Cứ nấn ná định ở lại thêm nhưng
rồi cũng đến ngày mà chính ủy Ngọc phải lên đường ra Bắc. Trong ba lô của ông
đã có đầy đủ ảnh và thư của hơn ba chục cán bộ, chiến sĩ đại đội 1 của Ngô
Quang Nhã. Chuyện ra, vào ở cơ quan mặt trận này cũng là bình thường nên chẳng
có liên hoan chia tay, chia chân gì cả. Tuy nhiên, biết rằng lần này mình sẽ
rời khỏi binh chủng nên ông muốn có một buổi chia tay thật ý nghĩa với phó tư
lệnh Đào. Vì vậy ngay từ chập tối ông đã pha một bi đông trà ngon rồi mời ông
Đào cùng thưởng thức.
Hai người ngồi đối ẩm ngay trên
miệng hầm. Mảnh trăng non đầu tháng chênh chếch phía đông tỏa ra một thứ ánh
sáng yếu ớt nhưng cũng đủ để hai người lờ mờ thấy mặt nhau. Ông Ngọc cẩn trọng
nghiêng bi đông rồi đưa chén nước trà vào tận tay người đồng sự của mình:
- Anh uống nước đi! Chè ngon lắm
đấy!
Ông Đào đón chén nước, nhấp một
ngụm nhỏ rồi gật đầu:
- Công nhận, chè ngon thật!
Hai người cùng im lặng nhấp từng
ngụm nhỏ. Tự nhiên bao nhiêu điều đã chuẩn bị từ mấy hôm nay bỗng dưng chẳng
cất nổi thành lời.
Nói cho công bằng, ngày mới về
binh chủng ông cảm thấy con người này thật khó gần, thậm chí là không thể gần
được. Lúc nào cũng bộ mặt khó đăm đăm. Lúc nào cũng một thái độ lạnh lùng, xa
cách. Lại còn giọng lưỡi nữa chứ, cứ sắc lẻm và cay nghiệt như một mụ dì ghẻ
chính cống. Nhưng rồi càng cộng tác với nhau lâu, hiểu thêm về hoàn cảnh xuất
thân của người đồng sự ông càng cảm thấy thông cảm với ông Đào. Ông tự nhủ:
“thôi thì nhân vô thập toàn”. Ông cũng nhận thấy đằng sau cái vẻ bên ngoài cay
nghiệt ấy là một trái tim nhân hậu, biết yêu thương con người, lúc nào cũng
mong muốn những người xung quanh mình ngày càng hoàn thiện để vươn tới những
đỉnh cao hơn. Đằng sau cái vẻ ngoài khó gần đó còn là một trí tuệ hết sức uyên
bác, một từ điển bách khoa sống không chỉ về tăng thiết giáp mà về mọi lĩnh vực
trong cuộc sống. Và trên hết, đó là một con người của công việc. Lúc nào cũng
chỉ có công việc và công việc. Cách nhà chỉ có hơn hai chục ki- lô- mét mà mỗi
tháng cũng chỉ đảo qua một lần chiếu lệ. Dường như tất cả sức lực, trí tuệ của
con người đó chỉ biết dành cho những chiếc xe tăng thì phải.
Mà cũng lạ, lúc đầu ông không
hiểu tại sao những chiếc xe tăng nặng nề, thô kệch dường kia lại có sức quyến
rũ đối với ông Đào và những cán bộ, chiến sĩ dưới quyền đến vậy. Cứ như là bị
“bùa mê, thuốc lú” ấy. Họ có thể say sưa nói chuyện ngày này qua ngày khác về
nó. Họ chăm chút nó như chăm chút con thơ. Họ trìu mến nó như trìu mến người
yêu. Đối với họ hình như những chiếc xe ấy cũng có tâm hồn thì phải.
Còn một điều lạ nữa mà ông cảm
nhận thấy, hình như lính xe tăng họ gắn bó với nhau hơn thì phải. Cùng một đơn
vị thân nhau đã đi một nhẽ. Đằng này chỉ cần biết nhau là lính xe tăng thôi mà
đã thân thiết như anh em một nhà. Còn nếu là thành viên trong một kíp xe thì cứ
như tình nhân của nhau, quấn quýt không rời.
Thế rồi đến lượt chính ông hình
như cũng phải lòng những chiếc xe tăng và những con người ấy. Ông đã cảm nhận
được sự gắn bó của bản thân mình với cái binh chủng đầy xa lạ lúc mới về. Rồi
thì đến lúc chính ông đã bao đêm trăn trở vì sự lớn mạnh của nó. Ông cũng từng
phấp phỏng dõi theo mỗi vòng xích lăn trên những cung đường Trường Sơn. Ông
cũng đã quên ăn, quên ngủ chờ đợi tin của từng trận đánh.
Mới đây, khi xuống thâm nhập các
đơn vị trước khi vào chiến dịch ông còn phát hiện ra một điều mới nữa. Ấy là
chuyện lính xe tăng bây giờ lại gọi nhau bằng “quê” mới lạ chứ. Không hiểu xuất
xứ từ đâu nhưng thôi thì đủ kiểu. Nào là “anh quê”, “thằng quê”, “quê gì ơi”
hay đại khái chỉ là “quê ơi”…, chỗ nào cũng thấy “quê” là “quê”. Người ngoài
đơn vị nghe cứ tưởng có anh nào đó tên Quê. Đến lúc thấy tất cả gọi nhau như
vậy thì lại tưởng cả bọn cùng một quê. Nhưng té ra là sai tuốt. Họ cứ gọi nhau
như thế đến mức ông đồ rằng ở binh chủng này chắc chỉ có mấy thủ trưởng Bộ Tư
lệnh là lính tráng không dám gọi là quê thôi.
Là một cán bộ chính trị lâu năm,
lại hay chiêm nghiệm và tổng kết rồi ông cũng đi đến một kết luận: sở dĩ những
người lính xe tăng họ gắn kết với nhau như vậy là bởi vì đặc điểm tổ chức biên
chế chiến đấu của chính họ. Mỗi một kíp xe có từ 3 đến 5 thành viên. Mỗi thành
viên có một chức trách, nhiệm vụ khác nhau. Nhưng kíp xe đó chỉ hoàn thành
nhiệm vụ khi tất cả các thành viên hoàn thành nhiệm vụ. Còn một lẽ nữa làm họ
gắn bó mà chẳng mấy ai nói ra, ấy là họ không chỉ chung nhau nhiều thứ mà còn
chung nhau cả cái chết. Đã không ít kíp xe hy sinh khi trúng đạn mà xương cốt
của mấy anh em đều thành tro bụi trộn lẫn với nhau.
Hiểu như thế rồi ông Ngọc lại
càng thông cảm với ông Đào. Tuy vậy nhiều lúc ông vẫn muốn góp ý với ông Đào
nên có những điều chỉnh sao cho dễ gần hơn, “quần chúng” hơn. Những điều định
nói thì rõ nhiều thế nhưng cuối cùng ông lại nói sang chuyện khác:
- Mai tôi ra rồi, anh có gửi gì
về nhà không?
Ông Đào đặt chén nước xuống,
giọng bình thản:
- Có gì mà gửi hả anh?
Hai người lại im lặng. Ông Ngọc
nghiêng bi đông rót thêm nước vào chén rồi khẽ khàng:
- Đang lúc nước sôi, lửa bỏng thế
này mà trên lại gọi tôi ra gấp. Chắc anh sẽ vất vả nhiều.
Ông Đào nhấp thêm ngụm nước rồi
gật đầu:
- Có thế thật! Nhưng theo tôi
“các cụ” thế là tinh đời lắm đấy. Kéo anh ra làm công việc ấy là rất thích hợp.
Điều này thì ông Đào nói thật
lòng. Thực ra, hồi ông Ngọc mới về bản thân ông cũng thấy không ưa cho lắm.
Nguyên nhân đầu tiên có lẽ cũng là do cái hẹp hòi, cục bộ trong sâu thẳm của
mỗi con người. Chả là ở binh chủng không thiếu gì cán bộ chính trị lâu năm, lại
được đào tạo rất bài bản cả về nghiệp vụ công tác chính trị lẫn kỹ chiến thuật
xe tăng. Về niên hạn phục vụ cũng đã khá dày dặn. Ấy thế mà đùng một cái trên
lại điều người khác về làm chính ủy binh chủng. Đã thế lại còn cái dáng người
mảnh khảnh thư sinh, “tướng trói gà không chặt thế kia mà lại làm chính ủy xe
tăng thật chẳng hợp tý nào” như lời xì xào của một số cán bộ. Lại còn cái tác
phong lúc nào cũng có vẻ lừ đừ nữa, thiếu hẳn đi cái xông xáo, năng nổ của một
chính ủy binh chủng chiến đấu…
Nhưng rồi dần dà ông cũng nhận ra
người chính ủy ấy có rất nhiều ưu điểm. Mặc dù là người rát khắt khe song ông
cũng chẳng chê ông Ngọc được điểm nào cả về đạo đức tư cách cũng như tác phong,
phương pháp công tác. Mặc dù vẫn gọi vụng ông Ngọc là “ông Bụt” nhưng ông cũng
phải thừa nhận rằng vị chính ủy này đã làm khá tốt vai trò của một người “cầm
cân, nảy mực”, giữ gìn hòa khí trong Bộ Tư lệnh. Nếu như trong các cuộc họp ông
là cái nồi súp- de lúc nào cũng sôi sùng sục thì ông Ngọc như một cái van điều
áp. Các cuộc họp do ông chủ trì đang căng như dây đàn mà có mặt ông Ngọc lập
tức không khí sẽ chùng xuống, dịu ngay. Nói cho công bằng ông Ngọc không có cái
sắc xảo, nhanh nhạy nhưng lại có sự chín chắn, điềm đạm rất cần thiết của một cán
bộ chính trị.
Dường như muốn nói rõ hơn ý của
mình ông Đào lại tiếp:
- Trong hoàn cảnh hiện nay của
mình, công tác đối ngoại cũng vô cùng quan trọng. Theo tôi, anh rất hợp với
công việc đó.
Ông Ngọc cười hiền lành:
- Thôi thì tổ chức phân công việc
gì ta làm việc đó, anh ạ!
Như chợt nhớ ra điều gì đó ông
Đào quay lại nhìn thẳng vào ông Ngọc và thấp giọng:
- Anh đi rồi nhưng nếu trên có
hỏi ý kiến về người thay anh làm chính ủy thì anh sẽ đề cử ai?
Có lẽ cũng đã lường trước thế nào
ông Đào cũng hỏi câu này nên ông Ngọc đáp ngay:
- Tất nhiên việc quyết định là do
trên. Tuy nhiên, nếu trên hỏi ý kiến thì tôi sẽ giới thiệu anh Thu. Mấy năm về
công tác ở đây tôi thấy anh ấy rất xứng đáng.
Cuộc đối ẩm lại rơi vào im lặng.
Mãi sau ông Ngọc mới khẽ khàng:
- Thời gian trôi nhanh thật đấy. Thế mà đã bảy năm ở
với anh rồi.
Ông Đào gật đầu phụ họa:
- Nhanh thật đấy!
Lặng đi một lúc ông Ngọc lên tiếng, giọng đầy cảm xúc:
- Trong thời gian công tác với các anh, có gì không
phải anh bỏ quá cho nhé!
Như bị lây cái cảm giác của người đồng sự nên giọng
ông Đào cũng khác hẳn ngày thường:
- Không! Không có gì! Người nói câu đó phải là tôi mới
đúng. Thực tình, nhiều lúc nghĩ lại tôi thấy mình cũng có nhiều cái không phải
với anh và với các anh em khác. Nhưng anh thông cảm cho. Tính tôi nó vậy, quen
mất rồi. Mà có lẽ anh cũng đi nghỉ một chút đi. Xe sắp đến rồi- Ông đứng dạy,
chìa tay ra- Chúc anh lên đường mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ!
Hai người bắt tay nhau rồi ai về hầm nấy.
***
Như hòn đá ném xuống ao bèo, cái chuyện rùm beng về
danh sách cả một đại đội xe tăng bị hy sinh được phát trên đài Sài Gòn rồi cũng
chìm lỉm đi trước muôn vàn công việc của thời chiến. Nhưng riêng với phó tư
lệnh Đào nó cũng để lại nhiều day dứt. Nỗi xấu hổ của một người chỉ huy để xảy
ra quá nhiều chuyện không hay dồn dập xảy đến trong một thời gian ngắn vẫn dày
vò ông, làm ông ăn không ngon, ngủ không yên. Mặc dù qua cuộc họp rút kinh
nghiệm vừa rồi những nguyên nhân chủ yếu của các thất bại đã được mổ xẻ tương
đối sâu sắc. Một số đối sách cũng đã được đề ra. Nhưng với ông Đào như thế vẫn
chưa đủ. Câu hỏi “Tại sao lại đến nông nỗi ấy” vẫn ngày đêm nung nấu trong ông,
đòi hỏi ông phải có một câu trả lời thấu đáo đến tận cùng của vấn đề. Đêm nay
cũng vậy, câu hỏi đó lại trở đi trở lại trong óc ông.
Chiến tranh, đó là cuộc đấu trí, đấu
lực giữa hai thế lực đối kháng, bên nào cũng muốn giành chiến thắng lớn nhất
với thiệt hại nhỏ nhất. Vì vậy mỗi bên đều tìm trăm phương, nghìn kế để đạt
được mục đích của mình. Ngoài ra lại còn tác động của những yếu tố ngẫu nhiên
như tình hình địa hình, thời tiết và trăm thứ bà rằn khác. Cũng chính vì vậy
các sự kiện, các tình huống của cả cuộc chiến tranh cũng như của mỗi chiến
dịch, mỗi trận đánh đều diễn ra hết sức phong phú, muôn hình, vạn trạng và cực
kỳ khó nắm bắt, phán đoán. Lịch sử chiến tranh đã cho thấy có những chiến dịch
được sự chuẩn bị hết sức công phu của hàng vạn con người song lại bị “đổ bể” vì
những nguyên nhân cực kỳ vớ vẩn. Nhưng cũng có những trận đánh mà sự ngẫu nhiên
lại dâng tặng chiến thắng cho người ta mà chẳng phải hao tâm, tổn sức gì nhiều
lắm. Một chú bé tè bậy có biết đâu mình lại cứu được cả thành phố khỏi thảm
họa. Một con hẻm chìm nghỉm trong cây cỏ vùng Oa- téc- lô lại là nguyên cớ nhấn
chìm cả Đế chế Na- pô- lê- ông… Sự thiên biến, vạn hóa của chiến tranh là cái
không phải bàn cãi. Đó là cái “vạn biến”. Vậy cái “bất biến” để người ta dựa
vào đó mà ứng phó với nó là cái gì? Phải chăng đó chính là bản lĩnh nội tại của
những người tham gia vào cuộc chiến, từ người chỉ huy cao nhất ở đại bản doanh
cho đến mỗi người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Đó không chỉ là
bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng xả thân vì lý tưởng mà còn là trí tuệ,
là mưu mẹo, là khả năng phản ứng linh hoạt, sáng tạo trước mỗi diễn biến của
tình hình, là trình độ sử dụng trang bị kỹ thuật, là sức khỏe, là kỹ năng chiến
đấu... Có lẽ vấn đề cốt yếu là ở đây- bản lĩnh của ông, của các cán bộ, chiến
sĩ dưới quyền ông chưa đủ tầm, chưa đạt đến độ chín cần thiết. Nếu linh hoạt
hơn, khi đứng trước con sông Bến Hải mà họ chưa biết gì về nó họ đã tìm đến nơi
cần thiết để tìm hiểu. Nếu sáng tạo hơn khi bọn địch thay đổi thủ đoạn chiến
đấu họ cũng phải vắt óc để tìm ra cách đối phó hữu hiệu, không để thiệt hại lớn
đến thế. Nếu chủ động hơn cái cậu Nhã kia phải biết phán đoán tình hình, lập
tức tổ chức đánh địch phản kích thì đâu đến nỗi thất bại ê chề đến vậy v.v… và
v.v… Biết bao chữ “nếu” quay cuồng trong đầu óc ông và cuối cùng đều dẫn đến
một câu trả lời: “bản lĩnh chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ xe tăng chưa đáp ứng
yêu cầu của cuộc chiến”.
Nhưng cũng không thể trách họ được! Sự
phát triển quá nhanh về quy mô lực lượng đã buộc những cán bộ, chiến sĩ của ông
phải khoác chiếc áo quá rộng so với mình. Hàng trăm cán bộ từ Lục quân chuyển
về chỉ được học về xe tăng vỏn vẹn ba tháng. Hàng trăm người khác đang là thành
viên kíp xe được gọi về đào tạo cấp tốc trong vòng sáu tháng rồi được trao vào
tay một trung đội, một đại đội. Ông chua xót nhớ lại câu chuyện một cán bộ
chính trị cử bốn người đi lĩnh “cầu chì”. Khổ! Mỗi cái cầu chì chỉ bằng ngón
tay út. Thế mà lại cử những bốn người đi “khiêng” vì nghĩ “cầu làm bằng chì
chắc là nặng lắm”. Cán bộ đã vậy còn chiến sĩ cũng chẳng khá hơn. Hàng nghìn
chiến sĩ vừa mới nhập ngũ, học chưa hết chương trình đã phải đưa vào chiến
trường. Trong khi đó những nơi họ học cũng đâu đã phải là những cơ sở đào tạo
chính quy, cơ bản. Cán bộ thì được đào tạo ở một Đoàn huấn luyện tổng hợp mới
nâng cấp lên. Thành viên kíp xe thì được đào tạo ở các đơn vị chiến đấu, không
có đội ngũ giáo viên chuyên trách. Chương trình, nội dung cũng chắp vá, mới chỉ
được xây dựng cấp tốc để đáp ứng yêu cầu trước mắt của chiến trường. Không!
Không thể trách họ được. Cái cần làm bây giờ là phải xây dựng những trung tâm
đào tạo thật ra trò, kể cả đào tạo cán bộ cũng như đào tạo thành viên kíp xe.
Phải xây dựng những bộ chương trình vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản, lại vừa đáp ứng
yêu cầu bức thiết của nhiệm vụ. Nội dung huấn luyện cũng phải được biên soạn
lại theo hướng vừa cơ bản, vừa thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và phải đưa
bằng được được những kinh nghiệm thực tế vào các bài giảng. Có lẽ đó là công
việc cấp bách nhất đối với binh chủng của ông bây giờ. Ông tự dặn mình sau
chiến dịch này bằng mọi cách sẽ đề nghị cấp trên cho thành lập Trường sĩ quan
Thiết giáp và ít nhất một trung tâm chuyên đào tạo thành viên kíp xe. Thực ra
không phải binh chủng không đề nghị, đã vài lần trao đổi trực tiếp, rồi công
văn này nọ nhưng chẳng thấy hồi âm. Về phía binh chủng khi thấy trên không có ý
kiến gì thì cũng thôi. Không! Lần này ông sẽ làm bằng được, nếu cần ông sẽ trực
tiếp xin gặp người chỉ huy cao nhất của quân đội để trình bày. Có trường, có
giáo viên chuyên trách, có chương trình, nội dung phù hợp mới có thể lấp được
cái lỗ hổng này, mới xây được cái “bất biến” để anh em người ta dựa vào đó ứng
phó với cái “vạn biến” của chiến tranh. Trả lời được câu hỏi đó phó tư lệnh Đào
cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Còn bây giờ là vấn đề trước mắt: “bí
mật đào công sự và đưa xe tăng vào để chọc thủng lớp vỏ cứng của địch”. Quả
thật đây cũng là một vấn đề mới, chưa hề có trong các giáo trình về sử dụng xe
tăng trên thế giới. Có thể đây cũng là một nét riêng độc đáo của xe tăng Việt Nam . Tuy nhiên,
hiệu quả như thế nào, cách tiến hành ra sao, liệu có giữ bí mật được không v.v…
vẫn còn chưa biết. Có lẽ cần có sự khảo sát, nghiên cứu thật kỹ càng. Ông đi
đến quyết định sẽ phái “chuyên gia xạ kích” Trần Bắc xuống cùng H03 để tổ chức
thực hiện biện pháp này, sau đó phải có một bản tổng kết thật chi tiết đem về.
Nghĩ đến đây đầu óc ông thấy nhẹ hẳn
đi rồi chìm dần vào giấc ngủ. Đã nửa tháng rồi ông mới được một giấc ngủ ngon
đến vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét