Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 21


Tiểu đoàn trưởng Trác lại từ “108” sang, anh mang theo một tin vui là người anh em “xê Ba” cùng tiểu đoàn đã vào đến nơi và đang tiếp quản khu vực trú quân tại hậu cứ “108” của họ. Để vào đến đây “xê ba” đã phải mất hơn hai tháng trời và cũng phải bỏ lại dọc đường hai chiếc xe: một vì hỏng và một bị đổ. Nghe tin này ai cũng phấn khởi vì ít ra họ cũng có một người anh em gần gũi ở bên, không còn “đơn thương độc mã” nữa, có vấn đề gì còn chi viện, giúp đỡ lẫn nhau. Hỏi Trác sao mãi chưa được đi đánh nhau anh buồn buồn:
- Đưa các cậu vào đây rồi ai chả muốn dùng nhưng thời cơ chưa đến thì đành phải chịu thôi. Ngoài Quảng Trị sau khi chiếm được Đông Hà cứ tưởng sẽ phát triển thuận lợi, nào ngờ có mỗi cái thành cổ Quảng Trị mà giành đi giật lại hàng mấy tháng không phân thắng bại. Các cậu có biết người ta gọi chỗ đó là gì không? Là “cối xay thịt” đấy! Mà ngoài đó chưa qua được chỗ ấy thì các cậu cứ việc nằm đây mà chờ.
- Thế thì chờ đến bao giờ?- Đại đội trưởng Thận nôn nóng.
- Cậu tưởng chỉ mình cậu nóng ruột thôi à? Cấp trên còn nóng gấp mấy ấy chứ! Tớ thì lo nhất mùa mưa này mà vẫn phải nằm ở đây thì gay go đấy. Thấy những ánh mắt ngạc nhiên của mọi người ông giải thích, các cậu mới vào nên chưa biết thế nào là mùa mưa ở đây. Khủng khiếp lắm, mưa triền miên, “thối đất thối cát”. Các phương tiện vận tải không chạy được, nguồn tiếp viện từ Bắc vào bị gián đoạn, thiếu từ hạt gạo thiếu đi. Thế cho nên trong này mới có câu: “bao giờ mùa nắng, ta thắng Mỹ thua; chờ đến mùa mưa, ta thua Mỹ thắng”. Các cậu cũng phải có kế hoạch đối phó dần đi, củi khô tích trữ cho nhiều vào. Gạo, muối bây giờ dù tiêu chuẩn có thấp vẫn phải tiết kiệm dành ra một lượng dự trữ chứ không đến lúc hết tất thì cháo cho người ốm cũng không có. Còn sốt rét nữa, nó cũng thường phát tác vào mùa mưa nên nhắc anh em phải hết sức giữ gìn.
Mấy anh em nhìn nhau. Quả thật, lần đầu ở chiến trường này họ chưa hiểu hết những vấn đề tưởng như đơn giản mà lại vô cùng phức tạp ấy, Thận ghé tai Đán nói nhỏ:
- Có lẽ ta phải có một nghị quyết chuyên đề về mùa mưa này thôi.
Tiểu đoàn trưởng cũng mang sang một quyết định của Đảng ủy tiểu đoàn phê chuẩn về việc kết nạp đoàn viên Nguyễn Bá Tùng vào Đảng.

Chiều hôm sau chính trị viên Đán triệu tập cuộc họp cấp ủy để thông qua nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo đơn vị trong mùa mưa sắp tới, ngoài ba người trong cấp ủy anh còn mời tiểu đoàn trưởng Trác đến tham dự. Đã dạn dày kinh nghiệm ở chiến trường này Trác đã đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu cho nghị quyết. Trước hết là vấn đề sẵn sàng chiến đấu, trong mùa mưa không loại trừ việc địch “nống” ra, nếu không xuất xe được phải sẵn sàng tác chiến bằng bộ binh. Thứ hai là công tác phòng gian giữ bí mật, cần tiếp tục củng cố ngụy trang cho kín đáo, tăng cường canh gác, hạn chế tiếp xúc với người lạ. Thứ ba, về bảo đảm sức khoẻ bộ đội, phải có quy định về việc ngủ màn, mang tất và uống thuốc phòng sốt rét. Thứ tư, về công tác kỹ thuật vẫn phải duy trì đều đặn để giữ vững sức chiến đấu, hàng tháng phải tiến hành nạp điện bổ sung cho bình điện, hàng tuần dành một ngày bảo dưỡng xe. Thứ năm, về công tác hậu cần phải tích trữ đủ củi khô, tăng cường dự trữ các loại lương thực thực phẩm. Trong đó chú trọng cá khô, măng khô, sẵn sàng tổ chức tiếp nhận lương thực thực phẩm trên cấp.
Nghe tiểu đoàn trưởng nói mọi người vỡ ra nhiều điều. Quả thật chẳng có gì dạy người ta nhanh bằng thực tiễn cuộc sống. Rời binh chủng từ năm 65 đến nay Trác liên tục chiến đấu ở quân khu Trị Thiên. Mặc dù là sĩ quan xe tăng nhưng từ lúc vào đây anh đã được phân công làm rất nhiều công việc khác nhau chẳng liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo, nhưng với bản lĩnh của một cán bộ được đào tạo cơ bản anh luôn hoàn thành nhiệm vụ. Về phía mình từ khi nhận được tin sẽ có một tiểu đoàn xe tăng vào trực thuộc quân khu Trác mừng lắm, khi được cử làm tiểu đoàn trưởng anh sung sướng đến nghẹn ngào, về với anh em xe tăng Trác như được về với mái nhà mình. Nhưng anh cũng biết lính xe tăng là loại “lính cậu”, khi vào chiến trường thường bỡ ngỡ nhiều nên có chút kinh nghiệm nào anh cũng dốc hết “ruột gan” ra để truyền đạt lại.

Thấy đại đội trưởng đi họp, ở xe cũng chẳng có việc gì Tùng bảo Thái:
- Mấy hôm nay thực phẩm cạn cả rồi. Tớ đi kiếm cá ăn đây!
Nói rồi Tùng vớ cái túi phòng hóa đựng lỉnh kỉnh đồ nghề bắt cá mở ra kiểm tra: đoạn dây câu bằng dây mìn vướng đã buộc sẵn lưỡi câu, nếu cần chỉ chặt một cành cây là sẽ có một bộ cần câu. Mấy thỏi bộc phá, dây cháy chậm, kíp nổ. Bộ đồ nghề bắt cá chình là cái thông nòng AK mài nhọn được buộc đoạn dây điện thoại chập ba vào làm dây kéo. Kiểm thấy đủ rồi Tùng đậy nắp túi lại rồi khoác lên vai, vừa đi vừa huýt sáo sang phía xe 380 gọi Tuyết, thằng bạn đồng hành trong những cuộc săn tìm thủy sản của cậu ta rồi hai thằng đi ra bờ sông.
Nghĩ đến việc bắt cá chình Tùng thấy vui vui. Theo đúng hướng dẫn của người công binh hôm trước cậu lấy cái thông nòng AK mài nhọn rồi đem uốn cong thành một cái móc, chập ba đoạn dây điện lại buộc vào làm dây kéo. Lần đầu tiên đi thử Tùng kéo cả mấy pháo hai đi, mang theo một đống chăn màn. Cả bọn chọn chỗ lòng sông chia làm hai dòng lấy đá xếp lại rồi phủ chăn màn lên thành một cái đập ngăn một dòng lại. Nước bị chặn lại dồn hết về dòng bên kia, dòng bên này dần cạn phơi ra những hốc đá là nơi trú ngụ của bọn cá chình, chú ý quan sát các hốc đá sẽ phát hiện ra chỗ nó đang ở. Tùng bảo mấy pháo hai lấy quần áo nhét kín các hốc không cho cá chui ra, chỉ chừa đúng một hốc để đặt cái móc vào đó. Cởi hết cả quần dài, áo lót rồi mà vẫn chưa nút kín Tùng hét: “cởi nốt ra, sợ gì” rồi gương mẫu tụt luôn quần đùi ra, bọn pháo hai nhìn anh tồng ngồng cứ lăn ra cười nhưng sau cũng cởi nốt quần ra nhét vào mấy cái hốc còn lại. Con cá chình trong hang có vẻ bức xúc cứ lượn đi lượn lại, đợi đến lúc nó lượn qua chỗ đặt cái móc câu Tùng giật mạnh cái móc, da cá chình vốn dai nên nếu đã móc vào là ăn chắc. Mấy anh em xúm lại cùng kéo, con cá cũng lên hết gân cốt trì néo lại nhưng không trụ nổi, cuối cùng đành thua cuộc và chỉ còn biết giãy dụa một cách bất lực dưới cái móc. Bắt được cá cả bọn nhảy tưng tưng hò reo vang một khúc sông. Tùng cầm con cá cứ cười ngặt nghẽo. Cả bọn cúi xuống nhìn mới nhớ ra tất cả đều đang tồng ngồng vì quần áo đã lột hết ra để bịt hốc đá. Vui thật!
Sau vài lần như vậy trình độ bắt cá của anh em Tùng nâng lên rất nhiều. Chúng chẳng cần chặn sông nữa mà chỉ cần ngụp xuống sờ, xác định có cá trong hốc là mang theo móc xuống lừa nó một lúc thế nào cũng bắt được. Cá bắt được nhiều nên mỗi trung đội cũng sấy được vài cân để dành. Nhưng sự đời trớ trêu, thứ gì dù có ngon đến đâu ăn mãi cũng chán nên hôm nay Tùng định đổi món, cậu quyết định đánh một mẻ “bộc phá tiến công” để về nấu bữa canh chua.
Đến điểm đã định hai tên dừng chân, Tùng lấy đồ nghề ra bắt đầu tra dây cháy chậm vào kíp và cắt, Tuyết lấy dao chặt nhỏ bánh bộc phá ra thành từng mẩu bằng ngón tay, sau đó đem buộc kíp vào. Xong xuôi mọi thứ Tùng xếp bốn thỏi bộc phá thành hàng ngang sát bờ sông, cậu ta bảo Tuyết:
- Ông ra đằng kia nấp đi! Để đó tôi làm.
Rất tự tin Tùng bật lửa và nhanh nhẹn châm dây cháy chậm thỏi thứ nhất rồi đặt xuống chỗ cũ. Châm thỏi thứ hai, thỏi thứ ba xong cũng đặt xuống. Thỏi thứ tư châm xong Tùng ném luôn xuống mặt sông rồi cúi nhặt thỏi thứ ba, thỏi thứ hai ném xuống. Đến thỏi thứ nhất cậu ta vừa định ném thì bộc phá nổ, Tùng ngã dúi xuống sông.
Thấy Tùng gục xuống Tuyết chồm dậy định chạy lại. Bước được mấy bước  nhìn thấy Tùng nằm bất động trên mặt nước, cậu ta nghĩ bụng: “Tùng chết rồi”. Bước chân Tuyết chậm lại, một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu: “thôi thì đằng nào nó cũng chết rồi, mình mà kéo nó lên thì mình cũng chết”. Nghĩ đến đây Tuyết quay đầu chạy một mạch về xe, chui vào hầm và kéo chăn chùm kín đầu.
Khi chớp lửa nháng lên ngay trên tay Tùng ngất đi không biết gì nữa và nhào xuống nước. Nước sông mát lạnh làm cậu tỉnh lại nhưng không thể nào cử động được. Mãi đến khi không thở được Tùng mới cố ngóc cái đầu khỏi mặt nước hớp lấy vài ngụm không khí rồi từ từ bò dậy. Nhìn bàn tay phải tướp ra không còn tý thịt da nào đầu cậu chỉ có một ý nghĩ: “thế là hết rồi Tùng ơi” rồi gục xuống.
Mãi chiều tối Tùng mới lê bước về đến xe. Mặc cho mọi người hỏi han, băng bó Tùng vẫn lặng thinh như một thằng câm cho đến lúc được đặt lên võng đưa đi quân y viện cậu mới nói độc một câu:
- Em xin lỗi các thủ trưởng, xin lỗi tất cả anh em!
Nhìn theo cái võng đi xa dần chính trị viên Đán than:
- Sao em dại dột thế, Tùng ơi! Quay sang đại đội trưởng Thận anh nói nhỏ, lại phải đề nghị hủy quyết định kết nạp Đảng của cậu ấy thôi, anh Thận ạ.
Đại đội trưởng Thận không nói gì, mắt anh như đang nhìn về một nơi nào đó rất xa, một chiến sĩ nữa của anh lại phải xa rời cuộc chiến đấu này vì những lý do chẳng đâu vào đâu.
 
Chẳng hiểu vì lẽ gì mà mùa mưa năm nay ở Tây Huế lại đến sớm hơn mọi năm. Mới sang tháng Tám mà đã có dấu hiệu bắt đầu mùa mưa, bầu trời thường ngày trong xanh đã chuyển sang màu xám xịt, những đám mây đen mọng nước nặng nề như muốn sà thấp xuống núi rừng báo hiệu một mùa mưa dữ dội. Nhìn lên bầu trời u ám ấy những người đã sống và chiến đấu lâu năm ở chiến trường Trị Thiên đều lắc đầu ngán ngẩm. Mùa mưa đối với họ là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đó là đói, là rét, là địch nống ra, là lũ quét, là tắc đường, là sốt rét… và trăm thứ bà rằn khác nữa mỗi khi mùa mưa đến. Chả thế mà ở đây đã lan truyền bài đồng dao tếu táo song cũng rất hiện thực: “Bao giờ mùa nắng; Ta thắng Mỹ thua; Còn đến mùa mưa; Ta thua Mỹ thắng…”. Trong khi đó, so với các chiến trường khác mùa mưa ở Trị Thiên dai dẳng và dữ dội hơn nhiều.
Tại sao vậy? Câu trả lời đầu tiên là do địa thế.
Nhìn vào bản đồ Việt Nam, dải Trường Sơn với chiều cao trung bình gần hai nghìn mét như một bức trường thành nằm ở phía Tây. Nó ép những làn gió lạnh của khối cao áp phương Bắc tràn về chạy dọc theo sườn Đông của nó, khi gặp áp thấp mang đầy hơi nước theo những làn gió Đông Nam từ đại dương thổi vào sẽ tạo thành mưa. Càng vào miền Trung Trường Sơn càng lấn ra gần biển. Cao áp phương Bắc và thấp áp đại dương càng dễ có điều kiện hội tụ với nhau và càng dễ gây mưa, giá như không có cái đèo Hải Vân thì lượng mưa sẽ rải đều xuống dưới. Nhưng Trường Sơn lại tham lam quá, nó chồm hẳn ra biển bằng dãy Bạch Mã với con đèo Hải Vân cao ngất. Cao áp Bắc phương chạy theo sườn Đông của nó đến đây bị chặn lại tạo thành vùng quẩn, trong khi đó gió biển đầm đìa hơi nước vẫn hào phóng thổi vào làm cho nơi này trở thành cái “rốn mưa”.
Ngoài ra, còn một lý do khác! Những nhà cầm quân người Mỹ đã biết mùa mưa đáng sợ thế nào đối với Quân giải phóng nên luôn coi nó là đồng minh. Và vì thế, với sức mạnh của một nền khoa học hàng đầu thế giới đã nghiên cứu chế tạo ra một thứ hóa chất gây mưa đem rải xuống nơi đây để kích thích cho những cơn mưa dữ dội hơn, cho mùa mưa kéo dài hơn. Không biết thực hư thế nào nhưng quả thật những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 mùa mưa ở đây dai dẳng nhất trong lịch sử.
Cứ thế, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác suốt mấy tháng trời, mưa đến thối đất thối cát, mưa làm ẩm mốc mọi thứ, mưa biến suối thành sông, biến sông thành đại trường giang. Quần áo chẳng có chỗ phơi phải hong trên bếp lửa lúc nào cũng khét mù mùi khói. Mưa làm sạt núi lở đường, mọi hoạt động vận tải cơ giới trên các tuyến đường bị đình trệ, tất cả phải thay bằng đôi vai… Trong màn mưa dai dẳng ấy chỉ có lũ muỗi, vắt là nhởn nhơ, còn con người như cũng nát nhủn ra.
Con sông Bồ mùa khô chỉ nhỉnh hơn dòng suối, nước trong văn vắt hiền hòa chảy nay chỉ sau mấy trận mưa đã trở thành một con sông hung dữ, dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy cuốn theo đủ thứ nó gặp trên đường. Cái ngầm 17 mới hôm nào lội qua nước chỉ ngang đầu gối nay có to gan đến mấy cũng chẳng dám lội qua, đội hình trú quân của đại đội đã bị cắt ra làm hai.

Dưới giàn ngụy trang tự nhiên bằng giang, mấy tấm bạt truyền động và ny lon vỏ bao gạo được giăng ra tạo cho trung đội Hai một chỗ sinh hoạt chung tương đối khô ráo và kín đáo. Còn ở trung đội Một chỉ có cái hầm và toen hoẻn tý cửa hầm được che chắn là khô, còn ở đâu cũng ướt át, nhớp nháp đến ghê người.

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 20



Đầu giờ chiều Thận bảo Đạt đi gọi các cán bộ lên hội ý. Cuộc hội ý chớp nhoáng diễn ra ngay bên vệ đường cách chỗ Tình hy sinh chỉ mấy bước chân, anh đi thẳng vào vấn đề:
- Chỉ trong hai ngày vừa qua chúng ta đã mất hai đồng chí, nghiêm khắc kiểm điểm lại tôi cho rằng chúng ta đã có phần chủ quan trước khi cơ động sang đường 12 này. Có một đặc điểm mà tôi xin nhắc lại là đại đội ta đa phần là trẻ, hầu hết mới lần đầu tiên vào chiến trường cho nên sẽ có nhiều cái rất bỡ ngỡ. Vì vậy như đồng chí Trác tiểu đoàn trưởng đã nói hôm trước là với trách nhiệm và kinh nghiệm của mình chúng ta phải hướng dẫn cho anh em từ những cái nhỏ nhất trở đi. Đã đành rằng không ai học hết chữ ngờ, không ai lường hết được những tình huống sẽ xảy ra để tìm cách đối phó trước nhưng nếu ta dự kiến trước được càng nhiều sẽ càng tốt. Tôi đề nghị từ nay các trung đội trưởng cần quản lý bộ đội chặt chẽ hơn, trước khi giao nhiệm vụ làm bất cứ việc gì cũng phải quán triệt, nhắc nhở để anh em thận trọng hơn. Tuổi trẻ thường vô tư, nhiều khi chủ quan, bốc đồng nên chính chúng ta chứ không còn ai khác phải làm cái tay lái, cái phanh cho anh em.
Đến lượt chính trị viên Đán:
- Những vấn đề đồng chí Thận nêu tôi hoàn toàn nhất trí, anh em chiến sĩ trong đại đội ta nhìn chung mới trên dưới hai mươi tuổi, hầu hết vừa rời ghế trường phổ thông hoặc giảng đường đại học để vào bộ đội. Tri thức thì họ có nhưng kinh nghiệm chiến trường thì rất nghèo nàn, nếu cứ để thực tiễn dậy họ thì chúng ta sẽ còn phải trả giá đắt. Vì vậy tôi đề nghị chúng ta cần nêu cao trách nhiệm người cán bộ, đảng viên trong công tác quản lý, chỉ huy bộ đội, cố gắng đến mức cao nhất để hạn chế đến mức tối thiểu sự hy sinh của đồng đội chúng ta cũng như bản thân chúng ta.
Mọi người trao đổi thêm với nhau một số tình hình ở đường 12 và khu vực trú quân sắp tới, sau đó Thận kết luận:
- Như vậy chúng ta đã thống nhất ý kiến với nhau và tôi xin được kết luận thế này: chúng ta phải coi cuộc hành quân vào đường 12 và trú quân tại vị trí này là một cuộc chiến đấu thực sự nên tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. Chúng ta phải đảm bảo sẵn sàng chiến đấu 24 trên 24 giờ đồng thời phải biết tận dụng mọi điều kiện để tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội. Từ nay chúng ta phải đẩy mạnh các biện pháp sau: một là phải tăng cường công tác quản lý bộ đội trong mọi tình huống, mọi nhiệm vụ, cử anh em đi đâu phải phân công người phụ trách. Hai là phải hướng dẫn cho anh em cách phát hiện và phòng tránh các loại vũ khí của địch, cách tổ chức sinh hoạt ở gần địch. Ba là phải liên hệ chặt chẽ với các đơn vị bạn trên địa bàn để tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết. Về biên chế tôi quyết định đồng chí Tùng sẽ về xe tôi làm pháo thủ thay đồng chí Tình. Nếu các đồng chí không có ý kiến gì nữa thì ta kết thúc ở đây
Mọi người lặng lẽ về xe, nét mặt ai cũng lộ rõ vẻ lo âu, căng thẳng.

Vị trí trú quân của mới của đại đội nằm hai bên bờ sông Bồ, con sông bắt nguồn từ sườn Đông Trường Sơn đổ xuống vùng đồng bằng Thừa Thiên Huế nên lượng nước hai mùa thay đổi rõ rệt. Có thể nói suốt dọc con đường 12 từ Bốt Đỏ đến Động Tranh không thể tìm ra chỗ trú quân nào tốt hơn cho một đại đội xe tăng như ở đây: địa hình tương đối bằng phẳng, cây cối um tùm, lại sẵn nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và công tác kỹ thuật. Tuy nhiên có một điều bất lợi là gần địch quá, đây chỉ cách Động Tranh hơn mười cây số. Theo chiến thuật xe tăng thì nơi này nên được chọn là vị trí tập kết trước chiến đấu chứ không nên là nơi trú quân lâu dài. Nhưng tình thế bắt buộc không còn chỗ nào hơn nên Trác và  Thận vẫn quyết định chọn đây làm nơi trú quân ngay từ khi đi trinh sát thực địa cách đây gần một tháng, khi thời cơ sử dụng xe tăng đến thì chính đây sẽ là vị trí tập kết trước chiến đấu luôn. Lựa chọn như vậy nhưng trong thâm tâm Thận rất lo. Lo nhất là nếu phải ở đây lâu dài thì làm sao giữ được bí mật vì đây rất gần địch, nếu bọn chúng nống ra sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là nếu để không quân địch phát hiện và đánh phá thì không có đường nào mà rút nữa.
Công việc trước tiên cần được tiến hành lại là làm hầm, hầm người, hầm xe, hầm sinh hoạt chung, hầm bếp v.v… Cái điệp khúc vô cùng nhàm chán và mệt mỏi đối với mỗi người lính chiến trường nhưng chẳng ai dám lơ là lại diễn ra. Đối với lính xe tăng thì đỡ khẩn trương hơn vì còn dựa dẫm vào xe, chưa có hầm còn chui vào xe mà ngủ được nhưng khối lượng công việc lại nhiều hơn vì ngoài làm hầm cho người còn phải đào hầm cho xe.
Sau cái chết của Tình anh em trong đại đội đã cảnh giác và thận trọng hơn nhiều, trước khi lội vào những chỗ còn nghi ngờ đã biết dùng cây sào dài để khua hay ít nhất cũng là vài vốc đất đá được ném vào trước. Cẩn thận vậy đấy nhưng những quả mìn vướng nổ tinh quái của Mỹ vẫn lấy đi sinh mạng của lái xe Lược và làm mấy chiến sĩ nữa bị thương. Tuy nhiên, cuộc sống chiến trường cũng đã dậy cho họ nhiều bài học mà khi đào tạo ở nhà trường họ chưa bao giờ biết đến.
Chỉ sau một tuần vị trí trú quân đã ổn định xong. Ở trung đội Một những bụi le đánh trồng trên nóc hầm ngủ và thành hầm xe được tưới nước đều đã bắt đầu bén rễ và xanh tốt trở lại, đi ngang qua nếu không để ý sẽ không biết sau những lùm cây xanh tốt ấy là cả một chiếc xe tăng. Còn ở trung đội Hai mọi việc thuận lợi hơn nhiều, những bụi giang hàng trăm cây đan vào nhau làm thành một dàn ngụy trang thiên nhiên cực kỳ kín đáo.
 Trác lại từ quân khu xuống mang theo một quyết định của Bộ Tư lệnh quân khu: thành lập tiểu đoàn xe tăng trực thuộc quân khu Trị Thiên mang phiên hiệu Tiểu đoàn 408. Tiểu đoàn gồm hai đại đội: đại đội xe tăng Bốn và đại đội xe tăng bơi nước Ba đang trên đường hành quân vào. Ban chỉ huy gồm có: tiểu đoàn trưởng Nguyễn Bá Trác, chính trị viên Phạm Công Đính và tiểu đoàn phó Phạm Ngọc Bảng đang đi cùng đại đội Ba, Hiển trở về trung đoàn nhận nhiệm vụ mới. Đi theo tiểu đoàn trưởng Trác xuống là một số cán bộ, chiến sĩ thông tin, công binh, quân y hình thành nên bộ  phận “dê bộ” để giúp việc. Chiếc xe “Vọt tiến”, tổ đài 15 oát và tổ thợ đi cùng “xê bốn” cũng được rút về “dê bộ”.

Cứ tưởng vào đây rồi được đi đánh nhau ngay, nào ngờ cấp trên vẫn chưa dùng đến vì thời cơ chưa thích hợp nên cứ phải chờ. Tiêu chuẩn thì vẫn hạn hẹp như vậy, lượng dự trữ giấu được hôm kiểm kê cũng đã hụt đi nhiều nên các trung đội lại phải tổ chức các tổ cải thiện để bảo đảm đời sống cho anh em.
Con sông Bồ trở thành cứu tinh cho cuộc sống những người lính nơi đây. Mặc dù đang là mùa khô sông vẫn khá nhiều nước, hai bên bờ dòng nước trong mát cũng là những khu vườn vô tận để hàng ngày lính ta gùi về hàng tải rau dớn, rau tàu bay, môn thục và măng lồ ô… Dưới sông từng đàn cá nhởn nhơ bơi lượn ngày đêm trở thành mục tiêu săn bắt của các tay “sát cá”. Chỉ với cái cần câu con con mà dây cước là dây mìn vướng, lưỡi câu là sợi dây thép niêm mài nhọn chịu khó ngồi một hai tiếng cũng có thể kiếm vài con cá về nấu bữa canh chua làm cho đời sống chiến trường tuy tiêu chuẩn eo hẹp nhưng cũng không đến nỗi nào. Nổi tiếng “sát cá” trong đại đội là “nhà thơ” Nguyễn Bá Tùng.
Từ ngày bốn đồng đội ở xe 388 hy sinh Tùng lặng lẽ hẳn đi, cậu lao vào bất cứ công việc gì dù nặng nhọc, khó khăn đến đâu cũng không một lời kêu ca, phàn nàn. Có cảm tưởng như Tùng muốn làm thay công việc cho cả bốn người anh em của mình. Lúc nào rỗi việc cậu cũng chẳng đi đâu chơi chỉ ngồi trầm ngâm một mình rồi lại giở cuốn sổ tay ra ghi ghi, chép chép. Từ hôm Tình chết được điều về làm pháo thủ xe đại đội trưởng Tùng có vẻ phấn khởi lên một chút chắc vì không còn cảm giác là “người thừa”, cậu ta thực hiện rất tốt vai trò một pháo thủ xe đại đội trưởng. Lúc rỗi rãi thay vì việc ngồi trầm ngâm một chỗ Tùng lại vác cần câu và cầm cuốn sổ ra bờ sông, chọn chỗ khuất nẻo ngồi nhẫn nại và lúc về thế nào cũng xách theo vài con cá.
Chiều ấy xong việc Tùng lại ra bờ sông như thường lệ, cậu chọn một chỗ khuất nẻo sau một gộp đá nhô ra lòng sông để ngồi câu. Ngồi đây Tùng có thể tự do thả hồn theo những vần thơ mà chẳng ai để ý. Chính cái gộp đá ấy đã cứu Tùng thêm một lần nữa. Không biết phát hiện được gì ở thượng nguồn sông Bồ mà một đợt B52 tọa độ đã được ném xuống đây. Đang ngồi chăm chú theo dõi cái phao Tùng chỉ nghe những tiếng rít gió qua đầu, phản xạ tự nhiên giục Tùng nép mình vào gộp đá trước khi một quả bom nổ cách cậu chỉ vài chục mét. Dứt đợt bom Tùng nhổm lên nhìn về phía đại đội mình thấy không có biểu hiện gì của bom đạn, Hóa ra chúng đánh phía thượng nguồn, quả bom rơi gần nó chỉ là “bom rớt”. Cậu vội vàng thu xếp đồ nghề định chạy về xe.
Nhưng trong cái không may lại có cái may. Vừa đứng dậy cậu bỗng nhìn thấy cá nổi trắng cả sông, những con cá đang ngắc ngoải cố dướn mình lên ngớp ngớp lấy chút không khí trên mặt nước. Tùng chạy vội về xe hô cả bọn ra vớt cá, hôm ấy cả đại đội vớt được đến ba, bốn xô cá, con nào con ấy vỡ hết bong bóng. Nghe Tùng kể chuyện, Thận bảo:
- Cậu thế là “cao số” đấy! Nhưng đừng thấy thế mà chủ quan, “quá tam ba bận” thôi.

Không biết do cá dưới sông ngày một ít đi hay chúng khôn ra mà càng ngày càng ít cắn câu. Đã mấy ngày nay xách cần đi rồi lại về không, Tùng bàn với Liên và Tuyết kỹ thuật viên:
- Bom đánh cá chết thì chắc thuốc nổ, lựu đạn nó cũng chết chứ! Hôm nào ta đánh thử đi!
Tuyết đồng tình:
- Hồi ở quê tớ cũng thấy người ta đánh cá bằng thuốc nổ rồi, có gì lạ đâu.
- Nhưng lấy đâu ra thuốc nổ bây giờ nhỉ? - Tùng hỏi.
- Ở xe tớ vẫn còn mấy cân thuốc nổ lấy ở 388 sang đấy- Liên nhớ ra.
Thế là ba tên rủ nhau lên tận trên nguồn cách chỗ trú quân của đại đội gần cây số chọn một chỗ nước sâu để “thử nghiệm”. Sau khi lắp dây cháy chậm vào kíp, gắn kíp vào thỏi thuốc nổ Tùng châm lửa và ném. Mấy chục giây sau một cột nước bùng lên và một tiếng nổ trầm ấm nghe như từ rất sâu vọng lại. Ba thằng hý hửng chuẩn bị vớt cá nhưng đợi mãi chỉ thấy vài con “tép” nổi vật vờ. Có tiếng cười phía sau. Cả bọn quay nhìn, một người mặc quần dài nhưng cởi trần phô bộ ngực lực sĩ đang tiến lại gần. Thấy vẻ thất vọng của ba thằng anh ta giải thích:
- Các cậu đánh cá thế thì ăn gì? Dây cháy chậm cắt dài cả gang tay, ném xuống nước nó sôi ùng ục, có con cá nào nó chạy sạch thì còn ăn nỗi gì. Lần sau muốn đánh được cá phải cắt dây cháy chậm thật ngắn, vừa chạm mặt nước đã nổ rồi cá mới không kịp chạy, hiểu chưa?.
Cả bọn ngớ ra. Chàng lực sĩ phải xuống tận nơi làm mẫu, nhìn anh ta thao tác thoăn thoắt ba thằng lắc đầu, lè lưỡi, anh ta cười:
- Tớ là công binh mà lại- Chỉ vào cái kíp đã chắp nối xong anh ta tiếp tục- Cao thủ là phải cắt ngắn đến mức này này, nghĩa là dây bằng kíp, bộc phá chỉ rời khỏi tay một giây là nổ thì mới có cá mà ăn. Mấy tay lão luyện ở đây còn đánh theo kiểu tiến công cơ.
Thấy mấy thằng cứ há hốc mồm ra không hiểu gì, anh ta giải thích:
- Đấy là kiểu đánh liên tục, cắt thuốc nổ ra từng mẩu nhỏ thế này này, anh ta giơ một đốt bón tay, sau đó gắn kíp với độ dài dây cháy chậm khác nhau, châm lửa từ cái dài nhất rồi xếp thành hàng, đến cái cuối cùng ngắn nhất thì ném luôn sau đó ném lần lượt những quả còn lại. Tất cả đều nổ khi vừa chạm mặt nước làm thành một loạt “tọa độ B52”. Nhưng thôi! Các cậu chưa thạo đừng nên học cái trò đó. Tớ về đây!
Nhìn anh ta xách theo mấy con cá lạ dài loằng ngoằng, lưng có vằn có vện, mỗi con dễ đến hai cân Tùng vội hỏi:
- Anh bắt được con gì thế?
Người công binh ngạc nhiên:
- Các cậu không biết thật à? Mới vào hả? Đây là cá chình, chỉ sông này mới có thôi, thịt ngon lắm.
Ba con cá chắc đã ở trên cạn đã lâu nhưng vẫn còn khoẻ lắm, chúng cứ oằn mình giãy đành đạch mỗi khi Tuyết lấy cái que chọc nhẹ vào, cậu ta chợt nhớ ra:
- Ở quê tôi người ta gọi con này là con “chạch chấu”.
- Cũng có thể chúng có họ hàng với nhau nhưng chạch chấu nhỏ hơn nhiều.
Tùng không quan tâm đến nó là cá gì mà nó quan tâm nhiều đến cách bắt cá. Thấy thằng bé dễ thương anh công binh vui lòng giới thiệu bộ đồ nghề và hướng dẫn rất tỷ mỷ cách bắt cá. Chuẩn bị chia tay biết ba anh em ở xe tăng mới vào anh còn hào phóng cho chúng một con về “ăn thử”.
Bữa chiều hôm ấy trung đội Một được ăn tươi. Con cá chính nặng gần hai cân được chế biến thành hai món: cá kho và canh chua lá bứa. Gắp miếng cá trắng như thịt gà lên nếm đại đội trưởng Thận phải thốt lên:
- Quê tớ ở vùng biển, tớ đã ăn bao nhiêu loại cá rồi mà chưa thấy con nào ngon như con này. Có lẽ phải xác định đây là nguồn dự trữ thực phẩm quan trọng trong thời gian tới đấy!

Nhìn mọi người xì xụp rõ ngon mắt Tùng ánh lên niềm vui. 

Sông Bồ

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 19



Ngay từ sáng sớm thằng OV 10 đã vè vè soi dọc đường 12, nó cứ quanh đi quẩn lại như muốn tìm kiếm dấu vết của những mục tiêu mà thằng AC130 bắn hàng giờ đồng hồ không cháy đêm qua, có những lúc nó sà xuống rất thấp như khiêu khích.
Bốn người đưa Lạc đi quân y đã về đến nơi, trên tay mỗi người là một cành lá vừa che nắng vừa ngụy trang. Vừa chui vào xe Tráng đã báo cáo ngay:
- Báo cáo chính trị viên, Lạc chết rồi ạ!
Cả xe lặng đi không ai nói một lời, dù biết Lạc bị chấn thương rất nặng nhưng trong lòng ai cũng nhen nhóm một chút hy vọng là sẽ cứu được cậu ta. Cả Đán, Đề và Tập ai cũng như thấy mình có lỗi trong cái chết của Lạc, cuối cùng Đán phá vỡ sự im lặng:
- Thế các cậu chôn nó ở đâu?
- Bọn em bàn giao giấy tờ của nó cho quân y căn cứ Hai, ở đó người ta sẽ mai táng và làm mộ chí cho nó.
Từ lúc đưa Lạc đi Tập vẫn không nói một lời nào, sau khi giấu xe xong anh cũng không ngủ được. Nằm ngả người trên ghế lái xe anh cứ tự dằn vặt mình, tại sao mình lại đưa xe xuống cái hố bom ấy để đến nỗi phải cứu kéo? Tại sao khi xe vừa lên mình không lập tức dừng xe? Mà Lạc ơi, tại sao em lại thò đầu lên cao thế làm gì?… Biết bao cái tại sao cứ lởn vởn trong đầu óc Tập. Là một lái xe “già”, Tập cùng với Hỏa, Bình được coi là “cây đa, cây đề” trong đội ngũ lái xe của đại đội. Cánh lái xe trẻ coi các anh như người anh lớn trong gia đình, có cái gì vướng mắc là tìm hỏi, nhiều khi không chỉ là những vướng mắc về kỹ thuật. Trong số đó anh quý Lạc nhất, cái thằng đến là ham học hỏi, nhiều câu hỏi của cậu ấy làm anh cũng bí. Lúc mọi người khiêng Lạc đi anh vẫn hy vọng vào một sự thần kỳ nào đó nhưng bây giờ thì hết rồi, hết cả rồi. Tập lẳng lặng dậy làm mọi việc theo chức trách của mình như một người mộng du.

Chiều tối, thằng OV10 vừa cút được một lát, Thận định cho đại đội xuất phát thì thằng AC130 đã ra. Nó ngạo nghễ bay thật thấp như chúa tể bầu trời không coi ai ra gì. Chắc vẫn hậm hực vì đêm qua sau hàng giờ bắn phá mà không thiêu được “con mồi” nào nó bay rất chậm nghiêng ngó dọc con đường 12, thỉnh thoảng xả một tràng 20 ly xuống những chỗ nó nghi ngờ. Toàn đại đội vẫn “án binh bất động” đóng cửa ngồi trong xe.
Hơn một giờ sau nó mới chuyển sang hướng khác, đợi một lúc không thấy nó quay trở lại Thận mới lệnh cho xuất phát.
Chặng hành quân hôm nay không dài, chỉ hơn chục cây số nhưng tốc độ cơ động chậm vì đường hẹp, nhiều chỗ sạt lở chỉ vừa đủ cho hai băng xích trườn qua. Cánh lái xe đã được quán triệt trước cứ bám sát ta luy dương mà đi nên mấy cái lá chắn bùn tự tạo lại lần lượt bay mất. Quá nửa đêm thì toàn đại đội đến vị trí trú quân mới. Đại đội trưởng Thận gọi Nam và Tiến đến gặp, trong ánh sao mờ mờ anh chỉ:
- Đây là ngầm sông Bồ, tức là cây số 17 đường 12. Khi đi trinh sát thực địa tôi và anh Trác đã quyết định chọn làm vị trí trú quân của đại đội ta. Chúng ta sẽ bố trí thành hai khu vực, trung đội Một sẽ ở phía trước bên kia sông Bồ, anh chỉ tay về phía một ngọn đồi lùm lùm phía trước, còn trung đội Hai bên này sông, anh chỉ về phía một cái khe cạn nằm bên phải con đường, ở đó kín lắm. Hai trung đội sẽ cách nhau khoảng hơn hai cây số. Bây giờ các cậu cho trung đội mình về vị trí, xác định vị trí của từng xe rồi cho ngụy trang xóa vết xích đi.
Tiến và Nam lặng lẽ về xe, Nam cho gọi các trưởng xe lên cùng xác định vị trí, còn Tiến cho trung đội vượt ngầm sông Bồ đi về phía trước.
Vị trí trú quân của trung đội Hai là một cái khe cạn mọc đầy giang, cái giống này thuộc họ Tre, Trúc nhưng chẳng giống họ hàng nhà nó lúc nào cũng vươn thẳng, giang lại sống bò. Mỗi bụi giang là hàng trăm cây cứ ngoằn ngoèo bò ken khít vào nhau tầng tầng lớp lớp. Nhìn bụi giang um tùm tối sẫm Nam chợt nảy ra một sáng kiến, anh bảo các trưởng xe:
- Này! Đừng có phát nó đi nhé.
- Không phát thì làm sao mà đưa xe vào được- Định hỏi.
- Không! Phát nó đi thì phí quá. Bây giờ ta về chặt cây chống nó lên rồi cho xe lùi vào thì có phải được một giàn ngụy trang tự nhiên quanh năm không phải thay lá hay không?.
- Hay! Hay! Mấy anh em cùng thốt lên rồi ai về xe nấy.
Quả thật, những cây giang ken khít nhau làm thành một mái vòm rất chắc chắn, lá cây xanh mướt đứng dưới không nhìn thấy trời. Chỉ gần một giờ sau tất cả các xe đã yên vị. Từ ngoài đường tuyến đứng nhìn vị trí trú quân của trung đội mình Nam mãn nguyện lắm.
Bên trung đội Một vượt qua ngầm sông Bồ gần một cây số đến quả đồi lùm lùm tròn mà đại đội trưởng đã chỉ, Tiến cho trung đội dừng lại, anh gọi các trưởng xe và Tình pháo thủ xe 386 lên cùng đi xác định vị trí của từng xe. Quả đồi toàn lau lách tốt ngập đầu người, thỉnh thoảng mới có một lùm cây bụi đứng lẻ loi. Ba người đi quanh một vòng xác định vị trí của từng xe xong Tiến bảo Tự và Tình:
- Kiểu này chỉ có cách đánh từng cụm le đặt lên xe mà ngụy trang thôi.
- Ở đây thì cũng chỉ còn cách ấy, trung đội phó Tự đồng tình.
- Nhớ xóa vết xích cho kỹ vào nhé! Hôm qua thằng OV10 soi kỹ lắm- Tiến dặn thêm.
Ba người quay về xe, tiếng máy rộ lên một lúc rồi im hẳn trả lại vẻ yên tĩnh cho con đường độc đạo vắng vẻ.

Nằm trên độ cao gần nghìn mét, lại ở sườn Đông Trường Sơn nên ngày đến với đường 12 rất sớm. Tình và Đạt đã tranh thủ được một giấc dài nên tỉnh như sáo, hai anh em nhẹ nhàng mở cửa pháo hai chui ra như không muốn đánh thức đại đội trưởng và hai lái xe. Đứng trên buồng truyền động hai anh em vươn vai hít căng lồng ngực thứ không khí mát lành của buổi ban mai trên sườn Đông Trường Sơn. So với các bạn đồng môn từ Đại học Lâm nghiệp vào, Tình sống kín đáo và trầm tính hơn, lúc nào cũng chỉn chu công việc và chẳng khi nào muốn nói về mình, có lẽ vì vậy mà anh được chọn làm pháo thủ xe “đại trưởng”. Từ khi Bình đào ngũ Tình càng trầm lặng hơn và càng quán xuyến hơn đến công việc của xe như một trưởng xe thứ hai.
Hôm nay cũng vậy, sau vài động tác hít thở Tình bảo Đạt:
- Xe mình ngụy trang vẫn chưa được kín lắm Đạt ạ, anh em mình phải bổ sung cho nó mấy cụm le lên đây, Tình chỉ tay vào mấy chỗ còn tương đối lộ, bây giờ chú ở trên này, anh xuống đào le đưa lên cho chú đặt vào từng vị trí nhé.
Nhìn Tình xúng xính trong bộ Tô Châu còn khá mới vẫn nằm dưới đáy ba lô Đạt hơi ngạc nhiên:
- Sao hôm nay anh diện thế?
- Ôi dào! Đã vào đến đây sống chết chẳng biết thế nào, để dành làm gì- Tình cười rõ tươi rồi xắn tay áo lên.
Rút cái xẻng to ra khỏi giá Tình nhảy xuống đất xăm xăm bước lại chỗ mấy cụm le độc lập bên vệ đường. Anh nghiêng ngó lựa thế rồi đặt cái xẻng vào sát gốc le, trong bụng nghĩ thầm: “cụm le to có đất thế này sẽ tươi được mấy ngày đây”. Tình đặt chân vào vai xẻng rồi đạp mạnh xuống.
Pháo hai Đạt ngồi chồm hỗm trên buồng truyền động, cậu vui vẻ dõi theo từng bước chân của Tình với một niềm yêu mến, cảm phục đến vô bờ. Sống cùng xe với nhau mới được gần năm nhưng Đạt luôn coi Tình là người anh lớn mẫu mực và đáng kính trong gia đình. Cái gì hỏi anh anh cũng biết, việc gì đáng làm dẫu khó đến đâu anh cũng làm, có cái gì ngon anh cũng nhường nhịn cho… Đang miên man với những ý nghĩ vui vẻ Đạt bỗng bật ngửa ra buồng truyền động vì một chớp lửa nháng lên ngay dưới chân Tình kèm theo đó là một tiếng nổ lớn. Dứt tiếng nổ Đạt chồm ngay dậy, Tình đã gục xuống ngay bên cạnh bụi le. Đạt quên hết tất cả nhảy xuống đất lao về phía Tình, miệng gào thất thanh:
- Anh Tình! Anh Tình ơi!
Thấy tiếng nổ đại đội trưởng Thận và cả xe đều choàng tỉnh. Thò đầu ra cửa  Thận dụi mắt nhìn quanh rồi chỉ với ba bước nhảy anh đã ở dưới đất và lao tới bên Đạt và Tình. Đạt đã lật Tình nằm ngửa lại ngay cạnh đường. Thận thất kinh khi thấy bộ mặt đẹp trai của Tình loang lổ máu, đôi mắt nhắm nghiền, phần ngực cái áo Tô châu đang mặc trên người lỗ chỗ vết thủng và từ đó những dòng máu đang rỉ ra. Đạt đang cuống hết cả tay chân không biết làm gì. Thận quát:
- Vào xe mang hộp thuốc cứu thương ra đây! Trang đâu, gọi y tá đến mau!
Đạt chui vội vào xe gỡ cả cái hộp cứu thương mang ra. Thận thận trọng lau máu trên mặt Tình, anh khấp khởi vì không thấy vết thương nào to lắm. Anh nhẹ nhàng cởi áo cho Tình và không tin vào mắt mình: ngực Tình băm bổ như mặt sàng. Từ những lỗ nhỏ trên ngực máu đang rỉ ra cùng với bong bóng theo mỗi nhịp thở khó nhọc của Tình. Trên ngực trái có một lỗ nhỏ thôi nhưng máu phun ra từng đợt, từng đợt. Thận bóc vội mấy túi gạc đắp vào những chỗ đang rỉ máu rồi bảo Đạt đỡ Tình lên lấy băng cuốn mấy vòng thật chặt.
Trang và y tá Tảo đã chạy về đến nơi. Tảo xà ngay xuống chỗ Tình, anh vẫn đang thở một cách khó nhọc. Tảo mở túi thuốc tiêm cho Tình một mũi trợ sức rồi lấy băng cuốn thêm vào ngực Tình.
Cả Tiến, Tự và mấy anh em xe bên đã chạy đến, Thận bảo:
- Thái, Đạt chuẩn bị võng cáng đi, Tiến cử mấy người đưa cậu ấy đi quân y.
Tiến nhặt cái xẻng lên, toàn bộ phần lưỡi xẻng đã bị xé nát bươm, anh nói:
- Mìn vướng đây mà, một mình cậu ấy lãnh trọn một quả anh Thận ạ!
Thận không nói gì, anh đang chăm chú nhìn vào bộ ngực của Tình. Máu đang thấm dần ra ngoài làm ướt hết mấy vòng băng, tiếng thở của Tình cũng đã yếu đi nhiều, anh không dám nghĩ đến một kết cục xấu. Mới về đại đội này được hơn hai tháng, lại đúng lúc đơn vị nhận nhiệm vụ hành quân độc lập đường dài anh chưa đủ thời gian để gần gũi với tất cả anh em chiến sĩ trong đại đội nhưng riêng với mấy thành viên xe 386 thì đã thân mật lắm rồi. Đặc biệt với Tình, người pháo thủ có khuôn mặt điển trai, lúc nào cũng trầm lặng nhưng chu đáo, tận tình đã giúp anh chỉ huy tốt cả xe những lúc anh bận công việc chung của đại đội.
Võng cáng đã buộc xong, Tiến, Tự xúm lại đỡ Tình từ tay Thận đặt lên võng. Bỗng Tình rướn người lên thở gấp rồi giật mạnh một cái, cổ ngoẹo hẳn sang một bên. Đặt tay lên động mạch cổ Tình, y tá Tảo nói như hụt hơi:
- Anh ấy chết rồi!
Thận ngồi bệt xuống cạnh cái võng, mắt anh nhìn đăm đăm vào gương mặt trẻ trung của người đồng đội. Đau quá, xe anh lại mất thêm một người. Đán và Toàn cũng đã đến. Nhìn Tình nằm bất động trên cái võng Toàn nhớ lại gương mặt của Mai, Luyến, Kiểm, Hùng, Lạc hôm nào và nghĩ bụng: “đúng là hòn vàng thì mất, toàn những thằng đẹp trai, giỏi giang lại chết…”. Từ từ đứng dậy Thận bảo:
- Anh Toàn và Tiến chỉ huy anh em chuẩn bị mai táng cho cậu ấy, còn lại xe nào về xe ấy củng cố lại ngụy trang, chú ý mìn vướng nhé.
Nói xong Thận cúi đầu lẳng lặng chui vào xe.
Ngồi tỳ trán vào kính trưởng xe Thận im lìm mặc cho đầu óc phiêu diêu vô định. Đau đớn quá! Chỉ trong vòng hai mươi mấy tiếng đồng hồ đại đội anh lại mất thêm hai người. Thế là chưa đánh đấm gì cả sáu đồng đội của anh đã hy sinh, một thằng đào ngũ chẳng biết còn sống hay đã chết. Những cái chết đến với đồng đội anh thật bất ngờ và muôn hình vạn trạng, đang ngủ trong xe cũng chết, đang ngồi trong buồng lái cũng chết, ra ngoài xe ngụy trang cũng chết… Thật chẳng biết trước thế nào mà đề phòng. Tĩnh tâm lại một chút anh tự trách mình: nếu như xe 388 hy sinh còn cho rằng đó là không may bị bom B52 đánh trúng thì hai cái chết của Lạc, của Tình không thể không có trách nhiệm của những người chỉ huy các anh. Giá như tổ chức chỉ huy cứu kéo chặt chẽ hơn chắc gì Lạc đã chết, giá như trước khi hành quân vào đây mình phổ biến cho anh em kỹ càng hơn về đặc điểm tình hình và những cạm bẫy mà vũ khí giết người của bọn Mỹ đang giăng ra khắp nơi thì có khi Tình không bị làm sao… Trong thâm tâm anh không sợ chết, hồi còn ở bộ binh anh cũng đã từng đối mặt với nó vài lần mà chỉ lo không hoàn thành nhiệm vụ: đại đội xe tăng có một dúm người, cứ thế này biết lấy đâu ra thành viên mà bổ sung cho kịp. Không như ở bộ binh chỉ cần biết bắn khẩu súng AK là có thể chiến đấu được, các thành viên xe tăng đều phải qua trường đào tạo mấy tháng mới sử dụng được loại trang bị hiện đại này. Phác nhanh trong đầu một kế hoạch Thận chui ra khỏi xe, anh muốn nhìn mặt người pháo thủ của mình lần cuối cùng.
Lật tấm vải võng che mặt Tình ra Thận nhìn thấy Tình nằm đó thanh thản, vô tư. Lòng Thận đau xé, tất cả những đồng đội đã hy sinh của anh cũng như biết bao người khác đang hàng ngày, hàng giờ ngã xuống trên khắp các chiến trường đều còn trẻ quá. Họ chưa kịp hưởng thụ tất cả những điều tốt đẹp mà tạo hóa ban cho mỗi con người. Từ ghế nhà trường họ đi thẳng vào quân ngũ và nằm lại đây mãi mãi. Còn trẻ lắm nhưng tất cả đã để lại bao điều tốt đẹp mà những người còn sống sẽ không thể nào quên. Anh lặng lẽ đậy tấm vải võng lại, lòng thầm hứa sẽ làm tốt hơn để những đồng đội trẻ của anh sẽ bớt đi những cái chết thương tâm và bất ngờ này.


Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 18


3-     Thành Huế - gần đấy mà xa vời

Cuối tháng tư năm 1972.
Trên mặt trận Quảng Trị ta đã chiếm được thị xã Đông Hà và một số địa bàn quan trọng Bắc sông Thạch Hãn, quân ta đã áp sát và chuẩn bị đánh chiếm thị xã Quảng Trị, thời cơ tiến công Huế đã hiện ra. Sau khi khắc phục những hậu quả của trận B52, Đại đội Bốn nhận lệnh cơ động vào đường 12 sẵn sàng làm mũi vu hồi vào sườn thành Huế.
Đã quen với những lần cơ động và nếp sống chiến trường mọi công việc chuẩn bị rất nhanh. So với cuộc hành quân từ Quảng Bình vào đây dạo trước thì cuộc hành quân này ngắn hơn nhiều nhưng chắc chắn là khó khăn, ác liệt thì không kém.
Thứ nhất, về mặt địa hình, đường 12 là con đường độc đạo nối Huế với A Lưới mới được mở đầu những năm 60, đây là con đường từ độ cao ngót nghìn mét xuống đồng bằng nên đèo dốc rất nhiều và hiểm trở. Gần như cả chiều dài con đường một bên là ta luy dương cao ngất, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Nó lại là đường độc đạo, không có các tuyến đường tránh nên sử dụng xe tăng rất khó khăn, khi đang cơ động mà bị chặn đánh cũng khó tìm nơi tránh trú. Mặt khác, do là vùng tranh chấp lại không phải là đường vận chuyển của 559 nên con đường không được tu sửa thường xuyên, nhiều đoạn bị hỏng nặng đưa xe tăng có trọng lượng lớn đi qua sẽ rất nguy hiểm.
Thứ hai, đây là cửa ngõ phía Tây của thành phố Huế. Từ A Lưới xuống Huế chỉ chưa đầy 60 cây số. Nếu tính đường chim bay chỉ trên dưới 30 cây nên địch rất cảnh giác và thường xuyên tăng cường lực lượng phòng thủ. Các cứ điểm Động Tranh, Bình Điền đều rất kiên cố, có quân số đông và hỏa lực mạnh được coi là “thành đồng vách sắt” của Huế. Ngoài ra không quân địch hoạt động với cường độ cao. Khi cần thiết pháo hạm ngoài biển Đông cũng có thể bắn vào.
Sau khi đi trinh sát về Thận đã bàn bạc kỹ với các cán bộ trong đại đội. Anh dự kiến nếu vào đường 12 thì phải bố trí trú quân ở khu vực sông Bồ, tức khoảng cây số 20 tính từ ngã ba Bốt Đỏ. Từ đó xuống Huế chỉ có 40 cây, cách Động Tranh khoảng 10 cây và đặc biệt là địa hình cho phép giấu quân tốt nhất.
Năm giờ chiều bộ đội đã ăn cơm xong và tập trung nghe phổ biến mệnh lệnh hành quân. Sau khi hạ đạt các nội dung về đường hành quân, đích đến, chiều dài đường hành quân, đội hình hành quân… Thận nhấn mạnh một số tình huống có thể gặp trên đường:
- So với đợt hành quân trước đợt này hoạt động của không quân địch mạnh hơn rất nhiều, đặc biệt là AC130 thường canh suốt đêm. Cho đến nay qua tìm hiểu chúng ta đã hiểu biết hơn về loại máy bay này, chúng chỉ có súng đại liên 20 ly và cối 40 ly nên có thể khẳng định là không thể bắn cháy xe tăng, tuy nhiên nó có thể gọi phản lực đến đánh. Vì vậy nếu gặp AC130 chúng ta cần bình tĩnh, đóng hết các cửa lại tìm chỗ kín đáo giấu xe. Trường hợp bất đắc dĩ vẫn có thể tiếp tục đi cho đến khi tìm được vị trí thích hợp. Một vấn đề nữa cần hết sức lưu ý là đường hành quân rất nhiều chỗ sạt lở, hư hỏng nên các đồng chí lái xe phải hết sức cẩn thận. Trường hợp cần thiết trưởng xe phải xuống chỉ huy xe. Vấn đề thứ ba xin nhắc các đồng chí cần rút kinh nghiệm đợt trước để giữ bí mật được tốt hơn. Ở bên ấy các vị trí giấu quân không được kín đáo như ở đây, lại rất gần địch nên nếu chúng ta không cảnh giác giữ bí mật tốt thì thiệt hai rất khó lường. Về đội hình hành quân chỉ có một thay đổi nhỏ là: xe 380 sẽ đi cuối cùng cùng với tổ thợ do anh Đề phụ trách để giải quyết các sự cố kỹ thuật trên đường hành quân. Nhiệm vụ như vậy các đồng chí đã rõ cả chưa?
- Rõ!- Tiếng đáp lại đồng thanh của cả đại đội.
- Về xe! Chuẩn bị xuất phát!- Thận ra lệnh.
Lần lượt từng xe rời khỏi hầm, tăng ga lao ra đường, khói xả phun ra mù mịt một góc rừng. Chỉ một lúc sau đã đến chân dốc Bốt Đỏ. Dốc Bốt Đỏ không dài lắm nhưng độ dốc khá cao, đang là mùa khô xe tăng qua một cách dễ dàng nhưng nếu là mùa mưa chắc sẽ gặp khó khăn. Leo hết dốc Bốt Đỏ là đoạn đường tương đối tốt nên tốc độ hành quân khá nhanh. Tuy nhiên càng đi đường càng khó, nhiều chỗ hẹp chỉ vừa hai băng xích đi qua.
Đang căng mắt nhìn đường để chỉ huy xe Thận không để ý lắm đến trên không, bỗng anh giật bắn mình vì một loạt tia chớp như hoa cà hoa cải ngay trước mũi xe. Bản năng cho anh biết đó là AC130 đang bắn nên tay mở chốt sập cửa trưởng xe, miệng hét:
- AC130 đấy. Đóng cửa lại!
Tất cả các cửa xe vừa được đóng lại thì loạt đạn thứ hai đã trùm lấy xe. Nhìn qua kính mặt bằng Thận chỉ thấy lửa loé lên từng chập cùng những tiếng nổ chát chứa. Thận nghĩ bụng: “chắc nó có thiết bị ổn định thật, nó vẫn bay chứ có đứng yên đâu mà đạn của nó cứ trúng một chỗ như thế này”. Thái đã tìm được một chỗ hõm vào ở ta luy dương, cậu cho xe dạt vào nép mình vào ta luy. Chắc góc nhìn đã bị hạn chế chiếc máy bay chuyển làn về các xe sau.
Đi sau xe đại đội trưởng, khi nhìn thấy một dây lửa từ trên trời phóng xuống tháp pháo xe 386 Tiến biết ngay là bị AC130 chặn đánh, anh lập tức ra lệnh:
- Tất cả đóng cửa! Hỏa tìm chỗ dừng xe!
Hỏa thấy một cái mang cá bên đường hai bên lau lách um tùm bèn đưa xe vào rồi tắt máy. Tiến ngoảnh nhìn lại phía sau, các xe sau cũng đang tìm chỗ ẩn nấp. Thấy nó thôi không bắn nữa, Tiến chắc mẩm nó chỉ phát hiện ra một xe 386 và đã khấp khởi mừng thầm thì bỗng loá mắt bởi những chớp lửa đang toé như hoa cà hoa cải ngay trước mắt. Tiến nhắm chặt hai mắt và đưa hai tay ép chặt mũ công tác lại, nhưng anh chợt nhớ ra đây chỉ là đạn 20 ly nên lại mở mắt ra nhìn. Lửa vẫn loé lên từng chập trên tháp pháo xe anh, Tiến cười thầm: “mày bắn thế chứ bắn nữa thì cũng chỉ như gãi ghẻ thôi. Nhưng tại sao xe mình đã đỗ vào chỗ tương đối kín mà nó vẫn phát hiện ra, chắc chắn nó có thiết bị trinh sát hồng ngoại rồi. Thế thì những xe sau chắc cũng sẽ bị nó hỏi thăm!”.
Đúng như vậy. Bắn vào xe Tiến chừng một phút thì nó chuyển làn sang các xe sau. Cứ thế nó vòng đi vòng lại, hết bắn 20 ly lại đến cối “xuyên thùng” dọc đội hình. Gần một tiếng đồng hồ sau thì nó bỏ đi không biết là do hết đạn hay bắn mãi không có kết quả nên nó chán.
Đợi một lát cho tắt hẳn tiếng động cơ đại đội trưởng Thận xuống xe đi dọc đội hình kiểm tra một lượt, đến xe 390 anh khen:
- Chính trị viên tìm được chỗ giấu xe khéo quá, cả đại đội bị nó bắn cho tơi bời. Mỗi xe anh là không bị thôi.
Đán cười hỉ hả:
- Chắc là mấy bụi giang này che kín quá.
Đi gần cuối đội hình nên khi biết bị AC 130 chặn đánh xe 390 vẫn có điều kiện tìm một chỗ giấu xe rất kín, đó là một hố bom cũ nằm ngay ven đường bên trên là một bụi giang lớn. Về số Một Tập từ từ cho xe bò xuống, chiếc xe nằm gọn trong lòng hố bom, toàn bộ phần thân xe được những cây giang ken khít che kín. Có lẽ nhờ đám cây này mà xe 390 che được mắt thằng AC130. Cả đại đội bị nó “hỏi thăm”, riêng xe 390 vẫn “bình an vô sự”.
Đại đội trưởng Thận bảo:
- Cũng may không ai việc gì anh Đán ạ! Anh bảo cậu Tập cho xe lên đi rồi ta tiếp tục hành quân.
- Vâng! Đán trả lời rồi giục, Tập cho xe lên đường đi!
Tập nổ máy, gài số lùi định cho xe ra khỏi hố bom thì thấy xe không nhúc nhích, anh tăng chân dầu song xe chỉ rung lên từng chập nhưng vẫn nằm yên. Nền đất thành hố bom tơi vụn ra dưới hai băng xích làm nó chuội đi không bám được, càng to chân dầu xích càng quay nhanh tung đất bụi mù nhưng xe vẫn ỳ ra. Tập hơi cuống, anh bảo chính trị viên:
- Xe mình bị lầy rồi anh Đán ạ!
Hai anh em xuống xem xét, đất thành hố bom đã bị xích cào đi, đuôi xe gần như chạm vào một cái bờ dựng đứng, Đán bảo:
- Phải nhờ xe kéo thôi! Anh quay lên xe gọi, Tráng đâu, chặn xe 380 lại, Nguyên chạy lên báo anh Thận biết xe mình bị lầy.
Nguyên lao vụt về phía trước, một lát sau cậu ta quay về thở hồng hộc:
- “Đại trưởng” bảo cứ tổ chức cứu kéo đi, anh ấy cho các xe tìm chỗ giấu xe kín hơn để đợi.
Tráng đứng hẳn ra giữa đường giơ tay ra hiệu cho xe 380 dừng lại. Từ trên xe đại đội phó Đề nhảy xuống, anh xem xét một lát rồi bảo Tập:
- Phải kéo thôi, quay lên trên Đề gọi, Lạc đâu, cho xe tiến sát lên đây! Còn Tráng, Nguyên dỡ cáp xuống.
Lạc cho xe tiến sát đến mép hố bom. Tráng và Nguyên loay hoay móc cáp vào móc kéo đầu xe 380. Đề gọi cả Tập lại thống nhất:
- Bây giờ ta phải kéo lùi. Hai cậu chú ý theo chỉ huy của tôi.
Anh bước về phía trước mũi xe 390, tay phải bấm đèn pin vào tay trái, lòng bàn tay trái mở ra hướng về phía trước. Tập và Lạc đã nổ máy, gài số lùi. Khi thấy hai xe đã gài số xong, Đề đẩy mạnh bàn tay trái về phía trước. Hai cái động cơ cùng gầm lên. Xích xe 380 cào xuống mặt đường toé lửa. Xích xe 390 cũng quay tít và nó rùng mình một cái rồi từ từ lên khỏi hố bom. Phía sau Lạc vẫn cho xe lùi, bỗng cậu thấy xe mình bị khựng lại. Nghĩ bụng: “chắc đuôi xe mình chạm ta luy rồi”, Lạc nghển cổ lên nhìn về phía sau. Bỗng một cái gì đó đen ngòm áp sát vào má cậu, Lạc định thụt đầu xuống nhưng không kịp.
Khi xe đã trở lại thăng bằng Tập cảm thấy như xe mình vừa đụng vào một cái gì đó, với phản xạ của một lái xe có kinh nghiệm Tập lập tức dừng xe. Từ phía trước Đề cũng đã dập đèn xuống báo dừng xe rồi nói to:
- Tráng, Nguyên đâu, vào tháo cáp đi!
Hai anh em bước vào vừa định tháo cáp ở móc kéo đầu xe 380 thì Tráng hét thất thanh át cả tiếng động cơ:
- Tập! Cho xe tiến lên đi!
 Sao! Tiến lên để mà xuống hố à? Từ phía trước Đề quát.
- Tiến lên đi! Nòng pháo xe mình đè vào đầu thằng Lạc đây này! Tráng hét lạc cả giọng.
Nhảy ba bước Đề đã vọt đến đuôi xe 390. Dưới ánh đèn pin của anh là một cảnh tượng hãi hùng: nòng pháo xe 390 đang đè gí đầu Lạc vào tháp pháo. Nhảy ngược về phía trước Đề quát:
- Tập! Cho xe tiến lên!
Tập vội gài số Một và cho xe nhích lên, đầu Lạc từ từ ngoẹo xuống.
Trưởng xe Mai Hồng Trị vội trèo lên xe, hai tay anh xốc nách Lạc kéo mạnh lên khỏi cửa lái xe và đặt ngồi dựa vào tháp pháo. Dưới ánh đèn pin đầu Lạc trông như phình ra, Trị hét:
- Gọi y tá mau!
Đề cũng nhảy lên đầu xe, anh nắm lấy tay Lạc bắt mạch. Những chuyển động hết sức mờ nhạt lướt qua đầu ngón tay anh, anh bảo Trị:
- Đặt cậu ấy nằm xuống hòm dụng cụ!
Cả hai thận trọng đặt Lạc nằm xuống hòm dụng cụ thành xe, Đề ngồi lên bụng Lạc và làm hô hấp nhân tạo.
Y tá Tảo đã đến, cậu nhanh nhẹn tiêm cho Lạc một mũi trợ tim và soi đèn vào mắt Lạc. Đôi mắt vẫn mở to như đang căng mắt nhìn đường vẫn còn một chút gì đó rất mong manh của sự sống, Tảo bảo:
- Anh ấy vẫn còn sống! Bây giờ phải chuẩn bị võng để đưa đi quân y!
Đề độp lại:
- Quân y ở chỗ nào? Cậu có biết không?.
Quả thật vừa chân ướt chân ráo đến đây chẳng ai trong đại đội biết trạm quân y ở chỗ nào. Đại đội trưởng Thận đã quay lại, nghe thủng chuyện anh phân công:
- Xe 380 chuẩn bị võng cáng đi, còn Tráng bắn ba phát một báo hiệu cấp cứu, Trung đi gọi cậu Liên lên lái xe 380, tất cả các xe đưa xe vào chỗ giấu. Đêm nay ta nghỉ lại đây.
Tráng chui vào xe lấy khẩu AK hướng lên trời bắn ba phát, đợi một lát sau lại ba phát nữa.
Việc cấp cứu vẫn được tiến hành tích cực, Lạc vẫn nằm thiêm thiếp, nửa đầu bên phải chuyển dần thành màu tím. Từ trong buồng lái 390 nhảy ra Tập lao đến chỗ Lạc nằm. Nhìn thấy đầu bạn đã biến dạng anh ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu rên rỉ:
- Tại tôi! Tại tôi! Tôi đã giết nó rồi.
Từ phía sau có mấy bóng người đi tới, một người cất tiếng hỏi:
- Anh em xe tăng có vấn đề gì đấy?
Biết đây là lực lượng bộ binh hay công binh sở tại nên Thận mừng rỡ:
- May quá có các anh ở gần đây. Bọn tôi có một đồng chí bị thương phải đưa đi cấp cứu nhưng chẳng biết quân y ở đâu cả, đề nghị các anh giúp đỡ.
- Được thôi, người vừa hỏi trả lời, cách đây gần “một tiếng” có quân y của “căn cứ Hai”, chúng tôi sẽ cử người dẫn đường cho các anh.
Võng cáng cũng đã xong, Tảo, Tráng, Chính, Trung lập tức đặt võng lên vai đi như chạy theo người chiến sĩ bộ binh dẫn đường.
Lái xe Liên từ phía trước chạy tới, Thận bảo:
- Cậu lái xe này thay Lạc. Trị đâu, chỉ huy xe tìm chỗ giấu đi. Xe 390 cũng tìm chỗ giấu đi! Gần sáng rồi.

Toàn đại đội chạy thêm chừng hơn cây số nữa rồi tìm chỗ giấu xe trong một cái khe cạn, xóa vết xích, ngụy trang xong thì trời cũng gần sáng.

Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 17


Trong khi đó bốn thằng đã có mặt ở chân dốc Mèo, cách đơn vị gần bốn mươi cây số. Đêm hôm qua, Bình lên sẵn hầm Xuyên, việc này chúng đã bàn nhau từ trước rồi. Ngay sau hôm bị B52 đánh chạy vào vị trí mới Bình đã gặng Xuyên:
- Hôm qua ông nói thế là có ý gì?
Đã quá hiểu nhau Xuyên thẳng thừng:
- Tôi nói thật đấy! Muốn sống thì chỉ còn mỗi cách ấy thôi.
- Nhưng làm thế nào bây giờ?- Bình lại gặng.
- Có gì đâu? Mình cứ đi ngược lại con đường mấy hôm nọ mình đi là ra Bắc được thôi mà.
- Thế về nhà mà bị bắt thì làm sao?- Bình tiếp tục gặng.
- Sao sao cái gì? Tù nhưng mà sống con ạ!- Xuyên trừng mắt.
Bình lặng im ngẫm nghĩ. Đúng thế! Nhục một tý nhưng mà không chết, không phải nằm lại nơi xó rừng như mấy thằng xe 388. Chúng bàn nhau rủ thêm Bến và  Minh.
Từ hôm ấy tối nằm với nhau Xuyên lại tỷ tê, hết nói xa đến nói gần. Bến vốn nhát như cáy, hắn dễ dàng đồng ý “làm thế nào thì làm, miễn là không chết”. Còn Minh trẻ người non dạ, chỉ thương bố mẹ, ông bà nên nó bảo: “cứ sống mà về là được”. Gạ gẫm được hai thằng rồi cả bọn còn gặp nhau mấy lần nữa để bàn kế hoạch và tối qua chúng đã đem ra thực hiện.
Đợi mọi người ngủ say bốn thằng lẻn lên đồi vượt qua vọng gác phía ngoài của đại đội rồi bì bõm dắt nhau lội suối ra đường tuyến. Ngoài tư trang Minh còn lấy số dự trữ ra mấy cân lương khô ăn đường. Ra đường tuyến bốn thằng vẫy xe đi nhờ nhưng những chiếc xe chạy không từ Nam ra cứ phóng hết tốc độ phớt lờ bọn chúng. Bình bảo:
- Bây giờ phải vào cái barie trên kia nói dối là mình đi công tác rồi nhờ công binh họ vẫy xe cho đi mới được.
Cả bọn đến cái barie chỗ cây số 104, chỉ có mỗi người lính công binh đang trực bên ngọn đèn bão đỏ đùng đục. Xuyên cố tỏ ra thân mật, sau khi chào hỏi xong hắn trình bày:
- Báo cáo đồng chí! Bọn tôi đi công tác qua đây nhưng mệt quá, nhờ đồng chí vẫy giúp hộ cái xe cho chúng tôi đi nhờ thì may quá.
Người lính công binh còn rất trẻ cười dễ dãi:
- Được thôi! Có gì khó khăn đâu!
Mấy phút sau một cái xe đang lặc lừ bò vào, anh công binh hạ cái cần tre xuống và đứng dậy định vẫy xe thì Xuyên vội nói:
- Không! Chúng tôi đi ra cơ!
Người lính công binh nhìn Xuyên nghi hoặc rồi quay nhìn Bình, Bến, Minh một cách dò xét. Anh quay vào hầm cầm khẩu súng AK rồi hất hàm:
- Các ông ở đơn vị nào? Đi công tác thì giấy đâu?.
Cả bốn tên giật mình đánh thót, Xuyên vội chống chế:
- Chúng tôi ở xe tăng mà. Còn đi công tác gấp quá không kịp lấy giấy.
Người lính công binh chĩa thẳng khẩu AK vào bốn thằng, dõng dạc:
- Công tác gì các ông! “Bê quay” phải không? Tôi nói cho các ông biết, nhìn bộ dạng các ông ai chẳng biết là “Bê quay”. Khôn hồn thì quay lại đơn vị không tôi bắn bây giờ!
Cả bọn hoảng hốt chạy quay trở lại. Bình lại nói:
- Bây giờ mà cứ luẩn quẩn ở đây các lão ấy biết là cho quân ra bắt liền. Vì vậy không vẫy được xe thì ta phải đi bộ vậy, đi càng xa càng tốt.
- Nhưng mà qua chỗ kia người ta bắn chết!- Minh mếu máo.
- Phải tìm cách đi vòng qua thôi!
Bốn thằng tìm đường vòng tránh cái barie rồi mải miết bám đường tuyến mà đi. Sáng ra bọn chúng đã tới ngã ba đường 12, Minh mệt quá không đi nổi nữa. Xuyên bảo:
- Nghỉ giải lao cái đã.
Cả bọn ngồi trên nóc một cái hầm giở lương khô ra ăn và bàn nhau:
- Đây vẫn còn gần quá, phải tiếp tục đi nữa- Bình nói.
- Đi cả ban ngày ấy à?- Bến ngơ ngác hỏi, nó sợ máy bay lắm.
- Chứ sao. Ban ngày người ta vẫn đi bộ được mà- Bình kiên quyết.
- Nhưng em mệt lắm rồi- Minh mếu máo.
-Mệt cũng phải đi! Mày có muốn bị bắt lại không?- Bình trừng mắt- theo tao ngày hôm nay ta cố gắng đi được tới chân dốc Mèo, buổi tối phục ở đấy, chỗ dốc nhất ấy. Xe lên dốc bao giờ đi cũng chậm nên mình có thể bám theo để nhảy lên thùng. Chỉ có cách ấy thôi.
Bốn thằng lại mải miết đi. Mặt trời lên càng cao trời càng nóng làm thằng Minh không lê nổi chân nữa, cậu ta lại mếu máo:
- Hay là anh em mình quay lại đi! Em mệt lắm rồi.
Bình trừng mắt dọa:
- Mày muốn chết à? Đây là chiến trường, mày biết kỷ luật chiến trường là thế nào không? Thôi, san ba lô ra chúng tao mang hộ.
Lại thêm cái tội thằng OV10 cứ vè vè trên đầu, cứ đi được một lúc lại phải dừng lại tránh, Bến than thở:
- Cứ đi thế này không khéo lại chết ở đường ấy chứ!
Đến lượt Xuyên trừng mắt:
- Đừng có gở miệng- Rồi nó nhẹ nhàng hơn ra vẻ vỗ về- Cứ yên tâm đi! Máy bay nó đến thì ta tránh, làm sao mà chết được.
Bến và Minh vẫn đi theo nhưng trong tư tưởng của chúng đã bắt đầu có những lung lay.
Tối sẫm hôm ấy chúng đã đến được chân dốc Mèo nhưng thật đen cho chúng, hôm ấy chỉ có xe vào chứ không có xe ra. Bốn thằng lại phải nằm vạ vật trong một căn hầm ven đường nhai lương khô, uống nước lã để chờ đêm xuống. Một ngày dài nằm vạ vật Minh và Bến đã có phần nản chí nhưng mỗi khi thấy ánh mắt gườm gườm của Bình chúng lại không dám nói gì nữa.
Tối hôm ấy có xe ra, chúng đã bám được xe và ra đến rừng Thông trong đêm.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần mà mất đến tám người Thận và Đán lo lắm. Tối hôm qua sau khi gọi các trung đội trưởng và trưởng xe lên giao nhiệm vụ quản lý bộ đội thuộc quyền hai người còn ngồi bàn bạc với nhau mãi. Quả đúng như Đán nói: nếu người ta đã muốn trốn và quyết trốn thì chẳng có biện pháp nào giữ chân người ta được. Vì vậy chỉ có biện pháp giáo dục, động viên làm sao cho mọi người thấy hết trách nhiệm của mình, của gia đình trước Tổ quốc và nhân dân, thấy được đi chiến đấu ở chiến trường là niềm vinh dự của mỗi người, đặc biệt là thế hệ thanh niên. Từ đó tự giác ở lại đơn vị, tự giác làm tròn nhiệm vụ. Để làm được điều này không chỉ có các bài học chính trị mà còn hàng loạt các biện pháp giáo dục khác. Hai người nhất trí với nhau: đã cơ bản hoàn thành nơi ăn ở rồi thì dần dần phải đưa các hoạt động của đơn vị vào nề nếp. Phải tổ chức các hoạt động thi đua giữa các trung đội, giữa các xe. Tránh tình trạng xe nào biết xe ấy rồi cứ tối đến là rúc vào hầm nói chuyện linh tinh dễ phát sinh tư tưởng tiêu cực. Trước mắt ngay từ ngày mai sẽ tổ chức ăn theo bếp trung đội và “xê bộ”, vừa đảm bảo sinh hoạt chung mà cũng tiết kiệm được lương thực, thực phẩm.
Hai anh em cứ rì rầm nói chuyện cho đến gần sáng. Thực ra từ ngày về cùng đơn vị tới nay họ đã có lúc nào tâm sự được với nhau đâu.
Khi người lái xe lên thùng xe mắc võng đi ngủ mới phát hiện trên thùng xe mình có bốn vị khách không mời mà đến. Trông bộ dạng của chúng anh hiểu ngay đây là bốn kẻ “bê quay”. Dưới ánh sáng chiếc đèn pin bọc vải nhìn thấy mấy gương mặt còn búng ra sữa anh thấy cũng thương thương “chúng nó chỉ hơn tuổi đứa con đầu mình một tý chứ mấy” nên không quát nạt mà rất nhẹ nhàng:
- Sao đi nhờ mà không hỏi han gì cả hả? Thôi! Cứ nằm trên ấy mà ngủ, sáng mai dậy nói chuyện sau.
Nói rồi anh mắc cái võng phía cuối thùng xe, đặt lưng xuống là ngáy ầm ầm.
Thấy thái độ người lái xe có vẻ thân thiện bốn thằng bảo nhau nằm xuống ngủ, một giấc ngủ say sưa sau hai ngày đêm vất vả.
Mãi đến gần trưa cả bọn mới tỉnh dậy, người lái xe đã dậy từ lúc nào và đi đâu không biết, cả bọn chưa biết làm gì thì anh ta đã về, trên tay là một mớ rau rừng. Hóa ra đó là một người đã cứng tuổi, gương mặt hiền hòa nhưng cương nghị. Thấy cả bọn đang ngồi thần mặt ra anh bảo:
- Nào xuống đây! Xúm tay vào nấu cơm chén cái đã, anh lôi trong ca bin ra một ruột tượng gạo, một hộp thịt kho, mấy cái xoong nồi và cười hiền từ, cánh lái xe 559 chúng tớ sống cũng khá dễ chịu. Mình chở bao nhiêu hàng cũng phải kiếm tý chứ, phải không?
Thái độ đó của người lái xe làm cho bốn đứa thấy gần gũi hơn, sự bối rối sợ hãi dần qua đi. Mấy thằng xúm lại, đứa bắc bếp, đứa rửa xoong nồi, đứa nhặt rau… chẳng mấy chốc một bữa cơm ngon lành đã được dọn ra.
Sau mấy ngày toàn lương khô, nước lã nay vớ được bữa cơm ngon cả bốn tên chén như “hùm đổ đó”. Người lái xe nhìn chúng ăn với con mắt rất hiền từ, độ lượng. Cơm xong, anh pha một ấm trà và đặt bao Tam Đảo ra trước mặt rồi bảo:
- Cậu nào thích hút thì hút!
Cả bốn thằng rón rén rút mỗi thằng một điếu thuốc rồi châm lửa rít từng hơi dài, lúc này người lái xe mới hỏi:
- Tớ hỏi thật các cậu, đang đi trốn phải không?
Bốn cái mặt nghệt ra, điếu thuốc trên môi Minh rơi cả xuống đất, không thằng nào dám nói gì.
- Im lặng là sự đồng ý phải không? Không ai nói gì nghĩa là các cậu đã thừa nhận. Tại sao các cậu làm thế? Nói đi nào! Anh nghiêm giọng hơn.
Cả bốn thằng cắm mặt xuống đất, chút tự trọng tối thiểu trong lòng làm cho chúng thấy xấu hổ vì hành động của mình. Bằng con mắt từng trải của mình người lái xe hiểu rằng cái thằng mặt non choẹt và thằng mặt đầy trứng cá chỉ là hai thằng “theo voi hít bã mía”, còn chủ mưu chắc là hai thằng lì lợm kia. Anh hích tay vào Minh, cái thằng mặt non choẹt:
- Nói đi xem nào! Tại sao trốn?
- Dạ… dạ… nhà em chỉ có mỗi mình em, em mà chết thì ông bà, bố mẹ em cũng chết mất ạ!
- Còn cậu?- anh hất cằm về phía Bến, thằng có cái mặt đầy trứng cá.
- Dạ… dạ… Bọn em vừa bị B52 đánh chết mất bốn người, em sợ cứ thế thể nào em cũng chết.
 Còn các cậu?- anh hất cằm về phía Bình và Xuyên.
Bình quay nhìn đi nơi khác ra vẻ ta không nghe thấy gì, Xuyên ngượng ngập:
- Thì gian khổ, ác liệt quá anh ạ!
Người lái xe chìa bao thuốc cho mỗi thằng một điếu nữa rồi từ tốn:
- Các cậu đều còn trẻ lắm phải không? Chắc chỉ hơn thằng con đầu tớ một hai tuổi là cùng. Mà trông đều có vẻ có học cả. Tớ rất thông cảm với các cậu nên không giao các cậu cho vệ binh của binh trạm, chứ nếu tớ nói một câu chúng nó đã ra đây “gô” cổ các cậu rồi.
Anh dừng lại một chút cho chúng ngấm sức nặng câu nói rồi tiếp:
- Bây giờ, với tư cách là một người lớn tuổi hơn tớ khuyên các cậu hãy suy nghĩ lại đi, ác liệt thì ác liệt thật đấy nhưng có phải ai vào đây cũng chết đâu. Như tớ đây này, tớ đã chạy ở đây từ ngày có vận tải cơ giới đến nay năm, sáu năm rồi mà có việc gì đâu. Sống chết có số, các cậu thấy thiếu gì thằng đang ở ngoài Bắc hẳn hoi vẫn toi mạng vì bom rơi đạn lạc đó thôi. Nói ngay như các cậu đây, nếu trời không cho sống thì liệu có mang nổi cái xác ra đến đất Bắc không? Còn thằng kia- Anh hất đầu về phía Minh- Cậu tưởng cậu về mà bố mẹ cậu mừng à, khéo không các cụ lại “đi” sớm vì nhục nhã đấy. Cậu còn trẻ chưa biết chứ ở làng quê mà có thằng con đào ngũ thì chỉ có cách bỏ quê mà đi nơi khác ở thôi. Lại còn các đơn vị bảo vệ dọc đường nữa chứ, các cậu liệu có đi thoát không hay lại bị bắt lại cho đi ra trọng điểm sửa đường giữa ban ngày? Đấy, các cậu cứ nghĩ lại xem, có gì chiều nói với tôi! Còn bây giờ đi ngủ đã!.
Anh ta bỏ mặc bốn thằng ngồi đấy leo lên võng, mấy phút sau đã thấy tiếng ngáy pho pho.
Bốn thằng kéo nhau ra một gốc thông ngồi bàn bạc với nhau rất lâu, có lúc còn “đỏ mặt tía tai”. Cuối cùng mỗi thằng ngồi một xó, đầu cúi gằm nặng trĩu suy tư.
Sang chiều, người lái xe đã dậy. Nhìn mỗi thằng ngồi một chỗ anh hiểu giữa chúng đã có sự phân hóa, anh hỏi to:
- Thế nào, các ông “tướng” đã suy nghĩ kĩ chưa? Lại đây xem nào.
Ba thằng ngồi tụm lại chỗ người lái xe, riêng Bình vẫn giữ một khoảng cách. Người lái xe lại giục:
- Thế nào các cậu?
Xuyên trịnh trọng:
- Bọn em đã suy nghĩ kỹ về những điều anh nói rồi và thấy đều đúng cả, nhưng chỉ sợ về đơn vị lại kỷ luật nặng thì chết.
Người lái xe cười ha hả:
- Có gan ăn cắp phải có gan chịu đòn chứ! Nói vậy thôi, ông cha ta đã dạy: “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” nên các cậu cứ yên trí. Cứ nhận là tuổi còn trẻ, có một phút yếu lòng, nay đã nhận thức ra khuyết điểm chẳng ai nỡ kỷ luật nặng các cậu đâu. Nếu các cậu đồng ý quay về đơn vị thì bây giờ đi nấu cơm, chiều nay anh em ta ăn tươi một chút kỷ niệm cuộc gặp gỡ này. Buổi tối tớ sẽ đưa các cậu ra chốt trực của công binh đầu kia gửi, đêm nay toàn xe vào chỉ sáng mai các cậu sẽ về đến đơn vị.
Những nụ cười đã nở lại trên mấy gương mặt trẻ. Người lái xe cười thầm: “đúng là bọn trẻ con”.
Mọi việc diễn ra theo đúng ý định của người lái xe trừ một chi tiết: đến phút cuối cùng thì Bình kiên quyết không về đơn vị, nó bảo:

- Tao thà chết đường chứ không mặt mũi nào nhìn thấy anh Thận và mấy thằng trong xe nữa. Chúng mày về đấy cứ đổ mọi tội lỗi cho tao.