Vào chiều hôm đó Hòa đen đang có
mặt tại bờ bắc sông Cửa Việt. Các anh đang chờ trời tối để vượt sông sang phía
bên kia. Bài học về sự không nắm chắc địa hình trong chuyến vượt sông đánh Đông
Hà còn nhức nhối trong tâm can đội ngũ cán bộ H02 nên ngay sau cuộc họp rút
kinh nghiệm ở Bộ tư lệnh tiền phương về, biết nhiệm vụ của trung đoàn mình chủ
yếu tác chiến ở cánh Đông trung đoàn trưởng Lãm đã quyết định phải tổ chức ngay
một chuyến trinh sát. Mặc dù người chỉ huy bộ binh đã nêu ra rất nhiều khó khăn
khi thâm nhập sang bờ nam sông Cửa Việt nhưng Lãm vẫn kiên quyết đòi đi. Thấy
vậy đồng chí tư lệnh cánh Đông đành phải ra lệnh cho lực lượng địa phương tạo
mọi điều kiện giúp đỡ cho đoàn. Huyện đội Gio Linh cử hẳn một tổ trinh sát dẫn
đường và lo liệu phương tiện vượt sông. Thật may cho các anh, không hiểu tính
toán thế nào mà trước hôm đoàn trinh sát lên đường bọn địch lại rút hết quân
khỏi Cửa Việt. Nghe nói bọn chúng kéo về để tăng cường phòng tuyến xung quanh
Ái Tử. Thế là đỡ đi được một gánh nặng. Sau gần một ngày đi dọc bãi biển để nắm
lại tình hình đường sá tầm ba giờ chiều họ đã tới bờ bắc sông Cửa Việt. Núp
mình sau những gốc phi lao và mấy bụi dứa dại cằn cỗi họ tranh thủ quan sát
tình hình ở phía bên kia.
So với Bến Hải thì Cửa Việt rộng
hơn nhiều, lòng sông đoạn này dễ đến gần một cây số, nhìn cứ ngút cả tầm mắt.
Gặp ngày biển lặng nên sóng chỉ lăn tăn làm cho lòng sông như rộng thêm ra.
Phía quân cảng hôm nay vắng lặng như tờ, không còn bóng dáng một tên địch nào.
Một lúc sau họ đã xác định được bến vượt ở phía tây cảng chừng hơn một ki- lô-
mét. Chỗ đó bờ sông cả hai bên đều thoải và lòng sông không quá rộng như ngoài
cửa biển. Chiều cũng đã muộn, trung đoàn trưởng Lãm hạ lệnh nghỉ ăn chiều để
đợi trời tối sẽ vượt sông.
Đối với Hòa đen thì kỷ niệm về
chuyến vượt sông Bến Hải hôm trước là một kỷ niệm đầy chua xót. Đã không tham
gia chiến đấu được lại còn bị tổn thất nặng nề về người và trang bị. Mặc dù
được thăng chức đại đội phó giữ quyền đại đội trưởng thay cho Uy bị thương nhưng
anh không lấy thế làm vui. Anh biết rằng sau cú sốc đó không ít chiến sĩ của
mình bị nao núng tinh thần. Kể cũng dễ hiểu thôi, vừa mới nhập ngũ được vài
tháng, học chưa hết chương trình đã phải đi chiến đấu. Thế rồi vừa chân ướt,
chân ráo tới chiến trường lại bị một đòn chí mạng của không quân, pháo hạm
địch. Xe cháy, người chết, người bị thương… ai mà không choáng. Đã thế, mấy hôm
sau lại còn tin cả một chiến đoàn xe tăng bị tiêu diệt ở Quảng Trị dội về. Rồi
tiếng thằng pháo thủ chiêu hồi từ trên chiếc L19 cứ ra rả suốt mấy ngày liền…
Trong tiểu đoàn đã lác đác có hiện tượng bỏ ngũ. Ở đại đội của Hòa thì chưa có
trường hợp nào nhưng nhìn vào mắt chiến sĩ của mình Hòa hiểu. Đằng sau những
ánh mắt đảo nhanh vội quay đi khi gặp mắt anh có một cái gì đó rất mong manh và
chỉ cần thêm một tác động trái chiều dù rất nhỏ thôi cũng sẽ đổ vỡ.
Thật may, bên cạnh anh vẫn còn có
chính trị viên Hợp và rất nhiều chiến sĩ vững vàng. Nhất là pháo thủ Nhật. Cậu
cựu cầu thủ đội bóng trường cấp 3 Nguyễn Trãi tuy còn trẻ tuổi nhưng tỏ ra rất
già dặn. Chính Nhật là một cầu nối quan trọng để anh và các cán bộ trong đại
đội hiểu sâu sắc hơn tâm tư, nguyện vọng các chiến sĩ trẻ trong đại đội mình.
Cũng chính Nhật có ý kiến với các anh hãy đừng rao giảng dông dài về mục đích,
lý tưởng rồi tình hình nhiệm vụ mới nữa. “Cái này bọn em nghe mãi rồi, nói nhiều
nữa nhàm cả tai”- cậu ta bảo thế. Hỏi “thế các cậu muốn nghe cái gì?” thì cậu
ta thủng thẳng: “Em không biết các anh nghĩ thế nào chứ bọn em chỉ muốn nghe,
muốn biết những cái gì gần gũi nhất, dễ hiểu nhất chứ những thứ kia bọn em
thuộc lòng cả rồi”. Thấy Nhật nói có lý anh bàn với chính trị viên Hợp phải
thay đổi nội dung cũng như cách thức sinh hoạt, họp hành. Họ thống nhất với
nhau sẽ ít nói những lời cao siêu mà phải đi vào thực tế, không giấu diếm chiến
sĩ những khó khăn, gian khổ đang đợi họ và phải hướng dẫn họ làm thế nào để
sống được, làm thế nào để vượt qua. Mà phải cố gắng để cho chiến sĩ nói lên
được suy nghĩ thật của mình, kể cả những vướng mắc, những ấm ức đối với cấp
trên. Thế là những buổi học chính trị của đại đội Hòa trở thành những buổi trao
đổi, rút kinh nghiệm rất sinh động và bổ ích. Anh cũng yêu cầu các cán bộ trung
đội khi huấn luyện bộ đội phải chú ý đưa vào những vấn đề sát sườn nhất cho
cuộc chiến đấu. Bản thân anh khi lên lớp cũng thường kể lại những câu chuyện
chiến đấu của đại đội mình, xe mình và chính bản thân mình trước kia. Có lẽ
chính điều đó đã tạo ra sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong tư tưởng chiến sĩ. Đã
thấy lại những nụ cười hồn nhiên, những câu đùa tếu táo. Điều làm Hòa yên tâm
nhất là những ánh mắt trong trẻo, bộc trực không còn vội quay đi khi gặp mắt anh.
Dựa vào một gốc phi lao cụt Hòa nửa
nằm nửa ngồi nhẩn nha nhai bánh lương khô. Anh không tham gia vào câu chuyện
tếu táo của nhóm cán bộ mà nhớ lại ngày Nhật mới được bổ sung về xe mình. Nhìn
cái mặt búng ra sữa Hòa trêu: “Đã đủ tuổi đi bộ đội chưa đấy?”. Cậu ta cười:
“Đúng là còn thiếu sáu tháng nữa. Nhưng nghe nói xe tăng về tuyển em kỳ kèo xin
đi bằng được”. Nghe giọng cậu ta Hòa bật cười: “Thích đi xe tăng đến thế cơ
à?”. Cậu ta hồn nhiên: “Anh đã xem “Chiến công Phai- Khắt chưa? Bộ đội xe tăng
như thế ai chả mê”. Biết cậu ta đã có giấy gọi vào đại học Tổng hợp rồi mà vẫn
đi bộ đội, Hòa hỏi: “Sao không ở nhà đi đại học mà lại đòi đi bộ đội?” thì cậu
ta thủng thẳng: “Nhà em chưa có ai đóng góp nên em không được đi. Nhưng em cũng
chẳng tiếc. Đi bộ đội vài năm về học sau cũng không muộn”. Ngẫm nghĩ một lát
cậu ta thêm: “Với lại còn bụng dạ đâu mà ngồi học nữa. Bạn bè thì đã đi hết cả,
còn lại một lũ con gái. Chán mớ đời!”. Cao ráo, đẹp trai, học giỏi, đá bóng
được, chắc là khối cô thầm mong trộm nhớ nhưng kiên quyết: “Không yêu đương gì
cả. Đi thế này một sống, hai chết. Lằng nhằng vào chỉ làm khổ người ta”. Nghe
câu này Hòa khoái chí vô cùng. Thế là anh lại có một đồng minh. Mà sao cậu ta
nói ra cái câu đó nhẹ nhàng đến vậy. Chính sự dứt khoát của Nhật đã củng cố lập
trường của Hòa khi anh phải đối phó với sự “tấn công” của cô dân quân Vĩnh
Thạch khi các anh quay ra tập kết ở đó. Không ai nghĩ cái mặt non choẹt như thế,
đêm gác còn sợ ma, cơm không biết nấu mà lại dám ghì chặt đại liên nhằm thẳng
vào cái máy bay đang lao xuống đầu mình mà bắn. Ấy thế mà khi anh thăm dò định
bồi dưỡng trở thành đối tượng đảng và có hướng phát triển làm cán bộ thì lại
thủng thẳng: “Không! Em chỉ làm lính thôi, đánh nhau cho đến hòa bình thì về đi
học. Nếu làm cán bộ thì lúc ấy lại phải ở quân đội suốt đời. Em không thích!”.
Chắc cậu ta nói thật vì trong cái ba lô lép kẹp của Nhật anh đã thấy có mấy
quyển sách giáo khoa lớp Mười. Lúc rỗi rãi vẫn thấy cậu ta giở ra nghiền ngẫm.
Phải động viên mãi cậu ta mới nhận làm trưởng xe cái xe 234 khi anh chuyển về
xe đại đội trưởng. Hòa thú vị bật cười khi nhớ lại câu nói của Nhật hôm ấy: “Em
làm tạm thôi đấy! Khi nào các anh bồi dưỡng được ai thì em trả lại ngay”. Có
cái gì đó hơi giống nhau giữa Nhật và Thắng, người đồng đội cũ của anh ở xe 567
ngày trước.
Còn lái xe Toản, có hơi ông cụ
non một tý nhưng ân cần, chu đáo lại giỏi kỹ thuật. Những hư hỏng thông thường
lái xe khác phải gọi kỹ thuật viên hoặc thợ, riêng đối với Toản lúc nào cũng
chỉ là “chuyện vặt”. Phát hiện ra có vấn đề, cứ để đấy, làm điếu thuốc lào đã.
Sau vài phút ngất ngư vì khói thuốc xắn tay áo lên “phút mốt, xong ngay”. Chỉ
phải cái tội hơi máu gái, đóng quân ở đâu ngày trước ngày sau đã thấy có “em”
để tâm sự. Cậu ta vẫn thường bĩu môi chê Nhật “ngốc nghếch”: “Tội quái gì! Mình
thì đỡ buồn mà các em thì cũng vui”. Hòa không tán thành với cách nghĩ ấy nhưng
anh cũng tặc lưỡi bỏ qua, chỉ nhắc nhẹ: “Làm sao thì làm, đừng để lại hậu quả
cho người ta mà mang tội”.
Ngồi nghĩ về những người đồng đội
bây giờ Hòa lại lan man nhớ về Nhã, về Cân, về Thắng- những người đồng đội của
anh trong kíp xe 567 năm nào. Mỗi người một tính một nết, có ưu, có khuyết
nhưng đều tốt đẹp làm sao. Có lẽ số phận đã ưu ái anh, ban cho anh những người
đồng đội, những người bạn thật tuyệt vời. Hôm nghe tin xấu về Nhã, Hòa đã lẻn
ra rừng cao su khóc một mình. Anh thương Nhã một thì thương mẹ Nhã, thương Hiền
mười. Chỉ đến khi các thủ trưởng đi họp về nói lại đầu đuôi câu chuyện anh mới
như trút được gánh nặng trong lòng.
Trời tháng Ba ta sập tối thật
nhanh. Nhưng khi ánh sáng mặt trời vừa tắt thì mọi người mới phát hiện ra mặt
trăng như một cái đĩa bạc đã treo lơ lửng trên bầu trời tím thẫm đằng đông.
Ngước nhìn mặt trăng đã gần tròn trung đoàn trưởng Lãm ngơ ngác:
- Ơ! Đã sắp đến rằm rồi cơ à?
Chết thật! Bận đến nỗi chẳng nhớ gì đến ngày tháng nữa.
Mấy chiếc thuyền nan của du kích
địa phương nhẹ nhàng cặp sát bờ. Người chiến sĩ dẫn đường hối thúc cả đoàn
nhanh chóng xuống thuyền vượt sông. Đêm hôm đó và ngày hôm sau họ đã len lỏi đi
sâu vào vùng địch. Thật may hệ thống đường sá phía bờ nam Cửa Việt tốt hơn
nhiều so với bờ Bắc. Trung đoàn trưởng Lãm phấn khởi ra mặt. Nỗi lo về đường cơ
động của anh đã nhẹ hẳn đi. Lãm cũng đã quyết định chọn thôn Hà Tây làm nơi đặt
sở chỉ huy và lực lượng dự bị, còn thôn Vĩnh Huề làm vị trí tập kết trước chiến
đấu cho tiểu đoàn 66. Mọi việc thuận lợi hơn dự định nên rạng sáng ngày thứ ba
các anh đã trở ra Vĩnh Thạch.
***
Rồi thì những lo lắng, hoài nghi
của Cân cũng được bức điện của Bộ tư lệnh Thiết giáp gửi vào giải tỏa. Thế là
đã rõ, Nhã vẫn còn sống và không hề có chuyện cả đại đội anh bị tiêu diệt như
đài địch đưa tin. Tuy vậy Cân vẫn không sao vui lên được. Hơn một tuần nay,
tiểu đoàn anh tham gia tiến công An Lộc đã bốn trận rồi mà vẫn chưa làm chủ
được cái thị xã bé như “mắt muỗi” này. Đã thế lại bị cháy mất hơn chục xe, cán
bộ, chiến sĩ thương vong cũng nhiều. Tiểu đoàn có ba đại đội thì đại đội 6 và
đại đội 8 đã gần như bị xóa sổ, chỉ còn đại đội 10 của anh là tương đối nguyên
vẹn. Là chính trị viên phó đại đội, mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu
nhưng phải làm công tác thương binh, tử sĩ nên Cân thấm thía hơn ai hết những
tổn thất của đơn vị mình. Nghe nói Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định sẽ tổ chức
đánh trận quyết định trong mấy ngày tới Cân quyết định lên gặp tiểu đoàn trưởng
Nghi. Vì là chỗ quen biết cũ nên Cân bỗ bã:
- Anh Nghi! Nghe nói mình lại
chuẩn bị đánh tiếp à?
Nghi mệt mỏi gật đầu:
- Ừ! Tớ cũng vừa mới nhận nhiệm
vụ về chưa kịp triển khai, chắc khoảng dăm hôm nữa sẽ đánh trận quyết định.
Cân thảng thốt:
- Các anh phải nghĩ cách làm sao
chứ cứ đánh như mấy trận vừa rồi thì chỉ có đốt hết xe thôi.
Tiểu đoàn trưởng Nghi buồn bã
buông thõng:
- Tớ cũng đang nẫu cả ruột đây.
Thế cậu bảo phải làm gì bây giờ?
Bị Nghi vặn lại Cân đâm bí. Thực
ra qua theo dõi mấy trận đánh vừa rồi Cân thấy xe tăng bị thiệt hại nặng chủ
yếu là vì đội hình chiến đấu giữa xe tăng và bộ binh bị cắt rời. Không được bộ
binh yểm hộ, mấy chiếc xe tăng đơn thương độc mã trong thị xã bị bọn địch nấp trong
các ngõ hẻm hoặc nhà cao tầng dùng súng chống tăng diệt hết chiếc này đến chiếc
khác. Mặt khác, do lực lượng phòng không của mặt trận quá yếu nên máy bay địch
gần như hoàn toàn làm chủ bầu trời, chúng tự do bay lượn dùng hỏa tiễn và bom tập
trung đánh vào đội hình tiến công dưới đất như đánh đáo làm gì mà chẳng cháy,
chẳng tổn thất. Nhưng làm thế nào để khắc phục tình trạng này thì Cân chưa nghĩ
ra, cuối cùng anh cũng mạnh dạn phát liều:
- Anh phải có ý kiến với bên bộ
binh, bảo họ phải bám sát lấy xe tăng, hai bên yểm hộ, bảo vệ lẫn nhau ấy. Rồi
còn phải đề nghị tăng cường thêm ít cao xạ nữa mới được.
Nghi lắc đầu cười buồn:
- Biết thế! Họp hành rút kinh
nghiệm tớ cũng đã có ý kiến rồi. Nhưng cậu thấy đấy, đặc điểm tác chiến thành
phố, thị xã nó khác. Từ trước đến nay anh em ta chỉ mới được huấn luyện đánh
địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở vùng đồi núi. Chính vì vậy khi tiến
công điểm cao 128, sân bay Đồng Long và trận Núi Gió của đại đội cậu hôm kia
đều thắng lợi. Nhưng cứ vào thị xã thì y như rằng lại “sứt đầu, mẻ trán”.- Anh
phẩy tay ra chiều bất lực- Đường thì thẳng tắp, trống trơn, xe tăng thì tiến
theo hàng một, bộ binh thì bị máy bay đánh cho tan tác không thể bám sát xe
tăng. Thế cho nên dẫu có rút kinh nghiệm rồi đấy nhưng cũng chẳng cải thiện
được tình hình. Mà ở trong này lực lượng phòng không thì quá yếu, chỉ trông chờ
vào mấy khẩu cao xạ tự hành của mình nên bọn máy bay nó muốn làm gì thì làm. Bộ
binh thì chưa quen tác chiến hiệp đồng, cứ ỷ lại vào xe tăng. Đến lúc bị máy
bay nó ngăn chặn lại mặc cho xe tăng “đơn thương, độc mã” chiến đấu. Cậu bảo tớ
phải làm gì bây giờ?
Ngồi nín lặng một lúc Cân đứng
dậy:
- Tôi không biết! Nhưng dù thế
nào các anh cũng phải tìm mọi cách không để tình trạng này tái diễn nữa. Biết
bao nhiêu mồ hôi, xương máu mới đưa được một một cái xe tăng vào đây mà mới có
mấy hôm đã tiêu hơn chục chiếc rồi. Người thì cũng đã thương vong cả đống. Cứ
như thế thì chả mấy mà tiểu đoàn ta bị xóa sổ.
Dứt lời Cân đi thẳng chẳng chào
hỏi gì để lại một mình tiểu đoàn trưởng Nghi ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Tuy nói
vậy song Cân cũng rất thông cảm với tiểu đoàn trưởng của mình. Quả thật đây là
một bài toán cực kỳ nan giải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét