Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

CHIẾN DỊCH ĐÀ NẴNG: BỘ TƯ LỆNH CHƯA HỌP LẦN NÀO ĐÃ KẾT THÚC THẮNG LỢI

Giải phóng Đà Nẵng: Bộ tư lệnh chưa họp lần nào, chiến dịch đã thắng lợi "thần kỳ"
Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975.

Thời cơ đến, Bộ Tư lệnh (BTL) Chiến dịch Quảng Đà với mục tiêu chủ yếu là giải phóng Đà Nẵng đã được thành lập. Tuy nhiên, BTL chưa họp được lần nào thì chiến dịch đã hoàn thành.

Sau khi trúng đòn điểm huyệt hiểm hóc ở Buôn Mê Thuột, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu choáng váng ra lệnh triệt thoái Cao Nguyên. 
Nhận thấy đây là thời cơ có một không hai để tiêu diệt địch quân trên địa bàn Quân khu 1 mà trọng điểm là Đà Nẵng, Bộ thống soái tối cao đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Quảng Đà với mục tiêu chủ yếu là giải phóng Đà Nẵng. Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh chưa cần họp mặt trực tiếp lần nào thì chiến dịch đã hoàn thành.
Vào thời điểm đầu năm 1975, Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai của miền Nam Việt Nam với dân số gần một triệu người.
Đây không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị của vùng I (Quân khu I - Quân lực Việt Nam Cộng hoà) mà còn là căn cứ quân sự liên hợp hải - lục - không quân lớn nhất miền Nam.
Giải phóng Đà Nẵng: Bộ tư lệnh chưa họp lần nào, chiến dịch đã thắng lợi thần kỳ - Ảnh 1.
Đà Nẵng, thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam đã thất thủ ngày 29/3, kéo theo cảnh tượng hỗn loạn khi binh lính VNCH tìm cách tháo chạy khỏi nơi đây. Ảnh tư liệu.
Tại đây có tới 4 cảng lớn trong đó có cảng Sơn Trà là cảng nước sâu hiện đại; các sân bay quốc tế Đà Nẵng và Nước Mặn; hệ thống kho tàng có sức chứa hàng chục vạn tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh, quân trang quân dụng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, còn có căn cứ radar đa chức năng đặt tại Sơn Trà do quân đoàn 3 dã chiến (3rdMAF) của Hoa Kỳ quản lý trước đây và bàn giao lại cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà sau Hiệp định Pari.
Về lực lượng phòng thủ xung quanh Đà Nẵng sau chiến dịch Trị Thiên và chiến dịch Nam Ngãi cũng còn rất hùng hậu, bao gồm:
"Sư đoàn 3 bộ binh (BB), Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến (TQLC), các lực lượng còn lại của Sư đoàn 1 BB, các Liên đoàn 11, 12, 14, 15 Biệt động quân; các Thiết đoàn 11 và 20; 12 tiểu đoàn pháo; 1 Sư đoàn Không quân; 15 tiểu đoàn Bảo an và một lực lượng lớn của Hải quân cùng cảnh sát, dân vệ... Tổng quân số lên đến 75.000 quân".
Đánh giá chung, lực lượng phòng thủ Đà Nẵng còn rất mạnh. Chính vì vậy, tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân khu 1 VNCH đã hô hào "tử thủ" và huyênh hoang tuyên bố: "Phải bước qua xác Trưởng mới vào được Đà Nẵng".
Quyết tâm chính xác và táo bạo của Bộ thống soái tối cao
Mặc dù vậy, trên cơ sở phân tích các tình huống và phán đoán khả năng thực tế của địch trong thời điểm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng đã nhận định:
"Địch kêu gọi tử thủ, nhưng tình hình có thể diễn biến đột ngột, khả năng địch rút vẫn tồn tại. Vậy phải có phương án đánh thật nhanh, thực hiện đúng phương châm khẩn trương, táo bạo, bất ngờ(1)".
Giải phóng Đà Nẵng: Bộ tư lệnh chưa họp lần nào, chiến dịch đã thắng lợi thần kỳ - Ảnh 2.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với nhận định đó, ngày 26-3-1975, tướng Giáp Văn Cương được Bộ Tổng Tư lệnh cử vào Đà Nẵng để chuẩn bị chiến trường.
Đồng thời, tại Hà Nội Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập cuộc họp gồm các tướng Lê Trọng Tấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng, Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng, Nguyễn Bá Phát - Tư lệnh Hải quân, Phan Bình - Cục trưởng Cục Quân báo, Lê Hữu Đức - Cục trưởng Cục Tác chiến và một số tướng lĩnh khác bàn kế hoạch tiến công Đà Nẵng (1) .
Ngay sau cuộc họp này, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Quảng - Đà do Trung tướng Lê Trọng Tấn - Phó Tổng tham mưu trưởng trực tiếp làm Tư lệnh, Thiếu tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 làm chính ủy.
Lực lượng trong tay Bộ Tư lệnh chiến dịch bao gồm toàn bộ lực lượng của Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5. Nếu cần thiết có thể được sử dụng cả Quân đoàn 1.
Nhân danh Bí thư Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị:
"Chiến tranh đã chuyển sang giai đoạn phát triển nhảy vọt. Bố trí của địch ở Đà Nẵng tuy chưa đảo lộn, mặc dù chúng kêu gọi tử thủ, nhưng tinh thần quân lính đang suy sụp, cần nắm vững phương châm táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng, khẩn trương tiến công bao vây tiêu diệt địch, khống chế sân bay, hải cảng, chú ý làm tốt việc tiếp quản thành phố một triệu dân này, thực hiện tốt chính sách tù, hàng binh và chính sách chiến lợi phẩm. Nhanh chóng tổ chức tăng cường lực lượng phát triển vào phía Nam…".
Nội dung mệnh lệnh thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch và chỉ thị trên cũng được điện cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lúc đó đang ở Quảng Ngãi.
Nhận nhiệm vụ xong, Trung tướng Lê Trọng Tấn cùng một số sĩ quan dùng máy bay trực thăng bay vào Gio Linh (Quảng Trị). Từ đó cơ động bằng ô tô theo đường Đông Trường Sơn vào Sở chỉ huy của Quân đoàn 2 đang đóng tại khu vực Động Truồi (Tây Bắc Đà Nẵng) và thiết lập Sở chỉ huy chiến dịch ở đó.
Giải phóng Đà Nẵng: Bộ tư lệnh chưa họp lần nào, chiến dịch đã thắng lợi thần kỳ - Ảnh 3.
Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29.03.1975. Ảnh tư liệu.
Những bức điện nối hai đầu chiến dịch
Vào thời điểm tướng Lê Trọng Tấn thiết lập Sở chỉ huy ở Tây Bắc Đà Nẵng thì Chính ủy Chu Huy Mân đang ở Quảng Ngãi cách đó mấy trăm km. Trong điều kiện chiến trường thì khoảng cách ấy là quá lớn nên không thể triệu tập họp Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch được.
Trong khi đó thì thời gian đã quá gấp gáp, phải chạy đua từng phút từng giờ vì diễn biến tình hình rất nhanh. Thời cơ chỉ xuất hiện một lần, nếu không nắm bắt được sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề và phải trả bằng xương máu chiến sĩ.
Vì vậy, hai vị Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch phải trao đổi ý kiến với nhau qua điện đài, đồng thời chỉ đạo việc triển khai công tác chuẩn bị cho chiến dịch cũng được tiến hành trên làn sóng vô tuyến điện là chủ yếu, trong đó có cả những bức điện được gửi đi trên đường cơ động.
Giải phóng Đà Nẵng: Bộ tư lệnh chưa họp lần nào, chiến dịch đã thắng lợi thần kỳ - Ảnh 4.
Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh: Zing.vn
Ngày 26.3.1975, trên đường cơ động từ Gio Linh vào Sở chỉ huy, tướng Lê Trọng Tấn đã gửi bức điện đầu tiên cho tướng Chu Huy Mân:
"Đánh Đà Nẵng nên:
- Hướng An (Quận đoàn 2) sẽ tiến công phía bắc và tây bắc theo đường số 1 qua đường 14.
- 711(Sư đoàn BB 304) từ tây nam lên, trước mắt diệt Lữ 369.
Đề nghị anh chuẩn bị cho Sư 2 và Lữ 52 đánh theo đường số 1 về Mỹ Khê (đông Đà Nẵng) bịt đường rút lui bằng đường thuỷ của địch".
Giải phóng Đà Nẵng: Bộ tư lệnh chưa họp lần nào, chiến dịch đã thắng lợi thần kỳ - Ảnh 5.
Đại tướng Chu Huy Mân.
Điện trả lời của tướng Chu Huy Mân viết:
"1. Nhất trí với ý định của "cậu Vũ". (Bộ Tổng Tư lệnh)
2. Chúng tôi đã chuẩn bị cho Sư 2 và Lữ 52 tiến công từ hướng nam ra, đánh chủ yếu theo hướng núi Quế ra Vĩnh Điện, cánh thứ yếu theo đường Đèo Le qua núi Mạc ra đường 100 để phối hợp với lực lượng "cậu Vũ" từ ngoài đánh vào tiêu diệt địch ở Đà Nẵng.
3. Đang tích cực chuẩn bị, chậm nhất là 29-3 có một trận địa pháo có thể bắn vào núi Quế".
Ngày hôm sau, 27-3, tướng Lê Trọng Tấn điện cho tướng Chu Huy Mân:
"Phúc đáp điện số 320 hồi 16 giờ của anh.
1. Hoàn toàn đồng ý về hướng tiến công, mục tiêu tiến công của Sư 2 và Lữ 52.
2. Lực lượng của An và một số sư của Hoà (Quân đoàn 1) tiến công theo hai trục:
- Mũi thứ nhất theo đường 14, Mũi Trâu, Lệ Mỹ vào sân bay chính.
- Mũi thứ hai từ Lăng Cô đến Hải Vân, Liên Chiểu, Nam Ô. Đồng thời có đánh từ Lộc Mỹ lên đỉnh đèo Hải Vân diệt Lữ 258.
3. Lực lượng của 711 (Sư đoàn BB 304) tiến công Trung đoàn 57 ở Đại Lộc và vòng đằng sau Lữ 369.
4. Pháo binh triển khai được một trận địa ở Mũi Trâu bắn vào sân bay chính, cảng Sơn Trà và tàu biển. Đề nghị cho triển khai nhanh một trận địa pháo nòng dài bắn vào sân bay Nước Mặn, nếu có pháo 85 càng tốt để đánh tàu biển bốc quân ở Mỹ Khê".(1)
Sau một số cuộc điện đài qua lại giữa Tư lệnh và Chính ủy, thế trận bao vây như "thiên la địa võng" đã được giăng lên xung quanh Đà Nẵng chỉ chờ giờ G là chụp xuống:
Hướng bắc, Bộ Tư lệnh QĐ 2 sử dụng Sư đoàn 325 (thiếu Trung đoàn 95) được tăng cường thêm một tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh theo đường số 1 đánh chiếm Sở chỉ huy QĐ 1 - QK 1, Sở chỉ huy Sư đoàn 1 không quân địch ở sân bay Đà Nẵng; sau đó, phát triển tiến công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà.
Hướng này do Đại tá Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp chỉ huy.
Hướng tây bắc do Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cao xạ 37 và 57 mm (của Sư đoàn 673), 1 tiểu đoàn công binh đảm nhiệm, theo trục đường 14 (cũ) đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 3 bộ binh ở Phước Tường.
Sau đó, phối hợp với các đơn vị đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và các mục tiêu khác trong thành phố. Hướng này do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An - Tư lệnh quân đoàn trực tiếp chỉ huy.
Hướng nam và đông nam do Sư đoàn 2 - Quân khu 5 được tăng cường 2 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn tăng - thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cao xạ 37 mm, 1 phân đội tên lửa B72. Lữ đoàn 52 lúc này đang ở Quảng Ngãi chưa kịp cơ động ra được Quân khu sử dụng làm lực lượng dự bị chiến dịch.
Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị như sau: Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 cùng các lực lượng tăng theo trục đường 1 đánh vào sân bay Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 sau đó phát triển tiến công vào nội đô thành phố.
Trung đoàn 31 và 36, theo trục đường sắt đánh vào Đà Nẵng. Trung đoàn 3 làm lực lượng dự bị của sư đoàn. Hướng này do Đại tá Nguyễn Chơn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 chỉ huy.
Cùng với các hướng trên, Sư đoàn 304 - Quân đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 9) đang phòng ngự ở Thượng Đức được giao nhiệm vụ tiến công vào Đà Nẵng từ phía tây nam, diệt Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến ở khu vực Ái Nghĩa; sau đó, phát triển tiến công đánh chiếm sân bay, căn cứ Nước Mặn.
Phối hợp với bộ đội chủ lực có lực lượng vũ trang địa phương hai tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam. Trung đoàn 96 làm nhiệm vụ đánh chiếm thị trấn Duy Xuyên, thị trấn Nam Phước sau đó cùng với Sư đoàn 2 hình thành mũi thọc sâu đánh chiếm cầu Trịnh Minh Thế, căn cứ Du Hải.
Trung đoàn 97 đánh địch tại thị xã Hội An, sau đó phối hợp với Sư đoàn 1 tiến công căn cứ, sân bay Nước Mặn, bán đảo Sơn Trà. Các đơn vị khác tiến công địch tại các chi khu, quận lỵ, các phân chi khu ở Đại Lộc, Hòa Vang, hỗ trợ nhân dân các địa phương nổi dậy giành quyền làm chủ.
Giải phóng Đà Nẵng: Bộ tư lệnh chưa họp lần nào, chiến dịch đã thắng lợi thần kỳ - Ảnh 7.
Từ ngày 28/3, binh sĩ Sài Gòn đã tập trung dọc bãi biển Đà Nẵng và tìm cách bơi ra các tàu thuyền trước khi quân đội Giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh tư liệu.
Với thế trận như trên QGP đã tạo một áp lực vô cùng lớn lên lực lượng đồn trú và phòng thủ Đà Nẵng. Từ quan đến lính đều dao động, mất tinh thần. Bản thân tướng Ngô Quang Trưởng cũng muối mặt nuốt lời thề "tử thủ" để chạy ra tàu biển rút chạy.
Sĩ quan cấp dưới và binh lính cầm cự chiếu lệ rồi tan rã hàng loạt. Chiến dịch Quảng - Đà nhanh chóng giành thắng lợi. Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng được giải phóng. Quân khu 1 và Quân đoàn 1 Quân lực VNCH chính thức bị xóa sổ, để lại những hậu quả vô cùng lớn cho chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau này.
Tuy nhiên, rất nhiều người không biết rằng những chỉ huy cao nhất Bộ Tư lệnh chiến dịch này chưa hề gặp nhau bao giờ mà chỉ trao đổi qua vô tuyến điện.
(1) - Theo Tổng hành dinh trong Mùa xuân toàn thắng - Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - NXB QĐND.
Nguồn: http://soha.vn/giai-phong-da-nang-bo-tu-lenh-chua-hop-lan-nao-chien-dich-da-thang-loi-than-ky-20170327144001262.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét