Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 3


Gọi là hội trường nhưng thực ra là phòng họp của bộ phận quản lý trường bắn. Đó là một căn phòng chừng hơn hai chục mét vuông, trong đó kê chín bộ bàn ghế thành ba hàng, phía trên là bàn chủ tọa. Bức tường phía trước dăng kín các loại bản đồ, sơ đồ phục vụ cho cuộc diễn tập. Đây chính là nơi Bộ tư lệnh Thiết giáp định giới thiệu về cuộc diễn tập với Tổng Tham mưu trưởng và các đại biểu trước khi tiến hành thực binh nhưng ông đã không vào mà lên thẳng đài chỉ huy trường bắn. Sau khi xem lướt qua một số sơ đồ, bảng kẻ Tổng Tham mưu trưởng quay về bàn chủ tọa. Vừa ngồi xuống ông đã nói ngay:
- Nào! Vừa rồi chúng ta đã được xem Thiết giáp diễn tập thực binh, lại được tham quan một số trang bị rất hiện đại. Còn bây giờ mời các đồng chí cho ý kiến!- Hất cằm về phía vị đại tá tóc bạc phơ ông cười- Bên khoa học quân sự cho ý kiến trung tâm đi!
Cục trưởng cục khoa học quân sự có vẻ như đã chuẩn bị sẵn nên ngay lập tức đứng dạy nâng cuốn sổ tay đang mở sẵn lên:
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Trước khi xây dựng kế hoạch diễn tập lần này chúng tôi cũng đã có một số buổi làm việc với Bộ tư lệnh Thiết giáp để thống nhất về ý định diễn tập. Qua theo dõi công tác chuẩn bị cũng như quá trình diễn tập thực binh của binh chủng Thiết giáp chúng tôi thấy về cơ bản đã đạt được mục đích đề ra. Chúng ta đã thấy được sức mạnh và khả năng chiến đấu của một phân đội bộ binh cơ giới. Các bộ phận xe tăng, xe thiết giáp, bộ binh, công binh… cũng đã có sự hợp đồng chặt chẽ với nhau, thời cơ và cách thức tổ chức cho bộ binh lên, xuống xe chính xác, nhịp nhàng. Việc tổ chức, chỉ huy hỏa lực chặt chẽ, kết hợp được sức mạnh của các loại vũ khí, tiêu diệt mục tiêu nhanh. Qua cuộc diễn tập này chúng ta cũng có thể nhận thấy cách đánh của bộ binh cơ giới như chúng ta đã xây dựng nên là phù hợp, chỉ cần rèn luyện thêm cho thuần thục là có thể đưa các đơn vị này đi chiến đấu được. Tất nhiên đây mới chỉ là một cuộc diễn tập, khoảng cách của nó đối với thực tế chiến đấu còn khá xa nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định việc tổ chức bộ binh cơ giới là cần thiết và trong tương lai đây sẽ là một lực lượng đột kích mạnh, có khả năng độc lập tác chiến cao, tốc độ tiến công nhanh- Hạ quyển sổ xuống ông ngẩng lên nhìn quanh một vòng- Tuy nhiên theo chúng tôi cũng còn một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục như sau. Một là, vấn đề tổ chức thông tin liên lạc giữa lực lượng bộ binh dưới đất với bộ phận trên xe. Hiện tại chúng ta chưa có các loại máy bộ đàm chuyên dùng cho việc này nhưng theo tôi đề nghị binh chủng Thiết giáp nghiên cứu một số phương pháp thông tin đơn giản cũng có thể khắc phục được. Hai là, về công tác hiệp đồng của các lực lượng tham gia chiến đấu cũng cần phải được tổ chức cho chặt chẽ, nhịp nhàng hơn, đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa xe tăng với xe thiết giáp, giữa xe thiết giáp với bộ binh v.v… Và thứ ba, do đặc điểm hệ thống phòng thủ của địch hiện nay trên chiến trường miền Nam chủ yếu là phòng ngự trong cứ điểm nên theo chúng tôi ta nên thay chỉ tiêu “tốc độ tiến công” bằng chỉ tiêu “thời gian hoàn thành nhiệm vụ”. Một vấn đề nữa cũng cần nghiên cứu thêm là việc xác định nhiệm vụ và khả năng chiến đấu của đơn vị này, để nó hoàn toàn độc lập tác chiến hay phối hợp với bộ binh thuần túy. Nếu hiệp đồng chiến đấu với bộ binh thuần túy thì phương pháp cụ thể như thế nào, lực lượng mỗi bên ra sao v.v… Ngoài ra cũng còn phải nghiên cứu thêm về chiến thuật phòng ngự, chốt giữ trận địa sau khi đánh chiếm được. Theo chúng tôi đây sẽ là một tình huống phổ biến sẽ xảy ra sau này. Báo cáo thủ trưởng và các đồng chí, ý kiến của bên khoa học quân sự của chúng tôi là như vậy. Hết đấy ạ!
Tổng Tham mưu trưởng nhíu mày hơi có vẻ đăm chiêu:
- Đúng là còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thêm, loại hình tổ chức này đối với chúng ta còn quá mới mẻ- Nhưng rồi ông nhanh chóng trở lại vẻ dứt khoát hàng ngày- Được! Rồi chúng ta sẽ vừa thực hành sử dụng vừa nghiên cứu tiếp. Bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của các tư lệnh mặt trận.
Một đại biểu không đeo quân hàm đứng dạy, ông cất giọng miền Trung nằng nặng:
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Qua theo dõi cuộc diễn tập vừa rồi tôi thấy rất phấn khởi vì sự lớn mạnh của binh chủng Thiết giáp nói riêng và của quân đội ta nói chung. Trong điều kiện hiện nay việc cho ra đời những đơn vị có sức đột kích mạnh và khả năng độc lập tác chiến cao là rất cần thiết để tiến tới đánh những đòn quyết định nhằm nhanh chóng giành thắng lợi. Chứng kiến cuộc diễn tập vừa rồi tôi thừa nhận sức mạnh chiến đấu của bộ binh cơ giới là rất cao và đặc biệt là nó khắc phục được một nhược điểm cố hữu trong tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa xe tăng và bộ binh trong thời gian vừa qua là hai lực lượng thường xuyên bị tách rời nhau, không hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau được. Tuy nhiên để sử dụng có hiệu quả cho lực lượng này tôi nhận thấy rằng công tác bảo đảm kèm theo sẽ rất phức tạp, đòi hỏi khối lượng lớn, tính đồng bộ cao. Vì vậy, trước khi đưa nó vào chiến trường chúng ta cần đánh giá một cách đầy đủ hơn về khả năng bảo đảm các mặt. Phải dứt khoát có bảo đảm tốt mới đưa vào sử dụng. Hết ý kiến!
Gương mặt Tổng Tham mưu trưởng lại tỏ ra đăm chiêu. Quả thật đây cũng là vấn đề mà ông đã suy nghĩ đến nhiều. Bảo đảm không tốt mà đưa những đơn vị loại này vào chiến trường thì chẳng khác nào “đem con, bỏ chợ”. Một cánh tay khác giơ lên, Tổng Tham mưu trưởng lặng lẽ gật đầu. Một đại biểu có nước da xanh sạm đặc trưng của sốt rét rừng đứng dạy, ông nói một cách giản dị:
- Thưa các đồng chí! Tôi công nhận bộ binh cơ giới là một loại hình đơn vị có khả năng độc lập tác chiến cao. Tuy nhiên theo tôi có lẽ chỉ nên sử dụng nó một cách độc lập trong những nhiệm vụ tương đối đặc biệt như thọc sâu, vu hồi trên một phạm vi rộng. Còn trong trường hợp tiến công địch trong công sự vững chắc tôi nghĩ rằng vẫn phải kết hợp với bộ binh truyền thống mới có thể giải quyết được, nhất là trong giai đoạn đánh địch bên trong làm chủ trận địa. Các đồng chí hãy thử hình dung đơn vị vừa rồi thực hành tiến công một cứ điểm cỡ đại đội địch. Tôi đồng ý rằng các đồng chí sẽ nhanh chóng đột phá và đánh chiếm được đầu cầu, nhưng sau đó thì sao? Với vài tiểu đội bộ binh như thế liệu chúng ta có thể làm chủ được trận địa hay không, nhất là khi địch co cụm và tổ chức phản kích. Vì vậy tôi đề nghị khi sử dụng các đơn vị này vẫn nên kết hợp với bộ binh truyền thống. Hết ạ!
Một cánh tay khác giơ lên. Đó chính là vị sĩ quan ở văn phòng Bộ, người thường xuyên ác cảm với xe tăng từ trước đến nay. Ông Đào nhăn mặt: “không biết hôm nay thằng cha này lại giở bài gì ra nữa đây?”. Được Tổng Tham mưu trưởng cho phép ông đứng dạy liếc nhẹ về phía phó tư lệnh Đào rồi trịnh trọng:
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định của một số đồng chí về sức mạnh chiến đấu của lực lượng bộ binh cơ giới chỉ qua một cuộc diễn tập này. Những ý kiến này theo tôi còn nặng về cảm tính vì dù sao đây mới cũng chỉ là cuộc diễn tập một bên, không có đối kháng nên không thể đánh giá cho thật chính xác được. Thực ra, trên thế giới vấn đề sử dụng bộ binh cơ giới cũng còn khá mới mẻ và chưa có nhiều tài liệu tổng kết nhưng qua những gì tôi được biết thì hiệu quả của nó cũng không cao như người ta kỳ vọng vào nó. Ngay ở chiến trường Việt Nam này thôi, khi Mỹ triển khai áp dụng chiến thuật “thiết xa vận” mà thực chất của nó là sử dụng rộng rãi bộ binh cơ giới trên chiến trường cũng đã gặp phải thất bại nặng nề khi ta tìm ra đối sách thích hợp. Vì vậy tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí đại diện Cục khoa học quân sự là còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm về cách đánh, về khả năng hoàn thành nhiệm vụ, về công tác bảo đảm, về tổ chức hiệp đồng giữa các thành phần v.v… của loại hình đơn vị này. Và do đó có lẽ còn quá sớm để đánh giá về nó cũng như đưa vào tham chiến, có lẽ chỉ nên để nó ở ngoài này làm dự bị cho Bộ mà thôi. Báo cáo, hết ạ!
Ý kiến vừa rồi như một gáo nước lạnh dội vào phòng họp làm không khí trong hội trường lặng hẳn đi. Tư lệnh Lân ngỗi thẫn thờ, còn phó tư lệnh Đào ngồi cúi mặt xuống cuốn sổ như đang chăm chú đọc cái gì đó, gò má trái ông giật giật liên hồi. Ông tự hỏi: “không biết “tay” này có thù hằn gì với binh chủng Thiết giáp nhà mình hay không mà lần nào ông ta cũng có ý kiến phản đối quyết liệt thế này”. Gương mặt Tổng Tham mưu trưởng vẫn hằn nét đăm chiêu, ông ngẩng lên nhìn về phía hai đại diện của Thiết giáp:
- Thôi, được rồi! Bây giờ mời các đồng chí ở Thiết giáp phát biểu.
Ông Lân hất cằm về phía ông Đào ra hiệu, ông Đào đứng dạy từ tốn: 
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Trước hết chúng tôi xin chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đồng chí. Về phía chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian ngắn nhất. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo rõ thêm một số chi tiết để các đồng chí hiểu rõ hơn về tình hình của chúng tôi. Cách đây hai tháng, ngày 18 tháng 11 năm 1971 Bộ mới có quyết định chuyển trung đoàn xe tăng H02 thành trung đoàn bộ binh cơ giới. Phải mất gần một tháng tiếp nhận trang bị, tiếp nhận quân từ các nơi chúng tôi mới tạm ổn định được biên chế và bước vào huấn luyện. Như vậy thực ra thời gian huấn luyện của H02 mới chỉ được khoảng hơn hai mươi ngày. Trong khi đó kinh nghiệm thì chưa có, tài liệu cũng rất ít ỏi, cán bộ thì thiếu, số từ bộ binh về thì hầu như chưa có kiến thức gì về binh chủng… nên kết quả thu được cũng còn nhiều hạn chế như các đồng chí đã chỉ ra, rất mong các đồng chí thông cảm. Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi thì cho rằng đây là một kiểu tổ chức quân đội rất tiên tiến, phù hợp với điều kiện chiến tranh hiện đại với mức độ ác liệt và tốc độ diễn biến ngày càng cao. Nếu được trang bị đồng bộ, luyện tập chu đáo chúng tôi cho rằng bộ binh cơ giới sẽ có khả năng hoàn thành nhiệm vụ rất cao trên mọi loại địa hình, đặc biệt là trong các trường hợp sử dụng làm lực lượng thọc sâu hoặc vu hồi chiến dịch- Ngừng lại một lát ông quay về phía Tổng Tham mưu trưởng- Về phía chúng tôi có một số đề nghị như sau: một là đề nghị Bộ cho chúng tôi thêm một thời gian nữa để củng cố tổ chức, nâng cấp, cải tiến trang bị, huấn luyện bộ đội và hợp luyện giữa các thành phần với nhau. Hai là ngoài lực lượng cao xạ tự hành trong biên chế chúng tôi muốn xin thêm một số khẩu cao xạ 14 ly 5 hoặc 23 ly để lắp lên xe thiết giáp. Chúng tôi đã tổ chức khảo sát và thấy rằng có thể lắp được hai loại súng này lên nắp buồng truyền động xe PTR50PK. Nếu được như vậy sẽ tăng cường được sức mạnh hỏa lực của xe và cũng nâng cao khả năng tự bảo vệ của đơn vị trước không quân địch. Báo cáo thủ trưởng, hết ạ!
Trầm ngâm một lát Tổng Tham mưu trưởng chậm rãi:
- Cụ thể là các đồng chí cần bao nhiêu thời gian nữa?
Phó tư lệnh Đào trả lời gần như ngay lập tức:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi xin thêm hai tháng nữa ạ!
Lẩm nhẩm như đang tính toán một cái gì đó một lát Tổng Tham mưu trưởng ngẩng lên:
- Anh cho tôi biết tình hình triển khai kế hoạch phát triển lực lượng của binh chủng thực hiện như thế nào rồi?
Vẫn phó tư lệnh Đào:
- Báo cáo thủ trưởng! Chấp hành chỉ thị của Bộ hiện tại chúng tôi đã đưa toàn bộ trung đoàn H03 vào Tây Quảng Bình, đơn vị đã ổn định mọi mặt sẵn sàng bước vào chiến đấu được. Một tiểu đoàn của chúng tôi đã xuất phát vào chiến trường B3, theo báo cáo mới nhất mà chúng tôi nhận được thì chỉ một, hai ngày nữa sẽ vào đến vị trí tập kết. Hai tiểu đoàn nữa đang trên đường vào B2, dự kiến cuối tháng Ba sẽ có mặt. Chúng tôi cũng đang xúc tiến thành lập hai tiểu đoàn nữa, một cho B2 và một cho B1. Về huấn luyện chúng tôi đã nâng cấp tiểu đoàn 10 thành T60 tương đương trung đoàn và đã hoàn thành việc chuyển binh chủng cho số sĩ quan lục quân mới về cùng một khóa sĩ quan chỉ huy và chính trị viên phó đào tạo từ anh em thành viên kíp xe lâu năm. Tóm lại các chỉ tiêu kế hoạch đề ra chúng tôi đều thực hiện đúng tiến độ và có phần sớm hơn một chút.
Tổng Tham mưu trưởng gật đầu tỏ ý hài lòng. Chợt ông ngẩng phắt lên tỏ vẻ hơi ngạc nhiên:
- Thế còn B4 thì sao? Vừa rồi tôi đã điện xuống yêu cầu các anh đưa 2 đại đội vào B4 cơ mà!
Ông Đào hơi ngần ngừ:
- Dạ…! Vấn đề này chúng tôi cũng đã có chuẩn bị. Tuy nhiên qua bàn bạc trong Bộ Tư lệnh thì cũng còn một vài ý kiến muốn đề nghị Bộ nghiên cứu lại.
Tổng Tham mưu trưởng hất mạnh mái đầu bạc:
- Ý kiến thế nào? Các đồng chí cứ trình bày thẳng thắn, đừng ngại gì cả!
Nhìn quanh phòng họp một lượt ông Đào sẽ sàng:
- Báo cáo thủ trưởng! Hầu hết các ý kiến trong Bộ Tư lệnh Thiết giáp là đề nghị Bộ không nên đưa xe tăng vào B4 nữa ạ!
Tổng tham mưu trưởng trừng mắt lên”
- Tại sao? Phải có lý do chứ! Tại sao các mặt trận khác đều đưa xe tăng vào được mà lại không đưa vào B4 được?
Không chút bối rối, phó tư lệnh Đào khúc chiết:
- Báo cáo thủ trưởng, có mấy lý do thế này ạ. Một là, ý định của B4 muốn đưa xe tăng vào A Lưới và từ đó đánh xuống Huế. Tuy nhiên, theo chúng tôi biết thì hiện nay từ A Lưới xuống Huế vẫn chưa có đường cơ động cho xe tăng. Điều đó đã được kiểm chứng khi năm 69 một đại đội của chúng tôi được đưa vào trong ấy nhưng không làm ăn được gì cả. Sau này lại phải kéo ra trong chiến dịch Đường Chín- Nam Lào. Lý do thứ hai là B4 cũng khá gần ngoài này, với B5 thì tuy hai mà một đấy. Trong khi đó ở B5 đã có 1 trung đoàn xe tăng và sắp tới có thể hơn nên theo chúng tôi không nhất thiết phải đưa xe tăng vào B4 ạ.
Tổng Tham mưu trưởng lắc đầu:
- Không được! Các anh nghĩ còn “ngắn” lắm! Đường hôm nay chưa có thì mai sẽ có, năm nay chưa có thì năm sau sẽ có. Đến lúc ấy mới điều động lực lượng vào thì có khi thời cơ lại qua mất- Ông hạ giọng- Vả lại, A Lưới nó có một vị trí hết sức đặc biệt, là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược mà ta với địch phải giành đi, giật lại bao nhiêu lần. Vì vậy, đưa xe tăng vào đó còn có một nhiệm vụ nữa là giữ vững vùng này để làm bàn đạp tiến công xuống đồng bằng. Nếu các anh đưa được xe tăng vào đây rồi đánh xuống Huế thì không khác gì một mũi dao găm đâm vào lưng địch. Các anh hiểu chưa?
Mấy cán bộ xe tăng đều cúi đầu. Đúng là suy nghĩ của họ vẫn chưa đủ tầm thật. Họ chỉ đơn giản nghĩ đến việc đã đưa xe tăng vào là phải đánh được ngay. Vẻ đã nhận thức ra vấn đề tư lệnh Lân đứng dạy:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã hiểu rồi ạ!
Tổng Tham mưu trưởng tỏ vẻ quan trọng:
- Nhớ là phải thực hiện đúng theo yêu cầu của các đồng chí ấy đấy- Ông giơ hai ngón tay lên- Một đại đội xe tăng hạng trung, một đại đội xe tăng bơi nước nhé!
Phó tư lệnh Đào vội đứng dạy:
- Báo cáo thủ trưởng. Chúng tôi tôi đã cho chuẩn bị một đại đội xe T59 và một đại đội xe tăng bơi K63-85, loại mà chúng ta vừa xem ngoài trường bắn vừa rồi ấy. Ngay sau đây chúng tôi sẽ điện vào cho anh em trong đó triển khai.
Tổng tham mưu trưởng gật đầu hài lòng:
- Tốt lắm! Đề nghị của các anh về H02, tôi đồng ý cho thêm hai tháng nữa. Các anh muốn làm gì thì làm nhưng phải khắc phục triệt để những nhược điểm đã được chỉ ra hôm nay. Còn việc sử dụng như thế nào Bộ sẽ quyết định sau. Riêng việc đưa các đơn vị khác vào chiến trường thì phải đảm bảo đúng kế hoạch thời gian- Ông nhấn từng tiếng- Chỉ có nhanh hơn chứ không được chậm hơn!- Quay về phía vị sĩ quan đeo quân hàm xanh da trời ông hất hàm- Bên các anh còn nhiều 14 ly 5 và 23 ly không?
Vị đại biểu phòng không- không quân đứng dạy:
- Báo cáo Tổng Tham mưu trưởng! Mặc dù không còn nhiều nhưng chúng tôi nghĩ rằng có thể đáp ứng được yêu cầu của Thiết giáp.
- Vậy thì Thiết giáp sang làm việc trực tiếp với Phòng không- Không quân nhé, sau đó làm công văn báo cáo để Bộ ra quyết định điều động!- Ông cúi nhìn đồng hồ- Hôm nay ta tạm dừng ở đây! Tôi hy vọng rằng sau hai tháng nữa những yếu kém sẽ được khắc phục triệt để. Còn bây giờ chúng tôi về Hà Nội.
Dứt lời ông đứng dạy, các đại biểu cũng lục tục đứng dạy. Tư lệnh Lân hớt hải lại gần:
- Mời Tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí ở lại dùng cơm trưa, giờ cũng đã muộn rồi!
Tổng tham mau trưởng lắc đầu nhưng miệng cười thật tươi:
- Cảm ơn các anh! Để dịp khác vậy!

Ông dứt khoát bắt tay rồi bước nhanh ra chiếc xe con đã chờ sẵn ngoài cửa hội trường. Chỉ một loáng sau đoàn xe đã mất hút ngoài cổng để lại một luồng bụi dài phía sau.

BÀ HUYỆN THANH QUAN LÀM BINH VẬN CÙNG LÍNH XE TĂNG- CHUYỆN CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM

Bà Huyện Thanh quan làm binh vận "cùng" lính xe tăng - Chuyện chỉ có ở Việt Nam
Lính TQLC (VNCH) tập trung ở bờ biển và bơi ra phía tàu để rời khỏi Đà Nẵng ngày 29/3/1975, trước khi Quân Giải phóng tiến vào.

Có lẽ khi viết bài thơ "Qua đèo Ngang", tác giải của nó cũng không thể ngờ có ngày tác phẩm của mình lại có lúc được Bộ đội xe tăng dùng vào công tác "binh vận".


Sau 2 ngày chốt giữ ở quanh Thương cảng Bạch Đằng, ngày 31.3.1975 - Đại đội xe tăng (XT) 4, Lữ đoàn 203 được lệnh lui về khu vực Bảo tàng cổ vật Chăm và Trường Trung học Sao Mai. Mỗi trung đội nằm trong một hẻm nhỏ bên cạnh hàng rào bảo tàng và nhà trường.
Nằm ở đây kín đáo hơn song cũng vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ bởi việc cơ động đi các hướng rất dễ dàng, thuận lợi.
Những người dân lao động ở đâu cũng thuần phác và dễ gần
Trung đội xe tăng 1 do trung đội trưởng Mai Hồng Trị chỉ huy nằm trong một hẻm nhỏ phía bên phải Bảo tàng Cổ vật Chăm. Có vẻ như đây là một khu dân cư tạm thời bởi những người dân ở dưới quê chạy trốn bom đạn lên thành phố thì phải bởi nó khá là tạm bợ.
Toàn bộ nhà cửa ở đây là những ngôi nhà lợp tôn thấp bé, còn tường quây xung quanh thì chủ yếu là gỗ dán và đủ các thứ trên đời.
Không giống như trên phố nhà nhà cửa đóng then cài, kín cổng cao tường suốt ngày, người thì đầy vẻ kín đáo và nghi kỵ... những ngôi nhà trong hẻm nhỏ này thường mở cửa suốt ngày và bà con cũng rất thân thiện, dễ gần.
Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô Đà Nẵng, thấy các anh bộ đội giải phóng vẫn đứng gác nghiêm túc cạnh xe, số còn lại vẫn sinh hoạt trong xe... bà con có vẻ thương lắm. Sau một đỗi rụt rè, nhà nào nhà nấy đều cho người ra mời các anh giải phóng vào nhà nghỉ ngơi cho đỡ nắng.
Thấy thái độ chân thành, chất phác của bà con, Ban chỉ huy đại đội hội ý và cho phép bộ đội ban ngày thì được vào nhà dân nghỉ ngơi, uống nước; còn ban đêm vẫn phải ra ngủ ngoài xe. Tất nhiên, việc canh gác vẫn phải duy trì thường xuyên, nghiêm ngặt.
Được lời như cởi tấm lòng, các chiến sĩ trẻ đang mệt lử, lả người sau những ngày hành quân, chiến đấu liên miên, lại chịu cái nắng nóng như nung người của thành phố vui mừng ra mặt. Họ vào nhà và không quên đem theo một vài bánh lương khô làm quà. Sự e dè xa cách nhanh chóng được gạt bỏ và những câu chuyện cũng dần cởi mở hơn.
Nói chuyện với bà con mới biết hầu hết bà con trong hẻm này là người ở vùng Quế Sơn, Đại Lộc (Quảng Nam). Vì ở quê bom đạn ác liệt quá, nhà nào cũng có người thân bị chết nên phải bỏ quê chạy lên thành phố.
Xa ruộng vườn lên đây họ làm đủ thứ để mưu sinh, từ nhặt ve chai đến bán hàng rong rồi phụ hồ, rửa bát... có ai thuê gì là làm tất. Tuy vậy, cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn và họ chỉ mong sớm yên hàn để về quê cha đất tổ mà thôi.
Buổi bình thơ ngoài kế hoạch và hiệu quả nhãn tiền
Trong ngôi nhà đối diện với nơi xe 380 đỗ có hai ông bà già, một cô con gái và hai thanh niên khoảng gần ba mươi tuổi. Cô gái là con của ông bà chủ và đang học trung học, còn hai thanh niên được ông chủ cho biết là hai người cháu, hiện đang là thợ điện.
Mặc dù các anh bộ đội còn rất trẻ song họ cứ gọi họ là các anh Giải phóng và xưng em ngọt xớt. Trong những câu chuyện còn khá dè dặt, họ hỏi rất nhiều về miền Bắc, về Mặt trận giải phóng, về cách đối xử của chế độ mới với những người sống dưới chế độ cũ và các chiến sĩ đã giải thích cho họ những vấn đề cần thiết một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất.
Khi đã tự nhiên hơn, các câu chuyện của họ đã mở rộng ra nhiều đề tài khác nhau. Hai thanh niên hỏi các anh giải phóng đánh vào Đà Nẵng bằng đường nào, và khi biết họ đưa xe tăng vượt đèo Hải Vân để giải phóng Đà Nẵng họ phục lắm.
Bà Huyện Thanh quan làm binh vận cùng lính xe tăng - Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 2.
Các lực lượng Quân Giải phóng gặp nhau tại trung tâm thành phố. Ảnh: Danang.gov.vn
Bởi vì hồi đó đường qua đèo Hải Vân chưa mở rộng như bây giờ và nó vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai có việc phải đi qua nó bằng đường bộ, trong khi những chiếc xe tăng lại nặng nề và to lớn thế kia.
Thực ra, đối với đội ngũ lái xe của Đại đội xe tăng 4 này- những lái xe đã đưa được xe tăng vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam thì việc lái xe tăng qua đèo Hải Vân chỉ là chuyện vặt.
Mặc dù đèo có cao, vực có sâu, nhiều cua gấp song đường lại rộng, mặt đường láng nhựa tốt bằng vạn đường Trường Sơn, nếu nói về độ hiểm trở còn thua cả Đèo Ngang.
Nhắc đến Đèo Ngang một chiến sĩ trẻ bỗng cao hứng đọc luôn bài thơ Qua Đèo Ngang của bà huyện Thanh Quan, sau đó anh còn bình luận thêm vài câu nữa cả về nội dung lẫn nghệ thuật và niêm, luật của bài thơ.
Hai thanh niên chăm chú ngồi nghe thơ và bình thơ. Họ tỏ vẻ rất ngạc nhiên, sau đó một người dè dặt hỏi: "Chắc trước khi vào lính anh đã học qua văn khoa?". Cậu chiến sĩ trẻ đỏ bừng mặt thú nhận mới học hết phổ thông trung học.
Tuy nhiên, hai người thanh niên nọ không tin. Họ quả quyết rằng phải học qua Văn Khoa mới có thể bình thơ như thế được. Cô gái học sinh trung học cũng góp phần phụ họa với hai ông anh làm cậu chiến sĩ trẻ không thể chen lời vào giải thích được.
Sự việc chỉ được giải quyết khi đồng chí trưởng xe- người lớn tuổi nhất trong xe lên tiếng xác nhận cho chiến sĩ của mình.
Sự việc cũng chẳng có gì đáng kể nếu như không có việc sau bữa cơm trưa hôm đó hai thanh niên ra xe mời các chiến sĩ vào nhà uống nước. So với trước đó họ có một vẻ gì đó rất trịnh trọng làm cả xe ngạc nhiên và cảnh giác, nghe ngóng. Nhưng đúng là không có việc gì quá nghiêm trọng cả!
Sau khi mời các chiến sĩ ngồi uống nước, một trong hai thanh niên đứng dậy, hai tay chắp trước bụng nói khẽ khàng:
"Thưa các anh Giải phóng, từ hôm qua đến nay chúng em đã nói dối các anh. Chúng em không phải là thợ điện mà là thợ máy không quân Sài Gòn, cả hai đều đã đi tu nghiệp ở Mỹ về và làm việc ở sân bay Đà Nẵng.
Từ hôm giải phóng về chúng em lánh tạm nhà bà con ở đây, cũng định nghe ngóng xem tình hình thế nào rồi mới tính tiếp. Rất mong các anh đừng bắt tội!".
Các chiến sĩ trẻ đều hơi ngỡ ngàng vì từ hôm qua tới nay ra vào uống nước, nói chuyện mà có ai nghi ngờ điều gì đâu. Một lần nữa họ nhắc lại "Lời kêu gọi của Mặt trận Giải phóng" và khuyên họ đến Uỷ ban quân quản trình diện, họ hứa sẽ nghe theo và thu xếp đi ngay.
Bà Huyện Thanh quan làm binh vận cùng lính xe tăng - Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 3.
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại cuộc Meeting mừng giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng, tại Đà Nẵng 1975. Ảnh tư liệu.
Sự việc diễn ra quá nhanh làm mấy anh em trong xe cứ bàn tán và đặt câu hỏi "Tại sao đến hôm nay họ mới ra trình diện?".
Mỗi người một ý nhưng có lẽ tất cả đều thống nhất với nhau rằng: hai người lính ấy đã tin rằng những người lính cách mạng - mà trong hành trang khi ra trận lại có cả thơ của Bà huyện Thanh Quan chắc chắn sẽ không bao giờ làm hại họ.
Nguồn: http://soha.vn/ba-huyen-thanh-quan-lam-binh-van-cung-linh-xe-tang-chuyen-chi-co-o-viet-nam-20170330170356246.htm

Anh lính tăng khó xử ở Đà Nẵng: "Tại nó cứ hỏi là anh em mình có bị xích chân trong xe không"



Anh lính tăng khó xử ở Đà Nẵng: "Tại nó cứ hỏi là anh em mình có bị xích chân trong xe không"
Xe tăng Quân Giải phóng tiến về Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh tư liệu.

Bất cứ lúc nào bên cạnh mỗi chiếc xe tăng cũng có một chiến sĩ bồng AK đứng gác. Và có một điều quy định rất rõ ràng là "tuyệt đối không được cho ai đến gần, nhất là trèo lên xe".


Ngày còn trên rừng, thỉnh thoảng nghe kể VNCH ra sức tuyên truyền, xuyên tạc rằng: "Việt Cộng chuyên ăn lá sắn thay cơm nên 7 tên đu 1 cọng đu đủ không gãy" hoặc "ở rừng nhiều nên Việt Cộng mọc đuôi như khỉ"... các chiến sĩ Đại đội xe tăng (XT) 4, Lữ đoàn 203 cứ cười ngặt nghẽo: "Nói thế mà cũng nói! Ai tin được chúng".
Ấy thế nhưng khi giải phóng Đà Nẵng ngày 29.3.1975 và tiếp xúc với bà con những ngày sau đó, họ thật bất ngờ bởi đứng trước mặt họ rồi mà vẫn còn một số bà con vẫn bán tín, bán nghi không biết có thật hay không những chuyện trên. 
Giải phóng cũng ăn cơm như mình
Chiều 29 tháng 3 năm 1975, sau khi vào thành phố Đà Nẵng, Đại đội XT4 được giao nhiệm vụ chiếm giữ Thương cảng Bạch Đằng. Đây là một cảng nhỏ nằm ngay trên bờ tây sông Hàn. 6 chiếc xe tăng dàn hàng ngang trên cảng, nòng pháo chĩa xuống sông đảm bảo không một con ruồi nào bay lọt.
Anh lính tăng khó xử ở Đà Nẵng: Tại nó cứ hỏi là anh em mình có bị xích chân trong xe không - Ảnh 1.
Sáng 30.3, cả đại đội rời cảng đi diễu hành một vòng trên các con đường chính của thành phố. Chắc là để thị uy và cũng là lời cảnh báo đối với đám tàn quân còn tản mát khắp nơi. Xong việc, đại đội được phép lui vào một con ngõ nhỏ đối diện với Thương cảng để trú quân.
Chưa biết nếp tẻ thế nào nên bộ đội không dám vào nhà dân nhờ, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cho anh em nấu cơm ngay trên hè phố. Cũng không có gì khó khăn đối với những người lính chiến đã ăn ở trên rừng bao năm nay rồi.
 Chắc rằng sự kiện có mấy chiếc xe tăng giải phóng nằm giữa phố đã kích thích những người hiếu kỳ kéo đến. Lúc đầu họ còn đứng xa xa nhìn ngó, bàn tán. Sau dần dần họ kéo đến từng xe, người thì lấy gang tay đo nòng pháo, người thì xúm lại xem giải phóng ăn cái gì... Cuối cùng thì mỗi anh lính đều bị một đám đông xúm quanh với hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi.
Có lẽ đây là một tình huống nằm ngoài dự kiến, những bài học chính trị về công tác dân vận ở vùng mới giải phóng chưa đủ để quân ta trả lời nhiều câu hỏi "hóc búa" nên một số chiến sĩ thấy "bí" quá đành chọn giải pháp lỉnh vào xe ngồi tịt luôn trong đó.
Ở chỗ nấu cơm bà con cũng đang xúm đông xúm đỏ. Thấy nồi hai mươi cơm gạo trắng tinh bốc hơi nghi ngút và mấy hộp thịt đã được bổ ra một người chửi đổng: "Tổ cha chúng nó! Thế ni mà biểu Giải phóng ăn toàn lá sắn, bảy người đu cọng đu đủ không gãy!".
Có bà má còn đến sát gần các chiến sĩ, măt thì săm soi, tay thì sờ vào vai, vào mặt rồi lẩm bẩm: "Trắng trẻo, đẹp trai thế ni mà bọn hắn bảo các con da xanh như tàu lá, mọc đuôi như khỉ là răng?"...
Xung quanh Chính trị viên Vũ Đăng Toàn và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận là đông người nhất, chắc bà con cũng đoán ra đó là cán bộ nên cứ xúm lại hỏi han. Hai người tối tăm mặt mũi vì những câu hỏi được tuôn ra tới tấp.
Tiếng Đà Nẵng đâu có dễ nghe, cứ phải hỏi đi hỏi lại hai ba lần mới hiểu lõm bõm, nhưng những câu trả lời của các anh đã làm bà con tương đối yên lòng.
Anh lính tăng khó xử ở Đà Nẵng: Tại nó cứ hỏi là anh em mình có bị xích chân trong xe không - Ảnh 2.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến về Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh: Xuân Quang.
Đâu đâu cũng thơm thảo tấm lòng Mẹ Việt Nam
Một chiến sĩ trẻ ôm khẩu AK đứng ngay cạnh xe mình, nhiệm vụ của anh là không cho ai được đến gần và trèo lên xe nhưng cũng phải luôn mồm trả lời những câu hỏi của một đám đông quanh đó. Một bà má đã già lắm rồi len sát vào cạnh anh, bàn tay răn reo của má túm lấy cổ áo anh vạch ra và nghển cổ lên nhìn chăm chú.
Cậu chiến sĩ đứng bất động không hiểu bà đang nhìn gì, gương mặt cực kỳ căng thẳng. Chợt bà má nói gì đó bằng thứ tiếng xứ Quảng rất nặng. Anh chiến sĩ cúi xuống hỏi lại. Bà má lại vạch cổ áo anh ra và hỏi to hơn: "Các con không có "mùng" à?".
Đến lúc đó chắc anh chiến sĩ trẻ mới hiểu ra. Anh vội trả lời có và gật đầu lia lịa. Song có vẻ câu trả lời của anh làm má chưa hài lòng. Bà vẫn túm cổ áo anh vít xuống và vạch ra.
Mọi người xung quanh cùng ồ lên. Cả cổ và một phần vầng ngực anh chiến sĩ chi chít nỗi muỗi đốt, cứ như tấm bánh đa vừng vậy. Bà lẩm bẩm đày xót xa: "Có mùng sao để mọi (muỗi) đốt nhiều thế ni".
Anh chiến sĩ càng luống cuống không biết giải thích thế nào. Má đâu có biết, đêm hôm qua, sau ca gác đầu là anh ngồi vào ghế lái và chỉ kịp đắp cái khăn lên mặt là chìm vào giấc ngủ luôn. Sau hơn mười ngày hành quân chiến đấu liên miên, anh đã quá mệt mỏi. Mà gió sông Hàn thì mát rượi.
Bà má vẫn chưa thôi. Sau khi sửa lại cổ áo cho anh, má kéo đầu anh xuống thấp dặn dò: "Lần sau phải nhớ mắc mùng (màn) khi đi ngủ nhé ! Mọi (muỗi) ở đây nhiều lắm". Không biết anh chiến sĩ trẻ có hiểu má nói gì không nhưng mắt cậu ta rưng rưng như có nước.
Anh lính tăng khó xử ở Đà Nẵng: Tại nó cứ hỏi là anh em mình có bị xích chân trong xe không - Ảnh 3.
Xe tăng và bộ binh của Quân đoàn 2 tiến thẳng vào giải phóng Thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu.
 Hành động vô kỷ luật nhưng cần thiết
Đứng chân giữa một thành phố vừa mới được giải phóng, các quy định về sẵn sàng chiến đấu và nêu cao cảnh giác, phòng gian giữ bí mật phải hết sức chặt chẽ và nghiêm túc. Đặc biệt là việc đề phòng địch tập kích vào đội hình, phá hoại xe cộ, vũ khí.
Vì vậy, bất cứ lúc nào bên cạnh mỗi chiếc xe tăng cũng có một chiến sĩ bồng khẩu AK đứng gác. Và có một điều quy định rất rõ ràng là "tuyệt đối không được cho ai đến gần, nhất là trèo lên xe".
Ấy thế mà có một chiến sĩ đã vi phạm! Anh ta không những đã cho một thanh niên trẻ lên xe lại còn mở cửa xe cho cậu này vào xem trong xe nữa. Thật là không thể tha thứ được. Sự việc này ngay lập tức được báo cáo lên Ban chỉ huy Đại đội.
Mặc dù còn rất đông người đứng xung quanh còn định hỏi han song Đại đội trưởng Bùi Quang Thận vẫn rẽ đám đông chạy tới chiếc xe có người vi phạm kỷ luật.
Chắc vì không muốn làm lớn chuyện trước đám đông dân chúng nên anh kéo cậu chiến sĩ trẻ vào phía sau xe - chỗ giáp với tường nhà dân - và hỏi nhỏ nhưng giọng vẫn rất gay gắt: "Tại sao đồng chí lại vô kỷ luật như vậy?".
Cậu chiến sĩ trẻ mặt đỏ lên tận mang tai, lúng túng một lát mới ấp úng giải thích: "Tại... tại nó cứ hỏi đi hỏi lại rằng... thì... là... anh em mình có bị xích chân trong xe không? Em bảo không thì nó nhất định không tin. Nó lại bảo nghe đài quốc gia nói vậy. Thế nên em mới cho nó lên xem chứ!".
Đại đội trưởng Bùi Quang Thận quay lại cậu thanh niên trẻ lúc đó vẫn đang hoa chân múa tay nói gì đó với bà con quanh đấy, anh hỏi cậu ta: "Thế nào, quân giải phóng có bị xích trong xe không?". Cậu thanh niên hào hứng: "Cháu đã nói với bà con ở đây rồi. Không có xích nào cả. Bọn hắn toàn nói láo thôi!".
Thấy cậu chiến sĩ trẻ của mình vẫn tỏ vẻ lo lắng, Đại đội trưởng Thận đến cạnh vỗ vai: "Đồng chí làm tốt lắm!". Gương mặt người chiến sĩ trẻ lúc đó mới giãn ra.
Nguồn: http://soha.vn/anh-linh-tang-kho-xu-o-da-nang-tai-no-cu-hoi-la-anh-em-minh-co-bi-xich-chan-trong-xe-khong-20170328142708512.htm

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 2


Đang lan man với những ý nghĩ của mình phó tư lệnh Đào chợt giật mình vì những tiếng lao xao ngoài cửa đài chỉ huy. Ông định quay lại nạt những kẻ gây mất trật tự vì theo quy định của ngày hôm nay trên đài chỉ huy ngoài những người có nhiệm vụ điều khiển chỉ có Tổng Tham mưu trưởng và các thủ trưởng Bộ tư lệnh được lên, còn toàn bộ các cán bộ đến tham quan đều phải ở dưới. Chợt ông sững lại vì người xuất hiện trước khung cửa đài chỉ huy chính là Tổng Tham mưu trưởng. Hơi bất ngờ, phó tư lệnh Đào vội đứng nghiêm chào. Người sĩ quan điều khiển cũng vội đứng phắt dậy lùi vào sát cái tủ điện. Tổng Tham mưu trưởng gật đầu chào lại rồi thân mật:
- Tình hình chuẩn bị thế nào rồi? Đã sẵn sàng chưa?
Phó tư lệnh Đào hơi bối rối:
- Báo cáo thủ trưởng! Mời thủ trưởng về trong hội trường của trường bắn. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các văn kiện để báo cáo thủ trưởng ở trong đó.
- Thế các anh không thể báo cáo tại thực địa được à? Quen bàn giấy rồi hả?- Tổng Tham mưu trưởng nghiêng mái đầu đã bạc gần hết cười cười.
- Dạ, không ạ! Chúng tôi sợ trên đài chỉ huy này chật hẹp quá mà đoàn thì đông nên không có chỗ ngồi.
Đến lúc đó tư lệnh Lân mới lật đật trèo lên sở chỉ huy, ông hổn hển:
- Chào thủ trưởng! Chúng tôi đợi thủ trưởng trong hội trường, đại biểu các cơ quan và các quân binh chủng cũng đang tập trung ở trong đó rồi ạ!
Bắt tay tư lệnh Lân xong, Tổng Tham mưu trưởng phẩy tay dứt khoát:
- Anh cho mời tất cả ra vị trí tham quan rồi giới thiệu ngay trên thực địa này- Thấy tư lệnh Lân quay ra ông nói với theo- Này, mang thêm một cái bản đồ ra đây để có cần gì thì minh họa thêm.
Tư lệnh Lân lại lật đật quay xuống, sĩ quan điều khiển cũng lặng lẽ lỉnh ra ban công đứng. Trong đài chỉ huy giờ chỉ còn lại hai người. Tổng Tham mưu trưởng ngồi xuống ghế rồi thân mật:
- Vừa rồi bên Cánh Đồng Chum các cậu làm ăn khá lắm phải không?
- Báo cáo thủ trưởng! Chúng tôi có tham gia mấy trận đều thắng lợi giòn giã!
- Nghe nói cậu còn cho bật cả đèn pha lên để đánh vào cứ điểm cơ à?
- Chuyện ấy mà thủ trưởng cũng biết ạ?- Phó tư lệnh Đào bối rối vì không biết Tổng Tham mưu trưởng khen hay chê, không thấy cấp trên nói gì ông đành tiếp tục- Hôm ấy một mặt là trời tối quá, nếu không có đèn sợ sẽ sa lầy. Mặt khác đánh nhau với bọn ngụy Lào này chúng tôi cũng đã đúc rút được đôi điều: nói chung bọn chúng rất dễ mất tinh thần, nếu ta tranh thủ được thời cơ và uy hiếp mạnh thì chúng sẽ nhanh chóng tan rã.
- Tốt lắm! Sáng tạo lắm! Mà tớ nhớ mang máng là ở đâu đó người ta cũng dùng cách ấy nhỉ?- Tổng Tham mưu trưởng nhíu mày suy nghĩ.
- Dạ! Đúng thế ạ! Trong trận công phá Béc- lin năm 1945 Hồng quân Liên Xô cũng đã dùng hơn 100 ngọn đèn pha chiếu vào phòng tuyến địch, trong lúc bọn phát- xít Đức đang bối rối không hiểu chuyện gì xảy ra thì cho xe tăng xung phong nên đã nhanh chóng chọc thủng được phòng tuyến của địch.
- Khá lắm! Chẳng thế mà BBC nó khen cậu là “Hổ Chột”.
Phó tư lệnh Đào giật mình, ông chẳng biết Tổng Tham mưu trưởng khen mình hay chê mình nữa nên bối rối:
- Dạ! Thú thật là tôi cũng chẳng hiểu mấy thằng ấy nó lấy tin ở đâu mà nhanh nhạy thế! Có bao giờ tôi “xuất đầu, lộ diện” đâu ạ!
- Không sao! Thế là nó tuyên truyền không công cho mình rồi còn gì- Tổng Tham mưu trưởng vỗ về.
Lại thấy tư lệnh Lân thập thò ở cửa đài chỉ huy:
- Báo cáo thủ trưởng! Chúng tôi đã đưa bản đồ và mời các đại biểu ra vị trí tham quan. Mời Tổng Tham mưu trưởng xuống khai mạc ạ!
- Được rồi! Tôi sẽ xuống ngay!- Tổng Tham mưu trưởng đứng dạy, ông xăm xăm bước xuống cầu thang như một thanh niên.
Vị trí tham quan được bố trí ngay dưới chân đài chỉ huy. Mấy dãy ghế dành cho đại biểu đã kín người, phía trước là tấm bản đồ “kế hoạch diễn tập” được treo trên một khung gỗ, trên cái bàn phía trước là mấy cái ống nhòm quân sự. Vừa nhác thấy bóng Tổng Tham mưu trưởng xuất hiện tham mưu phó Ba vội đứng bật dậy hô như xé phổi:
- Đứng dạy! Nghiêm!- Tiến lại phía Tổng tham mưu trưởng mấy bước anh dừng lại đứng nghiêm giơ tay chào và dõng dạc- Báo cáo Tổng Tham mưu trưởng! Công tác chuẩn bị cho cuộc diễn tập B7 đã hoàn tất! Kính mời Tổng Tham mưu trưởng vào khai mạc!
Tống Tham trưởng gật đầu, ông tiến lại cái bàn rồi quay lại phía các đại biểu:
- Thưa các đồng chí! Hôm nay Bộ mời các đồng chí lên đây để tham quan cuộc diễn tập của trung đoàn bộ binh cơ giới H02, ta cứ tạm gọi nó là B7. Sở dĩ phải làm như vậy là vì đây là trung đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên của quân đội ta. Vì nó là đầu tiên nên ta cũng chưa có chiến lệ, chưa có kinh nghiệm gì cả và chính chúng ta chứ không phải ai khác phải tìm ra cách đánh sao cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Vừa qua các đồng chí ở Bộ tư lệnh Thiết giáp đã tham khảo kinh nghiệm của các nước anh em để vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên thực tế như thế nào thì chúng ta còn phải kiểm nghiệm và mục đích của cuộc diễn tập hôm nay cũng là một dịp để chúng ta đánh giá bước đầu kết quả nghiên cứu của binh chủng Thiết giáp. Rất mong các đồng chí chú ý theo dõi và đóng góp ý kiến cho Thiết giáp. Về chương trình làm việc hôm nay: trước hết chúng ta nghe các đồng chí ở Bộ tư lệnh Thiết giáp báo cáo ý định diễn tập trên bản đồ và thực địa ngay tại đây. Tiếp theo chúng ta sẽ tham quan phần diễn tập thực binh. Sau đó mời các đồng chí vào hội trường chúng ta sẽ trao đổi ý kiến và tôi sẽ kết luận- Ông chỉ tay về phía mấy cán bộ Bộ Tư lệnh Thiết giáp- Bây giờ mời các đồng chí Thiết giáp giới thiệu.
Đợi cho Tổng Tham mưu trưởng yên vị phó tư lệnh Đào mới tiến về phía tấm bản đồ, ông trịnh trọng:
- Kính thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Trước hết, thay mặt cán bộ, chiến sĩ toàn binh chủng chúng tôi xin cảm ơn đồng chí Tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí đã quan tâm đến theo dõi, giúp đỡ chúng tôi. Về phía chúng tôi cũng xin báo cáo thực là kinh nghiệm thì chưa có, tài liệu thì ít ỏi, thời gian lại rất gấp gáp nên việc nghiên cứu lý luận về cách đánh cũng như huấn luyện cho bộ đội cũng chưa thật chu đáo, chắc không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong thủ trưởng và các đồng chí cho ý kiến để cách đánh của chúng tôi ngày càng hoàn thiện hơn. Còn sau đây tôi xin báo cáo về ý định diễn tập- Ông cầm lấy que chỉ bắt đầu giới thiệu về địa hình, giả định tình hình địch, tình hình ta, ý định chiến đấu, cách sử dụng lực lượng, cách đánh các loại mục tiêu v.v.. Cuối cùng ông chốt lại- Nét nổi bật trong cách đánh của bộ binh cơ giới là xe thiết giáp sẽ chở bộ binh theo sau xe tăng, trong quá trình vận động kíp xe thiết giáp cũng như bộ binh trên xe vẫn có thể phát huy hỏa lực của mình để tiêu diệt địch. Khi đến những vị trí cần thiết phải có bộ binh như đầu cầu, tung thâm căn cứ, sở chỉ huy… của địch sẽ cho bộ binh xuống xe tham gia chiến đấu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở từng vị trí bộ binh lại lên xe cơ động đến các vị trí khác. Khi trận đánh kết thúc tùy theo tình hình cụ thể bộ binh có thể tổ chức chốt giữ trận địa hoặc lại lên xe rời khỏi chiến trường. Dù sao đây cũng là những vấn đề rất mới nên chúng tôi rất mong được thủ trưởng và các đồng chí đóng góp ý kiến cho- Quay hẳn về phía Tổng Tham mưu trưởng ông cúi đầu- Báo cáo thủ trưởng, phần báo cáo của chúng tôi đến đây là hết. Xin ý kiến thủ trưởng!
Tổng Tham mưu trưởng quay lại phía sau:
- Nào! Có ai hỏi gì nữa không?- Chừng như không thấy ai có ý kiến gì ông quay lại vẫy tay- Thôi được, có vấn đề gì ta sẽ phát biểu sau khi xem diễn tập nhé! Còn bây giờ các đồng chí cho bắt đầu đi!  
Tư lệnh Lân xăng xái:
- Mời thủ trưởng lên đài chỉ huy!- Ông quay sang các đại biểu- Các đồng chí thông cảm! Trên đài chỉ huy quá chật nên phải bố trí các đồng chí ngồi dưới này. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã chuẩn bị một số ống nhòm để phục vụ các đồng chí theo dõi diễn tập. Đồng chí Ba tham mưu phó sẽ thuyết minh và giới thiệu thêm cho các đồng chí.

***

Cuộc diễn tập được bắt đầu bằng một phát đạn tín hiệu đỏ. Ngay sau khi tín hiệu phát ra một loạt những tiếng nổ dậy lên, khói bụi trùm kín cả khu vực mục tiêu. Tư lệnh Lân đứng bên cạnh Tổng Tham mưu trưởng khẽ khàng:
- Báo cáo thủ trưởng! Đây là tượng trưng hỏa lực chuẩn bị.
Cùng lúc đó ba chiếc xe tăng và gần chục chiếc xe thiết giáp tăng tốc độ vượt con suối phía ngoài cổng trường bắn rồi chia làm hai hướng tiếp cận mục tiêu. Trên loa của đài chỉ huy vang lên tiếng của đại đội trưởng: “44 chú ý! Phát hiện mục tiêu, tiêu diệt!”. Vài giây sau, khi vừa vượt qua tuyến bắn các xe tăng nhất loạt tạm dừng. Những chớp lửa đầu nòng nháng lên. Từ một chiếc xe thiết giáp một đốm lửa đỏ rực xuất hiện và bay về phía mục tiêu. Tư lệnh Lân nói nhỏ:
- Báo cáo thủ trưởng! Các xe tăng dùng pháo tham gia hỏa lực chuẩn bị, tiêu diệt các mục tiêu ở tiền duyên địch.
Tổng tham mưu trưởng chỉ vào đốm lửa vừa chui tọt vào một cái bia xe tăng làm nó nổ tung và đổ gục:
- Cái gì thế kia?
Tư lệnh Lân phấn chấn:
- Báo cáo thủ trưởng, đấy là tên lửa chống tăng B72 lắp trên xe thiết giáp ạ- Ông xuýt xoa- Dạ! “Thằng này” chính xác lắm thủ trưởng ạ. Nó đã bắn phát nào là trúng phát ấy ngay.
 Trên khu vực mục tiêu, những cụm khói ngày càng dày đặc. Sau một đợt bắn đã thấy một vài tấm bia cót tung lên. Các xe tăng tiếp tục tiến và áp dụng phương pháp tạm dừng bắn. Mấy chiếc “tăng trong hầm” và “tên lửa chống tăng”, “pháo chống tăng” địch bố trí ở tiền duyên đã bị tiêu diệt gần hết. Một chiếc xe có hình thù khá kỳ dị tiến sát phía sau ba chiếc xe tăng rồi dừng lại. Tư lệnh Lân thì thầm:
- Xe FR chuẩn bị phóng!
- FR là cái gì?- Tổng tham mưu trưởng hỏi nhỏ.
- Dạ! Đó là xe “phá rào” ạ! Đây là sáng kiến của chúng tôi kết hợp với công binh, đưa bộ phá rào lên thân xe tăng K63-85 để mở cửa ạ!- Tư lệnh Lân giải thích.
Ông Lân vừa dứt lời thì bộ FR thứ nhất đã phát hỏa. Một quầng lửa sáng lòa bay vụt lên, đằng sau nó kéo theo một mớ dây rợ bùng nhùng lao thẳng vào trận địa địch cùng với những tiếng rít chói tai. Tích tắc sau từ phía tiền duyên phòng ngự của địch một loạt tiếng nổ của bộc phá dậy lên, khói bụi mù mịt cả một vùng. Từ trên loa vang lên tiếng của đại đội trưởng:
- 44 chú ý! Nhanh chóng 100 (xuất kích) qua 102 (cửa mở). Thứ tự bT1, bTG1. 47 (nhận đủ, trả lời)!
Trên loa vang lên một loạt mệnh lệnh của các trung đội trưởng. Ngay sau đó ba chiếc xe tăng đồng loạt lao lên, phía sau là bốn chiếc thiết giáp cũng tăng tốc độ. Hỏa lực trên tất cả các xe vẫn tập trung vào khu vực đầu cầu, nơi thấp thoáng bóng bọn “bộ binh” địch. Những tràng đạn sáng như những mũi kiếm lửa chụp lấy từng mục tiêu xen lẫn với tiếng điểm xạ ngắn gọn của súng AK. Khi vượt qua được “cửa mở” các xe lại tách ra thành ba mũi. Trên loa lại vang lên tiếng đại đội trưởng: “TG chú ý! Cho bộ binh xuống xe đánh chiếm mục tiêu! Nhận đủ trả lời!”. Ngay lập tức các cửa xe bật mở. Từ trên xe bóng các chiến sĩ bộ binh ùn ùn lao xuống. Vừa tiếp đất họ đã nhanh chóng lợi dụng địa hình, địa vật tiếp cận đánh chiếm từng mục tiêu. Các xe tăng vẫn tiếp tục bắn pháo vào những mục tiêu bên trong, còn mấy xe thiết giáp thì dùng súng máy yểm hộ cho bộ binh diệt hết các mục tiêu ở gần. Phó tư lệnh Đào nhắc sĩ quan điều khiển:
- Cho hiện tăng chính diện!
Sát phía chân núi Đầu Trâu ba “xe tăng chính diện” lần lượt hiện lên. Tiếng đại đội trưởng gấp gáp: “44 chú ý! Vật chuẩn 2, xe tăng địch phản kích, tập trung hỏa lực tiêu diệt!”. Lại nhộn nhạo tiếng các trung đội trưởng. Ba chiếc xe tăng dạt hẳn vào sau các mô đất và bắt đầu nã pháo về phía mấy chiếc bia xe tăng. Sau hai loạt bắn thì cả ba chiếc bia xe tăng đều đổ gục. Chừng như đã làm chủ hoàn toàn được khu vực tiền duyên nên nghe thấy đại đội trưởng ra lệnh: “TG chú ý! Cho bộ binh lên xe phát triển chiến đấu vào bên trong! Nhận đủ, trả lời!”. Vài giây sau đã thấy các chiến sĩ bộ binh ùa về chen chúc lên xe. Bốn chiếc thiết giáp lại bám theo ba xe tăng tiến sâu vào chân núi. Tiếng đạn pháo, đạn súng máy và súng AK tiếp tục dội về dồn dập. Phó tư lệnh Đào nhắc sĩ quan điều khiển:
- Hiện bọc thép chạy ngang!
Sát chân núi ba chiếc “xe bọc thép” lừ lừ xuất hiện rồi tăng tốc độ chạy chéo về phía hẻm núi bên kia. Tiếng đại đội trưởng lại vọng về dõng dạc: “44 chú ý! Tiêu diệt địch rút chạy! Nhận đủ, trả lời!”. Khẩu lệnh vừa mới phát ra đã thấy những tràng đạn lửa đỏ rực chụp lấy ba chiếc xe bọc thép, chúng nhanh chóng chạy hết quãng đường và biến mất sau hẻm núi. Chừng như đã vào đến trung tâm phòng ngự của địch nên tiếng của đại đội trưởng lại oang oang: “44 chú ý! Cho bộ binh xuống đánh chiếm sở chỉ huy địch! Nhận đủ, trả lời!”. Các cửa xe lại được bật ra, những bóng áo xanh lại từ trên xe nhẩy xuống và áp sát những ụ súng, công sự phía sau. Những tiếng nổ loạn xạ vẫn dồn dập vọng về. Khoảng năm phút sau trên loa vang lên tiếng các trung đội trưởng báo cáo đã đánh chiếm được mục tiêu. Tiếp đó đại đội trưởng ra lệnh: “44 chú ý! Củng cố giữ vững trận địa, đề phòng địch phản kích! 11gọi 01! 11 báo cáo, đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin chỉ thị!”. Phó tư lệnh Đào vớ lấy mi- crô chậm rãi:
- 01gọi 11! Nhanh chóng tổ chức rời khỏi trận địa! Nhận đủ, trả lời!
Ngay lập tức là tiếng đại đội trưởng trên loa: “11 nhận đủ! 11 gọi 44! 44 nhanh chóng rời khỏi trận địa!”. Rất nhanh chóng ba chiếc xe tăng và mấy chiếc thiết giáp cùng quay đầu về hướng sở chỉ huy và tăng tốc độ. Tổng Tham mưu trưởng vẫy tay:
- Này, Đào! Bảo anh em dừng lại đây một lúc nhé!
- Vâng ạ!- Ông Đào trả lời và vội vã chạy xuống cầu thang.
Đoàn xe dừng lại ngang với đài chỉ huy sau tín hiệu của sĩ quan trực ban trường bắn. Đại đội trưởng lệnh cho bộ đội xuống xe và tập hợp thành ba hàng ngang trước xe đi đầu. Một lát sau Tổng Tham mưu trưởng và tư lệnh Lân từ trên đài chỉ huy bước xuống. Tổng Tham mưu trưởng đi thẳng ra chỗ đoàn xe, các đại biểu cũng lục tục đứng dạy đi theo. Đại đội trưởng gân cổ hét:
- Nghiêm!- Anh ta chạy lại phía Tổng Tham mưu trưởng rồi đứng lại, dập gót đứng nghiêm giơ tay chào- Báo cáo đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Đại đội bộ binh cơ giới 1, quân số 90, trang bị 3 xe tăng và 8 xe thiết giáp đã hoàn thành nhiệm vụ diễn tập! Xin chỉ thị đồng chí!
Nhìn hai đầu gối người đại đội trưởng đang rung bần bật Tổng Tham mưu trưởng ôn tồn:
- Được! Đồng chí cho bộ đội nghỉ!- Bước thêm mấy bước nữa đến trước hàng quân ông cười hiền hậu- Thay mặt các đồng chí thủ trưởng Bộ xin nhiệt liệt biểu dương các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ buổi diễn tập hôm nay. Xin chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Hàng quân vỗ tay nhiệt liệt và đồng thanh:
- Chúc thủ trưởng khỏe!
Vừa vẫy tay vui vẻ chào bộ đội Tổng Tham mưu trưởng quay lại phía sau:
- Bây giờ các anh ở Thiết giáp giới thiệu sơ lược về các loại trang bị của đơn vị này xem nào!
Tư lệnh Lân hất cằm về phía phó tư lệnh Đào. Ông Đào tiến sát phía đoàn xe:
- Mời thủ trưởng và các đồng chí đến gần một chút!- Đợi cho mọi người lại gần ông rành giọt- Báo cáo thủ trưởng và các đồng chí! Trong cuộc diễn tập hôm nay chúng tôi sử dụng bốn loại xe. Ba chiếc này là xe tăng lội nước kiểu K63- 85. Anh em chúng tôi quen gọi là PT85 hoặc là K3B. Đây là xe do Trung Quốc sản xuất, trang bị pháo 85 ly, một khẩu cao xạ 12 ly 7 và một đại liên 7 ly 62. Về xe thiết giáp hôm nay có hai loại. Đây là bốn chiếc BTR- 50 PK do Liên Xô sản xuất, đại loại dịch ra tiếng Việt tên của nó là xe bọc thép lội nước. Về cơ bản phần thân xe gần giống như xe tăng PT 76 nhưng không có tháp pháo, xe được trang bị một khẩu đại liên RPK, có thể lắp bệ phóng của tên lửa chống tăng B72. Buồng chiến đấu của nó được cải tiến thành buồng chở bộ binh và có thể chở được một tiểu đội bộ binh cùng với toàn bộ trang bị. Ưu điểm của xe này là lòng xe rộng, chở được nhiều người và vũ khí. Tuy nhiên có nhược điểm là khi bộ binh xuống xe chiến đấu phải trèo lên nóc xe, dễ bị sát thương. Còn loại xe kia tên là K63, vũ khí của nó có một khẩu 12 ly 7 và cũng có thể chở được một tiểu đội bộ binh. Ưu điểm của xe này là có cửa phía trên và cửa sau nên thả quân xuống cũng như thu quân lên rất nhanh gọn nhưng nhược điểm của nó là khả năng bơi kém so với loại kia. Về tỷ lệ tăng và thiết giáp trong biên chế chúng tôi áp dụng công thức “1 tăng 2 giáp”, nghĩa là trung đoàn có 3 tiểu đoàn thì trong đó có một tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn thiết giáp, trong tiểu đoàn thiết giáp thì cũng có một đại đội tăng. Với mô hình như vậy sức chiến đấu của các đơn vị sẽ được nâng lên nhiều, đặc biệt là khả năng độc lập tác chiến từ cấp tiểu đoàn trở lên. Còn loại trang bị thứ tư chúng tôi sử dụng hôm nay là xe FR- ông chỉ về phía cái xe có hai cái chuồng cu cao ngất ngưởng phía sau- Đó là công trình nghiên cứu kết hợp giữa binh chủng Thiết giáp và binh chủng Công binh. Ở đây chúng tôi đã đặt hai bộ thiết bị FR lên thân xe K63- 85 để thực hành mở cửa. Theo kết quả thực nghiệm thì mỗi bộ FR này mở được một cửa mở rộng từ 5 đến 6 mét, sâu khoảng 70 mét đủ cho xe tăng và bộ binh xung phong. Ngoài ra chúng tôi còn cải tiến xe thiết giáp thành một số xe chuyên dùng như xe phẫu, xe sửa chữa v.v… đảm bảo cho trung đoàn này được cơ giới hóa 100 phần trăm. Báo cáo hết ạ!
Tổng Tham mưu trưởng chỉ tư lệnh Công binh:
- Anh nói rõ thêm về FR cho anh em người ta biết đi nào!
Tư lệnh công binh bước về phía chiếc xe FR, gương mặt ông có vẻ rất tự hào:
- Thưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng! Thưa toàn thể các đồng chí! Như chúng ta đã biết trong chiến đấu tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc thì một vấn đề mang tính sống còn là có mở được cửa mở hay không. Bởi vì chỉ có mở được cửa mở mới đưa được lực lượng vào đánh chiếm các mục tiêu bên trong. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, ác liệt và chúng ta đã gánh chịu nhiều tổn thất khi làm nhiệm vụ này- Rất nhiều đại biểu gật gù tỏ vẻ tán đồng-  Chính vì vậy nhiều năm nay chúng tôi đã nghiên cứu, kết hợp với vận dụng những kinh nghiệm của bạn và đã chế tạo thành công bộ thiết bị phá rào, gọi tắt là FR. Thiết bị này hoạt động theo nguyên tắc sử dụng một tên lửa đẩy kéo theo một loạt bộc phá ống. Khoảng cách bay của tên lửa được tính toán kỹ sao cho toàn bộ số bộc phá ống này nằm đúng vào chiều sâu hàng rào địch ở vị trí định mở cửa mở. Khi đó số bộc phá ống này sẽ đồng loạt nổ và tạo thành cửa mở. Sau một số lần thử nghiệm chúng tôi thấy đạt kết quả tốt. Khi bên Thiết giáp đề nghị chúng tôi đã cùng các đồng chí đó nghiên cứu lắp đặt thiết bị này lên thân xe thiết giáp và như các đồng chí đã thấy, thiết bị đã hoạt động tương đối tốt. Báo cáo hết!
Những tiếng xuýt xoa tán thưởng ồn lên. Đợi tiếng ồn lắng xuống ông Đào phấn khởi nói tiếp:
- Còn sau đây mời thủ trưởng và các đồng chí tham quan một số loại trang bị nữa của trung đoàn bộ binh cơ giới. Đó là xe chỉ huy BTR- 50PU, xe phẫu thuật, xe bắc cầu, xe phà tự hành.
Ông chỉ tay ra phía sau đài chỉ huy bắn. Nơi đó một dãy xe thiết giáp nằm kín đáo sau rặng bạch đàn. Trên mình một chiếc trong số đó là một cột ăng- ten cao dễ đến hơn chục mét, nó được chằng chống bằng bốn sợi dây cáp to bằng ngón tay út. Xung quanh xe thấy lố nhố năm, sáu cái cần ăng- ten khác nữa, mỗi cái cũng cao độ hơn ba mét.
Đoàn cán bộ tiến lại gần dãy xe. Phó tư lệnh Đào chỉ vào chiếc xe có cột ăng ten và nói:
- Báo cáo các đồng chí, xe này là xe chỉ huy ạ!
Tổng Tham mưu trưởng hào hứng:
- Cái này phải lên xem tận nơi mới được!
Chắc đã có chuẩn bị nên một chiếc thang đã được bắc vào thành xe. Vừa trèo lên xe và nhìn vào bên trong mấy cán bộ đã trầm trồ:
- Ôi trời! Cứ như là một sở chỉ huy di động ấy!
Ông Lân hào hứng:
- Thì đúng là sở chỉ huy di động còn gì. Nó là xe chỉ huy cơ mà!
Đợi mọi người ổn định vị trí ông Đào dõng dạc:
- Báo cáo Tổng Tham mưu trưởng và các đồng chí. Đây là xe chỉ huy BTR- 50PU, được trang bị cho cấp trung đoàn trở lên. Bên trong xe có bàn ghế làm việc cho trung đoàn trưởng và ban tham mưu. Xe được trang bị 5 đài vô tuyến điện, trong đó có 1 đài tầm xa có thể liên lạc được ở cự ly hàng trăm ki- lô- mét. Các đài kia có thể liên lạc được ở cự ly trên dưới hai mươi ki- lô- mét. Do vậy, đảm bảo cho truung đoàn trưởng có thể trực tiếp chỉ huy được ba tiểu đoàn đang tác chiến trên ba hướng và một vài đơn vị trực thuộc bằng vô tuyến điện. Ngoài ra còn có thể giữ vững liên lạc với hậu phương trong trường hợp tác chiến thọc sâu hoặc độc lập tác chiến xa hậu phương.
Tổng Tham mưu trưởng bước hẳn vào buồng thao tác xe chỉ huy. Ông ngồi xuống trước tấm bàn bằng gỗ ép rộng chừng gần một mét, người thì nhún nhảy kiểm tra độ vững của cái ghế xếp, mắt nhìn quanh một lượt những điện đài, tủ tài liệu xếp kín xung quanh thành xe, miệng tấm tắc:
- Hay lắm, các cậu ạ! Rất chính quy, rất hiện đại! Các cậu xe tăng phải cố gắng khai thác hết tính năng của nó để phục vụ cho chiến đấu nhé!
Cả tư lệnh Lân lẫn phó tư lệnh Đào cùng cười rạng rỡ:
- Vâng ạ!
 Tổng Tham mưu trưởng nhún mình trèo lên thân xe. Ông nhìn quanh quất một hồi rồi chỉ vào mấy chiếc xe đỗ bên cạnh:
- Nào! Giới thiệu xem mấy cái xe này thì dùng vào việc gì?
Ông Đào rành mạch:
- Báo cáo các đồng chí, xe đỗ bên cạnh đây là xe phẫu. Thực chất dó vẫn là một xe thiết giáp BTR- 50PK nhưng chúng tôi có một số cải tiến. Cụ thể là chúng tôi đã lắp một bộ bàn mổ dã chiến lên xe, cải tiến nắp đậy nóc xe để kíp mổ có thể thao tác bình thường. Trong cơ động chiến đấu dài ngày thì đây sẽ là một phương tiện rất hữu hiệu để cứu chữa thương binh ạ- Thấy mọi người đều gật gù tỏ vẻ tâm đắc, ông càng hào hứng- Còn phía bên này là xe bắc cầu tự hành MTU. Như các đồng chí nhìn thấy: thân xe cũng là thân xe tăng nhưng trên đó lại lắp một đoạn cầu. Cầu này có thể duỗi thẳng ra, lúc đó nó dài đến 20 mét. Khi cần vượt qua các hào rộng hoặc sông suối có thành thẳng đứng xe bắc cầu sẽ tiến đến gần và lao cầu qua. Mọi thao tác chỉ mất vài ba phút. Sau khi đội hình đi qua xe bắc cầu sẽ thu cầu lại. Quá trình thu cầu cũng chỉ mất vài ba phút là xong.
Những tiếng trầm trồ xuýt xoa nổi lên. Tổng tham mưu trưởng chỉ vào chiếc xe có cái thùng phao y như cái xà lan úp ngược lên trên và hỏi:
- Còn đây chắc là xe phà?
Ông Đào phấn khởi:
- Báo cáo, đúng là xe phà ạ! Tên nó là GSP. Một bộ phà này gồm 2 chiếc như vậy. Khi xuống nước kíp xe sẽ cho lật phao xuống rồi ghép hai phao lại với nhau thành một cái phà. Trọng tải của phà lên đến 50 tấn. Thời gian ghép nối cũng chỉ mất vài ba phút thôi ạ.
Tổng tham mưu trưởng gật đầu tỏ vẻ hài lòng:

- Thôi, hẵng tạm thế đã! Sau đây mời các đồng chí vào hội trường ta sẽ trao đổi thêm.