Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 14


Nằm kẹp giữa dãy Động Ngài ở phía Đông với độ cao trung bình trên một ngàn mét và dãy A Bia ở phía Tây với độ cao trung bình gần hai ngàn mét, thung lũng A Lưới có độ cao trung bình khoảng tám trăm mét so với mực nước biển. Nó kéo dài gần ba mươi kilômét, chỗ rộng nhất tới bốn kilômét, còn chỗ hẹp cũng vài trăm mét. Nhờ bức trường thành phía Tây chắn luồng hơi nước theo gió Đông Nam từ biển thổi vào đã làm cho A Lưới trở thành một địa danh có lượng mưa trung bình hàng năm rất cao. Khí hậu mát mẻ, lượng mưa dồi dào, thổ nhưỡng màu mỡ đã biến A Lưới thành khu rừng nhiệt đới điển hình với nhiều loại động, thực vật quý hiếm.
A Lưới cũng là quê hương của bà con các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, những tộc người tuy còn rất nghèo, cho đến giờ vẫn “chọc lỗ, bỏ hạt” nhưng một lòng một dạ theo cách mạng, họ đã chọn cho dân tộc mình họ của Người Cha già dân tộc và đã sản sinh ra biết bao anh hùng không tên và có tên như Kan Lịch, Hồ Vai...
Nằm cách Huế chưa đầy 60 kilômét, trấn giữ con đường huyết mạch Đông Trường Sơn từ Bắc vào Nam, A Lưới có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên đã được các nhà quân sự Mỹ để mắt đến. Trong những năm 60 của thế kỷ hai mươi Ngô Đình Diệm đã cho mở đường 12 từ Huế lên A Lưới và tuyên bố sẽ Bắc tiến từ đây. Trên thung lũng này hai sân bay quân sự đã được xây dựng là sân bay A Lưới và sân bay A So. Thung lũng này cũng đã trở thành địa bàn giành giật của hai bên trong nhiều năm và đã trở thành vùng giải phóng từ năm 1966. Bị mất quyền kiểm soát quân đội Mỹ đã biến A Lưới thành một trọng điểm đánh phá ác liệt bằng bom đạn và chất độc hóa học. Hàng nghìn tấn  chất độc hóa học được rải xuống cái thung lũng hiền hòa này đã biến những cánh rừng đại ngàn ở đây thành rừng chết. Đi qua A Lưới giờ chỉ thấy những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi vẫn đang vươn những cành cây trụi lá lên trời cao như những cánh tay cầu cứu. Những trận B52 rải thảm cùng những trận không kích của F, của A đã biến thung lũng này thành “thung lũng tử thần” đối với mọi sinh vật. Và những hóa chất gây mưa nhân tạo cũng đã được rải xuống nơi đây để biến nơi có lượng mưa lớn nhất Việt Nam thành một nơi có lượng mưa trung bình hàng năm vào loại cao trên thế giới hòng mang sức nước để cản bước chân của đối phương.
A Lưới, đó cũng là đích đến bước đầu của đại đội Bốn xe tăng.

Khi biết rằng đây đã là địa điểm tập kết chiến đấu mà đại đội mình phải có mặt theo quy định của cấp trên, Tùng đã ngủ một giấc ngủ thật ngon, thật sâu không mộng mị và chỉ tỉnh giấc khi những tiếng chim hót líu lo ngay cạnh xe mình. Đẩy cửa trưởng xe lên anh đứng dậy vươn vai khoan khoái và hít căng lồng ngực thứ không khí tinh khiết của buổi ban mai.
Thấy cả xe vẫn đang say giấc ngủ anh lặng lẽ bước ra ngoài đứng trên đỉnh tháp pháo nhìn bao quát một lượt như muốn tìm hiểu về vùng đất mà mình có nhiệm vụ phải đến. Con cháu các cụ Đồ Nghệ mang sẵn trong mình dòng máu nghệ sĩ, Tùng khát khao được đi đây, đi đó. Đến mỗi vùng đất mới anh đều để mắt tìm hiểu và ghi ghi chép chép vào một cuốn sổ riêng, đến nối anh em trong đơn vị đã tặng anh cái biệt hiệu “nhà thơ của đại đội”. Phóng tầm mắt nhìn quanh anh chỉ thấy những cành cây cổ thụ trơ trụi vươn cao lên bầu trời, anh nghĩ bụng: “chắc chắn là hậu quả của chất độc hóa học đây”. Xung quanh anh chỉ là những lùm cây nhỏ chắc là mới tái sinh vài năm nay và lau lách thì bạt ngàn.
Thấy Tùng dậy, lái xe Lược cũng dậy theo. Hai anh em đứng trên một nóc hầm chữ A ven đường phóng mắt nhìn về phía Bắc, chỗ rộng nhất của thung lũng, nơi đó đã từng là một sân bay quân sự nhưng nay chỉ còn dấu tích là những đoạn đường băng phẳng lì phủ ghi sắt mà đêm qua xe anh đã đi qua.
Bỗng một âm thanh gì đó ù ù rền rền vọng tới, Tùng ngước mắt nhìn lên trời. Trên bầu trời trong xanh của buổi sáng mùa khô có ba vệt trắng đang lừ lừ từ phía Tây bay tới. Theo phổ biến của đại đội anh đã biết đó là B52. Nhưng ba vệt trắng thẳng tắp bỗng đổi hướng, chúng đang ngoặt xuống phía Nam. Người Tùng bỗng sởn gai ốc, anh chỉ kịp nghĩ “nó cua rồi” và đẩy mạnh Lược vào trong hầm, cả hai nép vào góc hầm, hai tay ôm lấy đầu kẹp vào giữa hai đầu gối.
Vẫn giữ thói quen từ hồi ở trường Lục quân, dẫu mệt mỏi đến mấy hàng ngày Thận vẫn dậy sớm và tập thể dục buổi sáng đều đặn. Sáng nay cũng vậy, đẩy cửa trưởng xe ra một cách nhẹ nhàng anh chui ra ngoài đứng trên buồng truyền động làm mấy động tác thể dục cho giãn gân cốt. Từ hôm qua anh và Hiển đã không mắc võng ngủ ngoài trời nữa, cái võng của Hiển được mắc ngay trong buồng pháo hai. Dưới võng của ông là Đạt. Bình thì vẫn nằm ghế lái xe. Tình nằm ngang dưới đuôi pháo. Trang nằm ngay dưới ghế pháo thủ. Còn anh thì ngủ ngồi trên ghế trưởng xe nên khá mỏi.
Trèo lên đỉnh tháp pháo Thận nhìn bao quát xung quanh. Anh thấy hơi sửng sốt: giữa một vùng đồi núi điệp trùng cao ngất lại sinh ra một cái thung lũng bằng phẳng đến lạ kỳ. Nhìn về phía Bắc thung lũng trải dài đầy lau lách, thứ cỏ dại mà lá sắc như dao. Nhìn sang hai bên là màu xanh ngút ngát của hai dãy núi với những đỉnh cao còn chìm trong mây trắng. Nhìn về phía Nam cách chỗ anh đứng khoảng hơn cây số là một ngọn núi có màu đất đỏ tươi, anh biết đó là Bốt Đỏ, nơi bắt đầu của con đường 12 mà đơn vị anh phải tới để tiến về thành phố Huế.
Nhìn bao quát khu vực trú quân của đại đội Thận thấy hài lòng, những chiếc xe tăng nằm kín đáo dưới tán rừng tái sinh không để lại một dấu vết gì cho người đi ngoài đường thấy. Các xe bên cạnh lác đác cũng đã có người dậy. Chợt Thận nhìn thấy ba vệt trắng đang cua về phía Nam, anh vội hét to:
- Tất cả vào xe! Đóng chặt cửa vào!
Vừa nói Thận vừa co người chui vào xe và sập cửa xuống.

Không biết trận cuồng phong của thép và lửa kéo dài bao lâu. Bắt đầu là những tiếng rít nghe rùng rợn như cứa dao vào tinh nứa. Sau đó là những tiếng nổ trầm đục như thúc vào màng nhĩ. Những làn hơi nóng ập đến như muốn làm nổ tung lồng ngực và bóp nát cái đầu. Tiếng mảnh bom va vào thành tháp pháo chan chát. Những chiếc xe tăng ba mươi sáu tấn chao đảo như nằm trên võng. Mùi khói bom xộc vào mũi rát rạt. Hai tai ù đi. Cái đầu cũng tê dại đi.
Ngồi như đóng băng trên ghế trưởng xe, tay ôm chặt lấy đầu, ý nghĩ cuối cùng thoảng qua trong óc Thận là: “đại đội anh đang nằm giữa bãi bom B52, may ra thì sống, còn nếu có quả nào trúng là chết”. Ngay sau đó nó cũng tê dại đi không biết bao lâu.
Người đầu tiên tỉnh táo lại sau trận bom là Hiển. Khi những tiếng nổ đầu tiên dội đến anh vẫn còn đang lơ mơ ngủ. Bản năng của người lính đã từng dạn dày với bom đạn bảo anh nằm yên hai tay ôm chặt lấy đầu. Khi những tiếng nổ cuối cùng đã lặng đi anh biết là mình vẫn sống. Nhổm dậy khỏi võng, thấy Thận vẫn đang ôm đầu ngồi bất động trên ghế trưởng xe Hiển gọi:
- Thận! Thận! Có sao không?
Từ từ mở mắt như vừa mới ở một thế giới khác trở về, hai tay bỏ ra khỏi đầu sờ dọc thân mình Thận sững sờ:
- Tôi không sao cả.
 Hiển tiếp tục gọi:
- Tình đâu! Bình đâu! Có cậu nào bị làm sao không?
Tình đang ôm đầu nhăn nhó vì lúc quả bom đầu tiên nổ, giật mình cậu ta nhổm dậy thúc ngay đầu phải cái đuôi pháo, cậu nhăn nhó:
- Em không sao ạ!
Không thấy tiếng Bình trả lời, Hiển gấp gáp:
- Bò sang chỗ Bình xem sao!
Đạt, Tình, Trang lóp ngóp chui sang chỗ buồng lái: Bình đang nằm co như con tôm, hai tay vẫn ôm chặt lấy đầu, người cậu ta run bần bật từng cơn như đang lên cơn co giật. Đạt vỗ vỗ vào tay Bình rồi gọi:
- Anh Bình! Anh Bình!
Bình từ từ bỏ tay ra, mở mắt, hai con mắt thất thần đang rỉ ra hai dòng nước.
Hiển vẫn là người tỉnh táo nhất:
- Mình trúng B52 rồi, Thận ạ! Bây giờ phải ra ngoài xem thế nào!
Lúc Thận dậy thì Toàn cũng đã dậy. Đội tiền trạm của anh không có xe nên phải ngủ trong hầm. Cũng may đến trước có thời gian nên anh đã chọn được hai cái hầm khá rộng rãi và vững chắc, sàn hầm lát gỗ cẩn thận. Toàn bố trí tổ đài và cơ yếu, lái xe ở cùng anh. Hầm còn lại là Xuyên, Bến, Minh. Ngủ trong hầm khá ngột ngạt nên vừa tỉnh giấc anh muốn chui ra ngoài hít thở không khí nhưng vừa nhô người ra cửa hầm thì nghe tiếng hét thất thanh của Thận nên thụt ngay vào. Chưa vào hẳn trong hầm hơi bom đã đẩy Toàn ngã sấp, anh vội đưa hai tay ôm chặt lấy đầu rồi co chân lên theo bản năng. Căn hầm lắc lư, chao đảo như đưa võng. Hơi bom từng đợt từng đợt thốc vào cửa hầm nóng bỏng. Toàn chỉ kịp nghĩ: “phen này chắc chết” rồi tai ù đi, đầu óc cũng tê dại đi.
Khi trận bom qua đi Toàn mở mắt, thấy mấy cậu tổ đài đang ngồi run như giẽ trong góc hầm anh biết là mình còn sống và cả hầm mình còn sống. “Không biết hầm kia thế nào?”, anh nghĩ bụng và lấy hết can đảm mò ra cửa hầm rồi gọi lớn:
- Các cậu có làm sao không?
Im lặng như tờ. Toàn bò lên mặt đất rồi lom khom chạy đến hầm bên cạnh. Kéo vội những cành cây phủ kín miệng hầm anh chui vào: ba thằng đang rúm lại trong một góc, hai tay ôm chặt lấy đầu kẹp giữa hai đầu gối như ba bức tượng.

Những đợt hơi bom như ép thân mình Tùng vào vách hầm. Lớn lên ở vùng đất Nghệ Tĩnh tuổi học trò của Tùng cũng đã trải qua những trận ném bom của không quân Mỹ nên cậu không quá khiếp sợ. Nhưng quả thật những gì cậu đã biết, đã trải qua ngày trước không thấm tháp gì so với hôm nay. Tùng lịm đi cho đến lúc sự im lặng chết chóc bao trùm lên cả khu vực làm cậu ta tỉnh lại.
Từ từ chui ra khỏi hầm, một quang cảnh hãi hùng đập vào mắt Tùng: cả một vùng đất bị đào bới xới lộn, quăng quật hoang tàn như “thời kỳ đồ đá”. Những lùm cây và cả những thân cây khô đang cháy đùng đùng, mùi khói bom khét lẹt xộc vào mũi làm người ta muốn nghẹt thở. Con đường mà Tùng vừa đứng đã biến dạng hoàn toàn, ngay cách đó mấy chục bước chân là một hố bom toang hoác đất còn ám màu đen sạm. Tùng nghĩ: “không biết nó còn quay lại không? Phải về xe ngay thôi”, cậu quay lưng định chạy nhưng khựng lại ngơ ngác: “Xe mình đâu rồi?”. Cái xe 388 mà Tùng vừa ra khỏi mấy chục bước chân đã biến đi đâu mất.
Lấy hết dũng khí trong mình Tùng bước bừa qua những cành cây và đống đất đá nằm ngổn ngang về phía xe mình. Mắt cậu ta bỗng trợn tròn: chỗ xe 388 của cậu vừa đỗ là một hố bom toang hoác đang bốc khói, cách đó chừng năm sáu bước là chiếc xe tăng lật ngửa bụng lên trời. Đứng như trời trồng một lát Tùng vùng chạy về phía xe 386 như một thằng điên, vừa chạy vừa la khóc:
- “Đại trưởng” ơi! Xe em chết hết rồi!

Phía sau, Lược cũng đang chạy như ma đuổi, gương mặt thất thần không còn hạt máu. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét