Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

THÀNH LẬP CÁNH QUÂN DUYÊN HẢI- MỘT QUYẾT ĐỊNH VÔ CÙNG SÁNG SUỐT

Thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn: Thành lập cánh quân Duyên Hải - Đánh địch mà đi
Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào Thành Sơn. Ảnh tư liệu.

Chặng đường cơ động dài trên dưới 1.000 km, quân ta phải vượt qua 569 cây cầu, trong đó có 14 cầu bắc qua sông lớn và nhiều cây cầu đã bị quân địch phá hoại trước khi rút lui.

Sau khi kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ngày 01.4.1975 - Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân đoàn 2 chuẩn bị sẵn sàng cơ động vào Nam Bộ tăng cường cho Quân đoàn 1 tham gia tiến công Sài Gòn.
Lực lượng bao gồm Sư đoàn BB325, Lữ đoàn xe tăng 203 và 1 trung đoàn phòng không. Nhiệm vụ tiếp theo của quân đoàn là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những địa bàn vừa chiếm được.
Những tư tưởng lớn thường gặp nhau
Với tinh thần chủ động tích cực tiến công, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã đến gặp Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn - đại diện của Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận cánh đông.
Nội dung cuộc gặp là muốn thông qua tướng Lê Trọng Tấn đề đạt ý kiến lên trên đề nghị cho toàn quân đoàn cơ động theo Quốc lộ 1 vào tham gia chiến dịch cuối cùng, chia sẻ gánh nặng với các cánh quân khác.
Những lý lẽ chủ yếu mà Bộ Tư lệnh Quân đoàn đưa ra để thuyết phục Phó Tổng Tham mưu trưởng là: quân địch đang rất ngoan cố chống cự, đang thiết lập tuyến phòng ngự rất vững chắc từ Phan Rang kéo qua Xuân Lộc đến Tây Ninh nhằm giữ phần lãnh thổ còn lại.
Trong khi đó Quân đoàn 2 là đơn vị có khả năng cơ động cao, có kinh nghiệm chiến đấu qua nhiều chiến dịch lớn. Nếu đưa vào sử dụng toàn quân đoàn sẽ có thể có đóng góp lớn cho nhiệm vụ chung. 
Những lý lẽ đó đã thuyết phục được Trung tướng Lê Trọng Tấn. Ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất này của Quân đoàn 2 và đích thân ông đã bay ra Hà Nội báo cáo với thủ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh.
Nhận thấy đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 vừa hợp tình, vừa hợp lý nên ngày 5.4.1975 Bộ Tổng Tư lệnh đồng ý cho toàn bộ quân đoàn hình thành cánh quân Duyên Hải vừa đi vừa đánh để vào Nam Bộ tham gia chiến dịch cuối cùng: giải phóng Sài Gòn.
Thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn: Thành lập cánh quân Duyên Hải - Đánh địch mà đi - Ảnh 2.
Thần tốc hành quân. Ảnh tư liệu.
Đó là một quyết định sáng suốt phù hợp với yêu cầu của chiến trường, đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ và đã được kiểm nghiệm trong thực tế.
"Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý"
Theo mệnh lệnh của trên, Quân đoàn 2 sẽ để lại Sư đoàn BB 324 để bảo vệ Huế - Đà Nẵng, đồng thời được bổ sung Sư đoàn 3 Sao Vàng của Quân khu 5 (từ Phan Rang) hình thành cánh quân Duyên Hải cơ động dọc theo Quốc lộ.
Phương châm thực hiện là "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", để chậm nhất ngày 25.4.1975 phải có mặt tại khu vực tập kết chiến dịch ở Rừng Lá (cách Xuân Lộc 20 km) chuẩn bị cho chiến dịch cuối cùng. Về tổng thể, đó là một bài toán khó đặt ra trước Bộ Tư lệnh quân đoàn.
Lúc này, lực lượng của quân đoàn tập trung tại khu vực Đà Nẵng bao gồm 2 sư đoàn bộ binh (Sư đoàn BB 304 và Sư đoàn BB 325), 1 sư đoàn phòng không, 1 lữ đoàn xe tăng, 1 lữ đoàn pháo binh, 1 lữ đoàn công binh, 1 trung đoàn thông tin. Nếu cộng cả quân số cơ quan và các đơn vị trực thuộc nữa quân số lên tới hơn 3 vạn người.
Bên cạnh số quân đông đảo đó là hàng chục ngàn tấn phương tiện chiến đấu như tăng thiết giáp, pháo mặt đất, pháo cao xạ... và rất nhiều loại trang bị vũ khí khác.
Trong khi đó, chặng đường cơ động dài trên dưới 1.000 km, phải vượt qua 569 cây cầu, trong đó có 14 cầu bắc qua sông lớn và nhiều cây cầu đã bị quân địch phá hoại trước khi rút lui.
Chỉ tính riêng đoạn từ Đà Nẵng vào đến Quy Nhơn đã có 8 cây cầu bị phá, trong đó có những cầu lớn như Câu Lâu (bắc qua sông Thu Bồn), Kế Xuyên, Bà Rén, Mộ Đức v.v..
Ngoài ra, sau khi mất Quân khu 1 và phần lớn Quân khu 2, phía Việt Nam cộng hòa (VNCH) đã thiết lập tuyến phòng thủ mới ở Phan Rang nhằm cố thủ phần đất còn lại. Muốn vượt qua đó để vào Nam Bộ chỉ có một cách là "đánh địch mà đi".
Thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn: Thành lập cánh quân Duyên Hải - Đánh địch mà đi - Ảnh 3.
Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não VNCH tại Ninh Thuận lúc 9h30, ngày 16-4-1975. Ảnh tư liệu
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 với sự tham mưu đắc lực của các cơ quan đã giải rất chính xác và hoàn hảo bài toán này.
Trước hết, căn cứ vào tình hình mọi mặt, cân đối giữa nhu cầu và khả năng bảo đảm một bản kế hoạch hành quân tối ưu đã được xây dựng lên. Theo kế hoạch này, toàn bộ lực lượng của quân đoàn được chia làm 5 khối.
Trong đó khối 1 gồm Sư đoàn BB 325 được tăng cường Trung đoàn cao xạ 284 và 2 Tiểu đoàn TTG 4,5 trang bị xe tăng thiết giáp bơi nước. Với lợi thế xe bơi nước, khối này sẽ xuất phát sớm nhất và có nhiệm vụ "đánh địch mở đường" cho quân đoàn.
Khối 2 gồm Sở chỉ huy cơ bản, các đơn vị trực thuộc, Sư đoàn phòng không 673.
Khối 3 gồm Lữ đoàn XT 203 và 1 tiểu đoàn của Lữ đoàn CB 219.
Khối 4 gồm Sư đoàn BB 304 và Trung đoàn CX 245.
Khối 5 là Sư đoàn 3 (Sao Vàng) sẽ sáp nhập vào quân đoàn từ Phan Rang.
Ngày 7.4.1975, khối 1 của quân đoàn lên đường. Các khối còn lại sẽ lần lượt xuất phát sau, mỗi khối cách nhau 2-3 ngày.
Nhìn chung, đó là một kế hoạch hoàn hảo, chặt chẽ và tối tưu. Vì vậy, sau khi phá toang "Lá chắn thép" Phan Rang ngày 15.4.1975, toàn bộ đội hình cánh quân Duyên hải đã có mặt tại khu vực tập kết Rừng Lá (Long Khánh) trước ngày 25.4.1975, kịp thời tham gia và lập công lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 Những chiến công vang dội và đóng góp to lớn của cánh quân Duyên Hải vào thắng lợi vĩ đại Mùa Xuân 1975 đã chứng tỏ quyết định thành lập cánh quân này là một quyết định vô cùng sáng suốt của Bộ Thống soái tối cao.
http://soha.vn/than-toc-tien-ve-giai-phong-sai-gon-thanh-lap-canh-quan-duyen-hai-danh-dich-ma-di-20170406100758977.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét