Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển đã cùng kíp xe 377 làm nên trận đấu xe tăng “có một không hai” trong lịch sử. Còn về đời riêng, đám cưới của anh cũng thuộc vào loại “có một không hai”.
Từ tình yêu của người lính xe tăng với cô gái quan họ
Nguyễn Nhân Triển quê ở làng Nghiêm Xá, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Đó là một làng quê cổ kính, yên bình nằm giữa vùng đồng bằng “bờ xôi, ruộng mật” bên con sông Đuống hiền hòa, xinh đẹp.
Tháng 6 năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc Nguyễn Nhân Triển lên đường nhập ngũ. Dó có sức khỏe tốt anh được chọn về Binh chủng Tăng Thiết giáp và được cử đi học trưởng xe.
Một thời gian sau, do có thành tích tốt trong công tác huấn luyện anh được về Đoàn 10 - Tiểu đoàn huấn luyện của Binh chủng Tăng Thiết giáp - để đào tạo trung đội trưởng xe tăng.
Cuối năm 1970, Tiểu đoàn xe tăng 297 của anh cơ động vào Tây Quảng Bình để chuẩn bị tham gia chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.
Sau khi kết thúc chiến dịch, đơn vị lại quay ra Quảng Bình để củng cố chuẩn bị cho chuyến hành quân đường dài vào mặt trận Tây Nguyên. Đơn vị giải quyết cho một số cán bộ chiến sĩ đi phép dịp này, trong đó có Triển.
Không biết chuyến đi này sẽ kéo dài bao lâu, với lại tình yêu của anh với người thôn nữ cùng quê cũng đã chín muồi, Triển quyết định sẽ xin gia đình hai bên cho họ nên vợ nên chồng trong đợt phép quý giá này.
Cũng như hầu hết các làng quê ở xứ Kinh Bắc, con gái làng Nghiêm Xá quê Triển nổi tiếng xinh đẹp và đảm đang. Thời buổi chiến tranh, đàn ông con trai đổ hết ra chiến trường, mọi công việc từ trong nhà ra ngoài đồng đều đổ lên vai cánh đàn bà con gái.
Họ lam lũ, tất bật từ sáng đến tối, hết ngày này qua ngày khác. Tuy vậy, mỗi khi đêm xuống họ lại xúng xa xúng sính trong những chiếc áo tứ thân ra đình làng để đắm mình vào những làn điệu quan họ say đắm lòng người.
Trong số thôn nữ thời ấy của làng Nghiêm Xá, Nguyễn Thị Mạc nổi trội lên cả về sắc vóc lẫn lời ca tiếng hát. Chính vì vậy, cô không chỉ tham gia đội văn nghệ của làng mà còn được triệu tập lên Đội thông tin xung kích của huyện để đi các nơi biểu diễn phục vụ.
Vậy mà cô gái tài sắc vẹn toàn ấy lại bị cái hiền lành, mộc mạc của chàng thiếu úy xe tăng chinh phục và họ đang chờ ngày nên vợ, nên chồng. Cô cũng đang mong anh về từng tháng, từng ngày.
Và rồi ngày ấy đã đến. Đó là tháng 8 năm 1971, khi Nguyễn Nhân Triển được về phép trước khi đi “B dài”.
Đến đám cưới “có một không hai”
Được sự đồng ý của hai gia đình và chính quyền địa phương được tổ chức vào ngày 22/08/1971 nhằm ngày 02/7 âm lịch. Đám cưới thời chiến được tổ chức theo lối “đời sống mới” tuy giản dị nhưng không kém phần trang trọng và vui vẻ, nhất là vào buổi tối hôm ấy.
Rất đông bà con xóm giềng cùng họ hàng và bạn bè của hai anh chị đã đến dự. Có cả các anh bộ đội tên lửa đóng quân ở Đông Du gần đó cũng sang để chia vui với hai người.
Các tiết mục văn nghệ liên tục được mọi người trổ tài để mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Khi đám cưới đang lên đến cao trào, hội hôn đề nghị cô dâu và chú rể lên hát song ca.
Chàng thiếu úy xe tăng vốn chỉ quen với súng đạn ngượng ngùng xin phép để vợ hát thay cả cho mình.
Đúng lúc mạc đứng lên chuẩn bị cất tiếng hát thì khắp nơi xung quanh vang lên tiếng trống ngũ liên cùng tiếng loa, tiếng kêu thất thanh của mọi người: “Vỡ đê rồi! Vỡ đê rồi”.
Vậy là những trận mưa liên tục từ đầu tháng với lưu lượng cực lớn trên khắp miền Bắc đã đến đỉnh điểm. Nước trên các triền sông đều dâng cao trên mức “báo động 3”.
Nước lũ dâng cao và chảy mạnh đến nỗi sợ cầu Long Biên bị trôi, Tổng cục Đường sắt phải điều một đoàn tàu chở đầy đá hộc ra đứng ở giữa cầu để “trấn”. Rồi đến lúc những con đê không chịu nổi nữa.
Nhiều điểm đê đã bị vỡ trước sức nước vô cùng mãnh liệt, trong đó có đê Cống Thôn ở bờ tả sông Đuống cách làng quê Nghiêm Xá của đôi vợ chồng mới chỉ vài km.
Con nước hung hãn lập tức tràn về dìm các làng quê vào làn nước hung hãn đục ngầu. Đó chính là trận lũ lụt lịch sử ở đồng bằng sông Hồng năm 1971.
Ngay lập tức đám cưới phải dừng lại. Rạp cưới được dỡ ra. Bàn ghế mượn hàng xóm phải gấp gáp mang trả. Mấy cây tre dùng để dựng rạp được gác lên xà nhà.
Một bên để thóc gạo, quần áo... Một bên đưa lên đôi dát giường làm “phòng hạnh phúc” cho đôi vợ chồng mới. Còn cả gia đình tá túc trên đỉnh đống rạ ngoài vườn. Mọi việc vừa xong thì nước bắt đầu tràn về và nhanh chóng dâng lên.
Đêm tân hôn đang còn dang dở thì nước đã dâng lên đến lưng người. Triển buộc phải dỡ mấy viên ngói trên nóc nhà đưa vợ chui ra ngồi trên nóc nhà chờ sáng. Cho đến nay, nhiều người dân làng Nghiêm Xá vẫn nhớ đến đám cưới “có một không hai” này.
Khi nước chưa rút hẳn, Triển quyết định lên đường trả phép. Sau khi vào đơn vị một thời gian thì Tiểu đoàn 297 của anh lên đường vào chiến trường Tây Nguyên.
Niềm ân hận lớn nhất làm Triển day dứt suốt dọc đường hành quân chiến đấu là chưa kịp để lại cho người vợ xinh đẹp của mình một “giọt máu” nào.
Hơn sáu tháng sau ngày chia tay vợ- ngày 24/04/1972- Nguyễn Nhân Triển đã cùng đồng đội trên kíp xe 377 làm nên trận đấu tăng “1 chọi 10” huyền thoại và từ đó anh đi vào cõi bất tử.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/dam-cuoi-co-1-khong-2-cua-truong-xe-tang-1-choi-10-huyen-thoai-20160210204242139.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét