Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

BÃO THÉP 3- TÂM BÃO- Kỳ 7


Ở lại H03 hai ngày kiểm tra các đơn vị phó tư lệnh Đào tỏ ra khá hài lòng với công tác chuẩn bị của trung đoàn nên ông quyết định sẽ tới vị trí tập kết của H02 để nắm tình hình.
Vị trí tập kết của trung đoàn H02 nằm gọn trong phạm vi một nông trường cao su ở giáp giới Quảng Bình và Vĩnh Linh. Lúc ông Đào đến cũng là lúc những chiếc xe đầu tiên của tiểu đoàn 66 cơ động đến nơi. Vừa xuống xe đã nghe tiếng trung đoàn trưởng Lãm oang oang:
- Bộ phận tiền trạm đâu? Bố trí người dẫn xe vào vị trí quy định ngay nhé! Nhớ nhắc anh em ngụy trang, xóa vết xích cẩn thận.
Tiếng gọi nhau í ới. Tiếng quát tháo nhặng xị. Những ánh đèn pin lia vội. Tiếng động cơ xe gầm lên rồi tản ra các ngả. Đứng yên lặng quan sát việc tổ chức đưa xe vào vị trí trú quân phó tư lệnh Đào lắc đầu ra vẻ không hài lòng cho lắm: bộ phận tiền trạm đã được cử vào trước mấy ngày, đã xác định vị trí của từng xe một nhưng sao đến bây giờ vẫn thấy rối như canh hẹ. Lại còn đèn đóm nữa chứ, cứ loạn xạ cả lên. Đúng là lính mới lần đầu tiên vào chiến trường.
Đợi cho mọi việc ổn ổn một tý phó tư lệnh Đào mới đến gần chỗ trung đoàn trưởng Lãm. Thấy cấp trên bất ngờ xuất hiện Lãm ngớ cả người ra:
- Chào thủ trưởng! Thủ trưởng đến lúc nào thế ạ?
- Chào đồng chí! Tôi cũng vừa mới đến!- Ông Đào đưa tay ra bắt tay Lãm rồi hỏi- Tình hình tập kết các đơn vị thế nào rồi?
- Báo cáo thủ trưởng! Tiểu đoàn 198 thì đã nằm sẵn trong này rồi. Khối cơ quan hành quân bằng ô tô đã đến được hai hôm. Đêm nay toàn bộ đội hình của 66 và khối hành quân bằng ô tô sẽ có mặt. Tiểu đoàn 244 thì đã lên tàu ở Bến Thủy, chắc độ hai ngày nữa sẽ vào tới nơi. Còn khối trực thuộc và bảo đảm thì anh Võ vừa báo vào là đã lên tàu, đang trên đường vào Vinh. Chúng tôi dự kiến chừng một tuần nữa toàn bộ trung đoàn sẽ có mặt ở đây.
- Tốt lắm! Nhưng các cậu phải chú ý giữ bí mật vị trí trú quân cho tốt. Vừa rồi tớ đứng quan sát thấy đèn đóm cứ loạn cả lên thế là không ổn đâu. Phải bắt anh em bọc đèn pin vào, xe thì chỉ được dùng đèn gầm thôi. Mà be bé cái mồm chứ, công việc có kế hoạch, có chuẩn bị rồi mà sao cứ rối tinh, rối mù lên thế.
- Thủ trưởng thông cảm! Anh em đều mới cả. Rồi chúng tôi sẽ nhắc nhở.
Đã nghe ì ầm tiếng động cơ từ xa vọng lại. Phó tư lệnh Đào phẩy tay:
- Thôi, đi nhắc nhở anh em rút kinh nghiệm đi! Đại đội thứ hai nó gần đến rồi đấy!
Trung đoàn trưởng Lãm vội vã quay đi. Chắc là đã được nhắc nhở kịp thời nên khi mấy chiếc xe thiết giáp xuất hiện tình hình thay đổi hẳn. Những chiếc đèn pin đã được bọc mùi xoa chỉ nhấp nháy lên tý chút rồi lại tắt. Cũng không còn cảnh xe bị ùn ứ lại rồi quát tháo nhau nhặng xị lên nữa. Cứ mỗi chiếc xe đến lại có một người dẫn đi ngay. Lãm đã trở lại cạnh phó tư lệnh Đào, ông hài lòng:
- Ít ra cũng phải thế chứ!
Cho đến khi chân trời đằng đông ửng lên sắc hồng thì chiếc xe cuối cùng mới vào vị trí. Lãm phấn khởi xoa tay:
- Báo cáo thủ trưởng! Tiểu đoàn 66 thế là đủ. Bảo đảm 100 phần trăm người và trang bị ạ!- Anh niềm nở- Bây giờ mời thủ trưởng về trung đoàn bộ nghỉ ngơi và ăn sáng!
Phó tư lệnh Đào lắc đầu:
- Không! Bây giờ tớ với cậu đi một vòng xem anh em tổ chức trú quân thế nào đã. Cậu cho một người đưa xe về trung đoàn bộ hộ. Còn ta đi bộ thôi!
Trời đã gần sáng, những tia nắng mặt trời như những ngón tay hồng phía biển Đông xuất hiện báo hiệu một ngày đẹp trời. Nhìn những hàng cao su thẳng tắp đã bắt đầu khép tán đang trải dài trên những triền đồi ba- zan đỏ tươi. Phó tư lệnh Đào lẩm bẩm:
- Cao su đẹp quá nhỉ! Thế này trú quân cũng tiện nhưng nhớ nhắc bộ đội phải chú ý khi đào hầm không được làm chết cây của người ta. Bao nhiêu công sức mới được thế này đấy!
Trung đoàn trưởng Lãm nhanh nhảu:
- Báo cáo thủ trưởng! Ở đây có rất nhiều công sự, hầm hào cũ nên chúng tôi chỉ việc cho đại đội công binh sửa lại một chút là dùng được.
Đúng như Lãm nói, trong các lô cao su có khá nhiều hầm xe, hầm pháo bỏ không nên mặc dù vừa mới đến xe cộ của tiểu đoàn 66 đã được đưa vào hầm. Dưới tán rừng không phải ngụy trang nên bộ đội xóa vết xích xong đã tranh thủ đi ngủ cho lại sức. Xung quanh mỗi hầm xe thiết giáp là hàng chục cái võng mắc la liệt, từ đó vọng ra những tiếng thở đều đều. Có cậu chừng như mệt quá chẳng cần mắc võng mà cứ dựa vào cây ngủ ngồi. Trung đoàn trưởng Lãm đang định cáu vì không thấy ai gác thì một bóng đen khoác chéo khẩu AK xuất hiện:
- Chào các thủ trưởng ạ!
Lãm định thần một lát mới nhận ra đó chính là Hòa, trung đội trưởng của trung đội này. Ông Đào cũng đã nhận ra người pháo thủ của đại đội 9 năm xưa. Lãm ngạc nhiên:
- Sao cậu lại gác thế này?
Hòa mỉm cười phô hàm răng trắng bóng trên khuôn mặt đen nhẻm:
- Báo cáo thủ trưởng! Anh em trong trung đội toàn lính trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ, lại phải hành quân liên tục gần tuần nay nên mệt quá. Còn em dù sao cũng quen rồi nên gác luôn cho anh em người ta nghỉ.
Câu trả lời của người cán bộ trẻ làm ông Đào thấy bất ngờ. Hình như đã có sự khác biệt giữa thế hệ của họ với thế hệ của ông. Khoảng cách giữa cán bộ, chiến sĩ bây giờ cũng khác với ngày xưa thì phải. Mặc dù không được hài lòng cho lắm với việc để bộ đội mắc võng ngủ không có hầm nhưng ông cố ghìm lại và quay qua bảo Lãm:
- Thôi! Ta về trung đoàn bộ đi!- Đi được vài bước ông mới nói nhỏ với Lãm- Thế này không được anh Lãm ạ! Ngay ngày hôm nay anh phải cho bộ đội đào hầm sinh hoạt, dù chỉ ở một ngày cũng phải có hầm. Tuyệt đối không để mắc võng ngủ thế kia. Anh đã đi chiến trường rồi còn lạ gì? Cứ thế này thì chỉ cần một loạt tọa độ là đi hết!
Trung đoàn trưởng Lãm tỏ ra biết lỗi:
- Báo cáo thủ trưởng! Lực lượng công binh vào trước chỉ đủ khả năng làm hầm cho “e bộ” và sửa lại hầm xe thôi. Chúng tôi cũng đã quy định bộ đội phải đào hầm ngủ nhưng chắc anh em mệt quá. Hơn một tuần nay hết tàu hỏa, tàu thủy lại hành quân bộ thủ trưởng ạ!
Ông Đào tỏ ra thông cảm nhưng vẫn kiên quyết:
- Tôi biết chứ! Anh em nhà mình hầu hết còn rất trẻ, đang tuổi ăn tuổi ngủ mà. Nhưng dù thế nào cũng phải đặt mục tiêu an toàn lên trước hết.
- Vâng! Ngay sáng nay chúng tôi sẽ tổ chức cho bộ đội đào hầm. Thủ trưởng cứ yên tâm! Đất này đào chỉ một lúc là xong.

***

Mặc dù vừa mới vào nhưng khu vực trung đoàn bộ của H02 đã khá tươm tất. Nhà chỉ huy, nhà ở các cơ quan và khối trực thuộc đều được đào chìm xuống đất, có giao thông hào chạy ra hầm chữ A và thoát ra ngoài. Hệ thống hầm họp, hầm giao ban đầy đủ cả, lại còn có cả bàn ghế ghép bằng những tấm gỗ thông vỏ hòm đạn khá cẩn thận. Ngồi xuống chiếc ghế băng nhún nhún thử thấy rất chắc chắn phó tư lệnh Đào tấm tắc:
- Các cậu ăn ở đàng hoàng đấy nhỉ! Còn khá hơn cả chỗ bộ tư lệnh mặt trận.
Trung đoàn trưởng Lãm hỉ hả:
- Cũng may chúng tôi vào đây tiếp thu được cái cứ cũ của đơn vị nào không biết nhưng đủ cả, anh em công binh chỉ sửa chữa qua loa là dùng được- Anh chỉ những mái tranh đã bạc cả màu- Thủ trưởng thấy không, cái mái tranh này phải hàng năm rồi.
Ông Đào gật gù:
- Đúng vậy! Thôi, bây giờ cậu ngồi xuống đây ta tranh thủ trao đổi một chút rồi chiều nay tôi còn phải về bộ tư lệnh mặt trận- Đợi cho Lãm ngồi xuống ghế và mở sổ tay đàng hoàng ông mới tiếp- Hôm vừa rồi gặp tư lệnh mặt trận đồng chí ấy có thông báo sơ bộ là trước mắt sẽ để trung đoàn ta làm dự bị cho chiến dịch. Đó cũng là một thuận lợi để ta có thêm thời gian chuẩn bị. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của trung đoàn là khẩn trương đưa đủ đội hình vào vị trí tập kết càng nhanh càng tốt. Ngay khi vào rồi phải nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt, trong đó đặc biệt chú ý là củng cố trang bị và trinh sát chiến trường.
Trung đoàn trưởng Lãm vừa lia bút lia lịa vừa nói:
- Vâng ạ! Việc củng cố trang bị thì rõ rồi, còn việc đi chuẩn bị chiến trường thì có lẽ chúng tôi phải đợi trên giao nhiệm vụ chính thức mới biết phải trinh sát địa bàn nào chứ?
Phó tư lệnh Đào lắc đầu:
- Đã làm dự bị chiến dịch thì phải nắm được địa hình toàn bộ khu vực tác chiến, đặc biệt là trong chiều sâu phòng ngự của địch. Tuy nhiên, theo tôi H02 các anh chắc sẽ được mặt trận sử dụng ở cánh đông vì cánh bắc và cánh tây đã có H03 rồi- Quay sang trợ lý Bắc ông bảo- Cậu đưa tôi cái bản đồ khu vực đây!
Bắc mở xắc cốt lấy tấm bản đồ khu vực Quảng Trị trải rộng trước mặt phó tư lệnh. Thấy ông chăm chú nhìn như muốn tìm kiếm cái gì đó anh chỉ vào một khoanh tròn màu đỏ:
- Báo cáo thủ trưởng! Hiện ta đang ở đây ạ!
Ông Đào gật đầu:
- Anh Lãm lại gần đây đi! Đây là hình thái bố trí hiện tại của cả địch và ta. Dự kiến của trên trong chiến dịch này là tiến công trên bốn cánh: cánh bắc, cánh tây, cánh nam, cánh đông và một mũi vu hồi vào Huế, trong đó cánh bắc là chủ yếu. Ở cánh bắc và cánh tây mỗi cánh đều được tăng cường một tiểu đoàn của H03. Vì vậy theo phán đoán của tôi các anh sẽ được sử dụng chủ yếu ở cánh đông vì đây là vùng đồng bằng ven biển- Ông chỉ một vệt dài dọc theo bờ biển- Vì vậy tôi đề nghị các anh tập trung chú ý vào khu vực này. Mà phải nhanh nhanh lên đấy.
Lãm chăm chú nhìn rồi nhăn trán:
- Thủ trưởng ơi! Khu vực ấy toàn thấy sông ngòi và bãi lầy, đầm phá thế kia thì đánh nhau làm sao được!
- Anh này hay nhỉ! Thế trang bị cho các anh toàn xe bơi nước để làm gì? Mà bên cánh bắc và cánh tây đã có H03 rồi cơ mà- Ông Đào tỏ ra khó chịu.
Lãm chợt đổi giọng khẩn khoản:
- Báo cáo thủ trưởng! Hiện tại chúng tôi chưa có một bộ bản đồ địa hình khu vực nào trong tay. Thủ trưởng cho chúng tôi xin tạm bộ này để nghiên cứu trước có được không ạ?
Ông Đào liếc sang phía Bắc, anh nhanh nhảu trả lời:
- Chắc chắn mấy hôm nữa tham mưu của mặt trận sẽ cấp đủ cho trung đoàn thôi. Còn ở đây vẫn còn một bộ dự trữ nữa thủ trưởng ạ!
- Vậy thì cứ đưa cho các cậu ấy nghiên cứu trước đi!
Lấy từ xắc cốt ra một bộ bản đồ đưa cho Lãm nhưng Bắc vẫn phải dặn thêm:
- Bộ bản đồ này hơi cũ rồi nên các anh phải nghiên cứu thực địa và bổ sung thêm địa vật vào cho phù hợp với hiện tại.
Nhìn góc tấm bản đồ thấy dòng chữ “In theo số liệu đo vẽ năm 1941” Lãm thốt lên:
- Trời ạ! Từ năm 41 đến nay thì có biết bao thay đổi rồi, chả biết các “ông ấy” làm ăn kiểu gì thế này?
Ông Đào trừng mắt:
- Cậu này hay nhỉ! Suốt mấy chục năm chiến tranh, vùng này lại là vùng tranh chấp ác liệt thì ai mà đi đo vẽ được. Có mà dùng là tốt rồi, còn hơn chán vạn lần hồi đánh Pháp ấy chứ. Mà cậu Bắc cậu ấy nói rồi: các cậu phải đi thực địa và vẽ bổ sung các địa vật vào, đặc biệt là hệ thống đường sá ấy.

***

Khi được biết khoảng cách từ sở chỉ huy mặt trận đến cầu Hiền Lương không xa là mấy phó tư lệnh Đào quyết định sẽ phải đi đến đó. Ông muốn tận mắt nhìn thấy một địa danh lịch sử đã đi vào sử sách, nơi chia cắt đất nước thành hai miền nam bắc hàng chục năm qua. Còn vì một lẽ nữa thúc giục ông đến nơi đó vì muốn tìm một nơi để H02 vượt qua sông Bến Hải khi bước vào chiến đấu.
Theo sự chỉ dẫn của một cán bộ địa phương hai thày trò ông Đào luồn lách theo những con đường mòn kín đáo dưới những lùm tre, nhiều đoạn phải đi trong hào giao thông sâu gần ngập đầu người hướng về phía đông. Trên đầu một chiếc L19 đang lượn lờ nhòm ngó, tiếng vè vè từ đó phát ra nghe thật khó chịu. Càng gần đến Hiền Lương sự khốc liệt của chiến tranh ở vùng đất này càng rõ rệt: không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, chỉ thấy hố bom rồi lại hố bom, đất ba- zan bị cày xới, quăng đi quật lại bầm đỏ như máu khô. Nghe nói toàn bộ cuộc sống ở đây đã chuyển vào lòng đất, dưới những địa đạo sâu hàng chục mét. Nghe thì biết vậy chứ ông Đào cũng chưa bao giờ được chui xuống một cái địa đạo nào. Mà có lẽ đúng thế thật vì đã đi gần chục ki- lô- mét mà hai thày trò hầu như không thấy một người dân nào, chỉ thỉnh thoảng gặp một tổ dân quân trực chiến bên những khẩu 12 ly 7 ngụy trang đầy lá. Mà hầu như các khẩu đội này toàn là nữ thì phải. Thấy hai anh bộ đội lơ nga, lơ ngơ vừa đi vừa giở bản đồ ra tìm đường họ chí chóe trêu nhưng cả hai thày trò vẫn nín lặng vì nghe mà chẳng hiểu gì. Tuy nhiên khi còn cách cầu Hiền Lương chừng non một ki- lô- mét thì cô khẩu đội trưởng ở đây tỏ ra rất kiên quyết khi biết hai người định đi ra cầu Hiền Lương:
- Các eng nỏ được ra nớ tề! Nguy hiểm lắm!
Bắc nằn nì:
- Đồng chí thông cảm! Chúng tôi chỉ định ra đó nhìn cây cầu một tý thôi mà.
Cô dân quân cười như nắc nẻ:
- Còn mô nữa mà dòm! Cầu đã bị máy bay Mỹ nó đánh sập mấy năm ni rồi, các eng nờ. Mà tui nhắc lại, các eng nỏ được ra nớ tề! Máy bay nó dòm thấy nó đánh liền- Cô chỉ chiếc L19 đang lượn lờ trên đầu.
- Thế có chỗ nào kin kín mà nhìn thấy cầu không?- Bắc vẫn nằn nì.
- Thôi được! Tui sẽ dẫn hai eng đến chỗ dòm thấy cây cầu!
Nói rồi cô xăm xăm đi trước, hai thày trò lẽo đẽo đi theo. Đến một mỏm đồi cao cô dừng lại sau một lùm tre rồi chỉ tay về phía trước:
- Cầu tê tề! Các eng dòm đi rồi viền cho sớm.
Ông Đào giương chiếc ống nhòm lên và điều chỉnh thị độ. Thật chẳng có gì giống với hình dung của ông trước đây về “khu phi quân sự” và đồn biên phòng giới tuyến. Cây cầu Hiền Lương nổi tiếng đã bị sập hết mấy nhịp giữa chỉ còn hai đoạn hai bên mố cầu chúc đầu xuống sông. Đồn biên phòng giới tuyến cũng chẳng còn lại dấu tích gì ngoài những hố bom nham nhở, đỏ bầm. Tuy nhiên, dường như bất chấp mọi thử thách, một lá cờ đỏ sao vàng thật lớn vẫn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột cờ. Lướt ống nhòm qua phía bờ nam lòng ông chợt se lại. Ngoài cái lô cốt có tháp canh cao ba tầng ngay đầu cầu trên đó cũng có một lá cờ vàng ba sọc đỏ là có vẻ như còn sự sống, còn lại là một cảnh tượng hoang tàn, thê lương đến nao lòng. Chỉ thấy những cánh đồng ngập nước bỏ hoang, những dãy đồi trọc lơ thơ vài lùm cây bụi nối tiếp nhau. Không một bóng làng quê, không một mái nhà, không một bóng người hay bất cứ một sinh vật nào khác, “chắc đây chính là hàng rào điện tử Mắc Na- ma- ra mà Mỹ đã làm rùm beng mấy năm nay”- ông nghĩ bụng. Bất giác mắt ông như nhòa đi. Một dòng sông chỉ rộng hơn trăm mét mà như vô tận. Dường như đứng ở nơi đây người ta sẽ thấm thía hơn nỗi đau chia cắt của một quốc gia, một dân tộc và cảm nhận đầy đủ hơn sự khốc liệt của cuộc chiến này.
Hôm qua trong buổi họp phê duyệt quyết tâm chiến dịch ông mới hiểu rõ thêm về tình hình địch ở đây. Là nơi đối đầu trực tiếp giữa hai chế độ nên Mỹ ngụy đã cho xây dựng Quảng Trị thành một phòng tuyến hết sức vững chãi nhằm chống lại sự “xâm nhập của cộng sản Bắc Việt”. Lực lượng của chúng bố trí ở đây gồm sư đoàn 3 bộ binh do chuẩn tướng Vũ Văn Giai chỉ huy, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến số 147 và 258, hai thiết đoàn 11 và 20 cùng lực lượng pháo binh hùng hậu với hàng trăm khẩu pháo các cỡ do quân Mỹ bàn giao lại. Ngoài ra còn có các lực lượng biệt kích, thám báo và bảo an dân vệ lên đến hàng trăm nghìn tên. Để thực hiện ý đồ của mình chúng bố trí thành ba tuyến phòng thủ. Tuyến ngoài cùng nằm sát phía nam khu phi quân sự, kéo dài từ biển Đông đến tận biên giới Việt- Lào có nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập của ta. Lực lượng ở tuyến này chủ yếu là không quân, pháo binh, biệt kích, thám báo được hỗ trợ bởi các phương tiện trinh sát của hàng rào điện tử Mắc Na- ma- ra, khi cần thiết có thể tổ chức càn quét bằng những bộ phận chủ lực nhỏ. Tuyến phòng thủ thứ hai được coi là tuyến phòng thủ cơ bản có ý nghĩa quyết định trong hệ thống. Đó là một chuỗi các cứ điểm, cụm cứ điểm từ Động Ông Do, các điểm cao 52, 365, 241 v.v… ở phía tây kéo dài qua Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang đến tận Cửa Việt hình thành nên các tam giác, tứ giác phòng thủ để hỗ trợ lẫn nhau. Đó là những điểm cao, cứ điểm mà bọn chúng vẫn huyênh hoang là “bất khả xâm phạm”. Có thể coi đây là lớp vỏ cứng của cả hệ thống phòng thủ của chúng và nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng xe tăng trong chiến dịch này là phải đập tan lớp vỏ cứng đó. Còn tuyến thứ ba bao gồm các thị xã, thị trấn nằm sâu phía trong như Đông Hà, Ái Tử, Quảng Trị. Lực lượng của chúng ở đây có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với bảo an, dân vệ thực hiện kìm kẹp nhân dân, đánh phá phong trào cách mạng của quân chúng đồng thời sẵn sàng chi viện, ứng cứu cho tuyến phòng thủ thứ hai.
Với những gì quan sát được hôm nay ông Đào cũng đã nhận thấy ý định phòng thủ của địch cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Quả thật là với một “vùng trắng” như thế này việc tổ chức đưa lực lượng, nhất là lực lượng cơ giới vào chiến đấu sẽ hết sức khó khăn. Bỏ chiếc ống nhòm xuống ông quay qua hỏi cô dân quân:
- Đồng chí cho hỏi, suốt dọc bên bờ nam không có dân à?
- Trước thì có, nhưng mấy năm ni ác liệt quá nên không còn ai ở lại. Phần thì bị bọn giặc xúc đi làm vành đai trắng, phần thì bà con chạy tan tác mỗi người một ngả. Ngay cả ngoài ni cũng rứa- Cô chỉ tay xuống chân điểm cao- Ngay dưới chỗ các eng đứng tê tề ngày xưa là làng Tùng Luật nớ! Giừ thì còn chi mô!
Ông Đào nhìn xuống chân đồi. Quả thật, giữa la liệt những hố bom đỏ quạch, những lũy tre xơ xác vẫn có thể nhận ra dấu tích những ngôi nhà, mảnh sân và những khóm tiêu cùng một ít cây ăn quả. Lắc mạnh đầu như để xua đi nỗi ám ảnh nặng nề ông lại hỏi người nữ dân quân:
- Này, đồng chí! Dọc bờ sông này có chỗ nào bờ sông thoai thoải chứ không dựng đứng như thế kia không?- Ông chỉ tay về phía dòng sông.  
- Nỏ có mô! Chỗ mô cũng rứa cả, chỉ có xuôi xuống Cửa Tùng bờ sông mới thoai thoải thôi- Cô dân quân trỏ ra phía biển.
- Từ đây xuống Cửa Tùng có xa không, đồng chí?- Bắc hỏi chen vào.
- Nỏ có xa mô, chừng năm, sáu cây số thôi mừ.
Bắc giở bản đồ ra, hai thày trò lặng lẽ nhìn một lát rồi ông Đào bảo:
- Thôi, ta về!- Ông bắt tay người nữ dân quân- Cảm ơn đồng chí nhé! Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành nhiệm vụ.
Suốt dọc đường về sở chỉ huy ông cứ cắm cúi đi mà không nói một lời nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét