Mới
bắt đầu mùa mưa được mấy ngày thì chính trị viên Đán lên cơn sốt rét. Thấy người
Đán nóng hầm hập, đắp cả đống chăn vẫn run cầm cập Tráng chạy vội sang xe “bê
trưởng” Nam báo cáo. Vừa sang đến nơi nhìn Đán nằm co quắp dưới đống chăn Nam biết anh đã bị sốt rét,
nhưng y tá lại đang ở bên “bê Một” phải qua sông mới tới mà nước lại đang to.
Quay sang Tráng, Nam hỏi:
-
Trung đội mình cậu nào bơi khá nhất?
Hiểu
ý Nam muốn tìm người sang “bê Một” gọi y tá, Tráng bảo:
-
Cũng sàn sàn nhau cả thôi. Thôi được, để tôi đi cho!
-
Cậu có chắc qua được sông không?- Nam gặng.
-
Thì cũng phải liều thôi.
Trong
hầm Đán không chỉ rên mà bắt đầu nói sảng, Nam quyết định:
-
Được! Cậu đi đi! Tớ sẽ cho mấy người ra đó hộ tống.
Chưa
bao giờ vượt sông trong mùa lũ nhưng Tráng tin rằng mình sẽ qua được. Thời học
thể thao Tráng đã được mệnh danh là con cá kình của nhà trường. Tuy nhiên cậu
cũng chỉ bơi ở bể bơi hay sông Mã chứ chưa bao giờ phải bơi trong điều kiện thế
này. Vắt cái bao gạo Trung Quốc lên vai Tráng bảo Nam:
-
Anh về gọi Phong, Thành đi với tôi, nếu kiếm được sợi dây thừng dài thì tốt.
Nam
chạy đi, một lúc sau anh và Thành, Phong quay lại, cả bốn anh em sải bước về
phía bờ sông.
Con
sông Bồ hôm nay có vẻ đỡ hung dữ hơn. Nước sông vẫn to, vẫn cuồn cuộn chảy
nhưng không còn cuốn theo cành cây, rác rưởi như mấy hôm đầu mùa mưa nữa. Túm đầu
cái bao gạo buộc thành một cái phao Tráng bảo:
-
Bây giờ ba anh em cứ đứng đây, tôi sẽ lên chỗ kia để bơi sang, cậu ta chỉ tay về
cái gộp đá chìa ra sông cách đó mấy chục mét về phía thượng nguồn, nếu trôi đến
đây mà vẫn không sang được thì quăng dây ra kéo tôi vào.
-
Được! Nhưng phải cẩn thận nhé! Nam dặn.
Đứng
cạnh mỏm đá chìa ra nhiều nhất Tráng lao người ra sông. Dòng sông hung dữ như
muốn nuốt chửng cậu, chỉ thấy hai cánh tay thi nhau quạt nước và cái đầu nhấp
nhô trên mặt nước đục ngầu. Đã ra đến giữa sông, rồi hai phần ba sông, gần đến
ngầm 17 thì Tráng vào được bờ bên kia, cậu ta giơ cao tay hét lớn:
-
Được rồi! Cứ đứng đấy đợi nhé!
Nam
thở phào nhẹ nhõm. Ba anh em đứng đợi chừng mười phút đã thấy Tráng và y tá Tảo
trở lại. Hai anh em lại lò dò ngược lên ngang chỗ lúc nãy rồi lao ra sông. Chắc
do Tảo bơi yếu hơn nên Tráng phải vừa bơi vừa dìu, gần đến ngầm mà hai anh em vẫn
cách bờ gần chục mét. Phong lấy hết sức quăng sợi dây ra, Tráng tóm được đầu
dây. Trên này ba anh em cùng ghì chặt, Tráng và Tảo dạt ngay vào bờ. Đưa tay kéo
Tráng và Tảo lên Nam mừng rỡ:
-
May quá! Đúng là dân thể thao chứ như tớ chắc trôi xuống tận biển rồi.
Cả
năm anh em chạy như bay về xe 390. Không kịp thay quần áo Tảo lấy cặp nhiệt độ
nhét vào nách Đán rồi lấy ra cái xơ ranh và mấy ống thuốc màu vàng đậm, cậu bảo
Tập:
-
Anh Tập đun cho em tý nước sôi.
Mấy phút sau, rút cặp nhiệt độ ra, Tảo soi vào ngọn đèn dầu tù mù
rồi hốt Hoảng:
-
Chính trị viên sốt đến bốn mốt độ các anh ạ!
Tập
đã đem nước sôi vào. Tảo nhanh chóng lấy thuốc rồi bảo Nguyên lật sấp người Đán
lại, cậu ta vạch mông Đán ra và chọc vào đó một xơ ranh đầy cái thứ nước vàng sẫm
ấy. Xong xuôi Tảo lấy trong túi thuốc ra một vốc thuốc nữa cho Đán uống rồi
quay ra hỏi:
-
Thuốc phòng sốt rét phát cho các anh hồi trước các anh có uống đều không?
-
Thì vẫn uống như cậu dặn mà- Nam trả lời.
-
Thế thì tốt. Bây giờ trùm chăn vào cho anh ấy. Chắc chốc nữa sẽ đỡ thôi.
Ngoài
trời mưa vẫn rơi tý tách như không bao giờ ngừng.
Nằm
liệt ba ngày thì Đán nhúc nhắc ngồi dậy được, người anh bơ phờ như không còn sức
sống, cái món khoái nhất của anh là thuốc lào giờ nghĩ đến thì thèm nhưng đưa
điếu lên miệng lại chẳng muốn hút nữa. Nguyên béo đã xuất cái khoản dự trữ bí mật
của xe ra một hộp thịt để nấu cháo bồi dưỡng chính trị viên. Cầm bát cháo bốc
mùi thơm lựng lên anh cũng chỉ húp qua loa vài miếng rồi đặt xuống, Nguyên phải
dỗ dành mãi Đán mới ăn hết bát cháo.
Từ
hôm qua mưa đã ngớt, nước sông Bồ cũng rút đi được mấy phần nên hôm nay đại đội
trưởng Thận và chính trị viên phó Toàn mới sang “bê Hai” được. Đảo qua chỗ Nam
nắm tình hình rồi hai anh em mới về xe 390 thăm Đán. Nhìn bộ dạng người chính
trị viên Thận bảo:
-
Anh phải cố ăn đi cho chóng lại sức, có mấy anh em với nhau mà lăn cả ra ốm thì
hỏng bét.
-
Tôi cũng biết thế nhưng không thể nào nuốt được, miệng cứ đắng ngăn ngắt ấy-
Đán thều thào.
Toàn
đưa cho Nguyên hộp sữa và cân đường xuất từ quỹ dự trữ của đại đội ra và bảo:
-
Cậu giữ lấy, mỗi ngày pha cho anh ấy hai bát sữa nhưng nhớ là phải bắt ăn cho bằng
hết nhé.
-
Tình hình bên “bê Một” thế nào các anh?- Đán vẫn không quên chức trách.
-
Anh cứ yên tâm nghỉ ngơi, mọi việc bình thường, chỉ hơi vất vả tý thôi- Thận
đang giấu chính trị viên, bên “bê Một” và cả “bê Hai” này nữa hầu như xe nào
cũng có người sốt rét, ngay cả anh cũng thấy người gây gấy sốt.
Trong
những ngày này người bận rộn nhất đại đội là y tá Tảo, cậu chạy như con thoi hết
xe này đến xe khác, hết “bê Một” lại “bê Hai”. Chỗ thì tiêm, chỗ thì cho uống
thuốc. May mà hồi bắt đầu đi ở Quảng Bình trung đoàn đã cấp cho rất nhiều
quinin và nivaquin cả uống lẫn tiêm nên vào đây cũng dư dả thuốc mà dùng.
“Nhưng cứ với tốc độ này thì chẳng mấy mà hết”, Tảo nghĩ bụng.
Đại
đội trưởng Thận thật sự bối rối khi chính Tảo lăn ra sốt, cậu ta nghiến răng
nghiến lợi tự tiêm cho mình một mũi quinin vào bắp tay trái dù biết rằng nguy
cơ áp xe sẽ rất cao. Trong khi đó gạo trong kho cũng gần cạn, ngay lập tức Thận
cử pháo thủ Phong và quản lý Minh về tiểu đoàn cầu cứu.
Ngay
ngày hôm sau hai người đã trở về cùng Phong, quân y sỹ của tiểu đoàn. Phong người
Nam Hà nhưng đã vào Trị Thiên mấy năm nên rất có kinh nghiệm điều trị sốt rét.
Ngoài việc dùng thuốc theo phác đồ anh còn vận dụng một số bài thuốc dân gian
vào việc hạ nhiệt độ, cắt sốt và bồi dưỡng người mới ốm dậy. Tuy nhiên mọi người
đều không biết tại sao anh em “dê bộ” lại gọi anh là Phong “Ba”.
Quản
lý Minh về mang theo một phiếu nhận gạo tại kho 70 và một thông báo rút mức ăn
xuống còn 5 lạng. Thận nghĩ bụng: “6 lạng đã đói mờ mắt rồi không biết 5 lạng
thì thế nào đây?”. Từ hôm bắt đầu mùa mưa công việc cải thiện gặp rất nhiều khó
khăn. Những vạt rau dớn, rau sam ven sông đã bị nước lên ngập hết, cá thì lại
càng khó kiếm nên chỉ biết trông vào măng tươi và ít cá dự trữ từ hồi mùa khô.
Mà hình như càng mưa lại càng thấy đói thì phải, lúc nào cũng thấy thèm ăn, rỗi
rãi ngồi với nhau cũng chỉ chuyện ăn nên bụng lại càng đói thêm gấp bội. Nhìn
cái phiếu nhận gạo lại càng ngán ngẩm, có mấy tạ gạo mà phải ra tận kho 70 ở
cây số 48 đường 14 cách đây gần 60 cây số để nhận. Lính xe tăng trước khi vào
chiến trường có được rèn luyện hành quân xa mang vác nặng bao giờ đâu, đi đến
đâu cũng có xe chở, thiếu cái gì thì tiếp tế cũng bằng cơ giới, thằng nào đi
đâu phải cõng ba lô vài cây số đã la oai oái… thế mà giờ đây phải đi 60 cây số
để cõng gạo về ăn thì còn gì để nói nữa. Nhưng không đi thì lấy gì mà ăn(?).
Thận
gọi Tiến, Nam và Trị lên thống nhất chọn mỗi xe một người còn khoẻ cùng hai người
của “xê bộ” giao cho Mai Hồng Trị chỉ huy đi nhận gạo, đồng thời tăng cường người
đi “cải thiện” để bổ sung nguồn thực phẩm đang ngày càng khan hiếm.
Là
một cán bộ kỹ thuật lâu năm, mặc dù đang ở chiến trường đại đội phó Đề vẫn duy
trì các nề nếp công tác kỹ thuật rất chặt chẽ. Anh quy định mỗi tuần phải dành
ít nhất một ngày bảo dưỡng trang bị, nổ máy chống rỉ kết hợp sấy đài, sấy kính
một lần mười lăm phút, còn bình điện phải nạp bổ sung ít nhất hai tháng một lần.
Chiếc máy nạp điện anh bảo để ở “bê Một” vì ưu tiên nó phải sẵn sàng chiến đấu
cao hơn. Để giữ bí mật Đề cho đào một cái hầm rồi đưa máy xuống, cái ống xả ngắn
ngủn vẫn phun khói mù mịt nay được nối thêm một đoạn ống cao su cho vào hầm chứa
khói như của bếp Hoàng Cầm. Tiếng máy nổ trước đây nghe phành phạch như đấm vào
tai nay trầm ấm hẳn mà lại không có khói. Anh lên lịch định kỳ nạp điện cho từng
xe rồi giao cho Nhuần thợ điện thực hiện.
Việc
nạp điện định kỳ đối với “bê Một” thì tương đối nhẹ nhàng nhưng với “bê Hai”
thì đó quả là một vấn đề: mỗi chiếc bình điện là 64 cân, quãng đường đi ba cây
số nên nếu không gặp chuyện gì cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới chuyển đến
nơi. Sau khi nạp đủ tám tiếng lại lên khiêng về nên mỗi khi đến lịch nạp điện
xe của “bê Hai” Nam lại phải huy động trong trung đội để đủ hai người một bình
nhũng nhẵng khiêng lên “bê Một” và chiều đến khiêng về. Lính thì cứ thay nhau sốt
nên nhiều hôm cả “bê trưởng”, “bê phó” cũng phải đi khiêng.
Hôm
nay theo lịch nạp điện cho xe 390. Ngay từ sáng sớm Tập đã chui vào xe tháo
bình điện ra, đợi mọi người đến đủ anh xỏ đòn vào quai bình rồi bảo:
-
Tớ khiêng với Nguyên, còn lại cứ hai người một bình như mọi khi. Đi nào!
Tám
anh em nhũng nhẵng đi. Mấy hôm nay trời bớt mưa hơn nhưng đường vẫn cực kỳ lầy
lội, cái thứ đất đỏ ba dan lại mến người cứ dính bết vào dép thành hai cục nặng
như đeo đá, đi một quãng lại phải dừng lại gột. Gần đến ngầm sông Bồ, Tập bỗng
sững lại. Chắn giữa đường là mấy cành cây và một tấm vỏ thùng phuy trên đó nguyệch
ngoạc dòng chữ bằng than: “Bom từ trường, cấm qua lại!”.
-
Quái lạ! Sao lại có bom từ trường ở đây?- Tập ngạc nhiên thốt ra, mới hôm kia
anh đi qua có thấy gì đâu.
Ba
cặp đi sau cũng đã đến, ai cũng ngạc nhiên không kém. Tráng chỉ tay về phía trước:
-
Đúng bom từ trường rồi. Cánh của nó kia kìa.
Tất
cả nhìn theo hướng tay của Tráng, một cái cánh bom từ trường nằm giữa tim đường
như thách thức. Nghị nhớ lại:
-
Chiều hôm qua chỉ thấy một cái máy bay bay “rẹt” qua một cái, tưởng nó chỉ
trinh sát thôi không ngờ nó lại ném bom từ trường.
Cả
bọn ngồi bàn nhau: “đi gần đến nơi quay về cũng dở, mà ông Đề ông ấy đâu có chịu
bỏ lịch, hôm nay không nạp được thì hôm khác lại phải khiêng lên”. Cuối cùng
Tráng bảo:
-
Bỏ hết những gì bằng sắt trên người xuống là đi qua được thôi.
-
Nhưng còn bình điện thì sao?- Nguyên béo hỏi.
Nhìn
lại cái bình điện, đúng là toàn bộ giá và quai xách của nó đều bằng sắt cả. Tập
quả quyết:
-
Bình điện này là bình điện chì nên không ảnh hưởng gì, bây giờ chỉ cần tháo hết
giá ra là được.
-
Nhưng không có giá thì khiêng thế nào được- Tráng gặng.
-
Lấy dây rừng buộc nó vào đòn mà khiêng- Tập kiên quyết.
Một
lúc sau bốn chiếc bình điện đã được tháo hết giá ra và buộc vào đòn khiêng, tất
cả thắt lưng, bật lửa, dao găm được cởi ra đem giấu vào một bụi cây. Nghĩ ngợi
một lát Tập bảo:
-
Bây giờ tớ với Nguyên đi trước, bọn tớ qua rồi các cậu mới được đi nhé!- Tay anh
cầm một đầu đòn- nào đi Nguyên!
Nguyên
hơi ngần ngừ nhưng nhìn thấy ánh mắt của Tập cậu ta cũng cúi xuống cầm đòn và xốc
lên vai. Hai anh em lẳng lặng tiến vào khu vực cấm, sáu cặp mắt nhìn theo không
chớp.
Đã
gần đến chỗ cái cánh bom nhô lên giữa tim đường, thấy bước chân Nguyên phía sau
hơi chựng lại Tập nói nhỏ:
-
Cứ bình tĩnh, không sao đâu chú.
Nói
vậy nhưng anh cũng nín thở chờ đợi. Không biết những suy luận của anh có chính
xác không, nếu nó nổ chắc hai anh em không còn một mảnh. Tập thận trọng đi sát
vào bờ ta luy, mắt vẫn liếc về phía cái cánh bom như bị hút vào đấy. Giây phút
căng thẳng đã qua, không có tiếng nổ nào cả. Tập vẫy tay cho phía sau đi tiếp.
Vài phút sau bốn bình điện đã được xếp ngay ngắn trong hầm nạp điện.
Thật
không may, cái máy phát điện hôm ấy bỗng nhiên “dở chứng” không thể khắc phục
được. Đề nhăn nhó bảo cả bọn:
-
Các cậu này! Máy phát điện bị hỏng, khả năng phải vài ngày mới chữa được. Các cậu
cho anh em mang bình điện về, hôm nào chữa xong lại mang lên nạp.
Mấy
cái mặt cùng méo xệch đi, Tập đề nghị:
-
Đề nghị “đại phó” cứ cho anh em để bình điện ở đây, máy chữa xong lúc nào thì nạp
lúc đấy, nạp xong báo cho chúng tôi lên mang về có hơn không?
-
Không được! Nhỡ đêm nay nó đánh ra thì sao, cậu định bỏ xe à? Mang về- Đề dứt
khoát.
Thấy
“đại phó” đã to tiếng không ai dám ho he, tất cả lẳng lặng buộc lại bình điện
vào đòn khiêng rồi nhũng nhẵng ra về. Đến tận ngầm Sông Bồ, Tráng mới dám phát
một câu:
-
Đúng là “nước sông, công lính”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét