Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 11


Lội xuống tận mép nước rồi chăm chú đứng nhìn sang bờ bên kia một lúc chủ nhiệm kỹ thuật Quỳ quay lại chỗ mấy cán bộ trung đoàn và Bắc đang đợi bên mọt lùm tre ở sát bờ sông. Lãm sốt ruột:
- Anh thấy thế nào? Chỗ này liệu có qua được không?
Quỳ gật đầu:
- Bờ bên này thoải, chất đất khá chắc nên bến xuống không có vấn đề gì. Bờ bên kia khá cao nên phải mất công cải tạo chút ít tôi tin là sẽ vượt được.
- Có mất nhiều thời gian không?- Lãm nôn nóng.
- Cũng không lâu đâu! Chỉ cần mấy cân bộc phá và san lấp qua qua là được thôi. Nếu các anh nhất trí thì độ 5 giờ tôi cho công binh lên làm, chỉ độ một tiếng là xong.
Lãm gật đầu:
- Thôi được! Ta nhất trí chọn chỗ này nhé!
Cậu chiến sĩ thông tin chạy lại gần nói nhỏ:
- Báo cáo thủ trưởng! Có điện của thủ trưởng Ngư.
Lãm gần như vồ lấy tổ hợp, anh nói như quát chẳng cần mật ngữ:
- A- lô! Tôi Lãm nghe đây! Báo cáo tình hình đi!
Chẳng biết đầu bên kia nói những gì, chỉ thấy Lãm hết “Sao?”, “Thế nào?” lại” “Nhắc lại đi!” một hồi. Cuối cùng anh buông tổ hợp thẫn thờ:
- Không đi được!
Cả mấy cặp mắt cùng nhướng lên. Võ sửng sốt:
- Sao? Anh nói cụ thể xem nào?
- Đường thì bị bom phá tan hoang, hai bên thì toàn ruộng lầy thụt không có chỗ vòng tránh- Lãm chán chường.
- Liệu có khắc phục được không?- Võ cố gặng. Lãm lắc đầu:
- Chịu! Các cậu ấy đếm được từ nam Hiền Lương đến Dốc Miếu có gần trăm hố bom trúng tim đường. Lại còn ở nam Dốc Miếu nữa chứ. Vì vậy có tập trung cả trung đoàn mình làm cũng phải mất vài ngày mới xong được- Anh chán nản nói thêm- Mà nếu có băng qua được cũng khó mà tiến được vì pháo biển đang bắn dồn dập vào đoạn nam Dốc Miếu đến Quán Ngang. Chắc chúng đang tập trung ngăn chặn quân ta ở hướng này. Nhóm các cậu ấy cũng bị thương hai người rồi.
- Vậy bây giờ các cậu ấy ra sao?- Chính ủy Võ lo lắng.
- Đã cấp cứu nhau rồi và đang tạm thời trú ẩn ở Dốc Miếu.
Không ai nói gì nữa, mỗi người như đang theo đuổi ý nghĩ riêng trong đầu. Trong im lặng càng nghe rõ những tiếng “ùng, oàng” không dứt từ phía nam vọng về. Trợ lý Bắc không nén nổi nữa:
- Vậy các anh tính sao bây giờ?
Cái trán vốn đã nhăn của trung đoàn trưởng Lãm càng nhăn sâu thêm:
- Còn làm sao bây giờ? Phải báo cáo lên mặt trận đề nghị chi viện lực lượng để khắc phục đường sá thôi!
Bắc lắc đầu:
- Chẳng có lực lượng nào chi viện đâu. Tôi biết rồi, công binh của mặt trận chỉ có một trung đoàn thiếu hiện đang phân tán cho cánh bắc và cánh tây để hộ tống hai tiểu đoàn của H03 và các lực lượng cơ giới khác hết rồi. Bây giờ muốn tập trung được cũng phải mất vài ngày.
Lãm buông thõng:
- Thế thì chỉ có nước đề nghị trên rút lại lệnh thôi!
Chính ủy Võ trợn mắt:
- Thế nghĩa là sao? Nghĩa là thoái thác nhiệm vụ à?- Không thấy ai trả lời Võ vẫy chiến sĩ thông tin- Mở máy cho tôi liên lạc với tổ trinh sát.
Người chiến sĩ thông tin mở máy, điều chỉnh lại tần số và liên lạc thử xong mới trao tổ hợp cho Võ. Võ ôn tồn:
- Anh Ngư đấy à? Tôi Võ đây! Đề nghị anh báo cáo chi tiết tình hình đường sá bên ấy như thế nào và đánh giá thật chính xác khả năng cơ động. Liệu chúng ta có thể vượt qua được không?
Mấy con mắt chăm chú nhìn Võ nhưng cũng chỉ thấy anh “ồ”, “à” và yêu cầu “nhắc lại đi”. Cứ thế một lúc lâu mới thấy Võ nói:
- Thôi! Cứ ở tạm đấy cho an toàn. Lúc nào ngớt bom, pháo thì cho anh em về nhé! Cố gắng đừng để thương vong thêm nữa- Trao trả tổ hợp cho người chiến sĩ thông tin Võ quay lại- Chịu hẳn rồi. Tay Ngư này với cậu đại đội trưởng công binh cũng là những người rất có kinh nghiệm mà đánh giá thế chắc không sai đâu.
Bốn người lại chúi mũi vào tấm bản đồ, những con mắt mở to như muốn đào bới trên tấm giấy đã xỉn mầu có con đường nào khả dĩ dẫn đến nơi họ muốn. Nhưng không có con đường nào cả! Có vẻ như họ đã bế tắc hoàn toàn. Chợt chính ủy Võ vỗ vai Bắc:
- Này Bắc! Ông vừa nói từ bắc sông Cửa Việt trở lên đây đã được giải phóng rồi phải không?
- Đúng thế!- Bắc xác nhận.
- Vậy thì có cách rồi! Thế này nhé- Võ chỉ tay vào bản đồ- Ta sẽ bơi vượt sông ở sát Cửa Tùng, sau đó đi theo bờ biển, khi nào gặp sông Cửa Việt thì quặt về phía tây theo vệt đường này thế nào cũng đến được Sòng- Tay Võ di theo một vệt đường mòn chạy từ bờ biển về phía tây.
Mấy bộ mặt cùng tươi lên nhưng rồi lại xịu ngay xuống. Lãm trợn mắt:
- Đi theo bãi biển? Anh nói thế nào chứ cái xe tăng mấy chục tấn xuống đó để mà lầy cả nút à?
Võ cười đắc thắng:
- Không sao đâu! Quê tôi ở vùng biển, tôi biết! Cát ở sát mép nước rất chắc, xe mình chứ T54 có đi xuống đấy cũng không sao. Mà đoạn này các anh thấy không, rất bằng phẳng. Chỉ có một khó khăn là vượt qua cồn cát để vào phía trong thôi.
Chủ nhiệm kỹ thuật Quỳ cũng gật đầu:
- Đúng đấy! Xe ta hoàn toàn có thể đi theo bờ biển được. Hồi học bên kia khi tham quan diễn tập đổ bộ đường biển tôi đã thấy xe tăng, thiết giáp chạy thoải mái trên bãi cát sát biển mà không sao cả.
Lãm vẫn chưa tin tưởng cho lắm:
- Chạy theo bờ biển thì chắc là được nhưng làm sao vượt được hàng ki- lô- mét cồn cát để vào bên trong được.
Võ trầm giọng:
- Kể ra cũng khó nhưng tôi tin chắc rằng xuyên qua các cồn cát thế nào cũng có đường dân sinh mà ta có thể lợi dụng được. Cùng lắm là ta xuống sông Cửa Việt rồi bơi ngược lên. Mà cơ động đường này lại tạo được bất ngờ cho địch đấy, chúng không thể ngờ ta lại xuất hiện ở hướng này.
Lãm vẫn chưa xuôi:
- Nói chung tôi thấy thế cũng phiêu lưu lắm. Cứ cho là ta đi dọc theo mép biển rồi vượt qua cồn cát được nhưng cái vệt đường mòn kia liệu có cho phép ta đi tiếp được không?
Võ hơi cáu:
- Thế anh định thế nào? Báo cáo lên trên xin rút lui à?- Đợi một lúc không thấy Lãm nói gì anh mới hạ giọng- Thôi! Không tranh luận nữa. Bây giờ chỉ có hai con đường: một là vượt sông như chúng ta vừa bàn. Hai là thoái thác nhiệm vụ. Anh chọn con đường nào?
Lãm cúi đầu. Đúng như vậy thật! Trước mắt anh bây giờ chỉ có hai con đường như chính ủy Võ đã nói. Thoái thác nhiệm vụ thì chẳng ai muốn cả. Nhục lắm! Nhưng vượt sông theo con đường ấy cũng hết sức phiêu lưu. Liệu có đến đích được không hay là lại chôn chân ở một bãi cát nào đấy. Chính lúc này anh cảm nhận thấy thật đày đủ sức ép của hoàn cảnh đặt lên vai một người chỉ huy. Việc đưa ra một quyết định lúc này quả là khó khăn bởi nó liên quan đến thành bại của cả trận đánh và quan trọng hơn là sinh mạng của hàng trăm, hàng chục con người. Cuối cùng Lãm ngẩng đầu lên:
- Tôi cho rằng nếu ta báo cáo lên trên xin hoãn trận đánh hoặc lùi lại vài ngày thì cũng không phải là thoái thác nhiệm vụ. Anh nói như vậy có nặng quá không?
Chính ủy Võ căng thẳng:
- Thế thì anh bảo phải gọi là gì mới đúng? Không lẽ tôi lại phải đọc lại lời thề thứ hai cho anh nghe à?
Lãm hơi cáu:
- Anh không phải nặng lời như thế! Đã đành là phải tận tâm tận lực hoàn thành nhiệm vụ nhưng nếu nhiệm vụ đó là bất khả thi thì làm sao mà hoàn thành được?
Thấy Lãm cáu chính ủy Võ dịu giọng:
- Nhưng đây đâu đã phải là bất khả thi? Chúng ta vẫn còn một giải pháp nữa để hoàn thành nhiệm vụ cơ mà.
Lãm vẫn hơi căng thẳng:
- Nhưng giải pháp ấy không thật chắc chắn! Anh có đảm bảo là ta sẽ vượt qua được chừng ấy khó khăn để tới đích đúng quy định được không. Đặt anh vào cương vị tôi anh có dám phiêu lưu thế không? Anh có dám chịu trách nhiệm một khi ý định ấy thất bại hay không?
Võ trầm ngâm:
- Phiêu lưu thì phiêu lưu đấy nhưng chẳng lẽ chúng ta khoanh tay thúc thủ. Thôi, được! Xin phép các anh cho chúng tôi hội ý thường vụ một lát- Võ kéo Lãm đứng tách riêng ra một quãng.
Chẳng biết họ nói với nhau những gì nhưng khá căng thẳng. Mấy phút sau cả hai quay lại, nét mặt hai người đã nhẹ nhõm đi đôi chút. Bắc sốt sắng:
- Các anh đã quyết định thế nào rồi?
Lãm quả quyết:
- Còn quyết định thế nào nữa? Phải bằng mọi cách mà đi thôi! Nào, bây giờ ta sẽ xuôi xuống Cửa Tùng tìm bến vượt! Mà nhanh nhanh lên không muộn.
Đúng thế thật! Mới đó mà đã bốn giờ chiều.

          ***

Ngay sau khi xuống tiểu đoàn trung đoàn phó Bạ và các cán bộ tiểu đoàn đã ngồi thống nhất với nhau về kế hoạch hành quân. Đội hình của tiểu đoàn được hình thành ba bộ phận là phân đội phái đi trước, đội hình chính và bộ phận bảo đảm đi sau cùng. Phân đội phái đi trước sẽ gồm một trung đội bộ binh cơ giới cùng tổ trinh sát do chính trị viên Biền trực tiếp chỉ huy vì tiểu đoàn trưởng Thanh không có chuyên môn về xe tăng. Chính trị viên Biền chỉ định ngay trung đội của Hòa đen vì qua hai tháng huấn luyện vừa rồi anh đã biết đây là một trung đội “cứng” trong tiểu đoàn. Theo kế hoạch phân đội này sẽ đi trước đội hình chủ lực khoảng 1 đến 2 ki- lô- mét, có nhiệm vụ tìm đường và phát hiện địch trên đường đi. Trường hợp lực lượng địch nhỏ, yếu thì sẽ đánh địch để mở đường. Trường hợp gặp địch mạnh sẽ chiếm địa hình có lợi kìm chân địch chờ chủ lực lên tiêu diệt. Đã ở tư thế sẵn sàng nên mọi việc chuẩn bị rất nhanh. Bốn giờ chiều toàn tiểu đoàn đã được lệnh ăn cơm để sẩm tối là có thể xuất phát được.
Cơm chiều đã xong. Mọi công tác chuẩn bị cũng đã hoàn tất. Hòa ngồi thơ thới trên nóc xe nhìn các chiến sĩ của mình đang rào rào tán gẫu. Giá như lúc khác thế nào anh cũng nhào vào tham gia nhưng hôm nay anh muốn ngồi một mình. Một cảm giác lâng lâng đang lan tỏa trong lòng Hòa. Thế là chỉ ít giờ nữa thôi các anh sẽ được vượt qua sông Bến Hải, con sông đã hơn hai mươi năm chia cắt đất nước làm đôi. Đành rằng để vào Nam chiến đấu đã có biết bao thế hệ đi trước vượt qua con sông này nhưng chắc chắn một điều đó là những cuộc vượt sông bí mật ở tận đâu đó trên thượng nguồn. Còn hôm nay cả tiểu đoàn của anh sẽ vượt sông ngay cạnh cây cầu Hiền Lương lịch sử. Hàng chục chiếc xe tăng thiết giáp sẽ rẽ nước tiến công trực diện quân thù. Rõ ràng thế và lực của ta đã khác trước nhiều. Tự hào hơn chính trung đội của anh lại được chọn làm trung đội đi đầu. Hòa cũng chưa biết những gì sẽ đón đợi anh ở bờ Nam nhưng dù có thế nào đi nữa thì chuyến vượt sông này cũng rất đáng tự hào. Lan man một lúc Hòa lại nhớ đến những người anh em ở kíp xe 567. Từ hôm vào đây Hòa cũng chỉ mới nghe tin láng máng rằng Thắng đã đi B3, Cân thì đi B2, còn anh Nhã thì cũng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị này nhưng nào có gặp được. Không biết bây giờ họ đang ở đâu? Có ai biết anh đang được tham gia vào một nhiệm vụ thật mới mẻ nhưng cũng hết sức hào hùng này.
Đang thả hồn theo những dòng suy tưởng Hòa chợt giật mình vì chính trị viên Biền đã đến cạnh xe và gọi:
- Hòa! Xuống đây, có việc!
Nhanh như một con sóc Hòa đen nhảy phóc xuống trước mặt Biền:
- Chào thủ trưởng! Có việc gì ạ!
Biền ghé vào gần Hòa nói nhỏ:
- Trên trung đoàn vừa điện xuống, ta không vượt sông ở Hiền Lương nữa mà sẽ vượt ở Cửa Tùng. Đường cơ động sẽ không theo kế hoạch nữa. Vì vậy cậu chạy vào dân hỏi xem có con đường nào gần nhất đến Cửa Tùng không? Nhanh chân lên nhé!
- Vâng ạ!
Nghĩ bụng: “cánh dân quân thế nào cũng biết” nên Hòa nhằm hướng trận địa trực chiến ngay cạnh khu vực trú quân của tiểu đoàn chạy miết. Thấy anh bộ đội cắm đầu, cắm cổ chạy về phía mình mấy o dân quân chí chóe trêu:
- Eng bộ đội ơi! Đi mô mà chạy như ma đuổi rứa? Vô đây uống miếng nác đã nào!
Không còn bụng dạ nào mà tán dóc, Hòa vừa thở vừa hỏi như gắt:
- Cho tôi gặp đồng chí nào phụ trách ở đây!
- Bọn em ri ai cũng là phụ trách cả- Mấy cô dân quân vẫn đùa.
- Không đùa đâu! Tôi có việc gấp cần gặp người phụ trách ngay!- Hòa nghiêm mặt.
- Ôi! Eng bộ đội đẹp trai quá! Eng cần gặp người phụ trách cái chi?- Một cô có vẻ bạo dạn nhất chỉ vào từng người xung quanh rồi liến thoắng- O ni phụ trách mần trận địa, o ni phụ trách chống lầy, o ni phụ trách khói lửa, o ni…
- Thôi! Tôi xin cô! Tôi có việc rất gấp thật mà- Hòa xuống giọng năn nỉ.
Một cô trông chững chạc có vẻ là chỉ huy từ trong hầm bước ra giọng nghiêm trang:
- Có việc chi rứa, đồng chí bộ đội?
Sau khi nghe Hòa trình bày, cô trả lời ngay:
- Eng đừng lo chi! Dọc bờ biển từ ni đến Cửa Tùng có một con đường cơ động của lực lượng pháo bờ biển, xe xích kéo pháo cũng đi được nờ. Chắc là các eng đi được.
Như vớ được vàng Hòa sáng mắt lên:
- Vậy nhờ các đồng chí chỉ giúp! Có khó đi không?
Cô chỉ huy gật đầu:
- Không có chi! Các đồng chí cứ đi ra phía biển, khi mô gặp con đường ống thì cứ đi theo sẽ đến Cửa Tùng.
Hòa thắc mắc:
- Đường ống là đường thế nào?
Mấy cố dân quân cười ngặt nghẽo:
- Đường ống mà eng bộ đội cũng nỏ biết bay ơi!
Cô chỉ huy nghiêm giọng:
- Không đùa nữa! Đường ống là đường bọn tui đào sâu xuống, hai bên trồng dương, trồng tre để giữ bí mật ấy mà.
Hòa chợt nảy ra sáng kiến:
- Hay đồng chí cử giúp một người dẫn đường thì tốt quá.
Mấy cô dân quân lại nhao nhao:
- Cho em đi với eng bộ đội hề! Để chỗ mô lầy chúng em chống lầy cho.
Sau một thoáng suy nghĩ cô chỉ huy quyết định:
- Thôi được! Tôi sẽ cử một o đi dẫn đường cho các đồng chí!
Đến lúc này thì tiểu đội dân quân thành một tổ ong vỡ thật sự, các cô dân quân xúm lại quanh Hòa, cô thì nắm tay, cô thì túm áo:
- Em đi! Em đi!
Hòa đen bối rối, mặt đỏ lựng lên chưa biết xử lý thế nào thì cô chỉ huy đã giải nguy:
- Đã bảo không chọc eng nớ nữa! Bây chừ chỉ mình Thủy đi- Cô chỉ vào cô dân quân bạo miệng nhất- Đi cho nhanh còn viền trực. Còn tất cả viền vị trí!
Cô gái tên Thủy le lưỡi trêu chọc mấy cô bạn đang ỉu xìu rồi bám chặt lấy một bên tay Hòa, anh lúng búng:
- Cảm ơn các đồng chí! Chúng tôi phải đi ngay vì rất gấp rồi.

           ***

Mặc dù có người dẫn đường nhưng cũng mất gần hai tiếng đồng hồ tiểu đoàn của Hòa mới đến được Cửa Tùng. Con đường được đào sâu xuống đất, hai bên trồng phi lao hoặc tre rất kín đáo nhưng khá hẹp, lại ít được củng cố nên tốc độ cơ động rất chậm. Cô dân quân được xếp ngồi ngay cạnh Hòa có vẻ thích thú lắm nên cứ luôn mồm nói chuyện nhưng phần vì tiếng động cơ quá ồn, phần vì mải quan sát đường nên thỉnh thoảng Hòa mới nhấm nhẳng trả lời.
Khi những lũy tre hai bên đường thưa dần đi báo hiệu con đường ống gần hết thì bỗng một bóng người xuất hiện, hai tay cái bóng liên tục vẩy xuống báo hiệu dừng xe. Trong ánh đèn gầm Hòa đã nhận ra cái bóng to sù sụ như con gấu đó chính là trung đoàn trưởng Lãm. Xe vừa dừng chính trị viên Biền nhảy phắt xuống xe. Trao đổi gì đó với trung đoàn trưởng Lãm mấy câu Biền xua tay ra hiệu tắt máy rồi bảo Hòa:
- Cậu xuống gọi anh Thanh lên đây hộ tôi và truyền đạt cho tiểu đoàn dừng lại đợi. Nhớ nhắc anh em đèn đóm cẩn thận nhé!
Hòa nhảy phóc xuống xe, tiện thể anh bảo cô dân quân:
- Cô cũng xuống đi!- Anh đưa tay cho cô gái- Nào, đưa tay đây tôi đỡ! Cảm ơn cô đã dẫn đường cho bọn tôi. Còn bây giờ cô về đi!
Cô gái ngúng nguẩy:
- Em nỏ về mô!
Hòa rảo bước đi về phía sau, cô gái cũng nhũng nhẵng đi theo. Anh hạ giọng dỗ dành:
- Cô về đi! Ở đây nguy hiểm lắm. Máy bay nó đánh thì biết tránh vào đâu?
- Em nỏ sợ máy bay, ngày mô mà chúng em chẳng chộ bọn hắn.
Hòa vẫn cắm cúi bước về phía xe tiểu đoàn trưởng Thanh. Sau khi báo tin cho Thanh xong quay lại anh thấy cô dân quân vẫn còn ở đấy, Hòa hơi bực:
- Sao cô vẫn chưa về?
Cô gái nũng nịu:
- Em thích ở với các eng cơ!
Bí quá Hòa xẵng giọng:
- Thế cô không nhớ trung đội trưởng dặn gì à? Đến nơi rồi phải về ngay để trực.
Có vẻ như câu nói này có tác dụng. Cô gái ngần ngừ một lát rồi nhỏ nhẻ:
- Em sẽ viền! Nhưng eng Hòa phải cho em xin địa chỉ!
Hòa cười:
- Bọn anh đi đánh nhau thế này nay đây, mai đó làm gì có địa chỉ để cho. Nhưng em cứ về đi! Có dịp thế nào anh cũng sẽ quay về Vĩnh Thạch.
Chẳng biết làm gì hơn, giọng cô đẫm nước mắt:
- Anh đi rồi nhớ viền với Vĩnh Thạch nhé!
Một cái gì đó nhói lên trong lòng Hòa. Những người con gái nơi đây đây thật dũng cảm, dày dạn trước bom đạn Mỹ nhưng cũng chất phác, dễ thương và cũng dễ mềm lòng biết bao. Anh nắm chặt tay cô gái:
- Thủy về đi! Nhất định rồi anh sẽ quay lại.
Chia tay cô dân quân xong Hòa hối hả trở về bờ sông. Nơi đó cuộc trao đổi giữa các cán bộ vẫn chưa xong. Hình như phương án vượt sông vẫn chưa đạt được sự nhất trí thì phải. Mấy cái đầu lúc chúi xuống bản đồ, lúc lại ngẩng lên nhìn ra sông. Những tiếng thì thầm lúc to, lúc nhỏ cứ vẳng đến. Nào là “chế độ thủy triều”, nào là “nước lên”, “nước xuống”, nào là “bãi bồi”, “cồn cát”… Có cả tiếng lóe xóe của một phụ nữ chắc là dân quân. Đoán là còn phải đợi lâu Hòa nghĩ bụng: “đằng nào chẳng phải vượt sông, chi bằng cho anh em lái xe lên trinh sát trước bến xuống là hơn”. Vì vậy anh bảo Toản:
- Cậu chạy xuống gọi mấy lái xe của trung đội mình lên đây.
Mấy lái xe vừa đến đủ Hòa đã vẫy tay cho họ đi theo mình. Pháo thủ Nhật cũng nhảy xuống theo. Cả bọn lò dò tiến ra sát bờ sông. Vừa đi Hòa vừa nói:
- Bây giờ anh em ta sẽ trinh sát kỹ bến xuống xem có gì cần khắc phục thì báo cáo ngay.
Một lát sau mấy anh em ra đã sát mép nước. Trăng Mười Tám đã lên cao tỏa ánh sáng bàng bạc khắp đất trời. Ánh trăng tãi vàng trên những con sóng lăn tăn làm mấy cậu lính trẻ ồ lên vì thích thú. Dưới ánh trăng con sông trước mặt trông mênh mông không thấy bờ bên kia ở chỗ nào. Những con sóng liên tục vỗ vào bờ phát ra những tiếng ì oạp, ì oạp không ngừng nghỉ. Trong lòng Hòa lại dội lên cái cảm giác lâng lâng hồi chiều: “thế là mình đã được tận mắt thấy con sông Bến Hải. Và chỉ lát nữa thôi cùng với chiếc xe thiết giáp thân yêu mình sẽ vượt qua nó để đến với miền Nam đau thương và anh dũng”. Anh đứng ngây người nhìn dòng sông bàng bạc dưới trăng. Nhìn mặt sông bát ngát mà chẳng thấy bờ bên kia Nhật ngơ ngác:
- Anh Hòa này! Em đọc sách thấy họ viết sông Bến Hải cũng nhỏ thôi mà sao lại rộng thế này?
Hòa cười:
- Thì đây là cửa sông mà nên nó phải rộng hơn ở thượng nguồn chứ!
Mấy lái xe đã xắn quần lội xuống xem chất đất. Lội qua lội lại mấy lần Toản thông báo:
- Nền đất khá chắc anh ạ! Độ dốc vừa phải nên không phải làm thêm gì đâu.
Hòa gật đầu:
- Thế thì tốt! Các cậu cứ kiểm tra rộng ra hai bên một chút nữa đi. Nhỡ có xe nào đi chệch đường thì sao.
Nhật cũng xắn quần lội xuống nước, cậu hứng chí:
- Này, các cậu! Đã đến tận đây rồi thì phải nếm thử một ngụm nước con sông nổi tiếng này chứ- Vừa dứt lời cậu đã cúi xuống chụm hai tay vốc một vốc nước đưa vào miệng nhưng cũng ngay lập tức phun ra và nhổ nước bọt phì phì.
- Ngon lắm phải không?- Mấy lái xe phá lên cười.
- Ngon gì mà ngon! Chẳng hiểu sao mà nó cứ ngang phè phè, lại mặn mặn, chát chát nữa chứ.
Hòa mỉm cười:
- Ngốc ạ! Đây là nơi sông đổ ra biển nên nước ở đây là nước lợ, hiểu chưa?- Cười đấy nhưng anh chợt thấy buồn buồn: “mấy năm trước mình cũng hồn nhiên y như vậy. Chả lẽ mình đã già đi nhiều đến thế ư”. Thấy mấy lái xe đã tỏa ra thăm dò được một bề rộng hơn chục mét anh giục- Thôi! Thế được rồi! Bây giờ về đã!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét