Mặc
dù vẫn hay trêu chọc Liên là “lái xe tăng kiêm triết gia nửa mùa” Nhã vẫn thừa
nhận thằng cha này trích dẫn nhiều câu rất hay, rất hợp cảnh hợp tình. Sau hôm
đại đội anh xảy ra “sự cố Phượng Hoàng” Liên bảo: “Đau khổ bao giờ cũng là điều
không ai mong muốn. Nhưng đau khổ làm người ta trưởng thành, cao quý hơn lên”.
Đúng là như vậy, sau sự cố đó cán bộ, chiến sĩ trong đại đội như già dặn hẳn
lên. Trên những khuôn mặt gày sắt, sạm đen chỉ còn thấy hai con mắt nhưng ẩn
chứa bên trong là một ý chí không gì bẻ gãy nổi: “phải chiến thắng, chiến thắng
để rửa hận”.
Sau khi đi dự hội nghị rút kinh nghiệm
do binh chủng tổ chức về Nhã và Hàn đã tổ chức sinh hoạt Hội đồng quân nhân.
Sau khi đánh giá một cách tổng thể ưu, khuyết điểm của trận đánh đích thân đại
đội trưởng Nhã đã tự kiểm điểm một cách sâu sắc trước toàn đơn vị. Có lẽ trong
đời đây là lần đầu tiên Nhã nói dài và xúc động như vậy. Anh nhận về mình
khuyết điểm đã chỉ huy đơn vị chưa tốt, lại thiếu chủ động khi đánh giá tình
hình, thực hiện chế độ trực liên lạc chưa nghiêm nên đã để xảy ra hậu quả
nghiêm trọng cho đơn vị.
Tiếp đó đến phần kiểm điểm của chính trị viên Hàn. Hàn
không nói nhiều, anh nhận tất cả khuyết điểm về mình. Là một chính trị viên,
người anh cả của đại đội nhưng anh đã phụ lòng tin của mọi người, đã giáo dục
chiến sĩ không tốt, đã chấp hành không nghiêm chế độ bảo mật v.v… và v.v… Cuối
cùng Hàn xin lỗi tất cả anh em và bật khóc nức nở trước toàn đơn vị.
Dường như nước mắt của người chính trị viên đại đội có
khả năng lây lan thì phải. Hơn ba chục chàng trai trẻ mắt đều đỏ hoe, có cậu
khóc thành tiếng. Ngồi duy trì cuộc họp nhưng Nhã cũng cảm thấy mắt mình ươn
ướt. Anh hiểu đây không phải là những giọt nước mắt yếu đuối. Những người lính
của anh là một thế hệ có văn hóa, hơn một phần ba trong số họ là sinh viên các
trường đại học. Vì thế họ có lòng tự trọng rất cao. Chắc chắn họ không khóc vì
sợ hãi, vì nản chí. Họ khóc vì sự non nớt, vụng dại của mình. Họ khóc vì những
người đồng đội và bốn chiếc xe tăng thân yêu đã vì sự non nớt ấy mà ra đi một
cách oan uổng. Họ khóc vì tủi hổ, vì đã phụ lòng kỳ vọng của cấp trên, của đồng
đội. Họ khóc vì mỗi người đều cảm thấy bản thân mình có phần khuyết điểm trong
đó. Thế rồi họ nói, tranh nhau nói. Không vòng vo, không tránh né họ tuôn ra
hết những suy nghĩ, những ấm ức đã chôn chặt trong lòng mình bấy lâu nay. Nhưng
có một điểm chung: tất cả đều hết sức thành khẩn nhận những thiếu sót về mình-
kể cả những việc mà nếu họ không nói ra thì chẳng ai được biết.
Khi những ẩn ức được giải tỏa những người lính như
được lột xác. Không còn những bộ mặt chán chường, uể oải mà thay vào đó là một
sinh khí mới. Họ lao vào chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới với một bản lĩnh
mới, một tâm thế mới.
***
Vụ việc um xùm trong dư luận cuối cùng cũng được giải
quyết rốt ráo. Chính trị viên Trần Xuân Hàn bị kỷ luật giáng chức, chính trị
viên phó Dư lên thay. Đại đội trưởng Nhã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng được giữ
nguyên chức vụ. Pháo thủ Thủy cũng bị cảnh cáo nhưng Nhã không thay, vẫn để cậu
ta ở lại xe mình. Về phía Bộ tư lệnh cũng phải tổ chức mấy đoàn cán bộ đến các
gia đình cán bộ, chiến sĩ có tên trong danh sách để giải thích, động viên.
Nhưng công việc này cũng không hề đơn giản. Chủ nhiệm chính trị Thu bảo: “không
dưng kéo đến nhà người ta mà không khéo có khi lại sinh chuyện”. Vì vậy các
đoàn đi đều được căn dặn kỹ về phương pháp làm việc. Trước hết là phải dựa vào
đảng bộ, chính quyền địa phương. Sau nữa phải nghe ngóng dư luận để tùy tình
hình mà xử trí. Thật may, hơn ba chục lá thư cùng với ảnh từ Bộ tư lệnh tiền
phương đã được chính ủy Ngọc cầm ra rất kịp thời. Anh em cán bộ vì vậy cũng có
“bảo bối” nên dễ ăn, dễ nói hơn.
Theo nhiệm vụ được phân công trợ lý Hữu đã rong ruổi
ba ngày nay trên chiếc xe Phượng Hoàng tiếp phẩm mượn của nhà bếp. Suốt ba ngày
mải miết đi, nghe ngóng, tìm hiểu anh đã đến được năm gia đình chiến sĩ ở cái
tỉnh trung du này. Mới có năm gia đình nhưng cũng đủ cả “hỷ, nộ, ái ố”. Hai gia
đình đã nghe được tin dữ, nhà buồn như có đám tang, người nhà còn lên xã đòi
địa phương phải tổ chức lễ truy điệu cho con em mình cho nó “hy sinh được thanh
thản”. Một gia đình khác cũng đã biết tin nhưng ông nội của chiến sĩ đó vẫn
bình tĩnh như không, cụ bảo: “thằng ấy có ném vào giữa bãi bom nó vẫn sống nhăn
răng”. Thế rồi khi Hữu mang thư và ảnh đến cụ cười khoái chí bảo bố, mẹ cậu ta
vẫn đang nửa tin, nửa ngờ: “Thấy chưa? Tôi đã bảo mà! Cháu tôi làm sao chết
được!”. Tò mò, Hữu hỏi sao cụ dám chắc như đinh đóng cột vậy thì cụ cười: “Tử vi
của nó, cung Mệnh có Thiên Lương miếu địa, lại hội hợp Quang, Quý, Thiên Giải,
Địa Giải thì tai họa nào mà chẳng qua. Ngày nó đi bộ đội bố mẹ nó cứ lo chứ tôi
thì tôi bảo cứ đi đi, hoàn thành nhiệm vụ với quốc gia là trên hết. Đấy! Các
anh chị còn bảo tôi là mê tín nữa hay không?”. Hai gia đình nữa thì chưa biết
tin gì nhưng cán bộ địa phương cũng đã nghe loáng thoáng, khi Hữu về các anh
như trút được gánh nặng. Nhận được thư và ảnh của con em, lại giải tỏa được mối
lo nhà nào cũng khẩn khoản làm cơm đãi. Thành ra mấy ngày nay hôm nào Hữu cũng
được ăn cỗ. Còn hôm nay anh sẽ đến địa chỉ cuối cùng của chuyến công tác. Đó là
nhà đại đội trưởng Ngô Văn Nhã.
Vừa gò lưng trên con ngựa sắt tồng tộc Hữu vừa nhớ lại
lần gặp Nhã đầu tiên. Đó là dịp đầu năm ngoái, khi anh đi thâm nhập đơn vị
trong chiến dịch Đường Chín- Nam Lào. Lần đó cậu lái xe hay thơ đã kéo anh và
họa sĩ Trí về xe 567 đón Xuân sớm. Trong căn hầm chật chội dưới bụng chiếc xe
PT76 ấy mấy anh em anh đã cùng thưởng thức chè Thái chính hiệu, hút thuốc lá
Điện Biên, ăn kẹo Hải Châu và tán dóc đủ thứ chuyện của đời lính chiến trường.
Hai trợ lý chính trị chỉ ngồi nghe mấy cậu lính trẻ kể bao nhiêu chuyện buồn
cười của lính, nhất là cái cậu pháo thủ Hòa đen, mồm mép cứ như tép nhảy. Nhưng
người để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với Hữu hôm ấy lại chính là người trưởng
xe ít nói nhất. Không hoa mỹ như Cân, không lém lỉnh như Hòa, cũng không bộc
tuệch như Thắng nhưng đã nói câu nào là chắc như đinh đóng cột câu đó. Ở anh
toát lên vẻ điềm đạm, chín chắn và đặc biệt là sự tin cậy. Đối với những con
người như vậy đồng chí, đồng đội có thể tin tưởng hoàn toàn. Hữu nghĩ bụng:
“Không biết hôm nay tình huống sẽ xảy ra thế nào đây?”.
Nơi dừng chân đầu tiên của Hữu như thường lệ là trụ sở
ủy ban xã. Đang giữa đợt cao điểm chăm sóc lúa chiêm nên trụ sở ủy ban vắng như
chùa Bà Đanh. Phải đợi gần nửa tiếng cô văn thư mới tìm được chủ tịch xã về.
Vừa trông thấy Hữu với đôi quân hàm trung úy xe tăng trên ve áo chủ tịch xã đã
niềm nở:
- Đồng chí ở binh chủng Thiết giáp à? Về xã tôi có
việc gì đấy? Hay lại sắp tuyển quân?
Liếc nhìn xung quanh chẳng thấy một ai Hữu mới nhỏ
nhẹ:
- Dạ! Không ạ! Tôi có chút việc hơi đặc biệt một chút.
Sau khi nghe Hữu trình bày lý do đến công tác ở địa phương
chủ tịch xã nở nụ cười thật hồ hởi để lộ cả hàm răng ám khói thuốc lào vàng
khè:
- May quá! Thực ra chúng tôi cũng đang đau đầu về việc
của cậu Nhã đây. Tin này chúng tôi cũng nghe được từ mấy hôm nay rồi. Khổ! Cậu
anh đi B từ năm 65 đến nay chẳng thấy tin tức gì. Bây giờ lại có tin cậu Nhã hy
sinh. Bà cụ mà biết tin này không hiểu có qua khỏi được không? Có đồng chí về
thế này may quá!
Hữu cúi đầu lặng im. Đúng là những người lính như anh
đi vào chiến trường nhẹ nhàng bao nhiêu thì đối với những người mẹ, người vợ ở
nhà sự chờ đợi lại nặng nề bấy nhiêu. Mãi sau anh mới hỏi:
- Thế các đồng chí đã có biện pháp gì chưa? Mà tình
hình gia đình Nhã thế nào, các đồng chí có nắm được không?
Chủ tịch xã lắc đầu:
- Thì còn biết làm gì hơn ngoài việc răn de, ngăn chặn
mấy tay hay ngồi lê, đôi mách trong xã thôi. Tuy nhiên cũng chẳng biết có hiệu
quả gì không. Tai vách mạnh rừng mà, đồng chí ạ! Nhưng chúng tôi cũng thường
xuyên theo dõi. Từ hôm ấy đến nay không thấy có điều gì đặc biệt, có vẻ như gia
đình vẫn chưa biết gì. Cô Hiền vẫn đi làm bình thường. Còn bà cụ bị mệt thì
phải, thấy nằm trong nhà suốt.
Hữu nhanh nhảu:
- Vậy thì thuận lợi rồi. Bây giờ nhờ đồng chí đưa tôi
đến nhà cậu ấy. Trước là thăm hỏi bà cụ và gia đình. Sau nữa sẽ nói rõ mọi
chuyện để gia đình yên tâm.
***
Khi hai người đã vào đến sân căn nhà ba gian vẫn im
lặng như tờ. Mãi đến khi bước lên thềm hai anh em mới thấy mẹ Nhã đang nằm bẹp
trên giường, mặt quay vào phía trong, bên cạnh là một bà cụ đang ngồi bỏm bẻm
nhai trầu. Thấy hai người xuất hiện bà cụ đang ngồi bên mép giường quệt vội
quết trầu bên mép rồi đon đả:
- Chào hai ông!- Bà quay vào lay vai người nằm trên
giường- Thím ơi! Ông chủ tịch đến thăm này.
Mẹ Nhã từ từ quay lại, đôi mắt mờ đục dường như không
còn sinh khí. Hữu vội bước lại bên giường, anh đặt gói quà đã chuẩn bị sẵn
xuống đầu giường rồi khẽ khàng:
- Thưa mẹ! Con ở binh chủng Thiết giáp. Có việc qua
đây vào thăm mẹ một chút. Có chút quà của thủ trưởng binh chủng biếu mẹ.
Bà cụ nhìn chằm chằm vào ve áo Hữu một lát rồi cất
giọng nhỏ nhưng rành giọt:
- Thằng Nhã nhà tôi chết rồi phải không?
Hữu cuống quýt:
- Sao mẹ lại nói vậy! Chúng con đến thăm mẹ thật mà.
Chủ tịch xã cũng bối rối:
- Cụ nghe ở đâu mà nói thế! Tôi đã xem giấy giới thiệu
của đồng chí ấy rồi. Đúng là đồng chí ấy ở đơn vị của cậu Nhã nhà ta đấy cụ ạ!
Bà cụ ráo hoảnh:
- Các anh không phải nói nữa! Tôi đã biết rồi. Tôi
chịu được! Nhưng tôi xin các anh đừng cho con dâu tôi biết. Cứ để yên cho nó
sống với tôi ít nữa. Chắc cũng chẳng được lâu đâu.
Hữu bỗng thấy cổ họng mình khô lại, anh e hèm mấy cái
rồi mới cất được lời bằng cái giọng khản đặc:
- Không phải thế đâu mẹ ạ! Nhã vẫn mạnh khỏe, lại có
thư về nhà đây này.
Hữu lúi húi mở cái xắc- cốt lấy thư. Mẹ Nhã vẫn ráo
hoảnh:
- Các anh đừng nói dối tôi nữa. Có ông chủ tịch xã ở
đây, tôi cũng chẳng dám giấu ông: mấy người ở xã bên nghe được đài miền Nam nó
đọc tên thằng Nhã chết rồi. Mà không phải một người nói đâu.- Bà dừng lại hơi
dỏng tai lên rồi gấp gáp- Con dâu tôi nó về rồi đấy! Các ông làm ơn đừng nói gì
với nó nhé!
Đúng là Hiền đã về thật. Đang cắm cúi tát nước vào đám
ruộng “phần trăm” cô thấy bà hàng xóm bảo có ông chủ tịch xã với một anh bộ đội
đến nhà. Thế là chẳng kịp thu bộ gầu sòng cô cắm đầu, cắm cổ chạy về. Nước mắt
lưng tròng, cô nghĩ: “Chả lẽ anh chết thật rồi sao? Lạy Trời các anh ấy đừng có
cho bà cụ biết”. Cô những mong bay được về nhà để ngăn họ lại. Nhưng có lẽ
không kịp nữa rồi. Họ đã ở trong nhà được một lúc, anh bộ đội thì đang móc mớ
giấy tờ trong xắc- cốt ra, ông chủ tịch thì đang nói gì đó với bà cụ. Nghĩ
bụng: “chắc là anh ta đang lấy giấy báo tử” cô chạy vụt vào nhà cố nặn ra bộ
mặt tươi tỉnh:
- Chào bác! Chào anh! Anh ở đơn vị nhà em về chơi ạ?
Hữu dừng tay ngẩng lên, anh cũng tươi cười:
- Chào chị! Vâng, tôi ở đơn vị anh Nhã về đây!
Hiền liến thoắng:
- Mời bác, mời anh ngồi chơi xơi nước!- Cô xăng xái
bước đến bên chiếc bàn gỗ mộc kê ở gian giữa rót nước từ bình tích ra mấy cái
chén- Thế nhà em có khỏe không? Anh ấy có viết thư về không hả anh?
Bà cụ lúc này mới nhỏ nhẹ:
- Vâng! Tôi sơ ý quá. Mời ông chủ tịch và anh ngồi
chơi xơi nước ạ! Nhà quê chả có chè cháo gì, chỉ có nước vối thôi.
Hiền vẫn liến thoắng:
- Thế anh mới ở trong kia ra à? Trong ấy mình đánh to
quá anh nhỉ? Ở ngoài này suốt ngày nghe tin chiến thắng mà phấn khởi quá. Có cả
một trung đoàn địch ra hàng hả anh?
Hữu hơi ngạc nhiên về thái độ của hai mẹ con bà cụ nhà
này. Chợt một tia chớp lóe lên trong đầu anh: cả hai con người này đều đã nghe
tin dữ nhưng đang cố tìm cách giấu nhau. Mắt Hữu chợt rưng rưng, anh ngồi ghé
xuống mép giường nắm lấy tay bà cụ và khẽ khàng:
- Thưa mẹ! Thưa chị! Đúng là trong kia ta đang đánh
rất to và thắng rất lớn. Còn anh Nhã nhà mình thì vẫn khỏe, vẫn vui và có biên
thư về đây, có cả ảnh nữa mẹ ạ!
Hữu đặt lá thư và mấy tấm ảnh vào tay mẹ Nhã. Bà cụ
cầm lấy nhưng mắt vẫn nhìn đâu đó như đang nhìn vào cõi hư vô. Dường như cụ
nghĩ đây chỉ là “trò mèo” mà mấy người này đem ra lòe mình. Hiền xán lại gần
mẹ, bà cụ đưa mớ giấy tờ cho cô như người mộng du:
- Con đọc đi! Có gì hay thì kể cho mẹ nghe!
Hiền chăm chú nhìn mấy tấm ảnh, cô reo lên vui mừng nhưng
nghe đầy giả tạo:
- Mẹ ơi! Anh Nhã đây này! Ôi! Ảnh đẹp quá- Cô chìa mấy
tấm ảnh về phía bà cụ- Mẹ xem này! Nhà con có khi còn béo khỏe hơn hồi về phép
năm ngoái mẹ ạ!
Mẹ Nhã vẫn bình thản:
- Ừ! Cứ để đấy lúc nào mượn cái kính bên bác Cả về rồi
mẹ xem. Mắt mũi bây giờ có nhìn thấy cái gì đâu.
Nghe những lời ấy Hữu biết rằng cả mẹ Nhã và Hiền đều
không tin Nhã còn sống. “Chắc họ nghĩ rằng đây là thư cũ, ảnh cũ của Nhã bây
giờ đem về để lừa họ đây”. Nghĩ vậy anh đứng dậy khẽ khàng nhưng đĩnh đạc:
- Thưa mẹ! Thưa chị! Chúng con không dám giấu mẹ, giấu
chị việc này: vừa rồi do sơ xuất của một đồng chí cán bộ khi đi công tác, danh
sách của đơn vị đồng chí Nhã nhà ta bị lọt vào tay địch rồi bị chúng đem phát
trên đài. Sợ rằng gia đình nghe được sẽ lo lắng nên chúng con đã phải vào tận
đơn vị của anh Nhã, chụp ảnh cho anh em và yêu cầu tất cả anh em trong đơn vị
viết thư gửi về nhà ngay để ở nhà yên tâm. Mẹ đừng nghĩ chúng con nói dối- Quay
sang Hiền anh giục- Chị cứ bóc thư anh Nhã ra sẽ biết, thư mới viết cách đây có
mấy ngày thôi.
Hiền run run bóc lá thư. Vừa liếc qua mấy dòng đầu cô
đã khóc òa:
- Mẹ ơi…! Nhà con vẫn s…ống!
Đến lúc này bà cụ mới run run túm lấy tay Hữu, đôi mắt
bà sáng lên tia hy vọng mong manh:
- Anh nói thật đấy chứ! Thật chứ?
Hữu đưa cả hai tay cầm bàn tay nhăn nheo của mẹ, anh
nghẹn ngào:
- Thưa mẹ! Chúng con đâu dám nói dối mẹ. Chính vì sợ
mẹ, sợ chị ở nhà nghe được tin không hay rồi suy nghĩ này khác chúng con mới về
đây chứ. Mẹ cứ tin ở con! Anh Nhã nhà mình đang rất khỏe nhưng cũng đang rất
bận nên chưa thể về thăm nhà được.
Mẹ Nhã đột ngột ngồi thốc dậy, bà gạt tay người chị
dâu đang định đỡ mình ra. Hiền hoảng hốt chạy lại bên mẹ:
- Kìa mẹ! Mẹ đang ốm mà.
Bà cụ vung tay tuyên bố rất hùng hồn:
- Ốm nhưng giờ thì khỏe rồi.
Hiền thì cười trong nước mắt:
- Thế mà…
Chiều hôm ấy mặc dù từ chối mãi Hữu vẫn phải ở lại ăn
bữa cơm với mẹ con Hiền. Mãi tối mịt anh mới lên xe đạp miết về cơ quan nhưng
lòng vui như trảy hội. Còn mẹ Nhã từ tối hôm ấy lại vào ngủ với con dâu. “Hôm
nay hết cúm rồi, không sợ lây nữa”- Bà bảo vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét