Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

BÚT KÝ LÍNH TĂNG- HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 1



Thân yêu tặng những người đồng đội của tôi-
cả những người đang sống và những người đã chết!

              Lời tựa

          Cho đến giờ - hầu như mọi người dân Việt Nam đều biết về câu chuyện  những chiếc xe tăng 843 và 390 của Đại đội 4 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã kéo lá cờ bách chiến bách thắng của dân tộc Việt Nam lên nóc Dinh trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng mấy ai biết được hành trình mà Đại đội 4 ấy đã đi qua từ lúc rời khỏi hậu phương miền Bắc vào Nam chiến đấu để đến được cái đích cuối cùng đầy vinh quang ấy. Hành trình đến ngày chiến thắng đó chẳng hề dễ dàng như có người đã từng suy nghĩ: về không gian nó trải dài hàng nghìn cây số, về thời gian là nghìn ngày có lẻ cùng với bao mất mát, hy sinh, anh hùng và hèn nhát, cao thượng và thấp hèn, vinh quang và cay đắng… Cuốn sách này của một chiến sĩ trong đại đội viết ra xin kể về hành trình đó, như một nén tâm nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là món quà tặng cho những người đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với đời thường. 



1.     Chiến trường vẫy gọi


Giữa đêm một ngày cuối tháng 12 năm 1971, Tiểu đoàn 512 của trung đoàn xe tăng 203 đã có mặt tại ga Vĩnh Yên để chờ tàu vào Vinh. Hơn hai chục chiếc xe tăng nằm rải rác xung quanh đồi Ga, cái thì chui vào vườn nhà dân, cái thì nép mình bên hàng cây xà cừ như những chú voi đang lim dim ngủ.
Trời vừa sáng, cái lạnh của mùa Thu se sắt sau lớp áo mỏng. Lũ trẻ con xóm Ga dậy sớm đang túm tụm bàn tán bên những chiếc xe tăng rất đỗi hiền hòa cùng những người lính trẻ cũng rất đỗi hiền lành. Trong căn lán được dựng tạm bằng bạt xe tăng, Ban chỉ huy đại đội 4 đang ngồi trao đổi công việc. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Nghĩa thông báo:
- Theo Ban chỉ huy tiểu đoàn cho biết bên đường sắt vẫn chưa có tàu, vì vậy không loại trừ việc chúng ta phải nằm đây chờ đợi thêm vài ngày nữa. Tôi đề nghị chúng ta phải quan tâm đến mấy việc sau: thứ nhất, phải quản lý tốt quân số, tuyệt đối tránh tình trạng đào bỏ ngũ. Thứ hai, mặc dù thời gian này không quân Mỹ ít hoạt động hơn nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác, những xe đã đưa được vào vườn của dân thì thôi nhưng những xe còn nằm ngoài đồi thì phải chú ý thay lá ngụy trang hàng ngày và phải tổ chức canh gác cho tốt. Thứ ba, tuy là xe còn mới song công tác kỹ thuật không được lơ là, vẫn cần phải kiểm tra điều chỉnh cho đúng tiêu chuẩn. Thứ tư, phải tổ chức tốt việc ăn ở, ngủ nghỉ của bộ đội, suốt tuần qua anh em đã vất vả nhiều rồi, giờ mà “nó” lăn ra ốm một lượt là gay đấy.
Vẫn bộ quần áo công tác quanh năm bê bết dầu mỡ đại đội phó kỹ thuật Nguyễn Văn Đề thủng thẳng:
 - Về mặt kỹ thuật xin các anh không phải lo. Xe chúng ta vừa nhận đều là xe mới tinh, được nhận xe mới anh em trong đơn vị ai cũng phấn khởi và tích cực chăm chút lắm.
Ngồi chân co chân duỗi trên cái hòm đạn, tay vẫn không rời cái điếu cày chính trị viên Quản Đức Đán cất cái giọng rè rè vì khói thuốc lâu năm:
- Theo tôi, cái đáng lo nhất và phải quan tâm nhiều nhất là công tác quản lý bộ đội. Cho đến giờ ai cũng biết chúng ta sang nhận xe đợt này là để đi chiến trường mà anh em lại không ai được về phép. Vì vậy rất dễ nảy sinh những tư tưởng xấu, nhất là số chiến sĩ mới nhiều khi anh em người ta nghĩ rất đơn giản là về thăm nhà một vài ngày lại lên thì có sao đâu.
Chính trị viên phó Vũ Đăng Toàn vẫn điềm đạm như mọi ngày, chờ cho mọi người ngồi im một lát anh mới phát biểu:
- Tôi cho rằng tuyệt đại đa số anh em cán bộ, chiến sĩ trong đại đội ta là tốt; chúng ta cũng đã tổ chức tốt việc quán triệt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện ăn ở phân tán như hiện nay, lại ở địa bàn thị xã nên rất cần phải siết chặt lại công tác quản lý. Theo tôi ta phải giao trách nhiệm cụ thể cho cán bộ trung đội và các trưởng xe phải tự quản lý lấy trung đội mình, xe mình, đi đâu cũng phải có từ ba người trở lên, đi về phải đúng giờ, phải duy trì nghiêm chế độ điểm danh hàng ngày…
Đại đội trưởng Nghĩa kết luận:
 - Tôi sẽ giao nhiệm vụ cho các trung đội trưởng ngay bây giờ. Riêng số anh em “xê bộ” và công tác hậu cần đề nghị anh Toàn trực tiếp quản lý giúp.
Toàn nhỏ nhẹ:
  - Nhất trí thôi!.
Ba người chui ra khỏi cái nhà bạt, Đán vẫn yên vị nạp một điếu thuốc lào to vào nõ điếu, bật lửa kéo một hơi dài. Phóng tầm mắt nhìn quanh một lượt Nghĩa  thở dài:
  - Lúc nào cũng gấp… gấp rồi nằm đây mà chờ!

Cách đây gần một tháng cả tiểu đoàn còn huấn luyện bên Xuân Mai; đùng một cái lệnh tức tốc sang Vĩnh Phú nhận xe đi chiến trường gấp. Đâm sấp dập ngửa chưa kịp thu dọn gì đã thấy ô tô đến chở đi. Sang đến tổng kho lại ào ào giao giao, nhận nhận, mở niêm, kiểm tra, hiệu chỉnh, bổ sung dầu, mỡ, nước, bảo dưỡng đạn, lắp đạn, đưa đạn vào xe… rối rít tít mù cả lên. Tưởng được đi ngay ai cũng háo hức, nào ngờ còn nằm vạ, nằm vật ở chân núi Đinh gần nửa tháng, đến hôm nay ra đây lại bảo chưa có tàu. Không hiểu công tác hiệp đồng của các “bố” bên tác chiến với ngành đường sắt ra làm sao nữa; biết thế này thì cứ nằm trong núi Đinh có phải hơn không? Được cái anh em đều phấn khởi vì tiểu đoàn được nhận một lúc hơn hai mươi cái T54B mới tinh còn “thơm mùi chính phủ”. Đây là loại xe hiện đại nhất của ta hiện nay, có cả hệ thống ổn định pháo và hệ thống dẫn đường. Đại đội trưởng Nghĩa đã nhẩm tính trong đầu một kế hoạch huấn luyện bổ sung cho cán bộ, chiến sĩ trong đại đội có đủ khả năng làm chủ và khai thác tốt loại vũ khí này.
Xuống trung đội Một, Nghĩa cảm thấy rất ưng ý với cách bố trí vị trí trú quân của trung đội trưởng Đậu Minh Tiến. Trong khu vườn rộng sát chân đồi Ga bốn cái xe nằm nép mình bên hàng rào tre rất gọn gàng, kín đáo. Thấy đại đội trưởng đến,  Tiến chạy lại đứng nghiêm báo cáo:
 - Báo cáo “đại trưởng” (không hiểu từ bao giờ ở “xê 4” này anh em khi gọi cán bộ đại đội cứ “ngắt” đi từ đội, nghe cũng hay hay) Trung đội đang cho anh em tìm hiểu thêm về xe, pháo và bảo dưỡng kỹ thuật.
Nghĩa hỏi lại:
 - Tìm hiểu thế nào?.
Tiến cười khoe chiếc răng khểnh:
  - Thì từ trước đến nay mình toàn huấn luyện bằng xe cũ; bây giờ được nhận xe mới mà lại hiện đại thế này cũng phải cho anh em tìm hiểu ngay chứ.
  - Thế ai hướng dẫn? Nghĩa vẫn tiếp tục quay:
  - Thì anh em tự nghiên cứu là chính, có gì không hiểu sẽ trao đổi với nhau. Cũng may bên tôi có mấy cậu sinh viên đại học và trung cấp cơ khí nên có thể đọc được tiếng Nga lấy làm “trợ giáo”.
 - Thế thì tốt! Nghĩa hạ giọng nhưng còn tình hình tư tưởng và chấp hành kỷ luật của anh em thế nào?.
 - Báo cáo “đại trưởng”, nói chung anh em rất yên tâm, phấn khởi lên đường. Tuy nhiên tôi với anh Tự đã thống nhất là không được chủ quan mà phải quản lý chặt chẽ hơn. Đại trưởng xem tôi bố trí thế này là cũng có ý ấy đấy! Tiến chỉ một vòng, ba xe kia nằm ba góc, xe anh án ngữ ngay cổng vườn,  Nghĩa gật gù:
 - Được đấy! Thôi, tớ sang trung đội Hai đây.   
Vừa đi Nghĩa vừa thầm so sánh về hai trung đội trưởng: Đậu Minh Tiến quê ở Vinh, thông minh, cao ráo, học xong trường “Cơ khí 1” thì nhập ngũ, vào thiết giáp được đi học trưởng xe rồi đào tạo cán bộ. Còn trung đội trưởng trung đội 2 là Trương Quang Quý quê Thanh Hóa, thấp đậm như một lực sĩ cử tạ, đang học năm thứ hai Đại học Lâm nghiệp thì đi bộ đội, cũng đã được đào tạo qua trường của binh chủng. Cả hai đều là lính “xe tăng nòi”, có văn Hóa, hiểu biết khá sâu về kỹ thuật binh chủng nhưng về kinh nghiệm chiến đấu cũng như quản lý đơn vị còn “non”. Được cái may là đội ngũ thành viên kíp xe của đại đội này rất vững: quá nửa số trưởng xe, lái xe, pháo thủ là sinh viên đại học và trung cấp. Tất cả được huấn luyện rất cơ bản ở trường của binh chủng từ đầu và được huấn luyện nâng cao gần một năm qua, chỉ có mấy pháo hai là do đơn vị tự đào tạo.
Bốn cái xe của trung đội Hai nằm nối đuôi nhau nép mình vào rặng tre dưới chân đồi. Thấy đại đội trưởng đến gần, pháo hai Thành ôm khẩu AK đang đứng gác chào rõ to:
- Chào “đại trưởng” ạ!
Nghĩa gật đầu và hỏi:
- Anh Quý đâu?
Từ dưới cái bạt xe kéo ra làm thành một “bán mái” trung đội trưởng Trương Quang Quý chạy lại, đứng nghiêm:
- Báo cáo đại trưởng, trung đội Hai quân số đủ, bộ đội đang bảo dưỡng kỹ thuật!.
Nghĩa gật đầu kéo Quý cùng đi dọc đội hình, anh hài lòng thấy xe nào xe nấy anh em đang rất bận rộn với công việc. Nghĩa hỏi Quý:
- Tình hình tư tưởng của bộ đội trong trung đội thế nào?.
Trung đội trưởng Quý nghiêm trang:
- Báo cáo đại trưởng anh em trong trung đội đều rất phấn khởi, có quyết tâm cao và chấp hành nghiêm kỷ luật.
Nghĩa hạ giọng:
- Đại đội ta có thể còn phải nằm đây chờ tàu một vài ngày, các cậu phải hết sức chú ý công tác quản lý bộ đội đấy nhé. Tuyệt đối không để xảy ra đào, bỏ ngũ hoặc vi phạm kỷ luật đấy.
Quý đứng nghiêm lại:
- Rõ!.
- Ngoài ra, trong quá trình làm công tác kỹ thuật cũng cần tổ chức cho anh em nghiên cứu thêm về xe máy, vũ khí để khai thác, sử dụng đúng quy tắc hơn.- Quý chưa kịp trả lời Nghĩa đã hỏi tiếp- Bên cậu có những tay nào đã học đại học và trung cấp rồi nhỉ?.
Nhăn trán một thoáng Quý liệt kê:
- Đại học có Bùi Định, Nguyễn Bá Tùng, Lê Tiến Hùng; còn trung cấp có Tập, Lược, Tráng và…tôi cũng chưa nhớ hết.
Nghĩa phấn khởi hẳn lên:
- Thế là tốt rồi, phải biết tận dụng trình độ của số anh em này, cho nó nghiên cứu tài liệu rồi phổ biến cho bộ đội, trước mắt là những nội dung liên quan đến sử dụng xe đã, còn phần vũ khí tính sau.
- Vâng ạ! 
Nghĩa siết chặt tay Quý rồi rảo bước về phía nhà chỉ huy.

Thị xã Vĩnh Yên vốn đã nhỏ bé và tĩnh lặng lại càng như nhỏ bé, tĩnh lặng hơn trong thời chiến. Số đông dân cư đã sơ tán về các vùng đồi núi xung quanh nên ban ngày thị xã khá là thưa thớt, chỉ có hai chỗ thấy tập trung đông người là cửa hàng bách Hóa tổng hợp ngay trước cửa ga và cửa hàng ăn uống cách đó vài trăm mét. Vài năm nay người dân Vĩnh Yên cũng không còn lạ khi thỉnh thoảng lại thấy một đoàn xe tăng chờ tàu ở ga để “đi Nam”. Người quan tâm đến thì chỉ chép miệng: “chắc lại sắp đánh nhau to” và thở dài kín đáo. Chỉ có lũ trẻ con là vẫn không thôi háo hức, mỗi khi xe tăng đến chúng lại túm năm, tụm ba ra quây lấy mấy anh lính trẻ đòi lên xe xem cho bằng được.
Đối với nhiều anh em trong đại đội Bốn này thì thị xã Vĩnh Yên cũng không có gì xa lạ, những ngày học ở trường Cơ khí hay huấn luyện ở đoàn Mười thỉnh thoảng họ vẫn ra đấy chơi trong những ngày nghỉ. Gọi là đi chơi nhưng rốt cục cũng chỉ là đi để thay đổi không khí thôi chứ cuốc bộ mấy cây số ra đến Vĩnh Yên, đi dọc đi ngang một lát, vào cửa hàng bách hóa mua vài thứ lặt vặt (có tem phiếu đâu mà mua), vào cửa hàng ăn làm bát phở hay cái bánh bao, ra hiệu ảnh chụp một vài “pô” rồi về. Vì vậy khi nằm chờ tàu kề ngay bên thị xã họ cũng không háo hức gì lắm đối với chuyện đi chơi.
Nhưng với Bình “trắng” thì không thế. Quê Hà Nội, trắng trẻo, đẹp trai lại “tán” giỏi, ngày học ở trường cơ khí Bình đã nổi tiếng là một tay “sát gái”, khi vào bộ đội còn để lại không ít vấn vương nơi trường cũ nên cuối giờ chiều, sau khi liếc thấy trung đội trưởng Tiến đi về phía nhà chỉ huy hắn đã kéo Lữ Văn Hỏa- lái xe trung đội trưởng:
- Sang trung đội Hai chơi tý đi.
Vốn hiền lành, dễ tính, lại đã xong việc Hỏa gật liền. Cả hai rảo bước về phía trung đội Hai. Đi đường Bình bảo Hỏa:
- Tôi định rủ ông với ông Tập về thăm trường cũ một tý.
Hỏa cười:
- Khóa mình nó cũng ra trường và đi hết cả rồi, còn ai nữa mà thăm!.
Bình nhăn nhở:
- Tôi nói là về thăm trường chứ có nói là về thăm ai đâu. Mà đây về đấy có bao xa, cuốc bộ tiếng đồng hồ là đến thôi mà.
Hỏa ngần ngừ:
- Thôi được rồi! Cứ sang chỗ lão Tập đã.
Cùng học cơ khí ở đại đội này thì khá nhiều nhưng vào bộ đội rồi cùng đi học lái xe thì chỉ có Bình, Hỏa, Tập. Đã tốt nghiệp trung cấp cơ khí nên khi học lái tăng họ đều tiếp thu rất nhanh và có tay nghề thuộc loại vững. Khi về đại đội này thì Bình được chọn lái xe cho đại đội trưởng, Tập làm lái xe cho chính trị viên, Hỏa lái cho trung đội trưởng trung đội Một và bộ ba này vẫn được coi là “cây đa, cây đề” của số anh em lái xe trong đại đội.
Đến cạnh xe của chính trị viên, thấy Tập vẫn đang lúi húi ở buồng truyền động Bình “kích”:
- Này ông Tập, xe còn mới tinh có gì mà phải “tích cực” thế?.
Nguyễn Văn Tập quê Gia Lộc, Hải Hưng, nông dân chính hiệu, chịu khó nhưng hơi cục mịch, biết thằng bạn đồng nghiệp khiêu khích anh thủng thẳng:
- Ừ! Giỏi như các ông thì cần gì phải làm, còn “dốt” như tôi mới phải “cày” nhiều thế này chứ!
Thấy Tập nổi máu tự ái Bình vội dàn hòa:
- Nói đùa đấy! Tôi với Hỏa định rủ ông về trường chơi một lúc. Từ ngày đi đến nay cũng hơn năm rồi còn gì.
Tay vẫn làm nhoay nhoáy Tập đáp:
- Chơi với bời gì! Khóa mình chúng nó đi hết rồi còn ai nữa mà thăm.
Hỏa cũng lên tiếng:
- Tôi cũng bảo thế rồi mà hắn vẫn muốn đi.
Đến lúc này thì Bình phải bộc lộ thâm ý:
- Công nhận là khóa mình ra trường rồi nhưng còn các khóa sau. Mà nghe nói nam giới cũng đi vãn cả rồi còn toàn các “em” thôi, tôi cũng còn mấy “em” đang học ở đấy.
Tập phản công:
- Thế là ông rủ bọn tôi đi làm quân xanh cho ông thăm các “em” chứ trường với sở gì? Phải không ông Hỏa?
Hỏa cười:
- Tôi cũng chẳng có ý định đi, sang đây chơi một tý rồi về “ngơi” thôi.
Bình bị “bóc mẽ” chẳng biết nói thế nào, hắn lẩm bẩm:
- Thì cũng đi một tý cho nó đỡ buồn chứ nằm đây tù cẳng bỏ mẹ.
Ngồi trong ghế trưởng xe vẫn dỏng tai nghe chuyện của bộ ba Bình, Hỏa, Tập, pháo thủ Tráng thấy trong người rạo rực hẳn lên khi nghe thấy Bình nhắc đến các “em”. Vốn có sức khoẻ từ bé, lại được rèn luyện bài bản ngày còn học trung cấp thể thao Thanh Hóa, cơ thể Tráng lúc nào cũng như dư thừa sinh lực. Vì thế đóng quân ở đâu dù chỉ vài ngày hắn cũng kịp gieo rắc một mối tình với chị em quanh đơn vị và nổi tiếng là “máu gái”. Thấy Tập không chịu đi với Bình hắn nhô đầu ra góp chuyện:
- Thế đây vào trường có xa không Bình?.
- Xa xôi gì! Có năm, sáu cây số, cuốc bộ thì hơn tiếng còn nếu ra quốc lộ Hai đi nhờ được xe thì chỉ nhoáy một cái là đến.
Tráng hấp háy đôi mắt vốn lúc nào cũng hum húp của hắn:
- Ông định bao giờ thì đi?
Bình thấy có đồng minh nên phấn khởi hẳn lên:
- Tối nay nhé!.


- Được, tối nay ông sang đây rồi tôi đi với ông, Tráng nhoài hẳn ra bắt tay Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét