Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 21


Tiểu đoàn trưởng Trác lại từ “108” sang, anh mang theo một tin vui là người anh em “xê Ba” cùng tiểu đoàn đã vào đến nơi và đang tiếp quản khu vực trú quân tại hậu cứ “108” của họ. Để vào đến đây “xê ba” đã phải mất hơn hai tháng trời và cũng phải bỏ lại dọc đường hai chiếc xe: một vì hỏng và một bị đổ. Nghe tin này ai cũng phấn khởi vì ít ra họ cũng có một người anh em gần gũi ở bên, không còn “đơn thương độc mã” nữa, có vấn đề gì còn chi viện, giúp đỡ lẫn nhau. Hỏi Trác sao mãi chưa được đi đánh nhau anh buồn buồn:
- Đưa các cậu vào đây rồi ai chả muốn dùng nhưng thời cơ chưa đến thì đành phải chịu thôi. Ngoài Quảng Trị sau khi chiếm được Đông Hà cứ tưởng sẽ phát triển thuận lợi, nào ngờ có mỗi cái thành cổ Quảng Trị mà giành đi giật lại hàng mấy tháng không phân thắng bại. Các cậu có biết người ta gọi chỗ đó là gì không? Là “cối xay thịt” đấy! Mà ngoài đó chưa qua được chỗ ấy thì các cậu cứ việc nằm đây mà chờ.
- Thế thì chờ đến bao giờ?- Đại đội trưởng Thận nôn nóng.
- Cậu tưởng chỉ mình cậu nóng ruột thôi à? Cấp trên còn nóng gấp mấy ấy chứ! Tớ thì lo nhất mùa mưa này mà vẫn phải nằm ở đây thì gay go đấy. Thấy những ánh mắt ngạc nhiên của mọi người ông giải thích, các cậu mới vào nên chưa biết thế nào là mùa mưa ở đây. Khủng khiếp lắm, mưa triền miên, “thối đất thối cát”. Các phương tiện vận tải không chạy được, nguồn tiếp viện từ Bắc vào bị gián đoạn, thiếu từ hạt gạo thiếu đi. Thế cho nên trong này mới có câu: “bao giờ mùa nắng, ta thắng Mỹ thua; chờ đến mùa mưa, ta thua Mỹ thắng”. Các cậu cũng phải có kế hoạch đối phó dần đi, củi khô tích trữ cho nhiều vào. Gạo, muối bây giờ dù tiêu chuẩn có thấp vẫn phải tiết kiệm dành ra một lượng dự trữ chứ không đến lúc hết tất thì cháo cho người ốm cũng không có. Còn sốt rét nữa, nó cũng thường phát tác vào mùa mưa nên nhắc anh em phải hết sức giữ gìn.
Mấy anh em nhìn nhau. Quả thật, lần đầu ở chiến trường này họ chưa hiểu hết những vấn đề tưởng như đơn giản mà lại vô cùng phức tạp ấy, Thận ghé tai Đán nói nhỏ:
- Có lẽ ta phải có một nghị quyết chuyên đề về mùa mưa này thôi.
Tiểu đoàn trưởng cũng mang sang một quyết định của Đảng ủy tiểu đoàn phê chuẩn về việc kết nạp đoàn viên Nguyễn Bá Tùng vào Đảng.

Chiều hôm sau chính trị viên Đán triệu tập cuộc họp cấp ủy để thông qua nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo đơn vị trong mùa mưa sắp tới, ngoài ba người trong cấp ủy anh còn mời tiểu đoàn trưởng Trác đến tham dự. Đã dạn dày kinh nghiệm ở chiến trường này Trác đã đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu cho nghị quyết. Trước hết là vấn đề sẵn sàng chiến đấu, trong mùa mưa không loại trừ việc địch “nống” ra, nếu không xuất xe được phải sẵn sàng tác chiến bằng bộ binh. Thứ hai là công tác phòng gian giữ bí mật, cần tiếp tục củng cố ngụy trang cho kín đáo, tăng cường canh gác, hạn chế tiếp xúc với người lạ. Thứ ba, về bảo đảm sức khoẻ bộ đội, phải có quy định về việc ngủ màn, mang tất và uống thuốc phòng sốt rét. Thứ tư, về công tác kỹ thuật vẫn phải duy trì đều đặn để giữ vững sức chiến đấu, hàng tháng phải tiến hành nạp điện bổ sung cho bình điện, hàng tuần dành một ngày bảo dưỡng xe. Thứ năm, về công tác hậu cần phải tích trữ đủ củi khô, tăng cường dự trữ các loại lương thực thực phẩm. Trong đó chú trọng cá khô, măng khô, sẵn sàng tổ chức tiếp nhận lương thực thực phẩm trên cấp.
Nghe tiểu đoàn trưởng nói mọi người vỡ ra nhiều điều. Quả thật chẳng có gì dạy người ta nhanh bằng thực tiễn cuộc sống. Rời binh chủng từ năm 65 đến nay Trác liên tục chiến đấu ở quân khu Trị Thiên. Mặc dù là sĩ quan xe tăng nhưng từ lúc vào đây anh đã được phân công làm rất nhiều công việc khác nhau chẳng liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo, nhưng với bản lĩnh của một cán bộ được đào tạo cơ bản anh luôn hoàn thành nhiệm vụ. Về phía mình từ khi nhận được tin sẽ có một tiểu đoàn xe tăng vào trực thuộc quân khu Trác mừng lắm, khi được cử làm tiểu đoàn trưởng anh sung sướng đến nghẹn ngào, về với anh em xe tăng Trác như được về với mái nhà mình. Nhưng anh cũng biết lính xe tăng là loại “lính cậu”, khi vào chiến trường thường bỡ ngỡ nhiều nên có chút kinh nghiệm nào anh cũng dốc hết “ruột gan” ra để truyền đạt lại.

Thấy đại đội trưởng đi họp, ở xe cũng chẳng có việc gì Tùng bảo Thái:
- Mấy hôm nay thực phẩm cạn cả rồi. Tớ đi kiếm cá ăn đây!
Nói rồi Tùng vớ cái túi phòng hóa đựng lỉnh kỉnh đồ nghề bắt cá mở ra kiểm tra: đoạn dây câu bằng dây mìn vướng đã buộc sẵn lưỡi câu, nếu cần chỉ chặt một cành cây là sẽ có một bộ cần câu. Mấy thỏi bộc phá, dây cháy chậm, kíp nổ. Bộ đồ nghề bắt cá chình là cái thông nòng AK mài nhọn được buộc đoạn dây điện thoại chập ba vào làm dây kéo. Kiểm thấy đủ rồi Tùng đậy nắp túi lại rồi khoác lên vai, vừa đi vừa huýt sáo sang phía xe 380 gọi Tuyết, thằng bạn đồng hành trong những cuộc săn tìm thủy sản của cậu ta rồi hai thằng đi ra bờ sông.
Nghĩ đến việc bắt cá chình Tùng thấy vui vui. Theo đúng hướng dẫn của người công binh hôm trước cậu lấy cái thông nòng AK mài nhọn rồi đem uốn cong thành một cái móc, chập ba đoạn dây điện lại buộc vào làm dây kéo. Lần đầu tiên đi thử Tùng kéo cả mấy pháo hai đi, mang theo một đống chăn màn. Cả bọn chọn chỗ lòng sông chia làm hai dòng lấy đá xếp lại rồi phủ chăn màn lên thành một cái đập ngăn một dòng lại. Nước bị chặn lại dồn hết về dòng bên kia, dòng bên này dần cạn phơi ra những hốc đá là nơi trú ngụ của bọn cá chình, chú ý quan sát các hốc đá sẽ phát hiện ra chỗ nó đang ở. Tùng bảo mấy pháo hai lấy quần áo nhét kín các hốc không cho cá chui ra, chỉ chừa đúng một hốc để đặt cái móc vào đó. Cởi hết cả quần dài, áo lót rồi mà vẫn chưa nút kín Tùng hét: “cởi nốt ra, sợ gì” rồi gương mẫu tụt luôn quần đùi ra, bọn pháo hai nhìn anh tồng ngồng cứ lăn ra cười nhưng sau cũng cởi nốt quần ra nhét vào mấy cái hốc còn lại. Con cá chình trong hang có vẻ bức xúc cứ lượn đi lượn lại, đợi đến lúc nó lượn qua chỗ đặt cái móc câu Tùng giật mạnh cái móc, da cá chình vốn dai nên nếu đã móc vào là ăn chắc. Mấy anh em xúm lại cùng kéo, con cá cũng lên hết gân cốt trì néo lại nhưng không trụ nổi, cuối cùng đành thua cuộc và chỉ còn biết giãy dụa một cách bất lực dưới cái móc. Bắt được cá cả bọn nhảy tưng tưng hò reo vang một khúc sông. Tùng cầm con cá cứ cười ngặt nghẽo. Cả bọn cúi xuống nhìn mới nhớ ra tất cả đều đang tồng ngồng vì quần áo đã lột hết ra để bịt hốc đá. Vui thật!
Sau vài lần như vậy trình độ bắt cá của anh em Tùng nâng lên rất nhiều. Chúng chẳng cần chặn sông nữa mà chỉ cần ngụp xuống sờ, xác định có cá trong hốc là mang theo móc xuống lừa nó một lúc thế nào cũng bắt được. Cá bắt được nhiều nên mỗi trung đội cũng sấy được vài cân để dành. Nhưng sự đời trớ trêu, thứ gì dù có ngon đến đâu ăn mãi cũng chán nên hôm nay Tùng định đổi món, cậu quyết định đánh một mẻ “bộc phá tiến công” để về nấu bữa canh chua.
Đến điểm đã định hai tên dừng chân, Tùng lấy đồ nghề ra bắt đầu tra dây cháy chậm vào kíp và cắt, Tuyết lấy dao chặt nhỏ bánh bộc phá ra thành từng mẩu bằng ngón tay, sau đó đem buộc kíp vào. Xong xuôi mọi thứ Tùng xếp bốn thỏi bộc phá thành hàng ngang sát bờ sông, cậu ta bảo Tuyết:
- Ông ra đằng kia nấp đi! Để đó tôi làm.
Rất tự tin Tùng bật lửa và nhanh nhẹn châm dây cháy chậm thỏi thứ nhất rồi đặt xuống chỗ cũ. Châm thỏi thứ hai, thỏi thứ ba xong cũng đặt xuống. Thỏi thứ tư châm xong Tùng ném luôn xuống mặt sông rồi cúi nhặt thỏi thứ ba, thỏi thứ hai ném xuống. Đến thỏi thứ nhất cậu ta vừa định ném thì bộc phá nổ, Tùng ngã dúi xuống sông.
Thấy Tùng gục xuống Tuyết chồm dậy định chạy lại. Bước được mấy bước  nhìn thấy Tùng nằm bất động trên mặt nước, cậu ta nghĩ bụng: “Tùng chết rồi”. Bước chân Tuyết chậm lại, một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu: “thôi thì đằng nào nó cũng chết rồi, mình mà kéo nó lên thì mình cũng chết”. Nghĩ đến đây Tuyết quay đầu chạy một mạch về xe, chui vào hầm và kéo chăn chùm kín đầu.
Khi chớp lửa nháng lên ngay trên tay Tùng ngất đi không biết gì nữa và nhào xuống nước. Nước sông mát lạnh làm cậu tỉnh lại nhưng không thể nào cử động được. Mãi đến khi không thở được Tùng mới cố ngóc cái đầu khỏi mặt nước hớp lấy vài ngụm không khí rồi từ từ bò dậy. Nhìn bàn tay phải tướp ra không còn tý thịt da nào đầu cậu chỉ có một ý nghĩ: “thế là hết rồi Tùng ơi” rồi gục xuống.
Mãi chiều tối Tùng mới lê bước về đến xe. Mặc cho mọi người hỏi han, băng bó Tùng vẫn lặng thinh như một thằng câm cho đến lúc được đặt lên võng đưa đi quân y viện cậu mới nói độc một câu:
- Em xin lỗi các thủ trưởng, xin lỗi tất cả anh em!
Nhìn theo cái võng đi xa dần chính trị viên Đán than:
- Sao em dại dột thế, Tùng ơi! Quay sang đại đội trưởng Thận anh nói nhỏ, lại phải đề nghị hủy quyết định kết nạp Đảng của cậu ấy thôi, anh Thận ạ.
Đại đội trưởng Thận không nói gì, mắt anh như đang nhìn về một nơi nào đó rất xa, một chiến sĩ nữa của anh lại phải xa rời cuộc chiến đấu này vì những lý do chẳng đâu vào đâu.
 
Chẳng hiểu vì lẽ gì mà mùa mưa năm nay ở Tây Huế lại đến sớm hơn mọi năm. Mới sang tháng Tám mà đã có dấu hiệu bắt đầu mùa mưa, bầu trời thường ngày trong xanh đã chuyển sang màu xám xịt, những đám mây đen mọng nước nặng nề như muốn sà thấp xuống núi rừng báo hiệu một mùa mưa dữ dội. Nhìn lên bầu trời u ám ấy những người đã sống và chiến đấu lâu năm ở chiến trường Trị Thiên đều lắc đầu ngán ngẩm. Mùa mưa đối với họ là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đó là đói, là rét, là địch nống ra, là lũ quét, là tắc đường, là sốt rét… và trăm thứ bà rằn khác nữa mỗi khi mùa mưa đến. Chả thế mà ở đây đã lan truyền bài đồng dao tếu táo song cũng rất hiện thực: “Bao giờ mùa nắng; Ta thắng Mỹ thua; Còn đến mùa mưa; Ta thua Mỹ thắng…”. Trong khi đó, so với các chiến trường khác mùa mưa ở Trị Thiên dai dẳng và dữ dội hơn nhiều.
Tại sao vậy? Câu trả lời đầu tiên là do địa thế.
Nhìn vào bản đồ Việt Nam, dải Trường Sơn với chiều cao trung bình gần hai nghìn mét như một bức trường thành nằm ở phía Tây. Nó ép những làn gió lạnh của khối cao áp phương Bắc tràn về chạy dọc theo sườn Đông của nó, khi gặp áp thấp mang đầy hơi nước theo những làn gió Đông Nam từ đại dương thổi vào sẽ tạo thành mưa. Càng vào miền Trung Trường Sơn càng lấn ra gần biển. Cao áp phương Bắc và thấp áp đại dương càng dễ có điều kiện hội tụ với nhau và càng dễ gây mưa, giá như không có cái đèo Hải Vân thì lượng mưa sẽ rải đều xuống dưới. Nhưng Trường Sơn lại tham lam quá, nó chồm hẳn ra biển bằng dãy Bạch Mã với con đèo Hải Vân cao ngất. Cao áp Bắc phương chạy theo sườn Đông của nó đến đây bị chặn lại tạo thành vùng quẩn, trong khi đó gió biển đầm đìa hơi nước vẫn hào phóng thổi vào làm cho nơi này trở thành cái “rốn mưa”.
Ngoài ra, còn một lý do khác! Những nhà cầm quân người Mỹ đã biết mùa mưa đáng sợ thế nào đối với Quân giải phóng nên luôn coi nó là đồng minh. Và vì thế, với sức mạnh của một nền khoa học hàng đầu thế giới đã nghiên cứu chế tạo ra một thứ hóa chất gây mưa đem rải xuống nơi đây để kích thích cho những cơn mưa dữ dội hơn, cho mùa mưa kéo dài hơn. Không biết thực hư thế nào nhưng quả thật những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 mùa mưa ở đây dai dẳng nhất trong lịch sử.
Cứ thế, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác suốt mấy tháng trời, mưa đến thối đất thối cát, mưa làm ẩm mốc mọi thứ, mưa biến suối thành sông, biến sông thành đại trường giang. Quần áo chẳng có chỗ phơi phải hong trên bếp lửa lúc nào cũng khét mù mùi khói. Mưa làm sạt núi lở đường, mọi hoạt động vận tải cơ giới trên các tuyến đường bị đình trệ, tất cả phải thay bằng đôi vai… Trong màn mưa dai dẳng ấy chỉ có lũ muỗi, vắt là nhởn nhơ, còn con người như cũng nát nhủn ra.
Con sông Bồ mùa khô chỉ nhỉnh hơn dòng suối, nước trong văn vắt hiền hòa chảy nay chỉ sau mấy trận mưa đã trở thành một con sông hung dữ, dòng nước đục ngầu cuồn cuộn chảy cuốn theo đủ thứ nó gặp trên đường. Cái ngầm 17 mới hôm nào lội qua nước chỉ ngang đầu gối nay có to gan đến mấy cũng chẳng dám lội qua, đội hình trú quân của đại đội đã bị cắt ra làm hai.

Dưới giàn ngụy trang tự nhiên bằng giang, mấy tấm bạt truyền động và ny lon vỏ bao gạo được giăng ra tạo cho trung đội Hai một chỗ sinh hoạt chung tương đối khô ráo và kín đáo. Còn ở trung đội Một chỉ có cái hầm và toen hoẻn tý cửa hầm được che chắn là khô, còn ở đâu cũng ướt át, nhớp nháp đến ghê người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét