Trong
khi đó bốn thằng đã có mặt ở chân dốc Mèo, cách đơn vị gần bốn mươi cây số. Đêm
hôm qua, Bình lên sẵn hầm Xuyên, việc này chúng đã bàn nhau từ trước rồi. Ngay
sau hôm bị B52 đánh chạy vào vị trí mới Bình đã gặng Xuyên:
-
Hôm qua ông nói thế là có ý gì?
Đã
quá hiểu nhau Xuyên thẳng thừng:
-
Tôi nói thật đấy! Muốn sống thì chỉ còn mỗi cách ấy thôi.
-
Nhưng làm thế nào bây giờ?- Bình lại gặng.
-
Có gì đâu? Mình cứ đi ngược lại con đường mấy hôm nọ mình đi là ra Bắc được
thôi mà.
-
Thế về nhà mà bị bắt thì làm sao?- Bình tiếp tục gặng.
-
Sao sao cái gì? Tù nhưng mà sống con ạ!- Xuyên trừng mắt.
Bình
lặng im ngẫm nghĩ. Đúng thế! Nhục một tý nhưng mà không chết, không phải nằm lại
nơi xó rừng như mấy thằng xe 388. Chúng bàn nhau rủ thêm Bến và Minh.
Từ
hôm ấy tối nằm với nhau Xuyên lại tỷ tê, hết nói xa đến nói gần. Bến vốn nhát
như cáy, hắn dễ dàng đồng ý “làm thế nào thì làm, miễn là không chết”. Còn Minh
trẻ người non dạ, chỉ thương bố mẹ, ông bà nên nó bảo: “cứ sống mà về là được”.
Gạ gẫm được hai thằng rồi cả bọn còn gặp nhau mấy lần nữa để bàn kế hoạch và tối
qua chúng đã đem ra thực hiện.
Đợi
mọi người ngủ say bốn thằng lẻn lên đồi vượt qua vọng gác phía ngoài của đại đội
rồi bì bõm dắt nhau lội suối ra đường tuyến. Ngoài tư trang Minh còn lấy số dự
trữ ra mấy cân lương khô ăn đường. Ra đường tuyến bốn thằng vẫy xe đi nhờ nhưng
những chiếc xe chạy không từ Nam ra cứ phóng hết tốc độ phớt lờ bọn chúng. Bình
bảo:
-
Bây giờ phải vào cái barie trên kia nói dối là mình đi công tác rồi nhờ công
binh họ vẫy xe cho đi mới được.
Cả
bọn đến cái barie chỗ cây số 104, chỉ có mỗi người lính công binh đang trực bên
ngọn đèn bão đỏ đùng đục. Xuyên cố tỏ ra thân mật, sau khi chào hỏi xong hắn
trình bày:
-
Báo cáo đồng chí! Bọn tôi đi công tác qua đây nhưng mệt quá, nhờ đồng chí vẫy
giúp hộ cái xe cho chúng tôi đi nhờ thì may quá.
Người
lính công binh còn rất trẻ cười dễ dãi:
-
Được thôi! Có gì khó khăn đâu!
Mấy
phút sau một cái xe đang lặc lừ bò vào, anh công binh hạ cái cần tre xuống và đứng
dậy định vẫy xe thì Xuyên vội nói:
-
Không! Chúng tôi đi ra cơ!
Người
lính công binh nhìn Xuyên nghi hoặc rồi quay nhìn Bình, Bến, Minh một cách dò
xét. Anh quay vào hầm cầm khẩu súng AK rồi hất hàm:
-
Các ông ở đơn vị nào? Đi công tác thì giấy đâu?.
Cả
bốn tên giật mình đánh thót, Xuyên vội chống chế:
-
Chúng tôi ở xe tăng mà. Còn đi công tác gấp quá không kịp lấy giấy.
Người
lính công binh chĩa thẳng khẩu AK vào bốn thằng, dõng dạc:
-
Công tác gì các ông! “Bê quay” phải không? Tôi nói cho các ông biết, nhìn bộ dạng
các ông ai chẳng biết là “Bê quay”. Khôn hồn thì quay lại đơn vị không tôi bắn
bây giờ!
Cả
bọn hoảng hốt chạy quay trở lại. Bình lại nói:
-
Bây giờ mà cứ luẩn quẩn ở đây các lão ấy biết là cho quân ra bắt liền. Vì vậy
không vẫy được xe thì ta phải đi bộ vậy, đi càng xa càng tốt.
-
Nhưng mà qua chỗ kia người ta bắn chết!- Minh mếu máo.
-
Phải tìm cách đi vòng qua thôi!
Bốn
thằng tìm đường vòng tránh cái barie rồi mải miết bám đường tuyến mà đi. Sáng
ra bọn chúng đã tới ngã ba đường 12, Minh mệt quá không đi nổi nữa. Xuyên bảo:
-
Nghỉ giải lao cái đã.
Cả
bọn ngồi trên nóc một cái hầm giở lương khô ra ăn và bàn nhau:
-
Đây vẫn còn gần quá, phải tiếp tục đi nữa- Bình nói.
- Đi cả ban ngày ấy à?- Bến ngơ ngác hỏi, nó sợ máy bay lắm.
- Chứ sao. Ban ngày người ta vẫn đi bộ được mà- Bình kiên
quyết.
- Nhưng em mệt lắm rồi- Minh mếu máo.
-Mệt cũng phải đi! Mày có muốn bị bắt lại không?- Bình trừng
mắt- theo tao ngày hôm nay ta cố gắng đi được tới chân dốc Mèo, buổi tối phục ở
đấy, chỗ dốc nhất ấy. Xe lên dốc bao giờ đi cũng chậm nên mình có thể bám theo
để nhảy lên thùng. Chỉ có cách ấy thôi.
Bốn thằng lại mải miết đi. Mặt trời lên càng cao trời
càng nóng làm thằng Minh không lê nổi chân nữa, cậu ta lại mếu máo:
- Hay là anh em mình quay lại đi! Em mệt lắm rồi.
Bình trừng mắt dọa:
- Mày muốn chết à? Đây là chiến trường, mày biết kỷ luật
chiến trường là thế nào không? Thôi, san ba lô ra chúng tao mang hộ.
Lại thêm cái tội thằng OV10 cứ vè vè trên đầu, cứ đi được
một lúc lại phải dừng lại tránh, Bến than thở:
- Cứ đi thế này không khéo lại chết ở đường ấy chứ!
Đến lượt Xuyên trừng mắt:
- Đừng có gở miệng- Rồi nó nhẹ nhàng hơn ra vẻ vỗ về- Cứ
yên tâm đi! Máy bay nó đến thì ta tránh, làm sao mà chết được.
Bến và Minh vẫn đi theo nhưng trong tư tưởng của chúng đã
bắt đầu có những lung lay.
Tối sẫm hôm ấy chúng đã đến được chân dốc Mèo nhưng thật
đen cho chúng, hôm ấy chỉ có xe vào chứ không có xe ra. Bốn thằng lại phải nằm
vạ vật trong một căn hầm ven đường nhai lương khô, uống nước lã để chờ đêm xuống.
Một ngày dài nằm vạ vật Minh và Bến đã có phần nản chí nhưng mỗi khi thấy ánh mắt
gườm gườm của Bình chúng lại không dám nói gì nữa.
Tối hôm ấy có xe ra, chúng đã bám được xe và ra đến rừng
Thông trong đêm.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần mà mất đến tám người Thận
và Đán lo lắm. Tối hôm qua sau khi gọi các trung đội trưởng và trưởng xe lên
giao nhiệm vụ quản lý bộ đội thuộc quyền hai người còn ngồi bàn bạc với nhau
mãi. Quả đúng như Đán nói: nếu người ta đã muốn trốn và quyết trốn thì chẳng có
biện pháp nào giữ chân người ta được. Vì vậy chỉ có biện pháp giáo dục, động
viên làm sao cho mọi người thấy hết trách nhiệm của mình, của gia đình trước Tổ
quốc và nhân dân, thấy được đi chiến đấu ở chiến trường là niềm vinh dự của mỗi
người, đặc biệt là thế hệ thanh niên. Từ đó tự giác ở lại đơn vị, tự giác làm
tròn nhiệm vụ. Để làm được điều này không chỉ có các bài học chính trị mà còn
hàng loạt các biện pháp giáo dục khác. Hai người nhất trí với nhau: đã cơ bản
hoàn thành nơi ăn ở rồi thì dần dần phải đưa các hoạt động của đơn vị vào nề nếp.
Phải tổ chức các hoạt động thi đua giữa các trung đội, giữa các xe. Tránh tình
trạng xe nào biết xe ấy rồi cứ tối đến là rúc vào hầm nói chuyện linh tinh dễ
phát sinh tư tưởng tiêu cực. Trước mắt ngay từ ngày mai sẽ tổ chức ăn theo bếp
trung đội và “xê bộ”, vừa đảm bảo sinh hoạt chung mà cũng tiết kiệm được lương
thực, thực phẩm.
Hai anh em cứ rì rầm nói chuyện cho đến gần sáng. Thực ra
từ ngày về cùng đơn vị tới nay họ đã có lúc nào tâm sự được với nhau đâu.
Khi người lái xe lên thùng xe mắc võng đi ngủ mới phát hiện
trên thùng xe mình có bốn vị khách không mời mà đến. Trông bộ dạng của chúng
anh hiểu ngay đây là bốn kẻ “bê quay”. Dưới ánh sáng chiếc đèn pin bọc vải nhìn
thấy mấy gương mặt còn búng ra sữa anh thấy cũng thương thương “chúng nó chỉ
hơn tuổi đứa con đầu mình một tý chứ mấy” nên không quát nạt mà rất nhẹ nhàng:
- Sao đi nhờ mà không hỏi han gì cả hả? Thôi! Cứ nằm trên
ấy mà ngủ, sáng mai dậy nói chuyện sau.
Nói rồi anh mắc cái võng phía cuối thùng xe, đặt lưng xuống
là ngáy ầm ầm.
Thấy thái độ người lái xe có vẻ thân thiện bốn thằng bảo
nhau nằm xuống ngủ, một giấc ngủ say sưa sau hai ngày đêm vất vả.
Mãi đến gần trưa cả bọn mới tỉnh dậy, người lái xe đã dậy
từ lúc nào và đi đâu không biết, cả bọn chưa biết làm gì thì anh ta đã về, trên
tay là một mớ rau rừng. Hóa ra đó là một người đã cứng tuổi, gương mặt hiền hòa
nhưng cương nghị. Thấy cả bọn đang ngồi thần mặt ra anh bảo:
- Nào xuống đây! Xúm tay vào nấu cơm chén cái đã, anh lôi
trong ca bin ra một ruột tượng gạo, một hộp thịt kho, mấy cái xoong nồi và cười
hiền từ, cánh lái xe 559 chúng tớ sống cũng khá dễ chịu. Mình chở bao nhiêu
hàng cũng phải kiếm tý chứ, phải không?
Thái độ đó của người lái xe làm cho bốn đứa thấy gần gũi
hơn, sự bối rối sợ hãi dần qua đi. Mấy thằng xúm lại, đứa bắc bếp, đứa rửa
xoong nồi, đứa nhặt rau… chẳng mấy chốc một bữa cơm ngon lành đã được dọn ra.
Sau mấy ngày toàn lương khô, nước lã nay vớ được bữa cơm
ngon cả bốn tên chén như “hùm đổ đó”. Người lái xe nhìn chúng ăn với con mắt rất
hiền từ, độ lượng. Cơm xong, anh pha một ấm trà và đặt bao Tam Đảo ra trước mặt
rồi bảo:
- Cậu nào thích hút thì hút!
Cả bốn thằng rón rén rút mỗi thằng một điếu thuốc rồi
châm lửa rít từng hơi dài, lúc này người lái xe mới hỏi:
- Tớ hỏi thật các cậu, đang đi trốn phải không?
Bốn cái mặt nghệt ra, điếu thuốc trên môi Minh rơi cả xuống
đất, không thằng nào dám nói gì.
- Im lặng là sự đồng ý phải không? Không ai nói gì nghĩa
là các cậu đã thừa nhận. Tại sao các cậu làm thế? Nói đi nào! Anh nghiêm giọng
hơn.
Cả bốn thằng cắm mặt xuống đất, chút tự trọng tối thiểu
trong lòng làm cho chúng thấy xấu hổ vì hành động của mình. Bằng con mắt từng
trải của mình người lái xe hiểu rằng cái thằng mặt non choẹt và thằng mặt đầy
trứng cá chỉ là hai thằng “theo voi hít bã mía”, còn chủ mưu chắc là hai thằng
lì lợm kia. Anh hích tay vào Minh, cái thằng mặt non choẹt:
- Nói đi xem nào! Tại sao trốn?
- Dạ… dạ… nhà em chỉ có mỗi mình em, em mà chết thì ông
bà, bố mẹ em cũng chết mất ạ!
- Còn cậu?- anh hất cằm về phía Bến, thằng có cái mặt đầy
trứng cá.
- Dạ… dạ… Bọn em vừa bị B52 đánh chết mất bốn người, em sợ
cứ thế thể nào em cũng chết.
Còn các cậu?- anh
hất cằm về phía Bình và Xuyên.
Bình quay nhìn đi nơi khác ra vẻ ta không nghe thấy gì,
Xuyên ngượng ngập:
- Thì gian khổ, ác liệt quá anh ạ!
Người lái xe chìa bao thuốc cho mỗi thằng một điếu nữa rồi
từ tốn:
- Các cậu đều còn trẻ lắm phải không? Chắc chỉ hơn thằng
con đầu tớ một hai tuổi là cùng. Mà trông đều có vẻ có học cả. Tớ rất thông cảm
với các cậu nên không giao các cậu cho vệ binh của binh trạm, chứ nếu tớ nói một
câu chúng nó đã ra đây “gô” cổ các cậu rồi.
Anh dừng lại một chút cho chúng ngấm sức nặng câu nói rồi
tiếp:
- Bây giờ, với tư cách là một người lớn tuổi hơn tớ
khuyên các cậu hãy suy nghĩ lại đi, ác liệt thì ác liệt thật đấy nhưng có phải
ai vào đây cũng chết đâu. Như tớ đây này, tớ đã chạy ở đây từ ngày có vận tải
cơ giới đến nay năm, sáu năm rồi mà có việc gì đâu. Sống chết có số, các cậu thấy
thiếu gì thằng đang ở ngoài Bắc hẳn hoi vẫn toi mạng vì bom rơi đạn lạc đó
thôi. Nói ngay như các cậu đây, nếu trời không cho sống thì liệu có mang nổi
cái xác ra đến đất Bắc không? Còn thằng kia- Anh hất đầu về phía Minh- Cậu tưởng
cậu về mà bố mẹ cậu mừng à, khéo không các cụ lại “đi” sớm vì nhục nhã đấy. Cậu
còn trẻ chưa biết chứ ở làng quê mà có thằng con đào ngũ thì chỉ có cách bỏ quê
mà đi nơi khác ở thôi. Lại còn các đơn vị bảo vệ dọc đường nữa chứ, các cậu liệu
có đi thoát không hay lại bị bắt lại cho đi ra trọng điểm sửa đường giữa ban
ngày? Đấy, các cậu cứ nghĩ lại xem, có gì chiều nói với tôi! Còn bây giờ đi ngủ
đã!.
Anh ta bỏ mặc bốn thằng ngồi đấy leo lên võng, mấy phút
sau đã thấy tiếng ngáy pho pho.
Bốn thằng kéo nhau ra một gốc thông ngồi bàn bạc với nhau
rất lâu, có lúc còn “đỏ mặt tía tai”. Cuối cùng mỗi thằng ngồi một xó, đầu cúi
gằm nặng trĩu suy tư.
Sang chiều, người lái xe đã dậy. Nhìn mỗi thằng ngồi một
chỗ anh hiểu giữa chúng đã có sự phân hóa, anh hỏi to:
- Thế nào, các ông “tướng” đã suy nghĩ kĩ chưa? Lại đây
xem nào.
Ba thằng ngồi tụm lại chỗ người lái xe, riêng Bình vẫn giữ
một khoảng cách. Người lái xe lại giục:
- Thế nào các cậu?
Xuyên trịnh trọng:
- Bọn em đã suy nghĩ kỹ về những điều anh nói rồi và thấy
đều đúng cả, nhưng chỉ sợ về đơn vị lại kỷ luật nặng thì chết.
Người lái xe cười ha hả:
- Có gan ăn cắp phải có gan chịu đòn chứ! Nói vậy thôi,
ông cha ta đã dạy: “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” nên các cậu
cứ yên trí. Cứ nhận là tuổi còn trẻ, có một phút yếu lòng, nay đã nhận thức ra
khuyết điểm chẳng ai nỡ kỷ luật nặng các cậu đâu. Nếu các cậu đồng ý quay về
đơn vị thì bây giờ đi nấu cơm, chiều nay anh em ta ăn tươi một chút kỷ niệm cuộc
gặp gỡ này. Buổi tối tớ sẽ đưa các cậu ra chốt trực của công binh đầu kia gửi,
đêm nay toàn xe vào chỉ sáng mai các cậu sẽ về đến đơn vị.
Những nụ cười đã nở lại trên mấy gương mặt trẻ. Người lái
xe cười thầm: “đúng là bọn trẻ con”.
Mọi việc diễn ra theo đúng ý định của người lái xe trừ một
chi tiết: đến phút cuối cùng thì Bình kiên quyết không về đơn vị, nó bảo:
- Tao thà chết đường chứ không mặt mũi nào nhìn thấy anh
Thận và mấy thằng trong xe nữa. Chúng mày về đấy cứ đổ mọi tội lỗi cho tao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét