Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 9


Ba giờ chiều Đính và các cán bộ trong đại đội đã có mặt ngay cạnh xe 386. Đại đội trưởng Thận mời:
- Thủ trưởng và các anh ngồi tạm xuống đây, anh chỉ vào mấy tảng đá lô nhô cạnh võng anh và Hiển.
Đại đội trưởng Thận treo cái bản đồ lên thành xe và bắt đầu:
- Báo cáo các đồng chí, đêm qua chúng ta đã hoàn thành chặng hành quân theo đúng kế hoạch đề ra, 100% người và xe đến đích an toàn tuyệt đối. Tôi mời các đồng chí đến đây ta rút kinh nghiệm một chút và phổ biến kế hoạch hành quân đêm nay. Trước hết ta thống nhất thế này: từ hôm nay hàng ngày sẽ không tập trung toàn đại đội để hạ mệnh lệnh hành quân nữa mà chỉ hội ý cán bộ hàng ngày vào 15 giờ như chúng ta đang làm. Sau khi hội ý ở đây về, tùy tình hình các trung đội trưởng có thể tập trung trung đội hoặc chỉ gọi các trưởng xe đến để phổ biến nhiệm vụ. Các anh thấy thế có được không?.
Tất cả tỏ vẻ đồng tình, trung đội trưởng Tiến phát biểu:
- Tôi hoàn toàn nhất trí! Làm như vậy phù hợp hơn với điều kiện chiến trường và nhất là không phải tập trung đông người ở một chỗ.
Đại đội trưởng Thận tiếp:
- Nếu mọi người nhất trí thì ta cứ thế thực hiện. Còn bây giờ ta đi vào nội dung chính. Về tình hình hành quân đêm qua theo tôi chúng ta đã chấp hành nghiêm kỷ luật hành quân, nhìn chung các xe giữ đúng cự ly gián cách, đảm bảo bí mật, an toàn. Điểm cần rút kinh nghiệm là tốc độ bình quân còn chậm, thứ hai là một số trưởng xe bọc đèn pin chưa tốt còn để sáng quá. Các anh có bổ sung gì không?
Chính trị viên phó Vũ Đăng Toàn có ý kiến:
- Tôi không bổ sung gì về hành quân đêm qua mà tôi chỉ xin có ý kiến về việc trú quân hôm nay. Theo tôi hôm nay chúng ta chấp hành chưa thật tốt kỷ luật ở khu trú quân. Qua theo dõi của tôi một vài bếp còn để khói thành ngọn, phơi phóng quần áo cũng chưa kín đáo và nhất là anh em chiến sĩ của chúng ta còn quá ồn ào, đùa nghịch, tắm rửa cứ nhộn nhạo cả lên. Người ta nói rằng vào đến Trường Sơn là phải ba không: “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” thì chúng ta chưa đạt yêu cầu, đề nghị các trung đội về nhắc nhở anh em.
Tất cả mọi người đều nhất trí. Đại đội trưởng Thận đến bên tấm bản đồ, cây bút trong tay anh di nhẹ vào đường chì đỏ:
- Căn cứ vào bản đồ và tình hình anh em công binh cung cấp thì đêm nay ta sẽ chuyển sang đường 10, tức là con đường ngang theo hướng Đông Tây. Từ ngã ba đường 10 này đến biên giới Việt Lào, tức là đỉnh dốc Cổng Trời dài khoảng bảy chục cây số, riêng chiều lên của dốc là khoảng gần ba mươi cây số và  đường rất hiểm trở, khó đi. Vì vậy tôi đã báo cáo thủ trưởng Hiển và xác định chặng hành quân đêm nay của đại đội ta là từ đây đến chân dốc Cổng Trời thì cho bộ đội nghỉ lấy sức và chuẩn bị vượt dốc trong đêm mai. Chặng hành quân tuy không dài lắm nhưng đường lại khó đi hơn đêm qua. Các anh thấy thế có được không?
Không ai có ý kiến gì, Thận giục
- Vậy thì ta về xe cho anh em ngụy trang xe, ăn chiều và sẵn sàng xuất phát.
Chiều muộn, thằng “chỉ điểm” đã cút trả lại sự yên tĩnh cho bầu trời. Đội tiền trạm đã đi được khoảng nửa giờ, đại đội trưởng Thận lệnh cho xuất phát. Tám cái xe tăng bám nhau lầm lũi chạy với tốc độ khá cao vì trời còn sáng và đường khá dễ đi.
Tuy nhiên, từ lúc rẽ vào đường 10 tốc độ hành quân giảm hẳn vì đường ngày một khó đi. Đây là một trục đường ngang vượt Trường Sơn sang Lào nên đèo dốc nhiều hơn. Chất đất không còn là đất đỏ ba dan như dưới đường 15 mà đã thấy nhiều núi đá, cũng không phải là những triền đồi kế tiếp nhau mà chủ yếu là dốc lên. Cũng may không thấy máy bay địch hoạt động.
Gần sáng đội hình toàn đại đội đã có mặt ở chân dốc Cổng Trời theo đúng kế hoạch. Đội tiền trạm dẫn từng xe vào vị trí giấu quân. Xóa vết xích, ngụy trang xong lính ta lăn ra ngủ say như chết.

Nằm dọc theo biên giới Việt Lào, chạy dài từ Tây Thanh Hóa vào đến tận Quảng Nam - Trường Sơn là dãy núi dài nhất Việt Nam đúng như tên gọi của nó. Chiều cao trung bình của Trường Sơn là 2000 mét, có nhiều đỉnh cao trên 2500 mét như một bức trường thành án ngữ biên giới phía Tây của dải đất hình chữ S. Trên suốt chiều dài của nó Trường Sơn uốn lượn quanh co và có những lúc hình như nó muốn áp sát biển Đông chỉ để lại một dải đồng bằng mỏng manh như lá lúa và chỗ mỏng nhất chính là Quảng Bình.
Bám theo dải đồng bằng mỏng manh ấy-các con đường xuyên Việt dễ dàng bị chặn đứng bởi không lực Hoa Kỳ. Vì vậy, để đưa được bộ đội và hàng hóa vào Nam các con đường vận tải của đường dây 559 bắt buộc phải vòng sang đất Lào. Nhưng để sang được đất Lào người ta bắt buộc phải vượt qua đỉnh Trường Sơn. Cổng Trời là một trong những con đường đó.
Cổng Trời - chắc chắn nó phải cao lắm mới có cái tên “ngạo mạn” ấy. Đứng dưới chân dốc nhìn lên cũng chẳng thấy đỉnh, chỉ thấy chập trùng đèo dốc mà thôi. Chỉ tính nguyên chiều lên của nó đã gần ba mươi cây số.
Cổng Trời còn được gọi bằng một cái tên khác - đó là đèo Khỉ - chắc là do nó quá cheo leo, hiểm trở chỉ có loài con cháu của Hầu vương Tôn Ngộ Không sinh sống và qua lại nơi đây (?). Nghe nói đã có rất nhiều xe lăn xuống vực từ độ cao hàng nghìn mét.
Cổng Trời cũng còn được gọi là Túi Bom bởi mấy chục cây số đường đèo chính là một trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, đường thì độc đạo, hiểm trở, khi bị đánh chẳng biết tránh vào đâu. Nghe nói ở đây hàng đêm phải hứng chịu hàng chục cuộc không kích của đủ loại máy bay trong đó có cả B52. Chả biết thực hư thế nào nhưng nhìn lên chỉ thấy những sườn núi lở loét như thời đồ đá… Mới nghe nói thôi đã thấy sởn gai ốc.
Những tin đồn thổi về Cổng Trời làm cho không khí trong đại đội khá nặng nề. Hiển bảo Thận:
- Nghe thì ghê người đấy nhưng cũng chỉ “tương đối” thôi. Tuy nhiên ta cũng phải quán triệt thêm cho anh em vững tâm mà vượt chứ run tay thì đúng là có nhiều chỗ không qua được đâu. Điều quan trọng là phải chuẩn bị xe cho thật tốt, đặc biệt là cơ cấu hãm và cơ cấu chuyển hướng. Nước cũng phải dự trữ cho nhiều vào, đã lên đèo là không có chỗ nào lấy được đâu, lúc mà nhiệt độ động cơ lên cao không có nước bổ sung thì gay đấy.
Đại đội trưởng Thận mở sổ tay gạch mấy cái đầu dòng rồi bảo Đạt gọi chính trị viên, đại đội phó kỹ thuật và hai trung đội trưởng lên hội ý ngay.
Đợi mọi người có mặt đầy đủ Thận vào ngay vấn đề:
- Đêm nay ta sẽ phải vượt Cổng Trời. Chắc các đồng chí đều đã nghe nhiều về nó. Nói gì thì nói đây cũng là một trọng điểm rất khó khăn nên chúng ta phải tiến hành ngay một số biện pháp cần thiết. Trước hết, cần tiến hành quán triệt cho anh em, nhất là anh em lái xe, phải bình tĩnh, tự tin, không sợ nhưng cũng không được chủ quan. Hai là, phải chuẩn bị thật tốt về mặt kỹ thuật; tôi đề nghị anh Đề phải trực tiếp đến từng xe để kiểm tra, đặc biệt chú ý cơ cấu hãm và cơ cấu chuyển hướng. Ba là, mỗi xe phải dự trữ ít nhất hai bịch nước sạch để sẵn sàng bổ sung cho hệ làm mát, mà phải sử dụng hết sức tiết kiệm đấy. Bốn là, đến những đoạn khó đi tất cả mọi người phải xuống xe, chỉ mình lái xe ở lại, trưởng xe phải đi trước dò đường và chỉ huy xe vượt qua. Mọi công việc chuẩn bị phải xong trước trưa nay, ăn cơm xong cho anh em ngủ nhiều một chút để đêm còn thức. Chúng ta phấn đấu trong đêm nay phải vượt được đèo, không để phải giấu xe giữa đèo. Các anh còn ý kiến gì nữa không?.
Không ai có ý kiến gì. Những nét mặt căng thẳng đã giãn ra được phần nào.

Vị trí trú quân hôm nay không được thuận lợi như hôm trước làm cánh pháo hai vất vả hơn nhiều. Bọn hắn phải mang đồ nghề lần theo những khe cạn xuống sâu hàng trăm mét mới có nước để nấu cơm. Cũng may đang là mùa khô, những cành cây bị bom đánh tướp ra khô nỏ như bó diêm vừa châm vào đã bén cháy không một sợi khói.
Đạt và Hợp bắc bếp cạnh nhau. Đầu tiên chúng rang gạo cho vào bi đông rồi bắc nồi đun nước uống. Trong lúc đợi nước sôi chúng rủ nhau đi kiếm rau rừng. Vận dụng hết những kiến thức “thầy” Định truyền cho nhưng không có kết quả, chẳng có rau dưa gì trên cái sườn dốc mà bom đạn đã cày đi xới lại không biết bao nhiêu lần. Hợp bảo Đạt:
- Hay mày trông bếp tao về lấy đậu xanh nấu canh cũng đỡ xót ruột.
Đạt đồng ý. Hợp hăng hái leo ngược cái khe cạn gần như dựng đứng về xe.
Ngồi canh chừng hai cái bếp tự nhiên Đạt buồn ngủ rũ ra. Tuy được phép ngủ trong khi hành quân nhưng mấy đêm nay nó ngủ được rất ít. Xe thì xóc, lúc thì lắc bên này, lúc lại ngoặt bên kia, tiếng máy nổ ầm ầm, cái buồng chiến đấu hẹp vanh vanh lại lủng củng ba lô, lương khô, súng đạn … làm sao mà ngủ được. Nó lơ mơ rồi dần chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ nó mơ được trở về miền quê Diễn Châu êm đềm, xinh đẹp của nó.
Trên hai cái bếp đang cháy nỏ, hai xoong nước bắt đầu sôi. Những thanh củi khô nỏ vẫn cháy vô tư. Nước trào ra làm tắt ngóm cả hai bếp. Những thanh củi đang cháy rừng rực bị dội nước bốc khói nghi ngút. Một cột khói trắng bốc lên càng ngày càng đậm.
Đạt chỉ choàng tỉnh khi có tiếng người xôn xao. Mắt nhắm mắt mở nó cũng không hiểu mình đang ở đâu. Từ trên sườn dốc Hợp lao như bay xuống bẻ vội một cành cây quạt thật lực vào làn khói, miệng nó hét:
- Rút từng thanh củi ra dúi mạnh xuống đất!
Đạt làm theo như cái máy, cũng may đất ở đây mềm, nó dúi thanh củi nào vào là tắt được ngay. Một lát sau cột khói loãng dần. Trên đầu thằng OV10 đang vè vè vòng lại. Hai thằng vừa thở vừa nhìn nhau. Hú vía.
Buổi chiều. Trong cuộc hội ý theo thường lệ, sau khi nghe các trung đội trưởng và đại đội phó Đề báo cáo tình hình công tác chuẩn bị, đại đội trưởng Thận kết luận:
- Có một vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần song vẫn không thừa, đó là vấn đề chấp hành kỷ luật giữ bí mật trong hành quân cũng như khi ở khu trú quân. Sự việc sáng nay cho chúng ta thấy không được chủ quan một chút nào. Cũng may dạo này không quân địch hoạt động ít, chứ nếu không thì không biết tôi và các anh còn ngồi đây được với nhau hay không?. Còn đêm nay, theo báo cáo của các đồng chí thì công tác chuẩn bị của các xe đã làm tốt. Tôi nhắc lại: những đoạn khó đi phải cho bộ đội xuống, trưởng xe đi trước đầu xe để chỉ huy. Còn bây giờ về chuẩn bị ăn cơm, 17 giờ sẵn sàng xuất phát.

Trung đội trưởng Tiến bảo pháo thủ Tình:
- Cho anh em trong xe xuống xe tôi sinh hoạt.
Đạt biết lỗi của mình rồi nên buồn lắm. Cơm chiều đã nấu xong, cậu ta ngồi thu lu trong buồng chiến đấu dấm dứt khóc. Tình, Bình cùng xúm lại động viên mãi cậu ta mới chịu đi về phía xe 381.
Cuộc họp của trung đội bắt đầu bằng việc phổ biến nhiệm vụ hành quân đêm nay, những điểm cần chú ý trong quá trình hành quân, nhiệm vụ cảnh giới của các xe. Khi mọi người đã rõ nhiệm vụ trung đội trưởng Tiến mới nhắc đến sự cố buổi sáng. Lúc đầu anh cũng định làm căng nhưng nhìn đôi mắt sưng húp của Đạt anh thấy thương thương nên chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng:
- Sự việc sáng nay các đồng chí đều đã biết. Rất may là dạo này không quân địch hoạt động ít chứ nếu không thì không biết sẽ dẫn đến đâu. Một lần nữa tôi đề nghị các đồng chí cần thận trọng hơn vì chắc chắn rằng càng đi vào trong địch càng hoạt động mạnh hơn. Còn một vấn đề nữa các đồng chí cũng cần chú ý là việc giữ gìn sức khoẻ. Theo quy định của đại đội, trong khi hành quân ngoài lái xe và trưởng xe bắt buộc phải thức, các thành phần khác được phép ngủ nên các đồng chí cũng phải tranh thủ ngủ cho đỡ hại sức, cuộc hành quân còn dài.
Đạt nhìn trung đội trưởng đầy vẻ biết ơn, mặt mũi cậu ta cũng bớt phần u ám.
17 giờ. Sương núi đã lan ra bảng lảng. Trên trời thằng chỉ điểm đã bay về phía Nam rồi mất hút. Đại đội trưởng Thận hạ lệnh xuất phát.
Trời tối dần, đường càng đi càng khó: những vách ta luy cao ngất như chỉ chực đổ ụp xuống đường, bên dưới là vực sâu hun hút. Đường thì hẹp chỉ vừa hai băng xích xe tăng, có chỗ đất mượn bị xích cào lăn ào ào xuống vực, những khúc cua tay áo cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Cánh lái xe lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mắt căng ra nhìn đường, hai tay giật cần lái liên tục rồi lên số, xuống số. Bình lẩm bẩm văng tục:
- Mẹ kiếp! Đường với sá gì mà chỉ toàn bò số 1, số 2 thế này.
Không ngờ đại đội trưởng Thận nghe được, anh nhắc:
- Cứ giữ tốc độ thế thôi. Những đoạn đường hẹp nhớ bám sát bên ta luy dương nhé.
Đi được khoảng một giờ một con dốc gần như dựng ngược hiện ra, đã thế lại thắt lại như cái cổ chai và cua gấp. Thận ra lệnh dừng xe cho mọi người xuống, anh dùng đèn pin đánh tín hiệu ra phía sau cho các xe biết rồi xuống xe hỏi Bình:
- Nhiệt độ dầu và nước làm mát thế nào?
Bình cúi nhìn bảng đồng hồ rồi nói:
- Đều lên trăm độ cả rồi nhưng chắc vẫn còn đi được.
- Thế thì đi tiếp. Tớ sẽ đi giữa đường, cậu cứ nhìn bóng áo trắng của tớ mà đi.
Thận cởi cái áo ngoài vứt vào cửa lái xe cho Bình. Bình đáp:
- Vâng ạ!
Phía trước Hiển cùng Tình, Đạt, Trang đang rảo bước. Trang bê một hòn đá, miệng nói:
- Xem chỗ này sâu không nhé!
Nói rồi cậu lăn hòn đá xuống, hòn nọ kéo hòn kia lăn rào rào mãi không dứt. Trang lè lưỡi:
- Chắc phải vài trăm mét chứ không ít.
Hiển bảo:
- Theo tớ ước lượng thì chỗ này cao độ mới chỉ khoảng ba trăm mét. Chưa ăn thua gì đâu, đỉnh này ít ra cũng phải trên ngàn mét.
Cả bọn lắc đầu lè lưỡi.
Phía sau, theo cái bóng lờ mờ của đại đội trưởng Bình cố căn cho xe đi đúng giữa đường, cậu luôn bám sát ta luy dương nên thỉnh thoảng lá chắn bùn lại va vào vách đá đánh “uỳnh” một cái. Bình ước tính độ dốc phải xấp xỉ 30 độ, không thế làm sao đi số một mà nhiệt độ động cơ cứ lên ầm ầm(!). 
Lúc cánh đi bộ đã lên đến đỉnh đoạn dốc hẹp ấy xe tăng mới bò đến lưng chừng, mấy thầy trò ngồi nghỉ chân mãi xe mới lên đến nơi.
Phải mất đến ba lần xuống xe đi bộ mới tới đỉnh dốc. Thật lạ lùng, cứ tưởng đỉnh dốc phải chon von lắm, hóa ra lại là một đoạn đường khá bằng phẳng và rộng rãi. Đội hình xe nép tạm vào rìa đường nghỉ giải lao và kiểm tra kỹ thuật để chuẩn bị xuống dốc. Trang và Đạt kéo nhau ra tận mép đường để nhìn xuống dưới nhưng chẳng thấy gì ngoài một màu mây, chúng lại lăn thử một hòn đá nhưng chỉ thấy cũng như lần trước, chẳng biết đâu là đáy.
Hóa ra những hình dung trước đây về chiều xuống của dốc Cổng Trời là sai bét cả. Ai cũng nghĩ chiều lên dốc như thế, hiểm trở như thế thì chiều xuống của nó cũng phải “tương đối”. Nhưng không phải! Dốc Cổng Trời bên Tây Trường Sơn khá là dễ chịu so với nửa bên Đông, nó thoai thoải và ngắn ngủn, chắc dưới chân dốc là một cao nguyên với độ cao vài trăm mét trên mực nước biển.
Qua đỉnh dốc vài cây số đội tiền trạm đã đón sẵn trên đường để vào khu trú quân. Để vào khu trú quân hôm nay phải đi theo một con suối. Đang là mùa khô nên suối ít nước, lòng suối trơ ra những hòn đá đen bóng to nhỏ khác nhau nằm lổng chổng. Trời đã gần sáng, ai cũng muốn nhanh chóng đến chỗ giấu xe.
Xe 386 đã vào vị trí giấu xe xong. Cũng may đi theo đường suối nên không phải xóa vết xích; mấy anh em nhanh chóng chặt cây bên suối thay cho đám lá ngụy trang đêm qua đã héo rũ. Đại đội trưởng Thận đi kiểm tra khu trú quân, đợi mãi vẫn không thấy 3 xe đi cuối đội hình đến nơi, anh và chính trị viên phó Toàn phải dò dẫm lội bộ ra phía đầu đường. Té ra “thằng” 388 bị “trật xích”.
Phăm phăm đi đến cạnh xe bấm cái đèn pin đã bọc vải vào băng xích bị trật cả Thận và Toàn đều ngạc nhiên: gần như cả băng xích đã bị trượt ra khỏi hàng bánh chịu nặng, vành răng bánh chủ động đâm gần thủng cả một mắt xích. Chính trị viên Đán, đại đội phó kỹ thuật Đề và lái xe mấy xe đi sau cũng đã có mặt từ nãy đang lúi húi xem xét.
Thận hỏi Đề:
  Ông Đề này! Sao nó lại trật đến mức này được?.
Đề ngước bộ mặt đen thui dầu mỡ lên trả lời:
  Chắc là do xích bị chùng quá, khi vào đường suối lại chuyển hướng gấp nên đá, cát chèn vào băng xích nhiều đội hàng bánh chịu nặng lên làm vú xích trật ra ngoài không định vị cho băng xích được. Trong khi đó lực kéo của động cơ rất mạnh nên bánh chủ động vẫn quay và đâm thủng cả mắt xích.
Toàn thì lẩm bẩm:
 Đời lái xe của tôi bao nhiêu năm mà chưa bao giờ thấy trường hợp nào bị nặng như thế này.
Thận hỏi tiếp:
  Sao không hạ xích xuống mà cắt ra?.
Đề ngán ngẩm:
 Bây giờ nó trật ra đến mức này thì hạ làm sao nổi. Lúc nãy đã nối cần tăng lực cho cả chục người vào mà có điều được xích xuống đâu!
Thận dồn tiếp:
  Thế bây giờ phải làm thế nào?.
Đề ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
  Phải bằng mọi cách cắt được xích ra rồi nối lại thôi.
Quay qua hội ý với chính trị viên mấy câu, đại đội trưởng Thận quyết định:
  Chỗ này cũng tương đối kín rồi nên xe 388 cứ để đấy, các xe khác tìm chỗ giấu xe quanh đây rồi cho bộ đội nghỉ. Ngày mai tìm cách khắc phục tiếp.

Tất cả tản nhanh về các xe. Tiếng động cơ rộ lên một lúc rồi im hẳn trả lại vẻ tĩnh lặng của cánh rừng. Trời cũng vừa sáng. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét