Đã
đủ dữ liệu để phục dựng lại lịch sử
Với độ lùi của 40 năm, với những chứng cứ, văn
bản, hình ảnh... đã thu thập được chúng ta hoàn toàn có thể phục dựng lại sự
kiện trưa 30 tháng Tư năm 1975 tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh SG một cách
khách quan, chính xác.
Dựa vào những chứng cứ
đã có, có thể tóm tắt những sự kiện chính đã xảy ra theo trình tự như sau:
-
10 giờ 45phút: Những chiếc xe tăng đầu tiên của Đại đội 4,
Lữ đoàn 203 tiếp cận dinh Độc Lập. Xe tăng 843 húc vào cổng phụ bên trái nhưng
do cổng phụ hẹp, xích xe đâm vào cột trụ cổng nên dừng lại. Xe tăng 390 húc
thẳng vào cổng chính, xô đổ cánh cổng lao vào trong sân. Từ xe 843, trung úy
Bùi Quang Thận tháo lá cờ giải phóng cắm trên ăn- ten đài vô tuyến điện chạy bộ
vào dinh. Xe 843 lùi lại và tiến vào dinh qua cổng chính sau xe 390. Phía sau,
các xe tăng của Lữ đoàn 203 tiếp tục tiến về phía dinh ĐL.
Thấy đồng đội của mình là Bùi Quang Thận cầm cờ lao vào dinh,
trung úy Vũ Đăng Toàn và sau anh là pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên mang theo súng AK
chạy vào theo. Đây chính là những chiến sĩ mà Borries- Gallasch đã miêu tả ở
đoạn trên: “Và rồi một người lính giải
phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay phải xông lên cầu thang
suýt xô ngã tôi (trung úy Bùi Quang Thận). Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm
lấy vị trí bên phải và bên trái của cầu thang (trung úy Vũ Đăng Toàn và trung
sĩ Ngô Sỹ Nguyên). Đầu tiên không ai nhận thấy Minh “lớn” và những người khác
đang chờ họ ở phía bên kia của phòng tiếp khách”. Tiếp đó, có lẽ mải chụp ảnh
ông ta đã không được chứng kiến việc trung úy Vũ Đăng Toàn và hạ sĩ Ngô Sĩ
Nguyên đã “dồn” nội các của Dương Văn Minh vào một phòng và canh gác ở đó.
Như vậy, có thể khẳng định 3 chiến sĩ của Đại đội xe tăng 4 là
những người đầu tiên xông vào dinh ĐL, một trong số đó lên nóc dinh cắm cờ, còn
hai chiến sĩ còn lại chính là những người “bắt sống” nội các Dương Văn Minh
(nếu có thể nói vậy). Chỉ sau khi họ đã đưa toàn bộ nội các Dương Văn Minh vào
phòng khánh tiết và đứng canh gác ở cửa thì đại úy Phạm Xuân Thệ mới đến. Vì
đại úy Phạm Xuân Thệ có chức vụ, cấp bậc cao hơn nên hai chiến sĩ xe tăng đã
“nhường” cho ông ta đứng ra chủ trì việc bắt giữ này. Vì vậy không thể nói
người bắt sống nội các Dương Văn Minh là đại úy Phạm Xuân Thệ như Viện LSQS
được.
Ngoài ra, có lẽ cũng nên bàn thêm về hai từ này. Thực tế, TT
Dương Văn Minh và nội các dưới quyền ông ta đã không muốn kéo dài cuộc chiến
nữa. Trước đó, vào lúc 09.30 họ đã phát đi một chỉ thị yêu cầu các đơn vị quân
đội VNCH ngừng súng. Tất nhiên, chỉ thị này không thể đến được với mọi lực
lượng VNCH và cuộc chiến đấu vẫn diễn ra ngoài ý muốn của họ. Về phía mình, họ
không chạy trốn, cũng không chống cự mà đã ở lại trong dinh ĐL và chờ đợi Quân
giải phóng vào với một thái độ khá bình thản. Như vậy, hai từ “bắt sống” nghe
có vẻ hơi bị khiên cưỡng và không phù hợp cho lắm với hoàn cảnh lúc đó. Nên
chăng từ nay hành động này nên gọi là “bắt giữ” hoặc “canh giữ”?
Sau khi có mặt, với kinh nghiệm của một cán bộ trung đoàn BB, đã
trải qua chiến đấu nhiều nên đại úy Phạm Xuân Thệ đã nhanh chóng làm chủ tình
hình và ông đã yêu cầu TT Dương Văn Minh phải ra đài phát thanh tuyên bố đầu
hàng. Về phía mình, TT Dương Văn Minh không muốn đi vì lý do sợ không an toàn.
Một giải pháp được đưa ra là ghi âm lời nói của TT Dương Văn Minh tại đây song
các nhân viên ở dinh đi tìm máy ghi âm cũng không được. Tình hình trong dinh có
phần “hoang mang”- từ của Borrise Gallasch. Đúng lúc đó, chính ủy Lữ đoàn xe
tăng 203- trung tá Bùi Văn Tùng xuất hiện. Với tư thế tác phong và cách xử lý
của mình, ông đã làm cho mọi sự “hoang mang chấm dứt” và TT Dương văn Minh đồng
ý đi sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.
Như vậy, qua lời kể của các nhân chứng như nhà báo Kỳ Nhân,
chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, các chiến sĩ xe tăng 390... cũng như hồi ký của bộ
trưởng Thông tin Lý Quý Chung và nhà báo Borries Gallasch đều khẳng định sự có mặt của chính ủy Bùi Văn
Tùng và vai trò của ông tại Dinh Độc Lập, trái ngược hẳn với lời kể của ông
Phạm Xuân Thệ và kết luận của Viện LSQS. Đó là một sự thật lịch sử không thể
phủ nhận.
- Gần
12 giờ: Dẫn giải TTDVM sang
đài phát thanh. Về phía nội các VNCH có TT Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu
và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung. Về phía QGP có trung tá Bùi Văn Tùng,
đại úy Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 203 và Trung đoàn
66. Ngoài ra còn một số nhà báo đi cùng như: nhà báo Kỳ Nhân, nhà báo Đức
Borries Gallasch... Đòan đi trên 2 xe JEEP và xe riêng của nhà báo Kỳ Nhân. Xe
đi trước gồm đại úy Thệ và TT Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng một số
cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 66. Xe thứ hai gồm trung tá Tùng, Tổng trưởng Thông
tin Lý Quý Chung, nhà báo Borries Gallasch, luật sư Hà Huy Đỉnh và một chiến sĩ
của Lữ đoàn 203.
- 12
giờ 20 đến 12 giờ 30: Do đường sá của Sài
Gòn lúc đó rất đông người và mất trật tự (bộ đội ta tiếp tục tiến vào, dân
chúng thấy không còn súng nổ bắt đầu đổ ra đường, tràn cả xuống lòng đường chào
đón bộ đội) nên chiếc xe thứ hai đến đài phát thanh chậm hơn xe thứ nhất chừng vài
phút. Lúc này đài phát thanh đã được một đơn vị của trung đoàn 66 chiếm, các
nhân viên của đài đều đã tùy nghi di tản. Thay vào đó có một số sinh viên ủng
hộ cách mạng có mặt như Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Ngọc Chênh v.v... đã tích cực
giúp đỡ bộ đội thực hiện một số công việc cần thiết như tìm nhân viên kỹ thuật,
kiếm pin...
Theo lời kể của ông Phạm Xuân Thệ và các cấp dưới của ông thì
khi đến đó ông đã soạn thảo văn kiện tuyên bố đầu hàng cho TT Dương Văn Minh
đọc. Mọi việc gần xong thì trung tá Bùi Văn Tùng mới đến. Tuy nhiên, theo lời
kể của tất cả các nhân chứng khác thì toàn bộ việc soạn thảo văn kiện đầu hàng
cũng như chỉ đạo việc thu âm và phát lên sóng phát thanh đều do ông Bùi Văn
Tùng thực hiện. Còn ông Thệ như Borries Gallasch viết: “Trong lúc đấy mọi người
dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy
Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng
trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài”.
Có thể hình dung là khi ông Tùng chưa đến (do xe đi sau và đến
muộn ít phút), ông Phạm Xuân Thệ có thể đã có lời nói yêu cầu ông Dương Văn
Minh tuyên bố đầu hàng song chưa có chỉ đạo cụ thể phải làm thế nào. Chỉ đến
khi ông Bùi Văn Tùng đến thì mọi việc mới được tiến hành một cách chính xác và
chặt chẽ như những gì chúng ta đã được nghe Borries Gallasch và các nhân chứng
khác kể lại. Các hiện vật như văn bản và băng ghi âm lời tuyên bố cũng như lời chấp
nhận đầu hàng đã nói lên điều đó.
Bản thảo Lời tuyên bố đầu hàng và Lời chấp nhận đầu hàng do CU Bùi Văn Tùng soạn. |
Chủ tịch Tôn Đức Thắng ôm hôn chính ủy Bùi Văn Tùng ngày 17.5.1975 |
Có lẽ như thế này đã đủ để chúng ta hiểu sự kiện lịch sử đó thật sự đã diễn ra như thế nào? Rất mong các cơ quan có trách nhiệm như Viện Lịch sử quân sự, Hội khoa học lịch sử VN, Viện Lịch sử thuộc Viện hàn lâm KHXH&NV Việt Nam... vào cuộc để đưa ra kết luận chính xác cho vụ việc, tránh tình trạng cứ mỗi lần đến dịp 30.4 trong dân gian lại râm ran những lời xì xào đày nghi hoặc như những năm vừa qua. Nó như một thứ hóa chất ăn mòn niềm tin của dân chúng về tính chân thực của lịch sử. Thời gian cứ trôi qua một cách lặng lẽ. Các nhân chứng không còn nhiều. Nếu không tiến hành làm rõ ngay có lẽ sẽ muộn.
Nhân dịp này cũng xin
trân trọng đề nghị ngài Chủ tịch nước xem xét tuyên dương danh hiệu Anh hùng
LLVT cho nguyên chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng bởi những thành tích của ông-
đặc biệt là cách xử trí tình huống rất khẩn trương nhưng không kém phần chặt
chẽ và nguyên tắc của ông trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 nhằm kết thúc một cách
nhanh nhất cuộc chiến tranh, tiết kiệm xương máu cho chiến sĩ, đồng bào đồng
thời nhanh chóng lập lại trật tự ở thành phố Sài Gòn tại thời điểm đó.
Để rõ thêm tầm vóc, ý
nghĩa của sự kiện này, xin mời các bạn xem bộ phim đã phát trên VTV1- “Cuộc bàn
giao lịch sử”:
(Bài có sử dụng một số
tư liệu của các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong v.v...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét