Từ hôm vào đến nơi trú quân một mặt bận đào hầm hào, một
mặt lạ nước lạ cái nên Tráng chưa đi đến đâu được cả. Được biết đây thuộc địa
bàn Lệ Thủy hắn đã mò sang “bê một” nhấm nháy với Bình:
- Ông có biết đây là đâu không?.
Bình cười:
- Đây là Quảng Bình chứ còn đâu nữa.
Tráng cáu:
- Thế mà cứ bảo là “thông minh, sáng dạ”, đây là Lệ Thủy.
Bình tức:
- Lệ Thủy thì không là Quảng Bình à?.
Tráng hấp háy đôi mắt hùm hụp nhìn quanh không thấy ai mới
ghé tai Bình nói nhỏ:
- Thế ông không biết câu “Nón Ba Đồn…” à? Phải tranh thủ
đi chứ!
Đến lúc này Bình mới ngớ ra, phục Tráng sát đất. Vì vậy,
khi nghe chính trị viên Đán nói sơ sơ về việc “cải thiện” Tráng mừng rơn, hắn gợi
ý ngay:
- Ôi! Việc dân vận chính trị viên cứ giao cho em, đảm bảo
là sẽ có đủ rau ăn cho bộ đội.
Đán đi guốc vào bụng hắn rồi nên cười:
- Cậu thì có mà dân vận cái l. ấy!
Nói thế thôi nhưng anh cũng phải thầm công nhận thằng này
có cái mồm dẻo quẹo, dẻo đến mức nó mà nói thì “kiến trong lỗ cũng phải bò ra”.
Nghĩ bụng chẳng mất gì mà bộ đội có rau ăn nên Đán hứa:
- Được rồi! Tớ sẽ bảo thằng Minh quản lý, khi nào đi nó sẽ
gọi.
Từ hôm ấy, cứ một vài ngày Minh, Tráng, có hôm có cả
Bình, lại vác bao tải đựng mấy hộp thịt, hộp cá đi vào dân. Tuy nhiên kết quả
dân vận không mấy khả quan. Nhân dân quanh vùng cũng đang rất thiếu rau ăn, mọi
người vẫn phải nhặt nhạnh quanh vườn mớ rau tập tàng cho qua bữa nên chẳng có
gì mà đổi hay cho bộ đội. Kết quả mỹ mãn nhất là Tráng mang về xe được một con
chó vàng mới bỏ vú mẹ. Hắn bảo đây là của “bạn” kỷ niệm, đặt cho nó cái tên là
“Ních” và chăm chút lắm.
Thấm thoắt chả mấy mà Tết đã đến. Vẫn còn ở trên đất Bắc
nên tiêu chuẩn Tết của bộ đội được cung cấp khá đầy đủ. Nghe trên trung đoàn
báo lên nhận hàng Tết quản lý Minh sướng rơn xin phép đại đội trưởng cho toàn bộ
số pháo hai đi cõng hàng về. Thôi thì đủ cả: gạo nếp, đỗ xanh, thịt tươi, lá
dong, kẹo Hải Châu, thuốc lá Tam Đảo, chè Ba Đình, đặc biệt có cả hai chục cân
bắp cải tươi. Đại đội trưởng Nghĩa quyết định: kẹo, thuốc thì chia cho mỗi người
một ít, còn lại để dùng chung.
Mặc dù đang ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu nhưng
Ban chỉ huy đại đội quyết định phải tổ chức cho anh em ăn Tết thật đầy đủ, thật
vui. Những người lính đã vào đến đây rồi cần phải được quan tâm hơn nữa. Việc hậu
cần do chính trị viên phó Vũ Đăng Toàn đặc trách. Việc chuẩn bị đón giao thừa
giao cho Lê Xuân Tự trung đội phó trung đội Một, “cây văn nghệ” của đại đội lo.
Lê Xuân Tự quê Phong Châu, Vĩnh Phú cũng học xong cơ khí
thì vào bộ đội. Tự có dáng người thấp nhỏ, lại điệu đà như con gái nhưng công bằng
mà nói thì rất có năng khiếu về văn nghệ và khả năng tổ chức các cuộc vui. Hồi ở
ngoài Bắc mỗi lần có hội diễn văn nghệ các tiết mục của “xê 4” dưới bàn tay dàn
dựng của Tự vẫn thường được giải cao.
Mọi việc chuẩn bị được triển khai đúng kế hoạch, sôi nổi
nhất là chỗ gói bánh chưng và chuẩn bị vị trí đón giao thừa.
Ở chỗ gói bánh chưng Định lại được dịp phát huy sở trường;
hắn chạy đi chạy lại chỉ đạo bộ phận ngâm gạo, đãi đỗ, rửa lá, thái thịt rõ ra
là một tổ trưởng “cải thiện” bẩm sinh. Nhưng đến đoạn gói bánh thì Phong mới ra
tay, có tiếng là “dại gái” nhưng Phong khéo tay lắm, từng cái bánh gói vo nhưng
cứ vuông chằn chặn. Hắn khéo thu vén nên mỗi người được hai cái bánh và còn mấy
cái để ăn chung.
Trên một mảnh đất
bằng phẳng cạnh xe đại đội trưởng Tự đang chỉ huy một nhóm làm công tác chuẩn bị
cho đêm vui đón giao thừa. Tự phân công người san đất, người kéo điện từ trong
xe ra, người tết lá mây thành cổng chào, người làm hoa giấy. Kỳ công nhất có lẽ
là cành đào giả, phải vặt hết lá cây đi, cắt những mảnh giấy nhuộm thuốc đỏ
thành những cánh hoa đào nhỏ ly ty gắn lên đó làm hoa, làm nụ; mấy bóng đèn dự
bị kéo điện từ trong xe ra được bọc giấy mầu treo rải rác trên cành. Đích thân
Tự nằm bò ra cắt dán khẩu hiệu và chuẩn bị các câu hỏi, trò vui… ra giấy rồi
gói vào những bông hoa để chơi trò “hái hoa dân chủ” đem cất đi và chỉ treo lên
khi sắp đến giờ đón giao thừa.
Bữa ăn tất niên diễn ra ấm cúng và thân mật, đại đội quy
định không xe nào được lấy cơm về. Có một bi đông rượu kết quả của những lần đi
dân vận của quản lý Minh được chính trị viên đem chia cho mỗi mâm một bát uống
chung. Cao hứng, Tùng “nhà thơ của đại đội” gào lên:
- “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt
ngào”.
Đêm cuối năm chầm chậm qua đi, ai nấy đều tỏ ra bận rộn
nhưng có những lúc bất chợt ngừng tay ngồi thượt ra khắc khoải nhớ về một miền
quê, nhớ về những người yêu dấu, lòng da diết mong có ngày gặp lại. Hơn mười giờ
đêm toàn thể đại đội có mặt cạnh xe đại đội trưởng để đón giao thừa. Cái sân khấu
ban ngày trông thô kệch nhưng bây giờ trông cũng lung linh ra phết. Phông chính
là một tấm vải dù căng giữa hai thân cây, trên đó nổi bật dòng chữ “Chúc mừng
năm mới” và một cành đào bằng giấy nhuộm thuốc đỏ, phía trên treo một bóng điện
15 oát. Chính giữa là cành đào lấm tấm nụ, hoa và những quả treo câu hỏi, câu đố
được trang trí bằng gần chục bóng đèn con bọc giấy xanh, giấy đỏ. Chếch về bên
trái là bục diễn giả được làm bằng cái thùng phuy phủ vỏ chăn, trên đặt cái đài
Li Do ngay ngắn. Bộ đội không phân biệt cán bộ, chiến sĩ ngồi thành nửa vòng
tròn phía trước.
Trong vai người chủ trò của đêm vui Lê Xuân Tự xúng xính
trong bộ quần áo mới, tóc chải bóng mượt, đường ngôi rẽ thẳng tắp đang nhẩm lại
chương trình. Phía dưới có tiếng xì xào trêu chọc lẫn nhau. Tự đằng hắng:
- Đề nghị các đồng chí trật tự! Mở đầu chương trình đón
giao thừa hôm nay tôi xin giới thiệu đồng chí Quản Đức Đán, chính trị viên đại
đội lên phát biểu ý kiến.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị và đã rất nhiều lần phát biểu
trước đơn vị hôm nay Đán vẫn cảm thấy rất cảm động, anh đằng hắng mấy lần mới cất
được lời:
- Kính thưa toàn thể các đồng chí! Chỉ còn ít giờ nữa là
năm mới Nhâm Tý sẽ đến. Lẽ ra lúc này chúng ta được đón giao thừa cũng gia
đình, bố mẹ, vợ con và bè bạn, nhưng vì nhiệm vụ chúng ta phải cùng nhau đón
giao thừa ở đây. Thay mặt Ban chỉ huy đại đội tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết
chúc tất cả các đồng chí sang năm mới luôn mạnh khoẻ, hoàn thành xuất sắc mọi
nhiệm vụ được giao- Tất cả vỗ tay rào rào, Đán quay về phía sau- Còn bây giờ
tôi xin nhường lời cho đồng chí Tự.
Rất tự tin và điệu đà Tự bước lên bục cúi chào mọi người,
sau vài lời hoa mỹ về mùa Xuân, Tự bắt đầu duy trì trò chơi “hái hoa dân chủ”.
Những câu đố hóc búa, những trò đùa oái oăm xen kẽ với những bài hát làm cho
trái tim những người lính vợi bớt đi nỗi nhớ nhà và thấy gắn bó thêm với đồng đội,
với cái tập thể nhỏ bé này của mình.
Gần 12 giờ mớ hoa quả giấy trên cành đào giả đã được hái
gần hết, Tự tuyên bố kết thúc trò chơi hái hoa dân chủ, đề nghị mọi người trật
tự để nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Chính trị viên Đán tiến lại gần chiếc đài Li
Do, anh cẩn trọng ấn nút mở đài và chỉnh sóng. Tết này đài phát lại Lời chúc Tết
của Hồ Chủ tịch, mọi người im lặng lắng nghe như nuốt lấy từng lời Người Cha
thân yêu. Cho đến lúc lời chúc Tết đã hết tất cả vẫn như lặng đi và chỉ choàng
tỉnh khi Tự giục:
- Để kết thúc đêm văn nghệ đón giao thừa và thể hiện quyết
tâm của mình trong năm mới Nhâm Tý, tôi đề nghị tất cả chúng ta cùng đồng ca
bài “Vì nhân dân quên mình”.
Tự đứng ra giữa sân khấu bắt điệu cho bài hát rồi vung
hai tay lên bắt nhịp, hơn ba mươi lồng ngực trẻ trai cùng bật lên giai điệu trầm
hùng “Vì nhân dân quên mình”…
Niềm vui năm mới vẫn còn đang rạo rực mỗi con tim thì đại
đội nhận một tin không vui: giao xe mới cho một đơn vị hành quân đi B2 và nhận
lại số xe T59 cũ. Ai cũng buồn vì những chiếc xe họ đã đưa từ Vĩnh Phú vào để
chuẩn bị cho chiến dịch này là những chiếc T54B mới tinh, họ đã chăm chút cho
nó từng ly, từng tý như người tráng sỹ chăm chút cho con tuấn mã của mình. Vậy
mà sắp đến ngày vào trận lại phải dứt ruột chia tay.
Người buồn và lo nhất chắc chắn là đại đội phó kỹ thuật Đề.
Là người làm công tác kỹ thuật lâu năm, Đề hiểu sâu sắc giá trị của những chiếc
xe mới trong chiến đấu. Thực tế các trận đánh ở Làng Vây, Cánh đồng Chum và nhất
là trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã cho thấy tầm quan trọng của công tác kỹ
thuật. Với những chiếc xe mới này công việc của anh và anh em lái xe sẽ bớt vất
vả biết bao nhiêu. Đề băn khoăn không biết tình trạng của số xe T59 sẽ nhận về
thế nào, nó mà “nát bét” thì anh sẽ là người vất vả nhất.
Nhưng cũng may, số T59 đại đội nhận về cũng không quá cũ.
Sở dĩ phải đổi xe cũng là do sự “lo xa” của cấp trên, nhìn chung độ tin cậy của
loại xe T59 không bằng được T54B, nên phải đổi để cho đơn vị đi xa.
Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đại đội phó Đề đề xuất với
Ban chỉ huy đại đội một kế hoạch tổng thể nhằm khôi phục tình trạng kỹ thuật của
tất cả các xe. Trước hết sẽ thành lập một tổ kỹ thuật gồm đại đội phó, kỹ thuật
viên và một số lái xe, pháo thủ có kinh nghiệm đi kiểm tra toàn diện từng xe,
sau đó sẽ lên kế hoạch sửa chữa, củng cố.
Tám xe T59 nhận về mang các số hiệu 380, 381, 382, 386,
387, 388, 389 và 390. Sau khi kiểm tra toàn diện, Đề đề nghị bố trí như sau: xe
386 là xe đại đội trưởng, xe 390 là xe chính trị viên, trung đội Một gồm các xe
380, 381, 388, trung đội Hai gồm các xe 387, 382, 389. Nhìn chung các xe không
có hỏng hóc gì lớn nhưng xe nào cũng cần bảo dưỡng cấp 2 và củng cố thêm một số
nội dung khác.
Thế là đại đội tạm dừng các khoa mục huấn luyện để dồn sức
vào làm kỹ thuật, chỉ trừ tổ cải thiện vẫn hàng ngày cần mẫn vào rừng. Xe nào
xe nấy truyền động mở bung ra, tất cả các loại bầu lọc đều được xúc rửa, dầu nhờn
được thay, các hành trình được điều chỉnh đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Những lúc
thế này mới thấy những tay lái cứng như Bình, Hỏa, Tập quý giá đến chừng nào.
Những ngày đầu năm 1972 không khí chuẩn bị cho chiến dịch
nóng lên từng giờ, ai cũng biết rằng chỉ ngày một ngày hai họ sẽ được tung vào
cho những trận đánh mang tính quyết định.
Quả nhiên là như vậy. Giữa tháng Hai đại đội trưởng Nghĩa
và trung đội trưởng Quý được lệnh đi trinh sát cùng đoàn cán bộ của trung đoàn.
Cánh “tham mưu con” nhận định nếu đã tung xe tăng vào thì đó phải là một mục
tiêu chủ yếu của chiến dịch và chắc chắn đó là thị xã Đông Hà hay thị xã Quảng
Trị.
Nhưng nào ai đã học hết chữ “ngờ”!
Nghĩa và Quý vừa đi trinh sát Quảng Trị thì hai hôm sau
Đán và Đề cũng được trung đoàn gọi lên nhận nhiệm vụ gấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét