Nhân chứng đặc biệt và những chứng cứ đáng tin cậy nhất
Trong khi các nhân chứng người Việt Nam
bị chia rẽ bởi những lý do khác nhau thì có một người chúng ta có thể tin được-
đó là một nhà báo nước ngoài- người châu Âu duy nhất đã có mặt tại cả 2 nơi rất
quan trọng là dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30.4 đó. Đó
là nhà báo Borries Gallasch- phóng viên của báo Tấm gương (CHLB Đức) tại Sài
Gòn.
Ông đã
chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra tại các địa điểm trên và đã xuất bản một
cuốn sách để nói về sự kiện này- cuốn “Thành
phố Hồ Chí Minh- Giờ khắc sô 0”. Chúng ta có thể tin tưởng vào sự khách
quan không thiên vị ai của một người nước ngoài và sự chính xác của một nhà báo
chuyên nghiệp.
Hãy nghe
Borries Gallasch kể: “Mặc dù sợ đến run cả hai đầu gối, nhưng sau đó tôi vẫn đi
bộ đến dinh Độc Lập vào lúc 11giờ sáng hôm ấy. Tôi đứng một mình trước dinh mà
giờ đây yên lặng như một viện bảo tàng và ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng
ống, thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng chống tăng, súng máy ngay tại bãi cỏ.
Không
có một bóng người nào ở đó. Những tiếng nổ từ phía kho đạn của sân bay Tân Sơn
Nhất vẫn còn vọng lại. Tôi bước qua cánh cổng sắt mở hé. Một thiếu tá bước sát
ngay bên cạnh tôi, nhưng làm như có vẻ không nhìn thấy tôi. Tôi băng ngang qua
bãi cỏ và nghĩ rằng có thể bị ai đó bắn bất cứ lúc nào. Ngay bên những bậc
thang dẫn đến lối vào chính có những người lính đang cãi vã. Một chiếc
Limousine đen, bên trong là ông Nguyễn Văn Huyền, phó tổng thống của một chính
thể không còn nữa, nói với tôi: “Chúng tôi đang chờ phái đoàn của Mặt trận Giải
phóng vào dinh, anh có thể đợi nếu anh muốn”. Những người lính của đội cận vệ
tổng thống thậm chí đã không thèm chào khi một nhân vật quan trọng thứ hai của
quốc gia được chở ra bằng cổng sau.
Tôi hít một hơi thật
sâu rồi bước tiếp lên những bậc tam cấp đi vào cửa chính qua tiền sảnh rồi đi
lên lầu một. Tại đây tôi gặp Hà Huy Đỉnh - một luật sư Sài Gòn người nhỏ bé và
cũng là học trò của thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Hà Huy Đỉnh, người mà chỉ vừa mới đi
lên từ tầng hầm đã có cùng ý nghĩ như tôi: đi đến một chỗ mà nếu có chuyện gì
quan trọng xảy ra thì sẽ xảy ra ở đấy.
Một
cảnh ngoạn mục
Trong khoảnh khắc ấy,
khi chúng tôi còn đang đứng ở giữa sảnh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là
tổng thống Minh “lớn”, thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một vài người thân cận từ dưới
hầm trú ẩn đi lên. Ông Minh “lớn” (Big Minh) nói: “Thật là tốt khi anh có mặt ở
đây, anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những
người xứng đáng hơn tôi”.
Trong lúc những nhân
viên của tổng thống Dương Văn Minh đi đi lại lại đầy lo âu, thì ông vẫn đứng im
lặng giữa sảnh và phóng tia mắt nhìn qua cửa sổ phía trước của dinh về hướng
nhà thờ Đức Bà. Bỗng nhiên những tiếng nổ inh tai của súng máy vang lên. Tôi
nằm rạp xuống sàn tìm kiếm sự che chắn đằng sau cột ximăng. Phút cuối cùng của
sự nổi dậy, một cuộc đánh chiếm dinh?!
Không có tấm kính nào
bị vỡ, chúng tôi rời khỏi chỗ nấp. Minh “lớn” vẫn đứng nguyên chỗ cũ, to lớn
như một bức tượng bên cạnh ông thủ tướng thấp bé. Rồi trước mắt chúng tôi xuất
hiện cảnh tượng không thể tin được: ba chiếc xe tăng treo những lá cờ của Mặt
trận Giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước dinh. Súng bắn
loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến
thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng, lăn xích
thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới. Hai chiếc tăng còn lại vòng sang hai
bên và rồi tất cả đều dừng lại trước mặt tiền của dinh. Khoảng 20-30 phát súng
khác được bắn lên.
Tôi chạy ra ban công
chụp ảnh. Tôi và Hà Huy Đỉnh thay phiên nhau. Thật là một cảnh ngoạn mục. Và
rồi một người lính giải phóng với khẩu súng bên tay trái và một lá cờ bên tay
phải xông lên cầu thang suýt xô ngã tôi. Hai chiến sĩ giải phóng khác chiếm lấy
vị trí bên phải và bên trái của cầu thang. Đầu tiên không ai nhận thấy Minh
“lớn” và những người khác đang chờ họ ở phía bên kia của phòng tiếp khách.
Một
người lính đứng ngay trước mặt tôi. Anh ta hét vào tôi, hét đi hét lại điều gì
đó mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh hét giải thích cho tôi là mở cửa ra ban công.
Tôi mở cánh cửa kính ra vào. Anh ta lướt qua tôi, kéo cờ lên và vẫy đi vẫy lại.
Ở phía dưới nhiều
chiếc xe tăng tiếp tục tiến vào và tất cả đều bắn lên không trung. Một vài nhà
báo chạy vào qua bãi cỏ.
Khoảng 30 binh sĩ của
chế độ Sài Gòn đứng giơ tay đầu hàng và xếp thành ba hàng trên bãi cỏ.
Là một người châu Âu
duy nhất, là một nhà báo duy nhất, tôi chứng kiến đại tướng Minh “lớn” - tổng
thống của VN cộng hòa, đã bị bắt bởi Phạm Xuân Thệ, chỉ huy của đoàn Đông Sơn
thuộc quân đội giải phóng. Tay cầm súng ngắn đã lên đạn, một khẩu K54 của Nga,
Thệ rất phấn khích la lớn yêu cầu ông Minh ra đài phát thanh.
Nhưng tướng Minh không
muốn đi. Ông ta đề nghị rằng bài nói của ông phải được thu âm vào máy thu ở
trong dinh. Họ tranh luận việc đó. Càng lúc càng nhiều người lính giải phóng
chạy vào. Rồi họ bắt đầu tìm máy thu nhưng không có kết quả. Không có một cái
máy ghi âm nào trong dinh cả.
Sự hoang mang chấm dứt
khi người chỉ huy của quân giải phóng, chính
ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện. Ngay lúc đó, một nhóm đông người tập trung lại
và được đưa vào phòng tiếp khách của tầng thứ nhất.
Thảo
văn kiện
Sau một vài phút, ông
Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Văn Tùng rời khỏi phòng, theo sau là
những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu
thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ
tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải
phóng (đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này - TG). Chính ủy Bùi Văn Tùng và một người
lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói
chuyện với ông chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông
gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và
chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc
ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi
- qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh
Khiêm.
Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên
đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng
tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng
thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế
và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng
trên một mảnh giấy màu xanh.
Ông
Mẫu trông có vẻ hài lòng. Ông tỏ ra như thể chiến thắng này là chiến thắng của
ông. Người thành lập và phát ngôn cho lực lượng thứ ba, mà mới tuần trước đã giải
thích cho tôi tại sao nhóm trung lập của ông ấy sẽ là một nhân tố cần thiết cho
bất cứ một tương lai chính trị nào ở Nam VN, nay tuyên bố rằng: “Không còn lực
lượng thứ nhất nữa nên chúng ta không còn cần đến lực lượng thứ ba, hòa giải
dân tộc diễn ra sớm hơn dự định. Bây giờ dù muốn hay không chúng ta cùng làm
việc cho nhân dân ta”. “Không phân biệt chính kiến?”. “Đúng, chúng ta có khác
nhau về quan điểm nhưng những điểm khác nhau đó chỉ hướng chúng ta đi đến một
mục đích chung”.
Chính ủy Tùng đã rất khó
viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi
lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là
khó để biết phải viết như thế nào.
Trong lúc đấy mọi
người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại
úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng
trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài.
Thời
khắc lịch sử
Đại
tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn
ông Minh với vẻ tò mò. Họ vây quanh ông ta trong lúc phía bên ngoài vẫn còn
nghe những tiếng nổ. Những người lính giải phóng đã thể hiện sự vui mừng không
kìm nén được. Cuối cùng ông Minh đã lên tiếng, hỏi một người lính: “Em trai của
tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?”. Đó là số mệnh của những
người dân VN: người em của tổng thống là một tướng lĩnh trong quân đội miền Bắc
VN và trong 20 năm anh em ruột thịt ở hai bên chiến tuyến.
Đại úy Thệ im lặng.
Tất cả mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói
chuyện với tôi bằng tiếng… Nga. Họ trông thấy phù hiệu “Báo chí Đức” trên áo
sơmi của tôi và tưởng tôi là nhà báo Đông Đức. Họ đã nói chuyện với tôi về Các
Mác. Bạn tôi là Hà Huy Đỉnh đã giải thích cho họ rằng tôi là nhà báo Tây Đức.
Mặt họ sầm xuống, tỏ ra nghi ngờ và e dè hơn.
Cuối cùng mọi người đã
sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy
Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: ông Minh cần phải
đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba
lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, Dương
Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”, nhưng ông ấy chỉ muốn nói: “Tôi, đại
tướng Dương Văn Minh...”. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận:
không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh,
tổng thống của chính quyền Sài Gòn”. Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay
của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ
đầu. Cuối cùng đã xong. Ông Minh kết thúc âm giọng chính xác: “...miền Nam Việt
Nam”.
Tôi cũng ghi âm lời
phát biểu của ông Mẫu và ông chính ủy Tùng rồi chúng tôi đi vào phòng thu
thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh
ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Tùng, ông Mẫu đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật
viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại
gần micro hơn và không quá to. Lúc này mọi sự đều tốt đẹp. Chính ủy Bùi Văn
Tùng đã nói những gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại. Tôi đã
được ông cảm ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở ông về lại dinh Độc
Lập trên chiếc xe jeep. Chúng tôi rời khỏi tòa nhà. Tôi ngồi sau tay lái và ông
chính ủy ngồi ghế bên”.
Bút ký này của Borries
Gallasch được đăng trên báo Tấm Gương (CHLB Đức) ngay sau đó và đã được in
trong cuốn “Ho- Tschi- Minh- Stadt Die Stunde Null Reportagen vom Ende eines
drei ßigjährigen Krieges” xuất bản tháng 9 năm 1975 tại nhà xuất bản
Rowohlt- Rororo, Hamburg (CHLB Đức). Năm năm sau ông qua đời vì bệnh ung thư.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, ngày 27.4.2010 vợ của Borries
Gallasch đã được mời sang thăm Việt Nam. Trong chuyến đi này bà đã tặng cuốn
sách quý này cho nhân dân Việt Nam và cá nhân chính ủy Bùi Văn Tùng. Cuốn sách
đã được tạp chí “Xưa và Nay” dịch, sau đó được Nhà xuất bản Thời đại phát hành
với tựa đề “Thành phố Hồ Chí Minh- Giờ khắc số 0- Những phóng sự về kết thúc cuộc
chiến tranh 30 năm”.
Như vậy, những sự kiện xảy ra tại dinh ĐL và Đài phát thanh Sài
Gòn trưa 30.4.1975 đã có thêm một góc nhìn mới khách quan và chính xác hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét