Trận
thắng thứ hai ở điểm cao 543 đã phải trả một giá khá đắt: hai đại đội xe tăng
gần như bị xóa sổ. Đau nhất là 6 chiếc T54-
những “quả đấm thép” chưa kịp tham chiến đã bị không quân Mỹ đánh cho
tan tác. Chiếc thì cháy, chiếc thì bị lật, có một chiếc còn bị tung hẳn tháp
pháo ra ngoài. Gần chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương, đại đội trưởng
cũng bị thương đang nằm viện nên không khí ở đại đội 7 ủ rũ như nhà có đám
tang. Bữa cơm chiều, mặc dù chính trị viên Thiết đã lệnh cho nuôi quân tăng
cường thêm mấy hộp thịt nhưng dường như chẳng ai muốn nuốt. Có anh còn bỏ cơm
nằm khan trong hầm mặc mọi người động viên thế nào cũng lắc. Mâm nào mâm nấy ế
chỏng ế chơ.
Lùa qua loa hai lưng cơm vào miệng,
Bình và Cường lừ đừ trở về hầm mình. Chiều trong rừng già xuống thật nhanh, mới
đó mà đã sẩm tối. Trong cảnh tranh tối tranh sáng cái hầm xe trống hoác trông
thật lạnh lẽo vì cái xe 326 của bọn chúng đã không trở về đây nữa. Trưa nay, xe
326 của bọn chúng đi cuối cùng trong đội hình. Khi cả đại đội bị ùn lại ở chân
dốc và bị máy bay oanh tạc trưởng xe Đức đã lệnh cho pháo hai Thìn lên bắn 12
ly 7. Cả Đức cũng nhô đầu lên để chỉ huy và phụ giúp Thìn bắn máy bay. Thấy bom
đạn nổ tứ tung Cường vội buông cần lái ra để đóng cửa lái xe lại. Trong lúc
luống cuống nó đã để xe bị rệ xuống cái hố bom lõng bõng nước nằm ngay vệ
đường. Cái xe nằm ì ra đấy không tiến, không lùi được nhưng khẩu 12 ly 7 trên
tháp pháo vẫn nổ từng loạt ngắn chắc chắn và điềm tĩnh. Mặc dù cũng đã có lần
bị máy bay đánh vào đội hình nhưng chưa khi nào ác liệt như lần này, trong khi
đó xe lại nằm chết gí một chỗ nên Cường thấy run lắm. Ngoảnh lại đằng sau nó
bắt gặp pháo thủ Bình đã rời vị trí xuống ngồi ngay sau lưng ghế lái xe. Qua
ánh sáng mờ mờ từ cửa trưởng xe rọi xuống Cường vẫn thấy một khuôn mặt xám
ngoét, trên đó là đôi mắt lạc đi vì sợ hãi.
Nỗi sợ hãi của hai thằng lên đến đỉnh
điểm khi một ánh chớp sáng lòa lóe lên ngay cạnh xe. Dường như cả hai thằng đều
bị choáng và ngất đi vài giây thì phải. Lúc chúng mở mắt ra thì cả hai cùng rú
lên một lượt. Bên chỗ pháo hai Thìn đã tụt xuống, cả nửa thân trên của nó nát
bấy ra như xơ mướp. Còn trên ghế trưởng xe Đức ngồi trong một tư thế thật lạ
lùng, đầu anh ngả ra dựa vào thành tháp pháo, một mảnh trán đã bay đi để lộ ra
một đám bầy nhầy những máu và óc. Cửa lái xe cũng đã bị hơi bom làm bật tung
ra. Không thằng nào bảo thằng nào nhưng cả hai cùng lao vọt ra ngoài cắm đầu
chạy một mạch về phía sau. Chúng cũng chẳng hiểu làm thế nào mà chúng lại về
được vị trí tập kết của đại đội. Số phận cái xe 326 của chúng chúng cũng chỉ
biết khi được nghe mấy anh em về sau kể lại: một quả bom nổ gần đã hất tung
tháp pháo của nó sang một bên. Cả hai im lặng nhìn nhau đầy ẩn ý: may mà chúng
đã thoát ra ngoài sớm. Nếu không chắc đã chung số phận với Đức và Thìn.
Và bây giờ thì cả hai đang ngồi bó gối
trước cửa căn hầm chữ A bên cạnh cái hầm xe trống hoác. Dễ đến nửa giờ trôi qua
mà chẳng thằng nào nói với thằng nào một câu. Dường như mỗi thằng đều đang ngập
chìm trong những ký ức sợ hãi và đau thương mà chúng đã chứng kiến, đã trải qua
từ trưa đến giờ. Khu trú quân của đại đội 7 chìm trong im lặng đến tê tái, chỉ
có chỗ hầm của chính trị viên Thiết là có ánh đèn và có tiếng người. Chi bộ đại
đội đang hội ý thì phải.
Nhưng rồi sự im lặng đột nhiên bị phá
vỡ. Một loạt bom tọa độ trút xuống ngay bên cạnh vị trí trú quân. Ngọn đèn ở
hầm chính trị viên tắt phụt. Cường và Bình chui tọt vào hầm, cả hai cùng run
như dẽ. Loạt bom đã dứt. Khu rừng trở lại yên ắng. Bất giác Cường hộc lên một
tiếng rồi ư ử rên. Bình thì thào:
- Cường! Mày làm sao đấy? Sốt à?
Cường vẫn rên hừ hừ, mãi sau nó mới
run rẩy:
- Thế này thì toi mất mày ạ!
Căn hầm lại chìm vào im lặng. Một lúc
sau Bình mới lên tiếng:
- Thì biết làm sao bây giờ- Im lặng
một lát rồi nó mới tiếp- Nói thật, tao cũng không ngờ nó ác liệt đến như vậy.
Cứ tưởng có cái vỏ thép dày nó bảo vệ cho thì đâu đến nỗi. Biết thế này thì… Nó
bỏ lửng câu nói.
Như ngời sắp chết đuối vớ được cọc
Cường nhổm dậy:
- Thì sao?
Lúng búng một hồi Bình mới bật ra câu
trả lời:
- Thì tao trốn mẹ nó từ hồi còn ở
Quảng Bình ấy!
Lại im lặng một lúc lâu Cường mới hỏi
tiếp:
- Thế sao hồi ấy mày không trốn?
Bình ráo hoảnh:
- Rủ mấy thằng chẳng thằng nào dám
trốn. Mới lại cứ nghĩ rằng ngồi trong cái vỏ thép ấy cũng khó mà chết được.
Cường vẫn tò mò:
- Thế mày rủ bọn nào?
Bình ậm ừ một lát rồi mới trả lời:
- Mấy thằng cùng quê tao ấy. Không
nghe tao, hôm nay chết tất rồi- Nó bỗng gắt lên- Mà hỏi đ. gì lắm thế!
Im lặng lại bao trùm căn hầm. Bóng tối
dường như bị nén lại đến đông đặc. Mãi sau là tiếng thằng Cường:
- Thế bây giờ mày có dám trốn không?
Bình trả lời ngay như không cần suy
nghĩ:
- Dám chứ! Thế mày có dám không?
Một phút im lặng rồi tiếng Cường dứt
khoát:
- Dám! Ở lại kiểu gì cũng chết.
Chúng còn thì thào bàn bạc thêm một
lúc nữa rồi chui ra ngoài nghe ngóng. Một lúc sau hai thằng lầm lũi luồn rừng
đi về phía con đường 16.
Chắc còn bận bịu nhiều công việc khác
nên mãi đến gần trưa sự vắng mặt của Bình và Cường mới được phát hiện ra. Chính
trị viên Thiết lập tức cho người đi tìm nhưng mọi sự đã muộn. Hai thằng đã “bốc
hơi” không để lại một tý dấu vết nào. Anh đành chạy vội lên tiểu đoàn báo cáo.
***
Trên Bộ tư lệnh tiền phương không khí
cũng trầm lặng khác hẳn trước đây hai ngày. Tư lệnh Lân lầm lì hẳn đi, ông hỏi
trợ lý tác chiến Phùng bằng giọng hơi gay gắt:
- Sao các cậu bảo T54 hiện đại lắm cơ mà!
Hiện đại gì mà lại bị nó đánh cho tan tác thế?
Phùng đã được nghe báo cáo từ dưới
tiểu đoàn nên anh nắm khá chắc tình hình, tuy nhiên anh vẫn dè dặt:
- Báo cáo tư lệnh! Trang bị dù có hiện
đại đến đâu cũng có những hạn chế nhất định. Cụ thể ở đây là do độ dốc cao, đêm
trước trời lại mưa to, đường trơn nên những chiếc T54 với trọng lượng hơn 36
tấn không thể vượt qua con dốc từ đường 16 lên mỏm 1. Lúc đội hình đang ùn lại
thì bị máy bay địch đến oanh tạc. Mặc dù anh em đã cố gắng dùng 12 ly 7 đánh
trả nhưng không lại. Giá như hỏa lực phòng không của mặt trận mạnh hơn chắc
chắn sẽ không thiệt hại đến như thế.
Ông Lân vẫn gay gắt:
- Đừng có đổ tại khách quan. Sao không
tổ chức đi trinh sát đường cơ động trước để có biện pháp khắc phục. Còn phòng
không nữa, tại sao hôm trước chỉ có hai khẩu 12 ly 7 anh em đại đội 9 cũng bắn
rơi được 1 cái F4, đây có hẳn gần chục khẩu mà không làm ăn được gì thì tại ai?
Chủ nhiệm chính trị Thu ôn tồn:
- Đề nghị anh cứ bình tĩnh! Chiến
tranh mà, chẳng thể nói trước được mọi thứ. Tổn thất như thế cũng là chuyện
thường tình dù không ai muốn. Tôi cho rằng trong trường hợp này chúng ta cần
bình tĩnh, trước hết là phải ổn định tư tưởng cho anh em. Sau đó sẽ tổ chức rút
kinh nghiệm thật cụ thể xem đâu là do khách quan, đâu là do chủ quan để có biện
pháp khắc phục. Mà xét cho đến cùng thì trận này ta vẫn giành thắng lợi cơ mà.
Tư lệnh Lân đã có phần dịu lại:
- Đã đành là thắng nhưng tổn thất cũng
lớn quá! Thế theo anh bây giờ phải làm gì?
Chủ nhiệm chính trị Thu ngẫm nghĩ một
lát rồi chậm rãi:
- Theo tôi ta sẽ tổ chức một đoàn
xuống làm việc trực tiếp với anh em dưới đó. Một mặt động viên tư tưởng cán bộ,
chiến sĩ. Một mặt tổ chức rút kinh nghiệm. Sau đó ta sẽ bổ sung lực lượng cho
đại đội này đánh một vài trận tiếp theo để lấy lại khí thế.
Tư lệnh Lân gật đầu:
- Vậy thì anh đi đi! Còn các anh bên
tham mưu xem điều chuyển lực lượng thế nào cho hợp lý thì chỉ đạo tiểu đoàn làm
ngay.
***
Buổi sáng đầu xuân trong rừng còn khá
lạnh, khi những đám sương mù dày đặc vẫn lẩn khuất giữa các tàn cây chủ nhiệm
chính trị Thu đã gọi mấy trợ lý cơ quan đi cùng xuống tiểu đoàn 297. Trên đường
đi ông cứ lầm lũi đi khác hẳn vẻ cởi mở, hay chuyện trong những chuyến công tác
trước đây. Mới nghe cấp dưới sơ bộ báo cáo lên nên ông chưa thể đánh giá hết
tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ đại đội 7. Nhưng ông không tin đó là
những người hèn nhát như có ai đó đã xì xào. Có thể tổn thất quá lớn ngay trận
đầu ra quân này đã làm cho anh em “choáng”. Vấn đề đặt ra bây giờ là phải “vực”
anh em dậy để vượt qua được cú sốc này. Ông nhớ lại trận đánh đầu tiên của đơn
vị mình những ngày đầu toàn quốc kháng chiến trên đường phố Thủ đô, lúc đó ông
đã là chi đội trưởng một chi đội tự vệ chiến đấu của Liên khu I. Khi nhìn thấy
xe tăng địch phăm phăm lao vào chiến lũy như vào chỗ không người. Thấy đạn nổ
mù trời, thấy người chết la liệt nhiều chiến sĩ trẻ không khỏi bàng hoàng, tay
chân run bắn lên tưởng chừng không cầm nổi khẩu súng, cứ thụp xuống nấp sau
chiến lũy. Lúc đầu ông cũng hơi bối rối vì ra lệnh mà họ vẫn như không nghe
thấy gì. Cuối cùng ông đứng thẳng người vừa nhằm bắn vào quân địch vừa hô: “
Bắn đi! Mình không bắn nó thì nó cũng bắn mình chết”. Những người lính trẻ hé
mắt nhìn người chỉ huy, hình như hành động đó đã tác động đến họ nhiều hơn là
lời nói và họ đã nhất loạt làm theo ông. Cuộc tấn công của địch hôm đó đã bị
chặn đứng. Còn hôm nay, những chiến sĩ của ông có nhiều điểm khác với những
chiến sĩ ngày ấy. Khá đông trong số họ là những tú tài hoặc sinh viên đang học
tại các trường đại học. Họ có kiến thức, có lý tưởng, nhiều người đã viết đơn
xin ra trận bằng máu của chính mình. Thế thì chắc chắn không phải là họ sợ. Cần
phải tìm bằng được nguyên nhân mới xác định được cách “điều trị”. Và ông quyết
định sẽ trực tiếp đối thoại với họ.
Qua chỗ tiểu đoàn bộ chủ nhiệm chính
trị Thu chỉ trao đổi ngắn gọn về ý định của mình với ban chỉ huy tiểu đoàn rồi
kéo tiểu đoàn trưởng Hải và chính trị viên Phức đi cùng xuống đại đội 7. Điều
đầu tiên đập vào mắt ông là không khí chán chường, uể oải dường như vẫn bao
trùm khắp đơn vị. Từng tốp vài ba chiến sĩ ngồi tụ tập vật và vật vờ chỗ này,
chỗ kia, nhiều người còn mang những vòng băng dính máu. Gặp cán bộ cấp trên họ
chỉ đứng dậy chào lấy lệ rồi nhìn đi chỗ khác chứ không hồ hởi, niềm nở như mọi
lần. Nguy hại nhất là cả chính trị viên đại đội trông cũng ủ rũ như không còn
sức sống. Rõ ràng là những cán bộ ở đây chưa làm được gì nhiều để vực tinh thần
bộ đội dạy sau trận đánh vừa rồi. Biết vậy nên chủ nhiệm chính trị Thu rất ôn
tồn:
- Đồng chí cho biết tình hình đơn vị
hiện nay thế nào?
Chính trị viên đại đội Thiết ngước đôi
mắt còn mọng đỏ lên chậm rãi:
- Báo cáo thủ trưởng! Sau trận đánh
vừa rồi đơn vị bị tổn thất lớn về trang bị và người. Về trang bị 6 trên 10 xe
bị cháy, bị hỏng. Về người hy sinh và bị thương hơn một chục, trong đó đồng chí
đại đội trưởng bị thương, đại đội phó và một trung đội trưởng hy sinh. Ngoài ra
có hai đồng chí đi đâu không rõ, có lẽ là đào ngũ. Về tư tưởng bộ đội có phần
hoang mang, thiếu tin tưởng, nhiều đồng chí chán nản.
Chủ nhiệm chính trị Thu vẫn rất nhẹ
nhàng:
- Thế các đồng chí đã có biện pháp gì
để ổn định tư tưởng bộ đội?
Chính trị viên đại đội có vẻ như bất
lực:
- Dạ! Chúng tôi đã tổ chức sinh hoạt,
động viên bộ đội nhưng đơn vị vẫn chưa lấy lại được khí thế, anh em vẫn tỏ ra
rất bi quan.
Hơi bực mình nhưng chủ nhiệm chính trị
Thu cố giữ thái độ mềm mỏng, ông đứng dạy:
- Thôi được rồi! Bây giờ đồng chí cho
tập trung toàn đại đội lại đấy. Tôi muốn nói chuyện với anh em.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét