Sau
khi lùi sâu vào phía nam A Sầu vị trí trú quân của đại đội 9 tương đối ổn định.
Mấy cuộc hành quân lấn chiếm A Sầu- A Lưới của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn trong
mùa mưa 69- 70 đều không đụng đến họ nên lực lượng không bị sứt mẻ gì. Cán bộ,
chiến sĩ cũng đã quen với chiến trường nên tổ chức cuộc sống cũng không đến nỗi
nào. Tranh thủ thời gian mùa khô họ đã xây dựng được một cơ ngơi khá khang
trang: tất cả các hầm xe đều có lán che mưa nắng, hai vệt xích xe được kê cao
bằng đá cuội hoặc thân cây. Các hầm người và hầm phục vụ sinh hoạt như hầm họp,
hầm bếp đều được củng cố, thành hầm được kè bằng cành cây, có mái che, có ghế
ngồi khá đàng hoàng. Xe máy thì thường xuyên được bảo dưỡng nên xe nào xe ấy
sạch bong, mỗi tháng nổ máy chống rỉ mười lăm phút nên các thiết bị điện và
quang học đều hoạt động tốt. Nhờ tổ chức tốt việc cải thiện nên mặc dù tiêu
chuẩn hạn hẹp nhưng chất lượng bữa ăn vẫn được đảm bảo, mỗi bếp còn sấy được
vài chục cân măng khô làm thức ăn dự trữ. Sốt rét thì hình như cũng đã quen,
sau mùa mưa đầu gần như cả đại đội dính sốt đến nay đã bình phục cả, chỉ còn
lác đác vài người. Đại đội cũng thường xuyên tổ chức huấn luyện các khoa mục kỹ
chiến thuật binh chủng nên “tay nghề” của các thành viên nay đều rất vững. Nói
như Hòa đen thì “mọi thứ đều “tương đối”, chỉ mỗi cái là không biết đến bao giờ
mới đánh xuống Huế được thôi”. Mà cũng chẳng hiểu ở đâu ra cái từ “tương đối”,
cái gì cũng “tương đối”. Gặp nhau hỏi “có khỏe không?” được trả lời: “tương
đối”, “sốt rét có nặng không?” “tương đối”, “cơm ăn có đủ không? “tương đối”, quen
cũng vậy mà lạ cũng vậy. Không biết có thật hay không nhưng ai đó kể trong một
buổi giao ban khi được yêu cầu báo cáo tình hình, một cán bộ trung đội báo cáo
hết sức ngắn gọn: “tình hình trung đội tôi cũng tương đối”...
Thời gian này tiểu đoàn trưởng Tân đã
được điều sang Lào đảm nhiệm chức vụ trung đoàn phó H02, thay anh làm tiểu đoàn
trưởng là đại úy Nguyễn Văn Viên. Đại đội trưởng Nghi cũng đã chuyển công tác
khác, về làm đại đội trưởng đại đội 9 là Nguyễn Đức Hiến. Nhã cũng đã được đề
bạt lên trung đội trưởng. Còn lái xe Cân đã được “thăng chức” kỹ thuật viên đại
đội nhưng vẫn ở cùng xe 567.
Đang là mùa khô nên công tác tiếp vận
của 559 tương đối thuận lợi. Nhờ vậy thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm không
đến nỗi quá thiếu thốn. Mỗi khi rảnh rỗi Hòa đen thường kéo Thắng và mấy cậu
tre trẻ nữa ra đường tuyến nhận đồng hương hoặc lặn lội vào bản của đồng bào Pa
Cô ở tít sâu trong núi để dân vận. Cũng nhờ đường vận chuyển thông suốt nên anh
em trong đại đội đã nhận được những lá thư đầu tiên. Hôm ấy đồng chí giao liên mang
đến cho đại đội cả một ba lô thư, anh mệt mỏi phàn nàn nhưng lại cười rõ tươi:
“chưa bao giờ một đại đội mà lại lắm thư đến thế!”. Nghe tin có thư cả đại đội
ùa đến xúm vào làm chính trị viên Giỏ phải ra tay bắt xếp hàng lần lượt vào
nhận. Nhưng vừa mở gói thư được gói kín bằng mấy lần ni- lông ra anh đứng lặng
đi, mắt rân rấn nước. Lá thư trên cùng của xấp thư ở mục người nhận được viết
bằng thứ chữ rất nắn nót và tô rất đậm: Người nhận Nguyễn Anh Tú, Hòm thư....
Đám đông đang huyên náo trầm hẳn xuống, ai nấy nhận thư xong lẳng lặng đi ra
nhường chỗ cho người khác, những lời cười đùa tếu táo bặt hẳn đi, đến như Hòa
đen mà cũng im như thóc. Có đến già nửa số thư là thư viết cho họ theo hòm thư
cũ ngoài Đường Chín.
Kíp xe 567 hôm nay có bữa đại tiệc
thư. Người nhận nhiều thư nhất là Cân, thư của “cậu tú” chủ yếu là thư bạn học.
Cái lớp 10A ngày ấy của Cân quá nửa nam giới đi bộ đội, số còn lại hầu hết vào
đại học, trung cấp chuyên nghiệp đến nay cũng đã ra trường. Từ khi chia tay
nhau mỗi người một ngả họ vẫn thường xuyên viết thư cho nhau. Học giỏi, thơ
hay, tính tình lại nhuần nhụy, dễ mến nên Cân được bạn bè cả nam lẫn nữ quý
mến. Vì vậy, từ khi còn ở ngoài Bắc bao giờ Cân cũng là người nhận đwọc thư
nhiều nhất của đại đội. Hôm nay, ôm cả đống thư về Cân lại chúi đầu vào cái chỗ
quen thuộc của mình trong buồng lái, chắc những lá thư đều mang đến nhiều tin
thú vị nên “cậu tú” cứ vừa đọc vừa tủm tỉm cười.
Thắng thì nhận được gần chục lá thư,
cũng chủ yếu là thư bạn. Cậu cứ bô lô, bô la đọc toáng cả lên. “Có gì mà phải
giấu”- Cậu bảo thế. Nhưng thật ra Thắng đã giấu biệt mấy lá thư của bố mẹ gửi
vào vì xấu hổ. Trong thư bố mẹ cậu vẫn coi cậu như thằng trẻ con vừa mới nứt
mắt ra, lo lắng thì toàn lo chuyện không đâu. Đại loại “cơm không biết nấu lấy
gì mà ăn”, hay “không biết khâu vá, quần áo mà rách thì lấy gì mà mặc”...
Nhã nhận được hơn chục lá thư nhưng
chỉ của một người gửi: đó là Hiền. Từ chỗ chính trị viên Giỏ về anh lẳng lặng
chui vào căn hầm ngủ rồi thắp đèn lên. Xé một loạt phong bì ra Nhã chọn lấy mấy
bức thư viết hồi cuối năm 67 đọc trước. Nhưng càng đọc mặt Nhã càng ỉu xìu: vợ
chồng anh vẫn chưa có tin vui! Đọc hết một lượt hơn chục lá thư anh quay sang
thổi tắt ngọn đèn rồi chắp tay sau gáy nằm thở dài sườn sượt. Tự nhiên, hai
dòng nước mắt Nhã ri rỉ chảy ra, anh thầm tự nhủ: “thế này chỉ khổ cho Hiền
thôi”.
Chỉ riêng Hòa là nhận được “nhõn” một
bức thư của ông chú. Cầm lá thư Nhã đưa cho Hòa chẳng tỏ thái độ gì. Thực ra,
đằng sau cái vỏ tếu táo bên ngoài của Hòa là những uẩn khúc không dễ tâm sự
cùng ai. Anh em cùng xe ở với Hòa cũng đã lâu chỉ biết đại loại: Hòa mồ côi bố
mẹ từ nhỏ nên phải ở với ông bà và các bác, các chú cho đến khi đi bộ đội. Thực
ra họ đâu có biết bố Hòa là liệt sỹ thời chống
Pháp, hy sinh từ khi Hòa mới lọt lòng. Mẹ Hòa còn trẻ nên sau đó đã gửi
con lại cho ông bà nội để đi bước nữa. Suốt những năm thơ ấu lúc còn nhỏ Hòa ở
với ông bà, ông bà mất thì ở với các bác, các chú. Vất vả, cơ cực đã đành nhưng
Hòa vượt qua một cách khá dễ dàng. Với Hòa có lẽ cái thiếu thốn nhất là tình
cảm. Khi còn bé thấy chúng bạn có cha, có mẹ Hòa hận mẹ lắm nhưng càng lớn cậu
càng hiểu mẹ và thương mẹ hơn. Chính vì vậy chẳng biết tự bao giờ trong cậu đã
dần hình thành một suy nghĩ như một lời nguyền: “sẽ không bao giờ để một người
phụ nữ vì mình mà rơi vào hoàn cảnh như mẹ”. Chính lời nguyền đó đã làm trái
tim Hòa khép lại trước rất nhiều người bạn gái, trong đó có cả cô gái người Xóm
Mới là Thu. Hôm nay cũng vậy, Hòa thờ ơ bóc lá thư đọc lướt qua một lượt. Vẫn
chỉ là mấy lời thông báo tình hình ở nhà và dặn dò cháu cẩn thận mà thôi. Hòa
đút lá thư vào túi áo rồi ra ngoài xe tếu táo với Thắng.
Những ngày mùa khô vui vẻ, dễ chịu rồi
cũng sắp hết. Phía trước họ lại là một mùa mưa. Ở đâu không biết chứ ở chiến
trường Tây Thừa Thiên này thì mùa mưa là một thử thách cực kỳ lớn đối với những
người lính. Đó là đói. Là rét. Là sốt triền miên. Là mùa “ta thua Mỹ
thắng”.v.v... và v.v...
Nhưng khi những đám mây đen kịt nặng
trĩu xuất hiện ngày một nhiều trên bầu trời báo hiệu một mùa mưa khắc nghiệt
thì đại đội 9 nhận được lệnh “quay ra đường Chín gấp”. Cả đại đội thở phào nhẹ
nhõm, chỉ một ngày sau họ đã lên đường, và chưa đến một tuần sau đại đội 9 đã
có mặt tại Bắc đường Chín cùng với người anh em đại đội 3. Mới thế mà đã xa
nhau hơn một năm, nay gặp lại nhau mừng vui khôn kể xiết. Niềm vui còn được
nhân lên gấp bội khi họ biết được gọi ra đây để chuẩn bị tham gia một chiến
dịch “cực kỳ” lớn.
***
Đúng như dự đoán của ta, cuối năm 1970
một kế hoạch hành quân đánh vào tuyến vận tải chiến lược và triệt phá hệ thống
kho tàng của ta đã được Bộ Tham mưu liên quân Hoa Kỳ phối hợp với quân ngụy Sài
Gòn điều nghiên và xây dựng. Địa bàn được lựa chọn là quân đoàn 1 và Hạ Lào.
Mục tiêu của cuộc hành quân là làm chủ đường Chín từ Đông Hà đến Sê Pôn nhằm
mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam và lực lượng cách mạng Lào, Căm
Pu Chia. Tất nhiên mục tiêu sâu xa là muốn thay đổi cán cân lực lượng tại miền
Nam, đảm bảo cho ngụy quân Sài Gòn có đủ sức mạnh gánh vác trọng trách tiến
hành chiến tranh theo lộ trình của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đã đề ra.
Tuy nhiên, có một lý do nữa khiến cho
Nhà Trắng hết sức quan tâm, hối thúc cuộc hành binh này diễn ra càng sớm càng
tốt vì năm 1972 sắp đến là năm bầu cử ở Mỹ. Trong lời hứa khi lên nhậm chức
tổng thống Mỹ Ních- xơn đã hứa với các cử tri sẽ sớm kết thúc chiến tranh ở
Việt Nam. Nay đã sắp hết nhiệm kỳ thứ nhất, muốn tái cử nhiệm kỳ hai Ních- xơn
phải tỏ ra là người biết giữ lời hứa, phải cho cử tri Mỹ thấy tình hình cuộc
chiến ở Việt Nam đang rất khả quan, đồng minh đang thắng thế... Một cuộc tiến
công qua Lào sẽ làm suy yếu Việt Cộng, làm thay đổi cán cân lực lượng có lợi
cho quân đội Sài Gòn và sẽ đảm bảo tiến trình của chiến lược Việt Nam
hóa chiến tranh.
Vì tất cả những lý do về chính trị và
quân sự kể trên cuộc hành quân mang tên Lam Sơn 719 đã được tiến hành rất khẩn
trương với một lực lượng vô cùng hùng hậu cùng với hỏa lực yểm trợ tối đa của
không quân, pháo binh Hoa Kỳ.
Cuộc hành quân được chia thành bốn
giai đoạn. Giai đoạn I mang tên Đi- uy- ca- ni- ơn II do các lực lượng quân
đoàn XXIV Hoa Kỳ đảm nhiệm, chỉ huy là Thiếu
Tướng Su- ther- land, tư lệnh quân đoàn. Mục tiêu của giai đoạn I là giải tỏa
quốc lộ Chín từ Đông Hà tới biên giới Việt- Lào tại Lao Bảo, trong đó chủ yếu
là tái chiếm Khe Sanh để thiết lập Bộ Chỉ huy tiền phương cho cuộc hành quân và
tái thiết phi trường Khe Sanh làm điểm trung chuyển tiếp vận.
Từ giai đoạn II đến giai đoạn IV do
quân ngụy Sài Gòn đảm nhiệm và mang tên Lam Sơn 719 và do đích thân trung tướng
Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh quân đoàn I ngụy trực tiếp chỉ huy. Theo quy ước của
quân lực Việt Nam cộng hòa thì Lam Sơn là các cuộc hành quân trên địa bàn quân
đoàn I, cũng như Toàn Thắng là của quân đoàn III, Cửu Long của quân đoàn IV...
Còn 71 là năm tiến hành, 9 là khu vực tác chiến tại đường Chín. Lực lượng tham
gia cuộc hành quân bao gồm: sư đoàn 1 Bộ
Binh, sư đoàn Nhảy Dù, sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ngoài ra, còn có liên đoàn
1 Biệt Ðộng Quân, Pháo Binh và Thiết Giáp cơ hữu thuộc Quân Ðoàn 1.
Trong giai đoạn II các lực lượng Việt
Nam cộng hòa sẽ tiến quân theo trục lộ Chín đánh chiếm Bản Đông mà trong kế
hoạch của chúng có mật danh là A Lưới- một vị trí quan trọng trên đường Chín,
cách biên giới Việt Lào chừng 12 ki- lô- mét. Đây chính là nơi giao nhau giữa
đường Chín với đường 16A chạy theo hướng Bắc-
Nam .
Giai đoạn III của cuộc hành quân sẽ
dùng trực thăng đổ bộ quân dù xuống chiếm Sê- Pôn với mật danh trong kế hoạch
là A Sầu, một thị trấn thuộc tỉnh Xa- Van- Na- Khét cách biên giới Việt- Lào
chừng 42 ki- lô- mét. Đây là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường giao thông
quan trọng tại lưu vực sông Sê- Pôn và Cửu Long. Trong khi đó quân thiết kỵ vẫn
tiếp tục tiến theo đường Chín và sẽ hợp quân cùng quân dù tại Sê- Pôn để đánh
phá hệ thống kho tàng cũng như các căn cứ hậu cần của đối phương tại đó.
Giai đoạn IV: sau khi hoàn thành nhiệm
vụ tại Sê- Pôn toàn bộ lực lượng sẽ trở về Việt Nam
theo hướng Đông- Nam
để tiếp tục triệt phá các căn cứ tiếp vận ở thung lũng A Sầu- A Lưới. Dự kiến
cuộc hành quân kéo dài trong ba tháng, bắt đầu sau Tết Tân Hợi cho đến đầu
tháng Năm, khi mùa mưa đến ở Hạ Lào.
Để thực hiện mục tiêu của cuộc hành
quân tướng Hoàng Xuân Lãm đã phê chuẩn kế hoạch sử dụng lực lượng như sau:
ngoài lực lượng xung kích tiến chiếm Sê- Pôn theo đường Chín sẽ tổ chức lực
lượng án ngữ sườn bắc và lực lượng án ngữ sườn nam.
Lực lượng án ngữ sườn Bắc do liên đoàn
1 Biệt động quân dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Văn Hiệp, gồm các tiểu đoàn
21, 37 và 39 đảm trách, có nhiệm vụ che chở sườn cực Bắc cho lực lượng xung kích.
Bộ chỉ huy liên đoàn 1 Biệt động quân đóng tại Phú Lộc cùng với tiểu đoàn 37.
Các tiểu đoàn 39 chiếm mục tiêu Biệt Ðộng Quân Bắc và tiểu đoàn 21 chiếm căn cứ
Biệt Ðộng Quân Nam
tại cực Bắc khu vực hành quân.
Lực lượng án ngữ sườn Nam do sư đoàn 1
Bộ Binh đảm nhiệm dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Phạm Văn Phú, đại tá Vũ
Văn Giai làm tư lệnh phó, gồm các trung đoàn 1 và 3, có nhiệm vụ tảo thanh mặt
Nam đường số 9 để bảo vệ sườn Nam cho thành phần xung kích.
Lực lượng xung kích gồm toàn bộ sư đoàn
Nhảy Dù cùng với lữ đoàn 1 Thiết Kỵ tăng phái. Trung tướng Dư Quốc Ðống, tư
lệnh sư đoàn Nhảy Dù chia quân làm 3 thành phần chính sau đây:
Thành phần yểm trợ mặt Bắc do lữ đoàn
3 Dù gồm có các tiểu đoàn 2, 3 và 6 dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Văn
Thọ, có nhiệm vụ thiết lập một số căn cứ hỏa lực sát mặt Bắc đường số 9 để yểm
trợ cho lực lượng chính. Sau các căn cứ của Biệt động quân xa hơn về phía Bắc,
các căn cứ hỏa lực của lữ đoàn Dù 3 là lớp khiên thứ hai che chở sườn Bắc vì dự
tính đa số lực lượng đối phương sẽ được điều động tới từ phía này.
Thành phần chính do chiến đoàn 1 Ðặc
Nhiệm đảm trách, gồm lữ đoàn 1 Dù và lữ đoàn 1 Thiết Kỵ tăng phái, có nhiệm vụ
tiến dọc đường số 9 về hướng Tây để chiếm mục tiêu chính là Sê- Pôn. Lữ đoàn 1
Dù gồm các tiểu đoàn 1, 8 và 9 do đại tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy. Lữ đoàn 1
Thiết Kỵ gồm các thiết đoàn 10, 11 và 17 do đại tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy. Cánh
quân hỗn hợp Dù và Thiết Giáp này được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn
Trọng Luật.
Thành phần trù bị do lữ đoàn 2 Nhảy Dù
gồm các tiểu đoàn 5, 7 và 11 do đại tá Trần Quốc Lịch chỉ huy có nhiệm vụ đổ bộ
bằng trực thăng vào Sê- Pôn khi Chiến đoàn 1 Ðặc Nhiệm khai thông được đường số
9 và tiến gần tới thị trấn mục tiêu này.
Làm lực lượng trù bị cho cuộc hành
quân gồm sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến với các tiểu đoàn Pháo Binh cơ hữu đóng
tại Khe Sanh.
Tổng quân số tham gia cuộc hành quân
mang tên Lam Sơn 719 này lên tới hơn ba vạn quân chủ lực Sài Gòn cùng với một
khối lượng lớn phương tiện chiến tranh: 460 xe tăng, thiết giáp, 250 khẩu pháo,
700 máy bay trong đó có 300 máy bay lên thẳng.
Nhiệm vụ tiếp vận, yểm trợ cho cuộc
hành quân vẫn do quân đoàn XXIV Hoa Kỳ đảm nhiệm. Ngoài ra quân đoàn này có
nhiệm vụ bảo vệ an toàn đoạn đường Chín trong lãnh thổ Việt Nam . Bên cạnh đó chúng còn huy động
thêm lực lượng phản động Lào cùng phối hợp hoạt động.
Ngoài ra, để nghi binh cho cuộc hành
quân này chúng còn đẩy mạnh hoạt động tại nam khu phi quân sự. Đồng thời tung
một số toán thám báo, biệt kích ra nam quân khu Bốn và điều động một số tàu
chiến lảng vảng ngoài khơi phía bắc vĩ tuyến 17 để chi phối sự chú ý của ta.
Với một kế hoạch được tính toán đến
từng chi tiết, với một lực lượng tham gia vô cùng hùng hậu, với sự yểm trợ
không hạn chế của không quân, pháo binh Mỹ và sự phối hợp tác chiến của quân
đội Hoàng gia Lào, Bộ Tham mưu liên quân Hoa Kỳ và Bộ Tổng Tham mưu ngụy quân
Sài Gòn hy vọng sẽ cắt đứt hoàn toàn hệ thống đường tiếp vận của ta. Qua đó làm
gián đoạn các hoạt động quân sự tại miền Nam trong vòng hai đến ba năm, ít nhất
cũng là qua được kỳ bầu cử tổng thống năm 1972 và chứng tỏ cho cử tri Mỹ thấy
sự đúng đắn của “học thuyết Ních- xơn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét