Phía trước bị chặn, phía sau bị tiến công, các lực lượng VNCH tranh nhau rút chạy. Trong sự hỗn loạn, mọi cố gắng ổn định tình hình và tổ chức kháng cự đều trở nên vô vọng.
Ngày 11.3.1975, ngay khi Ban Mê Thuột (BMT) thất thủ, đồng thời trước sức ép của Quân giải phóng (QGP) tại các mặt trận khác dội về, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đã triệu tập Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên và Trung tướng Đặng Văn Quang đến Phủ đầu rồng để bàn về việc tái phối trí lại lực lượng.
Tại cuộc họp này, dường như đã tiên đoán được những khó khăn to lớn mà Việt Nam công hòa (VNCH) đang phải đương đầu, Nguyễn Văn Thiệu thông báo quyết định:
"Với khả năng và lực lượng ta đang có, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ muốn bảo vệ. Như vậy chúng ta nên tái phối trí lực lượng và bảo vệ những vùng đông dân, trù phú, vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng".
Có lẽ cả Thiệu lẫn những người có mặt trong cuộc họp đã không ngờ được rằng lời tiên đoán đó lại diễn ra nhanh đến vậy!
Từ cuộc "rút lui chiến lược"
Ngày 14.3.1975, trước khả năng phản kích giành lại Buôn Mê Thuột (BMT) đã gần như tan thành mây khói, TT Nguyễn Văn Thiệu cùng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH và trung tướng Trần Văn Quang - Cố vấn an ninh quốc gia đã bay ra Cam Ranh.
Tại đây họ đã nghe Thiếu tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh Quân đoàn 2 phúc trình về tình hình chiến sự tại Quân khu 2.
Trong cuộc họp, Thiếu tướng Phạm Văn Phú báo cáo tổng quát diễn biến chiến sự tại Tây Nguyên những ngày trước đó.
Để có thể khôi phục và giữ được cao nguyên, tướng Phú thỉnh cầu xin thêm máy bay cho Sư đoàn 6 không quân, bổ sung quân số bị tổn thất, tăng viện từ 1 đến 2 lữ đoàn dù để phòng giữ Kon Tum, Pleiku và sau đó dùng để phản kích chiếm lại các vùng đã mất.
Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận đề nghị của tướng Phú. Ông ta tuyên bố:
"Không! Không thể có quân tăng viện, không có quân bổ sung. Quân viện bị cúp, đạn và tiền đều thiếu. Chúng ta đang bị tấn công mạnh ở khắp mọi nơi chứ không riêng ở QK2.
Địch đánh mạnh hơn năm 1968, hơn cả năm 1972. Kon Tum, Plây Cu người ít, kinh tế không có, để bảo toàn lực lượng, lấy quân về giữ đồng bằng ven biển, ở đấy điều kiện tiếp tế thuận lợi hơn".
Kết luận lại, TT Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho Phạm Văn Phú tổ chức rút quân về đồng bằng, tái phối trí lại lực lượng với yêu cầu cố gắng bảo toàn đến mức cao nhất các lực lượng chủ lực của quân đoàn.
Về hướng rút quân, Đại tướng Cao Văn Viên lưu ý về những nguy hiểm khó lường khi rút theo đường 19, ông ta nhắc lại thảm họa đã xảy ra đối với Binh đoàn cơ động số 100 của quân viễn chinh Pháp trên đường 19 năm 1954.
Sau khi thảo luận nhiều lần về việc chọn đường rút quân, Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh đã quyết định rút theo đường số 7 (ngày nay là QL 25) vì họ cho rằng, con đường đó tuy xấu nhưng gây được bất ngờ cho đối phương.
Tới 16 giờ cùng ngày, tại bản doanh của Quân đoàn 2 tại Pleiku tướng Phú triệu tập ngay Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Chuẩn tướng Phạm Duy Tất (mới được thăng) và Đại tá Lê Khắc Lý bàn việc rút quân với mấy yêu cầu:
• Về kế hoạch chung: Bảo đảm bí mật tuyệt đối, không làm văn bản, chỉ truyền khẩu lệnh; cấm tiết lộ cho địa phương quân và các tiểu khu. Phải rút nhanh gọn, đem theo vũ khí và một cơ số đạn đủ cho một trận chiến đấu. Rút theo kiểu cuốn chiếu, ở xa rút trước, ở gần rút sau.
• Về điều phối: Giao Chuẩn tướng Phạm Duy Tất chỉ huy hành quân; Chuẩn tướng Cẩm đôn đốc kiểm tra; Chuẩn tướng Sang điều điều động máy bay vận tải chở hàng hóa quý hiếm, dọn sạch hai bên đường rút quân bằng máy bay oanh tạc;
Đại tá Lý điều động công binh sửa đường, bắc cầu, giữ liên lạc với Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu II tại Nha Trang và Bộ Tổng tham mưu tại Sài Gòn để xin tiếp ứng khi cần.
Theo tính toán của các tướng lĩnh VNCH, các đơn vị Quân giải phóng đang tập trung vây đánh trung đoàn 53, căn cứ B50 ở Buôn Ma Thuột và lo đối phó với cuộc phản kích của sư đoàn 23 tại Phước An nên phải mất ba đến năm ngày mới có thể điều quân đến do đường sá rất xấu, cơ động khó khăn.
Còn Sư đoàn 968 nếu có đuổi theo cũng phải hành quân bộ, đánh vuốt đuôi và sẽ bị Liên đoàn 25 Biệt động quân (BĐQ) cản hậu chặn đánh. Thời gian đó đủ để phần lớn lực lượng Quân đoàn 2 VNCH về được Tuy Hòa.
Cũng theo tính toán của họ, thì với số quân và phương tiện chiến tranh của Quân đoàn rút được về đến đồng bằng ven biển sẽ đủ khả năng tái phối trí để bảo vệ những phần đất còn lại của Quân khu 2.
Nhưng lại một lần nữa, những toan tính này sụp đổ.
Đến "thảm kịch đường số 7"
Mặc dù Bộ tư lệnh Quân đoàn II QLVNCH cố gắng giữ bí mật tối đa cuộc rút quân nhưng những hoạt động nhộn nhịp bất thường của không quân tại Plây Cu trong ngày 14 tháng 3 đã gây nên những nghi ngờ trong gia đình các sĩ quan cấp dưới, binh sĩ và cả dân chúng ở đây.
Sáng sớm ngày 15 tháng 3, một đoàn xe quân sự lớn của các Liên đoàn 6 và 23 BĐQ từ Kon Tum di chuyển qua Pleiku xuống phía Nam càng làm cho tinh thần của các công chức chính quyền, binh lính và cả dân chúng càng thêm dao động.
Đến trưa ngày 15 thì mọi mệnh lệnh để ổn định tình hình của chuẩn tướng Trần Văn Cẩm và đại tá Lê Khắc Lý đều trở nên vô hiệu. Một số sĩ quan, công chức, binh lính đã bỏ đơn vị và nhiệm sở để lo cho gia đình di tản.
Nhiều vụ cướp bóc, tống tiền đã xảy ra. Ngay cả CIA cũng bắt đầu di tản người Mỹ khỏi Pleiku vì theo họ đánh giá, thị xã này đã giống như một thùng thuốc súng.
13 giờ chiều 15 tháng 3, cuộc di tản của Quân đoàn 2 VNCH chính thức bắt đầu trong sự cập rập, vội vã. Thiết đoàn 19 và Liên đoàn 6 BĐQ mở đường từ Pleiku đi Phú Túc. Tiếp đó là bộ phận còn lại của Bộ tư lệnh Quân đoàn II, Lữ đoàn 2 Thiết kỵ, các đơn vị bộ binh, hậu cần, kỹ thuật...
Trong hai ngày đầu cuộc di tản diễn ra đúng theo kế hoạch. Sáng 16 tháng 3, khi đội thiết giáp đi đầu trong đoàn xe quân sự dài đến hơn 2.000 chiếc đã đến Cheo Reo (bây giờ là TX Ayun Pa) an toàn và bắt đầu di chuyển xuống Củng Sơn thì toán cuối của đoàn xe này mới ra khỏi thị xã Pleiku.
Tuy nhiên, có ba vấn đề mà các tướng lĩnh QLVNCH không lường tính hết. Đó là: số lượng người, phương tiện tham gia vào cuộc "rút lui chiến lược", chất lượng đường số 7 và phản ứng của phía Quân giải phóng.
Khi tin rút bỏ Cao Nguyên lan rộng, các sĩ quan, binh sĩ VNCH cùng các công chức hệ thống chính quyền địa phương hai tỉnh Kon Tum, Pleiku đã lập tức bỏ đơn vị, bỏ nhiệm sở để lo cho gia đình "di tản".
Vì vậy, mỗi quân nhân phải kèm thêm vài người dân, trong đó có rất nhiều người già, trẻ em đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chiến đấu khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, số phương tiện của dân sự đi theo đoàn quân "rút lui chiến lược" đó cũng rất đông đảo. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đã có khoảng hơn 2000 phương tiện giao thông dân sự đã tham gia vào cuộc rút quân "vĩ đại" này và gây rất nhiều khó khăn cho quá trình điều phối hành quân.
Về con đường số 7 vốn là một con đường bỏ hoang từ lâu không được duy tu, bảo dưỡng. Vì vậy, đường hẹp, chất lượng mặt đường xấu, đặc biệt các cây cầu trên con đường này đều nhỏ, hẹp và có trọng tải nhỏ. Trong khi đó, năng lực của công binh Quân đoàn 2 VNCH rất hạn chế.
Đối với Quân giải phóng, kế hoạch rút quân của Quân đoàn 2 VNCH khỏi Tây Nguyên là không quá bất ngờ. Khi vạch kế hoạch chiến dịch Tây Nguyên họ đã tính đến khả năng này. Bất ngờ duy nhất mà Nguyễn Văn Thiệu và Phạm Văn Phú tạo ra được là cuộc di tản này được tiến hành quá nhanh.
Đến chiều 15 tháng 3, khi cánh quân đi đầu của thiết đoàn 19 đã qua Cheo Reo, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây nguyên mới được tin quân VNCH bắt đầu rút khỏi Pleiku và Kon Tum.
Quyết không để Quân đoàn 2 VNCH bảo toàn được nguyên vẹn lực lượng về tới đồng bằng ven biển, một kế hoạch chặn đánh và truy kích lập tức được hình thành.
Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định sử dụng toàn bộ Sư đoàn BB 320, Tiểu đoàn xe tăng 2 (Trung đoàn 273), Trung đoàn pháo binh 675, Trung đoàn cao xạ 593 và hai Tiểu đoàn quân địa phương ở Phú Yên vào trận đánh này.
20 giờ tối 16. 3, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 (Sư đoàn BB 320) được lệnh hành quân cắt rừng suốt đêm với nhiệm vụ lập một chốt chặn ở phía Nam thị xã Cheo Reo để chặn đứng cuộc rút lui của đối phương. Theo sát họ là đội hình chính của Trung đoàn 64 hành quân trên 110 xe ô tô các loại được huy động cùng các lực lượng khác.
Sáng 17 tháng 3, tốp xe tăng, thiết giáp đi đầu của Thiết đoàn 19 và Liên đoàn 6 Biệt động quân VNCH đã chạm súng với Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 QGP tại đèo Tuna, cách Cheo Reo 4 km về Đông và bị chặn lại ở đây. Đoàn xe di tản khổng lồ ứ lại tại Cheo Reo.
Từ chiều tối 17 đến sáng 18 tháng 3, chuẩn tướng Tất sử dụng Liên đoàn 7 BĐQ với sự yểm hộ của không quân, pháo binh và thiết giáp liên tục công kích nhổ chốt, vu hồi bọc chốt để mở đường nhưng đều bị đẩy lùi.
Sáng 18 tháng 3, toàn bộ Trung đoàn 64 (Sư đoàn BB 320) đã triển khai xong các chốt chặn tiếp theo phía hạ lưu đèo Tuna. Trung đoàn 48 (thiếu) của sư đoàn này và Trung đoàn 9 (Sư đoàn BB 968) đã bao vây Cheo Reo từ ba mặt.
Trưa ngày 18, Chuẩn tướng Phạm Văn Tất điều Liên đoàn 25 BĐQ đang làm nhiệm vụ cản hậu vượt lên trước cùng với Lữ đoàn 2 Thiết kỵ mở cuộc công kích cuối cùng để mở đường.
Cũng thời điểm đó, các đơn vị pháo binh của trung đoàn 675 bắt đầu pháo kích các vị trí đóng quân tạm thời của VNCH trong thị xã Cheo Reo và 3 trung đoàn bộ binh Quân giải phóng bắt đầu tấn công.
Phía trước bị chặn, phía sau bị tiến công, các lực lượng VNCH tranh đường của nhau để chạy. Trong sự hỗn loạn, mọi cố gắng ổn định lại tình hình và tổ chức kháng cự của các chỉ huy VNCH trở nên vô vọng.
17 giờ chiều, chuẩn tướng Phạm Duy Tất nhận được lệnh phá bỏ tất cả các chiến cụ nặng. Binh lính VNCH tháo khóa nòng pháo, kính ngắm bắn... trên các khẩu pháo và xe tăng rồi bỏ lại để chạy thoát thân.
17 giờ 30, một chiếc HU-1A vượt qua làn đạn phòng không của Quân giải phóng hạ cách xuống sân trường tiểu học Phú Bổn dể đưa tướng Tất và Đại tá Hoàng Thọ Nhu (tỉnh trưởng Pleiku) về Nha Trang..
Đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 3, các đơn vị QLVNCH bị vây tại Cheo Reo chấm dứt kháng cự.
Kết quả, chỉ một số ít binh lính VNCH về đến Tuy Hòa. Số còn lại ngoài một số bị diệt có gần 17.000 người bị phía Quân giải phóng bắt làm tù binh, trong đó có 779 sĩ quan từ chuẩn úy đến chuẩn tướng.
Số vũ khí phương tiện bị phá hủy và bắt sống cũng cực kỳ lớn: 17.183 súng các loại, trong đó có 79 khẩu pháo từ 105 mm trở lên; hơn 2.000 xe quân sự, trong đó có 207 xe tăng và xe bọc thép; 44 máy bay bị bắn rơi, 110 chiếc khác bị thu và phá hủy.
Như vậy, từ cuộc "rút lui chiến lược" đã biến thành "thảm kịch đường số 7" - Tây Nguyên hoàn toàn thất thủ, báo hiệu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ VNCH một ngày không xa.
Nguồn: http://soha.vn/cuoc-rut-lui-chien-luoc-bien-thanh-tham-kich-duong-so-7-tay-nguyen-hoan-toan-that-thu-20170325105640668.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét