm đứt xích, bay bánh đỡ nặng, biến dạng đáy xe... làm xe mất sức chiến đấu. Những loại mìn có trọng lượng thuốc nổ trên 10 kg có thể làm thủng bụng xe tăng hạng trung.
Để khắc phục các bãi mìn này, lực lượng công binh thường dùng các biện pháp gỡ mìn hoặc phá mìn bằng thuốc nổ.
Khi phát hiện được vị trí quả mìn, chiến sĩ công binh có thể đào nó lên rồi vô hiệu hóa hoặc áp thuốc nổ vào cho nổ để kích nổ mìn. Cũng có trường hợp dùng bộc phá ống để phá đồng loạt.
... nhưng bằng cách nào?
Trường hợp không có công binh khắc phục các xe tăng có thể tự khắc phục bãi mìn nhờ các phương tiện bổ trợ sau:
1. Sử dụng con lăn phá mìn: Đó là bộ 2 cụm con lăn chuyên dụng, bao gồm các con lăn bằng thép lắp ghép với nhau và được lắp vào đầu xe tăng mở đường ở phía trước 2 vệt xích.
Phía sau cụm con lăn là các lưỡi dao. Nối giữa 2 cụm con lăn là một dây xích được bọc trong ống thép.
Khi chạy, xe tăng đẩy 2 cụm con lăn tới trước. Nếu gặp mìn hai con lăn này sẽ đè lên chúng và gây nổ. Các quả mìn không nổ sẽ bị các lưỡi cắt phía sau đẩy ra hai bên.
Dây xích nối giữa 2 cụm con lăn sẽ gây nổ đối với những quả mìn có ngòi nổ kích nổ bằng cần gạt. Nhờ vậy, hai vệt đường phía trước 2 vệt xích với chiều rộng 730- 810 mm sẽ được “làm sạch”. Tốc độ phá mìn: 6- 12 km/h.
Nhờ kết cấu có các bản lề nên khi mìn nổ con lăn không bị phá hủy mà chỉ bị hất tung lên rồi lại rơi xuống tiếp tục làm nhiệm vụ. Mỗi cụm con lăn có thể chịu được 4- 12 lần nổ mìn tùy thuộc vào loại mìn. Thời gian lắp bộ con lăn phá mìn khoảng 30- 40 phút.
Thời gian tháo toàn bộ 8- 13 phút. Trường hợp cần thiết có thể tự động tháo bỏ 2 cụm con lăn chỉ bằng 1 nút bấm mà không phải ra ngoài xe.
2. Sử dụng thiết bị gạt mìn:
Đó là 2 cụm lưỡi gạt bằng thép có nhiều răng, có hình dạng giống lưỡi cày máy có hướng xoắn ra phía ngoài và được lắp vào đầu xe phía trước 2 vệt xích.
Hai lưỡi gạt này sẽ cày sâu vào lòng đất phía trước 2 băng xích khoảng 30 cm và hất các quả mìn được bố trí dưới đó ra phía ngoài. Chiều rộng dải đường được “làm sạch” là 600 mm. Tốc độ quét mìn: 6- 12 km/h. Thời gian tháo lắp khoảng 15- 20 phút.
3. Sử dụng bộc phá ống: Đây là loại bộc phá ống chuyên dụng, được nhồi trong các ống nhôm dài 1 mét, hai đầu có “ren”.
Khi dùng, người ta nối chúng lại với nhau thành ống dài tương đương chiều dài bãi mìn, sau đó liên kết 3 ống lại với nhau theo hình tam giác: 2 ống ở dưới, 1 ống ở trên, phía đầu ống có bánh xe dẫn hướng.
Cả khối này được 1 xe tăng đẩy vào bãi mìn và kích nổ. Sức nổ của khối bộc phá này sẽ kích nổ tất cả các loại mìn trong chiều rộng 2- 2,5 mét tính từ tâm ra.
Tuy nhiên, không phải xe tăng nào cũng có thể làm được nhiệm vụ trên. Chỉ có các xe được gia công những hàng ốc cỡ lớn ở tấm giáp trước phía dưới mới đảm đương được nhiệm vụ đó. Tỷ lệ các xe đó trong đội hình thông thường là 1- 2 xe/ đại đội.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/chuyen-gia-viet-nam-gap-bai-min-xe-tang-van-co-the-vuot-qua-20160401154758495rf20160401154758495.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét