Đoàn
tàu xuôi sông Lam hướng về phía biển. Tàu chạy êm, tiếng máy nổ nghe cũng đằm đằm
chứ không gay gắt như tiếng động cơ xe tăng nên chỉ lên tàu một lúc lính ta đã
gà gà ngủ gần hết.
Trong
cabin tàu chỉ huy, trên chiếc giường sau buồng lái Bình, Tình, Đạt đã ngủ nhưng
đại đội trưởng Nghĩa vẫn ngồi hút thuốc vặt. Người thuyền trưởng còn rất trẻ
ngó vào niềm nở:
-
Chắc anh mới đi biển lần đầu phải không?
Chìa
bao thuốc Tam Đảo ra mời người thuyền trưởng Nghĩa gật đầu:
-
Vâng! Đây là lần đầu tiên tôi đi bằng loại phương tiện này.
Rút
điếu thuốc, châm lửa, rít một hơi dài người thuyền trưởng cười:
- Trông cái là biết ngay mà. Tôi cũng đã chở vài chuyến
như thế này rồi, các bố chỉ mạnh trên bộ thôi chứ xuống đây bố nào bố ấy cứ lo
ngay ngáy.
Nghĩa thú nhận:
- Quả thật từ giờ
trở đi trăm sự nhờ các anh thôi!
Thuyền trưởng lại cười:
- Anh cứ yên tâm!
Thời tiết dạo này đang tốt, máy bay cũng ít hoạt động, ta đi cả ban ngày, anh
em trong đoàn của tôi cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm nên chắc sẽ không có
chuyện gì xảy ra đâu. Có chăng là sợ các anh bị say sóng thôi, những người mới
đi biển lần đầu ít ai tránh khỏi. Anh cố gắng ngủ đi một lúc lấy sức mà chống chọi.
Người thuyền trưởng bắt tay Nghĩa rồi mở cửa quay về buồng
lái, đã yên tâm hơn anh ngả lưng xuống giường và giấc ngủ đến lúc nào không biết.
Chắc rằng cánh lính xe tăng sẽ còn ngủ mê mệt nếu không
xuất hiện một cảm giác hơi lạ trong người họ. Nó nôn nao, nó khó tả mà họ chưa
cảm nhận thấy bao giờ. Cái nôn nao trong bụng dần trở thành nỗi khó chịu và khi
không chịu được nữa thì đành ôm lấy cái xô mà tháo hết những gì còn trong bụng
ra ngoài.
Đại đội trưởng Nghĩa cũng không phải là một ngoại lệ. Là
lính “xe tăng nòi”, đã lăn lộn bao nhiêu năm trên những chiếc xe tăng đến nỗi
nó có chạy ầm ầm, đập xóc khủng khiếp anh vẫn có thể ngủ vô tư nhưng hôm nay
thì chịu. Cái xóc ở đây đúng là êm dịu hơn những cú va đập nảy người của xe
tăng khi qua chướng ngại vật nhưng là một kiểu xóc rất lạ lùng, nó dồi lên, giật
xuống, lắc bên này rồi lại lắc bên kia không theo một quy luật nào cả và cực kỳ
khó chịu. Cố gượng mãi đến lúc Bình, Tình, Đạt thi nhau nôn thì Nghĩa cũng
không chịu được nữa, chỉ kịp với tay giật vội cái thùng mười lít từ tay Tình rồi
úp mặt vào đó.
Tình cảnh của chính trị viên Đán còn thảm hại hơn. Vốn
người không được khoẻ, lại nghiện thuốc lào nặng nên lúc nào cũng “lử khử lừ khừ”,
nay gặp sóng biển cầm cự chẳng được bao nhiêu đã nôn thốc, nôn tháo. Quê tận miền
trung du Vĩnh Phú, đây là lần đầu tiên được nhìn thấy biển, Đán cũng háo hức lắm
nhưng đành nằm như dán vào chiếc giường trong cabin.
Khi đã tháo hết mọi thứ trong bụng ra người cũng đỡ khó
chịu hơn đại đội trưởng Nghĩa cố gằng trèo lên buồng lái. Người thuyền trưởng
niềm nở hỏi:
- Thế nào anh?. Có bị làm sao không?.
Nghĩa cười méo xẹo:
- Khiếp thật! Tôi “nổ ngược” chẳng còn cái gì trong bụng
nữa rồi.
Anh thuyền trưởng ngơ ngác:
- Sao lại nổ ngược?
Nghĩa vui vẻ:
- Quên mất! Đấy là thuật ngữ của xe tăng để chỉ hiện tượng
động cơ bị đổi chiều quay, cửa hút biến thành cửa xả ấy mà. Tàu của các ông thì
chắc không bị nổ ngược bao giờ?
Anh thuyền trưởng cười ha hả:
- Hay, hay thật! Bọn tôi không bị nổ ngược bao giờ thật.
Phóng tầm mắt ra xa, phía trước, phía sau, bên trái là vô
cùng, vô tận, chỉ có ở bên tay phải thấy mờ mờ xanh một dải, Nghĩa như thấy
choáng ngợp trước sự mênh mông của biển cả, anh hỏi người thuyền trưởng:
- Ta đi thế này thì cách bờ bao nhiêu?.
Người thuyền trưởng chỉ tay vào phía dải xanh mờ mờ phía
tay phải:
- Anh có nhìn thấy cái dải xanh xanh, mờ mờ kia không? Đó
là đất liền đấy. Chúng ta hiện cách đất liền chừng mười cây số, đi như thế này
cho đỡ sóng chứ đi sát bờ thì sóng to hơn.
- Thế khi gặp máy bay thì làm thế nào? Nghĩa muốn tìm hiểu thêm.
Trước hết là phải
tránh, không tránh được thì đánh, không đánh được thì chạy cho nhanh.
-Thế gặp bão lốc, sóng to gió lớn thì làm sao?
- Thì trước hết cũng phải tìm chỗ an toàn neo đậu để trú,
tránh; bất đắc dĩ mà phải đi thì phải rất khôn khéo lựa chiều sóng gió mà đi.
Nghĩa gật gù vẻ thán phục:
- Chịu các ông thật, mênh mông trời nước thế này… bọn tôi
mới chỉ nhìn đã thấy khiếp.
Vẫn một nụ cười rất tươi và khiêm tốn:
- Thì chúng tôi ở trên con tàu này cũng như các anh ở
trên cái xe tăng của mình thôi mà.
Bữa trưa cũng vẫn có cơm canh, cá kho do bên hải quân bảo
đảm nhưng chẳng ai dám động đũa, cánh lính hải quân trên tàu vừa ăn vừa trêu mấy
ông “tàu bò” trông rõ to mà “yếu máy”.
Cho đến chiều tối thì tàu đến Đồng Hới. Tuy nhiên theo chỉ
đạo của cấp trên đại đội Bốn sẽ không xuống ở Đồng Hới mà tàu “há mồm” sẽ đưa
các anh theo sông Đại lên thẳng bến phà Long Đại. Thông báo cho Nghĩa tin này
xong anh thuyền trưởng hỏi lại:
- Trên quyết như vậy các anh có ý kiến gì không?.
Nghĩa cười như mếu:
- Thôi thì các ông đưa chúng tôi đến đâu thì chúng tôi đến
đấy. Đã bảo xuống đây là trăm sự nhờ các ông mà.
Người thuyền trưởng lại cười:
- Hỏi vậy thôi chứ trên bảo đi là phải đi phải không
anh ? Nhưng anh yên tâm, từ đây trở đi là vào đường sông rồi, các anh sẽ
khoẻ lại nhanh thôi.
Nghĩa phấn khởi ra mặt:
- Ôi! Thế thì may quá, cứ thế này kéo vài ngày nữa chắc
anh em tôi quỵ hẳn.
Vào trong sông Đại tàu chạy êm hẳn. Sau một ngày bụng dạ
trống rỗng giờ là lúc cánh lính tăng nạp lại năng lượng. Có điều lạ nôn mửa như
thế nhưng giờ lại ăn được ngay mà ngon miệng là đằng khác, hết suất cơm nhà tàu
đưa ra mà vẫn thòm thèm.
Dưới ánh đèn hạn chế ánh sáng của con tàu, sông Đại trông
như rộng ra và đầy vẻ huyền bí. Vẻ huyền bí càng tăng thêm khi tàu đi sâu vào
vùng rừng núi Tây Quảng Bình, nhìn sang hai bên bờ chỉ thấy đen kịt một màu
thăm thẳm.
Gần sáng đoàn tàu mới đến phà Long Đại, đây là một con
phà nằm trên con đường chiến lược 15 và cũng là một trọng điểm đánh phá của
không quân Mỹ. Cũng may dạo này không quân địch ít hoạt động nên bến phà khá
yên tĩnh, gần sáng cũng là lúc các hoạt động qua lại trên sông cũng giảm hẳn.
Đoàn tàu “há mồm” lợi dụng bến lên phía Nam của phà để xe tăng lên bờ. Trung úy
Bầu trợ lý tác chiến trung đoàn đã có mặt tại đó để đón họ.
Lái lên tàu đương nhiên là dễ hơn lái xuống tàu nên chỉ
hơn ba mươi phút cả đại đội xe tăng tám cái đã lên bờ an toàn. Nghĩa ôm lấy người
thuyền trưởng trẻ tuổi, muốn nói thật nhiều nhưng rồi cũng chỉ thốt ra được mấy
từ:
- Cảm ơn! Cảm ơn nhiều lắm!
Người thuyền trưởng vỗ vỗ vào vai ông:
- Tạm biệt! Hẹn gặp
lại!
Anh rảo bước xuống tàu. Trên bờ gần như cả đại đội xe
tăng đứng thành hàng, không ai bảo ai đều đưa tay vẫy đầy lưu luyến. Đại đội
trưởng Nghĩa cũng đứng nhìn theo mãi cho đến lúc trung úy Bầu tới cạnh vỗ vai:
- Trời sắp sáng rồi đấy! Ông phải nhanh chóng cho xe chạy
lên phía trước mà tìm chỗ giấu xe, ở đây ban ngày không có lợi.
Nghĩa giật mình
choàng tỉnh chạy lại xe mình và hô lớn:
- Tất cả về xe, theo tôi!
Vừa lên xe Nghĩa đã giục Bình nổ máy và cho đại đội chạy
cách bến phà chừng hơn cây số thì dừng lại tìm chỗ giấu xe. Ngụy trang xong trời
cũng vừa sáng rõ.
Vốn đã quen biết
nhau từ trước, giọng thân mật Bầu bảo Nghĩa:
- Các ông đi chuyến
này thế là may mắn đấy. Tôi cứ tưởng phải đợi ở đây vài ngày nữa mới đón được
các ông.
Nghĩa cười:
- Thì “số” tôi vẫn đỏ mà! Nhưng từ đây về trung đoàn còn
xa không ông?.
Bầu mở xắc cốt lấy ra một tấm bản đồ trải xuống đầu xe rồi
chỉ vào một điểm:
- Hiện tại các ông đang ở đây- Nhích cây bút xuống phía
dưới một chút, Bầu tiếp- Còn trung đoàn đang ở chỗ này, từ đây vào đấy chỉ còn
hơn hai chục cây số, đi vài tiếng là tới. Bây giờ ông cứ cho bộ đội ngủ đi, tối
tôi sẽ dẫn đường.
Nơi đóng quân của Trung đoàn 203 ở xung quanh khu vực hồ
Cẩm Ly. Đây là công trình đại thủy nông lớn nhất miền Tây Quảng Bình. Xung
quanh hồ là trùng điệp đồi núi và một nông trường cao su, cây cao su trồng đã
được mấy năm giờ dã bắt đầu khép tán.
Đại đội trưởng Nghĩa dẫn hai trung đội trưởng đi xác định
vị trí các xe. Theo quy định của trung đoàn tất cả các xe đều phải được đào hầm,
người cũng phải sinh hoạt trong hầm nên việc đầu tiên đại đội cần ưu tiên là
đào hầm. Trước hết là đào hầm người, sau đó mới đào hầm xe.
Cũng may khu vực này toàn đồi đất đỏ ba dan nên việc đào
hầm cũng đỡ vất vả, cây cối cũng sẵn chỉ đi vài bước chân là có. Chỉ chưa đầy một
tuần cơ ngơi của đại đội đã hoàn chỉnh; riêng xe đại đội trưởng có cái hầm
thùng to làm nơi hội ý cán bộ.
Nằm xa trục đường giao thông nên khu vực đóng quân của
trung đoàn tương đối yên tĩnh, những dấu tích chiến tranh cũng không có gì đậm
nét, có chăng chỉ là những đợt máy bay bay qua đầu đi đánh phá đâu đó trên trục
đường 15 hay bến phà Long Đại. Cuộc sống đi dần vào nề nếp, đại đội lại tổ chức
huấn luyện bổ sung cho đội ngũ thành viên kíp xe, chỉ có điều ở đây phải giữ bí
mật, lại không có thao trường nên huấn luyện tại chỗ là chính.
Tuy nhiên cái khó khăn nhất ở đây không phải là huấn luyện,
sẵn sàng chiến đấu mà chính là cái ăn. Gạo, thịt hộp, cá hộp thì đầy đủ theo
tiêu chuẩn nhưng đặc biệt là không có rau. Chỉ sau mấy ngày không có cái chất
xanh ấy lính tráng xót ruột như bào, đến bữa ngồi gảy gảy từng hạt cơm trông đến
tội.
Ban chỉ huy đại đội triệu tập hội nghị cán bộ bàn biện
pháp cải thiện đời sống. Nghĩa nêu vấn đề:
- Như các đồng chí đều biết, cái khó khăn nhất đối với
chúng ta hiện nay là vấn đề rau xanh cho bộ đội ăn, cứ như thế này mà kéo thì
chỉ vài hôm nữa là lăn ra ốm hết. Vì vậy đề nghị các đồng chí phát huy dân chủ,
hiến kế cho đại đội xem có biện pháp gì giải quyết được vấn đề này.
Chính trị viên
Đán thêm vào:
- Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Các cụ ta vẫn nói “có
thực mới vực được đạo” mà quân ta thế này thì gay to nên đề nghị các đồng chí hết
sức lưu tâm.
Đại đội phó Đề thủng thẳng:
- Khó thì phải trồng lấy rau mà ăn thôi. Hồi ở Xuân Mai
ta đã làm mãi rồi.
Mọi người đều trầm ngâm, chợt trung đội trưởng trung đội
Hai có ý kiến:
- Chúng ta đóng quân ở đây có mấy cái bất lợi cho việc
tăng gia: một là, đây là vùng đất đỏ ba dan, lại đang là mùa khô nên trồng trọt
rất khó khăn. Hai là giống má, phân bón đều không có. Ba là đóng quân tạm thời
chưa biết lúc nào đi cho nên phát động tăng gia cũng rất khó. Vì vậy tôi đề nghị
ta tiến hành hai biện pháp: thứ nhất, tổ chức một bộ phận đi kiếm rau rừng, rau
dại về để cải thiện. Thứ hai là đẩy mạnh hơn công tác dân vận, hoặc chúng ta có
thể bớt một số thực phẩm để đổi cho dân lấy rau. Hết ý kiến!
Vốn là dân trồng màu ở Gia Lộc, Hải Hưng chính trị viên
phó Vũ Đăng Toàn rất am hiểu về trồng rau, anh tán đồng ý kiến của Quý:
- Tôi nhất trí với ý kiến đồng chí Quý, đất này mùa này
không cây rau nào cắm xuống đây mà sống được, nếu có sống được cũng bị kiến mối
ăn hết nên chúng ta không nên phát động tăng gia mà nên làm như đồng chí Quý vừa
nói là hơn cả.
Quý giơ tay xin phát biểu thêm:
- Bên trung đội tôi có đồng chí Định dân Chợ Rã, Bắc Cạn ở
rừng từ bé lại học Đại học Lâm nghiệp nên rất thạo về rừng. Nếu đại đội đồng ý
phương án của tôi thì để cho đồng chí ấy phụ trách tổ cải thiện là tốt nhất.
Thấy mọi người không có ý kiến gì thêm Nghĩa kết luận:
- Nhất trí theo phương án đồng chí Quý đề xuất. Cụ thể
như sau: thành lập tổ cải thiện gồm bốn đồng chí pháo hai, mỗi trung đội hai đồng
chí do đồng chí Định phụ trách, hàng ngày có nhiệm vụ bảo đảm rau ăn cho đại đội.
Còn việc đổi chác với dân giao cho đồng chí Minh quản lý đại đội tính toán thực
hiện, ông nhìn Vũ Đăng Toàn, việc này nhờ anh Toàn theo dõi hộ.
Tất cả mọi người đồng ý. Cuộc họp giải tán.
Quê ở Chợ Rã, Bắc Cạn, Bùi Văn Định chẳng xa lạ gì với rừng.
Có gì đâu, rừng ngay trước cửa, rừng ngay sau nhà, bước ra khỏi nhà đã là rừng.
Ngay từ khi mới lẫm chẫm bước đi Định đã tha thẩn ra rừng lúc thì nhặt mớ củi,
lúc thì hái mớ rau giúp mẹ; lớn lên một chút thì theo bố vào sâu hơn lấy mật
ong, trảy quả trám, quả vả về bán phiên chợ huyện. Lớn lên với rừng nên anh rất
gắn bó với rừng và khi tốt nghiệp phổ thông anh chỉ ghi một nguyện vọng duy nhất
là vào Đại học Lâm nghiệp. Vào đại học được hơn một năm thì nhập ngũ, học xong
khóa đào tạo trưởng xe tăng là về “xê 4” này ngay. Những tháng ngày sống với rừng
đã cho Định những kỹ năng khá đặc biệt, nhất là kỹ năng tự tồn tại. Được giao
nhiệm vụ phụ trách tổ “cải thiện” đúng với sở trường của mình Định có vẻ khoái
lắm.
Ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, anh vẫy tay cho bốn
pháo hai ngồi gần lại rồi cười cười:
- Đừng có coi thường
việc này nhé! “Không có thực đố vực được đạo”, thực là gì các cậu có biết
không? Là ăn đấy. Vì vậy chúng ta đang được đảm nhiệm một công việc rất là quan
trọng. Anh dừng lại một chút rồi hỏi, các cậu thử nhìn xem quanh đây có rau gì
ăn được không?
Thành, pháo hai
xe 387 giơ tay:
- Báo cáo “bê phó”, quanh đây có rau tàu bay, rau giền
cơm là ăn được. Thành quê Tuyên Quang nên nó cũng biết chút ít về rừng.
- Còn gì nữa không? Định gặng.
- Hết rồi ạ! Thành khẳng định chắc nịch.
- Thế mà còn đấy! Vừa nói Định vừa bước vài bước rồi cúi
xuống bươi bươi đám cỏ nhổ lên một nhúm cây nhỏ ly ty. Đây là cây gì hả? cây
chua me đất đấy, nấu canh ngon lắm mà ăn sống cũng được. Nhổ một cái cây lá
xanh biếc bằng nửa bàn tay giơ lên anh
tiếp, còn đây là cây bông mã đề cũng có thể nấu canh, nó còn là cây thuốc
lợi tiểu nữa đấy. Lưu ý một điều là ven sông suối, ao hồ bao giờ cũng có nhiều
rau rừng ăn được như rau dớn, môn thục; nếu thấy đâu có bụi tre là có thể kiếm
được măng. Trong rừng thì cây bứa cũng sẵn, lá non nấu canh chua ăn rất mát ruột.
Thôi, dần dần tôi sẽ hướng dẫn thêm cho các đồng chí. Còn bây giờ ta sẽ vào rừng
để thực hành.
Năm anh em mỗi người một cái bao tải, một con dao tông,
Thành mang thêm cái xẻng con thành một hàng dọc đi vào rừng; thỉnh thoảng Định
cho dừng lại chỉ trỏ, giới thiệu về một loại cây ăn được. Vừa đi, vừa học, vừa
hái rau, đến gần trưa thu hoạch của tổ cũng kha khá, giá trị nhất là một bao tải
măng tre gần hai chục cân. Cả tổ hành quân về vui vẻ lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét